Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 01.2018

Thứ hai - 08/01/2018 05:30
BÀI THUYẾT TRÌNH DỊP TĨNH TÂM THÁNG 01.2018
CHỦ ĐỀ:
NĂM THÁNH GIÁO PHẬN VÀ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA
ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH
Lời mở
Trong dịp tĩnh tâm tháng đầu tiên năm mới với  chủ đề: NĂM THÁNH GIÁO PHẬN VÀ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN GIA ĐÌNH. Đây quả là một đề tài rộng lớn được bàn thảo nhiều và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống đức tin của mọi tín hữu. Với giáo huấn Giáo hội "nhìn nhận hôn nhân và gia đình là một trong những món quà quí báu nhất của nhân loại" (Familiaris Consortio 1981, số 1).[1] Sự bao la và rộng khắp của vấn đề được dòng lịch sử giáo huấn đã hướng dẫn rất nhiều, cách riêng với lời nhận định của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trên đây và Ngài nhấn mạnh tiếp: “gia đình là con đường của Giáo hội”.[2] Ngài lại nói: "Ðối với Giáo Hội, gia đình là khởi đầu và là con đường quan trọng nhất, gia đình là duy nhất và có một không hai, cũng như mỗi một con người chỉ hiện hữu một lần; gia đình là con đường mà mọi người phải đi qua".[3] Bởi thế cho nên đời sống hôn nhân và gia đình có tầm quan trọng, là điểm qui chiếu, thuộc hàng ưu tiên trong các công tác mục vụ của Hội thánh. Đồng thời trong bầu khí giáo phận Qui Nhơn mừng 400 loan báo Tin Mừng, Năm thánh càng thôi thúc nhắc nhớ các tín hữu sống xứng đáng với ơn Chúa trong chức phận mình, trở nên động lực để Tân Phúc Âm hóa trong đời sống hôn nhân gia đình. Đó là lý do của đề tài, vì vậy con xin được phép giới hạn lại để phù hợp với tâm tình của ngày tĩnh tâm ngắn ngủi này. Trước hết, con xin mời quý cha cùng xem lại ý nghĩa của các hạn từ: “Tân phúc âm hóa”, “hôn nhân và gia đình”; thứ đến cùng điểm qua vài tổ chức, sự kiện gần đây trong công tác mục vụ về hôn nhân gia đình cấp giáo hội hoàn cầu, giáo hội Việt Nam và tại giáo phận Qui Nhơn. Từ những sự kiện và tổ chức vừa nêu, chúng ta cùng nhớ lại và rút ra một vài định hướng trong mục vụ hàng ngày nơi các giáo xứ cho đời sống hôn nhân gia đình. Cụ thể từ gợi ý của thư chung Hội đồng Giám Mục Việt Nam 2017, số bốn nói về: [4] Các linh mục và các cộng đoàn giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành đời sống hôn nhân và gia đình. Cuối cùng là phân định các dấu chỉ thời đại mà mở ra với niềm tin yêu và hy vọng trong Chúa Thánh Thần.
  1. Khái niệm các hạn từ để định hướng
    1. Tân phúc âm hóa:[5] Theo từ điển Công giáo, Tân Phúc Âm hóa là việc loan truyền Phúc Âm bằng những cách thức mới cho các dân tộc có truyền thống Kitô giáo lâu đời, cho các Hội Thánh còn non trẻ, hoặc cho những nhóm người đã chịu phép rửa nhưng nay mất đức tin. Việc Tân Phúc Âm hóa không có nghĩa là đổi mới nội dung của Phúc Âm nhưng là sử dụng những phương thức mới sao cho phù hợp với những biến đổi của thời đại về mọi lĩnh vực, và nhằm giúp người đương thời thấm nhuần Lời Chúa và tinh thần của Chúa Kitô.
    2. Gia đình:[6] Gia đình Kitô giáo là sự hiệp thông giữa các ngôi vị, theo hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Gia đình là tế bào của xã hội, nơi đó, vợ chồng được mời gọi tận hiến cho nhau trong tình yêu và trong việc thông truyền sự sống. Gia đình là cộng đoàn, trong đó, từ thời thơ ấu, con cái được học biết tôn trọng những giá trị luân lý, tôn thờ Thiên Chúa và biết sử dụng tự do. Gia đình là trường học đầu tiên về các nhân đức tự nhiên, đức tin, đức mến Kitô giáo, nên được gọi là “Hội Thánh tại gia”, cộng đồng ân sủng và cầu nguyện.
            Đồng thời với hạn từ “hôn nhân” là việc kết hợp giữa hai người nam và nữ thành vợ chồng. Cách riêng đối với hai người đã rửa tội thì hôn nhân này trở nên bí tích, gọi là bí tích hôn phối, đây là điểm phân biệt giữa hôn nhân của người công giáo và hôn nhân tự nhiên. Lẽ nhiên hôn nhân Công giáo cũng được xây dựng trên nền tảng hôn nhân tự nhiên.
Tóm lại, để thấy mục tiêu của đề tài này, con dựa theo như nhận định trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) trong kỳ đại hội XII, năm 2013 vạch ra chương trình năm Tân Phúc Âm hóa Gia đình 2014 có đoạn: “Mục tiêu của Phúc Âm hóa là dẫn mọi người vào cuộc gặp gỡ cá vị với Đức Giêsu Kitô, trong Thánh Thần, nhờ đó gặp gỡ Thiên Chúa Cha của Người, cũng là Cha của chúng ta, và để đời sống mình được biến đổi theo tinh thần Phúc Âm. Như thế, trước hết chính bản thân chúng ta phải được Phúc Âm hóa, phải củng cố và làm mới lại đức tin của mình, rồi mới có thể giúp những anh chị em đã xa rời đức tin tái khám phá vẻ đẹp và ánh sáng đức tin. Ngày nay, khi một số người chỉ còn là Kitô hữu trên danh nghĩa, chúng ta hãy sống cho đúng với ơn gọi Kitô hữu của mình trong niềm vui, hãy chiếu tỏa sức hấp dẫn của Tin Mừng cho những người chung quanh.”[7] Đúc kết từ những nhận định trên, bài thuyết trình xin qui chiếu về chính đời sống, sứ vụ linh mục và cộng đoàn giáo xứ đóng một vai trò quan trọng, với điểm nhấn giúp các gia đình thấm đượm các giá trị Tin Mừng. Cách đặc biệt trong dịp Năm thánh Giáo phận thúc đẩy việc mục vụ theo chiều kích đồng hành với các gia đình trẻ, mà định hướng của Giáo Hội Việt Nam vạch ra trong năm 2018. Để đi vào chi tiết vấn đề, sau đây con xin nêu lại một vài sự kiện về mục vụ hôn nhân gia đình, từ đó cho thấy sự ưu tư, quan tâm càng cấp thiết hơn cho các gia đình hôm nay.
  1. Các tổ chức và sự kiện mục vụ về hôn nhân gia đình gần đây
  • Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, chủ đề “Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”, diễn ra tại Rôma, từ ngày 7 – 28 tháng 10 năm 2012.[8]
  • Hai thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới về gia đình (2014-2015).
  • Đại hội XII, năm 2013 của HĐGMVN, trong thư chung phần lớn đề cập về hôn nhân gia đình.
  • Đại hội XIII HĐGMVN (từ ngày 3 đến ngày 7/10/2016), cũng đã đề cập tới hôn nhân gia đình. Chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm như sau: Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân; Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ; Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.
  • Thư chung của HĐGMVN 2017 cũng đã đề cập tới đời sống hôn nhân gia đình.
  • Giáo phận Qui Nhơn, khóa tập huấn mục vụ gia đình 27-28.10.2016.
  • Khóa thường huấn linh mục đoàn Qui Nhơn 2016 học hỏi về Tông huấn Amoris Laetitia.
Cuộc sống hiện tại đã quen với hạn từ toàn cầu hóa, thì trong Giáo hội cũng đi đôi với hạn từ Tân Phúc Âm hóa. Trong hoàn cảnh sống mọi thời đại, các gia đình luôn được Giáo hội quan tâm vì sự biến chuyển không ngừng. Mục tiêu cuối cùng vẫn là giúp cho các gia đình nhận thấy sự hiện diện của Chúa trong ơn gọi sống của mình, hầu vững bước trên đường đời, như lời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “nếu không có Chúa ở giữa thì hạnh phúc lứa đôi khó mà bền vững”[9]. Chính vì thế, vai trò và sứ vụ linh mục như những người tiền tuyến trong công tác này thật trực tiếp, cho nên cũng thật vất vả và nhiều hy sinh. Chắc hẳn quý cha thâm niên sẽ càng nhận ra nhiều điều nhiêu khê trong mục vụ hôn nhân gia đình.
