Trang mới   https://gpquinhon.org

Học hỏi Ad Gentes (Đề tài I)

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/12/2012 21:34
ĐỀ TÀI I

VATICAN II: MỘT CÔNG ĐỒNG TRUYỀN GIÁO

 
Công Đồng chung trong 10 thế kỷ đầu đều họp ở Trung Đông, trên ranh giới Châu Âu và Châu Á, giữa Giêrusalem và Rôma, tại Nicêa, Êphêsô, Cancêđônia và Constantinopoli; phương tây chỉ có các đặc sứ của Đức Giáo Hoàng đại diện. Các Nghị phụ nói tiếng Hy Lạp, dâng lễ bằng tiếng Hy Lạp, biên soạn các bản văn bằng tiếng Hy Lạp, suốt 10 thế kỷ như thế....12 Công Đồng chung kế tiếp được họp tại 3 xứ làm thành trung tâm Kitô giáo phương tây: Ý, Pháp và Đức; Vatican đứng đầu với 6 Công Đồng: 5 ở đại thánh đường Latêranô và 1 ở Vatican, các Nghị phụ nói tiếng Latinh, dâng lễ bằng tiếng Latinh, biên soạn các văn kiện bằng tiếng Latinh, và cứ thế cho đến thế kỷ XX...

Nhưng mặc dù chuyển từ phương đông sang phương tây, chuyển từ Hy Lạp sang Latinh như thế, xét cho cùng cả 12 Công Đồng của hai thiên niên kỷ vừa qua vẫn chỉ là những Công Đồng của vùng Địa Trung Hải, không chỉ phải nói theo hoàn cảnh địa lý, mà vì hầu hết số người tham dự đều từ vùng Địa Trung Hải: Các Giám mục đều là những người da trắng, họ đi bộ, đi ngựa, đi xe, đi tàu...không thể đến được từ những vùng quá xa xôi. Và cùng với những phương tiện di chuyển ấy, Hội thánh chưa có thể được vun trồng ở những miền thật xa. Hoa Kỳ và Canađa cho đến năm 1908 vẫn còn là xứ truyền giáo.

Nhưng 100 năm qua, các phương tiện kỹ thuật đã mau mắn giúp ta tới được những miền chưa ai biết, giúp ta gặp gỡ mọi người, khiến cả trái đất đều liên lạc với nhau. Lập tức còn hăng say hơn cả những người lùng kiếm hương liệu, áo lông thú và vàng, những người loan Tin Mừng đã ra đi khắp mọi nẻo đường, cho đến tận cùng thế giới: "Âm vang họ đã vọng khắp toàn cầu và sứ điệp đã loan cùng vũ trụ" (Tv19,5; Rm 10,18).

Khắp nơi Hội thánh đã lập nên hàng Giáo sĩ bản xứ, hàng Giám mục bản xứ. Do đó, khi Hội thánh triệu tập Công Đồng lần này, toàn thế giới đã gởi đến bằng máy bay, các Giám mục gốc địa phương và Hội thánh đã làm dấy lên ở khắp nơi; Vatican II quy tụ rộng rãi các Giám mục da màu: 66 Giám mục Phi châu (trong đó có 14 Tổng Giám mục và 1 Hồng y) và 101 Giám mục Á châu (với 15 Tổng Giám mục và 4 Hồng y). Các văn kiện chính thức được soạn bằng tiếng Latinh vì cần có 1 ngôn ngữ làm chuẩn, nhưng các buổi thảo luận được các Nghị phụ tham gia sôi nổi là nhờ các ý kiến được dịch ra tiếng Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức, Mỹ, Ả rập v.v... từ Vatican I đến Vatican II toàn thể nhân loại đã gặp được nhau thật đột ngột. Hội thánh trở thành Công giáo trên thực tế, nghĩa là phổ quát khắp nơi. Theo nguyên tắc thì từ ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội thánh đã có tính cách phổ quát như thế. Đức Giêsu bảo: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân...”, nhưng suốt 100 năm, Hội thánh chỉ tiến bằng đi bộ, hoặc chèo ghe... thế nhưng, đùng một cái, đây “Chúa Kitô là ánh sáng muôn dân”, Lumen Gentium. Chấm dứt những giới hạn eo hẹp của thế giới Hy Lạp; vượt khỏi Hội thánh Latinh: “cái bồn tắm” Địa trung hải (cái tên thật hay ho!) trở thành chuyện giỡn.... Tựa như con dê của ông Seguin đứng trên núi cao nhìn đồng cỏ: làm thế nào mà tôi có thể ở trong đó được?.... Vào năm 67, một Hội thánh Rôma bé tí bí mật nhận thi hài Thánh Phêrô vừa bị đóng đinh chôn trong hang toại đạo Vatican; năm 1978, 140 đoàn đại biểu trên thế giới đến an táng Đức Phaolô VI, rồi Đức Gioan Phaolô I bên cạnh ngài...

Ai đã làm nên điều đó? Chúa Thánh Thần một đàng Ngài đã làm dấy lên cho con người có tài năng kỹ thuật để tạo ra những phương tiện tân tiến giúp truyền thông và gặp gỡ, một đàng Ngài đã dấy lên sức hoạt động của Hội thánh truyền giáo, nhất là với và sau Đức Bênêđictô XV. Đáng tiếc là từ sau thế chiến 1939-1945, ba đám mây lớn đã che tối chân trời.

Ưu thế của phương tây bị phản kháng: người ta đã bài xích phương tây, như thể muốn khạc nhổ nó đi. Vì thế, ở nhiều nơi Hội thánh cũng bị thất bại, bởi vì, than ôi, Hội thánh đã xuất hiện gắn liền với thế lực phương tây.

Các học viện truyền giáo cho biết ơn kêu gọi truyền giáo giảm sút cách tàn bạo: không có người cung ứng cho các giáo phận (còn các chủng viện bảo thủ dường như chẳng bận tâm gì tới các miền truyền giáo). Vì thế, xét theo con số, Hội thánh có phát triển nhanh chóng đấy, nhưng tỷ lệ gia tăng dân số thế giới còn cao hơn nhiều: thành ra đã có đến 3 tỷ người ngoài Kitô giáo so với 1 tỷ người đã rửa tội. 30 năm trước, nhân loại có khoảng 1/3 là kitô hữu; nay chỉ còn là 1/4...

Từ 3 loạt sự kiện ấy, ta phải kết luận điều này: Nếu Vatican II không làm phát sinh được một đà tiến mạnh mẽ cho hoạt động truyền giáo và một sự cải tổ tận gốc các phương pháp truyền giáo, thì quả là Công Đồng đã thiếu sót một trong những trách nhiệm thiêng liêng nhất. Trong một thế giới mới mẻ như hiện nay, 2.500 Giám mục từ khắp các lục địa tụ về, với nhiều nền văn hóa khác nhau, hẳn phải có một cái gì quan trọng để nói... và họ đã nói. Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội thánh họ đưa ra là một trong những hiến chương quan trọng nhất được Vatican II công bố.

Những văn bản không thể thay thế được cho hành động. Văn bản làm phát khởi hành động và định hướng cho hành động.... Nếu không, nó sẽ trống rỗng và chúng ta không còn có quyền tự nhận là kitô hữu. Sắc lệnh này đang chất vấn chúng ta...

b. Những miền truyền giáo, công cuộc truyền giáo, đó là việc của bạn.

Nào, bạn biết gì về các miền truyền giáo?... Bạn quan tâm tới việc loan báo Tin Mừng cho những người chưa biết? Bạn có cảm thấy những việc ấy có liên can tới chính bản thân bạn? Bạn và cộng đoàn Kitô hữu của bạn?...

