Trang mới   https://gpquinhon.org

Lược sử Giáo xứ Gò Duối

Đăng lúc: Thứ tư - 30/01/2013 02:23
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ GÒ DUỐI

Bổn mạng: Thánh Phêrô & Phaolô



 
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

          Giáo xứ Gò Duối bao gồm phần đất các xã: Xuân Hải, Xuân Lộc, Xuân Bình, Xuân Cảnh và xã Xuân Hòa, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Nhà thờ Gò Duối tọa lạc tại thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

II. ĐÔI DÒNG LƯỢC SỬ:

          Trong thống kê năm 1850 của Đức Cha Cuênot Thể, vùng cực Bắc Phú Yên có các giáo điểm: Trung Mỹ (152 tín hữu), Phụng Sơn (28), Soi Nhan (9), Sơn Thượng (88). Các giáo điểm Soi Nhan và Sơn Thượng là 02 giáo điểm ở miền núi và Trung Mỹ, Phụng Sơn là 02 giáo điểm ở đồng bằng, tất cả 04 giáo điểm nầy thuộc xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu ngày nay.

           Theo lời kể của các cụ già, nhà thờ Trung Mỹ được xây dựng trên một ngọn đồi gọi là Đồi Ngô tại thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc, cách nhà thờ Gò Duối ngày nay chừng khoảng 05 km về hướng Bắc. Tại nhà thờ Trung Mỹ, một số tín hữu bị Văn Thân giết hại, một số khác chạy trốn. Xác các tín hữu bị giết hại đợi chờ ngày Phục sinh tại vườn ông Sạn. Sau Văn Thân, hằng năm nơi xác các vị tạm gởi ấy được kính viếng, chăm nom cẩn trọng. Qua nhiều cuộc chiến tranh, dân chúng phải di cư không ai chăm sóc, dần dần nhà thờ bị hoang phế tàn lụi theo thời gian. Hiện nay tại Thạch khê không có nhà thờ nhưng còn một số giáo dân vẫn giữ đạo tốt phải chăng nhờ máu các vị tử đạo đã đổ ra tại đó.

           Năm 1894 –1895 Thầy Sô và Thầy Tài là hai Thầy giúp xứ Mằng Lăng đã có công gầy dựng các giáo điểm Sông Cầu và Gò Duối...[1].  Đây là vùng cực Bắc của Phú Yên lúc bấy giờ thuộc vùng truyền giáo của các thừa sai ở Mằng Lăng phụ trách.

           Vùng đồng bằng và đầm Cù Mông phía Bắc Sông Cầu thuận lợi cho việc sản xuất lúa gạo, đánh bắt cá bằng những phương tiện đơn sơ và là vùng đất pha cát mênh mông phù hợp cho việc trồng dâu nuôi tằm dệt lãnh đã thu hút nhiều người đến đây định cư sinh sống. Do đó cư dân Gò Duối vẫn tự hào :

“Bình Định tỉnh, Phú Yên cũng tỉnh
Gò Chàm thôn, Gò Duối cũng thôn
Em đừng nói chuyện lộn ngôn
Bình vôi, táo đất nẫu chôn hồi nào”.

           Lại nữa, khi người Pháp mở đồng muối tại Tuyết Diêm, xã Xuân Lộc, nhiều người đến đây lập nghiệp. Trong bối cảnh sinh hoạt xã hội đó, nhà thờ Gò Duối được thành lập tại thôn Bình Thạnh xã Xuân Lộc [2], do đó nhà thờ Gò Duối còn được gọi là nhà thờ Bình Thạnh.

            Năm 1895, cha Antôn Bản, cha phó Mằng Lăng đến ở tại Gò Duối.

          Tháng 08 năm 1897, cha Phanxicô Xaviê Hương đến Gò Duối thay thế cha Bản. Tháng 08 năm 1898, cha Phêrô Cao quê ở Mỹ Trang, Nước Nhỉ, Bình Định vừa mới thụ phong linh mục đến thay cha Hương. Cha Cao ở tại Gò Duối 12 năm. Đến tháng 03 năm 1910, ngài vẫn là cha phó Mằng Lăng nhưng được bổ nhiệm về ở tại giáo họ Thầy Đông, giáo xứ Mằng Lăng. Cha Antôn Phùng Vị Linh, phó xứ Mằng Lăng đến ở Gò Duối.

         Theo cuốn Liber Baptizorum xưa nhất còn giữ tại Sông Cầu: Ngày 3-5-1905 in Ecclesia Gò Duối, cha Cao rửa tội cho em F. Xavie Miên. Ngày 19-2-1906 in Ecclesia Trùm Tường rửa tội cho em Matta Em. Ngày 25-2-1906 in Ecclesia Tuỳ Lực bù các phép cho em Phêrô Sẵng. Ngày 7-3-1906 in Ecclesia Thạch Khê rửa tội cho em Phanxicô Xavie Được. Như vậy, từ đời cha Cao (1898-1910), cha phó Mằng Lăng ở tại Gò Duối, vùng cực Bắc giáo xứ Mằng Lăng, tức giáo xứ Gò Duối ngày nay đã có 04 nhà thờ: Gò Duối, Trùm Tường, Thạch Khê và Tuỳ Lực, trong đó Gò Duối là nơi có linh mục ở thường xuyên.

          Ngày 08/04/1907, Đức cha Grangeon Mẫn đến Gò Duối, cùng đi với ngài có các Cha: Hamon, Dubulle và Porcher. Cha Wendling, cha sở Mằng Lăng đã đến trước ở Gò Duối để đón phái đoàn. Sáng ngày 09/04 Đức cha ban Bí tích Thêm Sức tại nhà thờ Gò Duối.

           Ngày 20/02/1914 Đức cha Jeaningros Vị ban Bí Tích Thêm Sức tại Gò Duối, ngày 22/02 tại Sông Cầu.

           Năm 1918 sau khi ban bí tích Thêm Sức ở Gò Duối, Đức cha cũng ban Bí tích Thêm Sức tại Sông Cầu.

          Sáng ngày 16/08/1922 cha Philip Khiêm, cha phó Mằng Lăng đã đến ở tại Sông Cầu. Tháng 7 năm 1927, vùng truyền giáo Bắc Mằng Lăng được tách khỏi giáo xứ Mằng Lăng, lập thành giáo xứ Sông Cầu do cha Phaolô Trần Huấn làm cha sở. Từ khi cha Khiêm đến ở Sông Cầu, Gò Duối không có linh mục đến ở cho đến khi cha Phaolô Trần Duy Hòa, linh mục gốc giáo phận Phát Diệm di cư vào Nam đến làm việc truyền giáo tại Gò Duối (1958 -1959). 

          Cha Phêrô Lê Vĩnh Phước, cha sở Sông Cầu (1955-1960), vì lý do sức khoẻ, ngài đến ở tại Gò Duối từ năm 1960 đến năm 1966. Khi cha phước về Gò Duối, cha Phan Anh Thụ được bổ nhiệm về Sông Cầu.

          Sau khi cha Phước rời Gò Duối, các thời cha sở Sông Cầu chỉ ở Sông Cầu và đến dâng lễ Chúa Nhật tại Gò Duối.

          Năm 1996, cha Phaolô Trương Đắc Cần, cha sở Sông Cầu, cho chỉnh trang khuôn viên nhà thờ Gò Duối, xây dựng tường rào và khởi công xây dựng lại nhà thờ Gò Duối vì nhà thờ cũ đã quá ọp ẹp và rách nát. Sau khi nhà thờ được hoàn thành, năm 1998 cha xây nhà xứ Gò Duối chuẩn bị cơ sở cho tương lai.

          Ngày 12/05/1999, thầy F.x. Trần Đăng Đức, thầy giúp xứ Sông Cầu được thụ phong linh mục và được bổ nhiệm làm phó xứ Sông Cầu, ở tại Gò Duối.

          Ngày 01/07/2003, cha F. X. Trần Đăng Đức được bổ nhiệm làm Cha sở tiên khởi giáo xứ Sơn Nguyên. Cha Augustinô Nguyễn Văn Phú được bổ nhiệm về Gò Duối thay thế cha F.x. Đức. Bằng nguồn kinh phí cha Phaolô Trương Đắc Cần giao lại, mùa chay năm 2005, cha Phú khởi công xây nhà giáo lý và được khánh thành vào ngày 28/8/2005. Với sự đóng góp của bà con giáo dân Gò Duối và các thân hữu, cha Phú đã dựng tháp chuông bằng khung sườn sắt. Hồi chuông đầu tiên đã vang lên vào dịp lễ Chúa Giáng Sinh năm 2007.

           Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Giám mục giáo phận Qui Nhơn quyết định thành lập giáo xứ Gò Duối và vào lúc 7 giờ sáng ngày 27 tháng 5 năm 2009 đã đến chủ sự nghi thức bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Xuân Hòa làm cha sở.

          Hiện tình giáo xứ Gò Duối (năm 2009):
 
STT GIÁO HỌ ĐỊA CHỈ NHÀ THỜ TÌNH HÌNH GIÁO DÂN
XÂY DỰNG TÌNH TRẠNG GIA ĐÌNH GIÁO DÂN
1 Gò Duối Bình Thạnh, Xuân Bình,
Sông Cầu
1996 còn tốt 49 213
2 Tuý Phong Xuân Hải,
 Sông Cầu
  trưng dụng 1 4
3 Trùm Tường Xuân Bình,
Sông Cầu
  mất vết tích 0 0
4 Tùy Luật Xuân Cảnh,
 Sông Cầu
  mất vết tích 0 0
5 Thạch Khê Xuân Lộc,
Sông Cầu
  trưng dụng 11 43
        TỔNG CỘNG 61 260
 
Địa chỉ:

Nhà thờ Gò Duối
Bình Thạnh, Xuân Bình
Tx. Sông Cầu, Phú Yên

Cha sở: Lm. Phêrô Nguyễn Xuân Hòa
057-3699184
0914015023


 

[1] M. 06/1927. p.58
[2] Theo Quyết định số 100/HĐBT ngày 30-9-1981 của Hội đồng Bộ trưởng phân chia một số xã, thị trấn của các huyện, theo đó xã Xuân Lộc được chia thành ba xã với tên gọi là Xuân Lộc, Xuân Bình và Xuân Hải. Theo sự phân chia đó, nhà thờ Gò Duối thuộc xã Xuân Bình.
 
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Khách viếng thăm: 3
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 3791
  • Tháng hiện tại: 107444
  • Tổng lượt truy cập: 12251704