Trang mới   https://gpquinhon.org

80 năm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện tại Việt Nam

Đăng lúc: Chủ nhật - 09/12/2012 02:35





Thư Đức cha Tardieu
 
Qui Nhơn, ngày 11 tháng 7 năm 1930
Kính gởi Mẹ bề trên Tổng quyền Dòng Phan Sinh Thừa sai Đức Mẹ,

Kính thưa mẹ,

Với lòng quý mến chị em, tôi gởi đến mẹ tin tốt lành về điều mà mẹ đã quan tâm từ ban đầu, nay đã thành sự, những ước mong của mẹ đã được hoàn toàn như ý. Đại diện chính phủ bảo hộ địa phương là con người cương quyết được chính quyền tin tưởng.

Ba ngày trước đây, ông đã nói với tôi: “Xin Đức cha báo tin cho các nữ tu, chúng tôi hoàn toàn tín nhiệm vào các nữ tu về vấn đề Qui Hòa. Chúng tôi sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nữ tu thể hiện tấm lòng tận tụy của mình và cũng nói lên thiện ý của chúng tôi!”

Công việc tiến triển chậm nhưng bền vững. Chúng tôi đang chờ đón 160 bệnh nhân phong sẽ đến, con số này sẽ tăng nhanh khi chúng tôi có đủ chỗ cho số đông hơn. Để có thể thực hiện được dự tính này, chúng tôi đang mở một cuộc xổ số; mọi người, ai ai cũng đều hân hoan đóng góp, hy vọng sẽ có được số dư 300.000 francs! Như thế chúng tôi sẽ có đủ để mở rộng công tác và trang bị nơi sinh hoạt cho các nữ tu”.

-----------------------------------------------------------

Việc chuẩn bị và sắp xếp đã ổn định, ngày 17/9/1931, Đức cha Augustin Tardieu liền báo ngay cho Chị Phó tổng quyền, chị Marie Lucienne như sau:

“Vấn đề trại phong Qui Hòa đã được ký kết với chính quyền Bảo hộ, mọi sự đều được tiến triển và kết thúc tốt đẹp …Ngay cả một số điều kiện các nữ tu đưa ra đều được chính quyền đáp ứng. Chẳng hạn, chuyến đi hạng nhì từ Marseille đến Qui Nhơn, điều kiện nơi ăn ở, sinh hoạt tại bệnh viện, lương bổng cho mỗi người gồm 75 đồng/tháng (khoảng 750 fr thời đó) và 500 fr tiền thưởng mỗi năm. Giáo phận Tông tòa Qui Nhơn sẽ cho một cha tuyên úy ở lại trong trại phong hiện nay do một linh mục thừa sai (MEP) đảm trách, nhưng sẽ được giao lại cho các nữ tu, đây là điều chúng tôi sẽ sớm thực hiện.

Nhà nguyện, nhà ở của các nữ tu tạm sửa lại những gì cần thiết; khi các nữ tu đến, họ sẽ tùy nghi sắp xếp theo nhu cầu, mọi phí tổn bệnh viện sẽ chi trả.

Tôi xin lưu ý: sự ký kết giữa Giáo phận và Chính quyền bắt đầu từ ngày 1/1/1933. Vì thế, sau ngày này, chị em nữ tu nên đến càng sớm càng tốt!

Xin Chị cũng nên quan tâm, nước Annam thuộc quyền bảo hộ của nước Pháp. Vì thế, xin chị, nếu không có tất cả thì ít là ba, bốn nữ tu thuộc quốc tịch Pháp, đặc biệt là chị Bề trên và Phó bề trên, như thế sẽ dễ gây thân tình, thiện cảm là điều rất quý, bởi vì mơ ước của tôi là muốn chị em dần dần điều khiển trại phong này.

Khắp nơi đều biết Dòng Phan Sinh sẽ sang Đông Dương và mọi người đều vui mừng nhưng trước tiên và hơn ai hết là Đức giám mục Qui Nhơn.

Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của Thánh Phanxicô mà chúng ta mừng kính năm dấu thánh hôm nay, phá tan mọi khó khăn và đưa các chị sớm đến để chúng tôi không còn phải chờ đợi quá lâu”
 
Đức giám mục Augustin Tardieu (Phú)


 

 


 
Đáp lời mời gọi của Đức cha Tardieu, Giám quản tông tòa Đàng Trong. Bề trên Tổng quyền Dòng đã sai 6 chị em FMM tiên khởi đến Việt Nam vào năm 1932 để chăm sóc anh chị em bệnh phong tập trung tại 3 miền đất nước tại Trại phong Qui Hòa thuộc Giáo phận Qui Nhơn…. Ngày 23/9/1932, 6 nữ tu FMM tiên khởi xuống tàu «Général Messinger» tại cảng Marseille, gồm chị Marie Gisèle, Marie de St Foulques, Marie de la Résurection, Marie de St Venant, Marie Martia du Sacré Coeur và M. Walberta. Ngày 19/10/1932, các chị đến Sàigòn và được bà Biétry (em họ của Mẹ Tổng quyền Marie Marguerite du Sacré Coeur) tiếp đón các chị rất nồng hậu và đưa về tạm trú tại nhà Dòng Thánh Phaolô. Sau hai ngày dừng chân, các chị tiếp tục hành trình đến miền truyền giáo ngày 24/10/1932, Đức cha Augustin Tardieu và cha Nicolas, cha xứ Qui Hòa vui mừng đón tiếp các chị. Cùng với 150 anh chị em bệnh nhân đang hân hoan chào đón các nữ tu. Những lá cờ phất phới bay trong làn gió biển hòa quyện trong tiếng trống, tiếng chiêng tạo nên một bầu khí vừa trang trọng vừa linh thiêng. Một chị đã ghi lại cảm tưởng ban đầu: «Không ai mà không chạnh lòng trước những khuôn mặt biến dạng, sù sì đang bừng lên niềm vui phấn khởi. Tất cả đều vào trong nhà nguyện để thờ lạy và kính chào Chúa Giêsu Thánh Thể, Vị Chủ Nhà cao quý nhất nơi đây. Trong số 150 bệnh nhân hiện diện hôm ấy có 50% là người Công giáo đạo đức, sốt sắng …."

 


Toàn cảnh bệnh viện phong trước năm 1936



Nhà thờ Qui Hòa năm 1936

Nguồn tin: Kỷ yếu mừng 80 năm Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ hiện diện tại Việt Nam 1932-2012
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 13
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 3800
  • Tháng hiện tại: 92814
  • Tổng lượt truy cập: 12237074