Hỡi ơi chủ nghĩa cá nhân, ai lo phận nấy, đã làm cho sức sống Kitô giáo của một số đông bị mai một, đã làm cho Hội thánh không còn chiếu tỏa trọn vẹn. Biết bao Giáo xứ chỉ còn là một đàn chiên nằm nhai lại trên đồng cỏ, hơn là một dân tộc tiến bước đang tỏa sáng và bừng cháy…Phải chăng tôi nói quá? Thì bạn thử hỏi xem: trong số bao nhiêu triệu người giữ đạo trên khắp thế giới vẫn dự lễ mỗi Chúa Nhật, bạn nghĩ có thể đếm được bao nhiêu người thực sự cảm thấy mình có trách nhiệm loan báo Đức Giêsu Kitô...Và bạn cứ trung thực với mình, bạn có thể kể mình với số đó không?

Thế nhưng, đức tin của bạn sẽ ra sao? Đức cậy của bạn sẽ ra sao? Sự đảm bảo cho bạn sau này khi chết sẽ ra sao, nếu từ 450 năm qua và hơn nữa, Hội thánh truyền giáo đã không đến loan truyền Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô trong xứ sở chúng ta?

Nhưng có lẽ bạn sẽ nói: những nhà truyền giáo ấy là những linh mục, giám mục; không phải là những tín hữu giáo dân.

Là các linh mục à?... Hoàn toàn không hẳn thế; ngay tảng sáng ngày Phục sinh, chính Maria Mađalêna là người được Chúa Giêsu giao nhiệm vụ đem Tin Mừng Phục Sinh cho Phêrô và các tông đồ: cho các giám mục và cho giáo hoàng. Một giáo dân nữ, một phụ nữ...tại sao vậy? Bởi vì chị là người đầu tiên chạy đến mồ... Sứ mệnh truyền giáo trước hết là một việc của Tình yêu. Đó là lý do tại sao sứ mệnh ấy rất thường được giao cho các phụ nữ.

Cộng đồng Kitô giáo ở Đamas, nơi thánh Phaolô sẽ được rửa tội, đã không có các tông đồ lập nên. Cả cộng đồng Antiôkia, là “Giáo xứ” đã gởi Phaolô và Barnaba đến với các dân tộc Tiểu Á, cũng thế cả cộng đồng Rôma, Alexanđria cũng thế... vậy thì các cộng đồng ấy do đâu mà ra? Đó là do những người Do thái trong một chuyến hành hương hoặc đi lo công việc ở Giêrusalem, đã khám phá ra công cuộc cứu chuộc dân Israel và thế giới: Tin Mừng về Đấng đã sống lại. Hồi đó, mọi người mới trở lại, ngay khi vừa tin vào Tin Mừng, đều đã không ngừng loan truyền việc ấy cho người chung quanh. Hăng say phấn khởi vì sứ điệp, người ta nôn nóng muốn loan truyền nó ngay cho mọi người. Giống hệt các thương gia Ả Rập đang truyền bá Hồi giáo ở Phi châu da đen ngày nay. Giống hệt như ở Songhai, Antoine Douramane đã khám phá ra “con đường của Thiên Chúa”... khi còn ở trong quân đội Pháp. Vâng, bên cạnh bọn người (…) của anh, anh đã trở thành Kitô hữu và... là thượng sĩ. Giải ngũ, anh về nhà, tại đây “anh không thể nào không loan báo Chúa Giêsu cho mọi người”, và vào những năm 40, anh thành lập cộng đồng Kitô giáo đầu tiên ở Ni-ger.

Những người Kitô hữu đó có quái lạ không? Không. Họ là những người bình thường. Điều quái lạ chính là những người đã được rửa tội, đã biết Chúa Kitô và tự cho là mình yêu mến Ngài, cầm sách Tin Mừng trên tay và quả quyết là mình yêu mến anh em, nhưng lại không mau mắn chia sẻ cho những người anh em ấy sự phong phú và niềm hạnh phúc do đức tin đem lại. Hẳn là quái lạ và bất bình thường, nếu là men mà lại không dậy men. Chúa Giêsu nói: “Các con là muối đất. Các con là ánh sáng thế gian”

            Tóm tắt

            Từ Vatican I đến Vatican II toàn thể nhân loại đã gặp được nhau thật đột ngột. Hội thánh trở thành Công giáo trên thực tế, nghĩa là phổ quát khắp nơi. Theo nguyên tắc thì từ ngày Lễ Ngũ Tuần, Hội thánh đã có tính cách phổ quát như thế khi Chúa Giêsu bảo: “Hãy đi dạy dỗ muôn dân...”. 

Vatican II đã chấm dứt những giới hạn eo hẹp của thế giới Hy Lạp; vượt khỏi Hội thánh Latinh. Ai đã làm nên điều đó? Chúa Thánh Thần một đàng Ngài đã làm dấy lên cho con người có tài năng kỹ thuật để tạo ra những phương tiện tân tiến giúp truyền thông và gặp gỡ, một đàng Ngài đã dấy lên sức hoạt động của Hội thánh truyền giáo, nhất là với và sau Đức Bênêđictô XV. Nếu Vatican II không làm phát sinh được một đà tiến mạnh mẽ cho hoạt động truyền giáo và một sự cải tổ tận gốc các phương pháp truyền giáo, thì quả là Công Đồng đã thiếu sót một trong những trách nhiệm thiêng liêng nhất. Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Hội thánh họ đưa ra là một trong những hiến chương quan trọng nhất được Vatican II công bố.

Nhưng có lẽ bạn sẽ nói: những nhà truyền giáo ấy là những linh mục, giám mục; không phải là những tín hữu giáo dân. Hoàn toàn không hẳn thế: ngay tảng sáng ngày Phục sinh, chính Maria Mađalêna là người được Chúa Giêsu giao nhiệm vụ đem Tin Mừng Phục Sinh cho Phêrô và các tông đồ: cho các giám mục và cho giáo hoàng. Một giáo dân nữ, một phụ nữ... tại sao vậy? Bởi vì chị là người đầu tiên chạy đến mồ... Sứ mệnh truyền giáo trước hết là một việc của Tình yêu. Đó là lý do tại sao sứ mệnh ấy rất thường được giao cho các phụ nữ.

Cộng đồng Kitô giáo ở Đamas, nơi thánh Phaolô sẽ được rửa tội, đã không do các tông đồ lập nên. Cả cộng đồng Antiôkia, là “Giáo xứ” đã gởi Phaolô và Barnaba đến với các dân tộc Tiểu Á, cũng thế cả cộng đồng Rôma, Alexanđria cũng thế... vậy thì các cộng đồng ấy do đâu mà ra? Đó là do những tín hữu Do thái trong một chuyến hành hương hoặc đi lo công việc ở Giêrusalem, đã khám phá ra công cuộc cứu chuộc dân Israel và thế giới: Tin Mừng về Đấng đã sống lại. Hồi đó, mọi người mới trở lại, ngay khi vừa tin vào Tin Mừng, đều đã không ngừng loan truyền việc ấy cho người chung quanh. Hăng say phấn khởi vì sứ điệp, người ta nôn nóng muốn loan truyền nó ngay cho mọi người. Những người Kitô hữu đó có quái lạ không? Không. Họ là những người bình thường. Điều quái lạ chính là những người đã được rửa tội, đã biết Chúa Kitô và tự cho là mình yêu mến Ngài, cầm sách Tin Mừng trên tay và quả quyết là mình yêu mến anh em, nhưng lại không mau mắn chia sẻ cho những người anh em ấy sự phong phú và niềm hạnh phúc do đức tin đem lại. Hẳn là quái lạ và bất bình thường, nếu là men mà lại không dậy men.

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 1724
  • Tháng hiện tại: 77270
  • Tổng lượt truy cập: 12221530