Dựa trên gợi ý từ số 4 của thư chung của HĐGMVN 2017, chúng ta cùng nhìn nhận và đi vào thực hành thiết thực:
  • Cổ võ việc cầu nguyện chung trong gia đình, năng tham dự Thánh Lễ và lãnh nhận các bí tích;
  • Tổ chức những buổi tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng trẻ;
  • Tổ chức thánh lễ nhân dịp kỷ niệm hôn phối, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho đời sống gia đình;
  • Tổ chức những buổi nói chuyện về đề tài cụ thể như: sinh sản và giáo dục con cái, những vấn đề thường gặp sau khi kết hôn, cách giải quyết xung đột trong gia đình;
  • Chia sẻ kinh nghiệm của các đôi vợ chồng đi trước, đặc biệt gương sáng và kinh nghiệm của cha mẹ đôi bên có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với các gia đình trẻ;
  • Sinh hoạt nhóm nhỏ theo mô hình “cộng đoàn Giáo Hội cơ bản”, ở đó các gia đình trẻ có thể chia sẻ và nâng đỡ nhau cách cụ thể.
Ngoài những chỉ dẫn cụ thể trên, con xin đưa ra các chi tiết nhỏ khác liên quan trong công tác mục vụ này, mà linh mục coi xứ đóng vai trò quản trị chủ đạo:
  • Quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục đức tin cho người tín hữu, cách riêng trong giảng dạy giáo lý dự tòng và hôn nhân. Trong dịp thường huấn linh mục đoàn gần đây, Giáo phận cũng đã thống nhất với giáo trình học giáo lý dự tòng[10] và giáo lý hôn nhân gia đình[11]. Ngoài ra, vài giáo xứ còn sử dụng lại cuốn giáo lý (Tân Định) năm 1967, một dạng toát yếu bằng hình thức hỏi thưa rất rõ ràng và bố cục đầy đủ, chặt chẽ.  Đồng thời đối với người giảng dạy cần sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu cho các bạn trẻ hôm nay, chú tâm đến chất lượng đời sống đức tin, dẫn dắt người học cảm nhận sự hiện diện của Chúa để biết cầu nguyện. Nhân đây, con xin nêu lên một trải nghiệm nhỏ trong việc hướng dẫn giáo lý dự tòng và hôn nhân: Các gia đình dẫn con em tới xin học giáo lý và lãnh nhận các bí tích cho người dự tòng để tiến tới hôn nhân. Trông thấy phụ huynh rất lo toan trong việc này, mà thực tế có một số gia đình và các bạn trẻ chưa chân nhận đủ giá trị của việc chuẩn bị, hầu như một sinh hoạt đức tin đã bị giảm thiểu còn là một công đoạn hành chính. Còn chính các bậc cha mẹ không hoặc ít sinh hoạt đức tin và các bạn trẻ công giáo cũng không sinh hoạt đức tin. Vậy thì làm sao đủ sức thuyết phục và trở nên gương sáng cho con cái và cho các bạn dự tòng. Câu hỏi đặt ra, học giáo lý dự tòng, hôn nhân để làm gì? trong khi đó bạn không sống đức tin! Rất cần sự lưu tâm, đồng hành, tìm hiểu và nâng đỡ của các linh mục, của các người trực tiếp giảng dạy để thông truyền đức tin thực sự, chứ không dừng lại ở thủ tục bên ngoài của người dạy và người thụ huấn.
  • Chú tâm tới giáo huấn qua bài giảng lễ với những biến chuyển thời đại. Nêu cao ơn gọi sống gia đình, đồng thời xóa tan não trạng trọng nam khinh nữ, để tiến tới một giá trị Tin Mừng trong căn cốt nền tảng hôn nhân là sự bình đẳng, tôn trọng, yêu thương và tự hiến. Đồng thời nghiên cứu và hội nhập các giá trị Tin Mừng với các giá trị văn hóa, tôn giáo đã có sẵn tại địa phương bằng ngôn từ dễ hiểu, dễ đón nhận.
  • Mục vụ di dân những người đi xa và người còn ở nhà, rất cần sự liên kết của các hội đoàn tại giáo xứ để chăm sóc mọi thành viên gia đình, cách đặc biệt những ông bà cha mẹ già cả và trẻ em quê nhà, khi mà bố mẹ chúng đi làm ăn xa.
  • Đồng hành, khích lệ, thúc đẩy các phong trào, hội đoàn, cách riêng với Legio trong công tác thăm viếng để nắm bắt tình hình các gia đình nơi giáo xứ.
  • Công tác từ thiện bác ái nhằm hỗ trợ, nâng đỡ các gia đình sau bão lũ và những dịp khó khăn là điều cần thiết, khi mà an sinh xã hội chưa được đảm bảo và ổn định. Đây cũng là trách vụ cách riêng của Caritas Giáo phận đã và đang hoạt động rất tích cực liên kết với các giáo xứ.
  • Rất cần sự cộng tác mọi thành phần tín hữu nơi cộng đoàn giáo xứ: là mối tương quan và liên kết giữa linh mục với các hội dòng, cộng đoàn tu sĩ hiện diện nơi giáo xứ, nhằm chia sẻ trong việc giảng dạy giáo lý, thăm viếng và bác ái…
  • Sử dụng truyền thông hiện thời là một cách Tân Phúc Âm hóa, công nghệ thông tin giúp con người dễ dàng tiếp cận và nắm bắt tình hình, qua đó giúp chia sẻ, quan tâm lẫn nhau nhiều hơn. Một số cha đã tiếp ứng, sử dụng hiệu quả thông tin để thông tri các tình hình hoạt động nơi giáo xứ, cụ thể tình hình bão lũ hằng năm và đã đón nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình khó khăn.
  • Một điểm khác, trong cách quản trị của linh mục coi xứ cần lưu tâm đến các tín hữu phục vụ tông đồ nơi giáo xứ, quan tâm đến đời sống thiêng liêng là hiển nhiên, đồng thời cũng nhớ đến hoàn cảnh đời sống kinh tế của anh chị em, để đảm bảo sự công bằng và hầu nâng đỡ anh chị em trong bác ái.
  • Thêm một ý tâm tư, các linh mục được anh chị em gọi là cha, người cha trong đức tin, trong thương mến, vì niềm tin và xác tín vào Chúa của anh chị em, linh mục trở nên chỗ dựa đức tin, chỗ dựa tinh thần như một người cha trong đại gia đình giáo xứ. Bởi đó, linh mục đóng vai trò người cha và đồng thời cũng đóng luôn vai trò người mẹ, là điểm tựa cho mái nhà giáo xứ. Vì vậy, đặc tính của người cha và người mẹ càng cần thể hiện nơi “cha”. Một cách hiểu ví như nơi gia đình, con cái sẽ an tâm trong sự quản trị của cha mẹ đầy tình yêu thương và đứng đắn trong phẩm vị; ngược lại, khi cha mẹ không đủ quan tâm và không đủ sự tin tưởng từ con cái, ắt con cái cũng lơ là, buồn bực, buông trôi, dần hư hỏng theo trào lưu thế tục… cũng thế một trật tự khác, giữa người lãnh đạo và người dân, một khi lòng dân không yên thì ắt sẽ rối loạn trong cơ cấu đó. Phục vụ trong tình yêu, khôn ngoan và hiền lành là đặc tính người Kitô hữu nói chung mà Chúa Giêsu đã dạy. Cách riêng người linh mục mỗi ngày sống như thế trong sự cầu nguyện và quan sát - một lời mời gọi nên thánh trong chức vụ- Nhờ vậy, hoán cải mục vụ sẽ chính là cơ cấu truyền giáo hữu hiệu, phải khẳng định mục vụ là truyền giáo ngay chính nội tại của nó.
  • Mục vụ hôn nhân và gia đình không thể không để ý đến bối cảnh tại Việt Nam, theo như tông huấn Giáo hội tại Á Châu đề cập tới một vùng đất đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo với các diễn biến phức tạp từ kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường… cần lắm một sự đào sâu để mở đường một cách hiệu quả nhất cho Phúc Âm lan tỏa.
- Và sau cùng, tân Phúc âm hóa đời sống hôn nhân và gia đình trong hồng ân Năm thánh Giáo phận, luôn khởi đi từ ý nghĩa Thánh Kinh, điều mà thánh Phaolô đã nói, nhờ đó mà mỗi người khiêm tốn phục vụ trong chức phận mình và ý thức mình ở trong một đại gia đình đức tin, có bổn phận và quyền lợi từ gia đình này, gia đình giáo hội mà Chúa Kitô là đầu Hội Thánh: Ep 2,22 (Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.); Ep 4, 5-15 (Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. Nhưng mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Ki-tô ban cho. Vì thế, có lời Kinh Thánh nói : Người đã lên cao, dẫn theo một đám tù ; Người đã ban ân huệ cho loài người. Người đã lên nghĩa là gì, nếu không phải là Người đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất ? Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời để làm cho vũ trụ được viên mãn. Và chính Người đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Như vậy, chúng ta sẽ không còn là những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường. Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái.)
Mặt khác, quý Cha và con nhìn nhận việc Tân Phúc Âm hóa về hôn nhân gia đình trong Năm thánh tại Giáo phận đã diễn tiến tích cực trên nhiều khía cạnh. Với những biến chuyển trong mục vụ mà Hội Đồng mục vụ và các ban ngành đã thực hiện, con thiết nghĩ cũng cần nêu lên để thấy sự quan tâm, lòng thao thức tông đồ rất cao nơi nhiều người âm thầm làm công tác này:
  • Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận: trong các công việc của ban thì hơn một năm nay, ban đã xây dựng một Tập san tên gọi Mục Đồng, là một hình thức văn chương được nhiều bạn trẻ tham gia. Được biết, với năm thứ hai của tập san này những chủ đề theo nhịp sống chung của Hội Thánh, là viết về đời sống hôn nhân gia đình. Con nghĩ rằng, công tác này là một cách để Tân Phúc Âm hóa bằng hình thức văn chương.
  • Hầu hết các ủy ban trong giáo phận làm việc không ngừng nghỉ, tất cả các công tác đều xoay quanh và qui hướng về gia đình mà thôi. Cụ thể, nơi giáo phận cũng đã mở ra cuộc thi nhiếp ảnh về nhịp sống năm thánh, đồng thời ban Nghệ thuật thánh cũng làm ra những mẫu tượng về gia đình thánh gia…; Hy vọng sẽ có nhiều sáng kiến khác về mỹ thuật, âm nhạc, sưu tầm và trưng bày cổ vật trong sinh hoạt đời thường của các gia đình… Vì đây là một của những yếu tố cho việc Tân phúc Âm hóa trong việc gợi nhớ hướng tới các giá trị thiêng liêng cao hơn.
Như vậy, trên đây là một số những định hướng của việc Tân Phúc Âm hóa đời sống hôn nhân và gia đình trong bối cảnh Giáo phận sống Năm thánh. Với nhận định mang tính chủ quan của con chắc chắn còn những hạn chế và bất cập, mong quý cha đóng góp. Đồng thời để định hướng diễn tiến mục vụ tốt đẹp thì rất cần một “tâm tình hoán cải” để nhìn lại và bước tới. Đó là hoán cải mục vụ là một tiến trình Tân Phúc Âm hóa mà Đức Thánh Cha đương kim đề nghị cho toàn thế giới.[12] Điều này một lần nữa được nhấn mạnh trong sứ điệp của Ngài đối với những người nghèo, nhân dịp cử hành ngày Thế Giới Người Nghèo vào Chúa nhật 33 thường niên-19/11/2017:[13] Đức Phanxicô khích lệ Giáo hội hướng tới việc “hoán cải mục vụ để thành chứng nhân của lòng thương xót”. Đồng thời Ngài cho biết : đây cũng là ngày nói về việc Tân Phúc Âm Hóa. Ngày này cũng được thiết lập như một thể thức chính thức của việc Tân Phúc Âm Hóa (Mt 11,5), nhờ đó khuôn mặt của Giáo hội được đổi mới trong hành động liên tục của việc hoán cải mục vụ để trở thành chứng nhân cho lòng thương xót.
  1. Linh mục, người hoán cải tiên phong trong đời sống và sứ vụ
Dựa trên bài viết của Đức Cha Pierre – Marie Carré, Tổng Giám mục Montpelliers, thư ký đặc biệt của Đại Hội Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XIII, năm 2014: Tân Phúc Âm hóa các gia đình. Theo Đức Cha có 8 định hướng chính trong nội dung Đại hội.[14] Con xin dựa vào đó mà triển khai với một yếu tố “Hoán cải”.
[Điểm nhấn đầu tiên chắc chắn liên hệ đến Giáo hội vì trong suốt Đại hội Giáo hội luôn được bàn đến. Trước khi nghĩ đến việc loan báo Tin Mừng cho kẻ khác, Giáo hội cần phải đón nhận trọn vẹn Tin Mừng của Đức Kitô và đem ra thực hành. Đó là lý do khiến mọi thành phần Dân Chúa cần phải lặp lại cuộc hoán cải, nếu không làm sao lời rao giảng của ta có thể đáng tin được, khi hành động của ta ngược với lời mình nói? Bên cạnh việc hoán cải luân lý, vấn đề “hoán cải mục vụ” cũng được đặt ra. Hoán cải mục vụ có nghĩa là: ta mong muốn cho Đức Kitô nhất thiết phải được đặt tại trọng tâm các hoạt động và chọn lựa mục vụ. Như thế, ta không cầu nguyện để xin Chúa ban cho các kế hoạch của ta mang lại hoa trái, nhưng ta cầu nguyện để Ngài ban cho ta biết phân định kế hoạch nào phù hợp với lòng mong ước của Ngài. Vì vậy, việc hoán cải mục vụ đòi hỏi thái độ thoát ra khỏi mình, để bước vào những dự kiến của Chúa! “Những việc Thiên Chúa muốn, là các ông hãy tin” (Ga 6,27). Cần nhắc lại rằng, một cuộc hoán cải như thế không bao giờ được thực hiện một lần thay cho tất cả. Chỉ Thiên Chúa mới có thể đụng đến các tâm hồn, hoán cải một con người và mặc khải cho biết Ngài là Đấng nào. Ta cần phải thật sự trở thành những người cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, không đặt mình làm trọng tâm, nhưng xin lửa của Thần Khí để một lễ Hiện Xuống mới lại xảy đến!]
Dựa theo nhận định này, con thiết nghĩ việc hoán cải đầu tiên phải xảy ra nơi các linh mục, là những dụng cụ chủ chốt trực tiếp Chúa dùng trong công tác mục vụ các gia đình. Lời thánh Phaolô đã nói: “Không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong thần khí” (1Cr 12,3). Lời thánh nhân giúp cho người linh mục ý thức hơn sự tương hợp giữa lời nói và hành động của mình, đó là chứng từ sống động, là hình ảnh thuyết phục mọi người. Nhờ đó, dẫn đến một vấn đề cụ thể đó là hoán cải trong cung cách phụng vụ thánh lễ, thực sự buổi cử hành luôn trở nên một sự gặp gỡ mới mẻ từng ngày. Phương cách giáo dục đức tin càng thuyết phục hơn với chính gương sống, cung cách của linh mục. Đây là một cách Tân Phúc Âm hóa hiệu quả, chắc chắn tác động đến mọi thành viên trong gia đình giáo xứ khi tín hữu tham dự các bí tích. Nói đến đây lại nhắc tới sự liên kết hệ trọng giữa đời sống hôn nhân gia đình và các bí tích, vì các bí tích là nguồn nuôi dưỡng hôn nhân gia đình, ngang qua việc cử hành của các linh mục. Chính chứng từ đời sống là sự cần thiết đối với cuộc Tân Phúc Âm hóa, như mục đề trong cuốn sách Đức Cha giáo phận khẳng định.[15]  Đồng thời với ba động từ Đồng hành, phân định, hội nhập” như muốn nhắc nhớ cho các mục tử: một cuộc hoán cải mục vụ theo gương Chúa Giêsu.[16] Vì Chúa Giêsu đã nói: Ta đến, để cho chiên được sống và sống dồi dào. Cách chung mọi tín hữu đều được mời gọi sống theo thần khí, cách riêng các linh mục càng trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô trong thừa tác vụ của mình. Dẫu biết rằng, trong thân phận con người tùy vào sức khỏe, tuổi tác…cùng những thăng trầm đời người, đời sống linh mục nhiều “gánh gồng”, vì thế không ít lần mỏi mệt. Vì sứ vụ Chúa trao, vì niềm tin mà người linh mục luôn làm mới cách thức phục vụ, nói cách khác là hoán cải luôn luôn trong mục vụ cho kịp thời và hiệu quả. Với xác tín Chúa Thánh Thần mới là tác nhân chính của công cuộc này, mọi tín hữu nhìn nhận trong sự khiêm tốn mình là dụng cụ trong tay Ngài. Theo một bài phỏng vấn Đức Tổng giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc, sau Thượng Hội đồng Giám mục ngoại thường về Gia đình năm 2014. Ngài trả lời: “Trước hết, mục vụ là nghệ thuật trên hết các nghệ thuật, nghệ thuật cao cả nhất như thánh Grêgôriô Cả đã nói. Mục vụ gia đình cũng là nghệ thuật dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ðường hướng mục vụ gia đình thì Thượng Hội đồng cố gắng hướng theo con đường đồng hành và thăng tiến, như Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau, dần dần mới nâng lên. Dĩ nhiên, nếu có những lúc phải chữa lành, thì cũng phải chữa lành khi cần thiết. Cho nên mục vụ gia đình có thêm khía cạnh chữa lành. Mục vụ gia đình phải làm thế nào để cho mỗi gia đình Công giáo trở nên một trường học đầu tiên về cách làm người; trường học đầu tiên về xã hội tính, nghĩa là sự giao lưu tiếp xúc gặp gỡ với người khác; trường học đầu tiên về tinh thần Giáo hội và lòng yêu mến Giáo hội; trường học đầu tiên về sự nên thánh vì mọi người Kitô hữu khi chịu phép rửa đều được mời gọi bước theo Chúa Kitô để nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Ðiểm thứ hai: Thượng Hội đồng bàn thế nào để có chương trình giáo dục đào tạo thật vững chắc và rõ ràng. Ðiểm thứ ba là làm sao biến các gia đình Công giáo thành những tác nhân loan báo Tin Mừng. Và điểm cuối cùng thì phức tạp hơn, dài hơn, đó là mục vụ gia đình trong những hoàn cảnh khó khăn và khủng hoảng. Làm sao kết hợp tình thương và chân lý, kết hợp như thế nào trong những trường hợp của những người đã ly dị và tái hôn. Ðây là vấn đề rất khúc mắc. Rồi trong trường hợp những người sống chung bất hợp pháp, nghĩa là không có bí tích hôn phối, bây giờ rất nhiều và tràn lan trên toàn thế giới. Ðiểm thứ ba cũng đề cập tới khá nhiều đó là vấn đề toà án hôn phối, làm thế nào để đơn giản hoá thủ tục để đưa về cho Giáo hội địa phương giải quyết giúp các khủng hoảng về đời sống gia đình".[17]
Chính vì thế, nhờ niềm tin mạnh mẽ vào Chúa Thánh Thần và trái tim mục tử của người mục vụ đời sống hôn nhân gia đình ắt sẽ có nhiều sáng kiến hữu ích cho các gia đình. Sau cùng để Tân Phúc Âm hóa đời sống hôn nhân gia đình, người mục vụ cần biết phân định các dấu chỉ thời đại, con xin trưng dẫn một vài dấu chỉ thời đại tiêu biểu[18] hôm nay, để giúp chúng ta biết nhìn nhận và định hướng trong mục vụ theo sự linh hướng của Chúa Thánh Thần.
  1. Phân định các dấu chỉ thời đại và bước đi trong Chúa Thánh Thần
      Công đồng Vaticanô II cho chúng ta một vài dấu chỉ tiêu biểu của thời đại như : khát vọng hiệp nhất (X. HN 4); vai trò của người giáo dân (X. LM 9); tình liên đới giữa các dân tộc (X. TĐ 14); quyền tự do tôn giáo (X. TD 15); lòng nhiệt thành với phụng vụ (X. PV 43);…Cùng với những nỗ lực của Công đồng, người ta còn có thể kể ra một số hiện tượng tiêu biểu có thể được coi như những dấu chỉ thời đại như :
- Trào lưu xã hội hoá; trào lưu trần tục hoá; những tính chất văn hoá mới trong một xã hội công nghiệp mới
- Cổ võ phẩm giá phụ nữ; giải phóng những nhóm thiểu số; ủng hộ tầng lớp thợ thuyền; đấu tranh cho một sự công bằng trong mức độ toàn cầu . . .
- Khủng hoảng quyền bính; phê bình chủ trương “tập trung”, trong lãnh vực thế tục cũng như lãnh vực tôn giáo.
- Đòi hỏi lời nói phải đi đôi với hành động; nhu cầu của đích thực tính và thái độ thành thật trong mọi lãnh vực; đòi hỏi một sự trong sáng Tin Mừng trong tất cả những gì mang danh Kitô; từ chối một thứ tôn giáo tách biệt với anh em . . .
- Xuất hiện những yếu tố quan trọng của khoa phân tâm; tầm quan trọng của những phân tích xã hội Mác xít; nhu cầu đối thoại giữa Kitô giáo và Mác . . .
- Nguy cơ ô nhiễm môi trường; thái độ tôn trọng lợi ích chung của toàn nhân loại. . .
- Khát vọng hoà bình; nhu cầu đối thoại; trào lưu đại kết; quan niệm bạo lực như một sự dữ tự thân…
- Sự trở lại của nhu cầu chiêm niệm và những lợi ích của đời sống thần bí, theo nghĩa của những truyền thống tâm linh lớn của Đông và Tây phương.
 
Lời kết
[Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình (ĐSGĐ số 86). Vì thế, tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Dẫu cho có những bóng tối và khó khăn che lấp đi phần nào sự cao đẹp của những giá trị hôn nhân và gia đình, nhưng các Kitô hữu vẫn luôn được mời gọi vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng về gia đình cho thế giới hôm nay, và để các gia đình Kitô hữu trở nên tin mừng cho Thiên niên kỷ thứ ba. Trước khi kết thúc, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Gia Thất ở Nazareth như nguyên mẫu và tấm gương của mọi gia đình Kitô hữu. Thánh Gia Thất đã sống khiêm tốn, khó nghèo, đã bị thử thách, bị bắt bớ, bị lưu đày, nhưng các Ngài đã vượt qua nhờ lòng tín thác vào Thiên Chúa. Các Ngài vẫn luôn bảo trợ và giúp đỡ các gia đình chúng ta. Chúng ta hãy năng cầu nguyện cùng các Ngài.][19]
Lời đúc kết trên con xin được trưng dẫn vì trong cùng một tâm tình xin dâng lên Chúa, dâng lên gia đình Thánh Gia phù giúp Giáo phận sống Năm thánh trong việc Tân Phúc Âm hóa đời sống hôn nhân và gia đình còn nhiều khó khăn, thách đố mới. Vì thế đòi hỏi nhiều nỗ lực, hy sinh của mọi thành phần dân Chúa. Cách riêng, trong kỳ tĩnh tâm này, linh mục đoàn Giáo phận chúng con xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp sức, để đời sống linh mục chúng con trung thành cho tới cùng. Xin Chúa trợ giúp, mọi sự từ khởi đầu cho đến hơi thở cuối cùng đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen.                                             
                                                                                               
 
[1] http://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=2601
[2] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/PhucAmHoaGiaDinh/35GiaDinhTrongVanKienGH.htm
[3] http://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&display=2&id=2601
[4] Từ ngày 9 đến 13 tháng 10 năm 2017, HĐGMVN họp Hội nghị thường niên, kỳ II, tại Toà Giám mục Thanh Hoá.
[5] HĐGMVN, UBGLĐT – Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo, Nxb Tôn giáo 2016, tr. 777.
[6] HĐGMVN, UBGLĐT – Ban Từ Vựng Công Giáo, Từ Điển Công Giáo, Nxb Tôn giáo 2016, tr. 314.
[7] http://tinmung.net/GIAOHOI/TanPhucAmGiaDinh/Thu-chung-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-nam-tan-phuc-am-hoa.htm
[8] http://tinmung.net/GIAOHOI/TanPhucAmGiaDinh/Thu-chung-cua-hoi-dong-giam-muc-viet-nam-ve-nam-tan-phuc-am-hoa.htm
[9] https://www.giaophanbaria.org/nam-phuc-am-hoa-gia-dinh/2014/03/18/su-quan-trong-cua-tan-phuc-am-hoa-doi-song-hon-nhan.html
[10] Giáo phận Xuân Lộc biên soạn, Nxb Tôn giáo, 2005.
[11] Ủy ban Giáo lý Đức Tin – HĐGMVN biên soạn, Nxb Tôn giáo 2004.
[12] Giáo phận Qui Nhơn, Khóa Thường Huấn Linh Mục 2014, bài thuyết trình của Cha Tổng Đại diện, Evangelii Gaudium – Niềm Vui Tin Mừng.
[13] http://gpquinhon.org/q/tin-tong-hop/duc-thanh-cha-phanxico-thiet-lap-ngay-the-gioi-nguoi-ngheo-19-11-2017-651.html
[15] ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Tân Phúc Âm Hóa Tại Việt Nam Và Vấn Đề Hội Nhập Văn Hóa Trong Lãnh Vực Luân Lý, Nxb Phương Đông 2014, tr. 120.
[16] http://gpquinhon.org/q/gia-dinh/gioi-thieu-tong-quan-tong-huan-amoris-laetitia-ve-tinh-yeu-trong-gia-dinh-617.html
[17] http://vntaiwan.catholic.org.tw/14news/14news1019.htm
[18] http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/MucVu/19DauChiThoiDai.htm
[19] http://hdgmvietnam.com/tu-lieu-giao-hoi-toan-cau/thu-chung-2002-cua-hoi-%C3%B0ong-giam-muc-viet-nam-thanh-hoa-gia-dinh-17881.html

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Hoàng Thiện

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập131
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm112
  • Hôm nay14,854
  • Tháng hiện tại533,449
  • Tổng lượt truy cập28,848,818

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây