Trang mới   https://gpquinhon.org

Bài nói chuyện của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli

Đăng lúc: Thứ sáu - 07/11/2014 17:55


Dẫn nhập
 
Một lần nữa, quý đức cha lại họp hội nghị HĐGM để phối hợp và làm cho hoạt động mục vụ chăm sóc dân có hiệu quả hơn. Mục tiêu luôn luôn là làm cho Đức Kitô hiện diện sống động hơn không những trong các cộng đoàn Công giáo, nhưng còn hướng đến những người ngoài Công giáo.
 
Ngày 17-8-2014, khi ngỏ lời với các giám mục tại Seoul, Hàn Quốc, Đức giáo hoàng Phanxicô đã đề nghị với Hội Thánh tại châu Á một chiến thuật mục vụ qua việc hai lần nhắc đến Tông huấn Ecclesia in Asia của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cách riêng là số 29, ở đó định hướng mục vụ của Hội Thánh được định nghĩa như là “sứ vụ trong đối thoại”.
 
Đức giáo hoàng Phanxicô nói với các giám mục cách rõ ràng : “Trên lục địa mênh mông này, vốn là nhà của nhiều nền văn hóa khác nhau, Hội Thánh được kêu gọi phải uyển chuyển và sáng tạo khi làm chứng cho Tin Mừng qua việc đối thoại và mở ra với mọi người. Đây là cả một thách thức trước mặt anh em! Thật vậy, đối thoại là thành phần thiết yếu trong sứ vụ của Hội Thánh tại châu Á” (Ecclesia in Asia, số 29).
 
Trong bài nói chuyện của Ngài, Đức giáo hoàng Phanxicô nối kết suy tư của Ngài về đối thoại với chủ đề căn bản : Đối thoại được đặt nền trên căn tính Kitô giáo của chúng ta, và Ngài nhấn mạnh ba yếu tố : (1) nội dung của căn tính Kitô giáo; (2) những thách đố ngăn cản việc thể hiện căn tính của chúng ta; (3) những hoa trái phát sinh từ căn tính của chúng ta.
 
Nội dung của căn tính Kitô giáo
 
Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng chúng ta chỉ có thể dấn thân vào đối thoại khi ý thức được mình là ai, trong tư cách Kitô hữu. Ngài nói rằng căn tính sâu xa của chúng ta là “đức tin sống động vào Đức Kitô…cắm rễ sâu trong Chúa”. Mọi sự khác là “thứ yếu”. Đức Kitô là sự sống của chúng ta và chúng ta phải nói “từ Ngài và về Ngài”. Hai thành ngữ này, “từ Ngài và về Ngài”, làm nên nội dung của căn tính Kitô giáo và có ý nghĩa đặc biệt đối với Đức giáo hoàng Phanxicô.
 
Trong tâm trí của Đức giáo hoàng Phanxicô, “nói về Ngài” có hai nghĩa. Thứ nhất là “nói” về Đấng đang sống trong tôi. Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng mô tả chúng ta là những “môn đệ truyền giáo” (số 24), vì chúng ta đã gặp Chúa là Đấng đang sống trong chúng ta. Căn tính của chúng ta là thuộc về Chúa và là môn đệ của Chúa.
 
Tuy nhiên, nói “về Ngài” còn có ý nghĩa khác hơn. Theo Đức giáo hoàng Phanxicô, nội dung lời nói của chúng ta là cuộc đối thoại về cuộc sống thường ngày (nghĩa là đối thoại cuộc sống), và là cuộc đối thoại trong tình yêu (đối thoại hợp tác).
 
Do đó, khi chúng ta đi đến với tha nhân - dù khác chúng ta về nhiều mặt như văn hóa, sắc tộc, tôn giáo – là chúng ta đến với những người cũng giống như mình, là con cái Thiên Chúa, và vì thế, cuộc gặp gỡ của chúng ta trong đối thoại là “về” cuộc sống mà chúng ta cùng chia sẻ và “về” tình yêu mà tất cả chúng ta cùng sống khi giúp đỡ những người con cái Thiên Chúa đang cần đến sự trợ giúp của mình.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng Phanxicô nói với chúng ta rằng, “Lời Chúa dạy rằng các anh chị em của chúng ta là sự nối dài của mầu nhiệm Nhập thể cho từng người trong chúng ta: ‘Khi anh em làm điều đó cho một trong người hèn mọn nhất của Ta, là anh em làm cho chính Ta’ (Mt 25,40)’” (số 179).
 
Thế rồi, việc nói “từ Ngài” thôi thúc chúng ta ra khỏi chính mình và xác định nẻo đường tiếp cận người khác khi gặp gỡ họ. Bởi vì chúng ta thuộc về Đức Kitô, nên chúng ta được thúc đẩy đi đến với tha nhân, như Đức Kitô đã làm (số 120). Người môn đệ đang có Đức Kitô sống nơi mình trở thành nhà thừa sai, được Đức Kitô sai đi vào trong thế giới.
 
Hơn nữa, nói “từ Ngài” còn dạy chúng ta cách nói nữa. Nói với sự “đơn sơ”. Trong Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng Phanxicô khẳng định rằng “sự đơn sơ liên hệ đến ngôn ngữ chúng ta sử dụng. Đó phải là thứ ngôn ngữ người ta hiểu được, nếu không thì chỉ là nói với khoảng không (số 158). Sự đơn sơ còn liên hệ đến những việc chúng ta làm, nhất là việc chăm sóc người nghèo. Không có sự chọn lựa ưu tiên đối với người nghèo, thì “việc loan báo Tin Mừng, vốn là hình thái cao cả của tình yêu, có nguy cơ bị hiểu lầm và bị nhận chìm dưới đại dương của ngôn từ tràn ngập trong xã hội truyền thông đại chúng ngày nay” (số 170).
 
Trong diễn văn của ngài tại Seoul, Đức giáo hoàng Phanxicô cũng dùng từ “đồng cảm” với người khác như yếu tố của cuộc đối thoại đích thực. Đồng cảm là khả năng thấu hiểu và chia sẻ những tâm tư của người khác. Nhưng chúng ta chỉ có thể hiểu người khác khi ta tự nguyện bước vào thực tế đời sống của họ. Điều đó hoàn toàn dựa trên ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, chính mầu nhiệm Nhập Thể làm cho Thiên Chúa, qua Người Con mặc lấy xác phàm, có thể hiểu và chia sẻ tâm tư của mỗi con người. Theo đó, Đức giáo hoàng nói với các giám mục: “Sự cam kết đối thoại của chúng ta cũng được đặt nền trên chính lôgích của mầu nhiệm Nhập Thể, vì trong Đức Giêsu, chính Thiên Chúa đã trở nên một người trong chúng ta, chia sẻ đời sống của chúng ta và nói với chúng ta bằng ngôn ngữ của chúng ta”.
 
Những cám dỗ hoặc thách đố ngăn cản sự thể hiện căn tính của chúng ta
 
Vậy điều gì đang ngăn cản chúng ta không thể hiện được căn tính của mình như là những con người “thuộc về Đức Kitô” và “từ Đức Kitô”? Nên lưu ý rằng khi trả lời cho câu hỏi này, Đức giáo hoàng Phanxicô không nhắm đến những sức mạnh hoặc thực tại bên ngoài mà chúng ta cho là đang đe dọa Hội Thánh, chẳng hạn chủ nghĩa tiêu thụ, tục hóa, duy vật, kể cả cộng sản…
 
Đúng hơn, ngài trình bày ba thứ cám dỗ đang ngăn cản chúng ta thể hiện căn tính của mình, trong tư cách là những “môn đệ truyền giáo”, “thuộc về Đức Kitô” và “từ Đức Kitô”, và tất cả những cám dỗ này đều đang có mặt trong chính Hội Thánh. Những cản trở ở đây là gì?
 
Trước hết là điều chúng ta gọi là “chủ nghĩa tương đối”. Đây là cơn cám dỗ khiến cho một vài người Công giáo quên rằng trong một thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng và vô định, “vẫn có nhiều thứ không thay đổi, nhiều thứ đặt nền tảng tối hậu nơi Đức Kitô, Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay, và mãi mãi” (Gaudium et Spes, số 10; x. Dt 13,8).
 
Tuy nhiên Đức giáo hoàng đặc biệt cảnh giác về “chủ nghĩa tương đối thực hành”, nghĩa là hành động như thể không có Chúa, đưa ra quyết định như thể không có người nghèo, xác định những mục tiêu như thể không có tha nhân, làm việc như thể không có người đón nhận Tin Mừng”.
 
Cơn cám dỗ thứ hai đe dọa “sự vững chắc của căn tính Kitô giáo” là “tính hời hợt” mà Đức giáo hoàng Phanxicô định nghĩa là “khuynh hướng chạy theo những mẫu mã, phương tiện kỹ thuật, trò giải trí mới nhất thay vì chú tâm đến những điều thật sự quan trọng (x. Phil 1,10)”. Đối với Đức giáo hoàng, để những chương trình mục vụ thật sự có tính mục vụ, thì những chương trình đó phải trực tiếp gặp gỡ người dân.
 
Cơn cám dỗ thứ ba là “tìm kiếm sự an ninh bên ngoài bằng cách ẩn mình sau những câu trả lời dễ dãi, những công thức có sẵn, những qui định và lề luật”. Trong Evangelii Gaudium, Đức giáo hoàng gọi cám dỗ này là “thói thế gian về mặt thiêng liêng” (số 93 tt). Ngài coi đó như sự tổn thất nặng nề nhất cho Hội Thánh ngày nay, bởi lẽ nó đối nghịch với điều mà đức tin đích thực kêu gọi. Đức tin kêu gọi đi ra, tìm kiếm sự hiểu biết; đức tin dẫn đến việc làm chứng; đức tin khai sinh sứ vụ; đức tin ban tặng hi vọng và tình yêu.
 
Những hoa trái phát sinh từ căn tính của chúng ta
 
Căn tính của chúng ta “thuộc về Đức Kitô” và “từ Đức Kitô” được vững vàng và hiệu quả nhờ tinh thần chiêm niệm, qua đó, chúng ta cảm nhận được tình yêu và sự gần gũi của Đức Kitô.
 
Hoa trái đầu tiên của một thái độ và kinh nghiệm thiêng liêng như thế “dẫn chúng ta đến chỗ nhìn người khác như anh chị em”. Một khi nhìn người khác như chính mình, như những người thân thuộc của mình, chúng ta “không những lắng nghe những lời người ta nói, mà còn nghe thứ ngôn ngữ không lời chuyển tải những kinh nghiệm, những hi vọng và khát khao, những đấu tranh và quan tâm sâu xa nhất của họ”.
 
Hoa trái tiếp nối hoa trái thứ nhất là “nghe” người khác không chỉ là tiếp thu những lời người ta nói, nhưng còn là hòa vào điều mà trái tim họ muốn thông truyền. Do đó, khi nghe và nói với người khác, chúng ta không tranh cãi về ý tưởng cho bằng sống “cảm nghiệm về tình huynh đệ và tình nhân loại được chia sẻ”.
 
Hoa trái thứ ba tiếp theo: Sống tình nhân loại được chia sẻ có nghĩa là “cuộc gặp đỡ đích thực”, là tạo dựng nền văn hóa gặp gỡ, dẫn đến sự hiểu biết, tình bạn và tình liên đới rộng lớn hơn.
 
Có thể ghi nhận rằng một trong những hoa trái không nhất thiết phải là sự hoán cải (trở lại) theo nghĩa thường hiểu. Thật vậy, Đức giáo hoàng Phanxicô trích lời của Đức Bênêđictô XVI, nói: “Hội Thánh không lớn mạnh nhờ việc cải đạo nhưng nhờ sự thu hút”. Nếu chúng ta bước vào cuộc đối thoại “của Đức Kitô và từ Đức Kitô”, thì Đức giáo hoàng nói, “Chúa sẽ ban ân sủng của Ngài, có khi Ngài thúc đẩy tâm hồn người ta xin chịu Phép Rửa, có khi không. Nhưng luôn luôn là đồng hành”.
 
Trong buổi triều yết chung ngày 20-8-2014, ngay sau khi trở về Rôma, Đức giáo hoàng Phanxicô suy nghĩ về chuyến viếng thăm châu Á và Ngài cho thấy “đồng hành” là gì, là “bước đi của tình huynh đệ và hòa giải”, vốn là điều thiết yếu trong khung cảnh Á châu, và tôi muốn nói rằng đó là điều hết sức thiết yếu cách riêng trong bối cảnh Việt Nam.
 
Kết luận
 
Đó chính là chiến thuật mục vụ của chúng ta, rất đơn giản, là đối thoại “của Đức Kitô” và “từ Đức Kitô”, là đồng hành, không tự tách mình khỏi người khác như là kẻ thù, nhưng đến gần họ như những người anh em.
 
Đồng hành như thế nào đòi hỏi nhiều “uyển chuyển và sáng tạo”. Đức giáo hoàng Phanxicô đã thật sự mở ra những khả thể mới cho Hội Thánh tại châu Á. Chúng ta không nên sợ hãi hoặc ngần ngại bước vào cuộc phiêu lưu này. Đức giáo hoàng nói: “Tôi thích một Hội Thánh bị bầm giập, mang thương tích, dơ dáy vì bước đi trên đường hơn là một Hội Thánh không lành mạnh vì giam mình và gắn chặt với sự yên ổn của riêng mình” (số 40).
 
Chắc chắn những lời Đức giáo hoàng Phanxicô nói với các giám mục ở Rôma tháng 9 vừa qua, trong khóa học dành cho các giám mục mới chịu chức gần đây, vẫn thích hợp để nhắc lại ở đây : “Tôi nhìn thấy nơi anh em những mục tử có khả năng tái thiết sự hiệp nhất, nối kết các mạng lưới liên hệ, sửa chữa và vượt qua những phân mảnh…Đừng tiêu phí năng lực vào việc đối đầu và đối kháng, nhưng hãy dành năng lực cho việc kiến tạo và yêu thương” (20-9-2014).
 
 
 
 
Nguyên ngữ tiếng Anh : Đức TGM. Leopoldo Girelli, Đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam
Chuyển ngữ tiếng Việt : Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Văn phòng Thư ký HĐGMVN
 
 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Hôm nay: 2330
  • Tháng hiện tại: 114486
  • Tổng lượt truy cập: 12258746