Trang mới   https://gpquinhon.org

Thứ Năm Tuần Thánh tại Giáo xứ Cây Rỏi

Đăng lúc: Thứ sáu - 29/03/2013 06:09
Tranh Tiệc Ly của danh họa Jacopo Bassano
 
Các anh hãy vào thành, đến nhà của người kia và nói với ông ấy: Thầy nhắn … Thầy sẽ đến nhà ông để ăn mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ của Thầy” (Mt 26,18). Đúng 16g các chức việc đến nhà thờ cùng với Cha xứ, trang hoàng bàn thờ phụ treo cờ, dọn vệ sinh vườn Cây Dầy để sau thánh lễ Tiệc Ly kiệu Mình Thánh Chúa đến đây cho cả giáo xứ cùng thức với Chúa đến 23g. Trong khi đó, quý sơ cắm những bình hoa thật đẹp để chúng cũng được hân hạnh dự tiệc Vượt Qua.

18g 30p chuông nhà thờ vang lên gọi mọi mọi người tựu về vây quần bên Chúa Giêsu Thánh Thể và cùng dự tiệc với Người. Sau bàn tiệc Lời Chúa, Cha xứ làm như Chúa Giêsu đã dạy: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Hình ảnh này làm cho nhiều người cảm động, và ghi nhớ lời dạy của Chúa Giêsu hơn: “anh em hãy yêu thương nhau”. Lệnh tuyền này luôn luôn mới mẻ và hiện sinh trong lòng mỗi người. Đây là một trong những điểm mà Cha xứ nhấn mạnh trong bài gảng.

Càng về khuya, không gian càng thanh vắng, mọi người càng trang nghiêm sốt sắn chìm đắm trong tình thương của Chúa; bằng chứng là giờ chầu Mình Thánh Chúa dài hơn giờ qui định.

Năm nay, giờ Chầu linh động và tạo nên cảm xúc sung sướng được ở bên Chúa Giêsu là nhờ sáng kiến của quý chức việc, và tình yêu Thánh Thể của mọi người.

Sau đây xin chia sẻ bài giảng của Cha xứ và hình ảnh của thánh lễ Tiệc Ly:

 
THÁNH THỂ QUÀ TẶNG TÌNH YÊU

Trong tuyển tập thơ “Có Ai Về Cát Minh” của thi sĩ linh mục Trăng Thập Tự, có một bài thơ “ĐÁP LỄ”. Nội dung bài thơ nói lên một dấu cộng và dấu nhân tuyệt vời: Tình yêu của chị em cô Mác-ta là dấu cộng, còn tình yêu của Chúa Giêsu là dấu nhân. Việc Mác-ta dọn tiệc và Maria lấy dầu thơm xức chân Chúa, rồi lấy tóc mình mà lau là một phép cộng, cộng tình yêu của mình vào tình yêu của Chúa. Tình yêu tự hiến mình làm của ăn của uống của Chúa Giêsu là một phép nhân để thế gian được ơn cứu độ như một “đáp lễ” mà Chúa dành cho chị em Mác-ta: 

Cầm trên tay lưng chén rượu nồng,
Ngài như chợt quên đời đi một lúc.
Sóng sánh khổ đau hòa hạnh phúc,
Giữa cao lương mỹ vị với tình người.
Có hương trầm, nến sáng, hoa tươi, 
Những hơi ấm, những mắt nhìn trìu mến.
Chỉ phút chốc, Ngài chìm trong hiện diện,
Lời ca ngừng, nhạc cũng lặng im theo.
Ta đã dặn con khoản đãi người nghèo,
Lời ta dạy, hôm nay con khéo nhớ: 
Mời đúng kẻ trôi sông lạc chợ,
Kẻ sinh ra cuối phố đầu đường,
Ngày không nhà, đêm ngủ dưới sương,
Suốt đời chẳng một đồng xu dính túi,
Đến trần gian và ra đi trần trụi.
Thì ra con khéo nhớ lời Ta !
Con làm ta lúng túng Mác-ta !
Đúng là ta không có gì để trả lại.
Ôi, thì ta sẽ đem thịt máu mình ra khoản đãi !
Phải rồi, phải rồi, tại sao không ?
Ta sẽ trao chén máu tươi hồng
Và sự sống run trong từng thớ thịt.
Ai nếm thử, sẽ đời đời không chết,
Đúng hơn, nó sẽ sống đời đời.
Và ơ kìa, Maria nữa con ơi !
Con đập vỡ cả bình dầu thơm phức
Từng ngón chân ta, từng ngón chân, con xức.
Dầu con thơm hay tóc con thơm ?
Giữa khi cuộc đời thiếu áo thèm cơm,
Con trút cả gia tài lên chân Ta mà thách thức.
Và gục xuống, con hôn không dứt,
Con yêu thật à ? Lẽ nào ta thua con !
Ta cũng mang theo đây chiếc lọ mỏng dòn
Nhốt sẵn chất thơm của ngàn muôn thế kỷ.
Ta sẽ đập vỡ mà không lo uổng phí
Vì ta cần xức dầu thơm ta lên khắp cả vũ hoàn.
Lạy Cha, lòng con rất hân hoan,
Xin hãy thực hiện đúng như Cha hằng muốn.
Và có tiếng đáp: Thật đẹp lòng Ta, vì đúng như ta muốn. 

Thánh Thể là một dấu nhân “Đáp Lễ” vượt quá sự mong chờ của chị em Mac-ta. Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại là một nguồn chảy miết mà không cạn chính là Thánh Thể. Thánh Thể là Quà Tặng tuyệt vời, như định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Thông điệp về Thánh Thể: “Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quí giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ...”.

“Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi đã ban Con Một…” và là Đấng trong thánh lễ này trên bàn thờ, một lần nữa nói với chúng ta: “Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì nầy là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con…Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì nầy là Chén Máu Thầy…”.

Tình yêu không có việc làm là tình yêu vụ lợi. Người nhận ơn mà không biết đền ơn là kẻ phụ ơn. Bí Tích Thánh thể là một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Vậy, chúng ta là người yêu chân thành, là người biết ơn hay là ngược lại?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta nên xét lại:

- Chúng ta cử hành mầu nhiệm Thánh Thể với thái độ và tâm tình nào? Tôi nhớ hồi tôi còn là chủng sinh có lần đến thăm một bà trạc tuổi mẹ tôi. Trong lúc tâm sự về đời sống đạo bà nói: “Một ngày mà con không tham dự thánh lễ, không rước Mình Thánh Chúa thì giống như cả ngày không ăn không uống vậy, trong người luôn bần thần, bất an. Vậy, cử hành Bí Tích Thánh Thể là một sự cam kết dấn thân sống cho và sống với sự hiện diện của “Bánh Hằng Sống” được trao ban trong mỗi bước đi của cuộc đời. 

 - Chúng ta sống mầu nhiệm Thánh Thể như thế nào? Là biết trân trọng quà tặng Thánh Thể hơn trân trọng mạng sống của mình. Như vậy, cuộc sống của chúng ta lẽ nào lại khô khan, gia đình chúng ta lại nguội lạnh, thờ ơ với việc thực hành Lời Chúa?

- Yêu mến Thánh Thể là gì? Yêu mến Thánh Thể đi liền với yêu mến tha nhân. Yêu mến tha nhân sao được nếu tôi không biết “sẵn sàng quỳ xuống rửa chân cho anh em” như Đức Kitô đã làm trong Bữa Tiệc Ly. Yêu mến mầu nhiệm Thánh Thể trong hy sinh và phục vụ theo gương của Đức Kitô, thì làm sao mọi người chung quanh lại ác cảm, dị ứng hay đố kỵ với chúng ta, với đạo, với Tin Mừng ?. 

- Tôn thờ Thánh Thể? Là sẵn sàng trở nên “tấm bánh được bẻ ra” mỗi ngày cho nhau trong đời sống hằng ngày như: vợ chồng hy sinh cho nhau, cha mẹ hy sinh cho con cái, bạn bè, giúp đỡ, sẻ chia, luôn giữ tình làng nghĩa xóm, chắc chắn mọi người (lương dân) sẽ có cái nhìn tích cực về đạo. Họ cũng dễ dàng nhận ra Đức Kitô chính là Bánh hằng Sống. Ngài dịu dàng yêu thương họ và yêu thương đến cùng.

Trong thánh lễ khai mạc Tam Nhật Vượt Qua này, Phụng vụ Lời Chúa còn mời gọi chúng ta hướng về chức linh mục thừa tác. Chúng ta cầu xin cho các linh mục, thừa tác viên chính thức của mầu nhiệm Thánh Thể, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng sẵn sàng trở nên Tấm Bánh được bẻ ra cho muôn người.

Chúng ta hãy cầu xin cho nhau được ơn nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu đang hiện diện giữa chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta trên mọi nẽo đường cuộc sống.

Lạy Chúa Giêsu, có cái gì tương tự giữa phận làm người và phận làm bánh của Chúa. Xin cho chúng con biết cách đến với con người hôm nay: Đơn sơ, khiêm hạ, Không chút vinh quang hay quyền lực. Nhờ ăn tấm bánh của Chúa, chúng con cũng trở nên tấm bánh ngon, được bẻ ra đ đáp ứng khẩu vị của nhiều người. Uớc gì chúng con dám rước Chúa đi vào mọi vùng mờ tối của lòng mình, để sự hiện diện của Chúa trong con được lớn lên. Và ước gì chúng con trở thành Những Nhà Tạm di động, Đem Chúa đến cho đồng bào Và quê hương chúng con. Amen.

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
Tác giả bài viết: Giáo xứ Cây Rỏi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93816
  • Tổng lượt truy cập: 12238076