Trang mới   https://gpquinhon.org

Tình hình giáo phận Qui Nhơn năm 1965

Đăng lúc: Thứ sáu - 26/08/2016 05:36


Tình hình Giáo phận Qui Nhơn năm 1965
(Trích Bản Thông Tin Địa Phận Qui Nhơn, số 46, tháng 12 năm 1965, tr. 79-80)
 
Trong một năm qua, hầu hết các địa sở trong địa phận đều nằm trong tình trạng mất an ninh. Giáo dân hầu hết đã tỵ nạn về các thị xã và quận lỵ.

Tỉnh Phú Yên: có tất cả 8 địa sở. Xuân Lộc, Tịnh Sơn, Hoa Châu đã bỏ từ lâu. Gần đây lại phải bỏ Mằng Lăng và Đông Mỹ. Hiện thời chỉ còn Tuy Hòa, Đồng Tre và Sông Cầu.

Tỉnh Quảng Ngãi trước đây có 13 địa sở. Từ đầu năm 1965, ta đã phải bỏ 3 địa sở: Bầu Gốc, Cù Và và Bình Đông, và cuối tháng năm 1965, lại phải bỏ bảy địa sở: Phú Vang, Kỳ Tân, Trung Tín, Châu Me, Tân Lộc, Thu Xà và Trà Câu. Ba địa sở xưa nay vẫn được an ninh là Quảng Ngãi, Phú Hòa và Châu Ổ. Hiện thời an ninh đã vãn hồi trong địa sở: Thu Xà, Kỳ Tân và Châu Me, linh mục có thể về sở làm lễ. Còn Phú Vang và Bầu Gốc, cha sở có thể về làm lễ tại các địa điểm gần quốc lộ, thuộc phần đất của địa sở.

Tỉnh Bình Định có tất cả 27 địa sở, hiện thời có 15 địa sở linh mục không thể ở hoặc về làm lễ là: Gia Hựu, Đồng Dài, Đồng Quả, Gia Chiểu, Nước Nhỉ, Nhà Đá, Mỹ Chánh, Mỹ Thạch, Sông Cạn, Đại An, Kiều Đông, Nam Bình, Lạc Điền, Hòa Bình, Gò Thị.

Hai địa sở linh mục về làm lễ song không ở luôn được là Vườn Vông và Tân Dinh.
Hội Đức đã bỏ lâu song linh mục ở tại Bồng Sơn (thuộc địa sở Hội Đức).

Chín địa sở xưa nay không phải bỏ là Qui Nhơn, Hòa Ninh, Tuy Hòa, Nam Thạnh, Công Chánh, Kim Châu, Phú Phong, Trường Cửu, Đại Bình.
Hiện thời có mấy địa điểm trước không có, nay có linh mục ở thường xuyên: Phù Mỹ (trung tâm tỵ nạn), Phù Cát (trung tâm tỵ nạn), Phú Huề, Khu Sáu, Gành Ráng và Xuân Quang.

Tổng kết toàn địa phận: trước đây có 48 địa sở song ngày nay chỉ còn 21 địa sở có linh mục ở thường xuyên hoặc ít nhất có linh mục về làm lễ tại nhà thờ họ chính.

Trong lúc (…)[1] chiếm thôn ấp, giáo dân một số đi tỵ nạn, một số ở lại địa phương. Hầu hết người giáo hữu đạo dòng bỏ nhà cửa, ruộng vườn về miền có an ninh để yên ổn giữ đạo. Giáo dân tân tòng hầu hết ở lại địa phương vì ít tha thiết đến việc giữ đạo, hoặc vì ở xa họ chính, thành ra trong lúc giáo dân địa sở chạy loạn, họ không theo được.

Giáo dân ở lại địa phương, người đạo dòng thì vẫn giữ đức tin, sốt sắng tổ chức việc thờ phượng công cộng tùy hoàn cảnh cho phép. Mặc dầu không có linh mục, người tân tòng thì không dám giữ đạo.

Giáo dân tỵ nạn về các thị xã, trị trấn chịu ảnh hưởng đời sống thành thị rất nhiều, ảnh hưởng tốt cũng có, mà ảnh hưởng xấu có khi nhiều hơn. Đặc biệt một vài nơi, các cha nhận thấy giáo dân tỵ nạn xem ra đạo đức hơn khi trước, vì họ được xem lễ, rước lễ hằng ngày.

Giờ đây, nếu chúng ta nhìn sang địa hạt truyền giáo, ta phải ghi nhận rằng trong toàn địa phận từ 1963, nhất là từ hè 1964 với phong trào “nhân dân cứu quốc”, số người xin tòng giáo gần như không có; nếu có cũng chỉ để giải quyết vấn đề hôn  nhân. Tuy nhiên, cũng có một vài biệt lệ, ví dụ: địa sở Châu Me, từ năm 1963 đến nay, chẳng những không mất tân tòng mà còn rửa tội thêm được 1.000 người và tại Châu Ổ đã rửa tội thêm 100 người và còn một số dự tòng.

Về công tình truyền giáo trong 10 năm qua chúng ta đã thâu cả lúa chắc và lúa lép, thời cuộc và hoàn cảnh đã sàng sảy cho chúng ta. Kiểm điểm lại giáo dân tân tòng từ 1955 đến nay, ta được biết có nơi chỉ mất độ 15% thường là nơi trước đây phong trào tòng giáo yếu ớt, có nơi mất tới 85% thường là những nơi phong trào tòng giáo mạnh. Tổng kết cho toàn địa phận: số người cố tình bỏ đạo phỏng 30%, số người vì sợ mà không dám giữ đạo phỏng 40%, số người hiện còn giữ đạo phỏng 30%. Ta hy vọng khi mưa tạnh trời quang, thanh bình trở lại trên đất nước, 40% lưng chừng kia sẽ trở về với Chúa, sẽ thấm nhuần đức tin, mà số thực thụ của mùa truyền giáo 1955-1965 không phải chỉ 30% song là 70%.
 
 

[1] Vì nhạy cảm, chúng tôi xin lược bỏ hai từ! (BBTWQN)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 1343
  • Tháng hiện tại: 157150
  • Tổng lượt truy cập: 12133937