Họp mặt, tổng kết và trao giải viết văn đường trường lần IV – 2016

Chúa nhật - 25/09/2016 21:51

vvdt4

HỌP MẶT TRAO GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG LẦN IV – 2016

Kể từ dịp họp mặt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hàn Mạc Tử (2012), lễ trao giải Viết Văn Đường Trường IV là cuộc họp mặt lần thứ năm của các tác giả văn thơ Công giáo. Cuộc họp mặt lần này diễn ra tại hội trường Chủng viện Qui Nhơn từ chiều 21 và trọn ngày 22-9-2016. Đây là giải thưởng dành cho thể loại  truyện ngắn, nằm trong chương trình tìm kiếm và phát huy tài năng văn chương trẻ cho Giáo hội Việt Nam, do Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn tổ chức thực hiện.

Số người tham dự họp mặt lần này không nhiều, chỉ gần 40 tác giả, nhưng vẫn có thể đại diện khá tiêu biểu cho cả ba giáo tỉnh của Giáo hội Việt Nam. Giáo tỉnh Hà Nội có 9 đại biểu đến từ giáo phận Vinh và Tổng giáo phận Hà Nội. Giáo tỉnh Huế có 22 đại biểu đến từ các giáo phận Nha Trang, Kontum và Qui Nhơn. Giáo tỉnh Sài Gòn có 10 đại biểu đến từ giáo phận Đà Lạt, Xuân Lộc, Phan Thiết, Long Xuyên và Tổng giáo phận Sài Gòn.

Chiều 21, đoàn chào Đức Giám mục chủ nhà, Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, mừng lễ bổn mạng ngài, gặp gỡ giao lưu và nghe cha Giuse Cao Gia An giới thiệu về kinh nghiệm Linh Thao dành cho giới cầm bút. Sau cơm tối là phần tọa đàm về thực trạng và việc trau dồi tiếng Việt ngày nay, rồi xem video Dấu chân Hàn Mạc Tử. Sáng 22 đoàn đến thăm nhà thờ Mằng Lăng cổ kính và đền Á Thánh Anrê Phú Yên, nơi có lưu giữ một quyển “Phép giảng tám ngày” của Giáo sĩ Đắc Lộ, bản in lần đầu trong thời kỳ phôi thai của chữ quốc ngữ. Dưới sự hướng dẫn của cha Trăng Thập Tự và cha Cao Gia An, mọi người tha thiết cầu nguyện cho cuộc vận động chăm sóc tiếng Việt cho người trẻ được tiến triển tốt đẹp. Sau khi dùng cơm trưa tại cộng đoàn các chị Phan Sinh tại Qui Hòa, các tác giả theo từng giáo tỉnh cùng nhau trao đổi thảo luận tìm cách phát triển văn học Công giáo. Tiếp đó, mọi người thăm nhà lưu niệm Hàn Mạc Tử và viếng mộ nhà thơ trước khi về Chủng viện cử hành thánh lễ cầu nguyện cho giới cầm bút, do cha Tổng đại diện Gp Qui Nhơn, nhà thơ nhạc sĩ Sơn Ca Linh, chủ tế.

Tối đến, mở đầu lễ trao giải, cha Gioakim Nguyễn Đức Quang, đại diện Ban Tổ chức đọc thư chúc mừng của Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tiếp đó cha nhắc lại mối quan tâm từ bốn cuộc họp mặt trước là sự suy thoái trầm trọng về tiếng Việt của giới trẻ và công bố bản văn vận động việc trau dồi tiếng Việt, đã được khởi thảo từ sau cuộc họp mặt năm ngoái, và được các vị phụ trách về văn hóa của hầu hết các giáo phận đồng thuận.

Ông Tađêô Nguyễn Thanh Xuân, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn, thay mặt Ban tổ chức và Ban giám khảo tổng kết cuộc thi.

Cuộc thi năm nay có 143 tác phẩm với 81 tác giả đến từ 19 giáo phận, trong đó 4 giáo phận có số tác giả tham gia đông là: Nha Trang (15), Qui Nhơn (12), Vinh (12) và Sài Gòn (7).

Chương trình này nhắm đến việc tìm kiếm và đào tạo tài năng trẻ cho nên chỉ dành cho các tác giả dưới 40 tuổi. Trong 81 tác giả, có 17 người sinh năm 1976-1985, 62 người sinh năm 1986-1995 và 02 người sinh năm  1996-1998. Thật đáng vui mừng là các tác giả độ tuổi 20-30 chiếm số lượng áp đảo (3/4) và hầu hết các giải thưởng đều rơi vào tay các cây bút trẻ này. Cuộc thi năm nay không không có giải Nhất, chỉ có 1 giải Nhì, 3 giải Ba và 17 giải Triển vọng. Tác giả Maria Mađalêna Đặng Hoàng Hương Giang, bút danh Tâm Ngọc, sinh năm 1990, thuộc Giáo phận Kontum, đạt giải Nhì với tác phẩm Hoa Nở Giữa Đêm.

Tất cả các tác phẩm đạt giải được giới thiệu trong tuyển tập cuộc thi mang tên “Điểm hẹn Giêsu”, Nhà xuất bản Phương Đông, đã được phát hành trong lễ trao giải.

Đặc biệt vào giữa cuộc thi năm nay, một nhóm bạn trẻ đã quen biết ít nhiều với Giải Viết Văn Đường Trường có sáng kiến thực hiện Facebook “Văn Thơ Công Giáo” để hỗ trợ. Facebook đã đăng tải các tác phẩm dự thi, thông tin về cuộc thi, tạo sự tương tác rộng rãi với độc giả ở khắp nơi. Mới qua chưa được nửa năm, trang này đã có hàng chục nghìn người nhập cuộc.

Phát biểu cuối lễ trao giải, Đức Giám mục chủ nhà Matthêô Nguyễn Văn Khôi cho biết: Chương trình sáu năm của Giải Viết Văn Đường trùng khít với chương trình những năm cuối của Giáo phận trên lộ trình hướng đến kỷ niệm 400 năm Tin Mừng đến với miền đất Qui Nhơn, cũng là 400 năm hình thành và phát triển chữ quốc ngữ, khởi từ giáo điểm Nước Mặn. Cuộc thi đã đi qua bốn năm, chỉ còn hai năm nữa. Tuy nhiên cùng với đại lễ kỷ niệm của Giáo phận, cuộc thi lần thứ sáu sẽ không là một điểm dừng, nhưng là một đà tiến để tạo nên điểm xuất phát mới, như hạt giống đã được gieo xuống là để nẩy nở và trổ sinh hoa trái, tạo nên mùa màng phong phú cho Giáo hội.

Tâm An

 

tong-ket

TỔNG KẾT GIẢI VVĐT 2016

Giải “Viết Văn Đường Trường” do Ban mục vụ Văn hóa và Giáo dục Giáo phận Qui Nhơn khởi xướng và tổ chức, nhằm tìm kiếm và xây dựng đội ngũ các tài năng văn xuôi cho văn học Công giáo. Giải được tổ chức liên tục hằng năm trong 6 năm liền (2013-2018) dành cho thể loại truyện ngắn mang nội dung Kitô giáo, đến nay đã là năm thứ 4. Trãi qua 4 năm, như mục tiêu ban đầu, BTC nhận thấy rằng: Chúng ta vẫn cần phát hiện thêm nhiều tài năng và phát huy năng lực sáng tạo của họ để đóng góp những tác phẩm giá trị cho nền văn học Công giáo. Đó chính là con đường làm cho Tin Mừng trở thành văn hóa dân tộc. Điều ấy rất cần, cho hôm nay và cả mai sau. Bởi hiện nay, văn hóa đang bị làm cho suy đồi bằng các trào lưu của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa thực dụng, thiên về giải trí rẻ tiền, lai căng và thiếu hẳn giá trị nhân văn. Thứ văn hóa ấy dường như đang làm sụp đổ niềm tin, đưa người trẻ vào con đường lầm lạc…

Chương trình này nhắm đến đối tượng trẻ nhằm xây dựng cho tương lai nên cuộc thi chỉ dành cho các tác giả dưới 40 tuổi. Năm nay trong danh sách dự thi có 81 tác giả (không kể 2 người đã quá hạn tuổi) với các độ tuổi như sau: SN 1976-1980: 06 người, 1981-1985: 11, 1986-1990: 23, 1991-1995: 39, 1996-1998: 02. Như vậy các tác giả độ tuổi 20-30 chiếm số lượng áp đảo (3/4) và hầu hết các giải thưởng đều rơi vào tay các cây bút trẻ này. Cái hiện tượng “tre già măng mọc” ấy quả thực là một điều rất đáng để vui mừng. Tôi nhớ ngoài đời có cuộc thi “Văn học tuổi 20” ở tầm quốc gia, tổ chức 4 năm một lần cho các tập truyện ngắn và tiểu thuyết (mà tác giả Khánh Liên của chúng ta đã có lần đoạt giải), rồi bỗng mường tượng cuộc thi của chúng ta có thể gọi là “Văn học Công giáo tuổi 20” chăng? “Tuổi 20” ở đây tượng trưng cho lực lượng trẻ, một lực lượng kế thừa mà ở lĩnh vực nào cũng cần phải gầy dựng.

Cuộc thi lần IV này có 143 tác phẩm (năm ngoái là 144) với 81 tác giả (năm ngoái 95) đến từ 19 giáo phận: Bắc Ninh (5), Bùi Chu (2), Buôn Mê Thuột (1), Đà Lạt (3), Hà Nội (3), Hải Phòng (1), Huế (1), Hưng Hóa (2), Kontum (2), Long Xuyên (1), Nha Trang (15), Phát Diệm (3), Phú Cường (1), Qui Nhơn (12), Sài Gòn (7), Thanh Hóa (2), Vinh (12), Vĩnh Long (1) và Xuân Lộc (5).  Trong đó 4 giáo phận có số tác giả tham gia đông là: Nha Trang (15), Qui Nhơn (12), Vinh (12) và Sài Gòn (7). Như vậy, tuy số người tham gia có giảm nhưng độ lan tỏa của cuộc thi đã dần rộng khắp hơn, đến với nhiều nơi hơn. Đặc biệt vào giữa cuộc thi năm nay, với sáng kiến của anh Đình Chẩn và nhóm cộng sự, một trang Facebook “Giải Viết Văn Đường Trường” đã được thiết lập nhằm giới thiệu cuộc thi, đăng tải các tác phẩm dự thi, tạo sự tương tác rộng rãi với độc giả ở khắp nơi. BTC cũng mở thêm “giải bình chọn” để tạo nên không khí sôi nổi và hào hứng cho cuộc thi. Mới qua chưa được nửa năm, trang mạng này đã có hơn 30 ngàn lượt người vào truy cập. Hy vọng với đà này, cuộc thi năm sau sẽ rất “tưng bừng náo nhiệt” để “làm khổ” BTC hơn đúng như mong ước!

Về qui trình chấm giải, BTC vẫn thực hiện một cách công tâm và kỹ lưỡng như các năm trước: Các bài dự thi hợp lệ đều được rọc phách, xóa những thông tin về tác giả và đánh mã số. Sau đó BTC sẽ đọc sơ tuyển, loại bớt những bài viết còn non yếu, chưa phải là truyện ngắn hoặc vi phạm những qui định của thể lệ. Kết quả của cuộc thi được lượng giá và xem xét dưới nhiều góc độ bởi những giám khảo thuộc nhiều thành phần khác nhau, có uy tín trong những lãnh vực liên quan. Các bài dự thi được tiến hành chấm qua 2 vòng với thang điểm cụ thể trên từng tiêu chí đã đề ra. Qua vòng chấm sơ khảo đã chọn ra được 55 tác phẩm vào vòng chung khảo. Căn cứ vào tổng điểm của Ban chung khảo cùng với điểm trung bình cộng của Ban sơ khảo, BTC sẽ xem xét thêm các vấn đề khác và xếp hạng giải thưởng.

Nhìn chung, các tác phẩm dự thi năm nay có cái nhìn đa dạng hơn, nội dung truyện khai thác khá phong phú các mảng đề tài sát với chủ đề cuộc thi. Các truyện đã phản ánh được phần nào những chân dung, sắc màu, cung bậc cuộc sống của con người, của xã hội và của đời sống Kitô hữu. Các cây bút năm nay viết khá đều tay, điểm tổng kết thường bằng nhau hoặc chỉ chênh nhau 0,25 điểm, nên đã “làm khó” cho BTC khi xếp hạng. Và cũng chính vì thế nên đã không chọn được truyện nào vượt trội hẳn lên để trao Giải Nhất. Nói như nhận định của Ban Giám khảo thì: Sự phân biệt giá trị giữa các truyện là ở nghệ thuật dựng truyện. Nhiều tác giả tỏ ra là những cây bút nghề, và ngược lại, người mới tập viết văn thì không tránh được sự non tay trong xử lý các yếu tố của tác phẩm. Một số truyện còn ở dạng ký, tác giả chỉ mới ghi lại sự việc theo thứ tự thời gian, không gian như trong một bài tường thuật, tính truyện còn nhạt, gần như chỉ là một ghi chép của người trong cuộc, chưa có bóng dáng của sự sáng tạo. Cũng có truyện lời kể như văn nghị luận, tác giả nêu một nhận định trước rồi sau đó kể câu chuyện để chứng minh cho chủ đề ấy. Mặt khác, xét trong tương quan cấu trúc, tư tưởng là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm. Nếu truyện sai lệch về tư tưởng, thì các yếu tố khác, dù có hay, cũng không cứu vớt được. Các tác giả cần lưu ý về điều này, học hỏi thật sâu để thấm nhuần tư tưởng Công giáo khi viết truyện. Điều đáng mừng là trong hành trình đi tới của cuộc thi, nhiều tác giả đã khám phá sâu sắc đời sống Công giáo, không ngại đề cập đến những vấn đề xã hội nhạy cảm. Nhiều tác giả đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng tha hóa đạo đức ngay trong gia đình Công giáo, nhưng nhiều tác giả cũng ghi nhận được những mẫu gương người Công giáo sống và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa trong mọi hoàn cảnh. Ở góc nhìn nào, tác phẩm cũng để lại cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm.

Kết quả cuối cùng đã có, với 21 giải thưởng sẽ được trao hôm nay gồm: 1 Giải Nhì, 3 Giải Ba và 17 Giải Triển vọng, kèm theo đó là 3 phần thưởng khích lệ với những lý do sẽ nói sau trong phần trao giải. Danh tính cụ thể của từng tác giả đạt giải và xếp hạng giải thưởng cũng sẽ được công bố trong phần trao giải. Các tác phẩm đạt giải và phần thưởng khích lệ được chọn in trong tuyển tập “Điểm hẹn Giêsu”. Chúng ta hãy đọc, hãy cùng cảm nghiệm và cùng trăn trở với các tác giả, để rồi bừng lên một niềm hi vọng cho tương lai văn học Công giáo.

Với mục tiêu kép là tìm kiếm và xây dựng đội ngũ các tài năng văn xuôi cho văn học Công giáo, cuộc thi đã phần nào đạt được mục tiêu thứ nhất. Mục tiêu thứ hai là xây dựng, tức là tạo điều kiện để các tác giả nối kết nhau, giao lưu và học hỏi nhau để tự đào tạo, tự trau dồi thêm tài năng, thì dường như kết quả vẫn còn khiêm tốn. Đây là điều mà Ban Tổ chức đang lo lắng vì thời gian đề ra cho cuộc thi chỉ còn hai năm nữa là kết thúc. Trong những năm vừa qua, một số tác giả đã liên tục tham gia mấy năm liền dù chưa đạt giải lần nào, nhờ đó đã tự nâng cao ngòi bút. Đây là kinh nghiệm về sự kiên trì tập luyện, và chắc rằng họ sẽ tiếp tục sáng tác lâu dài về sau cả khi những cuộc thi đã lùi vào quá khứ. Hình thức thứ hai là gặp gỡ trao đổi để giúp nhau rèn luyện. Hình thức này cũng đã manh nha với cuộc họp mặt các tác giả giáo phận Nha Trang đầu năm 2016 cùng với sự giao lưu rộng rãi trên Fb Văn thơ Công giáo. Hình thức thứ ba mới được nhen nhóm trong cuộc họp mặt năm nay là tổ chức những cuộc tĩnh tâm, giúp các tác giả đào sâu những suy nghiệm tâm linh khi thường xuyên gặp gỡ Chúa. Hình thức thứ tư là mở ra cuộc vận động trau dồi tiếng Việt cho người trẻ, ước gì các tác giả sẽ có nhiều sáng kiến hữu hiệu để giúp đỡ các bạn trẻ quanh mình. Chính khi tìm cách giúp người khác, ta cũng sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho mình để tiến bộ rất nhanh. Mong rằng với hai năm còn lại của Giải Viết Văn Đường Trường, chúng ta sẽ chung tay góp sức để đội ngũ cầm bút Công giáo thêm đông đảo và có đủ thực lực hầu tạo nên một diện mạo mới thật sống động cho văn học Công Giáo.

Xin cảm ơn quý vị đã lắng nghe những chia sẻ của chúng tôi.

Tađêô Nguyễn Thanh Xuân

vvdt3

KẾT QUẢ GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG LẦN IV (2016)

Cuộc thi Giải Viết Văn Đường Trường năm nay không có giải nhất, chỉ có một giải nhì, ba giải ba và 17 giải triển vọng.

  I. GIẢI NHÌ

– Tác giả MARIA MADALENA ĐẶNG HOÀNG HƯƠNG GIANG, Bút danh  TÂM NGỌC, sinh năm 1990   – thuộc Giáo phận Kontum, với tác phẩm HOA NỞ GIỮA ĐÊM

  II. GIẢI BA

– Tác giả VINH SƠN CHUNG THANH HUY, Bút danh HUY CHUNG, sinh năm 1976 – thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, với tác phẩm BÃO BIỂN.

– Tác giả MARIA NGUYỄN THỊ KHÁNH LIÊN, sinh năm 1982 – thuộc Giáo phận Nha Trang, với tác phẩm CÁT BỤI.

– Tác giả MARIA NGUYỄN THỊ THU THẢO, Bút danh MARIA THẢO NGUYÊN, sinh năm 1993, – thuộc Giáo phận Vinh, với tác phẩm TÌM CHIÊN LẠC.

III. GIẢI TRIỂN VỌNG

– Tác giả GIUSE PHẠM DUY ANH, Bút danh DUY ANH, sinh năm 1990 – thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, với tác phẩm HỌA SỸ.

– Tác giả GIUSE NGUYỄN NGỌC BÍCH, sinh năm 1991 – thuộc Giáo phận Hưng Hóa, với tác phẩm TRỞ VỀ.

– Tác giả PHANXICÔ XAVIÊ LÊ CÔNG CHÍNH, Bút danh LÊ MIÊN CA, sinh năm 1989 – thuộc Giáo phận Đà Lạt, với tác phẩm GIẤC MƠ MẶT NGƯỜI.

– Tác giả PHAOLÔ LÊ QUỐC BẢO, Bút danh SAO BIỂN, sinh năm 1990 – thuộc Giáo phận Nha Trang, với tác phẩm GÃ KHỜ , NHỎ H VÀ CÂU CHUYỆN RADIO.

– Tác giả MARIA NGUYỄN THỊ TÂM, Bút danh TÂM THANH, sinh năm 1992  – thuộc Giáo phận Vinh, với tác phẩm ĐỘNG LỰC.

– Tác giả GIUSE LÊ NGỌC THÀNH VINH, Bút danh VINHKIU, sinh năm 1980 – thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội với tác phẩm NGƯỜI TỐT.

– Tác giả ĐAMINH NGUYỄN NGỌC HOÀI NAM, sinh năm 1976 – thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, với tác phẩm CHIỀU XUỐNG ÊM ĐỀM.

– Tác giả PHÊRÔ PHẠM MINH CHÂU, Bút danh BỌT BIỂN, sinh năm 1995 – thuộc Giáo phận Nha Trang, với tác phẩm ÁNH SAO ĐÊM.

– Tác giả MARIA GIUSE NGUYỄN NGỌC NỮ, Bút danh NỤ HÀM TIẾU, sinh năm 1978 – thuộc Giáo phận Vĩnh Long, với hai tác phẩm MỘT ĐỜI TẠ ƠN và DẪU CÓ MUỘN MÀNG.

– Tác giả ANNA NGUYỄN BÍCH HẠT, Bút danh VIOLET, sinh năm 1988 – thuộc Giáo phận Bắc Ninh, với tác phẩm BÀI CA CỦA TRÁI TIM.

– Tác giả PHANXICÔ LÊ QUANG THẠCH, Bút danh ĐÁ CUỘI, sinh năm 1989 – thuộc  Giáo phận Qui Nhơn, với tác phẩm SỮA ĐỨC TIN.

– Tác giả TÊRÊXA NGUYỄN THỊ TRÔNG, Bút danh BÔNG HỒNG NHỎ, sinh năm 1992 – thuộc Giáo phận Vinh, với tác phẩm ĐIỂM HẸN GIÊSU.

– Tác giả GB. TRẦN KIM CANG, sinh năm 1986 – thuộc Tổng Giáo phận Huế, với tác phẩm CHỌN LỰA.

– Tác giả PHÊRÔ NGUYỄN HOÀNG HẢI, sinh năm 1989 – thuộc Giáo phận Nha Trang, với tác phẩm KHÓC.

– Tác giả GIOAKIM NGUYỄN VŨ HỒNG KHA, sinh năm 1995 – thuộc Giáo phận Qui Nhơn, với tác phẩm HAI PHÍA CON ĐƯỜNG.

– Tác giả ANÊ VÕ THỊ PHƯƠNG, Bút danh HẠ NHIÊN, sinh năm 1994, – thuộc Giáo phận Qui Nhơn, với tác phẩm MỘT NỬA GIẤC MƠ.

– Tác giả ANTÔN TRẦN VĂN DŨNG, Bút danh MỤC ĐỒNG, sinh năm 1986, – thuộc          Giáo phận Vinh, với tác phẩm CỬA ĐỢI.

vvdt2

PHẦN THƯỞNG KHÍCH LỆ

Ngoài ra có ba bài đạt phần thưởng khích lệ:

– Bài “Linh mục điên” của Giuse Nguyễn Đức Tuyển có số điểm chung khảo khá cao, nhưng bị “phạm qui” do vượt độ dài qui định trong thể lệ hơn 1.300 từ.

– Bài “Vâng phục” của Micae Trần Văn Hiển có số điểm có thể đạt giải Triển vọng, nhưng vượt độ dài qui định trong thể lệ gần 1.000 từ.

– Bài “Trong giấc mơ con có Mẹ” của Maria Blon. Tác giả là học sinh lớp 10, sinh năm 1998, thuộc sắc tộc Bahnar, đã dự thi từ năm lớp 8, khi chưa có khái niệm gì về truyện ngắn. Sau ba năm, dù truyện chưa lọt vào vòng chung khảo nhưng Blon đã có tiến bộ vượt bậc.

Tất cả các tác phẩm trên đây được giới thiệu trong tuyển tập cuộc thi mang tên “Điểm hẹn Giêsu”, Nhà xuất bản Phương Đông.

Quy Nhơn, ngày 21-9-2016

Trưởng ban Tổ chức

Linh mục Trăng Thập Tự

 


























 
 

Tác giả bài viết: Linh mục Trăng Thập Tự

 Tags: Viết văn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

lich cong giao 2022 - 2023
tapsanmucdong
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm112
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay10,554
  • Tháng hiện tại612,059
  • Tổng lượt truy cập28,263,946

Chúng tôi trên mạng xã hội

CÁC GIÁO HẠT
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây