Trang mới   https://gpquinhon.org

Cậy trông phó thác là nhân đức của người lữ hành

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/10/2016 06:53



Cậy trông phó thác là nhân đức của người lữ hành
trong cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót


 

Lm. Gioakim Bùi Tấn Lộc
 
Vào chiều thứ bảy 11.4.2015, Tông sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô ấn định Năm Thánh ngoại thường về lòng thương xót của Chúa đã được công bố tại Đền thờ Thánh Phêrô. Năm Thánh này bắt đầu từ ngày 8.12.2015 và kết thúc vào ngày 20.11.2016, lễ Chúa Kitô Vua. Thế là chúng ta đang sống trong những ngày tháng cuối cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót và cũng gần cuối năm Phụng vụ 2015-2016, là những ngày mà Giáo hội mời gọi chúng ta sống tâm tình cậy trông phó thác. Cậy trông phó thác vì chúng ta không biết trước được ngày giờ của Chúa. Cậy trông phó thác vì chúng ta tin rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền định đoạt trên cuộc đời của chúng ta. Và cậy trông vào “Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta.” (Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 2)

1. Tâm tình cậy trông phó thác là rất cần thiết cho bất cứ Kitô hữu nào.

Có thể nói đó là tâm tình đem lại sự bình an và hy vọng cho chúng ta. Cậy trông phó thác không phải là phó mặc, mà phó thác đòi hỏi chúng ta không được phép đặt mình vào tình trạng chờ đợi một cách ù lì, làm biếng. Nói cách khác, cậy trông phó thác là thái độ luôn có sự cộng tác của chúng ta trước mọi sự việc xảy ra hằng ngày mà Thiên Chúa gởi đến. Hay đơn giản hơn, đó là sự cố gắng hết mình của chúng ta trong việc hoàn thành công việc, mặc dù chẳng biết trước kết quả sẽ như thế nào, với tấm lòng hướng về Thiên Chúa và vâng theo ý Ngài. Đây là một đòi hỏi khó khăn, nhưng như vậy mới đúng nghĩa là phó thác.

Vậy tại sao cậy trông phó thác là nhân đức của người lữ hành trong cuộc hành hương Năm Thánh Lòng Thương Xót và sống tâm tình này? Vì đứng trước những biến cố xảy ra xung quanh chúng ta như thiên tai, chiến tranh, sự xuất hiện nhiều tiên tri giả, nhiều giáo phái,… Liệu chúng ta có thể chịu đựng hay đứng vững được không? Chỉ có một tâm tình xứng hợp cho chúng ta lúc này chính là phó thác. Hãy cố gắng vun đắp màu xanh cho thiên nhiên bằng tất cả nổ lực của mình, để giảm đi những thiên tai xảy ra, mà nguyên nhân xuất phát từ những sự trục lợi cá nhân hay sự vô tâm của chính con người. Hãy kiến tạo hòa bình từ những mối quan hệ nhỏ nhất nơi gia đình, nơi các thành phần trong giáo xứ,… để nền hòa bình được lan tỏa rộng hơn trên toàn thế giới. Hãy chuyên tâm lắng nghe lời Chúa và những gì Giáo hội dạy, để tâm trí chúng ta không bị mê muội trước những kẻ giả hình. Hãy đặt trọn niềm tin duy nhất vào Thiên Chúa là Đấng sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi tai ương, hiểm nghèo. Và trên hết mọi sự, chúng ta hãy cố gắng thực thi tất cả những điều ấy trong tâm tình của một người con hoàn toàn vâng phục theo Thánh Ý. Có như thế, chúng ta mới thực sự bình an và vui mừng.

Thật vậy, Trông cậy phó thác là một nhân đức Kitô giáo. Mỗi người chúng ta đều có nhân đức ấy, vì nó là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban tặng. Nhân đức cậy trông phó thác giúp chúng ta nhìn ra xa; nhìn vượt lên trên những khó khăn, những vấn nạn, những đau khổ và thách đố; và nhìn vượt lên trên tội lỗi của chúng ta. Chính niềm trông cậy giúp chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa. Và trong bài giảng thánh lễ sáng thứ hai, ngày 14.12.2015, tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ :

“Một người có lòng cậy trông sẽ được mạnh sức để đối diện với những khoảnh khắc tồi tệ của cuộc sống : khi ốm đau, bệnh tật; khi vất vả lo lắng cho con cái hoặc một người thân trong gia đình. Với nhân đức Cậy, dù giữa những khổ đau, người ta luôn có được đôi mắt sắc bén, luôn có tự do để nhìn vượt lên trên thực tại để chạm tới niềm hy vọng. Đây chính là lời tiên tri mà hôm nay Giáo hội nhắn gởi chúng ta : Giáo hội muốn chúng ta là những người biết cậy trông, nhất là trong những khó khăn, thách đố của cuộc sống. Lòng trông cậy mở ra những khung trời tự do chứ không phải gông cùm nô lệ. Nhân đức cậy luôn có chỗ để sắp xếp và xử lý mọi trạng huống trong cuộc sống”.

2. Tâm tình phó thác giúp cho chúng ta càng thêm vững lòng trông cậy Thiên Chúa.

Khi đã phó thác, chúng ta ý thức thân phận mỏng dòn và yếu đuối của mình, cần lắm ơn riêng của Thiên Chúa. Thế nên, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng trông cậy vào Đấng mà chỉ có mình Ngài mới ban ơn cho chúng ta mà thôi. Có nhiều người cho rằng : trông cậy thường đưa đến tình trạng mất thăng bằng, nghĩa là khi con người trông cậy, thì con người không còn khả năng tự mình đứng vững nữa. Hiểu như thế thật lệch lạc! Nên nhớ rằng, con người chúng ta không thể tự mình giải quyết được việc gì nếu không có sự can thiệp của Thiên Chúa; mặt khác, ngay cả khi chúng ta có đủ khả năng để giải quyết, mà Chúa đã không muốn thì nó cũng chẳng thể thành công được “mưu sự tại nhân mà thành sự tại Thiên”. Do đó, trông cậy là tâm tình rất cần thiết cho mỗi chúng ta. Dù ngay bây giờ, chúng ta đang nghe thấy với tình trạng khủng bố trên toàn thế giới, chúng ta cũng không ngã lòng trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chắc hẳn, Thiên Chúa có cách để ra tay cứu vớt những ai hằng trông cậy Ngài. Quả vậy, cậy trông làm cho chúng ta tin tưởng và xác tín rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và làm cho chúng ta hướng sự ao ước của mình đến những điều mà Cha chúng ta trên trời đã hứa ban cho con cái. Niềm hy vọng này ăn sâu vào đức tin. “Đó là Chúa Kitô đang ở giữa anh em.” (1 Cr 1, 27).

Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Đức Thánh Phanxicô đã chỉ cho chúng ta có hai con đường mở ra phía trước : “Con đường thứ nhất dành cho những ai trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa và biết rằng Thiên Chúa là Cha luôn tha thứ, tha thứ tất cả. Đằng sau sa mạc khô cằn của tội lỗi là cái ôm nồng thắm và sự thứ tha của Thiên Chúa đang đón chờ. Con đường thứ hai dành cho những người đi tìm nơi trú ẩn trong kiếp sống nô lệ của sự cứng lòng và chẳng biết gì về lòng thương xót của Thiên Chúa”.

3. Cậy trông phó thác là nhân đức của người lữ hành!

Chúng ta đừng bao giờ cho phép sự chán nản, buông xuôi đè bẹp tâm hồn chúng ta. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Ắt hẳn, Ngài không bao giờ xua đuổi những ai đang nấp dưới bóng cánh Ngài. Và cuộc đời lữ hành của mỗi chúng ta là cuộc hành trình sống đức tin. Cuộc đời của mỗi chúng ta đi về phía trước và không biết khi nào mới dừng lại. Cuộc sống của chúng ta luôn có Chúa đồng hành nâng đỡ mỗi ngày, sự quan phòng của Chúa là niềm cậy trông hy vọng vào cuộc sống mai sau của mỗi chúng ta. Đi cùng với Chúa chúng ta thấy mình được bao bọc che chở, yêu thương mỗi khi chúng ta vấp phạm sai lầm. Đức tin của chúng ta vào Chúa là một niềm xác quyết hết sức quan trọng và ý nghĩa nên trong Kinh Thánh, ông Ápraham sống nhờ đức tin, ông đã ra đi vâng theo tiếng Chúa đến một nơi xa xôi để lập nghiệp. Khi đó chúng ta thấy nơi chúng ta một con đường dài phía trước của đời mình bước đi trong niềm tin tưởng để được gia nghiệp đời đời là chính Chúa.

Trong lịch sử cứu độ, hành trình đức tin của mỗi người đều có những lúc chao đảo nhưng chỉ những ai biết cậy dựa vào ơn Chúa mới vượt qua được tất cả. Chúng ta nhìn lên Mẹ Maria để chúng ta sống trông cậy phó thác, chúng ta thấy Mẹ Maria đã từ bỏ chương trình riêng của mình trong nếp sống bình dị, để đi vào chương trình của Thiên Chúa trong một tương lai đầy những bấp bênh và trắc trở, nhưng Mẹ đã hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa. Vì thế, cậy trông vào Lòng Thương Xót Chúa và qua lời bầu cử của Mẹ Maria chúng ta hãy cậy trông phó thác vào Chúa :

Mỗi ngày, tôi sẽ bắt đầu bằng lời cầu nguyện “hôm nay là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118, 24). Mỗi ngày, tôi sẽ nói : “tôi làm được mọi sự với Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13). Mỗi ngày, tôi sẽ không còn lo lắng, vì “Chúa của tôi sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4, 19). Mỗi ngày, tôi sẽ không còn khiếp sợ, vì “Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 27, 1). Mỗi ngày, tôi sẽ không còn lo thất bại, vì “Chúa hằng cho chúng tôi tham dự cuộc khải hoàn trong Đức Kitô” (2  Cr 2, 14). Mỗi ngày, tôi sẽ không còn lo âu, nản chí, vì “mọi âu lo, hãy trút cả cho Chúa, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5, 7).

Mỗi ngày, tôi sẽ không còn phiền muộn, vì “lòng thương xót của Chúa mãi không vơi. Sáng nào Người cũng ban ân huệ mới. Lòng trung tín của Người cao cả biết bao!” (Cv 3, 22-23). Mỗi ngày, tôi sẽ không còn cô đơn, vì Chúa Giêsu đã nói “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28, 20). Mỗi ngày, tôi sẽ không để những gánh nặng của cuộc đời làm phiền lòng tôi, vì Chúa Giêsu đã nói “trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33b). Mỗi ngày, tôi sẽ không còn cảm thấy thất bại, vì “trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8, 37). Xin Chúa nhìn đến chúng con những Linh mục của Chúa, là những kẻ đặt trọn niềm phó thác và cậy trông nơi Ngài. Xin cho chúng con được nhìn thấy ánh sáng cứu độ của Ngài đang lan tỏa trên thế gian đầy tối tăm này mà vững bước đi trọn con đường Chúa đã mời gọi.

Lm. Gioakim Bùi Tấn Lộc
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Hôm nay: 1184
  • Tháng hiện tại: 156991
  • Tổng lượt truy cập: 12133778