Trang mới   https://gpquinhon.org

Địa sở Gia Chiểu

Đăng lúc: Thứ năm - 09/02/2017 17:32


Nhà thờ Gia Chiểu cũ (ảnh chụp năm 1967)
Vị trí này hiện nay là Nhà Văn Hóa huyện Hoài Ân

 
 
ĐỊA SỞ GIA CHIỂU
603 giáo dân
 
Trích dịch
« Compte-rendu et état de la mission » de Septembre 1940 à Septembre 1941,
Imprimerie de Quinhon, 1941, tr. 21-23



Địa sở chính: Gia Chiểu 292 giáo dân

Các họ nhánh:
Đồng Hâu 216 giáo dân
Gò Dê 95 giáo dân
 
Đi bộ bằng con đường ngắn nhất, nghĩa là qua đường Truông Ổi và Gia Trị, chúng ta sẽ đi từ Đồng Dài đến Gia Chiểu không đầy một tiếng rưỡi đồng hồ, đi qua sông An Lão ở bến Đồng Dài và qua sông Kim Sơn ở bến An Thường, gần huyện mới. Nếu đi bằng ôtô, chúng ta quay trở xuống Bồng Sơn, qua cầu Lại Giang và đi khoảng một cây số nữa rồi theo đường lên Kim Sơn ở phía hữu ngạn con sông. Gia chiểu cách đó 8 cây số, bên vệ đường. Chúng ta đi vào ranh giới của địa sở mới chỉ sau khi ngang qua sở họ nhỏ Lại Khánh với ngôi nhà nguyện đơn sơ nằm bên trái, giữa đám dừa.

Trong địa sở Gia Chiểu, có hai miền đất khác biệt nhau: vùng đồi trọc, bị chia cắt nhiều bởi những mảnh ruộng cằn cỗi và nhất là những vườn dừa, vườn mít … miền đất khí trong lành, dân cư đông đúc, nghèo, và cần cù; miền đất khác là Đồng Hâu, Gò Dê, cách 6 cây số về hướng Tây, núi cao: vùng đất truông nơi bệnh sốt hoành hành.

Đồng Hâu và Gò Dê là hai sở rất lâu đời. Trước năm 1885, mỗi sở họ có 400 giáo dân mà chỉ có 38 người ở Đồng Hâu và 17 người ở Gò Dê sống sót sau cuộc thảm sát (1885). Trong số các nạn nhân, ở Đồng Hâu có thầy Đoan, chủng sinh chủng viện Nước Nhỉ, và người em của thầy là nữ tu Kỷ ở phước viện Thác Đá, họ là anh và chị của các cha Chân và Thiềng. Thầy Đoan bị các đao phủ chặt đầu, moi gan ăn; chị Kỷ bị ném xuống giếng ở làng Vĩnh Hòa, nơi phước viện Thác Đá có một số ruộng.

Sau cuộc thảm sát, từ năm 1889-90, không chỉ có đông người mới trở lại ở hai sở họ cũ là Đồng Hâu và Gò Dê, mà các họ mới cũng được thành lập ở Vĩnh Hòa và Hà Đông, trên bờ sông; ở Tân Thành và Diêu Trường, không xa Đồng Hâu và Gò Dê; ở Long Giang và Lộc Giang, trên con đường mà trước khi có đường xe lửa và đường ôtô người ta phải đi qua đó để đi từ Gò Đông đến Đồng Hâu và Đồng Quả mà không phải đi qua ngõ Thác Đá. Tất cả có hơn một ngàn giáo dân; Đồng Hâu trở thành nơi ở của linh mục, trụ sở chính của địa sở vẫn luôn ở Đồng Quả.

Chính vào thời điểm rất đông đúc người trở lại này mà từ Thác Đá đã thành lập ra các sở họ Gia Chiểu, Linh Chiểu, An Chiểu, Đức Long, An Thoại, An Đông, có khoảng gần 2.000 giáo dân ở đây vào năm 1906. Có một linh mục ở Gia Chiểu; Cha Charles Vallet và cha Nho đã xây dựng ở đây một trong những ngôi nhà thờ đẹp nhất địa phận.

Những năm 1906 và 1908 đi qua các sở mới thành lập này như một cơn lũ quét. Ở miền Đồng Hâu, chỉ có các sở họ kỳ cựu như Đồng Hâu và Gò Dê là còn tương đối vô sự; ở miền Gia Chiểu, chỉ có Gia Chiểu là còn đứng vững mặc dù gặp không ít khó khăn. Tất cả các sở họ khác đều bị tổn thất, chỉ trừ đây đó một hai gia đình còn gắn bó với các sở trung tâm Gia Chiểu và Đồng Hâu.

Từ đó, Gia Chiểu được tách ra khỏi Thác Đá và giao cho vị linh mục ở Đồng Hâu, và chính vị này phụ thuộc vào cha sở Đồng Quả; ngôi nhà thờ đẹp ở Gia Chiểu được chuyển về Đồng Quả, trở thành nhà thờ chính của địa sở, và Gia Chiểu được thay thế bằng một ngôi nhà nguyện đơn sơ hơn.

Vào năm 1939 thì Đồng Hâu và Gia Chiểu được tách khỏi Đồng Quả để thành lập một địa sở tự trị. Các xứ ở Gia Chiểu thì khí hậu trong lành hơn nhiều, và sự hiện diện của một linh mục ở đây thì có ích hơn cho giáo dân miền này cũng như cho các sở họ kỳ cựu Đồng Hâu, Gò Dê; sở họ Gia Chiểu được chỉ định làm nơi ở của cha Tư, cha sở tiên khởi của địa sở mới được thành lập.

Chắc hẳn rằng nhà xứ Gia chiểu không phải là một cung điện và nhà thờ cũng không phải là nhà thờ chính tòa rộng lớn, nhưng tất cả đều ổn thỏa và đủ cho lúc này, thêm vào đó, trụ sở này có một trong những khuôn viên đẹp nhất. Lại nữa, địa sở mới này có nhiều nguồn lợi cho phép phát triển khi thuận thời. Điều cấp bách phải bắt đầu ngay là phải làm tăng trưởng và tô điểm cho ngôi nhà thờ tinh thần, bằng cách mở một ngôi trường, nuôi một thầy giảng đến dạy, và nỗ lực đưa những người bội giáo trở về cũng như thiết lập các sở họ mới. Tôi tin tưởng rằng sẽ có một ngày sự kiên vững của Gia Chiểu giữa các sở họ bội giáo sẽ được đền đáp.

 


Nhà thờ Gia Chiểu mới ở một vị trí khác với nhà thờ cũ
(Ảnh do cha Jos. Võ Tuấn cung cấp)



 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Từ khóa:

gia chiểu, lịch sử

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 30
  • Hôm nay: 9300
  • Tháng hiện tại: 84034
  • Tổng lượt truy cập: 12060821