Năm Lòng Thương Xót và sự cậy trông phó thác của linh

Thứ tư - 13/01/2016 12:17

NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ SỰ CẬY TRÔNG PHÓ THÁC CỦA LINH MỤC TRONG CUỘC SỐNG VÀ TRONG KHI THI HÀNH SỨ VỤ

 

Lm. Vinh Sơn Nguyễn Đình Tâm

Quay trở lại với thời gian cách đây 5 năm, ngày 19. 06. 2009 – 19. 06. 2010. Đức Thánh Cha (ĐTC) Benedicto XVI đã ấn định một năm đặc biệt gọi là “ Năm Linh Mục”. ĐTC đã mời gọi các linh mục dùng cơ hội thánh hóa bản thân để trở nên những mục tử thánh thiện mang con tim của Đức Giêsu.

Tại sao ĐTC Bênêdicto XVI, một học giả lỗi lạc, một tri thức khoa bảng, lại chọn thánh Gioan Maria Vianney, một linh mục dốt nát, làm mẫu gương tiêu biểu cho “Năm Linh Mục”? lý do mặc dù không có học thức, nhưng thánh nhân đã có một đời sống thánh thiện tuyệt vời khiến cho ngài gặt hái những thành quả vượt bậc trong việc cứu rỗi các linh hồn. Hơn nữa, sau những tai tiếng mà một số linh mục gây ra trong những năm vừa qua, việc chọn thánh nhân làm gương mẫu cho các linh mục cho thấy rằng ĐTC muốn giải quyết tận căn cuộc khủng hoảng linh mục, một cuộc khủng hoảng không phải về tri thức nhưng về tu đức.

Quả thật, khi thiếu vắng đời sống nội tâm, các linh mục có nguy cơ trở thành những công chức chứ không phải là mục tử, những giáo viên chứ không phải ngôn sứ, những thầy dạy thay vì chứng nhân, và sẽ không còn khả năng thông truyền sự sống đức tin cho kẻ khác. Khi người mục tử ươn lười bầy chiên sẽ đói, nếu mục tử mê ngủ bầy chiên sẽ bị đánh cắp, khi mục tử bê tha, bầy chiên sẽ ốm o; khi mục tử lơ là, bầy chiên sẽ náo loạn. Nếu người mục tử không sẵn sàng hy sinh đuổi bầy thú dữ, bầy chiên sẽ là mồi cho lang sói cắn xé.

Những linh mục nặng óc thế tục làm cản bước tiến của Hội Thánh, trái lại, những linh mục thánh thiện giúp Hội Thánh ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đời sống các linh mục trước hết là một bổn phận, tiếp đến là điều kiện cần thiết do chức vụ đòi hỏi để có thể chu toàn sứ vụ của mình một cách hiệu quả. (bài thuyết trình của ĐGM Mattheo- thường huấn linh mục 09/2009)

5 năm trôi qua,

“Thay quần, thay áo, thay hơi.

Thay dáng, thay dấp, mà người chẳng thay.” (ca dao)

Cuộc sống thay đổi và phát triển. Nhưng linh mục không mấy đổi thay! đời sống linh mục vẫn thiếu vắng đời sống nội tâm, đã bị tục hóa bởi những thành tựu khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường. Vẫn còn đó những linh mục công chức, những linh mục hôi mùi máy lạnh hơn mùi chiên (ĐGH FX). Có thể chúng ta không nhận ra, chúng ta có biết nhưng không chịu thay đổi hoặc đưa ra những lý do chính đáng rất thuyết phục.  Chúng ta lắng nghe giáo dân nói về linh mục:

Đứng về phe hay những tổ chức chống đối Giáo Hội. Liên hệ thân mật với các cô gái. Sống bê tha, thiếu đức trong sạch. Tỏ ra ham mê và chạy theo tiền bạc. Không giữ lời hứa. Hay khoe khoang và tự đề cao. Hay tìm danh vọng. Độc tài, nóng nảy, cố chấp (không phục thiện). Linh mục không phải là đại gia, nhưng sống hơn đại gia. Linh mục không phải là tay ăn nhậu, nhưng uống rượu thì không thua kém ai…?

Nhìn lại những gì đã qua, để thấy được chúng ta vốn yếu đuối và mau quên, dễ sa ngã và phạm tội. Nhìn lại, để rút ra bài học. “Muốn thay đổi xã hội, phải thay đổi chính mình”(Ngạn ngữ). Chúng ta không chịu thay đổi thì không thể thay đổi người khác, cũng không thể trở thành chứng nhân hy vọng cho tha nhân. Nhìn lại, để không cậy dựa vào sức mình, nhưng trông cậy phó thác cho lòng thương xót của Chúa. Vì tất cả là hồng ân.

Hôm nay, chúng ta bước vào năm thánh Lòng Thương Xót (Giáo Hội) và sự cậy trông (Giáo Phận). Với những đòi hỏi gay gắt hơn nơi đời sống linh mục và sứ vụ. Các linh mục tiếp tục hoàn thiện cuộc sống và sứ vụ của mình, hầu trở nên tông đồ của lòng thương xót và là hy vọng cho tha nhân: “Lòng Thương Xót là cầu nối liên kết giữa Thiên Chúa và con người, trong khi mở lòng chúng ta ra cho một niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi bất chấp tội lỗi ngập tràn của chúng ta” (Tông chiếu MV, số 2).

Để linh mục có thể trở nên khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Kitô, như Chúa Kitô là khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha (Tông Chiếu MV, số 1), và trở nên niềm hy vọng cho mọi người. Chúng ta cùng đi vào những gợi ý sau:

    Trong cuộc sống:

- Sống gắn bó với Đức Kitô: 

Để trở nên giống Chúa Kitô, các linh mục phải sống gắn bó với Người: “Do phép truyền chức thánh họ phải là hiện thân của Chúa Kitô linh mục, lại nữa bởi cùng chia sẻ một cuộc sống với Người, nên họ phải quen sống kết hợp với Người như bạn hữu.” (Vat II, Ot số 8)

Gắn bó với Chúa Giêsu là thuộc về Chúa: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.”(Gl 2,20) “không ai trong chúng ta sống cho chính mình, cũng không ai chết cho chính mình, chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy dù sống dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa.” (Rm 14, 7-9)

Gắn bó với Chúa Giêsu, linh mục không còn coi mình là trung tâm, nhưng đặt Chúa làm trung tâm đời mình.

Gắn bó với Chúa Giêsu là yếu tố quyết định sự thành công của công tác mục vụ: “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Để gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta cần chú tâm đến việc cầu nguyện, nhất là cầu nguyện trước Thánh Thể: “cầu nguyện chẳng là gì khác hơn là một sự kết hợp với Thiên Chúa” (Gioan Maria Viannney). Ngoài ra, chúng ta cần đề phòng và lánh xa những gì khiến chúng ta xa cách Chúa. Linh mục cần phải xét mình kỹ lưỡng hằng ngày, chân thành sám hối thường xuyên và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa. Cuối cùng, linh mục cần từ bỏ chính mình, như Chúa Giê su đã nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Sự từ bỏ chính mình theo gương Chúa Ki tô được thực hiện qua thái độ vâng phục trong khiêm tốn, sống khiết tịnh hoàn toàn và không vướng bận của cải trần thế.( ĐGM Mt)

-Học nơi Đức Kitô: “ Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6). Chúa Giêsu khẳng định rằng, quy luật sống của các môn đệ Ngài phải đặt lòng thương xót ở trung tâm, như Chúa Giêsu đã thể hiện qua việc đồng bàn cùng những người tội lỗi. (Tông Chiếu MV, số 20)

    Trong sứ vụ:

Giảng dạy, thánh hóa, và cai quản các linh hồn, là ba nhiệm vụ chính yếu mà các linh mục nhận được từ Chúa Kitô là Thầy, Tư Tế và Mục Tử, qua trung gian Đức Giám Mục. Để có thể quảng đại và kiên trì chu toàn ba chức vụ ấy theo tinh thần và gương mẫu của Đức Kitô, các linh mục phải thực sự thánh thiện.

+ Ngôn Sứ:

-Rao giảng Lời Chúa: Vì là thừa tác viên Lời Chúa, nên hằng ngày các linh mục phải đọc, suy gẫm, nghe và thực hành Lời Chúa mà các ngài sẽ phải dạy lại cho người khác; nếu một khi tâm hồn các ngài đã cố gắng đón nhận Lời Chúa thì càng ngày các ngài trở nên môn đệ hoàn thiện hơn của Chúa Ki tô. (ĐGM Mt)

“Để có khả năng thương xót, vì thế, trước tiên chúng ta phải đặt để chính mình trong việc lắng nghe Lời Chúa. Điều này có ý nghĩa là tái khám phá những giá trị của sự im lặng ngõ hầu suy gẫm Lời Chúa đến với chúng ta” (Tông Chiếu MV, số 12)

Linh mục làm phong phú sứ mệnh ngôn sứ của Chúa (Is 61,1-2): Mang một lời nói và cử chỉ an ủi cho người nghèo, để loan báo tự do cho những ai bị trói buộc bởi các hình thái nô lệ mới trong xã hội hiện đại, để phục hồi ánh sáng cho những ai không thể nhìn thấy nữa vì họ co cụm trong chính mình, để phục hồi phẩm giá cho tất cả những ai mà nhân phẩm bị cướp mất. (Tông chiếu MV, số 16)

-Dạy giáo lý: Linh mục có dạy giáo lý hay thường khoán trắng cho người khác?

+ Tư tế:

-Dâng lễ: là thừa tác viên lo việc phụng tự, nhất là trong hy tế thánh lễ, các linh mục là hiện thân của Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình làm hy lễ thánh hóa nhân loại.

Linh mục dâng lễ vì mục đích tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và trong khi được Mình Thánh Chúa Kitô nuôi dưỡng, các ngài tham dự vào tình yêu của Đấng đã tự hiến làm lương thực nuôi dưỡng các tín hữu. Linh mục dâng lễ vì mục đích trên hay nặng nề vì bỗng lễ.(cử hành thánh lễ vội vàng, thiếu chuẩn bị, cử hành không nghiêm trang, lời nguyện như cái máy, thiếu tâm tình sốt sắng?)

-Cử hành các bí tích: Trong khi ban phát các bí tích, các ngài cũng hiệp nhất với ý muốn và tình yêu của Chúa Ki tô. Đặc biệt Bí Tích Hòa Giải

“Trong Bí Tích Hòa Giải, Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta những tội lỗi, mà Ngài thực sự tẩy sạch; nhưng tội lỗi để lại một ảnh hưởng tiêu trong cách nghĩ và trong cách hành động của chúng ta. Tuy nhiên lòng thương xót của Thiên Chúa còn mạnh hơn cả điều này. Nó trở thành sự xá miễn về phía Chúa Cha, Đấng qua Hiền Thê của Chúa Kitô, là Giáo hội của Ngài, vươn đến những tội nhân được tha thứ và giải phóng người ấy khỏi mọi cặn bã sót lại do hậu quả của tội lỗi, đểngười ấy có thể hành động với lòng bác ái, ngõ hầu lơn lên trong tình yêu hơn là rơi trở lại vào vòng tội lỗi”. (Tông Chiếu MV, số 22)

“Các linh mục hãy đặt Bí Tích Hòa Giải ở trung tâm, giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự. Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội là dấu chỉ xác thực cho lòng thương xót của Chúa Cha. Chúng ta không tự động trở thành những cha giải tội tốt. Chúng ta chỉ trở thành cha giải tội tốt khi, trên tất cả mọi sự, chúng ta để cho mình thành những hối nhân tìm kiếm lòng thương xót của Ngài. Chúng ta không bao giờ được quên rằng là cha giải tội nghĩa là dự phần vào chính sứ mệnh của Chúa Giêsu để trở nên một dấu chỉ cụ thể cho sự bất biến của tình yêu tha thứ và cứu rỗi của Thiên Chúa. Các linh mục chúng ta đã nhận được ân sủng của Chúa Thánh Thần, để tha tội, và chúng ta chịu trách nhiệm về việc này. Không ai trong chúng ta nắm giữ quyền lực trên bí tích này; thay vào đó, chúng ta là những tôi tớ trung tín của lòng thương xót Chúa qua Bí Tích ấy. Mỗi cha giải tội phải đón nhận các tín hữu tương tự như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng…chúng ta cũng đừng bao giờ mệt mỏi đi ra ngoài với người con trai còn lại, là người đứng bên ngoài, không thể vui mừng nổi, để giải thích với nó là phán đoán của nó quá hà khắc, không công bằng và vô nghĩa dưới ánh sáng lòng thương xót vô biên của người cha. Cầu xin cho những cha giải tội đừng đặt ra những câu hỏi vô ích,nhưng giống như người cha trong dụ ngôn, hãy cắt ngang bài phát biểu đã được chuẩn bị trước của người con hoang đàng; cầu xin cha giải tội học được cách chấp nhận những lời kêu gọi giúp đỡ và lòng thương xót tuôn chảy từ trái tim của hối nhân. ”(Tông Chiếu MV, số 17)

+ Cai quản:

Là những vị cai quản và chăn dắt dân Chúa, các linh mục được tình yêu của Chúa Chiên nhân lành thúc đẩy để hiến mạng sống cho đoàn chiên, và sẵn sàng chấp nhận hy sinh tột đỉnh, theo gương của Người: “Người đến để tìm kiếm và cứu rỗi kẻ hư mất”. Các linh mục phải thực hành việc khổ chế riêng biệt của người chăn dắt các linh hồn: sẵn sàng từ bỏ những tiện nghi riêng, hy sinh sức lực, tài năng, tiền bạc, những thú vui chính đáng, không tìm kiếm tư lợi, nhưng tìm lợi ích cho nhiều người để họ được cứu rỗi, luôn tiến bộ trong việc chu toàn hoạt động mục vụ cách hoàn hảo hơn. (CĐ Vat II PO, số 13)

Chúng ta hãy tái khám phá những hoạt động thể lý của lòng thương xót: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, và chôn xác kẻ chết. Và chúng ta đừng quên các hoạt động thiêng liêng của lòng thương xót: lấy lời lành mà khuyên người, mở dậy kẻ ngu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cũng như cầu cho kẻ sống và kẻ chết.(Mt 25,31-45)

Hơn nữa, chúng ta sẽ được hỏi liệu chúng ta đã từng giúp những người khác thoát khỏi sự nghi ngờ khiến họ rơi vào tuyệt vọng và thường là nguồn gốc của cô đơn; liệu chúng ta đã từng khắc phục sự mê muội hàng triệu người đang sống trong đó, đặc biệt là những trẻ em bị tước đoạt các phương tiện cần thiết để thoát khỏi những ràng buôc của nghèo đói; liệu chúng ta đã từng gần gũi với người cô đơn tuyệt vọng; liệu chúng ta đã tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình và đã từ chối tất cả các hình thức của sự tức giận và ghen ghét dẫn đến bạo lực; liệu chúng ta có lòng kiên nhẫn như Chúa, là Đấng rất chậm bất bình với chúng ta, đã tỏ cho chúng ta thấy; và liệu chúng ta đã cầu xin Chúa cho anh chị em mình trong lời cầu nguyện. (Tông chiếu MV, số 15)

Đây là thời thuận tiện để thay đổi cuộc sống chúng ta! Đây là thời gian để cho con tim chúng ta rung động! khi đối mặt với những hành động xấu xa, ngay cả khi đối mặt với những tội phạm nghiêm trọng, đó là thời gian để lắng nghe tiếng khóc của người dân vô tội đang bị tước đoạt tài sản của họ, nhân phẩm của họ, cảm xúc của họ, và thậm chí cuộc sống của họ. Dính vào con đương của cái ác chỉ để lại mê lầm và buồn bã. Cuộc sống chân chính là một cái gì hoàn toàn khác. Thiên Chúa không ngừng vươn đến chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe; tôi, cùng với anh em giám mục và linh mục cũng thế. Tất cả ta cần làm là chấp nhận lời mời gọi hoán cải và sấp mình trước công lý trong thời gian đặc biệt này của lòng thương xót được giáo hội đưa ra. (Tông Chiếu MV, số 19)

Không gì sai lầm bằng công bố lòng thương xót mà đồng thời không công bố lòng thống hối. Những ai chỉ công bố lòng thương xót mà thôi là những người lừa đảo, lừa người và lừa mình. Đó là nhận định các nhà thần học.

Chúng ta đừng để một năm thánh nữa trôi qua, với những bài học lý thuyết và những việc làm phô diễn bên ngoài, mà không có nội tâm. Chúng ta hãy trở về với bản thân, sống cho Chúa và cho tha nhân và trở nên linh mục như lòng Chúa mong ước. Một khuôn mặt lòng thương xót và niềm hy vọng của Chúa ở trần gian. Ước gì được như vậy!

Tác giả bài viết: Vinh sơn Nguyễn Đình Tâm

 Tags: tĩnh tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập60
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm37
  • Hôm nay20,462
  • Tháng hiện tại598,425
  • Tổng lượt truy cập28,250,312

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây