Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật V Thường Niên A

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/02/2017 16:23
CHÚA NHẬT 5 A THƯỜNG NIÊN
 
Trong Chúa Nhật 5 Thường niên hôm nay, Phụng vụ Lời Chúa có chủ đề trọng tâm là “ánh sáng”. Ánh sáng ấy trước hết là chính Đức Giêsu Kitô, sau là chính những ai đi theo Ngài, vì họ sẽ nhận lãnh ánh sáng đem lại sự sống cho mình và nhân loại : “Ta là ánh sáng thế gian. Ai theo Ta sẽ nhận lãnh ánh sáng đem lại sự sống” (Tung hô Tin Mừng).

Thật thế, Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật đã đến trần gian, điều mà thánh Gioan Tông đồ đã trang trọng công bố trong những lời mở đầu Tin Mừng do thánh nhân biên soạn : “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (c 9); “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối không diệt được ánh sáng” (c 5).

Những ai đón nhận ánh sáng Đức Kitô thì đến lượt mình cũng trở thành ánh sáng. Đây là điều Chúa Giêsu mong muốn nơi các môn sinh của Ngài. “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14).

Đặc tính của ánh sáng là chiếu tỏa : “Một thành xây trên núi thì không tài nào che giấu được. Không ai đốt đèn rồi để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà” (Mt 5,15). Người Kitô hữu cũng vậy. “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

Nghe những lời Chúa Giêsu nói đó, chúng ta không tránh khỏi xấu hổ, vì cách nào đó, chúng ta chưa thực sự thực hiện thánh ý của Chúa, chưa là ánh sáng soi đường cho anh em mình. Biết thế, nhưng Chúa vẫn muốn chúng ta phải là ánh sáng cho trần gian. Chúa tin tưởng và tín nhiệm mỗi người chúng ta. Thế gian này càng tối tăm thì lại cần biết bao những ngọn đèn chiếu sáng.

Thế nhưng người Kitô hữu sẽ chiếu sáng như thế nào? Đáp Ca, trích Thánh Vịnh 111, dạy chúng ta điều này :

Người Kitô phải chiếu giãi tình yêu : “Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng chiếu rọi kẻ ngay lành : đó là người từ bi nhân hậu và công chính. Phúc thay người biết cảm thương và cho vay mượn ; kẻ túng nghèo họ rộng tay làm phúc, đức công chính họ tồn tại muôn đời, uy thế họ vươn cao rực rỡ”. Cũng một ý tưởng đó, tiên tri Isaia đã đề cập đến trong bài đọc 1 : “Đây là lời Đức Chúa phán : “Ngươi hãy chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ, thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục. Bấy giờ ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành. Đức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Đức Chúa sẽ bao bọc phía sau ngươi. Đức Chúa sẽ nhận lời, ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại : “Có Ta đây!”. Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho người đói, làm thỏa lòng người bị hạ nhục, thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58,7-10).

Người Kitô hữu phải chiếu giãi niềm tin cậy mãnh liệt vào Thiên Chúa : “Họ sẽ không bao giờ lay chuyển, thiên hạ muôn đời còn tưởng nhớ chính nhân. Họ không phải lo nghe tin dữ, hằng an tâm và tin cậy Chúa, luôn vững lòng không sợ hãi chi” (Tv 111). Thời nay, người ta không vô thần trên lý thuyết, nhưng trên thực hành. Đức tin của người tín hữu phải là ánh sáng để xua tan bóng tối, để vực dậy đức tin èo ọt thoi thóp nơi bao người.

Người Kitô hữu phải chiếu giãi Đức Kitô bằng cách loan báo cho tha nhân mầu nhiệm Đức Kitô chịu đóng đinh vào thậo giá. Đó là sứ mạng của những người đi theo Chúa Kitô, đến nỗi thánh Tông đồ Phaolô trong bài đọc 2 đã nói : “Hồi ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Thánh Tông đồ đã chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa mà nói mà giảng mà loan báo mầu nhiệm này của Thiên Chúa (x.1Cr 4). Nên nhớ, loan báo Tin Mừng Chúa Kitô không chỉ bằng lời nói mà còn nhất là bằng chính đời sống của mình. Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói trong tông huấn Loan Báo Tin Mừng: “Người đương thời cần các chứng nhân hơn là những thầy dạy, mà nếu họ cần những thầy dạy là vì các thầy dạy cũng chính là những chứng nhân”. 

Về điểm “chứng nhân” này, Chúa Giêsu trong phần đầu của bài Tin Mừng, cũng đã gọi chúng ta là “muối cho đời” : “Chính anh em là muối cho đời” (Mt 5, 13). Muối có ba phẩm tính đặc biệt: tinh khiết, giữ cho cá thịt đồ ăn khỏi hư thối, thêm hương vị đậm đà cho thức ăn. Vì thế,

Người Kitô hữu phải chiếu giãi sự thánh thiện. Muối có màu trắng lóng lánh, vì nó xuất phát từ hai nguồn tinh khiết nhất là mặt trời và biển cả. Vậy nếu là muối cho đời thì người tín hữu phải là gương sáng của sự trong sạch thánh thiện tinh khiết. Một học gỉa Kinh Thánh có nói : “Một trong những đặc tính của thế gian là hạ thấp các tiêu chuẩn về lòng thật thà, siêng năng tận tâm, đạo đức. Kitô hữu phải là người nâng cao tiêu chuẩn của thánh thiện tuyệt đối trong lời nói, trong cách cư xử và ngay trong cả tư tưởng. Không một Kitô hữu nào được phép khinh xuất các tiêu chuẩn đạo đức trong một thế giới mà phố xá thị thành là nơi mời gọi, dụ dỗ con người sa vào tội lỗi” (Chú Giải Kinh Thánh, W.B). Trong mọi sự, “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng Trọn Lành” (Mt 5,48).

Người Kitô hữu phải trao một sức sống cho đời. Cũng như muối giữ cho thịt cá luôn tươi thì người tín hữu cũng giãi chiếu niềm vui thánh thiện để thánh hóa tha nhân. “Niềm vui Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn được tái sinh” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, ĐGH Phanxicô, 1).

  Người Kitô hữu phải thêm hương vị cho tha nhân, như muối thêm đậm mà cho thức ăn. Người đời cần khám phá vẻ rạng rỡ của đức tin Kitô giáo. Trong một thế giới đầy âu lo, Kitô hữu phải là người duy nhất có được sự bình an. Trong một thế giới đầy muộn phiền, Kitô hữu phải là người duy nhất có đầy niềm vui của của cuộc sống. Trong một thế giới đầy bạo lực, người Kitô hữu phải là người hòa bình và xây dựng hòa bình. Trong một thế giới tranh giành ích kỷ, người Kitô hữu phải xả kỷ nhân ái bao dung. Trong một thế giới ô uế, người Kitô hữu gần bùn mà không chẳng tanh hôi mùi bùn.  Phải có sự rạng rỡ thật sự trong đời sống đức tin.  

Trong những ngày đầu của Năm Mới Đinh Dậu này, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy là muối, hãy là ánh sáng cho đời. Đây là một sứ mạng quan trọng cấp thiết, nhưng cũng đầy khó khăn, dễ nản lòng. Chúng ta cầu xin Mẹ Maria giúp chúng ta mỗi ngày được gắn bó hiệp nhất với Đức Kitô, để chúng ta được trở nên “muối và ánh sáng” cho trần gian.
 
Tác giả bài viết: Lm. Laurensô Phan Thiên Ngọc
Từ khóa:

CN V TN A

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 8
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 1160
  • Tháng hiện tại: 156967
  • Tổng lượt truy cập: 12133754