Bài thuyết trình tĩnh tâm tháng 12 năm 2018

Chúa nhật - 09/12/2018 04:00

 ĐỀ TÀI THUYẾT TRÌNH TĨNH TÂM THÁNG 12.2018
HIỆN TRẠNG GIA ĐÌNH TRONG GIÁO PHẬN QUI NHƠN
(Cái nhìn tổng quan và đề nghị các giải pháp mục vụ)


Dẫn nhập :
              Lượm lặt câu chuyện thật vui và cũng thật đơn sơ thánh thiện trong kho tàng về Gương Các Thánh như là một “đề mở” cho ngày Tĩnh Tâm. Câu chuyện kể về Thánh Giáo Hoàng Pius X: Sau những ngày đăng quang Giáo Hoàng; khi về thăm hiền mẫu ở quê nhà. Giuseppe Sarto đã khoe chiếc nhẫn trên tay có được với thân mẫu trong ngày lãnh nhận “sứ mạng thiên chức Tông đồ”quá đổi trọng đại – ngày thứ 257 của kế vị tiền nhiệm đầu tiên -Thánh Phêrô Giáo Hoàng. Ngài nói: Mẹ ơi! Hôm nay con mang chiếc nhẫn trên tay đây mẹ à. Nhìn thấy con tràn đầy niềm vui và hạnh phúc trong hồng ân Chúa vừa ban tặng; thân mẫu dí dỏm khôi hài và cũng khoe lại với con về chiếc nhẫn trên tay của thưở nào trong ngày thành hôn còn đọng lại trên đôi tay gầy gò và nói: “ Giuseppe Sarto, Con ơi! Nếu không có chiếc nhẫn trong ngày thành hôn của mẹ đây thì cũng không có chiếc nhẫn kia của con đâu…”.

            Câu chuyện đơn giản vậy, nhưng cũng thật sâu xa và lắm ý nghĩa. Ý nghĩa của một Gia Đình cật lực kế sinh để lo cho con cái từng tháng từng ngày có được cái ăn cái mặc và được học hành; ý nghĩa của “vượt khó để có ngày vui”; ý nghĩa của chu toàn bổn phận trách nhiệm và trung tín bền bỉ trong đạo nghĩa vợ chồng; ý nghĩa của yêu thương chung tay “trong vòng tay lớn” và “nền nếp gia phong” để “cùng nhau nhìn về một hướng” và trên hết là ý nghĩa của một “tác nhân đồng hành - hiệp thông – chữa lành” xây dựng gia đình làm sao để tất cả cùng múc lấy và lớn lên trong dòng suối ân sủng dịu ngọt của đức tin - đức cậy và đức mến mà mỗi ngày chính mình đã lãnh nhận được từ tình yêu Thiên Chúa ban tặng.

            Song song với câu chuyện vui và dạt dào đầy ân sủng kỳ diệu của gia đình thánh Giáo Hoàng Piô X như vừa kể trên. Và đứng trước một thực trạng Gia Đình giữa lòng thế giới hôm nay cũng như bao gia đình giữa những thành phố, đô thị, khu làng, xóm ấp đó đây đã không ít có những đổi thay và không ít có những xáo trộn luôn được đề cập và nhắc đến… Đổi thay của đời sống khoa học; đổi thay của đời sống “tịnh” trong nông nghiệp đến đời sống “động” trong công nghiệp; đổi thay của của từng cá nhân cũng như của chủ nghĩa hưởng thụ…vv… Đứng trước những hoàn cảnh đổi thay và xáo trộn như vậy; thế giới và từng quốc gia, mẹ Giáo Hội và cả chúng ta là “thành phần ưu tuyển” chắc chắn phải có những định hướng và giải pháp nào đây để kéo lại cho cân bằng hầu đem lại hạnh phúc đích thực trong hiện tại và cả hạnh phúc đích thực vĩnh cửu trong tương lai như lòng Chúa mẹ Giáo Hội luôn mong ước.

            Trong tâm tình tri ân “Ăn cây nhớ cội. Uống nước nhớ nguồn” và trong tâm tình tạ ơn (26.07.2018) về hồng ân năm thánh (1618 - 2018) với 400 năm hạt giống Tin mừng được gieo vãi trong lòng đất Giáo phận mà tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây và lúc này là những người đang thừa hưởng và cũng là người đang thừa kế “di sản thiêng liêng” quí báu của các tiền nhân và cha ông để lại.

             Qua những sáng kiến có được và để tiếp tục chủ đề trong 3 năm liền đề cập về “Gia Đình” của Hội Đồng Giám mục Việt Nam; Đức Cha Giáo phận nhà đã chủ tọa cuộc Đại hội của Hội Đồng Mục vụ giáo phận vào ngày 17 tháng 10 năm 2018. Sau cuộc đại hội Đức Cha cùng với Hội Đồng Mục Vụ của Giáo phận đã chọn chủ đề “GIA ĐÌNH VƯỢT KHÓ CÓ CHÚA CÙNG VUI” đề làm “kim chỉ nam” cho chương trình mục vụ tổng quát của Năm Phụng vụ 2018-2019.

            “GIA ĐÌNH VƯỢT KHÓ CÓ CHÚA CÙNG VUI” phản ảnh hai nội dung chính :
- Định hướng mục vụ năm 2019 của HĐGMVN : Đồng hành với các gia đình gặp khó khăn.
- Định hướng mục vụ “hậu Năm Thánh 400 năm của giáo phận Qui Nhơn” : Thánh giữa đời vui.

            Để bắt đầu cho loạt bài thuyết trình tĩnh tâm linh mục tại các giáo hạt trong niên khoá 18-19 khai triển chủ đề “GIA ĐÌNH VƯỢT KHÓ CÓ CHÚA CÙNG VUI”, bài gợi ý đầu tiên sẽ mang chủ đề : HIỆN TRẠNG GIA ĐÌNH TRONG GIÁO PHẬN QUI NHƠN : (Cái nhìn tổng quan và đề nghị các giải pháp mục vụ).
            Trước hết là cái nhìn tổng quan của xã hội dân sự về tầm quan trọng của gia đình qua những đánh giá, các giải pháp cũng như những nỗ lực thực hiện trên bình diện quốc tế, cũng như quốc gia. Tiếp đến là cái nhìn tổng quan của Giáo Hội hoàn vũ cũng như tại Việt Nam về hiện trạng gia đình và các đề nghị những giải pháp mục vụ gia đình xuyên suốt những năm gần đây nhất là trong hiện tại.
            Từ “cái nhìn tổng quan mang tính phổ quát đó”, chúng ta sẽ hướng tầm nhìn đến “hiện trạng gia đình thuộc địa bàn mục vụ của giáo phận Qui Nhơn để từ đó phác thảo những đề nghị giải pháp mục vụ mang tính định hướng thích hợp.

I. GIA ĐÌNH : Mối quan tâm thường xuyên của xã hội :
            Không phải chỉ Giáo Hội mới quan tâm đến “Gia Đình”, mà xã hội con người nói chung, trên bình diện cộng đồng quốc tế cũng như tại mỗi quốc gia, đều có những mối quan tâm đặc biệt về “Gia đình” với rất nhiều phương diện, chiều kích.

1/. Trên bình diện quốc tế :
Chúng ta thử điểm qua những sự kiện sau đây :
a/. Ngày quốc tế gia đình hàng năm và “Năm quốc tế gia đình 1994”
“Năm 1991 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua "Nghị quyết số A/REC/47/237" ngày 20.9.1998, lấy ngày 15 tháng 5 hàng năm làm "Ngày quốc tế Gia đình".
Trước đó, năm 1980, thông qua Nghị quyết 44/82 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố năm 1994 là "Năm quốc tế Gia đình", để nâng cao nhận thức về các vấn đề gia đình và tăng cường khả năng của các quốc gia trong việc thực hiện các chính sách toàn diện về những vấn đề liên quan đến gia đình.”[1]

b/. Các chủ đề hàng năm về gia đình của Liên Hiệp Quốc :
Mỗi năm Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đều gửi một thông điệp về một chủ đề riêng của "Ngày quốc tế Gia đình".[2]
2018 - "Gia đình và bao gồm xã hội "
2017 - "Gia đình, giáo dục và hạnh phúc"
2016 - "Gia đình, cuộc sống lành mạnh và tương lai bền vững"
2015 - "Đàn ông nên có trách nhiệm? Bình đẳng giớiquyền của trẻ em trong các gia đình hiện đại "
2014 - "Nền tảng gia đình cho các thành tựu của các mục tiêu phát triển; Năm quốc tế gia đình + 20"
2013 - "Thúc đẩy hội nhập xã hội và đoàn kết giữa các thế hệ"
2012 - "Đảm bảo cân bằng giữa gia đình và công việc làm"
2011 - "Đối mặt với cái nghèo của gia đình và sự loại ra khỏi xã hội"
2010 - "Tác động của sự di cư vào các gia đình trên toàn thế giới"
2009 - "Các bà mẹ và gia đình: Những thách thức trong một thế giới đang thay đổi"
2008 - "Các người cha và gia đình: Những trách nhiệm và thách thức"
2007 - "Gia đình và những người tàn tật"
2006 - "Sự thay đổi gia đình: Những thách thức và cơ hội"
2005 - "HIV/AIDS và hạnh phúc gia đình"
2004 - "Kỷ niệm lần thứ 10 Năm quốc tế Gia đình: Một khung hành động"
2003 - "Chuẩn bị cho việc cử hành lễ kỷ niệm Năm quốc tế Gia đình lần thứ 10 trong năm 2004"
2002 - "Gia đình và Sự lão hóa: Các cơ hội và thách thức"
2001 - "Gia đình và những người tình nguyện: Xây dựng sự gắn bó xã hội"
2000 - "Gia đình: Các tác nhân và những người thụ hưởng việc Phát triển"
1999 - "Gia đình cho mọi lứa tuổi"
1998 - "Gia đình: Những nhà giáo dục và cung cấp nhân quyền"
1997 - "Xây dựng gia đình dựa trên sự chung phần"
1996 - "Gia đình: Những nạn nhân đầu tiên của nghèo nàn và vô gia cư"

2/. Trên bình diện quốc gia (Việt Nam) :
a/. Luật Hôn nhân – Gia đình 2014 : Đây là bộ luật mới nhất về hôn nhân – gia đình được Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014.            Bộ luật bao gồm 9 Chương và 133 Điều. Chúng ta có thể đọc lại 5 nguyên tắc căn bản nầy trong Điều 2 : Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình
1. Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.
2. Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
3. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.
4. Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ; thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
5. Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình.

b/. Các sinh hoạt cụ thể liên quan đến gia đình : Đan xen với các sinh hoạt chính trị, văn hoá, kinh tế, quân sự… có rất nhiều loại hình tổ chức và sinh hoạt liên quan đến gia đình với các chuyên đề như “biến đổi cấu trúc gia đình”[3], ‘Bạo lực gia đình”[4], “Gia đình và giáo dục gia đình trong bối cảnh xã hội ngày nay”[5], “Thực trạng và giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay”[6], “Thực trạng và nguyên nhân nạo phá thai của giới trẻ hiện nay”[7], “Gia đình Việt nam hiện nay : truyền thống hay hiện đại”[8]

3. Đánh giá hiện trạng :
Theo các “điều tra xã hội” và nhận định chung của nhiều người, nhiều giới, nhiều tổ chức xã hội…thì toàn cảnh gia đình trên thế giới cũng như tại Việt Nam hôm nay khá ảm đạm nếu không nói là “đầy nguy cơ và bóng tối”[9]. Riêng tại Việt Nam, một đàng, do ảnh hưởng cuộc nội chiến tranh tàn khốc kéo dài, nhiều hậu quả đau thương cho đến nay vẫn chưa khắc phục, toàn xã hội được thiết chế trong khung ý thức hệ Mác-Lê và nền chính trị độc tài hoàn toàn đối nghịch với các tiêu chí nhân bản, tác dụng của đô thị hoá, hiện tượng di dân…, cùng với những tiến bộ khoa học và dồi dào phương tiện hưởng thụ không được định hướng…các giá trị nền tảng của gia đình bị lung lay tận gốc.[10]
            Đứng trước hiện trạng gia đình cùng với những giải pháp của xã hội dân sự như thế, về phần mình, Giáo Hội phải làm gì, giáo phận cần những giải pháp thực tế và khả thi nào ?

II. GIA ĐÌNH : ĐƯỜNG ĐI CỦA GIÁO HỘI :
1. Tầm nhìn và định hướng của Giáo Hội hoàn vũ :
            Có thể nói : GIA ĐÌNH chính là ưu tiên mục vụ của Hội Thánh hoàn vũ trong khoảng thời chuyển tiếp của hai Thiên niên kỷ 2 và 3 nầy. Điều nầy có thể được cô đọng trong lời phát biểu sau đây của Đức Thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II ngày 2.2.1994, trong sứ điệp gởi cho thế giới nhân dịp năm “Quốc tế về gia đình 1994” : “Gia đình là đường đi của Giáo Hội”[11].
            Tuy nhiên, để dẫn tới định hướng mục vụ mà “chiều kích gia đình” gần như chiếm vị trí ưu tiên trong lựa chọn hôm nay của Hội Thánh, chúng ta phải tri ân những viễn kiến mục vụ tuyệt vời của Công Đồng Vatican II khi nhắm đến gia đình như yếu tố quan trọng hàng đầu mà “Tài liệu làm việc của THĐGMTG ngoại thường khoá III” đã xác nhận :
“Xuyên suốt các thế kỷ, Giáo Hội luôn duy trì giáo huấn không thay đổi của mình về hôn nhân và gia đình. Một trong các phát biểu cao nhất về giáo huấn này đã được Công Đồng Vatican II đề xuất trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, là hiến chế đã dành trọn một chương để cổ vũ phẩm giá của hôn nhân và gia đình (xem Gaudium et Spes, 47-52)…”[12]

            Từ những “phác thảo” mang tính định hướng chuẩn của Công Đồng Vatican II, Huấn Quyền Giáo Hội tiếp tục khai triển các chiều kích rộng lớn và đầy phức tạp của mục vụ gia đình :
“Tiếp theo Công Đồng Vaticvan II, Huấn Quyền giáo hoàng đã tinh lọc hơn nữa học lý về hôn nhân và gia đình. Một cách đặc biệt, Chân Phúc Giáo Hoàng Phaolô VI, trong thông điệp Humanae Vitae của ngài, đã cho thấy sợi dây gần gũi nối kết tình yêu vợ chồng với việc sinh sản sự sống mới. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II dành một sự chú ý đặc biệt cho gia đình trong loạt bài giáo lý của ngài về tình yêu nhân bản, Thư Gửi Các Gia Đình Gratissimam Sane và nhất là Tông Huấn Familiaris Consortio. Trong các văn kiện này, Đức Giáo Hoàng gọi gia đình là ‘đường đi của Giáo Hội’,…”[13]
Cụ thể nhất, đó chính là chủ đề chính của liên tiếp ba kỳ họp THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC THẾ GIỚI :
- Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thường kỳ lần thứ V (26-9 đến 25-10-1980) : “Gia Đình Kitô hữu” với tông huấn hậu THĐGM do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô ban hành 22.11.1981 : FAMILIARIS CONSORTIO (Về những bổn phận của gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay).
- Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới ngoại thường lần III (5-18.10.2014) : “Thách đố mục vụ của gia đình trong bối cảnh Phúc Âm hoá” (Chuẩn bị cho THĐGM thường kỳ lần thứ XIV).
- Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thường kỳ lần thứ XIV (4-25.10.2015) : "Ơn gọi và sứ mệnh của các gia đình trong Giáo hội và trong thế giới đương đại" với tông huấn Hậu THĐGM do Đức Giáo Hoàng Phanxicô ban hành ngày 19.3.2016 : AMORIS LAETITIA (Niềm vui của tình yêu).

            Để cụ thể hoá các định hướng mục vụ về gia đình của Giáo Hội vào chính thực tại của nhịp sống đời thường trong những điều kiện cụ thể của các gia đình Kitô hữu thuộc nhiều vùng miền trên thế giới, chính Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, kể từ năm Quốc tế gia đình 1994, đã đề xuất một “loại hình mục vụ gia đình mang tầm vóc quốc tế”, đó là “ĐẠI HỘI GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO THẾ GIỚI” (WORLD MEETING OF FAMILIES – WMOF), được tổ chức 3 năm một lần[14] với các chủ đề sau[15] :
1. Cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 1994 tại Rôma (Italia) với chủ đề: “Gia đinh là trung tâm của tình thương”.
2. Kỳ họp mặt lần thứ II vào năm 1998 tại Rio de Janeiro (Brazil) qua chủ đề: “Gia đình là quà tặng dấn thân của nhân loại”.
3. Đại hội kỳ III trong khuôn khổ “Đại Năm Thánh 2000” diễn ra tại Rôma theo chủ đề: “Con cái là mùa xuân của Gia đình và Xã hội ”.
4. Lần đại hội thứ IV được tổ chức tại Manila (Philippin) năm 2003 mang chủ đề: “Gia đình - Tin mừng cho thiên niên kỷ thứ ba”.
5. Đại hội kỳ V tại Valencia (Tây Ban Nha) năm 2006 dựa theo chủ đề: “Thông truyền Đức tin trong Gia đình”.
6. Kế đến kỳ Đại hội VI tại Mêxicô (Mễ Tây Cơ) năm 2009 xoay quanh chủ đề: “Gia đình - nhà giáo dục đức tin đầu tiên”.
7. Đại hội lần VII tại Milanô (Italia) vào năm 2012 với chủ đề: “Gia đình: công việc và ngày lễ”.
8. Đại hội thứ VIII năm 2015 tại Philadelphia (Hoa Kỳ) theo chủ đề: “Tình yêu là sứ mạng của chúng ta - Gia đình vui sống”.
9. Đại hội kỳ IX năm nay tổ chức tại Dublin, thủ đô nước Cộng hòa Ailen (Ireland) từ 22 đến 28/8/2018 với chủ đề: “Tin mừng Gia đình: niềm vui cho thế giới”.

2. “Định hướng 3 năm” của Giáo Hội Việt Nam :
Trước hết, “GIA ĐÌNH” chính là “đối tượng và trọng tâm mục vụ” mà HĐGMVN đã nhắm đến như một định hướng xuyên suốt cho nhiều năm, kể từ năm 2016, như Thư Chung II/2018 đã xác nhận :
“Như đã trình bày trong Thư Chung 2016, Hội Thánh Việt Nam tập trung vào chủ đề Mục vụ gia đình trong ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm. Trong năm 2018-2019, chúng ta được mời gọi đồng hành với các gia đình gặp khó khăn. Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây những nét căn bản trong Thư gửi các gia đình Công giáo năm 2016:
Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn….”.
            Mặc dù Hội Thánh Việt Nam nhắm tới 3 đối tượng “gia đình khó khăn” : DI DÂN, HÔN NHÂN KHÁC ĐẠO, GIA ĐÌNH ĐỔ VỠ :
Trước hết là các gia đình di dân: ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách.
Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo: trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Vì thế, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là giúp người phối ngẫu Công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm.
Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ: dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã li dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.
            Tuy nhiên, khó khăn và thách đố của gia đình không chỉ dừng lại chỉ với 3 đối tượng đó. Còn rất nhiều những thách đố và khó khăn như “kế hoạch hoá gia đình”, “tự do sống chung”, “bạo lực gia đình”, “nạo, phá thai”, “chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ, khoái lạc”, “đánh mất truyền thống”, “các kiểu mẫu gia đình mới”….(Xem thêm : Lm. Jos. Phan Thanh Cảnh : Những thách đố cho đời sống hôn nhân gia đình hiện nay)[16]

III. MỤC VỤ GIA ĐÌNH TẠI GIÁO PHẬN QUI NHƠN : (Một số giải pháp đề nghị) :
            Dưới ánh sáng của Lời Chúa và Huấn Quyền của Hội Thánh, giáo phận Qui Nhơn có thể rút ra các chiều kích sau đây để định hướng và áp dụng cho chương trình mục vụ gia đình trong giáo phận năm 2018-2019 nầy như sau :
1. Mục vụ đồng hành :
“Đối với những gia đình ấy, Giáo Hội sẽ có một lời nói của sự thật, của nhân hậu, của cảm thông, của hy vọng, của sự chia sẻ sâu xa với những khó khăn lắm khi bi đát của họ: Giáo Hội muốn cống hiến cho tất cả mọi gia đình một sự giúp đỡ vô vị lợi để họ có thể đến gần với mẫu gia đình mà Đấng Tạo Hoá đã muốn ngay từ “khởi đầu” và Đức Ki-tô đã canh tân bằng ân sủng cứu chuộc của Người…”[17]

            Linh mục, tu sĩ, các hội đoàn…tích cực dấn thân vào trong cuộc “đồng hành” với các gia đình (khó khăn) bằng những phương cách cụ thể và thích hợp nhất trong điều kiện của mỗi địa phương, mỗi cộng đoàn. Dĩ nhiên, để thực hiện “mục vụ đồng hành” thì cần nắm bắt đối tượng “gia đình khó khăn” cách cụ thể, chính xác…Và đây, chính là “công khó” của những ai dấn thân trong “mục vụ đồng hành” với các gia đình khó khăn.

2. Mục vụ chữa lành :
“Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong gia đình Ki-tô hữu, đưa đến khoảnh khắc đặc biệt nơi bí tích thống hối Ki-tô giáo. Khi nói về các đôi bạn, Đức Phao-lô VI đã viết trong Thông điệp Sự Sống Con Người: “Nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng với một sự bền đỗ khiêm tốn ước gì họ hãy chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn luôn luôn tuôn đổ dồi dào trong bí tích thống hối”.
Việc cử hành bí tích này có được một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống gia đình: qua đức tin, đôi bạn và mọi thành phần trong gia đình khám phá được rằng, tội lỗi chống lại giao ước với Thiên Chúa cũng như giao ước giữa đôi bạn và sự hiệp thông gia đình; giờ đây họ được đưa đến gặp gỡ Thiên Chúa “giàu lòng nhân từ”, là Đấng tái lập và hoàn thiện giao ước hôn nhân và sự hiệp thông trong gia đình khi Ngài ban cho ta tình yêu của Ngài, một tình yêu mạnh hơn tội lỗi.”[18]

            Việc “chữa lành” không dừng lại ở ngưỡng cửa bí tích như là “một phần thưởng cho kẻ chiến thắng”, cho “99 con chiên lành không cần sám hối”…mà hướng tới tinh thần sám hối với Lời Chúa, với thái độ cầu nguyện và hoán cải nội tâm trong niềm khao khát lãnh nhận bí tích của tấm lòng “bà goá”, của “trái tim Gia-kê”, của “đôi chân người con hoang”…Đừng trở thành “quan toà khắt khe, tàn nhẫn” luôn làm “lá chắn” cản trở mọi cuộc “trở về” của anh chị em mình, những người “lỡ bước sa chân…”; nhưng luôn là “chiếc cầu nối”, là “bờ vai”, là “cánh tay”, là “ngọn đuốc”…để dẫn lối đưa đường các gia đình trở về gặp Chúa, cho dù “gặp gỡ trong tư thế của “những con chó con chôm được những chút bánh vụn”, của “bà goá Canaan chỉ mong chạm được chiếc gấu áo” của Chúa !

3. Mục vụ hiệp thông :
“Sống tốt đẹp tình hiệp thông gia đình là một hành trình đích thực để nên thánh trong đời sống hằng ngày và để được lớn lên trong kinh nghiệm thần bí, một phương thế để kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa. Quả thật, những đòi hỏi của đời sống huynh đệ và cộng đoàn trong gia đình là một cơ hội để người ta không ngừng mở lòng ra hơn nữa, và nhờ đó có thể gặp gỡ Chúa ngày càng trọn vẹn hơn. Lời Chúa nói với chúng ta rằng “ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối, và kẻ ấy bước đi trong bóng tối” (1 Ga 2,11).[19]

            Giáo Hội là một “công trường” không bao giờ “đóng cửa và hết giờ”, nhất là đối với những “công nhân giờ thứ 11”, đối với những gia đình gặp những khó khăn, trục trặc thường mang theo những mặc cảm “bất xứng”, “bị cho ra rìa”, thậm chí còn đau đớn hơn, “kẻ phản Chúa, phản đạo”…

            Mọi thành phần của cộng đoàn phải là những “cánh tay nối dài của Chúa Giêsu” để nắm lấy các bàn tay của hết mọi gia đình, nhất là những bàn tay “chai lì, xa xôi, nguội lạnh…” để làm nên một “vòng tay lớn”. Nhà thờ, ngày Chúa Nhật, bàn tiệc Thánh Thể, các cử hành Phụng vụ, các ngày đại lễ, các dịp truyền thống hoan vui…đều là những “cơ hội ngàn vàng” để các gia đình trở về họp mặt, để “nhà cha mở tiệc ăn mừng “em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy…”.

Kết luận :
            Giáo phận Qui Nhơn hiện có 20.302 gia đình với 72.733 tín hữu, thuộc địa bàn 3 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với dân số gần 4 triệu người. Trong số trên 20 ngàn gia đình Công Giáo đó, chắc chắn có không ít những gia đình đang gặp khó khăn. Ngoài ra, phải tính đến hàng trăm ngàn gia đình của những anh chị em ngoài Công Giáo mà chắc chắn trong con số gia đình đông đảo đó, có không biết bao nhiêu gia đình phải đối diện với những thách đố và khó khăn đôi khi còn lớn hơn, nghiệt ngã hơn những người Công Giáo.

            Trong trái tim và ánh mắt chạnh lòng thương của Chúa Giêsu, thì “còn những chiên khác không thuộc ràn nầy” luôn là ưu tiên số một ! Chính vì thế, định hướng “GIA ĐÌNH VƯỢT KHÓ, CÓ CHÚA CÙNG VUI” không chỉ dừng lại với “con cái trong nhà” mà còn phải vươn ra những “vùng ngoại vi”, ở đó có biết bao “con chiên lạc” cù bơ cù bất đang đói khát, mệt khờ trên những hoang mạc cuộc đời !

            Xin Chúa Thánh Thần đốt nóng trái tim để chúng ta cùng nhau hăng hái lên đường ra đi đến cả miền biên ải nữa.
   (Đề tài thuyết trình: Lm. Greg. Lê Văn Hiếu)

Câu hỏi để thảo luận: (3 câu hỏi để thảo luận)
1/ Giáo phận Qui Nhơn đang cần gì? Vì sao?
2/ Gia đình đối với Giáo Hội quan trọng không? Vì sao?
3/ Mục vụ đồng hành, hiệp thông, chữa lành là gì? Vì sao ?

 


[1] Trang Wikipedia (Bách Khoa Toàn Thư mở).

[2] Ibid.

[3] Đoàn Thắng : Tọa đàm khoa học “Biến đổi cấu trúc gia đình - So sánh liên châu lục”: Gợi mở những điểm mới trong khoa học nghiên cứu gia đình. Nguồn : http://huc.edu.vn/toa-dam-khoa-hoc-bien-doi-cau-truc-gia-dinh-so-sanh-lien-chau-luc-goi-mo-nhung-diem-moi-trong-khoa-hoc-5362-vi.htm

[4] Nguyễn Quân : Bạo lực gia đình: Thấy gì từ con số hơn 31.500 vụ một năm?. Nguồn : https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/bao-luc-gia-dinh-thay-gi-tu-con-so-hon-31-500-vu-mot-nam.html

[5] Phó Chủ tịch nước ÐẶNG THỊ NGỌC THỊNH : Gia đình và giáo dục gia đình trong bối cảnh xã hội ngày nay. Nguồn : http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33297702-gia-dinh-va-giao-duc-gia-dinh-trong-boi-canh-xa-hoi-ngay-nay.html

[6] Thực trạng và giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam hôm nay.   Nguồn :
https://text.123doc.org/document/2667552-thuc-trang-va-giai-phap-xay-dung-gia-dinh-viet-nam-hien-nay.htm

[7] Nguyễn Thị Ngọc Hà, PGĐ Sở Y tế-Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh Quảng Bình.
Nguồn : https://www.baoquangbinh.vn/xa-hoi-doi-song/201408/thuc-trang-va-nguyen-nhan-nao-pha-thai-cua-gioi-tre-hien-nay-2117606/

[8] TS. Nguyễn Thị Thường, Đại học Sư phạm Hà Nội. “Gia đình Việt nam hiện nay : truyền thống hay hiện đại”. Nguồn : https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/12/01/4149/

[9] Nguyễn Kiến Giang : GIÁO DỤC GIA ĐÌNH : NHỮNG THÁCH ĐỐ MỚI : “Trên thế giới, người ta đã nói nhiều tới “khủng hoảng gia đình”, gắn với những biến đổi mạnh mẽ của các quan hệ hôn nhân - gia đình diễn ra trong khoảng 20 -25 năm gần đây, với những hậu quả mà có người so sánh với “núi lửa phun”, hoặc gọi đó là những “biến đổi cách mạng”. Rõ ràng chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng sâu sắc của thể chế gia đình mà phạm vi ảnh hưởng của nó không chỉ đóng khung vào các nước phát triển. ở các nước đang phát triển, cuộc khủng hoảng này cũng bộc lộ ngày càng rõ. Tính chất “toàn cầu hóa” của những quá trình biến đổi trong đời sống con người là một sự thật hiển nhiên. Như đã thấy, những biến đổi về văn hóa và sinh hoạt của con người có sức mạnh “lây lan” rất lớn - chúng tôi không dùng từ này theo nghĩa xấu mà chỉ là ghi nhận một hiện tượng - từ những cái “lò” nào đó. Chúng ta từng chứng kiến những “làn sóng” như vậy ở các phong trào nhạc rock, quần jean... Và nếu như sức mạnh “lây lan” ấy lại gặp được môi trường thuận lợi bên trong, thì những hậu quả “cộng hưởng” là khó tránh. Khủng hoảng về thể chế gia đình nói chung của loài người cộng với khủng hoảng gia đình ở nước ta trong sự chuyển tiếp của xã hội đang tạo ra một bức tranh hỗn loạn trong lĩnh vực này. Và tình hình đó càng có ảnh hưởng tới tác động của môi trường gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người…”. Nguồn : Talawas.org. Link : https://www.hutech.edu.vn/vjit/tin-tuc/tin-tuc-su-kien/442-giao-duc-gia-dinh-nhung-thach-do-moi

[10] Trường Giang : Sự biến động của cuộc sống gia đình hiện đại. Nguồn : http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/su_bien_dong_cuoc_song_trong_gia_dinh.html

[11] ĐGH Gioan-Phaolô II, Sứ điệp Năm Quốc Tế Gia đình, ban hành tại Vatican ngày 2.2.1994, số 2 : Gia đình, con đường của Giáo Hội. Nguồn : http://www.songtinmungtinhyeu.org/index.php?open=contents&id=2093
2. Trong nhiều đường như thế, gia đình là đường trước tiên và quan trọng nhất: đó là con đường chung, mà lại vẫn riêng, rất ư duy nhất, như mỗi người cũng duy nhất: một con đường mà là người thì không tránh được. Quả vậy, bình thường người ta đến trong thế giới qua gia đình; cho nên có thể nói là người mang nợ gia đình việc hiện hữu thành người. Nếu thiếu gia đình, sẽ tạo nên trong nhân vị chào đời một sự thiếu sót khiến bận tâm và đau đớn cứ đè nặng trên cả cuộc đời về sau. Giáo Hội âu yếm ưu tư nghiêng về những người sống trong tình cảnh ấy, vì Giáo Hội biết rõ vai trò căn bản mà gia đình được gọi để đóng góp. Hơn nữa, Giáo Hội biết rằng: bình thường, con người rồi sẽ đến lượt rời khỏi gia đình, lập một hạt nhân gia đình mới là ơn gọi riêng mình. Dù người có chọn ở một mình, thì gia đình cũng vẫn như là chân trời hiện hữu, là cộng đoàn căn bản trong đó ăn sâu một hệ thống các tương quan xã hội, từ những tương quan trực tiếp nhất, thân cận nhất, đến những tương quan xa nhất. Ta đang chẳng nói về "Gia Ðình nhân loại"khi nói về toàn bộ mọi người sống trên thế giới sao?
Gia đình có nguồn gốc trong chính tình yêu của đấng tạo hoá dành cho thế giới được Ngài sáng tạo như đã nói "từ nguyên thuỷ" trong sách Sáng thế (1, 1). Trong Tin mừng, Chúa Giêsu khẳng định điều ấy đầy đủ: "Thiên Chúa đã yêu thương đến nỗi đã trao ban con duy nhất của Ngài" (Ga 3, 16). Người con duy nhất đồng bản tính với Chúa Cha, "Thiên Chúa bởi Thiên Chúa Ánh sáng bởi Ánh sáng", đã đi vào lịch sử loài người qua gia đình: "Nhờ việc nhập thể, Con Thiên chúa một cách nào đó đã kết hợp với mỗi người. Ngài đã lao động bằng đôi tay con người, Ngài đã yêu thương bằng trái tim con người. Sinh ra bởi Ðức trinh nữ Maria, Ngài thực đã trở nên một người trong chúng ta, nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi" (3). Cho nên nếu Chúa Kitô " biểu lộ đầy đủ con người cho chính mình" (4) trước hết là qua gia đình mà trong đó Ngài đã chọn để sinh ra và lớn lên vậy. Ta biết Chúa cứu chuộc từng sống ẩn dật tại Nazareth trong phần lớn đời Ngài, "tuân phục" (Lc 2, 51), xét theo là "con người", đối với Ðức Maria mẹ Ngài và đối với Thánh Giuse người thợ mộc, đức "tuân phục" thảo hiền này, lại chẳng là biểu lộ đầu tiên sự vâng phục Cha của Ngài, "cho đến chết" (Ph 2, 8) qua đó Ngài đã cứu chuộc thế gian sao?
Mầu nhiệm Thần linh nhập thể của Ngôi lời, như vậy có một tương quan chặt chẽ với gia đình nhân loại. Và như thế, không những với một gia đình là gia đình Nazareth, mà cách nào đó với mọi gia đình, tương tự như điều Công đồng VaticanII dạy rằng: Con Thiên Chúa, qua nhập thể, như "đã kết hợp với mọi người" (5). Nối bước Chúa Kitô "đã đến" trần gian "để phục vụ" (Mt 20, 28), Giáo hội coi rằng phục vụ gia đình là một trong những công việc chính của mình. Theo chiều hướng này, con người và gia đình đều lập "Con đường của Giáo Hội".

[12] THĐGMTG ngoại thường Khoá III :  Ơn Gọi và Sứ Mạng của Gia Đình trong Giáo Hội và trong Thế Giới Hiện Nay. Tài liệu làm việc. Số 47.

[13] Ibid. Số 49.

[14] Lm. Linh Tiến Khải, bài viết : Cuộc gặp gỡ quốc tế các gia đình Công Giáo lần thứ IX tại Dublin : “Người ta còn nhớ cách đây 25 năm, ngày mùng 6 tháng 6 năm 1993, quảng trường thánh Phêrô đầy đặc các gia đình tham dự Lễ hội gia đình do phong trào Tổ Ấm tổ chức. Vào cuối thánh lễ bế mạc, ĐTC Gioan Phaolô II đã lợi dụng dịp này để loan báo một tin quan trọng. Phù hợp với Năm quốc tế gia đình do Liên Hiệp Quốc thành lập cho năm 1994, Giáo Hội công giáo cũng sẽ cử hành Năm Gia Đình. Trọng tâm của 12 tháng này là Cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình công giáo sẽ diễn ra tại Roma trong hai ngày mùng 8 và mùng 9 tháng 10 năm 1994 về đề tài: “Gia đình: trái tim của nền văn minh tình yêu”.
Cũng giống như các Ngày quốc tế giới trẻ, các Ngày quốc tế gia đình đã nảy sinh từ một trực giác ngôn sứ của Đức Karol Wojtila  và trở thành một món quà cho Giáo Hội và chúng lớn lên và trở thành phong phú trong các triều đại giáo hoàng kế tiếp. Cùng với Dublin, đã có những thành phố ở ba châu lục Âu châu, Á châu và châu Mỹ Latinh trở thành nơi tổ chức Đại hội quốc tế các gia đình công giáo: Roma hai lần, Rio de Janeiro, Manila, Valencia, thành phố Mehico, Milano, và Phiiladelphia. Đại hội lần thứ nhất đã được chuẩn bị bằng một loạt các tài liệu của Đức Gioan Phaolô II.”

[15] Vinh Sơn Vũ Đình Đường. Đại Hội Gia Đình Công Giáo thế giới kỳ IX – 2018 tại Ai-Len. Nguồn : https://www.mucvuvanbut.net/bai-viet/bai-viet-cua-cac-tac-gia-khach/4583-d-i-h-i-gia-dinh-cong-giao-th-gi-i-ki-ix-2018-t-i-ai-len

[16] Jos. Phan Thanh Cảnh. Những thách đố cho đời sống hôn nhân gia đình hiện nay. Nguồn : Trang mạng giáo phận Thanh Hoá : http://giaophanthanhhoa.net/hon-nhan-gia-dinh/nhung-thach-do-cho-doi-song-hon-nhan-gia-dinh-hien-nay-21164.html

[17] GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Familiaris Consortio, Bản dịch : UB Gia đình HĐGMVN, số 65

[18] Ibid. Số 58.

[19] ĐGH Phanxicô, tông huấn “NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU” (AMORIS LAETITIA), Bản dịch : VP. HĐGMVN, số 316, tr. 320.

Tác giả bài viết: Lm. Greg. Lê Văn Hiếu

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập112
  • Máy chủ tìm kiếm19
  • Khách viếng thăm93
  • Hôm nay7,742
  • Tháng hiện tại384,282
  • Tổng lượt truy cập28,036,169

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây