Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 10.2017

Thứ ba - 10/10/2017 06:06

SO VỚI HOÀN CẢNH BỊ BÁCH HẠI CỦA THỜI KÌ CHA ÔNG, ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN CỦA CHÚNG TA HÔM NAY ĐƯỢC THUẬN LỢI VÀ BỊ NHỮNG THÁCH ĐỐ NÀO?

Có một lần tôi nói với một ông cha ở một giáo xứ: “ngày nay người ta xếp việc đi tham dự Thánh lễ Chúa nhật vào hạng hai, hạng ba, chứ không phải ưu tiên hàng đầu buộc phải đi.

Vị cha xứ đó liền nói: như vậy là còn đỡ chứ sợ họ xếp vào hạng năm hạng sáu, là họ chỉ đi lễ Chúa nhật khi họ thấy lâu quá rồi họ chưa đi hay là hôm nay không có đám cưới hay đám giỗ hay không có một ai rủ nhậu nên đành đi vậy. Họ xem đi ăn đám giỗ đám cưới, đi chơi  hay ăn nhậu là việc cần thiết, còn việc đi đến nhà thờ thì không đi cũng không sao.

Nhìn vào trong Tin Mừng chúng ta thấy chính Chúa Giêsu nhiều lần đã phải ngạc nhiên trước sự cứng tin của con người. Ngài đã từng thốt lên lời cảm thán: “khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”(Lc 18, 8). Quả thật, hành trình Đức tin thời nào cũng đầy thách đố gian nan. Không thiếu những người đã từ chối đón nhận hồng ân đức tin, nhiều người đánh mất hoặc không sống những đòi hỏi của đức tin. Thời đại chúng ta cũng không phải là một ngoại lệ, tuy nhiên so với thời kì của ông cha ta của một hai thế kỉ trước phải sống trong sự bắt bớ rất là nhiều cùng với những thiếu thốn và khó khăn trong cuộc sống, nhưng họ vẫn một lòng trung tín với Thiên Chúa, vì vậy Giáo Hội vẫn phát triển. Trong khi đó, thời hôm nay là thời đại của văn minh trí tuệ, thời đại của khoa học, kỹ thuật làm cho con người được nâng cao hơn, ấy vậy mà, thay vì con người được nâng cao phẩm giá thì ngược lại con người lại đang đứng trước khủng hoảng về luân lý, đạo đức và kể cả loại bỏ niềm tin tôn giáo ra khỏi cuộc sống của họ. Và đây là thách đố lớn cho đời sống đức tin của người công giáo trong thời đại ngày hôm nay.

I. NHỮNG THUẬN LỢI CỦA NGƯỜI KI TÔ HỮU SỐNG ĐỨC TIN TRONG NGÀY HÔM NAY:

Nhưng trước hết, chúng ta hãy nhìn vào những điều kiện thuận lợi để phát triển đức tin so với thời kỳ bách hại của cha ông chúng ta.

Ngày nay, số lượng nhà thờ được xây dựng nhiều hơn, đi đâu chúng ta cũng có thể gặp được nhà thờ, nhờ như vậy mà giúp cho giáo dân thuận lợi dễ dàng hơn trong việc đi tham dự thánh lễ,

Ngoài ra, hàng linh mục và tu sĩ cũng gia tăng rất nhiều và nhà thờ nào cũng có từ một đến hai linh mục mục vụ tại nơi ấy, cùng với cộng đoàn của các dòng tu hiện diện tại các giáo xứ cũng gia tăng.

Các hội đoàn được thành lập để nâng đỡ cho nhau cũng như đóng góp công sức và công cuộc truyền giáo cho Giáo Hội, mà nhờ đó đức tin cũng sẽ được phát triển hơn. Ví dụ: thiếu nhi Thánh Thể, ca đoàn, giáo lý, legio,hiền mẫu, gia trưởng....

Ngày xưa, để đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ người ta có thể phải đi từ chiều hôm trước vì thời này đa số người ta chỉ có một phương tiện duy nhất là đi bộ, ngược lại ngày nay đa số đều có xe gắn máy, vì vậy mà việc đi đến nhà thờ tham dự thánh lễ cũng tiện lợi và nhanh chóng hơn.

Nhờ công nghệ thông tin phát triển nên việc cập nhật những thông tin của Giáo Hội được nhanh chóng và dễ dàng hơn, và họ có thể tham khảo giáo lý hay suy niệm tin mừng ngay trên internet để gia tăng kiến thức Kinh Thánh. Ngoài ra, ngày hôm nay sách vở được phổ biến rất rộng rãi nên, từ sách kinh thánh, sách giáo lý, các sách thiêng liêng, tu đức... được bày bán dễ dàng nên cũng rất thuận lợi để truyền bá đức tin và kiến thức đến cho mọi người, nhờ vậy mà đức tin được củng cố và gia tăng.

Ngoài những điều kiện thuận lợi kể trên, bên cạnh đó có rất nhiều thách đố trong cuộc sống làm cho việc sống đức tin của người kitô hữu gặp rất nhiều khó khăn.

II. NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN HÔM NAY.

Sống trong xã hội hôm nay, người tín hữu công giáo đang phải đối diện với những thách đố như là những nguyên nhân chính làm cho nhiều người đánh mất Đức Tin, hoặc xa rời Giáo Hội và dửng dưng với việc thực hành Đạo

1. Thách đố từ những chủ nghĩa triết thuyết.

a- Vô thần duy vật

Thách đố trước hết đối với Đức Tin chính là môi trường mà chúng ta đang sống và “hít thở”, đó là một xã hội vô thần duy vật. Đây một xã hội tự bản chất chối bỏ Thiên Chúa, đề cao vật chất và quyền lực. Sự chối bỏ Thiên Chúa sẽ là nguyên nhân đưa tới sự sa đọa của con người và xã hội. Khi một xã hội vắng bóng Thiên Chúa, người ta sẽ tạo ra những “thiên chúa khác” nơi một con người hoặc nơi vật chất như người Do Thái trong Cựu Ước đã đúc ‘bò vàng” để thờ như thờ Thiên Chúa. Xã hội chạy theo sức hấp dẫn của đồng tiền. Của cải và quyền lực lên ngôi. Thang giá trị đạo đức bị đảo lộn. Người ta tôn thờ tiền thành tiên. Có tiền mua tiên cũng được! Người ta tìm cách kiếm tiền để có quyền và có quyền thì càng kiếm được nhiều tiền. Đồng tiền trở thành phép thử con người, muốn biết một người như thế nào thì hãy “nhúng người đó vào dung dịch đồng tiền”. Trong tình thế xã hội như vậy, đã không ít nhiều người Công Giáo cũng bị cuốn vào ma lực của đồng tiền, nên đánh mất Niềm Tin, xa rời Giáo Hội. Trước thách đố này, chúng ta cần nhớ lại Lời Chúa dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được.” (Mt 6, 24).

b- Chủ trương duy tương đối

Còn có một thách đố lớn hơn đối với Đức Tin mà Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI luôn cảnh báo, đó là chủ trương duy tương đối. Chủ trương này khiến cho con người hôm nay không còn muốn chấp nhận các chân lý tuyệt đối nữa, không quy chiếu và sống theo một chuẩn mực luân lý hay giá trị đạo đức khách quan nào nữa. Tất cả là tương đối và không muốn thừa nhận một chân lý khách quan mà con người phải theo chuẩn mực chân lý đó. Vì vậy mà họ sống theo những chọn lựa và chuẩn mực cá nhân cho riêng mình. Đây là sai lầm căn bản dẫn đến những sai lầm khác của con người hôm nay.

Để chống lại lối sống này, người Công giáo được mời gọi trở về với các Chân Lý Đức Tin, trung thành với các giá trị Tin Mừng và kiên nhẫn thực hành Đức Tin trong mọi hoàn cảnh sống của mình.

c- Chủ trương duy thế tục

Trào lưu tục hóa là một nỗ lực nhằm tách rời các lãnh vực trần thế như văn hóa, kinh tế, khoa học, chính trị, giáo dục, nghệ thuật… ra khỏi ảnh hưởng và sự chi phối của tôn giáo; một nỗ lực xác định sự độc lập cho các sinh hoạt trần thế của con người và đặt chúng trên nền tảng lý trí tự nhiên chứ không phải đức tin siêu nhiên, nhất là một lý trí ngày càng chứng tỏ được sức mạnh qua những thành quả của khoa học và kỹ thuật được cho là những hoạt động thuần lý trí. Gọi cách tượng hình: tục hóa là sự tách biệt giữa Vương quốc Thiên Chúa và Vương quốc César. Để rồi họ xác lập quyền tự chủ cho trần thế, và không ngần ngại đi tới chỗ coi tôn giáo là phản tiến bộ, mê tín, phương hại cho hạnh phúc của con người, để cuối cùng phủ nhận tất cả những thực tại siêu nhiên và chỉ nhìn nhận một thực tại duy nhất là trần thế. Khi tục hóa đạt tới mức độ đó, nó sẽ được mệnh danh là Chủ nghĩa Duy Thế tục, mang bản chất vô thần, duy vật và bài tôn giáo nữa.

=> Đồng hành chủ thuyết vô thần duy vật, thuyết duy tương đối, chủ nghĩa duy thế tục trong chính lý thuyết cũng như thực hành, luôn tìm cách loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống để xây dựng một nền luân lý hay luật lệ tùy tiện, không căn cứ vào một tiêu chí khách quan nào. Khi cổ vũ cho một nền luân lý duy thế tục, con người rơi vào “Thảm họa của nền văn hóa sự chết” như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh báo. Biết bao nhiêu vụ thanh toán, giết người, bạo hành đẫm máu…vv… đang lan tràn. Sự đối kháng với Đức tin của chủ thuyết duy thế tục đạt đến đỉnh điểm khi người ta nhân danh một nền luân lý duy nhân bản để hợp thức hóa các tội ác và tệ nạn: phá thai, ly dị, hôn nhân đồng phái, tự do luyến ái, trợ tử … những điều cũng không thiếu trong xã hội Việt Nam chúng ta hôm nay.

2. Thách đố từ xã hội.

a- Gian dối và lừa lọc lên ngôi

Xã hội Việt Nam đang bị báo động bởi đầy dẫy những bất công, lạm quyền và giả dối lan tràn, tham nhũng hối lộ, bằng cấp giả, thuốc giả, thực phẩm nhiễm bẩn... Đạo đức suy thoái, lương tâm và nhân phẩm bị xúc phạm. Mấy câu thơ sau đây có thể tóm tắt thực trạng xã hội:

“Nhân phẩm ngày nay giảm giá rồi,

Chỉ còn thực phẩm tăng giá thôi,

Lương tâm bán rẻ hơn lương thực,

Chân lý chân giò một giá thôi.”

Sống trong môi trường như thế, nhiều người lập luận: người ta gian dối mà mình trung thực là mình thiệt! Chính vì vậy, nó đã ảnh hưởng rất là nhiều lên những người Công Giáo, và họ cũng hành xử như người không tin, cũng lừa lọc, gian lận đủ cách để làm sao mình có lợi.

b- Sự đề cao hưởng thụ cá nhân

Chưa hết, chúng ta đang phải đối diện với một nền văn hóa bị thống trị bởi lối sống hưởng thụ ích kỷ, trong đó, con người chạy theo lối sống hưởng thụ cá nhân, biến người khác như một món hàng để chiếm đoạt và mua bán. Tương quan yêu thương và nhân bản bị xếp sau tương quan trao đổi và lợi ích kinh tế. Xã hội này đã sinh ra những con người bằng mọi cách để kiếm tiền và hì hục hưởng thụ! Khi sống theo lối sống này, con người trở nên ích kỷ, quy ngã, hời hợt, và ít quan tâm đến người khác, thiếu khả năng liên vị, không biết tôn trọng và yêu thương người khác.

3. Thách đố từ gia đình.

“Gia đình là Giáo hội tại gia, là trường học tự nhiên và căn bản trong nền giáo dục Kitô giáo”. Gia đình Công giáo là Hội Thánh tại gia, Hội Thánh thu nhỏ. Chính trong gia đình, Đức Tin được đón nhận, được thể hiện, được lớn lên, trổ sinh hoa trái thiêng liêng trong cuộc sống và được thông truyền cho các thế hệ tiếp nối. Thế mà nhiều gia đình ngày nay, không những không chú trọng điều này mà còn chẳng quan tâm đến việc xây dựng nếp sống trong gia đình, cha mẹ thiếu gương mẫu về đạo đức, về lối sống và không lo dạy bảo con cái biết Chúa, dạy con cách làm dấu, đọc kinh; thậm chí, một số cha mẹ còn không thuộc kinh.

 Việc cha mẹ dạy dỗ con cái sống đức tin và sống đức tin là điều hiếm có. Trong khi đó, việc giáo dục đức tin, và ngay cả việc học kinh học bổn để lãnh nhận các bí tích cần thiết trong đạo của con em nơi các gia đình ngày nay, cũng được phó mặc cho xứ đạo, cho cha xứ, các sơ dạy được gì làm được gì thì làm.. Có những cha mẹ vì quá nhiều việc nên không có thời gian nghĩ đến Chúa; thậm chí, một số cha mẹ còn không muốn cho con đi học giáo lý mà bắt con đi học thêm hay ở nhà học bài vì lý do bài vở quá nhiều. Cũng có một số cha mẹ cho con đi học giáo lý nhưng không quan tâm con học ra sao, nhiều khi con nói đi học giáo lý nhưng lại trốn đi chơi game, đi chơi với bạn bè…

Cho nên, khi mà giáo lý không còn là “sơ cấp, căn bản” thì những hiểu biết cơ bản về Đức Tin, về Thiên Chúa bị mờ nhạt như là một hậu quả tất yếu. Thử hỏi khi bước vào một môi trường luôn thay đổi, hoà nhập vào xã hội với đầy rẫy những ngã rẽ hấp dẫn của thế gian, trẻ em lớn lên có giữ được bản thân mình không? Còn giữ vững được cái nền tảng của Đức Tin Kitô giáo không?

Hơn thế nữa, ngày nay nhiều gia đình không có thói quen dành thời gian để đọc kinh hay cầu nguyện chung. Vì thế, con cái không ý thức được tầm quan trọng của cầu nguyện cũng như việc đọc kinh chung. Trong khi đó ngày xưa mặc dù việc đi nhà thờ hay việc học giáo lý gặp nhiều khó khăn nhưng ai cũng thuộc kinh từ người lớn cho đến trẻ em, và tối đến nhà nào cũng đọc kinh trong gia đình, chính việc đọc kinh chung trong gia đình và giáo xứ làm cho người ta giữ vững được đức tin giữa những cơn bách hại.

Đã vậy, đời sống của ngày hôm nay thay đổi rất là nhiều, Ngày xưa, đa số mọi thành viên trong gia đình đều làm chung một nghề, làm nông nghiệp, làm thủ công, làm mộc... và thường làm tại nhà, việc làm chung này tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành viên trong gia đình chia sẽ công việc cho nhau, và sống gần gũi với nhau, nhờ vậy mà họ dễ dàng sinh hoạt chung trong gia đình như ăn cơm chung, đọc kinh cầu nguyện chung và cùng nhau đi lễ chung... ngày nay thì khác, mỗi người trong gia đình làm mỗi nghề khác nhau, giờ làm việc nhiều khi ngược nhau, vợ làm ca ngày chồng làm ca đêm, con cái thì thoát ly gia đình rất sớm để học hành, để làm ăn ở nơi phương xa chứ không còn ở trong gia đình trong làng trong xóm như xưa. Vì thế gia đình không có nhiều cơ hội để sinh hoạt chung, cho nên việc cầu nguyện hay đọc kinh chung đi lễ chung không còn nữa và cũng vì ít gặp nhau trong cuộc sống nên họ không thường nhắc nhở nhau về việc đi tham dự thánh lễ hay nhớ cầu nguyện mỗi sáng mỗi tối... vì vậy dẫn đến đức tin ngày càng lạc mất dần.

4. Thách đố từ bản thân.

Do ảnh hưởng của các “căn bệnh chủ nghĩa”: chủ nghĩa tự do (thích làm gì thì làm), chủ nghĩa cá nhân (chỉ biết sống cho mình mà không cần quan tâm đến những người khác), chủ nghĩa hưởng thụ (thích tiêu xài, hưởng lạc thú, thỏa mãn bản thân, tận hưởng sung sướng), chủ nghĩa duy lợi (lợi dụng người thân bạn bè, cái gì tốt thì giữ cho mình còn cái gì xấu thì trút lên người khác, đánh giá cuộc sống theo những món lợi), chủ nghĩa tương đối (tất cả chỉ là tương đối: con người cũng tương đối thôi, học cũng tương đối thôi, tình yêu cũng chỉ tương đối thôi, Thiên Chúa cũng tương đối thôi, đạo nghĩa cũng tương đối thôi…) đang lan dần trong xã hội và đặc biệt ăn sâu vào trong lớp người trẻ hôm nay, để rồi xem thường những giá trị của con người, lương tâm con người bị bán rẻ, đạo đức được đưa ra cân đo đong đếm bằng đồng tiền, và bằng cấp đánh đổi bằng tiền bạc... Quyền lực, danh vọng, tiền bạc đã trở nên những ông chủ đích thực quyết định sự “công bằng” cho luân lý và đạo đức.

Thật vậy, “căn bệnh chủ nghĩa” khiến con người ngày nay trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với đồng loại, chai lì tình thương với anh em mình, mờ mắt trước nỗi đau của tha nhân, câm lặng trước bạo lực, bất công... và điều nguy hiểm hơn là vô cảm trước tội lỗi. Chính vì thế mà tình tương thân tương ái, việc chia sẻ trong cuộc sống của con người đang dần mất đi. Giờ đây, vật chất đối với họ là trên hết, nên hậu quả là họ dễ dàng chểnh mảng, bỏ bê việc chăm lo đời sống thiêng liêng, là bổn phận rất cần thiết cho đời sống tâm linh của người mang danh Kitô hữu.

III. KẾT LUẬN

Đứng trước những trào lưu thế tục và đề cao chủ nghĩa cá nhân... thì giờ đây chính các giáo xứ phải đóng một vai trò quan trong trong việc gìn giữ đức tin của các kitô hữu. Nhưng trước hết đó là việc quan tâm giáo lý từ đồng cỏ non cho đến vào đời, đồng thời cũng cũng có các lớp cho các bạn trẻ để giúp họ phát triển đời sống đức tin để phù hợp với đà tiến triển của họ trong cuộc sống, và những khóa tiền hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình công giáo gương mẫu. Cũng như có những buổi hội thảo giáo lý, thuyết trình về đời sống đức tin để họ có cơ hội cũng cố đức tin mình và của người khác

Ngoài ra cũng nên thành lập các hội đoàn, như legio, hội hiền mẫu, gia trưởng...để họ cùng nhau làm việc cho nhau và làm chứng cho đức tin.

Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Tá Toàn

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập162
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm147
  • Hôm nay9,464
  • Tháng hiện tại419,353
  • Tổng lượt truy cập28,734,722

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây