Trang mới   https://gpquinhon.org

Lược sử Giáo xứ Chợ Mới

Đăng lúc: Thứ tư - 05/06/2013 19:03
GIÁO XỨ CHỢ MỚI 
 

 



I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Chợ Mới hiện nay bao gồm các xã : An Cư, An Hiệp, An Thọ, An Hải, An Hoà và các thôn Quảng Đức, Hà Yến, Hòa Hậu của xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ đặt tại nhà thờ Chợ Mới, thôn Hà Yến, xã An Thạch, huyện Tuy An.

Trên Quốc lộ IA, từ Bắc vô Nam, qua khỏi cầu Ngân Sơn chừng 600 mét, hoặc nếu từ Nam ra Bắc cách ngã ba Chí Thạnh 02 Km, gặp trụ cây số 1301, đi theo huyện lộ về hướng Đông khoảng 300 mét sẽ đến cầu Lò Gốm bắc qua nhánh sông Cái[1] chảy ra đầm Ô Loan. Tại cầu Lò Gốm, sông Cái chia làm hai nhánh, một nhánh dọc theo cầu Lò Gốm chảy ra cửa biển Tiên Châu. Dọc đường bêtông theo nhánh sông nầy là đường về nhà thờ Mằng Lăng. Nhánh  kia chảy dưới chân cầu Lò Gốm về hướng Nam đổ ra đầm Ô Loan, đoạn qua thôn Hà Yến gọi là sông Hà Yến. Trên đường chảy ra đầm Ô Loan, sông Hà Yến phát sinh một nhánh nhỏ từ Chợ Mai, thôn Hà Yến đến chân núi Gò Dầu thôn Hòa Hậu, rồi cũng chảy ra đầm Ô Loan.

Từ đầu phía Bắc cầu Lò Gốm, thuộc thôn Quảng Đức, xã An Thạch, theo đường bê tông dọc bờ sông Hà Yến khoảng 2.200m, rẽ trái theo đường bêtông khoảng 600m, nhà thờ Chợ Mới tọa lạc giữa khu dân cư thôn Hà Yến.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

Vùng đất thôn Hà Yến, nơi nhà thờ Chợ Mới tọa lạc được bao quanh bởi sông nước, ruộng đồng,  khí hậu hiền hòa, dường như chỉ dành cho những nông dân cần cù thích cuộc sống đạm bạc.

Chung quanh nhà thờ Chợ Mới, nhất là ở phía trước nhà thờ có nhiều ngôi mộ cổ, trong số các ngôi mộ cổ nầy, có một ngôi mộ còn một phần hình thánh giá trên đầu mộ. Một vài ngôi mộ được chôn sâu trong lòng đất đã được phát hiện khi thi công xây dựng nhà thờ Chợ Mới hôm nay. Phía Đông Nam nhà thờ Chợ Mới có ngọn núi Một. Tại xóm Hòa Sen (đội 9 Hợp tác xã Nông nghiệp An Thạch), trên đường đi Hòa Hậu, có Lẫm Đình [2]. Phía sau Lẫm Đình có Lăng Ông Chưởng, Miếu Hòa Sen và một số ngôi mộ cổ tọa lạc trên triền núi Một. Hiện nay Lăng, Miếu và Lẫm Đình đã bị hoang phế. Miếu thờ Thổ Địa tại Hòa Sen còn hai trụ cổng, trên hai đầu trụ có hai Lân được ốp bằng các mảnh sành, giữa hai trụ có bức bình phong, sau hai bức bình phong là hai tòa miếu đã sụp đổ và rêu phong. Hiện nay chưa tìm được thời điểm các di tích nầy được thành lập. Dẫu sao, các mồ mả và các di tích nầy cho thấy nơi vùng đất nầy đã có cư dân tụ cư từ lâu đời.

Trước đợt cải cách ruộng đất của Vua Minh Mạng vào năm 1832, vùng đất Hà Yến ngày nay có tên gọi là Hà Thanh. Đây là vùng đất thuộc vùng Bà Đài (châu thổ sông cái), một trong bốn vùng đất được chúa Nguyễn Hoàng ra công lệnh vào ngày mồng 6 tháng 2 năm Đinh Sửu (1597), giao cho Lương Văn Chánh chiêu dân từ Thuận Quảng vào khai khẩn đất hoang. Ngoài ra còn có hai đợt lưu dân đến Phú Yên lập nghiệp có tổ chức với số lượng đáng kể: Năm 1648 đời chúa Thượng Nguyễn Phước Lan và từ năm 1655 đến năm 1660 đời chúa Hiền Nguyễn Phước Tần. Lưu dân hai đợt này vốn là những binh lính xứ Nghệ của chúa Trịnh bị chúa Nguyễn bắt và những dân nghèo không có sản nghiệp. Trong số nầy, có số được hướng dẫn đến vùng Bà Đài để lập nghiệp. Trong số lưu dân đến đây lập nghiệp, có thể có những tín hữu đã được các thừa sai dòng Tên ban bí tích Thánh Tẩy tại quê hương của mình.

Cha Ausiès, thừa sai làm việc tại Phú Yên và Qui Nhơn (Bình Định) từ năm 1683 đến ngày 01/8/1709 đã viết trong Nhật ký Truyền giáo của cha năm 1683: Sau khi kết thúc chuyến viếng thăm các nhà thờ Phú Yên vào tháng Giêng năm 1683, và làm phép nến ngày lễ Thanh Tẩy Đức Mẹ ở nhà thờ Bà Đài, nhà thờ chính trong tỉnh, tôi sắp xếp chuyến đi Qui Ninh[3] theo lệnh của Đức Cha Mahot, người đã chỉ định tôi trực tiếp coi sóc hai tỉnh này”.[4]

Nhà thờ đầu tiên ở Phú Yên là nhà thờ do Bà Maria Mađalêna Ngọc Liên lập tại Dinh Trấn Biên, thuộc vùng Bà Đài (châu thổ sông Cái) sau khi Bà lãnh nhận bí tích Rửa tội vào năm 1636.[5] Cuối năm 1643, Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh, trấn thủ Phú Yên đã chuyển về Quảng Nam, người đến thay thế ông là Phó tướng Tôn Thất An. Bà Maria Mađalêna Ngọc Liên cũng theo chồng về Quảng Nam và chịu bắt đạo vào năm 1665. Như thế ngôi nhà thờ Bà Ngọc Liên lập tại Dinh Trấn Biên còn tồn tại đến năm 1683 là điều không thể. Do đó nhà thờ Bà Đài được nói đến trong dòng nhật ký truyền giáo của cha Ausiès  hiện nay là chỗ nào ? Vấn đề vẫn còn tồn nghi, chưa được lý giải.  

Sau 10 năm cha Ausiès thăm viếng  Phú Yên lần đầu tiên, có một bức thư của các Thầy giảng đề ngày 09 tháng Hai năm 1693 gởi cho cha Ausiès. Trong thư đứng tên 13 Thầy giảng, được chia làm bốn bậc, bậc I: Nicola Vy; bậc II: Antôn Thien, Giuse Toan, Phêrô Hon, Giacôbê Daou (Đông), Luca Luoc; bậc III: Linô Ly, Tađêô Phuong, Eugêniô Luot; bậc IV: Luca Duyen, Giuse Muu, Micae Louc, Gioan Than. Theo Linh mục sử gia Adrien Launay, thì đây là bức thư của các Thầy giảng ở Chợ Mới. [6]

Trong bài tường trình vào tháng 7 năm 1723 về việc qua đời và an táng Đức cha Labbé, Giám mục phó Đàng Trong, cha Charles Flory có ghi: “ Sau khi cho đào một huyệt nhỏ dưới bàn thờ của nhà thờ chính ở Phú Yên, tôi đã đặt ở đó xác của ngài đã được khâm liệm cùng với phẩm phục trước khi tôi đến…Ngài qua đời ngày 24 tháng Ba năm nay và chúng tôi an táng ngài ngày 13 tháng 5” [7]. Như vậy, nhà thờ chính ở Phú Yên là nhà thờ nào ?.

Theo thống kê ngày 01/12/1747 của cha Paul Bourgine [8] về số gia đình và khoảng cách từ các cộng đoàn tín hữu đến nhà thờ, vùng truyền giáo Phú Yên có 06 nhà thờ : Cho-Moi (Chợ Mới, thôn Hà Yến, An Thạch, Tuy An) 134 gia đình; Quan Cau (Quán Cau, An Hiệp, Tuy An) 88; Lo Cao (vùng Màn Màn-Mỹ Á, Tuy Hòa) 23; Phu Dien (Phú Điền, An Phú, Tuy Hòa) 21; Phuc Thuyen (Vùng Bình Kiến-Triều Thủy, Tuy Hòa) 55; Thach Thanh (Thạch Thành, Hòa Phú, Tây Hòa) 93. Trong đó Chợ Mới là nhà thờ chính và cũng là trú sở thường xuyên của các thừa sai.[9] Theo đó, có 67 giáo điểm, giáo điểm xa nhất của Chợ Mới ở phía Tây là giáo điểm Suối Ré (nay thuộc giáo xứ Đồng Tre) và Lỗ Rong (nay thuộc giáo xứ Sơn Nguyên), phía Nam là Nam Bình (nay thuộc giáo xứ Đông Mỹ), phía Bắc là giáo điểm Vũng Lắm (nay thuộc giáo xứ Sông Cầu).

Với tường trình của cha Charles Flory cùng với thống kê của cha Bourgine ở trên, cho thấy Đức cha Labbé được an táng tại nhà thờ Chợ Mới, và lúc bấy giờ, Chợ Mới là trung tâm truyền giáo của Phú Yên. Như thế tên gọi Chợ Mới là một tên gọi ‘thuần túy nhà đạo’ đã có từ lâu đời và được giữ mãi cho đến ngày nay.

Trải qua thời gian lịch sử khá lâu dài, vị trị nhà thờ Chợ Mới hôm nay phải chăng chính là vị trí mà Đức cha Labbé được an táng như lời tường thuật?  Đó là một vấn đề lịch sử cần được xác minh.

Trong báo cáo năm 1850 của Đức cha Stêphanô Thể gởi cho Hội Thừa Sai Paris, Phú Yên được chia làm hai xứ. Xứ phía Bắc có 21 giáo điểm với 3.537 tín hữu, trong đó Chợ Mới đứng đầu danh sách với 423 tín hữu. Xứ phía Nam có 14 giáo điểm với 2.464 tín hữu, trong đó Hoa Vông đứng đầu danh sách với 165 tín hữu.[10] Quan sát trong báo cáo nầy, hai giáo điểm Chợ Mới và Hoa Vông đứng đầu danh sách của hai xứ Bắc và Nam Phú Yên không xếp theo thứ tự vần của tên gọi. Xét cách xếp theo thứ tự giáo điểm có số tín hữu đông nhất thì Chợ Mới có số tín hữu đông nhất trong các giáo điểm thuộc xứ Bắc Phú Yên, lúc bấy giờ Mằng Lăng có 154 tín hữu. Tuy nhiên, nếu xếp theo thứ tự nầy, Hoa Vông có số tín hữu đứng hàng thứ 06 trong số các giáo điểm thuộc xứ Nam Phú Yên : Phú Cốc 311; Hóc Gáo 288; Phú Điền 196; Quán Cau 194; Suối Môn 168; Hoa Vông 165; Triều Thủy 137….

Trong tiểu sử các thừa sai làm việc tại Phú Yên, từ năm 1867- 1870 một mình cha Gustave Louis Derenne ở tại Mằng Lăng, phụ trách toàn vùng Phú Yên. Năm 1870 ngài lâm bệnh, phải đưa về Singapore điều trị nhưng không cứu khỏi, ngài qua đời vào ngày 08/12/1870. Như thế thời điểm nầy trụ sở của các thừa sai đã chuyển đến Mằng Lăng. Chợ Mới đã hoàn thành nhiệm vụ của mình trong lịch sử.

Năm 1885, Chợ Mới cũng như Mằng Lăng đều bị Văn Thân bách hại. Năm 1887, cha Guitton được bổ nhiệm vào Phú Yên với các cha phó là cha Huề và cha Đạt. Cha Huề phụ trách phía Tây (Cây Da), cha Đạt phụ trách phía Nam (Hoa Vông). Ngày 10 tháng Tư năm 1888, cha Joseph Lacassagne từ Hồng Kông về Phan Rang và được bổ nhiệm làm cha sở toàn tỉnh Phú Yên với toàn quyền tự do lựa chọn trụ sở cho mình, Mằng Lăng hoặc ở Hoa Vông. Ngài đã chọn Mằng Lăng. [11]

  Sau ngày 30/4/1975 cha F.X Nguyễn Xuân Văn và cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri từ giáo phận Đà Nẵng trở về giáo phận Qui Nhơn, nguyên quán của hai cha. Tháng 9/1975, Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục giáo phận Qui Nhơn quyết định lấy 03 giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng: Chợ Mới, Xóm Làng và Đồng Cháy lập thành giáo xứ Chợ Mới, giao cho cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri. Còn lại 09 giáo họ thuộc giáo xứ Mằng lăng do cha F.X. Nguyễn Xuân Văn đảm nhiệm. Cha Phaolô Trương Đắc Cần lúc bấy giờ là cha sở Mằng Lăng, được bổ nhiệm làm cha sở Sông Cầu.

Ngày 10 tháng 10 năm 1986, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri được bổ nhiệm làm cha sở Mằng Lăng. Giáo xứ Chợ Mới không có linh mục đến ở thường xuyên, cha sở Mằng Lăng kiêm nhiệm Chợ Mới. Trong khi cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri về Mằng Lăng, thầy Giuse Trương Đình Hiền từ Mằng Lăng về ở tại Chợ Mới. Ngày 10/5/1989, thầy Giuse Trương Đình Hiền thụ phong linh mục và ở tại Chợ Mới cho đến ngày 10/3/1992 được bổ nhiệm làm cha sở Đồng Tre.

Ngôi nhà thờ Chợ Mới được xây dựng từ năm 1962 nay đã cũ nát. Cha Phêrô Nguyễn Cấp, cha sở Mằng Lăng, đã vận động quyên góp, xin kinh phí từ các tổ chức, các ân nhân trong và ngoài nước để xây dựng lại. Nhân dịp nầy, cha Phêrô Nguyễn Cấp đã nâng đất, mở rộng khuôn viên phía trước nhà thờ.

Ngày 15/09/2010, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận đến chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới. Nhờ ơn Chúa qua lời cầu bàu của Mẹ Maria và Thánh cả Giuse, ngôi nhà thờ mới với một quần thể khang trang đã được hoàn thành.

Ngày 14/3/2013, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận đã đến chủ sự Thánh lễ Khánh thành nhà thờ.

Ngày 28/5/2013, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi đã đến Chợ Mới chủ sự thánh lễ, công bố văn thư tái thành lập giáo xứ Chợ Mới và bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Cấp làm cha sở Chợ Mới.

III. HIỆN TÌNH GIÁO XỨ (năm 2013)

 
STT GIÁO HỌ SỐ
GIÁO DÂN
BỔN MẠNG
01 Chợ Mới 532 Đức Mẹ Lên Trời
02 Xóm Làng 246 St. Gioakim và Anna
03 Đồng Cháy 359 Sinh Nhật Đức Mẹ
           
IV. LINH MỤC VÀ TU SĨ  THÂN TỪ GIÁO XỨ
  1. Cha Giuse Nguyễn Tấn Châu, Chợ Mới, qua đời 1952.
  2. Cha Phêrô Nguyễn Kim Thăng, Chợ Mới, làm việc tại giáo phận Nha Trang.
  3. Nữ tu Sophia Nguyễn Thị Ngọc Lan, Chợ Mới, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, qua đời 2001.
  4. Nữ tu Jacintha Nguyễn Thị Sen, Xóm Làng, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
  5. Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chợ Mới, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
  6. Nữ tu Têrêxa Thái Thị Huyền Linh, Chợ Mới, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
  7. Nữ tu Anna Ngô Thị Kim Chung, Đồng Cháy, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
  8. Nữ tu Matta Nguyễn Thị Hoàng Thi, Xóm Làng, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
  9. Nữ tu Maria Lê Thị Mỹ Phúc, Xóm làng, Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.
V. HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

   Sau một thời gian dài trong lịch sử truyền giáo ở Phú Yên, Chợ Mới đã được các thừa sai chọn làm trụ sở chính, sau đó Mằng Lăng đã được chọn làm trụ sở thay cho Chợ Mới. Nay Chợ Mới được Đức Giám mục giáo phận tái thành lập giáo xứ. Đó là chuyện của lịch sử. Điều quan trọng, người tín hữu ở Chợ Mới noi gương và nối bước cha ông viết tiếp trang sử đức tin của mình.
 

[1] Sông Cái có chiều dài 102 km. Phát nguyên từ dãy núi cao trên 1000 m ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai và Tây Nam tỉnh Bình Định. Đoạn sông chảy trong tỉnh Phú Yên khoảng 76 km. Sông ngang qua nơi nào thì cư dân lấy tên vùng đất đó để gọi tên sông, như sông Kỳ Lộ, sông La Hai, Sông Ngân Sơn, sông Hà Yến…
[2] Lẫm : nơi chứa lúa. Tên gọi Lẫm Đình nói lên nơi Đình  nầy có kho chứa lúa của làng.
[3] Qui Ninh là tỉnh Bình Định ngày nay. Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần đổi phủ Qui Nhơn thành phủ Qui Ninh.
[4] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, T.I, Paris 2000, p.302.
[5] Dinh Trấn Biên Phú Yên ngày nay thuộc  xóm Thành Cũ, thôn Bình Thạnh, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An.
[6] Adrien Launay, sđd, p. 401. Chợ Mới ở đây có thể hiểu là toàn vùng truyền giáo Phú Yên.
[7] Adrien Launay, sđd, p. 641
[8] Thừa sai MEP. Làm việc tại Bình Định và Phú Yên từ năm 1742-1750
[9] Adrien Launay, sđd, T.II, Paris 2000, p. 191.
[10] Mission de Qui Nhơn, Mémorial, no. 58, 31 Oct. 1909, p. 152-153.
[11] Mission de Qui Nhơn, Mémorial,  Avril 1927, p 30.
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 6
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 4554
  • Tháng hiện tại: 109457
  • Tổng lượt truy cập: 12253717