Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 1 năm 2019

Thứ ba - 01/01/2019 21:13

BÀI THUYẾT TRÌNH DÀNH CHO
TĨNH TÂM LINH MỤC HÀNG THÁNG
CHỦ ĐỀ : MỘT NỀN HUẤN GIÁO CHUYÊN BIỆT
VÀ THƯỜNG XUYÊN CHO CÁC GIA ĐÌNH
(Tháng 01 năm 2019 – Giáo hạt Bồng Sơn đảm trách)


Huấn giáo là sứ mạng quan trọng của Giáo Hội. Làm thế nào để có một nền huấn giáo chuyên biệt và thường xuyên cho các gia đình Công Giáo ? Với ánh sáng lời Chúa, giáo huấn của Giáo Hội và hoàn cảnh thực tế, con xin mạo mụi trả lời cho câu hỏi này, đồng thời cũng xin phác họa vài nét để thực hiện nền huấn giáo ấy, cách riêng tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta.

I. MỘT NỀN HUẤN GIÁO CHUYÊN BIỆT
Xét về nội dung, vì là những tín hữu của Chúa nên thiết nghĩ lời Chúa trong sách Thánh là nội dung chuyên biệt cho nền huấn giáo của chúng ta. Những tôn giáo khác họ có nội dung huấn giáo dựa trên những kinh sách riêng của họ, còn Công Giáo nói riêng, anh em Kitô hữu nói chung thì Kinh Thánh là nội dung chuyên biệt cần phải chú trọng giảng dạy. Lời Chúa, lề luật của Chúa là vinh quang mà như lời ngôn sứ Baruc thì phải trân trọng đến mức “chớ nhường cho người khác” (x. Br 4,1-4). Đó còn là mối phúc lớn lao vì “được biết những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa.” (Br 4,4b) “Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Giacop, chiếu chỉ luật điều cho Itraen. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người. Haleluia.” (Tv 147,19-20)

Chính việc giữ luật Chúa làm cho dân Chúa khôn ngoan, thông minh. Quả thế, ông Môsê đã truyền cho dân Do Thái rằng “Hãy xem : tôi đã dạy cho anh em những thánh chỉ và quyết định như Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi, đã truyền cho tôi, để anh em đem ra thực hành trong miền đất mà anh em sắp vào chiếm hữu. Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe những thánh chỉ đó, họ sẽ nói : “chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!” Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người ? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,5-8) Mới chỉ có Cựu Ước mà Môsê đã tự hào như vậy thì chúng ta là dân mới của Thiên Chúa, sở hữu cả Cựu Ước và Tân ước mà như Chúa Giêsu đã có lần bảo hãy “lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52) thì chúng ta càng phải tự hào và được khen ngợi là thông minh, khôn ngoan đến mức nào nữa. Và đó chẳng phải là đặc quyền, đặc lợi và sự chuyên biệt của Kitô hữu chúng ta sao?

II. VÀ THƯỜNG XUYÊN

  • Thường xuyên nghĩa là cứ phải lặp đi lặp lại theo như lời dạy của ông Môsê đối với dân Itraen : “Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng. Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em, và lên cửa thành của anh em.” (Đnl 6,6-9) Việc lặp lại có thể nói là mọi lúc và mọi nơi, chứ không phải chỉ ở nhà thờ, “lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy.” Chưa hết, còn phải buộc, phải đeo lời Chúa trên tay, trước trán để nhắc nhớ luôn luôn.
     

  • Thánh Phêrô cũng nói sự lặp lại là cần thiết khi ngài viết trong thư của ngài rằng : “tôi sẽ luôn nhắc cho anh em nhớ lại những điều trên, mặc dầu anh em đã biết rồi và đang sống vững vàng theo sự thật anh em đã nắm giữ.” (2Pr 1,12) Dù anh chị em tín hữu đã biết rồi và đang sống vững vàng mà cũng phải luôn nhắc cho họ nhớ thì huống chi là những ai chưa biết và chưa sống, hay biết chưa vững, biết lơ mơ lờ mờ, biết hời hợt. Bản tính con người cần phải được nhắc nhở luôn nên thánh Phêrô đã nói “bao lâu còn ở trong cái lều này, tôi phải nhắc nhở để thức tỉnh anh em, đó là điều phải lẽ.” (2Pr 1,13) Chúng ta cũng vậy thôi, phải lặp lại, phải nhắc nhở luôn cho mình và cho anh chị em trong việc huấn giáo. Không có phương thế nào khác hữu hiệu hơn.
     

III. “CHIỀU KÍCH KINH THÁNH CỦA KHOA HUẤN GIÁO”
Như thế, có thể khẳng định rằng việc giáo dục lời Chúa nơi sách Thánh là huấn giáo chuyên biệt và phải làm thường xuyên. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,Là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 118, 105) Thánh tiến sĩ Augustinô đã dạy : “Giữa bóng đêm đời này, Kinh Thánh vẫn tỏa sáng như đèn soi cho chúng ta khỏi phải ở trong tăm tối.” (Trích khảo luận của thánh Âu-tinh, về Tin Mừng theo thánh Gioan)

Khi viết thư mục vụ để hướng dẫn việc giảng dạy, tổ chức cộng đoàn dân Chúa, thánh Phaolô dạy ông Timothê rằng: “Tất cả những gì viết trong sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính.” (2Tm 3,14) Thánh giáo phụ Hi-pô-ly-tô trong khảo luận Chống lạc thuyết No-ê-tô đã minh xác : “Anh em thân mến, chỉ có một Thiên Chúa độc nhất, Đấng chúng ta nhận biết, không do bất cứ một nguồn mạch nào ngoài Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta hãy tìm hiểu tất cả những gì Kinh Thánh rao giảng và nhìn nhận hết mọi điều Kinh Thánh truyền dạy. Chúa Cha muốn được chúng ta tin thế nào, chúng ta hãy tin như thế. Chúa Cha muốn Chúa Con được tôn vinh thế nào, chúng ta hãy tôn vinh như vậy. Và Chúa Cha muốn Chúa Thánh Thần được ban tặng thế nào, chúng ta hãy đón nhận như thế ! Chúng ta đừng theo ý muốn, cảm nghĩ và sức lực riêng, mà tìm hiểu những gì Thiên Chúa ban cho, nhưng chính Thiên Chúa muốn dùng Kinh Thánh mà dạy dỗ chúng ta thế nào, chúng ta hãy hiểu như vậy.” (Trích Bài đọc 2 giờ Kinh Sách ngày Chúa Nhật IV Mùa Vọng)

Giáo Hội trong hiến chế Dei Verbum số 24 đã dạy : “thánh Công đồng nhiệt liệt và đặc biệt khuyến khích mọi kitô hữu, nhất là các tu sĩ, học được “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. “Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vậy ước gì họ sẵn lòng đi đến với chính bản văn Thánh Kinh, hoặc nhờ phụng vụ thánh đầy dẫy Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ việc sốt sắng đọc Thánh Kinh hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác ngày nay đang phổ biến khắp nơi cách đáng mừng, với sự ưng thuận và chăm lo của các vị chủ chăn trong Giáo Hội. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Thánh Kinh, để trở thành cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì “chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh””
Trong tông huấn Verbum Domini (s.74) của Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI, năm 2010, ngài dạy rằng : “trong quyển Cẩm nang tổng quát cho việc dạy giáo lý, chúng ta gặp được những hướng dẫn quý báu để Kinh Thánh là linh hồn của việc giảng dạy giáo lý, nên tôi sẵn lòng khuyến khích nên tham khảo bản văn này.Chúng ta phải khuyến khích một sự hiểu biết về các nhân vật Kinh Thánh, những biến cố và những diễn ngữ căn bản của bản văn thánh; muốn như vậy, cũng có thể là bổ ích nếu hiểu biết và học thuộc lòng một vài đoạn Kinh Thánh – đặc biệt là những đoạn văn nói về các mầu nhiệm Kitô giáo.”

Việc huấn giáo Kinh Thánh với sự “gia tăng kiến thức và tình yêu Kinh Thánh” cũng nhằm đến một Giáo Hội “kinh thánh nhiều hơn” với những lợi ích của nó theo những lời nhận định của tác giả Daniel J.Harrington S.J trong bài viết “Kinh Thánh trong đời sống Công Giáo” : “Một Giáo Hội “kinh thánh” nhiều hơn sẽ thích ứng tốt hơn với những thay đổi nhanh chóng của thiên niên kỷ mới. Một Giáo Hội “kinh thánh” nhiều hơn sẽ được chuẩn bị tốt hơn để hòa đồng với những Kitô hữu khác, với người Do Thái và Hồi Giáo, với tất cả ai có tôn giáo thật sự. Một Giáo Hội “kinh thánh” nhiều hơn sẽ bảo tồn di sản thiêng liêng của mình và mở toang sự giàu có của nó ra cho người khác.” (Phaolô Nguyễn Minh Chính, Và họ nhận ra Ngài, NXB Đồng Nai, 2018, tr. 41)

Và lẽ đương nhiên, việc chú trọng Kinh Thánh không đồng nghĩa với duy Kinh Thánh (Sola Scriptura) mà “phải hàm chứa việc kết hợp Kinh Thánh với đức tin và truyền thống Giáo Hội.”, “phải nhấn mạnh mối liên hệ giữa Kinh Thánh và sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.” (Verbum Domini, s.74)

IV. CHIỀU KÍCH “GIA ĐÌNH VƯỢT KHÓ CÓ CHÚA CÙNG VUI”
Cùng với Giáo Hội Việt
Nam và Hoàn Vũ, Giáo phận Qui Nhơn chúng ta trong năm mục vụ 2018-2019 chú trọng đến các gia đình gặp khó khăn như trong Thư Mục vụ Mùa Vọng 2018, Đức cha Matthêô đã đề cập. Làm sao giúp họ vượt qua những khó khăn thách đố nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay ? Có thể khẳng định chính Lời Chúa góp phần rất lớn giúp các gia đình và từng cá nhân vượt qua.  Thánh vịnh 119 đã có những khẳng định :
“Mặc quan quyền họp nhau mưu hại,
Tôi tớ Ngài đây cứ gẫm suy thánh chỉ.
Vâng, thánh ý Ngài làm con vui sướng thỏa thuê,
Chỉ bảo con như những người cố vấn.” (Tv 119,23-24)
“Lời hứa của Ngài làm cho con được sống,
Đó là điều an ủi con trong cảnh khốn cùng.” (Tv 119,50)
“Thánh chỉ Ngài là khúc nhạc của con,
Giữa cảnh đời tha hương lữ thứ.” (Tv 119,54)
“Con bị lưới ác nhân vây bủa,
Nhưng luật Ngài, con vẫn không quên.” (Tv 119,61)
“Đau khổ quả là điều hữu ích,
Để giúp con học biết thánh chỉ Ngài.” (Tv 119,71)
“Khốn khổ ngặt nghèo tuy ập xuống thân con,
Mệnh lệnh Ngài vẫn làm con vui thỏa.” (Tv 119,143)

Lời Thánh vịnh cho thấy dù có bị “mưu hại”, gặp “cảnh khốn cùng”, “khốn khổ ngặt nghèo ập xuống”, bị “lưới ác nhân vây bủa”,… thì Lời Chúa trong sách Thánh được diễn tả bởi những hạn từ là “thánh chỉ”, “thánh ý Ngài”, “lời hứa của Ngài”, “luật Ngài”, “mệnh lệnh Ngài” vẫn làm “con vui thỏa”, “đó là điều an ủi con”, “là khúc nhạc của con” … và nhận ra rằng “đau khổ quả là điều hữu ích để giúp con học biết thánh chỉ Ngài”.
Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Rôma cũng dạy : “mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy.” (Rm 15,4)

Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh nào nếu gia đình kiên trì bám rễ trong lời Chúa, đọc, học, suy đi ngẫm lại, thực hành mỗi ngày thì sẽ vượt qua khó khăn thử thách, thêm kiên nhẫn, vững lòng, trưởng thành hơn trong đức tin, vốn là thứ quý hơn vàng gấp bội và cần phải qua thử thách để tinh luyện. (x. 1Pr 1,7-9) Và như thế, dù cuộc đời có khó nhưng có Chúa, có lời Chúa thì vẫn vui và lớn lên trong ơn nghĩa với Người.

V. LỢI ÍCH CỦA VIỆC GẮN BÓ VỚI LỜI CHÚA NƠI SÁCH THÁNH
Huấn giáo sự gắn bó với lời Chúa nơi sách Thánh qua việc đọc, học, suy gẫm và đem ra thực hành còn đem lại rất nhiều lợi ích, không chỉ về mặt đức tin mà còn những mặt khác trong cuộc sống.

Khi ông Giôsuê lên thay ông Môsê lãnh đạo dân Chúa, đưa họ vào miền đất hứa, thì Thiên Chúa đã phán dạy ông: “Chớ gì sách Luật này đừng rời khỏi miệng ngươi; và ngươi sẽ suy gẫm sách Luật đó ngày đêm, để lo thi hành tất cả những gì viết trong đó; vì như thế ngươi sẽ thịnh đạt trên đường đời, vì như thế ngươi sẽ thành công.” (Gs 1, 8). “Thịnh đạt”, “thành công” là những kết quả thật tốt đẹp mà Chúa hứa cho ông Giôsuê nếu ông biết suy gẫm sách Luật ngày đêm và lo thi hành. Đây là bài học cách riêng cho những người lãnh đạo rằng kim chỉ nam tốt nhất là quyển sách Lời Chúa. Có một giai thoại được kể lại rằng khi một ký giả đến hỏi bằng cách nào mà nữ hoàng Anh quốc cai trị đất nước rộng lớn vào thời mà “mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh”, thì vị nữ hoàng đã chỉ thẳng vào quyển Kinh Thánh và trả lời rằng bí quyết nằm ở cuốn sách này.

Về phương diện kinh tế, những cuốn sách như Bí quyết làm giàu của vua Salomôn tác giả cũng lấy chất liệu từ Kinh Thánh đặc biệt là những sách thuộc nhóm Khôn ngoan như Châm ngôn, Khôn ngoan,…qua đó vạch ra những nguyên tắc kinh doanh.

Tác giả sách Huấn ca thì khen ngợi những người truy tầm, không ngừng học hỏi luật Chúa, lẽ khôn ngoan trong Sách Thánh sẽ được những điều như sau :
Người ấy sẽ sử dụng các nhận định và hiểu biết của mình sao cho đúng đắn,
Sẽ suy gẫm những điều huyền bí cao siêu.
Người ấy sẽ làm sáng tỏ giáo huấn đã hấp thụ,
Sẽ tự hào về luật giao ước của Thiên Chúa.
Nhiều người sẽ khen ngợi người ấy thông minh,
Trí thông minh của người đó sẽ không bao giờ bị quên lãng,
Hình ảnh người ấy sẽ không phai mờ
Và danh thơm sẽ trường tồn qua muôn thế hệ.
Muôn dân sẽ truyền tụng đức khôn ngoan của người ấy,
Và cộng đoàn sẽ lớn tiếng ngợi khen.
Nếu người ấy sống lâu,
Sẽ để lại danh thơm hơn cả người khác,
Và sẽ thỏa lòng khi an giấc ngàn thu.” ( Hc 39, 7-11)
Sự khôn ngoan thông minh nhờ “ấp ủ”, “gẫm suy”, “tuân theo” Lời Chúa cũng được khẳng định trong thánh vịnh 118:
Mệnh lệnh Chúa làm con khôn hơn địch thủ,
Vì con hằng ấp ủ mệnh lệnh đó trong lòng.
Con được thông suốt hơn cả thầy dạy,
Vì con thường gẫm suy thánh ý;
Am hiểu hơn các bậc lão thành,
Bởi huấn lệnh Ngài, con đã tuân theo.” (Tv 118, 98-100)
Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những người yêu mến Lời Ngài, các giới răn của Ngài: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14, 21)
Được Cha và Thầy yêu mến, tỏ mình ra thì còn gì bằng. Chưa hết, Thiên Chúa còn đến và ở lại với người ấy nữa: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14, 23) “Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy nói với anh em.” (Ga 15, 3) và “Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.” (Ga 15, 7) Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha rằng: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” (Ga 17, 17)

VI. NHÌN VÀO NỀN GIÁO DỤC ITRAEN, MỸ

  • ITRAEN :

Người Do Thái hiện nay vẫn giữ chú trọng giáo dục Kinh Thánh cho con em của họ, một cách chuyên biệt và thường xuyên, theo định hướng học thuộc lòng Kinh Thánh càng nhiều càng tốt. “Trong gia đình người Do Thái, ngay từ khi còn nhỏ, khi các con bắt đầu hiểu biết thì người mẹ sẽ mở Kinh Thánh ra, nhỏ một giọt mật ong lên trên, sau đó gọi con đến hôn giọt mật ong trên Kinh Thánh. Ý nghĩa của nghi thức này là muốn nói với trẻ rằng sách là điều ngọt ngào, để lần đầu tiên con tiếp xúc với sách sẽ có ấn tượng vô cùng tốt đẹp, từ đó mà yêu quý sách cả đời.” Và “Trong gia đình người Do Thái, từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã bắt đầu học kinh Thánh, điều này đã trở thành một định luật bất biến. Mục đích của người Do Thái ở đây không phải là để các con hiểu được ý của những lời kinh mà là để trẻ đọc thuộc lòng một cách máy móc. Người Do Thái cho rằng việc học thuộc một lượng thông tin lớn như vậy giúp bồi dưỡng trí nhớ tốt. Nếu như không thể rèn luyện cho trẻ một trí nhớ tốt thì sau này khi học tập những thứ khác sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Từ khi còn rất nhỏ, trẻ em sẽ bắt đầu từ việc học thuộc những lời cầu nguyện, sau đó sẽ đến với “Ngũ kinh Moses”, “Kinh Thánh Cựu ước” và “Kinh Talmud”, đây là những quyển sách mà mỗi người Do Thái đều phải giữ gìn cả đời. Đồng thời, người Do Thái cũng có một cách đặc biệt để học thuộc lòng. Ngoài cách đọc có âm điệu chậm rãi ra thì còn đung đưa người qua lại theo nhịp. Họ vừa cầm quyển kinh vừa vận dụng tất cả những bộ phận cơ thể, dựa theo ý nghĩa của lời kinh để bản thân hoàn toàn nhập tâm.” (x. Bài viết 6 bí quyết giáo dục con trí tuệ làm cho người Do Thái khác biệt của tác giả Tâm Thanh, đăng trên https://trithucvn.net/doi-song/phuong-phap-giao-duc-con-tri-tue-cua-nguoi-do-thai.html?fbclid=IwAR0omZiYnVvrDkUxpYkJKelCvYrkhXaH7L47QKWbBk-efRM4Xe2QFe-33PQ, ngày Chủ Nhật, 23/10/2016; Và bài  “Người Do Thái đọc sách không chỉ lấy tri thức mà còn để tẩy rửa tâm linh” của tác giả An Hòa đăng trên https://trithucvn.net/van-hoa/nguoi-do-thai-doc-sach-khong-chi-de-lay-tri-thuc-ma-con-de-tay-rua-tam-linh.html?fbclid=IwAR2nm5r6UBXmn14hP15zYjNLWDFgSV1wZUQh79Ae8ee9ZpIIHniY524wAb8 Thứ Bảy, 11/03/2017)

 

Chính những người đoạt giải Nobel gốc Do Thái cũng tiết lộ bí quyết khiến họ thông minh là nhờ truyền thống giáo dục Kinh Thánh mà họ thụ hưởng ngay từ khi còn bé thơ.

  • MỸ :

Kinh Thánh không những được giáo dục tại gia mà còn được đưa vào hệ thống giáo dục nơi một số trường học ở một số tiểu bang của Mỹ. Một số nơi, học sinh mang sách Kinh Thánh theo đến trường. Nền tảng hiến pháp của Mỹ cũng là lề luật của Chúa trong Kinh Thánh. Trong bài viết “5 điểm khác biệt khiến Mỹ luôn là siêu cường giáo dục thế giới” đăng trên trang vnexpress.net ngày thứ tư, 18/05/2016, tác giả Francis Hùng đã có nhận định như thế này “Mỹ là đất nước đặt nền tảng của Kinh Thánh – tức là Lời của Đức Chúa Trời làm nền tảng quản trị quốc gia. Tổng thống Mỹ khi nhậm chức đều đặt tay trên Kinh Thánh để tuyên thệ sẽ quản trị đất nước theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Tôi cho rằng đây là yếu tố quan trọng khiến Mỹ luôn giữ vị thế siêu cường số một thế giới kể từ khi lập quốc đến nay.” Chính đương kim tổng thống Donald Trump cũng xác nhận rằng những câu Kinh Thánh mà mẹ ông dạy khi còn nhỏ giúp định hình đời sống của ông. Ông cho biết rằng vẫn luôn nhớ hoài câu “Ai được cho nhiều sẽ bị đòi nhiều.” Trong ngày tuyên thệ nhậm chức, ông đã đặt tay trên hai cuốn Kinh Thánh mà một cuốn là của mẹ ông để lại. Và hiện nay tại Nhà Trắng, nội các tổng thống Trump có giờ học Kinh Thánh hàng tuần. Nếu lên các trang mạng tìm chúng ta sẽ thấy những đoạn video, những bài viết về lớp học đặc biệt này. Theo lời của mục sư Franklin Graham, con của Billy Graham – vị mục sư được xem là America’s Pastor -, thì Mỹ là “Nation is Blessed by Trump Cabinet Members’ Bible Study”. Lãnh đạo hàng đầu của một quốc gia “under God”, “in God we trust” học lấy sự khôn ngoan, ánh sáng từ cuốn sách lời Chúa (Holly Bible) để đưa ra những quyết sách tốt nhất. Và đó là cái phúc của nước Mỹ và có thể nói cho cả thế giới.

VII. NỘI DUNG VÀ KẾ HOẠCH THỰC HIỆN – VÀI GỢI Ý

  1. NỘI DUNG :

Như vậy nội dung chính yếu cần chú trọng và kiên trì hơn trong việc huấn giáo cho các gia đình không những trong giáo phận chúng ta mà có thể nói là Giáo Hội phải là lời Chúa trong quyển Kinh Thánh.
 

  1. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN :

  • Thứ nhất, mục vụ bài giảng thánh lễ nên chú trọng hơn, bám sát lời Chúa để nhắc đi nhắc lại những câu lời Chúa, những câu chuyện Kinh Thánh giúp anh chị em tín hữu có dịp suy đi ngẫm lại và có thể thuộc lòng càng nhiều càng tốt. Con xin chia sẻ một trải nghiệm nhỏ là nhân dịp lễ Vọng Mẹ Hồn Xác Lên Trời, dựa theo Kinh Thánh, con đã cắt nghĩa tại sao trong kinh cầu Đức Bà có câu “Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa vậy” và sau đó có một nữ tín hữu nói rằng lâu nay cứ đọc câu kinh này nhưng hôm nay mới hiểu tại sao. Có lẽ sự nắm bắt này của chị tín hữu ấy sẽ đi theo chị lâu dài trong đời sống đức tin.

  • Thứ hai là nên hát Bài ca Ý lực sống hàng tuần tại các giáo xứ. Mỗi tuần hát một câu lời Chúa, lặp đi lặp lại đến mức thuộc lòng. Một năm ít gì cũng thuộc 50 câu thì chẳng lẽ không có hoa trái nào khi nhiều anh chị em thuộc lòng, suy gẫm hàng tuần những câu lời Chúa như vậy.

  • Thứ ba, bên cạnh lời Chúa trong các cử hành phụng vụ thánh, chúng ta kết hợp việc đào tạo Kinh Thánh bằng cách mở các lớp học Kinh Thánh :

+ Trước hết là cho các giáo lý viên, giúp họ trực tiếp đọc, đụng chạm bản văn lời Chúa, làm sao để họ tiếp cận, học thuộc lòng những câu lời Chúa, những câu chuyện Kinh Thánh để họ tích trữ và truyền đạt cho các em học sinh giáo lý.

+ Trong các giờ giáo lý phổ thông hàng tuần, đề nghị các giáo lý viên yêu cầu các em học thuộc lòng và kiểm tra các câu lời Chúa nơi mục Lời Chúa nói với em trong mỗi bài giáo lý của một số lớp từ Sơ Cấp 1 đến Căn Bản 3 với ý thức xem đó như một điểm nhấn trong việc học bài giáo lý.

+ Đồng thời là mở lớp cho anh chị em tín hữu, hướng dẫn họ đọc và học sách Thánh hàng tuần. Điều kiện sách vở bây giờ không khó khăn lắm để mỗi gia đình sở hữu một cuốn Kinh Thánh. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI cũng mong muốn điều này khi ngài nói “Thượng Hội Đồng mong ước rằng mỗi một mái ấm gia đình phải có sách Kinh Thánh của mình, Sách phải được đặt ở nơi xứng hợp và được dùng để đọc và cầu nguyện.” (Verbum Domini, s.85) Cần khơi dậy cho các gia đình ý thức giá trị cuốn Kinh Thánh, mời gọi họ đọc, tìm hiểu. Điều này cần sự hướng dẫn từ các cha nơi các giáo xứ để các gia đình biết gắn bó, giáo dục lời Chúa hàng ngày. Không ai cho cái mình không có. Phụ huynh không cho con cái lời Chúa được vì họ không lo tích trữ hay tích trữ chưa đủ. Họ càng tích trữ nhiều thì họ mới cho con cái nhiều và thường xuyên được.

+ Trong thời gian gần đây, một số giáo xứ ở giáo phận Sài Gòn đã tổ chức những lớp Kinh Thánh cho anh chị em tín hữu, như lớp Kinh Thánh – Cầu Nguyện, trước đó có lớp Kinh Thánh 100 tuần của Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm. Và đây là lời cầu nguyện của một chứng nhân tham gia học lớp Kinh Thánh ở Sài Gòn : “Con cầu xin Chúa cho mọi người sống trên mặt đất này nhận ra quyền năng của Lời Chúa để ngày càng có nhiều người đến với lớp Kinh Thánh như con là nhân chứng sống động của việc học và sống Lời Chúa nên khi con ra đi loan báo Tin Mừng, con đều nguyện cầu Chúa hãy tác động trên tâm trí họ ích lợi và hiệu quả của việc học Lời Ngài.” Chứng nhân này trước đó thuộc dạng tay anh chị, sống chạy theo kim tiền, xác thịt nhưng nhờ đi học lớp Kinh Thánh đã được biến đổi, trở nên một người nhiệt tâm loan báo Lời Chúa, hàng ngày chia sẻ những bài suy niệm Lời Chúa trên phương tiện truyền thông xã hội và tham gia nhóm bác ái giúp đỡ người nghèo.

Tại giáo phận Cần Thơ, hơn 10 năm nay, những lớp Kinh Thánh cho các anh chị em tại nhiều họ đạo đã được mở dạy và học. Chính Đức cha Stêphanô Tri Bửu Thiên đã thao thức khơi lên và hàng tuần trực tiếp đứng dạy một lớp cho các nữ tu ở Cần Thơ. Ngay tại Tòa Giám mục cũng mở một lớp. Theo lời giới thiệu cũng như một lời đúc kết của Tổng đại diện Cần Thơ – cha Carôlô Hồ Bặc Xái thì “từ ít lâu nay, trên cánh đồng mục vụ giáo phận Cần Thơ, đã xuất hiện một hạt giống được gieo âm thầm, mọc lên âm thầm nhưng lớn lên vững vàng và lan tỏa nhanh rộng. Đó là các lớp học Thánh Kinh.” (Giáo phận Cần Thơ – Ban Thánh Kinh, CÙNG HỌC LỜI CHÚA TIN MỪNG MATTHÊU, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2015, tr.5)

+ Tại giáo xứ Đại Bình, giáo phận Qui Nhơn chúng ta, được sự đồng ý của cha sở, con cũng đã mở các lớp Kinh Thánh như đã nói trên cho các em thiếu nhi bắt đầu học từ đầu hè năm 2018 và đang tiếp tục hàng tuần. Đến nay các em kiên trì đi học đã ít gì cũng đọc được từng chương trọn cuốn sách Sáng Thế và đang học sang cuốn Xuất Hành. Qua những buổi học này, ít nhiều các em cũng cùng tìm hiểu, học những bài học từ ông Ađam bà Eva, ông Apraham, ông Giacop, ông Giuđa, ông Giuse. Có một giáo lý viên dạy lớp Kinh Thánh 1 trong giáo xứ cho biết khi hỏi những kiến thức Kinh Thánh trong giờ học giáo lý thì những em đi học lớp Kinh Thánh hàng tuần đã tự tin và trả lời chính xác. Một tín hiệu đáng mừng.

Với Ban giáo lý, con cũng kêu gọi họ mang theo Sách Thánh trong giờ học Kinh Thánh trong chương trình đào tạo Ban giáo lý mà chương trình mục vụ của giáo phận đã vạch ra. Hướng tiếp cận của con là để cùng đọc và sau đó có những cắt nghĩa từng câu, đoạn để cùng tìm hiểu, gia tăng vốn liếng Kinh Thánh. Điều mong muốn là tạo điều kiện cho họ tiếp xúc gắn bó với Sách Thánh bền bỉ lâu dài trong niềm vui thú chứ không chỉ dừng lại những dẫn nhập phát quang khai mở ban đầu. Con xin chia sẻ một kinh nghiệm qua một giờ học Kinh Thánh vừa rồi của Ban giáo lý. Khi đọc và tìm hiểu Tin Mừng Mathêu chương 1, tới câu “vua Đavit lấy vợ ông Urigia sinh Salômôn” (Mt 1,6) thì con đã mời họ cùng mở ra sách 2Sm chương 11 để cùng đọc. Sau đó là cắt nghĩa, phân tích theo diễn tiến thì thấy thấm thía tiến trình tội lỗi của Đavit và cũng soi cho chính bản thân mỗi người. Lâu nay thì họ chỉ biết chung chung là vua Đavit phạm tội ngoại tình và sát nhân. Giờ học Kinh Thánh tiếp theo sẽ đọc chương 2Sm,12 cùng với Tv 50 để thấy việc sám hối thật sự của Đavít, qua đó hiểu được tại sao gọi là “vua thánh Đavit” mà họ vẫn đọc trong kinh sau Rước lễ lâu nay. Đó chỉ là ví dụ nhỏ và còn biết bao bài học bổ ích khác từ những cuốn sách khác nữa của Kinh Thánh nếu chúng ta biết kiên trì đào bới, tìm kiếm. Khi được học những bài học như thế, nó vừa là chất liệu sống cho họ mà đồng thời là vốn liếng quý báu để họ giảng dạy cho con em của họ và cho các em học sinh giáo lý.

Còn anh chị em tín hữu, con cũng mở một lớp hàng tuần dành cho họ. Qua một vài tuần đầu, khi cùng nhau đọc những câu lời Chúa như trong sách Huấn ca, Châm ngôn dạy khôn ngoan trong ứng xử hàng ngày, thấy họ cũng thích thú và có lẽ ít nhiều gì cũng soi sáng cho cuộc sống của họ. Những giờ học này sẽ bổ sung, bổ túc cho những bài giảng trong thánh lễ vì phụng vụ Lời Chúa cũng không đưa hết nội dung cuốn Kinh Thánh được. Càng học, càng tích trữ thì càng vững vàng trong Lời Chúa. Việc mở lớp Kinh Thánh như thế, có thể có người cho là lý tưởng, ai đâu đi học, họ lo làm lo ăn có đâu mà đến lớp. Nhưng thực tế thì cũng hơn 2 tháng nay, lớp Kinh Thánh cũng có những anh chị em đi học, người lớn và các em thiếu nhi. Từ đó mà có một vài nhà đã lấy cuốn Kinh Thánh mà lâu nay cất giữ trong tủ ra, rồi cũng có một vài nhà đăng ký mua cuốn Kinh Thánh trọn bộ. Về lâu về dài lớp học này như thế nào xin trao phó cho Chúa, cầu xin Thiên Chúa ban phúc lành gìn giữ, nhưng những kết quả trước mặt cũng có tín hiệu vui mừng.

- Một lưu ý nhỏ con muốn nêu lên là hiện nay có nhiều anh chị em tín hữu đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội. Chúng ta nên để ý và tìm cách thông truyền lời Chúa trên các phương tiện này vì bây giờ mà ngăn cản không cho họ dùng phương tiện truyền thông thì không được mà thay vào đó việc nên làm là định hướng, dẫn dắt, huấn giáo giúp họ đón nhận ánh sáng sự thật của lời Chúa nơi các phương tiện ấy.

. Quan sát, theo dõi trên các trang cá nhân facebook, youtube,.. của một số linh mục, các dòng tu cũng như của các giáo phận hiện nay, chúng ta thấy có nhiều thông tin, video liên quan đến Tin Mừng được đăng tải. Đó là điều đáng mừng. Giáo phận chúng ta nên đẩy mạnh hơn nữa hướng truyền thông này. Giữa một rừng thông tin, những tin thật, Tin Mừng của Chúa cần phải xuất hiện thường xuyên và với cường độ mạnh hơn để giúp cho anh chị em tiếp cận, giúp họ phân định để loại trừ những tin giả, tin xấu, tin giật gân và đón nhận tin tốt, Tin Mừng thật sự. Một nền truyền thông của tin vui, sự thật như ánh sao dẫn đường cho anh chị em trong cũng như ngoài Giáo Hội, đến với muôn dân, muôn nước.

Kết luận
Như vậy, theo thiển ý của con với những tìm hiểu và thực tế cho thấy, một nền huấn giáo chuyên biệt và thường xuyên là giáo dục lời Chúa qua quyển Kinh Thánh nơi các gia đình, giáo xứ trong giáo phận chúng ta. Đây là ơn phúc, là vinh quang, là sự thông sáng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nên hãy tận dụng khai thác cách kiên trì. Cầu xin Thiên Chúa thương chúc phúc và ban nhiều hoa trái cho công cuộc huấn giáo của Giáo phận chúng ta. “Ước gì nhờ việc đọc và học hỏi sách thánh, “Lời Thiên Chúa được trôi chảy và sáng sủa” (2Tx 3,1), và ước gì kho tàng mạc khải, đã được ủy thác cho Giáo Hội, ngày một tràn ngập tâm hồn con người. Nếu đời sống Giáo Hội được tăng triển nhờ năng lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể thế nào đời sống thiêng liêng cũng hy vọng có thể được đổi mới như vậy nhờ thêm lòng sùng kính lời Chúa, là lời “hằng tồn tại muôn đời” (Is 40,8; 1Pr 1,23-25)” (Dei Verbum, s.26)

Ước mong nhờ Thần Khí của Chúa, qua lời Chúa nơi Sách Thánh được huấn giáo kỹ lưỡng, các gia đình, từng anh chị em tín hữu sống tương quan ngày càng tuyệt vời với Chúa Kitô – Ngôi Lời của Thiên Chúa - trong kính thờ, yêu mến và từ đó sống yêu thương anh chị em như lời Chúa dạy. Amen.

Tác giả bài viết: Lm. Simon-Phêrô Võ Hoàng Sâm

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập54
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm31
  • Hôm nay24,976
  • Tháng hiện tại546,104
  • Tổng lượt truy cập28,861,473

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây