Trang mới   https://gpquinhon.org

Lòng thương xót theo Tông huấn Amoris Laetitia

Đăng lúc: Thứ ba - 04/10/2016 18:49



LÒNG THƯƠNG XÓT
THEO TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

Lm. Phaolô Trịnh Duy Ri
 
 
 
 
Ngày 11.04.2015, trong Tông sắc Misericordiae Vultus (Dung mạo Lòng Thương xót) mở Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết:

“Lòng thuơng xót là hành động chung cuộc và tối thượng, qua đó Thiên Chúa đến với chúng ta.  Lòng thương xót là luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta. Có những lúc chúng ta được kêu gọi ngắm nhìn lòng thương xót cách chăm chú hơn, để chính chúng ta trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho hành động của Chúa Cha. Đây là lý do thúc đẩy tôi công bố một Năm Thánh Ngoại thường của Lòng Thương Xót, như một thời gian thuận lợi cho Giáo Hội, để chứng từ của các tín hữu được nên mạnh mẽ và hữu hiệu hơn” (số 2, 3).

Đồng thời, Tông huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương) về hôn nhân và gia đình được Đức Thánh Cha gởi đến toàn thể Giáo Hội dịp Lễ Thánh Giuse 19/3/2016 cũng đã thể hiện rõ nét Lòng Thương Xót, nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Phải nói rằng tình hình của Hôn nhân và Gia đình trên thế giới rất phức tạp, và Huấn quyền không thể giải quyết được hết mọi tình tiết (AL 3). Điều này đòi hỏi các mục tử (giám mục và linh mục) phải sử dụng đến sự “phân định” cho mỗi trường hợp cụ thể (AL 300). Cần phải tránh hai thái cực: một bên cố gắng bảo vệ đạo lý chính thống đến nỗi quên mất những con người cụ thể: bên kia, muốn giải quyết những hoàn cảnh cụ thể nhưng không quan tâm đến đạo lý (AL 2). Ai cũng biết là có nhiều đôi hôn nhân tan vỡ, và Tông huấn muốn nghiên cứu vấn đề ấy. Tuy nhiên, ta đừng dừng lại ở những điểm tiêu cực ấy, nhưng hãy cố gắng “loan báo tin mừng”, nêu bật những khía cạnh cao đẹp của tình yêu trong Gia đình (x. AL 57-58). Đàng khác, trong Năm thánh của lòng Chúa thương xót, cần phải thi hành lòng thương xót với những ai chưa thực hiện được lý tưởng hoàn thiện của Hôn nhân (x. AL 38; 306).

 Những tư tưởng về Lòng Thương xót trong Tông huấn rất súc tích, tuy nhiên với thời gian ngắn của ngày Thường huấn, chúng ta có thể tập trung nơi các số sau:

27. Chúa Kitô đề xuất luật yêu thương và việc hiến thân cho người khác làm dấu chỉ để phân biệt các môn đệ của người (xem Mt 22:39; Ga 13:34). Người làm thế bằng cách tuyên bố một nguyên tắc mà các cha mẹ vẫn thông thường làm chứng bằng chính cuộc sống họ: “không ai có tình yêu nào lớn hơn điều này là hiến mạng sống mình vì bằng hữu” (Ga 15:13). Tình yêu cũng mang hoa trái trong thương xót và tha thứ. Ta thấy điều này một cách đặc biệt trong cảnh người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình; ngay trước Đền Thờ, nàng bị các người tố cáo bao vây, nhưng sau đó, chỉ còn lại một mình với Chúa Giêsu, nàng đã không bị kết án mà chỉ được lời khuyên phải sống một cuộc sống tốt đẹp hơn mà thôi (xem Ga 8:1-11).

49. Ở đây, tôi cũng muốn nhắc đến hoàn cảnh các gia đình đang sống trong cảnh nghèo cùng cực và bị giới hạn lớn lao. Các vấn đề mà các gia đình nghèo phải đương đầu thường càng có tính thử thách hơn (36). Thí dụ, nếu một bà mẹ đơn chiếc phải tự nuôi dưỡng một đứa con và cần phải để đứa con ở nhà một mình để đi làm, thì đứa con có thể lớn lên chịu đủ mọi loại nguy hiểm và trở ngại đối với việc tăng triển bản thân. Trong những hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn như thế, Giáo Hội phải đặc biệt quan tâm để cung ứng sự hiểu biết, an ủi và chấp nhận, hơn là thẳng thừng áp đặt cả một loạt qui luật chỉ khiến người ta cảm thấy bị phán xử và bỏ rơi bởi chính Người Mẹ vốn được kêu gọi biểu lộ với họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thay vì cung ứng sức mạnh chữa lành của ơn thánh và ánh sáng của sứ điệp Tin Mừng, một số người lại “nhồi sọ” sứ điệp này, biến nó thành “những viên đá chết dùng để ném người khác” (37).
64. Điển hình của Chúa là mô hình cho Giáo Hội... Người bắt đầu thừa tác vụ công khai bằng phép lạ tại tiệc cưới Cana (xem Ga 2:1-11). Người tham dự mọi giây phút hàng ngày của tình bằng hữu với gia đình Ladarô và hai chị của chàng (xem Lc 10:38) và với gia đình Thánh Phêrô (xem Mc 8:14). Người tỏ thiện cảm với các cha mẹ tang chế và hồi sinh con cái họ (xem Mc 5:41; Lc 7:14-15). Qua cách này, Người biểu lộ ý nghĩa chân thực của thương xót, vốn bao hàm việc phục hồi giao ước (xem Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 4). Điều này rất rõ ràng trong các cuộc trò chuyện của Người với người đàn bà Samaria (xem Ga 1:4-30) và với người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình (xem Ga 8:1-11) trong đó, ý thức tội lỗi đã được đánh thức bởi cuộc gặp gỡ với tình yêu nhưng không của Chúa Giêsu” (57).

254. Tôi có thể hiểu nỗi buồn sầu của những người mất người mình hết sức yêu thương, tức người phối ngẫu họ đã chia sẻ nhiều điều xiết bao. Chính Chúa Giêsu cũng đã hết sức xúc động và bật khóc trước cái chết của một người bạn (xem Ga 11:33, 35). Và làm thế nào ta mới bắt đầu hiểu được sự tiếc thương của những cha mẹ mất một đứa con? “Như thể thời gian bỗng dừng lại: một vực sâu bỗng mở ra nuốt trửng cả quá khứ lẫn tương lai”, và “có lúc, chúng ta còn đi xa đến nỗi oán trách, đổ lỗi cho chính Thiên Chúa. Nhiều người, tôi rất hiểu họ, đã nổi giận với Thiên Chúa xiết bao” (281). “Mất người phối ngẫu là điều đặc biệt khó khăn... Từ giây phút chịu sự mất mát, một số người biểu lộ được khả năng tập trung năng lực của họ vào việc tận tụy nhiều hơn cho các con và các cháu, tìm thấy trong cảm nghiệm yêu thương này một cảm thức đổi mới về sứ mệnh nuôi dưỡng con cái... Những ai không có thân nhân để chia sẻ thì giờ và để nhận được tình âu yếm, nên được cộng đồng Kitô hữu giúp đỡ với sự lưu ý và sẵn sàng đặc biệt, nhất là khi họ nghèo túng” (282).

296. Các Nghị Phụ đề cập tới nhiều hoàn cảnh yếu đuối hay bất toàn khác nhau. Ở đây, tôi muốn nhắc lại một điều mà tôi tìm cách minh xác với toàn thể Giáo Hội, kẻo chúng ta theo đường lầm: “có hai cách suy nghĩ đã diễn ra trong suốt lịch sử Giáo Hội: vứt bỏ và phục hồi. Từ thời Công Đồng Giêrusalem, đường lối của Giáo Hội vẫn luôn là đường lối của Chúa Giêsu, đó là con đường thương xót và phục hồi... Đường lối của Giáo Hội là không kết án ai mãi mãi; nó là việc tuôn đổ dầu thơm thương xót của Thiên Chúa trên tất cả những ai kêu xin với một tâm hồn thành thực... Vì lòng bác ái chân thực luôn không cần công trạng, luôn vô điều kiện và nhưng không” (326). Thành thử, điều cần là phải “tránh các phán đoán không tính đến sự phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau” và phải “ nhất thiết lưu ý tới việc người ta chịu đau khổ ra sao vì hoàn cảnh của họ” (327).

308. Đồng thời, từ việc ý thức được tầm quan trọng của các hoàn cảnh giảm khinh, cả tâm lý, lịch sử lẫn sinh học, mà ta có nhận định này “dù không sao lãng lý tưởng Tin Mừng, ta vẫn cần phải đồng hành một cách đầy thương xót và nhẫn nại với các giai đoạn có thể có trong việc tăng trưởng bản thân khi chúng xuất hiện từ từ”, chừa chỗ cho “lòng thương xót của Chúa, một lòng thương xót thúc đẩy ta cố gắng hết sức” (355). Tôi hiểu những ai vẫn thích lối chăm sóc mục vụ khắt khe hơn, vốn không có chỗ cho mơ hồ. Nhưng tôi thành thực tin rằng Chúa Giêsu muốn có một Giáo Hội biết lưu ý tới điều tốt mà Chúa Thánh Thần vốn gieo vào giữa sự yếu đuối của con người, là một Bà Mẹ, dù lớn tiếng nói rõ giáo huấn khách quan của mình, “vẫn luôn làm bất cứ điều tốt nào có thể làm, cho dù trong khi làm thế, giầy dép của mình bị vấy bẩn bởi đất bùn hè phố” (356). Khi đề xuất với tín hữu lý tưởng trọn vẹn của Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội, các mục tử của Giáo Hội cũng phải giúp họ cư xử với những người yếu đuối một cách cảm thương, tránh làm bực mình hay phán đoán khắc nghiệt hoặc hấp tấp thái quá. Chính Tin Mừng cũng bảo ta đừng phán đoán hay kết án (xem Mt 7:1; Lc 6:37). Chúa Giêsu “mong ta ngưng việc tìm kiếm những hốc tường bản thân và cộng đoàn để tránh mọi rối loạn bất hạnh của con người, và thay vào đó, hãy bước vào thực tại đời sống người khác và biết được sức mạnh của lòng âu yếm. Bất cứ khi nào ta làm được như thế, đời ta đều trở nên phức tạp một cách kỳ diệu” (357).

309. Quả là ơn quan phòng khi các suy tư trên diễn ra trong Năm Thánh dành cho lòng thương xót, cũng vì khi đối đầu với nhiều hoàn cảnh khác nhau ảnh hưởng tới gia đình, “Giáo Hội được ủy nhiệm việc loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, trái tim sống động của Tin Mừng, một loan báo, theo cách riêng, phải đi thẳng vào tâm trí mỗi con người. Cô Dâu của Chúa Kitô phải rập khuôn tác phong của mình theo Con Thiên Chúa, Đấng đi tới mọi người, không trừ ai” (358). Giáo Hội biết rằng Chúa Giêsu là người chăn một trăm con chiên, chứ không phải chỉ có chín mươi chín con. Người yêu thương mọi con. Hiểu được như thế, “dầu thơm thương xót có thể sẽ lan tỏa tới mọi người, bất luận là tín hữu hay người xa lạ, như dấu hiệu cho thấy nước Thiên Chúa đã hiện diện giữa chúng ta rồi” (359).

310. Ta không thể quên rằng “lòng thương xót không những là hành động của Chúa Cha; nó đã trở thành một tiêu chuẩn để biết ai mới là con cái thực sự của Người. Nói tóm lại, ta được kêu gọi biểu lộ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được biểu lộ với ta trước tiên” (360). Đây không phải là một sự lãng mạn nguyên tuyền hay một đáp trả nửa ấm nửa lạnh đối với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu luôn tìm kiếm điều tốt nhất cho ta, vì “lòng thương xót chính là nền tảng đời sống của Giáo Hội. Mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội phải được bảo bọc trong một tình âu yếm mà Giáo Hội vốn biểu lộ với các tín hữu; không điều gì trong việc rao giảng và làm chứng của Giáo Hội cho thế giới lại có thể thiếu lòng thương xót được” (361). Đúng là có lúc “ta hành động như những người nắm toàn quyền ơn thánh hơn là các điều giải viên của nó. Nhưng Giáo Hội không phải là phòng thuế; nó là nhà của Chúa Cha, nơi có chỗ dành cho mọi người, với đủ mọi vấn đề của họ” (362).

311. Việc giảng dạy thần học luân lý nên kết hợp các xem xét trên, vì dù đúng là phải tỏ ra quan
tâm đối với tính toàn vẹn trong giáo huấn luân lý của Giáo Hội, nhưng luôn phải tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với việc nhấn mạnh và khuyến khích các giá trị cao cả nhất và có tính trung tâm nhất của Tin Mừng (363), nhất là tính ưu vị của đức ái như là một đáp trả đối với ơn phúc yêu thương hoàn toàn nhưng không của Thiên Chúa. Đôi lúc, ta thấy khó có thể dành chỗ cho lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa trong sinh hoạt mục vụ của ta (364). Ta đặt quá nhiều điều kiện lên lòng thương xót đến nỗi ta làm rỗng hết ý nghĩa cụ thể và tầm quan trọng thực sự của nó. Đây là cách tệ hại nhất để làm loãng Tin Mừng. Chẳng hạn, đúng là lòng thương xót không loại trừ công lý và chân lý, nhưng trước hết và trên hết, ta phải nói rằng lòng thương xót chính là sự viên mãn của công lý và là biểu hiện ngời sáng nhất của chân lý Thiên Chúa. Vì lý do này, ta nên luôn coi là “thiếu thỏa đáng bất cứ quan niệm thần học nào, cuối cùng, nghi vấn cả sự toàn năng của Thiên Chúa và, nhất là, lòng thương xót của Người” (365).


312. Điều trên đem lại cho chúng ta một khuôn khổ và một khung cảnh giúp ta tránh thứ luân lý có tính bàn giấy lạnh lùng trong việc xử lý các vấn đề nhậy cảm hơn. Thay vào đó, nó đặt ta vào bối cảnh biện phân mục vụ đầy tình yêu thương xót, luôn sẵn sàng hiểu biết, tha thứ, đồng hành, hy vọng và, trên hết, hội nhập. Đây là tư duy cần trổi vượt trong Giáo Hội và dẫn ta tới chỗ “mở rộng lòng ta cho những người hiện đang sống tại những ngoại biên xa xôi nhất của xã hội” (366). Tôi khuyến khích các tín hữu đang rơi vào các hoàn cảnh phức tạp hãy tin tưởng nói chuyện với các mục tử của mình hay với các tín hữu giáo có đời sống dấn thân cho Chúa. Có thể không phải lúc nào họ cũng tìm được nơi các tín hữu này sự xác nhận đối với các ý nghĩ hay ước vọng của họ, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được một chút ánh sáng nào đó giúp họ hiểu rõ hơn hoàn cảnh của họ và tìm ra nẻo đường tăng trưởng bản thân. Tôi cũng khuyến khích các mục tử của Giáo Hội lắng nghe họ một cách nhậy cảm và thanh thản, với ước nguyện thành thực có thể hiểu được cảnh ngộ và quan điểm của họ, ngõ hầu giúp họ sống đời họ tốt hơn và thừa nhận chỗ đứng riêng của họ trong Giáo Hội.

Sau khi đã tìm hiểu những hướng dẫn sâu xa và súc tích của Tông huấn, chúng ta có thể đi đến những nhận định và bài học áp dụng:

1. Tông huấn không thay đổi kỷ luật của Giáo Hội, nhưng áp dụng với lòng yêu thương cho những trường hợp cụ thể: nghĩa là vẫn không công nhận hôn nhân đồng tính hoặc cho phép những người ly dị - tái hôn rước lễ hoặc thông phần vào các bí tích… Tông huấn “không cho phép hôm nay những điều đã bị cấm hôm qua”. Tuy nhiên, Tông huấn cũng đã thể hiện rõ nét lòng thương xót Chúa, nhất là trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Giáo hội không loại trừ những con người này nhưng sáp nhập, thấu hiểu, tôn trọng và đồng hành với họ. Việc từ khước hôn nhân đồng tính không loại bỏ khả năng tiếp nhận những người đồng tính, việc “ngừa thai tự nhiên” không thể thực thi nếu không có sự giáo dục lương tâm các đôi vợ chồng. ĐTC nhắc lại rằng “ly dị là sự ác” nhưng đồng thời thừa nhận các hoàn cảnh cùng cực, trong đó việc ly thân là không thể tránh được. Và ngài đã đề ra việc tái hòa nhập họ một cách hợp lý vì họ thuộc về gia đình Giáo hội. Ngài nói: “Hãy xem Giáo hội như là một bệnh viện, được thiết kế để chăm sóc phù hợp nhất cho những người bị thương. Giáo hội là một người mẹ phải tiếp đón, sáp nhập mỗi người tùy theo giai đoạn họ đang sống và tùy theo con đường họ đang đi”.

2. Giáo hội cần phải hiểu các gia đình và các cá nhân trong tất cả sự phức tạp của họ. Giáo hội cần phải gặp gỡ họ ở nơi họ đang sống. Thế nên các mục tử phải “tránh những xét đoán không lưu tâm đến tính phức tạp của những hoàn cảnh khác nhau” (296). Không được “đóng khung hoặc xếp loại con người một cách quá cứng nhắc mà không dành chỗ cho sự phân định mang tính mục vụ và riêng biệt” (298). Nói cách khác, không có một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người. Mọi người đều được khuyến khích sống theo Phúc Âm, nhưng cũng cần được đón nhận vào trong một Giáo hội biết trân trọng những phấn đấu của riêng họ và đối xử với họ theo lòng thương xót. Cần tránh kiểu suy nghĩ rằng “mọi sự không trắng thì đen” (305). Và Giáo hội không thể dùng luật lệ luân lý như “những tảng đá đè nặng trên cuộc sống con người” (305). Tóm lại, Đức Thánh Cha kêu gọi phải có sự cảm thông, thương xót và đồng hành.

3. Chúng ta không nên nói về những người “sống trong tội” nữa. Đức Thánh Cha nói rõ: “Không thể đơn giản nói rằng tất cả những người sống trong ‘hoàn cảnh bất thường’ là sống trong tình trạng mắc tội trọng” (301). Những người sống trong ‘hoàn cảnh bất thường’, hoặc các gia đình không-truyền-thống, chẳng hạn các bà mẹ đơn thân, cần được “cảm thông, an ủi và đón nhận” (49). Khi nói đến những người này, mà thực ra với tất cả mọi người, Giáo hội cần chấm dứt cách áp dụng luật luân lý, như thể chúng là –theo kiểu nói sống động của Đức Thánh Cha– “những tảng đá đè nặng trên cuộc sống con người” (305).

4. Mọi người đều được đón nhận. Giáo hội phải giúp đỡ các gia đình bất cứ gia đình ấy thuộc kiểu nào, và mọi người bất cứ ở trong hoàn cảnh sống nào, vì, ngay cả trong những khiếm khuyết của họ, họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương và có thể giúp cho người khác cảm nghiệm tình yêu ấy. Tương tự như vậy, các mục tử phải làm sao cho mọi người thấy mình được ân cần tiếp đón ở trong Giáo hội. Amoris Laetitia đề ra nhãn quan về một Giáo hội mục tử và thương xót, khích lệ mọi người cảm nghiệm “niềm vui tình yêu”. Gia đình là một phần thiết yếu tuyệt đối của Giáo hội, bởi vì xét cho cùng, Giáo hội chính là “gia đình của các gia đình” (80).

5. Giáo Hội cần thay đổi đường lối mục vụ: Nên hòa nhập hơn là loại trừ, cần phải gần gũi với những gia đình « rối ren », giúp họ đến gần với Thiên Chúa, thay vì lên án buộc tội. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chứ không phải là thẩm phán xử án. (Chúa Giêsu đã cư xử thế nào với thiếu phụ Samaria và người phụ nữ ngoại tình ?) Dù sao, các mục tử (đặc biệt là các cha giải tội) hãy kiên nhẫn đi vào « tòa trong », tòa của lương tâm, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, chứ đừng dừng lại ở bộ mặt cơ chế của « tòa ngoài » (tuy là cần thiết đối với Giáo hội). Không phải tất cả những người « rối ren » đều ở trong tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa (AL 301 ; x. 243-244). Giả như họ đã phạm tội trọng đi nữa, vai trò của người mục tử là dẫn họ trở về với Chúa, chứ không phải là đóng cửa vĩnh viễn : hòa nhập thay vì khai trừ (AL 305).

6. Nhiệm vụ thực thi lòng thương xót của các thừa tác viên trong Giáo Hội. Các mục tử phải là những người hết lòng tìm kiếm chân lý, giáo lý chính thống về tín lý và luân lý của Hội Thánh, để từ đó hướng dẫn và dạy dỗ Dân Chúa. Nắm vững đạo lý chính thống là điều đáng khen ngợi, nhưng các ngài còn phải lo bảo ban những khuyên bảo mục vụ quan trọng cấp thiết. Không thể đến ban lời chân lý cho dân chúng rồi bỏ đi và lấy thế làm đủ, đúng hơn, các ngài phải đồng hành với những người các ngài đã hướng dẫn, dạy dỗ, bằng cách dấn thân giúp đỡ đưa các chân lý ấy hoà vào cuộc sống của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô muốn các chân lý về hôn nhân, tính dục, và gia đình được công bố cách rõ ràng, nhưng ngài cũng muốn các thừa tác viên của Hội Thánh với lòng từ bi và hay thương xót vươn tay ra cứu giúp những người đang chiến đấu để đưa những chân lý ấy vào cuộc sống họ.

Tóm lại, Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” không tách biệt luật và lòng thương xót như hai thái cực không thể đồng hành. Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” lại càng quan trọng với các linh mục tu sĩ trong trách vụ hướng dẫn và đồng hành với các gia đình Công giáo trong thời đại hôm nay. 


 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 5
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 4554
  • Tháng hiện tại: 109385
  • Tổng lượt truy cập: 12253645