Trang mới   https://gpquinhon.org

Địa sở Đồng Dài

Đăng lúc: Thứ hai - 07/11/2016 21:04


Nền Nhà thờ Đồng Dài
Hiện nay một giáo dân làm vườn trồng tiêu
(ảnh: Cha Giuse Võ Tuấn)





ĐỊA SỞ ĐỒNG DÀI
452 giáo dân

 
Trích dịch
« Compte-rendu et état de la mission » de Septembre 1940 à Septembre 1941,
Imprimerie de Quinhon, 1941, tr. 19-21

Sở chính: Đồng Dài 253 giáo dân

Các sở nhánh:
Truông Ổi: 97
Xuân Phong: 65
Long Quan: 37 (Long Quơn)
 
Từ Thác Đá đi Đồng Dài, ta đi qua cầu Lại Giang và đi khoảng vài trăm mét là gặp đường An Lão hướng về phía tây. Đồng Dài chỉ cách đấy khoảng mười cây số.

Ba cây số trước khi đến nơi, chúng ta thấy một mái tranh nhỏ cắm cây thánh giá gỗ ở trên đỉnh, lưng dựa vào ngọn đồi đầy cây cối. Đó là Long Quan (Long Quơn). Chân phước Gagelin[1] của chúng ta đã được che giấu trong sở họ nhỏ bé này, khi ngài đi đến quyết định nộp mình cho quan tri phủ Bồng Sơn để rồi bị giải giao ra Huế.

Chúng ta đang ở bên tả ngạn sông An Lão, chảy từ bắc xuống nam, rồi từ trên Phúc Bình chảy vòng qua núi hướng về phía tây, đổ vào sông Kim Sơn, thượng nguồn Lại Giang. Chính nơi dòng sông đổi hướng, đó là Đồng Dài : những cánh đồng được tưới tiêu bằng các guồng xe nước lớn, vùng đất được bồi đắp phù sa hằng năm nhờ những cơn lũ, những vườn cau, chuối, dừa xanh mướt : miền đất trù phú nhưng rủi thay khí hậu không được tốt vì ở gần bên núi cao.

Vào năm 1885, địa sở Đồng Dài có khoảng 1.226 giáo dân, riêng sở chính có 680 giáo dân ; Long Quan có 154 giáo dân và Truông Ổi 132 giáo dân. Xuân Phong chỉ được thành lập vào năm 1900.

Những kẻ sát nhân không hề thương tiếc, họ dùng chó săn lùng sục các giáo dân lẫn trốn trên núi (trong cuộc bách hại 1885). Hai năm sau, những người sống sót trở về chỉ vào khoảng năm mươi người ; sở họ Bửu An : 300 giáo dân đã biến mất hoàn toàn, vị linh mục ở Đồng Dài đã bị thiêu sống trong nhà thờ Thác Đá, cùng với cha sở của mình là cha Barrat.

Từ năm 1890, rất nhiều người trở lại như các vùng khác ở Bồng Sơn vào thời ấy. Vào năm 1906, Đồng Dài có không ít hơn 2.000 giáo dân trong 24 sở họ, một số sở họ rất quan trọng như Phúc Bình (Phước Bình), Cẩm Đức, ngoài Đồng Dài ra. Khi so sánh con số giáo dân ngày ấy với ngày nay[2], ta có thể đoán được điều gì xảy ra trong thảm họa năm 1906 và 1908 : trong tất cả các sở họ mới, chỉ có một sở họ cách Đồng Dài 15 cây số, gần đồn lính ở An Lão, là họ Xuân Phong là vẫn còn trung thành, nhờ một chú giúp cho cha Guerlach đã trở về quê hương bổn quán của mình.

Từ lâu, Đồng Dài phải chịu cảnh kế cận với huyện phủ Hoài Ân, nằm ngay cổng sở họ. Cách đây vài năm, trụ sở huyện này đã chuyển đi …

Nhà thờ Đồng Dài, mái tranh vách đất … đã cũ kỹ, hư hại nhiều trong trận bão năm 1932 và hơn một lần bị nước lũ dâng ngập, cần phải được sửa chữa lại ; Cha Quyển bảo quản tốt nhà thờ trong khi chờ đợi xây dựng mới đẹp hơn, thích hợp và đủ rộng. Nhà xứ có cấu trúc chắc chắn, nhưng rất nhỏ, thấp, nằm trên nền đất cao ; ít ra là tránh được  những cơn lũ lụt đôi khi rất dữ ở Đồng Dài.

So với các địa sở khác ở Bồng Sơn, Đồng Dài dường như phải chiến đấu với cái nghèo : thật sự địa sở chỉ có vài mảnh ruộng mà rồi phải mất một món tiền thuế cũng kha khá,  nhưng những mảnh ruộng này hầu như được tưới tiêu bằng các guồng xe nước ; mà các guồng xe nước ở Đồng Dài thì rất đắt đỏ vì độ cao của con đập, chi phí cho khoản này chiếm một phần ba thu hoạch của vụ mùa.

Địa sở nhỏ bé này mà mọi sự dường như đã ngủ yên từ năm 1906, nay cần phải có thêm vài nguồn lực nữa, một ngôi trường, một thầy giảng, và một đời sống kitô hữu năng động hơn nơi các giáo dân, cùng với lòng nhiệt thành trong công cuộc hoán cải lương dân, đặc biệt là nơi các giáo dân kỳ cựu đứng đầu các địa sở Đồng Dài và Truông Ổi.

Cũng ước mong cho các sở họ, nhất là sở chính có cha sở Đồng Dài đi tiên phong, đưa thêm không khí và ánh sáng vào các khu vườn dân cư bằng cách hy sinh một phần cây cối, những cây cau, dừa và nhất là cây chuối đã làm cho nơi cư trú nên độc hại. Các địa sở sẽ thực hiện được những mục tiêu này trong tương lai.
 
Chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
 

[1] Cha Francois Gagelin Kính (1799-1833), linh mục tử đạo Giáo phận Qui Nhơn, được mừng kính vào ngày 17 tháng Mười. Khi đang giữ chức vụ Tổng đại diện Đàng Trong (tiền thân Giáo phận Qui Nhơn) và trên hành trình ban bí tích thêm sức tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên thì có chỉ dụ bắt đạo của vua Minh Mạng năm 1833. Sau khi trốn tránh nhiều nơi, ngài được giáo dân che giấu tại Long Quan một thời gian ngắn nhưng  vì để khỏi liên lụy đến các giáo dân trong vùng nên đã quyết định nộp mình cho quan tri phủ Bồng Sơn. Một vài chi tiết về thời gian cuối cùng của ngài trong cuốn Vie de L’abbé Gagelin, Missionnaire en Cochinchine, Outhenin-Chalandre Fils Éditeur, Besançon, 1836.
- Trong chỉ dụ bắt đạo ngày 6 tháng Giêng 1833 có điều khoản : « Hãy bắt các đạo trưởng, dùng mưu hơn dùng sức mạnh, phải lập tức gởi họ về kinh đô, lấy cớ là có lệnh về đó để dịch thuật » (sđd. tr. 208).  Điều này giải thích tại sao cha Gagelin được đưa về Huế (sđd. tr. 209).
- Cha Gagelin nộp mình cho quan tri phủ Bồng Sơn, nghĩ rằng mình có cơ hội tiếp xúc và giải thích với chính quyền hòng tránh mọi nguy hiểm. Nhưng ông quan này muốn lấy điểm với quan tỉnh nên báo cáo rằng chính mình bắt được chứ không phải cha Gagelin tự nộp mình (sđd. tr. 211).
- Có hai đệ tử và một người mang hành lý bị các quan Qui Nhơn giải ra Huế cùng với cha Gagelin, những người này bị mang gông còn cha Gagelin thì không. Nhưng trên đường đi, đến Quảng Nam, các đệ tử trốn mất, do đó, cha Gagelin bị mang gông cho đến Huế và cho đến khi chết (sđd. tr. 212).
- Những lời nói cuối cùng của cha Gagelin bằng tiếng Việt được ghi lại nguyên văn. Buổi sáng ngày hành quyết, khi quân lính vào ngục để đưa cha ra ngoài, cha hỏi : «Đem tao đi chém làm sao ? » (Me conduisez-vous pour me trancher la tête ?). Lính trả lời : « ừ ! ». Cha Gagelin nói : « Tao không sợ nghe » (Apprends que je ne crains pas) - (sđd. trang 228).
(Các chú thích của người dịch)
[2] Năm 1941
 


Nền nhà thờ Long Quan
Hiện nay là Hợp tác xã nông nghiệp Ân Mỹ




Nền nhà xứ Đồng Dài
Hiện nay một giáo dân xây nhà lên trên nền cũ
(ảnh: Cha Giuse Võ Tuấn)

 
 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 47
  • Khách viếng thăm: 38
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 2314
  • Tháng hiện tại: 110521
  • Tổng lượt truy cập: 12254781