Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 10 (tuần II)

Đăng lúc: Thứ năm - 10/10/2013 20:30
 
LƯỢC SỬ TRUYỀN GIÁO CỦA GIÁO PHẬN
GIAI ĐOẠN 1659-1840



BÀI 2 : TỔNG QUÁT TÌNH HÌNH GIÁO PHẬN TỪ 1659-1840

1. Thời kỳ (1659-1679)

Ngày 22/08/1662, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte cùng hai thừa sai: cha François Deydier và cha Jacques de Bourges đã đến Ayuthia, Thái Lan. Lúc bấy giờ, tình hình ở Đàng Trong chưa thuận lợi cho sự hiện diện của Đức cha, chỉ có một vài thừa sai lén lút ra vào giáo phận yên ủi giáo dân. Sau 12 năm nhận lãnh sứ mạng, Đức Cha Phêrô Lambert de la Motte mới có thể đi thăm đàn chiên của mình ở Đàng Trong. Ngày 01/09/1671, Đức cha đã có mặt ở  Nha Trang, rồi đi Nha Rou (Ninh Hòa), Phú Yên, đến Nước Mặn, Qui Nhơn. Tại Nước Mặn, Đức cha Lambert lâm bệnh, liệt giường suốt 6 tuần lễ. Ngày 01/11/1671, lễ Các Thánh, Đức cha Lambert rời Nước Mặn, lên đường đi Quảng Ngãi. Tháng 12/1671, Đức cha lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ, một họ đạo ở phía Nam Quảng Ngãi, ngày nay thuộc giáo xứ Châu Me, hạt Quảng Ngãi. Sau đó Đức cha đi Hội An, khai mạc Công đồng Hội An ngày 15/01/1672 do Ngài chủ tọa, gồm các giáo sĩ thừa sai, các linh mục bản quốc và khoảng ba mươi thầy giảng. Công đồng thông qua một nghị quyết gồm mười điều liên quan tới việc công bố những sắc dụ của Tòa Thánh về quyền bính của Đại Diện Tông Tòa mà tất cả các tu sĩ, thầy giảng và giáo dân phải tùng phục. Cồng đồng xác định nhiệm vụ của các thầy giảng và quý chức việc trong giáo xứ, nhắc lại một vài quy tắc về đời sống hôn nhân, nhất là kêu gọi tín hữu phải sẵn sàng can đảm tuyên xưng đức tin ra bên ngoài chứ không chỉ giữ đạo âm thầm trong lòng. Từ Hội An, Đức cha trở lại Nước Mặn, bổ nhiệm cha Giuse Trang làm mục vụ tại vùng này. Ngày 29/3/1672, Đức cha và cha Vachet từ giã Đàng Trong trở về Thái Lan.

Tháng 9 năm 1675, Đức cha Lambert từ Xiêm sang thăm Đàng Trong một lần nữa. Lúc này cuộc bách hại đã lắng dịu. Đức cha lên tận phủ chúa ở Kim Long (Huế) ở lại nửa tháng, rồi đi kinh lý khắp nơi. Tháng 5 năm 1676, Đức cha đáp tàu trở lại Thái Lan. Đức cha đã để lại ba thừa sai: cha Courtaulin phụ trách Quảng Ngãi, Qui Nhơn; cha Vachet ở Thuận Hóa; cha Bouchard phụ trách từ Phú Yên vào phía Nam. Trong hai lần thăm viếng giáo phận, Đức cha ban phép Thêm sức cho trên 10.000 người. Số giáo dân Đàng Trong năm 1679 khoảng chừng từ 70.000 đến 80.000 người.

2.  Thời kỳ 1679-1840

Ngày 15/6/1679 Đức cha Phêrô Lambert de la Motte qua đời tại Thái Lan. Từ thời điểm nầy đến năm 1840 có 9 Giám mục Đại diện Tông tòa tiếp tục cai quản giáo phận Đàng Trong rộng lớn. Ngày Đức cha Guillaume Mahot qua đời 01/06/1684, trong giáo phận chỉ có sáu thừa sai người Pháp và hai linh mục người Việt, một số ít thầy giảng, các nữ tu Mến Thánh Giá chỉ có 03 nhà: An Chỉ (Quảng Ngãi), Bàu Nghè (Quảng Nam), Lâm Tuyền (Khánh Hoà), mỗi nhà không quá 12 người.

Thời kỳ 1684-1691 là một giai đoạn ‘thiếu chủ chăn và thừa khó khăn’. Khó khăn vì sau khi Đức cha Mahot qua đời, giáo phận không có Giám mục trực tiếp coi sóc. Đức cha Louis Laneau ở Thái Lan giám quản giáo phận. Khó khăn vì thiếu linh mục, thiếu thầy giảng, thiếu nữ tu để đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo. 

Theo thống kê tình hình truyền giáo năm 1747, vùng Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên của giáo phận Qui Nhơn ngày nay có những giáo điểm:

 
VÙNG SỐ GIÁO ĐIỂM THỪA SAI PHỤ TRÁCH
Quảng Ngãi 20 Dòng Tên
Bắc Bình Định 14 Dòng Phanxicô
Nam Bình Định 13 Hội Thừa Sai Paris
Phú Yên 14 Hội Thừa Sai Paris
 
 
Cánh đồng truyền giáo Đàng Trong được mở rộng dần theo biên giới đất nước về phía Nam. Đức cha Jean Louis Taberd Từ, cai quản giáo phận Đàng Trong (1827-1840) đã cử hai nữ tu Mến Thánh Giá Tìm và Tạ từ Bình Định vào lập phước viện Mến Thánh Giá tại Tân Triều, Biên Hòa; hai nữ tu Mến Thánh Giá Mì và Sang cũng từ Bình Định vào lập phước viện Mến Thánh Giá tại Lái Thiêu, Bình Dương.

Cùng với chiều rộng biên giới đất nước, sóng gió và bão tố bao trùm cánh đồng truyền giáo của giáo phận với những lệnh cấm đạo. Do lệnh truy nã gắt gao của triều đình Minh Mạng, Đức cha Jean Louis Taberd đang nương ẩn tại Singapore, biết mình không thể trở lại giáo phận. Ngày 03/05/1835 Đức cha Taberd tấn phong Giám mục cho cha Têphanô Cuénot Thể tại Singapore, đặt làm Giám mục phó giáo phận. Đang thời cấm đạo gay gắt của Vua Minh Mạng, ngày 30/05/1835, Đức cha Cuênot Thể có mặt tại Đà Nẵng. Sau thời gian ẩn trú từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, Bình Định, tháng 11-1839  Đức cha đã có mặt tại Gò Thị và chọn Gò Thị làm nơi cư trú.
Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 29
  • Hôm nay: 4683
  • Tháng hiện tại: 116839
  • Tổng lượt truy cập: 12261099