Trang mới   https://gpquinhon.org

Bất cập và thái quá trong đề nghị thực hành kỷ luật bí tích cho người ly dị tái hôn

Đăng lúc: Thứ năm - 03/11/2016 21:53


BẤT CẬP VÀ THÁI QUÁ
TRONG ĐỀ NGHỊ THỰC HÀNH KỶ LUẬT BÍ TÍCH CHO NGƯỜI LY DỊ TÁI HÔN
QUA BÀI VIẾT CỦA LM. GBT. LÊ NGỌC DŨNG
 
           
Vừa qua, trên diễn đàn báo mạng cũng như báo giấy có xuất hiện bài viết của tác giả lm. GBt. Lê Ngọc Dũng, Đại diện Tư Pháp Gp. Nha Trang với nhan đề : “NGƯỜI TÍN HỮU LY DỊ TÁI HÔN CÓ ĐƯỢC XƯNG TỘI ?”.

            Đơn cử :
- Báo giấy : Nội san Legio Mariae (Tài liệu học tập của Senatus Việt Nam) số 10/2016 : từ trang 35-41
- Báo mạng : Các trang mạng sau đây :
            a. Trang mạng giáo phận Nha Trang (giaophannhatrang.org) : đăng bài (như trên) vào ngày 14/11/2015.
            b. Trang mạng Thông tin – Tin tức Công giáo (Dòng Tên qua địa chỉ Văn phòng Mục vụ Truyền thông giáo xứ Hiển Linh : conggiao.info) đăng bài (như trên) ngày 21/12/2015.
            c. Trang mạng Giáo luật Công Giáo (giaoluatconggiao.com) : đăng bài (như trên) ngày 29/12/2015.
 
Lời thưa trước : Vì nội dung bài viết liên quan đến một vấn đề mục vụ rất quan trọng và nhạy cảm hiện nay : mục vụ hôn nhân và gia đình, và tầm ảnh hưởng có sức lan tỏa đến nhiều thành phần trong Dân Chúa về việc thực hành “Kỷ luật Bí tích”, đặc biệt Bí Tích Giải Tội (Linh mục chăm sóc mục vụ, các hội đoàn Tông đồ giáo dân, những giáo dân đang trong tình trạng lỵ dị tái hôn…), nên xin được nêu lên vài ý kiến để “rộng đường dư luận”.
 
            1. Nhận định về sự bất cập của bài viết :
 
            Tạm bỏ qua những điểm tích cực đáng hoan nghênh trong tinh thần khoan dung và việc chăm sóc mục vụ đầy lòng thương xót mà bài viết nhắm tới, xin được đề cập đến những điểm bất cập mà bài viết có thể gây ngộ nhận và áp dụng việc thực hành “mục vụ Phụng vụ bí tích” sai lệch với Huấn Quyền, giáo lý truyền thống và “kỷ luật bí tích” ngàn đời của Giáo Hội.
 
1.1 : Bất cập thứ nhất : Cắt nghĩa vấn đề chỉ dựa trên một khoản giáo luật.

            Xin trích : “Thực ra, theo quy định của của Giáo Luật 1983, họ chỉ bị cấm lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể chiếu theo điều 915, với lý do là “ngoan cố sống trong tội trọng”. Tuy nhiên, không có luật nào cấm họ lãnh nhận Bí tích Giải tội.
            Một khi thụ nhân không bị luật nào cấm chi phối, thừa tác viên bí tích không được từ chối ban bí tích.” [1]
 
            Nhận định : Không thể chỉ căn cứ vào một điều “vì Giáo luật không cấm” mà được phép làm mọi sự. Giáo luật nói chung hay chỉ một khoản giáo luật mà thôi không phải là tất cả giềng mối, định hướng của đời sống đức tin mà còn có Thiên luật, Giáo Lý của Hội Thánh, Kỷ luật Bí tích, Huấn quyền…
            Để trả lời cho ý kiến “bất cập của bài viết trên, xin được giới thiệu đoạn viết của Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi trong “mục 3.3 : Về việc xưng tội của những người ly dị tái hôn” :
 
