Lược sử Giáo xứ Vĩnh Thạnh

Thứ ba - 02/01/2018 21:11
GIÁO XỨ VĨNH THẠNH
 

 
 
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
 
Địa bàn hành chánh của giáo xứ Vĩnh Thạnh gồm các thôn Tùng Giản, Tân Giản, Kim Tây, Kim Đông, Huỳnh Giản Nam, Huỳnh Giản Bắc của xã Phước Hòa; các thôn Lạc Điền, An Lợi, Phổ Đồng, Lương Bình, Tư Cung của xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước và các xã Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Hải huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
Địa bàn mục vụ gồm các giáo họ: Vĩnh Thạnh, Lạc Điền, Tân Thành, Bảo An, Hòa Bình, Trung Lương, Tư Thanh, Gia Phước.
 
Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ tại nhà thờ Vĩnh Thạnh, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
 
II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Nhà thờ Vĩnh Thạnh tọa lạc bên bờ tả ngạn hạ lưu sông Kôn, cách cầu Gò Bồi về phía tây khoảng 250m. Nguyên tên gọi Gò Bồi cho thấy nó được hình thành trong quá trình bồi tụ của dòng sông. Gò Bồi cách Nước Mặn, một thương cảng sầm uất của Đàng Trong vào đầu thế kỷ 17, khoảng 3,5 km. Cuối thế kỷ 18, cửa Kẻ Thử,[1] cửa ghe thuyền từ biển vào Nước Mặn, bị bồi lấp. Thương cảng Nước Mặn cũng vậy. Bến vạn Gò Bồi được ra đời nhằm đáp ứng phần nào nhu cầu trao đổi hàng hóa mà trước đó thương cảng Nước Mặn đảm nhiệm.
 
“Gò Bồi trên bến dưới thuyền
Ghe bầu theo lạch đậu liên tiếp bờ”
         
Dù vạn Gò Bồi không vươn lên như Nước Mặn, không phồn thịnh như Nước Mặn, nhưng nó giải quyết được nhu cầu trao đổi hàng hóa nội địa giữa miền xuôi và miền ngược:

 
“Ai về nhắn với nậu nguồn
Măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên.”
           
Ngoài những ghe thuyền, hàng quán buôn bán phồn thịnh, Gò Bồi thuộc thôn Tùng Giản và các thôn kế cận: Kim Giản, Tân Giản và Huỳnh Giản, những làng ven sông, còn có đồng ruộng phì nhiêu, nguồn hải sản từ sông, biển rất dồi dào. Đây là vùng nơi sông hẹn biển, nguồn sống trù phú, đã có cư dân tụ cư từ trước thế kỷ 18. Trong số cư dân tụ cư ở đây có các giáo dân như gia đình ông lái Sĩ.
         
Năm 1844, bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu từ Tân Quán về làm dâu nhà lái Sĩ.[2] Lúc bấy giờ vùng truyền giáo nầy do các thừa sai ở Gò Thị đảm nhiệm. Năm 1882, Gò Thị có 4.000 giáo dân trong 21 giáo điểm.[3] Vì số giáo hữu tăng, nên Xóm Nam cùng với Xóm Bắc, Vĩnh An, Vĩnh Minh, Vĩnh Thạnh được tách ra làm thành giáo xứ Xóm Nam, tức Nam Bình ngày nay. Từ đây Vĩnh Thạnh là một giáo họ của giáo xứ Nam Bình.

 
Năm 1900, giáo họ Vĩnh Thạnh có một nhà thờ tọa lạc tại xóm Tùng Thượng. Trận bão năm 1933 đã làm sập nhà thờ nầy.[4] Sau thời gian chuẩn bị tinh thần cũng như vật chất, đầu năm 1935, nhà thờ được mở móng tại khu vườn nhà bà Maria Mađalêna Huỳnh Thị Lưu, theo bản thiết kế của thầy Phân, người họ Bắc Định. Sở dĩ nhà thờ được dời đến vị trí nầy là để kính nhớ và tôn vinh các vị tử đạo bị bắt tại nơi đây và cùng chịu tử đạo dưới thời vua Tự Đức: Đức cha Stêphanô Cuénot Thể, thầy Giacôbê Tuyên, ông Gioakim Quả, chú Giuse Nghiêm và bà Maria Mađalêna Lưu.
 
Trong công trình xây dựng nhà thờ nầy có sự đóng góp của cải, công sức của nhiều người, như: Ông Câu Tằng cúng một mẫu ruộng để làm bàn thờ gỗ, ông Câu Cừu và các vị khác tổng cộng 4 mẫu ruộng. Ngày 23.08.1938, Đức cha Augustinô Tardieu Phú chủ sự lễ khánh thành nhà thờ Vĩnh Thạnh.[5]
         
Năm 1939, giáo họ Vĩnh Thạnh được tách từ giáo xứ Nam Bình cùng với các giáo họ Bảo An, Tân Thành, Lạc Điền được tách từ giáo xứ Gò Thị, để thành lập giáo họ biệt lập Lạc Điền, trực thuộc giáo xứ Gò Thị.[6] Trước khi giáo xứ Lạc Điền được thành lập, tại Lạc Điền đã có các linh mục phó xứ Gò Thị ở tại đây:

 
          1. Cha Joseph Clause Hồng  (1926-1930). 
          2. Cha Jean Marie Tourte Quí (1930), học tiếng Việt.
          3. Cha Paul Valour Lực  (1933-1934).      
          4. Cha Marc Lefèbvre Kim (1934-1936).  
          5. Cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển (1937-1939).
          6. Cha Antôn Lê Bảo An (1939).

Các cha sở Lạc Điền:
 
          1. Cha Phanxicô Xaviê  Phan Đức Ban (1939-1944)
              Năm 1944, giáo xứ Lạc Điền được thành lập, cha Ban được bổ nhiệm làm cha sở tiên khởi.
          2. Cha Augustinô Nguyễn Cao Thìn (1944-1949).    
          3. Cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan (1949-1952).   
          4. Cha Phêrô Nguyễn sĩ Tư (1953-1956).           
          5. Cha Đôminicô Châu Phận (1956-1958).
          6. Cha Luy Nguyễn Bảo (1958-1968).
         
Cha Bảo làm cha sở Lạc Điền nhưng cha dời cư sở về Vĩnh Thạnh.
         
Đầu thập niên 60, cha Bảo xây dựng một trường Trung học tại Vĩnh Thạnh, một trệt, một lầu, gồm 04 phòng, thường gọi là trường Huỳnh Thị Lưu. Niên khóa 1963-1964 có các Đại chủng sinh giúp ở đây: Phêrô Hoàng Đình Hà, Anrê Hoàng Minh Tâm và Giêrônimô Nguyễn Văn Thao. Trường hoạt động được mấy năm bình yên, khi chiến tranh xảy ra, dân chúng đi tản cư, trường không còn hoạt động. Trong thống kê các trường Trung học Công giáo trong giáo phận niên khóa 1966-1967, không thấy có tên trường nầy.[7]
         
Ngày 19.02.1962, Thánh lễ trọng thể kỷ niệm 100 năm Chân phước Giám mục Stêphanô Thể tử đạo, được tổ chức tại Vĩnh Thạnh. Dịp lễ nầy có sự hiện diện của  Đức cha Phaolô Seitz Kim, Giám mục Kontum, các linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ, giáo dân, lương dân. Thánh lễ do Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi cử hành với chén thánh của Chân phước được địa phận lưu giữ. Trước lễ có cuộc rước di ảnh Chân phước từ nhà thờ Nam Bình về Vĩnh Thạnh. Chủng viện Qui Nhơn phụ trách hát lễ và giúp lễ. Để dọn mình cho giáo dân mừng lễ, cha sở Vĩnh Thạnh tổ chức tuần Tam Nhựt do cha Gagnon Hà dòng Chúa Cứu Thế phụ trách.[8]
         
Năm 1966, cha Bảo về Qui Nhơn và qua  đời tại Qui Nhơn vào ngày 20.01.1968. Từ khi cha Bảo qua đời cho đến năm 1975, giáo xứ Lạc Điền không có cha sở, một vài giáo dân rải rác đi lễ Gò Thị hoặc Nam Bình. Sau khi hòa bình vãn hồi, các linh mục trong giáo phận không đủ đáp ứng nhu cầu mục vụ, do đó giáo xứ Lạc Điền và giáo xứ Hòa Bình do cha sở Nam Bình đảm trách: [9]

- Cha Bonaventura Nguyễn Văn An  (1975-1989)

Sau năm 1975, các cơ sở vật chất tại các giáo họ hầu hết bị hư hại, có nơi bị bom đạn làm sụp đổ hoàn toàn. Nhà thờ Vĩnh Thạnh và ngôi trường bị chính quyền địa phương quản lý. Năm 1980, chính quyền địa phương giao lại cho giáo phận. Vì hoàn cảnh, nhà thờ Vĩnh Thạnh với bộ mặt rêu phong hoang tàn vẫn thẹn thùng nép mình bên những cây dại bìm leo, chờ đợi ngày những đôi môi sung sướng mấp máy "Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi, ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa !"

- Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi (1989-2000)

Năm 1992, Đức cha Phaolô giao cho cha Matthêô trùng tu nhà thờ Vĩnh Thạnh để làm Đền kính Thánh Stêphanô Thể. Ngoài việc trùng tu nhà thờ, cha Matthêô còn tu sửa ngôi trường Huỳnh Thị Lưu để làm nhà xứ, xây tường xung quanh khuôn viên nhà thờ. Năm 1994, cộng đoàn các nữ tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn được thành lập tại Vĩnh Thạnh. Nhà xứ được dùng làm nơi ở của các nữ tu, một phòng của ngôi nhà nầy dành để giáo họ sinh hoạt.
Sau thời gian dài thi công rất công phu, ngày 15.8.1994, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các chủ sự lễ khánh thành. Đức cha Phaolô cùng với 28 cha trong giáo phận dâng Thánh lễ tạ ơn. Cùng hiệp dâng thánh lễ có các tu sĩ nam nữ, các chủng sinh và giáo dân từ nhiều giáo xứ trong giáo phận.

- Cha Gioakim Bùi Văn Ninh (2001-2009)

Năm 2001, giáo họ Vĩnh Thạnh làm một non bộ có tượng Đức Mẹ tại sân trước nhà cộng đoàn các nữ tu. Năm 2008, khuôn viên phía sau nhà thờ Vĩnh Thạnh giáp ruộng được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn cho nới rộng và xây tường ổn định.
Cha Ninh xây lại nhà thờ Bảo An (nhà thờ cũ bị sập, còn lại mặt tiền). Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ tế thánh lễ đồng tế làm phép nhà thờ vào ngày 01.01.2005.

- Cha Phaolô Trương Đình Tu (2010-2013)

Ngày 01.5.2011, cha Phaolô Trương Đình Tu đã khởi công đại trùng tu, tôn tạo, nới rộng về phía sau, nâng cao nhà thờ Vĩnh Thạnh, đền Thánh Stêphanô Thể. Sau hơn một năm thi công với bao công của từ lòng quảng đại của các thành phần dân Chúa, công trình được hoàn thành. Cấu trúc tổng thể cộng hưởng hài hòa theo phong cách Gothic và Roman. Nội thất được làm bằng gỗ, chạm trổ, sơn son thếp vàng. Ngoài việc đại trùng tu Đền Thánh, cha còn khởi công xây dựng nhà xứ. Nhà xứ nầy được khánh thành ngày 15.8.2013.

Sáng 14.11.2012, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi đã long trọng chủ sự thánh lễ giỗ 151 năm tử đạo của Thánh Stêphanô Cuénot Thể, và làm phép cung hiến Đền Thánh.  

- Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Mạnh (2013-...)

Ngày 30.05.2013, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi thành lập giáo họ biệt lập Vĩnh Thạnh gồm các giáo họ được tách từ giáo xứ Nam Bình: Vĩnh Thạnh, Lạc Điền, Tân Thành, Bảo An, Hòa Bình và Trung Lương. Cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Mạnh, phó xứ Nam Bình, được bổ nhiệm phó biệt lập giáo họ Vĩnh Thạnh.

Ngày 06.6.2014, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi thành lập giáo xứ Vĩnh Thạnh gồm các giáo họ như khi còn giáo họ biệt lập. Cùng ngày, Đức cha Matthêô ký Văn thư bổ nhiệm cha Phanxicô Xaviê Phan Văn Mạnh làm cha xứ Vĩnh Thạnh. Ngày 14.06.2014, Văn thư bổ nhiệm được công bố. Như vậy địa bàn mục vụ giáo xứ Vĩnh Thạnh  bao gồm địa bàn mục vụ của giáo xứ Lạc Điền và giáo xứ Phương Phi trước kia.[10] Năm 1942, giáo xứ Phương Phi có các giáo họ: Phương Phi (được thành lập trước 1885), Gia Phước (còn gọi là Quán Ngỗng, trước 1850) Hòa Bình (Xóm Chuối, trước 1850), Chánh Lộc (1890), Mỹ Bình, Đông Lương, Chánh Đạt, Long Hậu, Phương Thới (1893-1896), Vĩnh Hội (1921).[11]
         
Trong thời gian đại trùng tu Đền Thánh, cha Mạnh đã cộng tác đắc lực với cha Phaolô Trương Đình Tu. Cha nắm bắt được cần phải làm gì để tôn tạo bầu khí thánh thiêng cho Đền Thánh. Cha Mạnh tiếp tục xây dựng những hạng mục trong khuôn viên Đền Thánh như tượng đài Thánh Stêphanô Cuénot được khánh thành 14.11.2013, hang đá Đức Mẹ được khánh thành ngày 15.08. 2014.
         
Cơ sở vật chất của giáo xứ tương đối ổn định, cha Mạnh củng cố đời sống đức tin giáo dân, ngoài các cử hành phụng vụ, cha hôm sớm với giáo dân trong các việc đạo đức bình dân, chia sẻ, giúp đỡ dân trong những lúc ngặt nghèo, nhất là trong những lúc gặp thiên tai bão lũ.
         
Năm 2015, cha tái lập giáo họ Tư Thanh và năm 2016 cha tái lập giáo họ Gia Phước.
         
III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ
 
STT
GIÁO HỌ, GIÁO KHU
ĐỊA CHỈ
NHÀ THỜ,
N. NGUYỆN
TÌNH HÌNH GIÁO DÂN
BỔN MẠNG
NGÀY
BM
XÂY
DỰNG
HIỆN TRẠNG
GIA ĐÌNH
GIÁO DÂN
1
VĨNH THẠNH
Tùng Giản,
Phước Hòa,
Tuy Phước
1935
đại tu 2013
110
348
Đức Mẹ Lên Trời
15/08
2
Lạc Điền
Lạc Điền,
Phước Thắng,
Tuy Phước
1891
còn hang đá
78
347
Chúa Thánh Thần hiện xuống
 
3
Tân Thành
Tân Giản,
Phước Hoà,
Tuy Phước
1891
không còn NT
30
110
Thánh Giuse
19/3
4
 Bảo An
Kim Đông,
Phước Hòa,
Tuy Phước
1891
Xây mới 2005
15
57
Trái tim vẹn sạch
tháng 6
5
Hoà Bình
Phú Hậu,
Cát Chánh,
Phù Cát
Trước 1885
không còn NT
57
248
Đức Mẹ HX Lên Trời
15/08
6
Trung Lương
Trung Lương,
Cát Tiến,
Phù Cát
1937
không còn NT
37
117
Đức Mẹ Thăm Viếng
31/5
7
Tư Thanh
Tư Cung,
Phước Thắng,
Tuy Phước
1959
không còn NT
29
130
Mẹ Thiên Chúa
   1/1
8
Gia Phước
 
Chánh Hữu,
Cát Chánh,
Phù Cát
Trước 1850
 
không còn NT
5
16
Sinh nhật
Đức Mẹ
   8/9
                                                                 
TỔNG CỘNG: 361 gia đình, 1.373 giáo dân.
           
IV. LINH MỤC, TU SĨ , CHỦNG SINH XUẤT THÂN TỪ GIÁO XỨ
 
1. Cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tước, họ Vĩnh Thạnh.
2. Cha Phêrô Lê Văn Quảng, họ Hòa Bình.
3. Thầy Vénard Nguyễn Đình Bá, Dòng Ngôi Lời, họ Hòa Bình, † 2016.
4. Nữ tu Maria Angélique Lê Thị Truyên, MTGQN, họ Vĩnh Thạnh, † 1941.
5. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Thắm, Phước viện MTG, họ Vĩnh Thạnh,      †1962
6. Nữ tu Maria Généviève Nguyễn Thị Thêm (Thẳm), MTGQN, Vĩnh Thạnh, † 2001.
7. Nữ tu Gertrude Huỳnh Thị Vỹ, MTGQN, họ Vĩnh Thạnh, † 1990.
8. Nữ tu Maria Dương Thị Khôi, MTGQN, họ Lạc Điền.       
9. Nữ tu Anna Nguyễn Thị Thủy, MTGQN, họ Vĩnh Thạnh.
10. Nữ tu Maria Phan Thị Ánh Tuyết, MTGQN, họ Lạc Điền.
11. Nữ tu Maria Ngô Thị Anh Thư, Đaminh Truyền tin, họ Trung Lương.
12. Nữ tu Agata Ngô Thị Thảo, Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, họ Trung Lương.
13. Thầy Phêrô Phan Duy Tân, họ Lạc Điền.
14. Thầy Phanxicô Xaviê Võ Thống Lĩnh, họ Vĩnh Thạnh.
------------------------------------------------
[1] Cửa Kẻ Thử còn có tên gọi là Cách Thử, ngày nay thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.
[2] Mémorial Mission de Qui Nhơn, số 49, 1909, trang 49.
[3] Xem Mgr Van Camelbeke, Rapport 1882.
[4] Năm 1932 và năm 1933 xảy ra hai trận bão liên tiếp. Bão năm 1933 làm sập nhà thờ.
[5] Mission De Quinhon, Compte-rendu et état de la Mission, de Septembre 1937 à Septembre 1938, Imp. de Quinhon, trang 14.
[6] Xem Mission De Quinhon, Compte-rendu et état de la Mission, de Septembre 1941 à Septembre 1942, Imp. de Quinhon, trang 17, 31,32.
[7] Xem Bản Thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 50, tháng 12 năm 1966, trang 41.
[8] Xem Bản Thông tin Địa phận Qui Nhơn, số 26, tháng 1, 2 năm 1962, trang 5-7.
[9] Lúc bấy giờ giáo xứ Lạc Điền và Hòa Bình được chăm sóc mục vụ như là giáo họ của Nam Bình.
[10] Tiền thân của giáo xứ Hòa Bình.
[11] Xem Mission De Quinhon, Compte-rendu et état de la Mission, de Septembre 1941 à Septembre 1942, Imp. de Quinhon, trang 12-16.
 
 

 

Tác giả bài viết: Ban biên tập lịch sử Giáo phận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập70
  • Máy chủ tìm kiếm34
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay13,222
  • Tháng hiện tại400,387
  • Tổng lượt truy cập28,715,756

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây