Trang mới   https://gpquinhon.org

Giáo Hội và gia đình trong thời đại hôm nay

Đăng lúc: Chủ nhật - 02/10/2016 18:36



GIÁO HỘI VÀ GIA ĐÌNH
TRONG THỜI ĐẠI HÔM NAY

Lm. Antôn Nguyễn Huy Điệp
 
 
 
 Bài viết này không đi sâu vào trung tâm của Tông Huấn (TH), là những chương nói về Tình yêu ( chương III ) và Sự phong nhiêu của Tình yêu ( chương IV ), mà đi chung quanh, đến với một số khó khăn và thách đố của những con người và những gia đình đang mang thương tích. Giáo Hội nói lên thao thức của mình trên đường tìm kiếm và đồng hành, rồi bằng mọi cách để vác lên vai, đưa về mái nhà của Lòng thương xót Chúa.

1. MỘT THOÁNG NHÌN VÀO TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA.

Khởi đầu cho TH quan trọng về hôn nhân gia đình trong thế giới hiện đại này, ĐTC Phanxicô đã giới thiệu những nội dung chính, cũng như lộ trình tìm kiếm và đồng hành với các gia đình.
Chương Dẫn nhập được gợi hứng từ Kinh Thánh, cả trong Cựu ước lẫn Tân Ước. Lời Chúa thì bất biến, nhưng luôn mang tính sinh động và hiện đại, để bất cứ thời nào và nơi đâu, con người đều có thể công bố, suy gẫm và thích ứng với các tình huống của cuộc sống, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, và sự hướng dẫn của Hội Thánh, mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập, huấn luyện, và sai đi rao giảng Tin Mừng.
Với Tông huấn Amoris Laetitia, qua suy tư và góp ý của hai Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới (2014, 2015), Đức Thánh Cha (ĐTC) xem xét những hoàn cảnh hiện nay của các gia đình, để bám sát các thực tế đang diễn ra với các gia đình trên toàn cầu.
Từ những soi sáng và gợi hứng từ Kinh Thánh, ĐTC đã triển khai hai chương trung tâm để nói về tình yêu. Sau đó, đề ra một số đường lối mục vụ hướng đến việc xây dựng gia đình bền vững và phong nhiêu theo kế hoạch của Thiên Chúa.
Có một chương riêng để  nói về việc giáo dục con cái.
Phần cuối, ĐTC chú tâm đến việc thực thi lòng thương xót để giúp phân định mục vụ, khi đối diện với những hoàn cảnh không đáp ứng đầy đủ những gì Chúa đề nghị.

2. NIỀM HY VỌNG VỀ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH.

Khi nhìn vào định chế gia đình trong thế giới cách chung, ĐTC cảm thấy vui mừng và hy vọng, Ngài muốn tỏ “lòng biết ơn” con người vì :

  • Phần đông nhân loại vẫn còn quí trọng giá trị các mối tương quan gia đình, với ước mong những giá trị này sẽ kéo dài mãi, và được ghi dấu bằng sự kính trọng lẫn nhau.
  • Nhiều người đã cảm kích việc Hội Thánh đồng hành và hổ trợ các gia đình, trong việc làm triển nở tình yêu, giúp khắc phục những xung đột, hoặc  trong việc giáo dục con cái.
  • Nhiều người vẫn quí trọng sức mạnh của ân sủng mà họ đã cảm nhận qua Bí tích Giao Hòa và Thánh Thể. Ân sủng này giúp họ vượt qua được ngững thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình.
  • Các cuộc hôn nhân vẫn tạo nên một liên kết vững chắc giữa hai đại gia đình thông gia, vẫn còn giữ được một cơ cấu khá rõ ràng nhằm giải quyết những tranh chấp và những khó khăn của hôn nhân.
  • Có nhiều chứng tá của các đôi hôn phối đã kiên trì theo đuổi và bảo toàn được tình yêu của gia đình.
Những hy vọng này khuyến khích Hội Thánh mở ra một hướng mục vụ tích cực, ân cần, có thể từng bước thể giúp các đôi bạn đào sâu hơn những đòi hỏi của Tin Mừng.

3. GIÁO HỘI HƯỚNG VỀ CÁC GIA ĐÌNH.

- Trong quá khứ và đến hôm nay.
Giáo Hội luôn quan tâm đến các gia đình qua các giáo huấn của mình. Đặc biệt gần đây qua Tông huấn “Familiaris Consortio”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 đã xác định gia đình là con đường của Hội thánh. Tông huấn này đã đưa ra một viễn ảnh chung về ơn gọi tình yêu của người nam và người nữ, những hướng dẫn căn bản cho mục vụ gia đình. Khi nói về tình yêu vợ chồng, Ngài mô tả cách mà các đôi vợ chồng, trong tình yêu thương nhau, nhận được  ơn huệ Chúa Thánh Thần của Đức Kitô, và sống ơn gọi nên thánh dành cho mình ( số 69 ).
ĐTC lưu ý rằng, trong quá khứ, chúng ta đã giữ thế thủ, phung phí năng lượng cho việc tự vệ và lên án thế giới đang suy đồi, trong khi điều cần thiết hơn phải làm là đề ra cho người ta những nẻo đường mang lại hạnh phúc. Nhiều người cảm thấy Sứ điệp của Hội Thánh về hôn nhân gia đình đã không phản chiếu rõ ràng lời rao giảng và thái độ của Chúa Giêsu. Ngài đã đề xuất một lý tưởng rất đòi hỏi, nhưng không bao giờ từ chối gần gũi và cảm thông với con người yếu đuối, như người phụ nữ Samaria hay người phụ nữ ngoại tình ( số 38 ).
Sứ điệp của THĐGM tại Đại hội Ngoại thường lần III, ngày 18.10.2014, đã nhấn mạnh: “Chúng tôi nhìn nhận rằng giữ được lòng trung thành trong tình yêu vợ chồng là cả một thách đố lớn. Sa sút niềm tin và dửng dưng đối với những giá trị đích thực, chủ nghĩa cá nhân, các mối tương quan trở nên nghèo nàn, sống căng thẳng mất hết tỉnh táo, tất cả đang để lại dấu ấn trên đời sống gia đình. Ðời sống hôn nhân thường gặp khủng hoảng và thường giải quyết những khủng hoảng này một cách vội vã, thiếu can đảm để biết kiên nhẫn và tỉnh táo, biết hy sinh và tha thứ cho nhau. Những thất bại này sẽ làm xuất hiện những quan hệ mới, những đôi vợ chồng mới, những cuộc kết hợp mới về phần đời, rồi những cuộc hôn nhân mới, sinh ra những hoàn cảnh gia đình vừa phức tạp, vừa có vấn đề nếu muốn chọn sống cuộc đời người Kitô hữu.
Trong những thách đố này, chúng tôi muốn nói đến những thử thách của chính cuộc sống. Chúng tôi nghĩ đến gánh nặng cuộc sống chất lên qua những đau khổ khi có đứa con tật nguyền, lúc mắc bệnh nặng, khi tuổi già không còn minh mẫn, hoặc khi có người thân yêu qua đời. Chúng tôi ngưỡng mộ sự trung tín của rất nhiều gia đình đã chịu đựng thử thách với lòng can đảm, với niềm tin và tình yêu. Họ thấy những đau khổ này không phải là gánh nặng chất lên mình, nhưng là điều gì đó họ được trao ban và đã dâng lên, nên họ thấy được Chúa Kitô đang chịu đau khổ nơi thân xác mỏng giòn này.
Chúng tôi nhắc lại những khó khăn phát sinh từ các hệ thống kinh tế tồi tệ, từ "sự tôn sùng ngẫu tượng tiền bạc và sự chuyên chế của nền kinh tế phi nhân không hề đếm xỉa mục tiêu đích thực vì con người" (Evangelii gaudium, 55) đang xói mòn phẩm giá con người. Chúng tôi nhớ đến những người cha người mẹ thất nghiệp, họ bất lực trước những nhu cầu căn bản nhất của gia đình, và nhớ đến giới trẻ đang thấy trước mặt là những ngày tháng chẳng có gì để kỳ vọng, họ đang là mồi ngon cho ma túy và tội ác.
Chúng tôi nghĩ đến rất nhiều gia đình nghèo khổ, đến những người đang bám theo các con tàu mong đến được bến bờ bên kia để sống sót, đến những người tị nạn lang thang vô vọng trong sa mạc, đến những người đang bị bách hại vì niềm tin và vì những giá trị nhân bản và tâm linh của mình, đến những người chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và áp bức. Chúng tôi nhớ đến các phụ nữ bị bạo hành và khai thác, các nạn nhân của nạn buôn người, trẻ em bị lạm dụng bởi chính những người lẽ ra phải bảo vệ và lo cho em được phát triển, và các thành viên của rất nhiều gia đình đã bị làm nhục và chất chồng những khốn khó. "Nền văn hóa chuộng sự giàu sang đang mê hoặc chúng ta. Tất cả những cảnh đời héo hắt vì không có cơ hội, dường như chỉ là một lớp kịch trên sân khấu, không hề chạm đến chúng ta" (Evangelii gaudium, 54). Chúng tôi kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế hãy vì lợi ích chung mà cổ võ các quyền của gia đình”.
- Một số hoàn cảnh khó khăn của gia đình hiện nay:
ĐTC nói đến tình trạng của các gia đình di dân. Tình trạng di dân tự nhiên trong lịch sử thường mang lại sự phong phú đích thực cho cả hai bên: các gia đình di dân và đất nước tiếp đón họ. Nhưng vấn đề trở nên rắc rối khi các gia đình bị bắt buộc phải ra đi vì chiến tranh, bách hại, nghèo đói, bất công. Đặc biệt hôm nay nơi các người tị nạn từ Trung Đông đang đổ về Âu Châu. Việc đồng hành này đòi hỏi phải có một mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân, và cho cả những thành viên của gia đình đang còn ở lại nguyên quán của họ. ĐTC cũng nhắc đến thảm kịch của các gia đình và cá nhân, khi cuộc ra đi diễn ra ngoài vòng pháp luật, hoặc được bảo trợ bởi mạng lưới buôn người quốc tế. Cần phải cố gắng sao cho các gia đình và các cộng đoàn Kitô hữu có thể ở lại trên những vùng đất nguyên quán của mình ( số 46 ).
Đối với những hoàn cảnh bất qui tắc: đơn thuần sống chung, chỉ kết hôn dân sự hay đã ly dị tái hôn. Họ đã tham dự vào đời sống của Giáo Hội một cách không hoàn hảo. Giáo Hội hãy Giáo Hội hãy nhìn họ với “Ánh nhìn của Đức Kitô, là ánh sáng chiếu soi mọi người” ( Ga, 22; GS,22), cùng với họ xin ơn hoán cải, khích lệ họ làm điều thiện, ân cần yêu thương chăm sóc lẫn nhau, phục vụ cộng đồng nơi họ sống và làm việc. Một khi sự kết hợp của họ đã đạt được một cách đáng kể qua sự ràng buộc công khai, tình cảm sâu đậm, có trách nhiệm đối với con cái, và có khả năng vượt qua các thử thách, thì đây chính là cơ hội để Giáo Hội đồng hành với họ hướng tới Bí tích Hôn Phối ( số 78 ).

4. CÁC YẾU TỐ GÓP PHẦN VÀO VIỆC BẢO VỆ CÁC GIA ĐÌNH:

Trước hết là Giáo Hội: Để làm công việc này, Giáo Hội cần có một sự hoán cải truyền giáo: đừng dừng lại ở những lý thuyết và luật lệ, nhưng giúp họ cảm thấy được rằng: Tin mừng về gia đình đáp ứng những khát vọng về phẩm giá con người, giúp họ thực hiện viên mãn tinh thần tương trợ, hiệp thông và phong nhiêu mà họ có thể nghiệm được trong cuộc sống gia đình, bên cạnh một thế giới đang bị tục hóa, và đang ngăn cản cuộc sống gia đình. Giáo Hội phải làm sao cho người ta cảm nghiệm được Tin mừng gia đình là một niềm vui đầy ắp tâm hồn và cả của cuộc sống của họ. Thiên Chúa đã gieo mầm tình yêu hôn nhân gia đình cho con người. Nhiệm vụ của mọi người là hợp tác vào việc gieo trồng, còn lại là công trình của Thiên Chúa. Giáo Hội muốn đồng hành với mỗi và mọi gia đình, giúp họ có thể khám phá ra cách tốt nhất đẻ vượt qua  những khó khăn trên hành trình của họ.

  • Các nghị phụ THĐ nhấn mạnh rằng: Các gia đình Kitô hữu, nhờ ân sủng của Bí tích Hôn nhân, là chủ thể chính của mục vụ gia đình, nhất là khi họ cống hiến những chứng tá đầy hoan lạc và sống động của đôi vợ chồng và của gia đình, Hội thánh tại gia.
  • Sự góp phần chính yếu cho mục vụ gia đình là từ nơi giáo xứ, như một gia đình của các gia đình.
  • Giáo xứ kết hợp hài hòa với sự đóng góp của các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và hiệp hội, đặc biệt các hiệp hội và phong trào về hôn nhân gia đình.
  • Phải có một “công cuộc đào tạo” phù hợp hơn cho các thừa tác viên có chức thánh (linh mục, phó tế). Theo nhận định chung, sự đào tạo đang thiếu phù hợp để đối phó với các vấn đề phức tạp hiện nay của gia đình.
Tông Huấn còn nói chi tiết đến cung cách huấn luyện các chủng sinh trong qua trình đào tại chủng viện:
  • Phải giúp các thừa tác viên tương lai có được sự quân bình tâm lý do nhiệm vụ đòi hỏi, vì có một số chủng sinh đang mang trong mình kinh nghiệm của một gia đình bị thương tích (không có cha hoặc mẹ, tình trạng cảm xúc thiếu ổn định…)
  • Để có lòng tự trọng lành mạnh,  các chủng sinh phải củng cố các mối liên hệ trong gia đình của mình.
  • Để giúp họ kiên vững trong thực tế, cần có sự đồng hành của các gia đình, không những trong quá trình chủng viện, mà trong suốt cả cuộc đời linh mục.
  • Nên có sự kết hợp giữa thời gian trong chủng viện và những thời gian khác trong giáo xứ. Điều đó giúp họ tiếp xúc nhiều hơn với thực tế cụ thể của các gia đình. Suốt cuộc đời mục vụ, linh mục gặp gỡ các gia đình nhiều nhất. Sự hiện diện của giáo dân, gia đình, thậm chí của người nữ, giúp các linh mục biết quí trong sự đa dạng của những ơn gọi khác nhau trong Hội Thánh (số 203).
  • Sự cần thiết đào tạo tác viên giáo dân của mục vụ gia  đình, với sự giúp đỡ của các nhà tâm lý giáo dục, bác sĩ gia đình, bác sĩ cộng đồng, nhân viên xã hội, luật sư cho trẻ em và gia đình.
  • Sự đóng góp của các khoa tâm lý học, xã hội học, tính dục học, và cả khoa tham vấn (counseling) (số 204).
5. ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH QUA CÁC THỜI KỲ:

Ÿ Tiền hôn nhân.
Để giúp những người trong thời đính hôn, TH lưu ý những điểm nhấn sau:

  • Giúp các bạn trẻ khám phá giá trị và sự phong phú của hôn nhân.
  • Sự hấp dẫn của việc kết hợp trọn vẹn thể xác và tinh thần trong hôn nhân, giúp nâng cao và kiện toàn chiều kích xã hội của cuộc sống, mang lại cho tính dục ý nghĩa cao trọng nhất của nó.
  • Thiện ích lớn lao của việc giáo dục con cái nên người trưởng thành.
-   Tầm quan trọng của các nhân đức, cách riêng là đức khiết tịnh
-    Quan hệ của bí tích Hôn nhân với bí tích Rửa tội và các bí tích khác.
-  Không cần phải truyền đạt cho họ toàn bộ giáo lý, hoặc đưa ra nhiều chủ đề.Điều quan trọng không phải là biết nhiều, nhưng là cảm và nếm thực tại trong tâm hồn.
-   Loan báo Tin mừng keryma một cách mới mẻ.
-  Qui tụ họ thành những nhóm bạn đang thời kỳ đính hôn. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, về những đề tài khác nhau mà người trẻ thực sự quan tâm.
-   Sự chuẩn bị hôn nhân thực ra không chỉ là từ lúc đính hôn, mà ngay từ lúc sinh ra. Để khi bước vào đời sống hôn nhân, đôi bạn đã là những con người trưởng thành về nhân bản và đạo đức.
-  Những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được, từ chính cha mẹ của mình, thế nào là hôn nhân Kitô giáo. Và ngay lúc này, cha mẹ họ vẫn tiếp tục làm mới lại quyết định đó mỗi ngày.
-   Quá trình chuẩn bị này rất cần sự  dấn thân của cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt là đời sống chứng tá của chính các gia đình. Khi tích cực tham gia và đồng hành như thế, những người đính hôn chính là ngồn tài nguyên quí giá, họ có thể góp phần đổi mới thân thể Hội thánh mà họ đang thuộc về.
 -  Cũng đừng quên sự đóng góp quí giá của mục vụ đại chúng ( Tận dụng một cách sáng tạo những dịp lễ xã hội, như ngày tình nhân, ngày của người cha, ngày của người mẹ… ) ( số 205 – 208 ).
Ÿ Những năm đầu tiên của hôn nhân:
Các nghị phụ Thượng Hội Đồng đã cho thấy: Những năm đầu tiên của hôn nhân là một thời kỳ rất quan trọng và tế nhị, trong đó các đôi vợ chồng ngày càng ý thức hơn về những thách đố và ý nghĩa của hôn nhân. Vì thế cần phải có một sự đồng hành mục vụ tiếp theo sau khi cử hành bí tích ( xem Familiaris Corsortio, Phần 3 ).
Một số nguồn lực giúp cho những đôi vợ chồng này:

  • Các đôi vợ chồng đã có kinh nghiệm về đời sống hôn nhân và gia đình trong giáo xứ.
  • Sự hợp tác của các hiệp hội, các phong trào thuộc Hội Thánh, các cộng đoàn mới.
  • Việc siêng năng cầu nguyện và tham dự Thánh lễ Chúa nhật. Đời sống thiêng liêng rất quan trọng.
  • Các dịp kỷ niệm hôn nhân. ( số 223 )
  • Các mục tử phải khuyến khích các gia đình lớn lên trong đức tin: khuyên họ thường xuyên xưng tội, thực hành linh hướng, thỉnh thoảng tham dự các kì tĩnh tâm, đọc kinh gia đình hàng tuần. Trong kinh nguyện, có vị trí đặc biệt của Lời Chúa. Gia đình đọc Thánh kinh và cầu nguyện theo sự hướng dẫn của Hội Thánh. Lời Chúa không chỉ là đời sống riêng tư của một cá nhân, mà còn là tiêu chuẩn đánh giá, là ánh sáng giúp phân định những thách đố khác nhau mà các đôi vợ chồng gặp phải ( số 227 ).
Ÿ Đổ vỡ sau hôn nhân ( 242 ).
 Đối với những người li thân, li dị hoặc bị bỏ rơi, bị ngược đãi…, Các nghị phụ đã chỉ cho thấy cần phải có một sự phân định đặc biệt để đồng hành mục vụ:

  • Cần đón tiếp và trân trọng nỗi đau khổ của họ. Tha thứ cho điều bất công mình phải chịu thì không dễ chút nào, nhưng ân sủng của Chúa sẽ giúp người ta  có thể tha thứ với tiến trình thời gian,
  • Cần có mục vụ hòa giải và trung gian qua các trung tâm tham vấn chuyên biệt được thiết lập trong giáo phận.
  • Đối với những người li dị mà không tái hôn, thường là những chứng nhân của lòng trung thành trong hôn nhân, hãy khích lệ họ đến với Thánh Thể, lương thực nâng đỡ tình trạng của họ.
  • Các mục tử và cộng đoàn địa phương phải đồng hành với họ một cách ân cần, nhất là khi họ có con cái, hoặc lâm cảnh nghèo túng. Sự nghèo khó thường làm cho nguy cơ bị bỏ rơi và mọi thứ rủi ro tăng gấp đôi.
6. THÁI ĐỘ PHẢI CÓ ĐỐI VỚI NHỮNG TRƯỜNG HỢP BẤT QUI TẮC.

Ÿ Tiệm tiến trong mục vụ ( 293 – 295 ) ):
 Một hoàn cảnh đặc biệt của hôn nhân: Hôn nhân thuần túy dân sự, đúng hơn đây chỉ là một sự sống chung ( không giá thú, không bí tích ). Nếu có một kết quả tích cực nào đó: sự ổn định đáng kể, có tình cảm sâu nặng, có trách nhiệm đối với con cái, có khả năng vượt qua các thử thách, thì có thể được xem như có cơ hội để giúp tiến tới bí tích hôn phối.
Nhưng có điều đáng lo ngại là ngày nay nhiều người trẻ không tin tưởng vào hôn nhân. Họ sống chung, nhưng trì hoãn vô thời hạn việc cam kết hôn nhân, rồi thay đổi nhân tình dễ dàng. Đối với những ai thuộc thành phần của Hội Thánh, họ cần được chăm sóc mục vụ với đầy lòng thương xót và khích lệ. Trong việc phân định mục vụ này, cần nhận diện các yếu tố có thể thúc đẩy và làm phát triển về nhân bản cũng như thiêng liêng ( 293 ). ( Minh họa 1 )
Còn đối với các cặp sống chung, tuy không có thành kiến hay phản kháng đối với bí tích hôn phối, nhưng do hoàn cảnh văn hóa hoặc ngẫu nhiên, không muốn bị ràng buộc bởi một định chế nào, không dứt khoát dấn thân, chờ đợi môt cuộc sống ổn định hơn (có việc làm và mức lương cố định), xem kết hôn là một việc rất tốn kém.
Hãy đón nhận và đồng hành với họ, bằng sự kiên nhẫn và tế nhị. Đó là điều mà Chúa Giêsu đã làm đối với người phụ nữ Samria (Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thực của chị, để giải thoát chị khỏi những gì làm u tối cuộc đời của chị, và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin mừng.
Để giúp hoàn cảnh bất qui tắc trên, Thánh Gioan Phaolô II đề nghị một giải pháp gọi là “luật tiệm tiến”, với nhận thức rằng con người hiểu biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lý theo những giai đoạn khác nhau.
Ÿ Sự giảm khinh trong việc phân định mục vụ ( số 301 – 303 ).
Giảm khinh trong phân định mục vụ đối với những trường hợp bất qui tắc trong hôn nhân là điều cần thiết, để có thể đồng cảm, đồng hành và trợ giúp việc bình thường hóa hướng dần đến bí tích, nhưng không được giảm thiểu những đòi hỏi của Tin mừng.
Muốn được vậy, Hội thánh phải có một lối suy tư vững chắc về những điều kiện và những hoàn cảnh giảm khinh.
Trước hết, đừng vội kết luận rằng những nười đang sống trong những tình trạng trái qui tắc trong hôn nhân là mắc tội trọng, mất đi ơn thánh hóa. Hãy xét đến những giới hạn của họ:

  • Không hiểu biết về lề luật, hoặc cũng có thể biết rõ về luật, nhưng đương sự đang ở trong các điều kiện cụ thể không cho phép người ấy hành động khác đi, và có những quyết định khác mà không mắc một tội mới.
  • Có thể có những nhân tố làm giới hạn khả năng quyết định.
  • Lập luận của Thánh Tôma Aquinô về sự giới hạn khi thực hành nhân đức ( Sự hoàn thiện cũng có thể bao hàm một khía cạnh không hoàn thiện ). ( số 302 )
  • Theo Sách Giáo Lý Hội thánh Công giáo: “Việc qui tội và trách nhiệm một hành động nào đó có thể được giảm thiểu và thậm chí có thể được loại bỏ vì lý do không biết, không chú ý, do áp lực, do cưỡng ép, do sợ hãi, do thói quen, do quá gắn bó và do các nguyên nhân khác về tâm thần hoặc xã hội” ( GLHTCG 1735 ). Sự giảm nhẹ trách nhiệm luân lý vì thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen thủ đắc, tâm trạng lo âu hoặc các yết tố khác về tâm lý hoặc xã hội ( Cf. Ibid. 2352 ).
  • Trong một số hoàn cảnh nhất định, người ta thấy khó mà hành động cách khác.
  • Một lương tâm chưa được đào tạo đúng đắn.
Trong thực hành, Hội thánh cần xét đến lương tâm của người ta nhiều hơn. Trong khi phân định và đồng hành với họ, các mục tử hãy cố gắng giúp họ có một lương tâm được khai sáng và được huấn luyện, khuyến khích họ tin tưởng hơn nữa vào ân sủng của Chúa. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta phải nhớ rằng sự phân định này có tính chất năng động, và luôn phải mở ra cho những giai đoạn phát triển mới, và những quyết định mới giúp thực hiện lý tưởng được trọn vẹn hơn.
Qua Tông huấn Amoris Laetitia, nói cách khác, qua liên tiếp hai THĐGM 2014 (ngoại thường) và 2015 (thông tường) về gia đình, Giáo Hội hôm nay đã ngày càng đi gần hơn với các gia đình, đặc biệt là các hoàn cảnh khó khăn và đầy thử thách của một công trình về con người mà Thiên Chúa đã thiết lập ngay từ thuở ban đầu.
Chính vì thế mà, qua Tự sắc Sedula Mater (Người Mẹ Ân cần) đề ngày 15.08.2016, ĐTC Phanxicô đã chính thức thành lập “Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống”. Ngài đã nói lý do: “Chúng tôi nghĩ đến các giáo dân, gia đình và sự sống, mà chúng tôi mong muốn giúp đỡ họ, vì họ đang tích cực làm chứng cho Tin  Mừng trong thời đại chúng ta và diễn tả lòng nhân hậu của Chúa Cứu Thế”. Đức Giám Mục Kevin Farrell cũng đã chia sẻ: “Tôi vô cùng nhỏ bé với việc ĐTC Phanxicô chọn tôi đứng đầu Bộ mới được thành lập này. Tôi chờ mong sẽ được tham gia vào công việc quan trọng này của Giáo Hội hoàn vũ, trong lãnh vực thăng tiến giáo dân và hoạt động tông đồ giáo dân, cũng như chăm sóc gia đình theo Tông huấn Amoris Laetitia mới đây của ĐTC; và cả lãnh vực trợ giúp sự sống con người”.
Đã đến Trạm dừng chân, nhưng lộ trình còn dài và sứ mạng vẫn như lại khởi đầu ở một khúc quanh mới.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 20
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 5554
  • Tháng hiện tại: 117710
  • Tổng lượt truy cập: 12261970