Về việc xưng tội của những người ly dị tái hôn

Cũng liên quan đến lương tâm và tòa trong, một câu hỏi khác đã được đặt ra là: những người ly dị tái hôn không được phép rước lễ, nhưng họ có được phép xưng tội không?
Có ý kiến cho rằng những người ly dị tái hôn không được phép rước lễ vì cuộc sống của họ mâu thuẫn với mầu nhiệm hiệp thông của bí tích Thánh Thể, nhưng không thấy khoản giáo luật nào cấm họ xưng tội, và hai khoản luật chung 915 và 916 cũng chỉ đề cập đến việc cấm rước lễ đối với những người phạm tội nặng mà chưa xưng thú. Hơn nữa, trong tông huấn Familiaris consortio, số 84, có câu: "Việc giao hòa bằng bí tích thống hối, là bí tích mở đường cho bí tích Thánh Thể, chỉ có thể được ban cho những người biết hối cải..."; có người cho rằng câu này có thể được hiểu là việc xưng tội được gắn liền với việc rước lễ. Vậy trong trường hợp việc xưng tội không gắn liền với việc rước lễ thì có được phép không? Nói cách khác, những người ly dị tái hôn chấp nhận không được rước lễ, nhưng nếu họ muốn xưng tội thì có được phép không?

Câu trả lời có thể được tìm thấy trong giáo lý và giáo luật. Sách giáo lý của Hội Thánh công giáo đã dạy: "Nếu những người đã ly dị tái hôn theo luật đời, thì họ ở trong tình trạng vi phạm luật Thiên Chúa một cách khách quan. Kể từ lúc đó, họ không được rước lễ, bao lâu còn sống trong tình trạng này... Sự giao hòa qua bí tích thống hối chỉ có thể được ban cho những ai thống hối vì mình đã vi phạm dấu chỉ của giao ước và của sự trung thành với Đức Kitô và tự buộc mình sống tiết dục trọn vẹn".[2]

Trong đoạn này chúng ta không thấy có sự gắn liền bí tích thống hối với bí tích Thánh Thể, nhưng việc xưng tội vẫn bị cấm đối với những người ly dị tái hôn bao lâu họ chưa thực sự thống hối và quyết tâm từ bỏ tình trạng tội lỗi của mình. Giáo luật cũng có những qui định và những chỉ dẫn rõ ràng về vấn đề này.[3]
 
1.2 : Bất cập thứ hai : Cắt nghĩa việc “ăn năn tội-dốc lòng chừa” cách phiến diện và phủ nhận việc nầy như điều kiện cốt yếu để lãnh bí tích Giải tội cho nên :
 
            Xin trích : “Trong bộ Giáo luật 1983 cũng không có luật nào đòi phải ăn năn sám hối hay dốc lòng chừa một cách cụ thể như phải dứt bỏ tình trạng ly dị tái hôn như là điều kiện phải có để lãnh nhận bí tích Giải Tội” [4]
Khẳng định số 2 “Ăn năn và quyết tâm sửa mình như điều kiện để lãnh nhận bí tích Giải Tội” là không đúng vì Giáo luật không quy định điều đó.
…Sự ăn năn về những tội và quyết tâm sửa mình rõ ràng là điều cần thiết để được Thiên Chúa tha thứ các tội đã phạm. Tuy nhiên, không được lý giải rằng, những ai không ăn năn sám hối thì không được lãnh nhận bí tích sám hối. [5]
 
            Nhận định : Cắt nghĩa như thế thì có thể nói được tác giả bài viết đã phủ nhận những điều giáo lý cơ bản nhất về bí tích Giải Tội mà Hội Thánh đã truyền dạy xưa nay : Ăn năn tội-dốc lòng chừa là một trong những điều cơ bản nhất để “lãnh bí tích Giải Tội cho nên”. Về vấn đề nầy, chúng ta tiếp tục nghe cách cắt nghĩa của Đức Cha Matthêô Nguyễn văn Khôi cũng trong loạt bài cùng chủ đề đã nêu trên :
 
“Về phía hối nhân, giáo luật điều 959 đã qui định: "Trong bí tích sám hối, các tín hữu nào thú tội mình với một thừa tác viên hợp pháp, ăn năn về những tội ấy và quyết tâm sửa mình, thì nhờ việc xá giải do chính thừa tác viên ấy ban, họ được Thiên Chúa tha thứ các tội đã phạm sau khi chịu phép rửa tội, và đồng thời được hòa giải với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội". Điều 1347 §2: "Phải kể như là phạm nhân đã hết ngoan cố, khi phạm nhân thật lòng hối hận về tội phạm của mình, và hơn nữa đã sửa chữa các thiệt hại và gương xấu cách xứng hợp, hay ít là đã nghiêm chỉnh hứa làm điều ấy".
Xưng tội là để được tha tội, nhưng bí tích giải tội không phải là một thứ phù phép, trái lại nó đòi buộc người xưng tội phải ăn năn sám hối và quyết tâm sửa mình thì mới được tha. Nếu người ly dị tái hôn đi xưng tội nhưng vẫn tiếp tục sống trong tình trạng tội lỗi và bất hợp pháp, tức là vẫn còn ngoan cố, chưa có lòng sám hối chân thành, chưa có quyết tâm sửa lỗi và gương xấu. Như vậy, chẳng những họ không được tha tội mà còn mắc tội phạm sự thánh vì làm hư bí tích thống hối. [6]
 
            Điều nầy cũng được Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn, chuyên viên về Giáo luật, cắt nghĩa rõ tại mục về Ăn Năn Tội trong tác phẩm “CÁC BÍ TÍCH PHƯƠNG DIỆN LUÂN LÝ VÀ GÁO LUẬT” :

            “Hành vi thống hối phải siêu nhiên, được đức ái chỉ huy : ăn năn hết mọi tội, tuyệt đối, mô thức, khả giác, liên hệ với lời xá giải và có trước lời xá giải. Ăn năn là điều kiện cần thiết để chịu Bí tích Sám Hối thành sự” [7]
 
            2. Nhận định về sự thái quá của bài viết :
 
2.1 : Thái quá thứ nhất : Một sự phân biệt khiên cưỡng : Phân biệt việc “được Thiên Chúa thứ tha” và việc “lãnh nhận Bí tích Giải tội” :
 
            Xin trích : “Cần phân biệt hai điều khác nhau: 1) Ăn năn và quyết tâm sửa mình như điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ; 2) Ăn năn và quyết tâm sửa mình như điều kiện để được lãnh nhận Bí tích Giải tội.
            Có khác nhau là : một cái là điều kiện để ơn Chúa xuống trong tâm hồn, một cái là điều kiện pháp lý để được quyền lợi.” [8]
 
            Nhận định : Theo cách lý giải của tác giả bài viết, thì việc ăn năn sám hối là điều kiện để được ơn tha thứ của Chúa chứ không là điều kiện để lãnh bí tích Giải tội. Cách cắt nghĩa như thế đã cho thấy sự “bóp méo” khá nguy hiểm về bản chất và hiệu năng cốt yếu của Bí tích Giải Tội. Chúng ta đang nói về “sự tha thứ của Chúa” trong bí tích Giải Tội”, chứ không phải là “ơn tha thứ của Chúa” theo nghĩa chung chung.
            Thật ra, Chúa tha thứ cho chúng ta hoàn toàn nhưng không, không cần một điều kiện nào. Cả người lương, người Phật, người Cọng sản vô thần…và cả muôn loài tạo vật đều được Chúa thương xót, thứ tha, mà không cần phải có điều kiện tiên quyết nào.[9]
 
            Nhưng chuyện đang bàn tới ở đây không nhằm đến “sự tha thứ chung chung đó”, mà là “ơn tha thứ của Bí tích Giải tội” dành cho những người đã chịu phép Rửa Tội. Nói cách khác, khi nói đến Bí tích Giải tội là nói đến ơn tha thứ; vì thế Bí tích Giải tội cũng được gọi là bí tích Tha thứ, bí tích Chữa lành. Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo đã định nghĩa chắc nịch như sau :
- “Bí tích nầy được gọi là bí tích ban ơn tha thứ, vì nhờ lời xá giải bí tích của vị tư tế, Thiên Chúa ban cho hối nhân ơn “tha thứ và bình an” (Sách GLHTCG số 1424).
- “Bí tích của sự tha thứ : Đức Kitô lập bí tích Thống Hối nầy cho tất cả các chi thể của Hội Thánh Người, là những tội nhân, trước hết cho những kẻ, sau bí tích Rửa Tội, lại rơi vào tội trọng, và như thế đánh mất ân sủng Phép Rửa và làm tổn thương cho sự hiệp thông của Hội Thánh. Bí tích Thống Hối cho những người nầy cơ hội mới để hối cải và tìm lại được ơn công chính hóa.” (Sách GLHTCG số 1446).
 
            Điều nầy đã được tái khẳng địch trong văn kiện “LINH MỤC – THỪA TÁC VIÊN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT – Tài liệu hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng” của Bộ Giáo sĩ : Bản chất của bí tích Sám Hối

“Bí tích Tha Thứ là một dấu chỉ hữu hiệu cho biết Đấng Kitô Cứu Độ đã nói, làm và hiện diện thế nào. Thông qua bí tích ấy, Đức Kitô kéo dài lời tha thứ của mình qua những lời linh mục nói, đồng thời làm cho thái độ của hối nhân đổi khác sau khi đương sự nhìn nhận mình là tội nhân và đương sự cầu xin Chúa tha thứ, sẵn sàng đền tội và sửa chữa. Trong bí tích ấy chúng ta thấy đang diễn lại sự ngạc nhiên của người con hoang đàng khi thấy cha mình tha thứ và cho mở tiệc mừng đứa con yêu trở về” (cf. Lc 15,22).[10]
 
            Công Đồng Vatican II nhấn mạnh yếu tố tha thứ của Bí tích Thống Hối : “Những ai đến với bí tích Sám Hối đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ mọi lỗi lầm xúc phạm đến Ngài, đồng thời cũng được giao hòa với Giáo Hội mà họ đã làm tổn thương khi phạm tội, và Giáo Hội cũng hợp lực giúp họ hoán cải bằng đức ái, gương lành và kinh nguyện”  [11]
 
            Ở đây, chúng ta cũng đừng quên giáo lý nền tảng của Công Đồng Trentô về “hiệu quả do sự” (ex opere operato) của bí tích mà nếu áp dụng cho bí tích Giải Tội chính là ơn tha thứ của Chúa : “Nếu ai nói rằng các bí tích của Luật Mới không đem lại ân sủng do việc cử hành (ex opere operato), nhưng chỉ có đức tin vào lời hứa cứu độ đủ để lãnh nhận ân sủng, người đó phải bị vạ tuyệt thông” [12]
 
2.2 : Thái quá thứ hai : Xem bí tích Giải Tội như một phương thế “giải tỏa mặc cảm tội lỗi” nhất thời chứ không là phương dược chữa lành tận căn :
 
            Xin trích : “Còn đối với những người rối hôn phối nhưng còn giữ đạo tốt thì việc cấm xưng tội cũng là một điều rất tai hại. Thử tưởng tượng, một người lỡ phạm tội phá thai, gian dối, làm thiệt hại cho người khác nghiêm trọng…lương tâm nặng nề, muốn được lãnh nhận ơn tha tội, ít là được tha tội nặng đó, mà bị cha giải tội từ chối ban ơn xá giải, thì quả đáng buồn. Hoặc giả như một người đang có bệnh cao huyết áp, yếu tim, tiểu đường…những bệnh không được coi là nguy tử nhưng có thể ra đi bất cứ lúc nào, mà không được chuẩn bị tâm hồn bằng Bí tích xá giải thì quả là một điều đau đớn. Trong khi Bí tích Giải tội là bí tích kẻ chết, rất cần cho những người tội lỗi nặng nề, là để cứu sống mà lại bị từ chối thì quả là nghịch lý…” [13]
 
            Nhận định : Quan niệm về bí tích Giải Tội như thế vô hình trung đánh đồng bí tích Giải Tội như “liệu pháp tâm lý nhất thời” để giải tỏa mặc cảm tội lỗi, thoa dịu tâm hồn ; tòa Cáo giải, cha giải tội trở thành địa chỉ và nhân viên tư vấn tâm lý không hơn không kém. Đây phải chăng là khuynh hướng gần với thần học của các nhóm Tin Lành, Cải cách thời công đồng Trento vốn đã bị lên án !
 
            Đức Kitô lập Bí tích Giải Tội là để “cụ thể hóa tình thương tha thứ của Thiên Chúa” dành cho những tín hữu thành tâm sám hối ăn năn và ban ân sủng để chữa lành tận gốc tội lỗi, chứ không là một giải pháp tâm lý để đối phó tạm thời hoặc nhằm thỏa mãn một sự bình an nửa vời của một tâm hồn không thực sự hoán cải. Tài liệu của Bộ Giáo Sĩ hỗ trợ các cha giải tội và linh hướng đã xác quyết :
Ơn riêng của bí tích Sám Hối chính là ơn được tha thứ - sẽ ảnh hưởng tới tận gốc mọi thứ tội mà chúng ta đã phạm sau khi chịu phép Rửa, đồng thời chữa lành mọi khuyết điểm và lệch lạc bằng cách ban cho người kitô hữu sức mạnh để "hoán cải" hay sức mạnh để cởi mở nhiều hơn đối với đức ái hoàn thiện.” [14]
 
            Điểm giáo lý căn bản nầy từ thế kỷ 16 đã được Thánh Công đồng chung Trento khẳng định cách chắc chắn để chống lại các nhóm cải cách Tin Lành vốn xem việc thú tội chỉ là phương thế thuộc tâm lý giáo dục. Công Đồng xác quyết : việc tha tội trong thẩm phán thống hối là bí tích thực sự và đúng đắn, ai chủ trương khác sẽ bị vạ tuyệt thông; [15] cũng vậy, ai phủ nhận việc thú tội trong bí tích đã được Chúa thiết lập và cần thiết cho ơn cứu rỗi cũng sẽ bị như thế.[16]
 
            Để trả lời dứt khoát cho ý kiến nầy, xin nhường lời cho Đức Cha Matthêô Nguyễn văn Khôi :
 
“Có ý kiến cho rằng mặc dù người ấy chưa có quyết tâm từ bỏ tội ngoại tình công khai trong cuộc sống tái hôn, nhưng nếu họ phạm những tội nặng khác như phá thai, trộm cắp, giết người, v.v. họ không thể đi xưng tội để được tha những tội ấy sao?
Về vấn đề này giáo luật điều 988, § 1, đã dạy: "Sau khi đã xét mình kỹ lưỡng và ý thức được tội của mình, người Kitô hữu buộc phải xưng các loại tội trọng và số tội trọng đã phạm sau khi lãnh nhận bí tích rửa tội mà chưa được quyền tháo gỡ của Giáo Hội tha trực tiếp và họ chưa xưng trong lần xưng tội riêng". Khoản luật này chỉ là nhắc lại giáo lý truyền thống bất biến của Giáo Hội mà thôi. Nếu hối nhân chỉ sám hối và xưng một số tội trọng, mà đồng thời không sám hối và xưng thú các tội trong khác thì cũng làm hư bí tích giải tội và mắc tội phạm sự thánh. Làm sao một người ly dị tái hôn có thể được tha các tội trọng khác trong khi không sám hối, xưng thú và quyết tâm từ bỏ tình trạng ngoại tình của mình?

Về phía thừa tác viên bí tích giải tội, giáo luật điều 843 § 1 đã dạy: "Các thừa tác viên có chức thánh không thể từ chối ban các bí tích cho những người xin lãnh nhận các bí tích cách thích đáng, đã được chuẩn bị đầy đủ và không bị luật cấm lãnh nhận các bí tích". Điều 980: "Nếu cha giải tội không hồ nghi về sự chuẩn bị của hối nhân, và nếu hối nhân xin xưng tội, thì ngài không được từ chối và cũng không được hoãn ban ơn xá giải".

Như thế, thừa tác viên không được từ chối ban bí tích giải tội cho những hối nhân đến xin xưng tội khi biết họ đã chuẩn bị đầy đủ và không bị vạ cấm chế. Nhưng đối với những người dù không bị cấm chế, nhưng thừa tác viên có lý để nghi ngờ sự chuẩn bị đầy đủ của họ thì sao? Dĩ nhiên trong trường hợp đó thừa tác viên cũng không thể ban bí tích giải tội cho họ. Thế nhưng, thế nào là chuẩn bị đầy đủ? Việc chuẩn bị đầy đủ không chỉ có nghĩa là biết cách xưng tội, đã xét mình kỹ lưỡng, mà quan trọng nhất là đã có lòng sám hối và quyết tâm chừa cải, như giáo luật điều 987 đã minh định: "Để hưởng nhờ phương dược cứu độ của bí tích sám hối, người Kitô hữu phải được chuẩn bị thế nào để trở về với Thiên Chúa bằng cách từ bỏ các tội đã phạm và quyết tâm sửa mình". Như vậy làm sao một người ly dị tái hôn có thể được coi là đã chuẩn bị đầy đủ để lãnh ơn tha tội, khi họ chưa dứt khoát từ bỏ tình trạng tội lỗi của mình?” [17]
 
Lời thưa cuối : Mấy lời nhận định trên hoàn toàn không mang chủ định bút chiến mà chỉ với thiện ý giúp cho việc phán đoán và hành xử mục vụ về bí tích Giải Tội được chuẩn xác hơn theo đúng “kỷ luật bí tích”, Huấn quyền và giáo lý của Hội Thánh, đặc biệt về mục vụ chăm sóc những anh chị em trong tình trạng ly dị tái hôn sao cho đúng đắn và thích hợp.
 
            Riêng đối với các linh mục, thừa tác viên của bí tích Giải Tội, hãy cùng lắng nghe một lần nữa những lời huấn dụ của Bộ Giáo Sĩ để từ đó rút ra những kết luận thích hợp để thực hiện “đức ái mục vụ” nơi chính sứ vụ của mình để giúp đoàn chiên mỗi ngày nên hoàn thiện theo tinh thần của Tông huấn Amoris Laeitia của Đức Thánh Cha Phanxicô.
 
“Vì hành động nhân danh Đức Kitô – vị Mục Tử Tốt Lành – nên các linh mục có nghĩa vụ bắt buộc phải biết các tật bệnh thiêng liêng của đàn chiên mình và phải gần gũi các hối nhân. Các ngài có bổn phận phải trung thành với Huấn Quyền của Giáo Hội trong những vấn đề có liên quan đến luân lý và sự hoàn thiện Kitô Giáo, trung thành với một đời sống cầu nguyện thật, thận trọng trong khi lắng nghe và đặt câu hỏi với các hối nhân. Các ngài cũng phải sẵn sàng phục vụ những người đến xin lãnh nhận bí tích cách hợp lý và phải tuân theo các sự thôi thúc của Thánh Thần. Noi gương Vị Mục Tử Tốt Lành chính là một công việc vừa đậm tính huynh đệ vừa thắm tình cha con, và đó cũng là một sự ưu tiên trong mục vụ của người linh mục. Đức Kitô– hiện diện trong việc cử hành các bí tích – cũng được gặp thấy nơi tâm hồn các hối nhân, mời gọi các thừa tác viên phải cầu nguyện, học hỏi, kêu cầu Chúa Thánh Thần và đón tiếp trong tình cha con.” [18]
 
Cha sở nhà quê
 

[1] Lm. GBt. Lê Ngọc Dũng, “Người tín hữu ly dị tái hôn có được xưng tội ?”, Legio Mariae, số 10/2016, mục 1, trang 35-36.
[2] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1650.
[3] Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Vai trò của lương tâm trong những quyết định luân lý liên quan đến gia đình”,  trong Amoris Laetitia, Niềm Vui Yêu Thương, Niềm Vui Chia Sẻ, Tài liệu thường huấn linh mục Giáo phận Qui Nhơn 2016, Tủ sách Nước Mặn, trang 63-64. (Hoặc bài viết tại: http://gpquinhon.org/qn/news/Gia-dinh/Vai-tro-cua-luong-tam-trong-nhung-quyet-dinh-luan-ly-lien-quan-den-gia-dinh-5295/#.WCAN7a3_ork)
[4] Lm. GBt. Lê Ngọc Dũng, “Người tín hữu ly dị tái hôn có được xưng tội ?”, Legio Mariae, số 10/2016, mục 3, trang 37.
[5] Lm. GBt. Lê Ngọc Dũng, “Người tín hữu ly dị tái hôn có được xưng tội ?”, Legio Mariae, số 10/2016, mục 4, trang 37.
[6] Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Vai trò của lương tâm trong những quyết định luân lý liên quan đến gia đình”,  trong Amoris Laetitia Niềm Vui Yêu Thương, Niềm Vui Chia Sẻ, Tài liệu thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn 2016, Tủ sách Nước Mặn, trang 64. (Hoặc bài viết tại: http://gpquinhon.org/qn/news/Gia-dinh/Vai-tro-cua-luong-tam-trong-nhung-quyet-dinh-luan-ly-lien-quan-den-gia-dinh-5295/#.WCAN7a3_ork)
[7] Gm. Phêrô Nguyễn Soạn, Các Bí Tích phương diện luân lý và giáo luật, Tủ sách Nước Mặn, Nxb. Phương Đông, trang 75.
[8] Lm. GBt. Lê Ngọc Dũng, “Người tín hữu ly dị tái hôn có được xưng tội ?”, Legio Mariae, số 10/2016, mục 4, trang 37.
[9] Kn 11,23-24 : “Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ ăn năn hói cải. Quả thế, Chúa yêu thương hết mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên”; (X. Rm 5,7-11)
[10] Linh mục – Thừa tác viên của lòng thương xót, Bộ Giáo sĩ, số 24.
[11] Hiến chế Giáo Hội, số 11
[12] DZ 1608 ; FC 670 ; xem thêm Lm. Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Những vấn đề căn bản trong thần học bí tích Công giáo, Chương II: Hiệu năng của bí tích, trang 38-62.
[13] Lm. GBt. Lê Ngọc Dũng, “Người tín hữu ly dị tái hôn có được xưng tội ?”, Legio Mariae, số 10/2016, mục 8, trang 40.
[14] Linh mục – Thừa tác viên của lòng thương xót, Bộ Giáo sĩ, số 38.
[15] Dz 911 : “Si quis dixerit, in catholica Ecclesia paenitentiam non esse vere et proprie sacramentum pro fidelibus, quoties post baptismum in peccata labuntur, ipsi Deo reconciliandis, a Christo Domino nostro institutum : anathema sit”
[16] Dz 916 : “Si quis negaverit, confessionem sacramentalem vel institutam vel ad salutem necessariam esse jure divino ; aut dixerit, modum secrete confitendi soli sacerdoti, quem Ecclesia catholica ab initio semper obseravit et observat, alienum esse ab institutione et mandato Christi, et inventum esse humanum : anathema sit”
[17] Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, “Vai trò của lương tâm trong những quyết định luân lý liên quan đến gia đình”,  trong Amoris Laetitia Niềm Vui Yêu Thương, Niềm Vui Chia Sẻ, Tài liệu thường huấn linh mục giáo phận Qui Nhơn 2016, Tủ sách Nước Mặn, trang 64-66. (Hoặc bài viết tại: http://gpquinhon.org/qn/news/Gia-dinh/Vai-tro-cua-luong-tam-trong-nhung-quyet-dinh-luan-ly-lien-quan-den-gia-dinh-5295/#.WCAN7a3_ork)
[18] Linh mục – Thừa tác viên của lòng thương xót, Bộ Giáo sĩ, số 55
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 36
  • Hôm nay: 7984
  • Tháng hiện tại: 88269
  • Tổng lượt truy cập: 12232529