Trang mới   https://gpquinhon.org

Cha André Marie Garin Châu (1854-1885)

Đăng lúc: Thứ hai - 13/10/2014 08:30


“Tôi không đến đây để được sống lâu nhưng để làm việc cho Chúa và chết ở đây khi nào Ngài muốn”  
André Marie Garin

 

Trích dịch từ
ADRIEN LAUNAY,
Nos missionnaires précédés d’une étude historique
sur la Société des Missions Étrangères
,
Retaux-Bray, Paris, 1886, tr. 207-307


Sáu năm hoạt động không ngừng nghỉ, rửa tội cho hơn ngàn người lớn và mười ngàn trẻ nhỏ, một cái chết anh dũng: đó là sự nghiệp tông đồ của người thừa sai mà Hội Truyền Giáo Hải Ngoại đã vinh dự ghi danh vào số những vị tử đạo của mình.

I

“André-Marie Garin, con của Claude Garin và Claudine Voutiers, sinh ngày 25 tháng Năm 1854 tại Chevron thuộc địa phận Tarentaise. Khi được mười tuổi thì cậu mất cả cha lẫn mẹ.
Thời gian đầu ở tại Chủng Viện Moutier không thích thú cho lắm, có lẽ vì tuổi còn quá trẻ hoặc vì tính khí không dễ uốn mình dưới ách luật lệ, bản tính vô tư khiến cậu thờ ơ với những hình phạt cũng như phần thưởng – khi bị khiển trách, cậu chỉ trả lời rằng: - Con sẽ thay đổi sau. Đây là một khúc gỗ cứng, khó uốn nắn, nhưng lại thích hợp cho những công trình chắc chắn và lâu bền.”
Đây là những lời mà ông bác đáng kính của vị tử đạo đã nói sơ qua về thời gian đầu của một đời người mà chúng ta sẽ thấy ngời sáng lên những mẫu gương khiêm nhường, đức tin và sự tận tâm.
Sự thay đổi mà người ta thường đòi hỏi và cậu cũng thường hay hứa cuối cùng rồi nó cũng đến. “Được gởi vào lớp ba ở Tiểu Chủng Viện Saint-Pierre d’Albigny, André nghiêm túc trau dồi các nhân đức và cần mẫn học hành. Cuộc ra đi truyền giáo miền xa xăm của vài người thân ngay lúc ấy đã khơi lên trong cậu ước muốn sau này sẽ quảng đại bước đi theo họ. Tuy nhiên ước muốn này càng trở nên mạnh mẽ khi học những lớp trên.
Vào Tiểu Chủng Viện Moutiers năm 1863, sự thay đổi thái độ và tính khí của cậu đã làm ngạc nhiên các bạn học cũ. Cậu trở nên chăm chỉ, tận tâm, nhiệt tình phục vụ, can đảm và quảng đại hy sinh.
 Các bề trên sớm nhận ra nơi cậu những dấu hiệu rõ ràng của ơn gọi tông đồ. Một ngày kia, có bà dì muốn cậu đổi ý, bà nói đến những hiểm nguy sẽ gặp phải trên đường truyền giáo. Cậu trả lời: - Không hề gì! Con muốn bắt chước Thánh bổn mạng André của con.
Tháng Tám 1874, André Garin vào Chủng Viện Truyền Giáo Hải Ngoại. Những ai đã từng quen biết cậu ở đấy đều luôn nhớ đến sự khao khát học tập và vẻ dịu dàng dễ mến mà cậu phải nỗ lực kiên trì mới có được. Đôi lúc cậu nói – Tôi muốn dịu dàng như Thánh Francois de Sales.
Được phong chức phụ phó tế vào tháng Hai 1877, vài ngày sau, khi lòng sốt sắng vẫn còn đang cháy bỏng, cậu viết: “Đã hơn một tháng rồi tôi đã hiến dâng trọn cho Chúa; bây giờ không còn chuyện lấy lại điều tôi đã hiến dâng. Ôi! Nếu Thầy nhân lành luôn để dành tôi để tuỳ nghi Ngài sử dụng thì chắc hẳn rằng tôi sẽ trung thành với Ngài. Nhưng với sự yếu đuối của tôi, liệu tôi có đem lại sự thành công không? Tôi hoàn toàn tin cậy vào Đấng đã đưa tôi ra khỏi bùn nhơ và đặt tôi cum principibus populi sui (ngồi chung với hàng quyền quý của dân người). Và rồi kinh Thần Vụ đã an ủi tôi rất nhiều: có biết bao điều tuyệt đẹp trong những lời kinh mà Giáo Hội đã buộc những ai muốn trọn đời phục vụ Người Thầy duy nhất của chúng ta … Trong vòng một năm nữa, nếu Chúa nhân lành an bài, tôi sẽ trở thành linh mục và đồng thời là một thừa sai”. Thật vậy, ngài chịu chức linh mục năm sau đó, ngày 16 tháng Ba 1878, và được chỉ định đến Đông Đàng Trong.

II

Miền truyền giáo Đông Đàng Trong nằm ở phần đất của Đông Dương mà ngày nay người ta gọi là Trung kỳ. Đây là dải đất dài và hẹp, khúc thì nhiều đồi núi và rừng rậm khúc thì phủ đầy những cồn cát, hầu như bị chia cắt ra bởi nhiều nhánh sông nhỏ đổ ra biển.
Miền này gồm sáu tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận với dân số khoảng 3.500.000 người mà trong số đó, trước những cuộc bách hại cuối cùng, người ta ước tính có khoảng 41.234 giáo dân. Chủng tộc người Annam cư ngụ ở xứ này. Người Annam không phải là thiếu những đức tính tốt nhưng cũng có nhiều khuyết điểm. Họ biết ơn các ân nhân của mình, quảng đại đến hoang phí, đầu óc nhạy bén, trí nhớ tốt, kiến thức rất khá khi biết rút tỉa ra từ những sai phạm của mình; nhưng họ thường hay thay đổi, hời hợt …
Họ cực kỳ thanh đạm: một nắm gạo, vài con cá khô, trà hoặc thường là nước lã, thế là đủ sống.
Sau đây là vài hàng phác hoạ về những tôn giáo khác nhau trong vương quốc Annam:
Đầu tiên là đạo thờ trời mà ông vua là người tôn thờ duy nhất; kế đến là đạo Khổng của giới văn nhân, họ không thờ Đức Khổng Tử nhưng chỉ tôn kính ông như một vị thánh hiền. Có những đền thờ được xây dựng để tôn vinh nhà hiền triết này. Trong các trường học hay phòng thi, người ta đặt tấm bài vị của Khổng Tử mà đôi khi họ bái lạy và đốt hương.
Nhưng việc thờ kính phổ thông nhất đã có từ thời xa xưa là thờ các thần thành hoàng: làng nào cũng có tổ chức thờ cúng này. Ngày mồng một và ngày rằm mỗi tháng, họ tụ họp nhau nơi đình làng để làm cỗ và dâng lên vị thần bảo hộ làng một phần của cúng đặt trước tấm bài vị mang tên ngài.
Việc thờ cúng tổ tiên của người Annam bao gồm việc thờ kính các tổ tiên đã khuất bằng những của cúng và bái lạy tại đám tang hay những ngày giỗ. Việc thờ cúng này chỉ là ký ức do lòng hiếu thảo đã bị thói mê tín dị đoan làm cho hoen ố và họ chỉ thờ cúng trong phạm vi gia đình.     
Đạo Phật cũng có một số tín đồ. Đó là những tôn giáo khác nhau của người Annam, chỉ cần tìm ra đâu là ý niệm tôn giáo của họ.
Trong số những việc thờ cúng mà chúng tôi vừa liệt kê ở trên, đạo thờ trời là chỉ đến bầu trời vật chất; đạo Khổng hoàn toàn có tính cách lễ nghi, đạo Phật và việc thờ cúng thần Thành hoàng không đặt vấn đề ý niệm về một Hữu thể tối cao, đấng sáng tạo mọi sự. Vậy thì ta có thể kết luận rằng người Annam không trực tiếp tôn kính hoặc tôn thờ một Hữu thể tối cao xét như là một hữu thể. Nhưng rất dễ khơi dậy nơi họ ý niệm rõ ràng về Thiên Chúa và một khi ý niệm sống động này hiển hiện trong tâm trí họ thì lý lẽ của các tín điều Kitô giáo sẽ thắng lướt mọi mê tín dị đoan: việc tôn kính các thiên thần và các thánh sẽ thay thế cho việc thờ các thần Thành hoàng; thờ kính tổ tiên nhường chỗ cho các kinh cầu cho người chết và các lễ nghi của Giáo Hội dành cho người quá cố. Tóm lại, Kitô giáo không buộc phải đảo lộn hết mọi nền móng để xây một ngôi nhà hoàn toàn mới mà chỉ cần bổ sung và thanh lọc các tín ngưỡng của dân tộc này. Vả lại, người Annam ưa thích lễ hội và vẻ hoành tráng bề ngoài và như thế dưới khía cạnh này thì các lễ nghi công giáo thu hút và làm họ thích thú. Về phong tục thì có những trở ngại không phải là không thể vượt qua được. Tục đa thê rất ít phổ biến: chỉ có ở tầng lớp giàu có, đa số người dân sống nghèo khổ, thảm hại và thanh đạm. Nhưng dầu cho những khuynh hướng này có thể làm cho việc rao giảng Tin Mừng trở nên dễ dàng thì những trở ngại vẫn còn đấy. Rất khó khăn để làm cho quan lại và các vị trưởng làng trở lại.
Các quan lại không thích Kitô giáo bởi vì họ không còn thấy nơi người giáo dân sự mềm mỏng và dễ dàng nhượng bộ những điều trái với lương tâm, và nhờ Kitô giáo, giáo dân hiểu được lẽ công bình, quyền lợi và luật lệ. Các trưởng làng thì thấy giáo dân không còn đóng góp cho các bữa cúng thần Thành hoàng, không còn làm việc công quả ở chùa chiền hoặc tham dự các lễ nghi ngoại giáo.
Mặc dầu có trở ngại nhưng tương đối vẫn dễ đem người ta trở lại đạo. Từ biên giới Cambodge cho đến biên giới Trung Hoa, có 600.000 người công giáo, và khi bùng nổ những cuộc bách hại đẫm máu nhất thì họ vẫn vững vàng, sẵn sàng chết hơn là chối bỏ đức tin.
 Đó là dân tộc mà Cha Garin sắp loan báo Tin Mừng.
 
III

Vừa mới đến miền truyền giáo thì bệnh tật đã thăm viếng ngài. Không hãi sợ, ngài viết: “Tôi không đến đây để được sống lâu nhưng để làm việc cho Chúa và chết ở đây khi nào Ngài muốn”.
Trước khi đến thời khắc cao trọng này, ngài có niềm an ủi là được mở mang Nước Đức Kitô.
Sau vài tháng ở Làng Sông, trú sở của Đại Diện Tông Toà Đông Đàng Trong, Cha Garin được gởi đi Quảng Ngãi nằm ở phía bắc miền truyền giáo.
Tỉnh này bị chia cắt thành hai phần bằng con đường cái quan chạy từ Nam ra Bắc. Phần phía Tây trải dài đến tận biên giới xứ người thượng; phần này có nhiều tân tòng và khoảng 20 họ đạo; phần phía Đông chạy ra biển chỉ toàn là lương dân. Cả hạt gồm có khoảng 5.000 giáo dân phân tán trên một diện tích 625 cây số vuông. Vị thừa sai có hai linh mục bản xứ và vài thầy giảng giúp đỡ thi hành nhiệm vụ.
 Vạn sự khởi đầu nan. Nạn đói tàn phá khắp miền gieo đau buồn và chết chóc. Cùng với nạn đói là nạn lụt dữ dội nhất từ năm mươi năm nay. Kẻ giàu người nghèo đều bị bần cùng hoá đến mức cuối cùng. Chính quyền Annam cố cứu giúp những kẻ bất hạnh nhưng chỉ được vài ngày là cạn sạch ngân quỹ.
Cha Garin không mất đi lòng can đảm. Ngài viết: “Những cơn đau cũng như nỗi buồn phiền chẳng là gì cả, tôi chỉ có điều mà tâm hồn tôi luôn mong ước” – Ngài còn viết thêm sau đó: “Tôi tự nguyện hy sinh vì tình yêu dành cho con cái nghèo khổ của mình để chấm dứt tai hoạ. Tôi cũng tự nguyện đi ăn xin từng nhà để cứu giúp họ. Thế nhưng bổn phận đã giữ tôi ở gần bên để giúp họ chịu đau đớn và chết lành”.
 Đàng khác, giữa cơn khốn khổ này, vị thừa sai có được niềm an ủi duy nhất mà ngài hằng cầu xin: mang lại nhiều thành công cho công việc của Thiên Chúa. Chúng ta đọc thấy một trong những bức thư ngài viết rằng: “Khi đến Quảng Ngãi, tôi chỉ nuôi năm mươi trẻ mồ côi. Hiện giờ tôi có ba trăm đứa, và nếu tôi có gan đi tìm kiếm thì chắc là sẽ có từ bảy đến tám trăm đứa. Nhưng vẫn không có gạo đủ cho những đứa mà tôi đã nhận và mỗi ngày tôi tính được có khoảng hai đến ba mươi đứa trẻ bị bỏ trước cửa cô nhi viện”. Chỉ trong năm này, cha Garin đã rửa tội cho hơn 4.000 đứa trẻ ngoại giáo sắp chết.
Những lo lắng và công việc lúc khởi đầu sứ mệnh tông đồ đã không cho phép ngài chuyên tâm lo cải đạo những người không tin theo như ước nguyện.
Chỉ đến năm 1880 ngài mới lập được một trụ sở trong phần địa hạt của mình mà cho đến lúc ấy vẫn chưa có thừa sai nào mon men tới được vì thiếu nơi cư trú và cũng vì thiếu mối liên lạc giữa giáo dân với lương dân. 
Lập một họ đạo mới không phải là chuyện dễ dàng. Chỉ có lòng nhiệt tâm thôi thì chưa đủ, phải nói đến nhiều đức tính nơi một người thợ thừa sai. Phải có sự dịu dàng để đừng trở nên kiêu ngạo, lòng kiên nhẫn để không thất vọng trước sự chậm chạp, sự cương quyết để áp đặt trước những đầu óc khép kín, sự khéo léo để len lỏi vào những tâm hồn phản kháng, sáng kiến bền bỉ để tìm và sử dụng mọi phương tiện nhằm đạt sự thành công.
Cha Garin đã chọn đặt trạm đầu tiên tại làng Văn Bân cách nơi ở của mình khoảng 7 tiếng đồng hồ đi bộ.
Văn Bân là một ngôi làng lớn nằm ở vị trí rất thuận lợi để làm trung tâm hoạt động và từ đấy ta có thể điều khiển công cuộc rao giảng Tin Mừng, hoặc về hướng Bắc với khoảng cách một ngày đi bộ, hoặc về hướng Nam trong phạm vi nửa ngày đàng. Giữa cánh đồng rộng lớn mầu mỡ nhô lên một ngọn đồi phủ đầy cây cối mà phía dưới chân đồi là nhà cửa của cư dân. Từ đỉnh đồi, ta nhìn thấy biển nằm về hướng Đông; dãy núi đá cao Bến Đá nằm về hướng Nam được dùng làm ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định; ở hướng Tây là ruộng đồng bát ngát và xa xa là những dãy núi của người sắc tộc; về hướng Bắc có một ngọn đồi khác và một cửa biển mà người Annam gọi là Cửa Đại.
Cha Garin đến Văn Bân vào tháng Ba năm ấy: người Annam ở vùng này chưa bao giờ thấy một người Âu châu nên họ đón tiếp ngài bằng sự tò mò đến độ quấy rầy nhưng rất niềm nở. Suốt cả ngày và đêm hôm sau, có đến mấy trăm người bu quanh vị thừa sai, chiêm ngưỡng làn da trắng, dáng cao, chòm râu dài, họ ngạc nhiên khi nghe ngài nói ngôn ngữ của họ. Họ kháo với nhau: - Ông nầy làm thế nào ở Pháp mà nói được tiếng Annam trong khi bọn Tàu ở sát cạnh đây lại không nói được? Buổi sáng, lại một đám đông kéo đến chật nhà. Cha Garin nói: “Những người của tôi không thể đuổi họ đi được, tôi phải mất công thuyết phục nhưng chẳng ăn thua gì. Buộc phải tìm cách xoay xở, tôi bảo vài giáo dân đi sau và tôi xông thẳng vào đám đông bằng cách dùng cùi chỏ gạt sang hai bên hết thảy mọi chướng ngại: xin thú nhận rằng chỉ với phương cách ít có vẻ đàm phán như vậy thì tôi mới có thể thoát ra khỏi nhà tù”.
Hai tháng sau, ngày 1 tháng Sáu, một thầy giảng đến Văn Bân để dạy giáo lý dự tòng cho khoảng 22 người. Trong số 22 người này, có 3 người đã chết trong thời gian học: một đứa trẻ khoảng 8, 9 tuổi gì đó, một chủ đất giàu có bị bệnh phổi và một người đàn bà nghèo đau bệnh từ lâu. Vài phút trước khi chết, người đàn bà này thu hết sức lực cuối cùng để gọi hết con cái lại, bà nói: Đứa nào trong các con yêu mẹ và muốn gặp lại mẹ thì hãy nhớ rằng không rửa tội thì không được cứu rỗi; đứa nào muốn gặp lại mẹ thì phải trở lại đạo. Đó là hoa quả đầu mùa của xứ Văn Bân.
Khoảng đầu năm sau đó, Cha Garin viết: “Tôi đã rửa tội cho 109 người lớn ở Văn Bân, và số người trở lại rất đông

IV

Cả hạt dường như lấy được sức sống mới nhờ lòng nhiệt tâm cháy bỏng của vị thừa sai. Cha Garin rửa tội cho 265 người lớn và 3.000 trẻ em vào năm 1880; 296 người lớn và 2.700 trẻ em vào năm 1881. Ngài làm thêm các trạm mà con số lên đến 40 vào năm 1882; cho xây dựng và sửa sang nhiều nhà thờ cũng như lập một nhà thương ở Phú Hoà. Ngài thành lập hai nông trại mà vị trí được chọn lựa kỹ càng cũng như diện tích lớn đủ để tạo phương tiện lao động tay chân cho các trẻ mồ côi của giáo xứ và là nguồn lợi tức quý giá để thành lập những sở mới.
Đức Cha đã hai lần phân chia địa hạt rộng lớn của ngài ra, chỉ để lại cho ngài các xứ phía Bắc gồm khoảng 2.800 đến 3.000 giáo dân. Thế mà vẫn còn nhiều việc phải làm, ngài viết: “Dầu nổ lực hết sức, công việc vẫn còn bề bộn và tôi không thể nào làm hết được. Tôi hầu như luôn làm việc: cả năm hầu như luôn ở toà giải tội: giải tội, đó là đời sống truyền giáo của tôi. Không thể nào bỏ lỡ dịp may được thưởng phúc thiên đàng và để làm cho Nước Chúa lan toả trong các tâm hồn đã được giao phó cho tôi!”   
Cha Garin đã lầm: giải tội có thể là công việc chính chứ không phải là toàn bộ cuộc sống của ngài. Để phát triển những công việc mà ngài đã xây dựng đòi phải có sự chăm sóc liên tục: những lương dân trở lại luôn cần phải được dạy dỗ. Người thừa sai không bỏ sót một bổn phận nào và, ở đâu cũng vậy, Đấng Quan Phòng sẽ làm tròn ước nguyện cũng như thực hiện niềm hy vọng của người thừa sai. Ngài viết cho ông bác: “Mùa gặt năm 1884 không quá tồi dù cho tin đồn về cuộc bách hại đã chận đứng con số lương dân trở lại. Rửa tội cho người lớn đạt đến con số 300. Con tin rằng trong năm tới những hoa trái ơn cứu rỗi cho các linh hồn sẽ dồi dào hơn. Con hết lòng muốn Nước Chúa trải rộng trong xứ Annam này. Trong năm 1885 con sẽ dành hết sức lực cho công việc này và trông mong kết quả ở nơi Thiên Chúa”.
Dầu tỏ lòng tin tưởng vào tương lai, nhưng ngay từ khi bắt đầu thấy có sự thù nghịch, Cha Garin đã phải nhìn những biến cố dưới khía cạnh thật của nó. Ngài viết: “Chúng tôi đang ở trên ngọn núi lửa … chừng nào chấm dứt thì đó là bí mật của Thiên Chúa mà chúng tôi hết lòng tin tưởng. Vả lại, cái chết của một người không phải là cái chết của tôn giáo. Từ những hang toại đạo và ngục tù, tôn giáo vinh thắng bước ra như Chúa Cứu Thế chúng ta vinh hiển bước ra từ ngôi mộ”.
Than ôi! Bây giờ ta có thể tự hỏi rằng có khi nào Đông Đàng Trong nếm hưởng được những ngày vinh thắng này mà niềm tin không hề lay chuyển của vị thừa sai cho rằng mình đã nhìn thấy sau cơn bách hại đâu.
Vào tháng Tư, Cha Poirier bị các quan chức làng Văn Bân hành hung. Vừa được tin, Cha Garin đi cùng với Cha Guégan đến nhà ông quan tỉnh, ngài nói: “Ở đó, tôi yêu cầu một đoàn hộ tống để bảo vệ và đưa chúng tôi đến tận nơi người đồng sự, hoặc có cách nào khác mà chính quyền cho là đủ” – Ông quan này hứa tất tần tật mà không làm gì hết. Trưa hôm sau, hai vị thừa sai đi đến Văn Bân nhưng phải đến nửa đêm và nhờ cải trang mà Cha Garin mới có thể đến gần Cha Poirier, chăm sóc cho ngài, giải tội và sau đó cho ngài chịu Mình Thánh. Ngài viết tiếp: “Ngay từ sáng sớm, tôi phái giáo dân đến nhà ông quan để xin thả người đồng sự của chúng tôi và yêu cầu bắt ngay 28 người cầm đầu nhóm phản loạn vì thật sự đây là nhóm làm loạn. Ông quan vội vã thi hành. Ngày hôm sau, tôi đã có thể ra đi và đưa người tuyên xưng đức tin về một sở họ đông đúc nhất. Đó là ngày 24 tháng Năm 1885, ngày lễ Hiện Xuống”. Cũng chính ngày này 7 năm về trước, Cha Poirier lúc ấy còn ở Qui Nhơn đã tiếp đón Cha Garin khi ngài đến đất Trung kỳ này.
Ngày 20 tháng Sáu, Cha Garin đã viết những hàng chữ cuối cùng này: “Bão tố luôn đe doạ nhưng Chúa Nhân Lành gìn giữ chúng tôi. Người Pháp vừa chiếm thành Huế và sự khích động còn mạnh mẽ hơn cả bảo tố. Dầu sao, cứ tin tưởng vào Chúa!”.
Một tháng sau, người tông đồ quảng đại đã đổ máu mình ra vì Đức Giêsu Kitô trên mảnh đất Quảng Ngãi mà ngài đã loan báo Tin Mừng với bao nhiệt tâm và mang lại nhiều thành công.
Đây là một ít chi tiết mà chúng ta biết được về cái chết vinh hiển của ngài. Chúng tôi mượn lời của thừa sai Dépierre của Tây Đàng Trong, người đã nghe thuật lại từ chính miệng những giáo dân tị nạn ở Sàigòn.
Ngay sau khi tướng de Courcy chiếm thành Huế, tỉnh Quảng Ngãi nổi dậy đầu tiên. Hai thừa sai Poirier và Guégan bị Văn Thân sát hại đầu tiên cùng với một số đông giáo dân. Do giáo dân khẩn xin, Cha Garin đã từ chỗ trốn trên núi trở về vì nghĩ rằng người ta chừa địa hạt của mình ra. Nhưng đây là một cuộc chiến tận diệt. Ông quan tỉnh đánh tiếng với Cha Garin rằng không việc gì phải sợ, ngài có thể trở về tại dinh của ông quan. Vả lại, nhóm Văn Thân và những thù địch của giáo dân cũng như người Pháp đã rút lui đi xa rồi. Cha đã quá tin tưởng nên trở về và ngay lập tức bị vây chặt và rơi vào tay các đao phủ. Sau khi chịu đủ mọi lời chửi bới và lăng nhục, người ta kết án ngài bị xử bá đao. Ngài bị buộc chặt vào trụ gỗ và cứ từng chặp họ dùng móc sắt và kìm để rứt ra từng tảng thịt còn co giật. Không gì thiếu sót ở pháp đình này: sự điên dại của các đao phủ, sự cam chịu nơi nạn nhân. Vào ngày thứ ba của cuộc hành hình tàn ác này thì linh hồn vị tử đạo đã bay thẳng về trời*.
Cha Garin đã giữ lời. Ngài đã noi gương vị đại thánh bổn mạng của mình, và như người tông đồ của thành Achaie, vị thừa sai của Đông Đàng Trong đã có thể kêu lớn tiếng rằng: O bona Crux diu desiderata! (Ôi Thập Giá ngọt lành con hằng mong uớc bấy lâu!)
 
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 
 
* Lưu ý: Theo Cha Gérard Moussay trong cuốn “Répertoire des members de la Société des Missions Étrangères, 1659-2004”, Paris, 2004, tr. 225: “Ngài bị thiêu sống trong nhà thờ Phường Chuối với một số đông giáo dân, ngày 18 tháng Bảy năm 1885”. (chú thích của người dịch)


Trích từ tập sách "Khi xác thân là của lễ"
Ban Truyền Thông Văn Hóa Giáo Phận Qui Nhơn, 2011

 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 26
  • Hôm nay: 6536
  • Tháng hiện tại: 155678
  • Tổng lượt truy cập: 12132465