Trang mới   https://gpquinhon.org

Khơi nguồn lòng thương xót

Đăng lúc: Thứ bảy - 31/12/2016 19:12


KHƠI NGUỒN LÒNG THƯƠNG XÓT
 
Mầu nhiệm Giáng Sinh
là mầu nhiệm của Lòng Thương Xót;
đặc biệt qua Lòng Thương Xót,
Thiên Chúa cho Vầng Đông từ trên cao
là Ánh Sáng của Đức Giêsu chiếu soi đến mọi ngõ ngách, mọi tâm hồn đang lạnh giá
hoặc đang đau khổ, phiền muộn
                 để sưởi ấm và đưa họ về với con đường bình an.


 
      Nt. Mary Nguyễn Hòa – MTG Quy Nhơn

Dẫn nhập

  Năm Thánh Lòng Thương Xót đã khép lại nhưng không có nghĩa là Lòng Thương Xót cũng khép lại! Lòng Thương Xót phải được mở ra bằng những hành động cụ thể: bác ái, yêu thương, tha thứ…, để một cách nào đó diễn tả tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa trải dài trong lịch sử nhân loại, thế giới và trên cuộc đời của mỗi người. Trong lăng kính của Tình Yêu, chúng ta không khỏi xúc động khi chiêm ngắm một Tình Yêu trao tặng bản thân mình qua Mầu Nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Đó là Tình Yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, được khơi nguồn qua Mầu nhiệm Nhập Thể và hoàn tất qua Mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa Giêsu.

Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là Tình yêu Chúa không xuất phát bởi “ngẫu hứng”, muốn thì làm, không muốn thì thôi nhưng là sáng kiến độc đáo của Thiên Chúa, được hoạch định và chuẩn bị công phu. Việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người không chỉ là kế hoạch khôn ngoan để giải thoát con người khỏi tội lỗi mà còn là cách thế tốt nhất Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho con người. Thiên Chúa có nhất thiết phải chuẩn bị một chương trình xem ra lãng phí không? Chắc chắc là không, mọi sự đều nằm trong kế hoạch yêu thương từ ngàn đời mà chỉ có Ngài mới hiểu được. Thiết tưởng, là người thụ ơn, mỗi người cần có thái độ sống thế nào cho xứng đáng với tình thương cao cả này và cũng biết dấn thân cách quảng đại cho việc loan truyền và sống tình yêu thương với mọi người xung quanh, đặc biệt với những người chị em, anh em đang sống chung lý tưởng, chung đời ơn gọi thánh hiến như chúng ta.
 
  1. Mầu Nhiệm Nhập Thể, khởi điểm công cuộc cứu độ
Nói đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, chúng ta liên tưởng đến biến cố Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã từ bỏ cõi trời xuống thế với thân phận làm người, gần gũi với con người và vì con người. Con trẻ nằm trong máng cỏ là ai nếu chẳng phải là Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa không còn nghĩ gì đến hạnh phúc cá nhân mình, sẵn sàng đem tình yêu của mình trao cho nhân loại mà không mong được đáp đền cho cân xứng, thậm chí dám chết vì nhân loại để kéo họ lên từ vũng bùn tội lỗi. Một Thiên Chúa làm người để con người được trở nên Thiên Chúa. Lòng Thương Xót Thiên Chúa biểu lộ tình yêu “tự hủy” của Tình Yêu Ba Ngôi ngay trong chính Mầu Nhiệm Nhập Thể, khởi điểm của công cuộc cứu độ mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong Bài Huấn đức Thứ Tư ngày 9/12/2015 đã viết : “Lòng Thương Xót Nhập Thể, khiến cho con mắt của chúng ta trông thấy mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa”.
Bản chất của Thiên Chúa là Tình Yêu, mà nói đến Tình Yêu sẽ không dựa trên giới hạn hay tiêu chuẩn đo lường theo kiểu con người, cũng không thể hành xử theo cảm tính hay kiểu trao đổi đầy tính thực dụng “có qua có lại”. Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người vì Ngài cảm thấy có trách nhiệm đối với nhân loại này, một thế giới mà Ngài đã dựng nên chỉ vì muốn muôn vật được tiến triển và con người hưởng cuộc sống tràn đầy hạnh phúc.
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi chúng ta. Thiên Chúa đi vào mối liên hệ có dính dáng đến lịch sử của nhân loại ngay khi sáng tạo con người, đặc biệt hứa ban cho dòng dõi của họ “đông đúc như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển”, (x St 22, 17), là Ngài chấp nhận đánh cược đi vào lịch sử thăng trầm của hành trình dấn thân, hành trình nhập thế với biết bao cảm nghiệm, thử thách, khó khăn của đời sống con người. Khi cho đi chính Người Con yêu dấu là Thiên Chúa muốn mang cùng nhịp đập, cùng vận mệnh của con người, Ngài mang lấy cả những yếu hèn, tội lỗi, những giới hạn và bất toàn nơi con người để đưa con người đến con đường tuyệt đối trong trao tặng và lãnh nhận.

Ngôi Lời Nhập Thể là tặng phẩm cao quý nhất của Tình Yêu và Lòng Thương Xót Thiên Chúa

Nói đến Ngôi Lời Nhập Thể khiến chúng ta liên tưởng đến việc mừng biến cố Con Thiên Chúa Giáng Sinh, một biến cố trọng đại và ý nghĩa không những cho những người tin vào Thiên Chúa mà còn cả những người không tin và chưa tin. Phải nói rằng, trong dịp Giáng Sinh, người ta có thể sưởi ấm tình thân bằng việc quây quần bên nhau chúc mừng Lễ Giáng Sinh, trao tặng cho nhau những món quà biểu lộ tấm lòng quí mến và quan tâm đến nhau. Một cách nào đó, hành động này bắt nguồn từ việc Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại một món quà vô giá là chính Người Con của Ngài “một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban cho ta” (x. Is 9,5). Hài Nhi nằm trong máng cỏ chính là Giêsu, quà tặng cao quý nhất Thiên Chúa dành cho nhân loại Lòng Thương Xót của Ngài. Đây quả là quà tặng mà nhân loại đang thực sự cần đến, nhất là khi thế giới đang quay cuồng trong chủ nghĩa khoái lạc và hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ, khi con người cậy dựa vào tiền bạc và của cải vật chất, tiến bộ của khoa học, công nghệ mà quay lưng, loại trừ sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và dễ dàng  chối bỏ cả tha nhân. Khi lòng nhân ái và bao dung, xót thương và tha thứ trong xã hội này như là cái gì xa xỉ và dư thừa thì quà tặng này đem lại ý nghĩa vô cùng quý giá.
Mầu nhiệm Giáng Sinh là mầu nhiệm của Lòng Thương Xót, đặc biệt qua Lòng Thương Xót, Thiên Chúa cho Vầng Đông từ trên cao là Ánh Sáng của Đức Giêsu chiếu soi đến mọi ngõ ngách, mọi tâm hồn đang lạnh giá hoặc đang đau khổ, phiền muộn để sưởi ấm và đưa họ về với con đường bình an “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao với viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an” (x. Lc 1, 78 - 79).
  Món quà vô giá này như là phương dược băng bó vết thương bị mưng mủ và chữa lành kịp thời bao vết thương tiềm ẩn thật tinh vi mà con người không muốn khám phá, tìm cách chữa trị tận căn. Do bởi bất tuân của gia đình nhân loại đầu tiên là Ađam và Eva, tội lỗi đã lan tràn khắp nơi, mối bất hòa xuất phát từ chính trong gia đình của những con người đầu tiên. Con người sẵn sàng khước từ và sát hại lẫn nhau, tình huynh đệ tương tàn kéo theo bao hệ lụy đổ vỡ chồng chất. Kể từ giờ ấy, tội lỗi càng lan tràn mặt đất. Sự bất tuân đã khiến cho các mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa, với chính mình và với vạn vật bị phá đổ, đánh mất ân sủng Thiên Chúa ban cho con người. Tuy vậy, dù cho con người có phạm tội và khước từ Thiên Chúa, nhưng Lòng Thương Xót ấy không bao giờ thua tội lỗi của con người. Không bao giờ Ngài không thương xót bởi đấy là bản tính của Ngài. Thiên Chúa vẫn yêu thương và một mực xót thương, Ngài hứa ban Đấng Cứu Thế đến để hòa giải và nối lại mối dây thân tình giữa Thiên Chúa và con người, đồng thời tái tạo con người trong nhân loại mới.
Thiên Chúa đã đến “cắm lều” ở giữa nhân loại để sống kiếp người, cảm thông thân phận yếu đuối, mỏng giòn của con người: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Muôn dân đang sống trong lầm than trong sự trông chờ Đấng Cứu Thế, thì này đây việc Đức Giêsu giáng trần đã khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ của ân sủng và bình an, thời kỳ khởi đầu của công cuộc cứu độ và đi dần đến thời kỳ của việc chữa lành, đưa con người trở về lại hình ảnh nguyên tuyền ban đầu. Đức Giêsu là Ngôi Lời vĩnh cửu, là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, là người Con Một do Chúa Cha sinh ra, được gửi xuống trần gian, đã nhập thể, để mạc khải Chúa Cha cho ta và ban cho ta ơn làm con của Chúa Cha.[1]
Khởi đầu Tông sắc “Dung nhan Lòng Thương xót”, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu lên vài trò quan trọng của Đức Giêsu diễn tả về Lòng Thương Xót của Chúa Cha. Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Mầu Nhiệm Đức Tin Kitô giáo xem ra được trình bày một cách chính xác trong câu nói ấy. Trong Chúa Giêsu thành Nazareth, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, và đạt tới đỉnh điểm. Chúa Cha, Đấng “giàu lòng nhân hậu” (Ep 2, 4), Đấng đã tự mạc khải mình cho Môsê như là “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” ( Xh 34, 6), đã không hề ngừng mạc khải bản tính Thiên Chúa của Ngài trong lịch sử bằng nhiều cách thế và qua các thời kỳ khác nhau. Nhưng khi “thời gian đến hồi viên mãn” (Gal 4, 4), theo đúng với nhiệm cục cứu độ của mình, Ngài sai Con Một của Ngài đến “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người” (Kinh Tin Kính), mạc khải cho con người biết về Tình Yêu Thiên Chúa bằng một cách thế mang tính chung cuộc. Ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha (xc. Ga 14,9). Chúa Giêsu thành Nazareth chính là Đấng mạc khải về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhờ vào những lời và những công việc của Ngài, và nhờ vào toàn bộ cuộc hiện sinh của Ngài.[2]
Qua mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, Thiên Chúa đã mạc khải lòng thương xót của Người “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” ( Ga 4, 16-17). Và Đấng Emmanuel, là một vị Thiên Chúa gần gũi, là sức mạnh, tình yêu và là ơn cứu độ của chúng ta. Một Thiên Chúa “nhập thể” và “nhập thế” không ồn ào, náo động nhưng bước vào cuộc đời con người trong thinh lặng thẳm sâu, thực hiện toàn vẹn lòng thương xót của Ngài để dành “trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1, 72).

Lòng Thương Xót Chúa tái tạo con người với địa vị làm con

Theo chương trình của Chúa Cha, tất cả loài người được tuyển chọn để làm con cái của Người nhờ Đức Kitô (Rm 8, 29; Ep 1, 4-5). Và chỉ qua sự Nhập Thể của  Ngôi Hai Thiên Chúa chương trình ấy mới có thể hoàn thành một cách viên mãn. Có thể nói, khi nhập thể, Ngôi Lời đã tái tạo loài người với địa vị làm con, quy hướng họ về với Chúa Cha trong tâm tình của người con thảo. Nhờ biến cố Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã biến đổi con người từ tình trạng không còn ơn nghĩa với Thiên Chúa trở lại làm con của Chúa.
Nếu Mầu nhiệm nhập thể không xảy ra, loài người chắc vẫn có thể có được một tâm tình hiếu thảo nào đó đối với Thiên Chúa, nhưng chắc chắn không được nâng lên để chia sẻ hữu thể đời đời của Chúa Con và sống tương quan thân ái với Chúa Cha. Con Thiên Chúa đã đặt để loài người vào địa vị làm con thực sự và đã dẫn đưa họ vào trong sự hiệp nhất với Chúa Cha.[3]
Thiên Chúa là Đấng toàn năng và trung tín, không những đã không bỏ rơi con người sau khi sa ngã, nhưng còn mời gọi họ tin tưởng Ngài sẽ đánh bại sự ác (x. St 3, 15) và con người được phục hồi phẩm giá. Chính Chúa Kitô Cứu Thế đã phục hồi phẩm giá con người cách hữu hiệu hơn cả phẩm giá lúc được sáng tạo (x. Lời nguyện Nhập lễ, Lễ Giáng Sinh, lễ ban ngày). Đây chính là cơ hội Thiên Chúa biểu lộ tình thương xót nhân từ không biết mỏi mệt của Ngài hầu đưa toàn thể nhân loại đạt tới cùng đích của mình là sự sống muôn đời. Khởi điểm từ Nhập Thể đến Tử Nạn và Phục Sinh, bởi đó Thánh Phaolô đã cắt nghĩa về Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người trong thư gởi tín hữu Philipphê:
Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây Thập tự (Pl 2, 6-8).

2. Một thế giới mà Tình Yêu và Lòng Thương Xót đang bị “lãng quên”

Thế giới chúng ta đang sống ngày nay vẫn chứng kiến bao thảm cảnh xảy ra, hận thù chồng chất, chiến tranh đẫm máu, bạo loạn và khủng bố liên tiếp diễn ra khắp nơi. Một thế giới mà phương tiện khoa học kỹ thuật và nhiều lĩnh vực công nghệ, y khoa, kinh tế, giáo dục phát triển vượt bậc nhưng đó đây vẫn còn nhiều người sống trong sự thiếu thốn tình thương, bình an, niềm vui, hạnh phúc. Một thế giới mà các giá trị nhân văn đang bị lạm dụng và xem thường đến mức đáng báo động. Ngày ngày chứng kiến đầy dẫy nạn li dị, phá thai, buôn người dưới nhiều hình thức, hôn nhân đồng tính, nô lệ tình dục, các tệ nạn xã hội… dường như làm đảo lộn các giá trị đạo đức và nhân văn. Khoảng cách giữa người với người đang dần dần xa thật xa. Thế giới của trào lưu duy vật chất và chủ nghĩa hưởng thụ, cá nhân chủ nghĩa và thái độ sống ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác đang lấn lướt tình tương thân tương ái và tinh thần đại đồng. Phải chăng tình yêu và Lòng Thương Xót đang dần dần bị “lãng quên”. Nếu một ngày nào đó không còn Tình Yêu và Lòng Thương Xót, liệu con người chúng ta sẽ phải đối diện với cuộc sống thế nào đây, quả thật là một vấn đề nan giải?

Chiến tranh, hận thù và chết chóc lan tràn vì thiếu tình thương và tha thứ

Sau hai cuộc đại chiến thế giới kết thúc, đa phần các nước đều sống trong nền hòa bình, nhân loại tưởng rằng mình sẽ mãi mãi được sống trong bình an thật sự. Thế nhưng, con người ta lại lao vào bao nhiêu cuộc chiến tinh vi hơn với những ý thức hệ trái ngược xung đột cùng với các loại vũ khí tối tân và nguy hiểm được chế tạo để đe dọa và đề phòng nhau: máy bay tiêm kích, tàu ngầm hạt nhân, xe tăng chiến đấu chủ lực…, đặc biệt tái hiện lại những hình thức chiến tranh man rợ phổ biến ở thời trung cổ nay ngày càng lan tràn, điển hình là cuộc chiến khủng bố của IS trên thế giới, nỗi bất an và kinh hoàng cho mọi người vì mạng sống thật bấp bênh. Có những cuộc chiến không vũ khí nhưng lại làm nhói đau tim của bao người vì thái độ sống thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, dửng dưng của con người với đồng loại, với Đấng Tạo Hóa và với chính bản thân mình. Cuộc chiến vì bất đồng chính kiến, mâu thuẫn dân tộc, vì quyền lợi của dân tộc, của tập thể, giai cấp, của cá nhân bị đụng chạm. Cuộc chiến vì những tranh chấp, tranh giành ảnh hưởng, vì hận thù, ghen ghét, đố kỵ và thiếu vắng tình yêu thương.

Phẩm giá con người không được trân trọng đúng mức

Con người có phẩm giá cao trọng vì con người được Thiên Chúa dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa và đã bị tội lỗi làm cho hoen ố. Vì yêu thương, Thiên Chúa đã ban Con Một là Ngôi Lời Nhập Thể làm người để trả lại cho con người phẩm vị siêu việt của hình ảnh theo và giống Thiên Chúa. Nhưng con người ngày càng đánh mất những nét ưu tuyển trong giá trị nhân văn.
Xã hội có những tiến bộ về phương diện kỹ thuật và xã hội không ai chối cãi được, mang lại nhiều ích lợi to lớn cho cuộc sống con người nhưng cũng là nguy cơ đe dọa hơn trước kia: đe dọa sự sống và thiên nhiên, đe dọa với đời sống cá nhân và loài người. Chủ nghĩa duy vật của một xã hội “tiêu thụ” với miếng mồi để kiếm tiền, tìm kiếm tiện nghi đang đẩy người nghèo đến đỉnh cao của đói khổ, chết chóc, loại trừ, mặc cảm. Kỹ thuật tiên tiến làm cho chất lượng cuộc sống nâng cao nhưng lắm khi làm phương hại đến các giá trị sống, nhân bản và đạo đức con người. Bạo lực, khủng bố, kỳ thị, ma túy, chiến tranh, đe dọa nguyên tử, xâm phạm mạng sống con người bằng nhiều hình thức: giết người, mưu sát, phá thai, chết êm dịu, án tử hình… cũng đang gióng một hồi chuông báo động cho xã hội chúng ta sẽ gặp bao hậu quả khôn lường nếu cứ ung dung theo vết xe lầy trong thế giới vắng bóng tình thương Thiên Chúa như thế.
Đã đến lúc chúng ta không thể chỉ ngồi than trách, đổ lỗi hay chỉ trích người này người kia đã không đóng góp phần mình để kiến tạo thế giới văn minh tình thương, nhưng phải đấm ngực thú nhận rằng đó cũng là phần lỗi của chúng ta đã không tích cực và nỗ lực hết mình để loan truyền Lòng Thương Xót theo hoàn cảnh và khả năng của mình. Thiết nghĩ, trong vai trò của những người Thánh Hiến, chúng ta cần làm cho cộng đoàn Thánh Hiến của mình trở thành nơi phát tín hiệu yêu thương và nơi ươm mầm tình nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

3. Loan truyền Lòng Thương Xót nơi đời sống Thánh Hiến

Là Con Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha, Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm tự hủy (kenosis) trong thân phận làm người. Qua biến cố tự hạ này, Con Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của kiếp nhân sinh để cùng cảm thông và chung chia bao nỗi vui buồn của kiếp người. Có được kinh nghiệm này, Ngài liên đới với nhân loại tội lỗi, sống trọn vẹn kiếp người như con người với tất cả mọi yếu đuối nơi bản tính nhân loại nên sẽ dễ dàng đón nhận con người với những gì họ là cũng như những khiếm khuyết họ mắc phải.
     Theo lời mời gọi của Thầy Giêsu: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng Thương  Xót” (Lc 6, 36), thì việc chúng ta sống lòng thương xót với người khác là một điều cần thiết, đặc biệt trong đời sống cộng đoàn của người sống đời Thánh Hiến. Một lỗi lầm, thiếu sót của người chị em, anh em nếu được góp ý chân thành, được chỉ dạy tận tình, không lên án, không xét đoán thì chắc chắn sẽ khiến cho người sai phạm cảm thấy hối hận, ăn năn và vui vẻ sửa sai. Tình thương và tha thứ là động lực đỡ nâng và hoán cải anh chị em mình, thế mới thấm thía lời Thánh Phaolô:
Anh chị em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo (Cl 3,12-14).
Mỗi người phải trở thành sứ giả của Lòng Thương Xót bằng việc kiến tạo nguồn bình an, thực thi thương xót và tha thứ, phục vụ tha nhân cách vô điều kiện.

Kiến tạo nguồn bình an

Trước tiên là nguồn bình an cho chính bản thân

Chúng ta không thể tiên đoán được vận mạng của chúng ta vì nó nằm trong Thánh ý quan phòng của Thiên Chúa. Hoặc là ta đang ở trong những hoàn cảnh bình yên, đã được đón nhận bao ơn lành của Chúa thì ta hãy tạ ơn Chúa đồng thời cũng phải biết quảng đại san sẻ cho người khác được hưởng nhờ.
Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng, mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật (Ep 5,1.8). 
Và cũng lắm khi cuộc đời ta phải đối diện với bao khó khăn, sóng gió, nếu có thì cũng biết cậy trông và tín thác vào lòng thương xót Chúa với niềm xác tín:
Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự (1Pr 1,6-7).
Có được sự chuẩn bị như thế chắc chắn chúng ta sẽ luôn cảm thấy bình an, hạnh phúc trong đời, đặc biệt là khi bão tố, mây mù nổi lên trong đời chúng ta.

Sau đó là bình an cho cộng đoàn

            Biến cố Giáng Sinh của Chúa cũng đem lại sứ điệp Lòng Chúa Thương Xót với hương hoa của bình an. Ngài cũng muốn mỗi chúng ta một khi đã tiếp nhận nguồn bình an cho bản thân cũng biết đem bình an ấy chiếu tỏa trong cộng đoàn mình đang hiện diện và phục vụ.
       Thiên Chúa luôn thương xót con người vì Ngài biết con người sống trong những giới hạn và yếu đuối của mình, rất cần được thương xót. Hành động gửi Con Một đến cứu nhân loại mở ra cho con người niềm hy vọng được yêu thương; bởi đó việc con người nhìn nhau với đôi mắt chân thành, bằng những thái độ ứng xử tế nhị, cảm thông là thể hiện Lòng Thương Xót, không chỉ trong tâm trí nhưng còn trong việc làm nữa, không những cho chính bản thân mình mà còn cho cộng đoàn, cho những người đang tương tác bên ta. Phải làm sao để cộng đoàn là nơi các thành viên cảm thấy như một gia đình, nơi  mà họ tìm được an ủi, đỡ nâng, được có điều kiện để vươn lên và phát triển trong mọi lãnh vực tri thức, tâm linh, nhân bản, mục vụ và sống ơn gọi cách hạnh phúc tràn đầy. Nơi đó phải là nơi mang lại niềm vui, bình an, niềm hy vọng và động lực sống đời thánh hiến.

Thực thi thương xót và tha thứ

Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha, anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người ta sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấy ấy ( Lc 6, 37-38).
Trước mặt Chúa, ai cũng là tội nhân đầy những bất toàn, khiếm khuyết và giới hạn; không ai cho mình có quyền là những thẩm phán để xét xử anh chị em mình. Con người, dù có thông thái và am hiểu đến đâu cũng chỉ nhìn được những gì là bề mặt bên ngoài còn sâu thẳm tâm hồn chỉ có Thiên Chúa mới có thấu tỏ được. Bởi đó, việc xét đoán anh chị em là điều không thuộc thẩm quyền của ta. Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta thấy rõ bao nhiêu tai hại do lời nói gây ra một khi chúng được thúc đẩy bởi những cảm xúc của sự ghen tương và đố kỵ ! Nói xấu người khác đặt chúng ta dưới thứ ánh sáng xấu xa, làm xói mòn uy tín của người khác và biến họ thành con mồi cho các ý tưởng ngẫu hứng của tin đồn. Theo một nghĩa tích cực, để tránh khỏi bị xét đoán và lên án có nghĩa là biết làm thế nào để chấp nhận những điều tốt đẹp trong mỗi người và để tha cho người ấy khỏi phải chịu những đau khổ có thể gây ra bởi sự xét đoán phiến diện của chúng ta.
Hãy trở thành khí cụ của Lòng Thương Xót vì chính chúng ta là những người đầu tiên nhận được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm về Lòng Thương Xót, Chúa đã can thiệp trên cuộc đời chúng ta để chúng ta tồn tại đến hôm nay, thì cũng hãy rộng lượng với người khác với hiểu biết rằng Thiên Chúa tuôn đổ sự tốt lành của Ngài trên chúng ta với lòng quảng đại bao la.[4]
Thực tế cuộc sống cho thấy không thiếu những cộng đoàn sống đời thánh hiến thiếu mất tình yêu thật sự trong cộng đoàn khiến cho nhiều anh em, chị em cảm thấy đau khổ, thất vọng, chán nản, bất mãn, thậm chí phải tháo lui trong ơn gọi vì thái độ ứng xử thiếu tình thương và thương xót của các thành viên trong cộng đoàn, không cho anh chị em có cơ hội để sửa đổi, đóng khung và dán nhãn họ trong những khiếm khuyết không lối thoát. Đã hơn một lần chúng ta lấy mình làm thước đo để hướng dẫn, áp đặt lên quan niệm của anh em, chị em buộc họ phải sống theo ý mình, nếu không dễ dàng lên án, chống đối họ. Điều đó đã làm cho quan hệ trong cộng đoàn thêm căng thẳng và khơi dậy những vết thương, những vết rạn nứt tương quan trong cộng đoàn. Mỗi người cần có một cuộc vượt qua ích kỷ để khám phá bản thân, nhìn ra những giới hạn ích kỷ nhỏ nhen, can đảm đối diện thương đau của cuộc sống để vươn tới đón nhận anh chị em và giúp nhau thăng tiến trong ơn gọi.
 Hơn nữa, nhiều lúc chúng ta sống trong cộng đoàn như trong một cơ quan, một tổ chức, sống như là một thành viên trong một tập thể hơn là như một người anh em, chị em trong cộng đoàn. Lắm lúc chúng ta cứng nhắc, máy móc trong việc giữ luật, lấy mình làm chuẩn để phê phán, xét nét anh chị em, chúng ta không chấp nhận người khác khi người khác không đạo đức theo kiểu của chúng ta. Thương xót nhau không nhất thiết phải đưa nhau đến Bề trên để phê bình, chỉ trích nhau để “phỗng tay trên” hoặc chiến thắng đối phương, cũng chẳng phải loại trừ những điểm dị biệt nơi người khác. Thương xót là công nhận cả sở trường lẫn sở đoạn của đối phương, là đón nhận cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, là chấp nhận và cho nhau có cơ hội để bắt đầu lại, là hòa mình vào hoàn cảnh, địa vị của anh chị em để đón nhận mọi sự với tất cả lòng yêu thương, là xem mọi người là anh chị em chứ không gây áp lực, loại trừ họ.
 Làm thế nào để cộng đoàn thánh hiến là nơi khơi nguồn lòng thương xót qua từng lời nói, cử chỉ, việc làm và là nơi anh chị em nhận được ơn tha thứ. Trong Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, số 9, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng:
Chúa Giêsu đã xác định rằng Lòng Thương Xót không phải chỉ là một nét đặc trưng nơi hành động của Thiên Chúa. Nói cho đúng hơn, Lòng Thương Xót còn là tiêu chuẩn, mà nhờ đó người ta nhận ra những ai thực sự là con Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta được kêu gọi để thực thi Lòng Thương Xót, bởi chính Lòng Thương Xót cũng đã được biểu lộ với chúng ta rồi. Sự tha thứ cho sự bất công đã mắc phải chính là một sự diễn tả rõ ràng nhất về tình yêu nhân hậu, và đối với các Kitô hữu chúng ta, nó trở thành một mệnh lệnh mà chúng ta không thể khước từ. Việc càng ngày càng phải tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng, sự tha thứ lại là một nhạc cụ được đặt vào trong đôi tay yếu đuối của chúng ta để tìm thấy được sự bình an của tâm hồn. Việc để lại đàng sau chúng ta sự oán giận, cơn tức giận và sự báo thù chính là một điều kiện cần thiết đối với một cuộc sống hạnh phúc. Vì thế, chúng ta hãy đón nhận lời khuyên của Thánh Tông đồ: “chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn”( Ep 4, 26).

Phục vụ tha nhân vô vị lợi

Chúng ta có thể trải nghiệm việc mở lòng tiếp nhận những người đang mang những vết thương trầm trọng nơi thân xác, những người không còn tiếng nói, vì tiếng kêu than của họ bị lấn át và dìm tắt bởi thái độ thờ ơ, hờ hững của những dân tộc giàu có.[5] Có biết bao tiếng gào thét của những người đang bị tước mất nhân phẩm, bóc lột sức lao động vì lợi nhuận kinh tế, vì phân biệt chủng tộc, tôn giáo, trình độ tri thức, quan niệm trọng nam khinh nữ. Có biết bao người nghèo khổ, bất hạnh, người bị bệnh tật thể xác cũng như tâm hồn, người bị băng hoại đạo đức và biết bao người anh, người chị, người em đang sống bên cạnh chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta mà họ đang cần đến tinh thần phục vụ của chúng ta.
Thái độ phục vụ hết lòng, hết mình và hết tình dành cho những linh mục già yếu, những nam nữ tu sĩ đã một đời phục vụ cho Giáo Hội, Hội dòng mà nay đau yếu, nằm trên giường bệnh cũng phải diễn tả được Lòng Thương Xót của sự lắng nghe, cảm thông, thấu hiểu. Họ có thể là người kém sức khỏe hơn ta, nghèo nàn hơn ta, cô đơn hơn ta, bất hạnh hơn ta, bất toàn hơn ta, tội lỗi hơn ta hoặc bây giờ họ là những người không nắm quyền thế, tiền bạc cũng lại là những đối tượng cần chúng ta trao ban cho họ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Một nụ cười trao tặng khi gặp họ, một lời nói dễ nghe và đầy tế nhị, không hàm chứa nhiều ẩn ý, một ánh mắt cảm thông với những nỗi đau mà họ phải gánh mạng trong đời, một cử chỉ bác ái, gần gũi, đỡ nâng cũng khiến cho họ cảm thấy vơi đi cô đơn, mặc cảm của tuổi già. Họ cũng có thể là những người anh, người chị, người em của chúng ta đang mang những tổn thương về thể lý, tâm lý, những khủng hoảng và chao đảo trong đời sống ơn gọi và cần được chữa lành. Lòng Thương Xót của ta là một lời cầu nguyện thật tâm, là một thái độ đón nhận, cảm thông của những người hữu trách, là những lời động viên, khích lệ chân thành chứ không phải là hoa ngữ sáo rỗng khiến họ cảm thấy không thật lòng. Họ là những người anh em của ta được Chúa gởi đến trên đường đời ta mời gọi ta phải có trách nhiệm với họ. Phục vụ hết mọi người không vì cảm tính, không vì tư lợi, không vì hận thù, không loại trừ, không làm chỉ vì tìm bất cứ lời khen ngợi nào.
 Cộng đoàn hạnh phúc biết bao khi mỗi người luôn ý thức trách nhiệm cao quý của mình là phục vụ cách vô vị lợi và với tinh thần yêu mến Chúa. Trong bài nói chuyện với những người thánh hiến ngày 02.02.2016, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng:
Những tu sĩ nào ra ngoài săn sóc những người nghèo túng đau khổ mà quên những người anh em, chị em già yếu, đang cần được săn sóc thăm viếng ngày trong cộng đoàn của mình là người xấu nhất. Ngài cũng nhắc nhở rằng đời thánh hiến không phải là một bậc sống làm cho chúng ta nhìn người khác với sự dửng dưng. Đời thánh hiến phải làm cho ta gần gũi tha nhân. Cho nên, theo Chúa Kitô có nghĩa là đi tới nơi mà Ngài đã đi, vác trên mình người bị thương chúng ta gặp bên vệ đường như người Samaritanô nhân lành đã làm. Đi tìm kiếm cho chiên lạc. Gần gũi như Chúa Giêsu gần gũi dân chúng, chia sẻ vui buồn và đau khổ của họ, tỏ cho họ khuôn mặt hiền phụ của Thiên Chúa và sự dịu dàng từ mẫu của Giáo Hội, qua tình thương của chúng ta. Mỗi người chúng ta được kêu gọi phục vụ anh chị em qua đoàn sủng của mình.

Tạm kết

Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Lời ca của Thiên thần trong ngày mừng Con Thiên Chúa giáng trần, vị Thủ lãnh hòa bình cũng phải là lời ca của mỗi người trong chúng ta vì nguồn bình an, tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mang cho nhân loại cũng được chúng ta đón nhận và đem chia sẻ cho mọi người trong thế giới này. Thế giới này, cộng đoàn này, gia đình này và tâm hồn này thực sự là nơi cần được xót thương và cũng cần được băng bó và chữa lành. Không ai trong chúng ta được miễn trừ cho mình hay né trách trách nhiệm đối với anh em đồng loại, nhưng hãy can đảm và sẵn sàng dấn thân trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn mở rộng lòng để đón nhận mọi anh chị em, không loại trừ hay thiên kiến một ai. Một khi Lòng Thương Xót được thực thi sẽ là động lực nâng đỡ và giúp nhau thăng tiến, vững bước trong hành trình sống Dâng Hiến như Chúa mời gọi.
 

[1] Lm. Norberto Nguyễn Văn Khanh,  ofm,  Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Nhập Thể (Kitô học 1 - 2012) tr. 178
[2] ĐTC Phanxicô, Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 1.
[3] Lm. Norberto Nguyễn Văn Khanh.  ofm,  Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Nhập Thể (Kitô học 1 - 2012) tr. 360 - 361
[4] ĐTC Phan xicô, Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 14
[5] Xc. ĐTC Phan xicô, Tông sắc Dung nhan Lòng Thương Xót, số 15
 
Tác giả bài viết: Nt. Mary Nguyễn Hòa – MTG Quy Nhơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 45
  • Khách viếng thăm: 35
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 121338
  • Tổng lượt truy cập: 12265598