Trang mới   https://gpquinhon.org

Thánh lễ Tạ Ơn mừng 50 năm thành lập Cộng đoàn DCCT và Giáo xứ Châu Ổ

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/09/2013 08:40
Sáng thứ Tư, vào lúc 9g30 ngày 11/9, Đức cha Matthêô đã đến Giáo xứ Châu Ổ, thuộc Giáo hạt Quảng Ngãi, để dâng Thánh lễ Tạ Ơn mừng kỷ niêm 50 thành lập cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ, đồng thời cũng là 50 năm thành lập Giáo xứ Châu Ổ. Giáo xứ Châu Ổ thuộc địa bàn huyện Bình Sơn, một huyện đồng bằng ven biển, cửa ngõ phía bắc tỉnh Quảng Ngãi. Phía đông giáp biển Đông; phía tây giáp huyện Trà Bồng; phía nam giáp huyện Sơn Tịnh; phía bắc giáp huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam); Diện tích: 466,77km2. Dân số: 180.045 người. Đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn (Châu Ổ huyện lị; thành lập tháng 4.1986), và 24 xã.  

Theo sử liệu, vào tháng 05 năm 1961, cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri được bổ nhiệm làm cha phó Trung Tín, ở tại Châu Ổ, phụ trách Trung Tâm Truyền Giáo Châu Ổ. Tính đến ngày 13-08-1961, ngày cha Tri làm phép rửa tội lần đầu tại Châu Ổ, số tân tòng khoảng 1.850 người. Đầu năm 1963, Cha Tri tình nguyện đi Hoàng Phước (Quảng Nam) thay thế cha Giuse Nguyễn Hữu Ngợi bị tử nạn ngày 19/12/1962. Ngày 25/03/1963, Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi trao Trung Tâm Truyền giáo Châu Ổ cho Dòng Chúa Cứu Thế  gồm: phần đất tách ra từ các giáo xứ Tân Lộc và giáo xứ Cù Và gồm ba xã: Trà Khương, Trà An, Trà Hoà  của huyện Trà Bồng; phần đất tách ra từ giáo xứ Trung Tín gồm 10 xã của huyện Bình Sơn: Bình Vân, Bình Sa, Bình Thuỷ, Bình Phương, Bình Liên, Bình Thượng, Bình Phiên, Bình Tuy, Bình Tuyến, Bình Khánh. Trong buổi lễ bàn giao, Dòng Chúa Cứu Thế có 03 cha: Cha Quí (Paquette) làm trưởng đoàn, cha Đôminicô Đỗ Văn Thừa, cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp và 03 thầy. Ngày 25/03/1963 cũng chính là thời điểm giáo xứ Châu Ổ được thành lập.

Trước khi bắt đầu thánh lễ, cha phụ trách cộng đoàn đã chào mừng Đức Cha, quí cha, cha bề trên giám tỉnh, quí soeurs và khách mời. Sau đó, cha hạt trưởng Quảng Ngãi đọc phép lành Tòa Thánh ban cho cộng đoàn và giáo xứ nhân dịp vui mừng trọng đại này. Cùng với 53 cha, Đức cha đã chủ sự thánh lễ đồng tế với sự hiện diện của đông đảo nam nữ tu sĩ, giáo dân Giáo xứ Châu Ổ và các giáo xứ bạn.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha đã nói lên ý nghĩa của ngày lễ hôm nay: “Sự hiện diện của cộng đoàn tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế giữa lòng một cộng đoàn lớn hơn là cộng đoàn giáo xứ Châu Ổ đã nói lên sự kề vai sát cánh, sự chia sẻ và hiệp thông của quí cha, quí thầy Chúa Cứu Thế tại giáo xứ Châu Ổ trong suốt 50 năm qua, trong việc xây dựng và phát triển. Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa mà hôm nay những  giọt mưa từ trời rơi xuống đã nói lên điều này. Thiên Chúa đã ban cho tất cả chúng ta, từ giáo xứ cho đến cộng đoàn, rất nhiều hồng ân trong suốt hành trình 50 năm qua và Ngài tiếp tục ban cho chúng ta nữa. Nhưng chúng ta phải biết dừng lại sau hành trình 50 năm để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì những hồng ân lớn lao Ngài đã ban cho, để rồi chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng lãnh nhận tiếp những ơn huệ khác. Vì thế, tâm tình của chúng ta hôm nay là tri ân Thiên Chúa và đồng thời cũng xin Chúa ban nhiều ơn lành, trả công bội hậu cho tất cả những người bằng cách này hay cách khác đã đóng góp vào việc xây dựng giáo xứ Châu Ổ và cộng đoàn để chúng ta có được ngày hôm nay.”

Trong bài giảng lễ, Đức cha đã chia sẻ: “Sở dĩ chúng ta có được thánh lễ hôm nay một cách trọng thể như thế này, tất cả là vì tình thương của Thiên Chúa. Hành trình 50 năm qua, một thời gian thật là dài nửa thế kỷ, Chứa đựng biết bao nhiêu tình thương của Thiên Chúa đối với cộng đoàn giáo xứ và những người chúng ta. Ba đoạn thánh kinh mà chúng ta vừa nghe, trong mỗi đoạn đều có nhắc đến tình thương của Thiên Chúa, bài đọc thứ nhất tác giả Tiên tri Isaia đã nói vì những gì người đã thực hiện bởi lòng người đầy thương xót, bài đọc thứ hai trích thư  gửi tín hữu Roma thánh Phaolô đã nói:  “Thưa anh em vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng thiên chúa”. Và cuối cùng trong đoạn Tin Mừng,  thánh Mt đã thuật lại: “Lúc bấy giờ CGS thấy đám đông thì chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưỡng như bầy chiên không người chăn dắt.” Sứ vụ công khai của CGS được thể hiện qua những tháng những ngày CGS tất bật với công việc rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Không một ai Ngài loại trừ, không một ai mà Ngài không tiếp xúc. Ngài chữa lành tất cả và rao giảng Lời Chúa cho tất cả mọi người. Con số người đến tham dự những buổi nghe giảng ngày càng đông và những người bệnh đã xin Ngài chữa ngày càng nhiều. Và trước mắt Ngài một hình ảnh một bầy chiên tan tác không có người chăn, giờ được qui tụ lại. Ngài cảm thương, Ngài chạnh lòng thương là bởi vì họ thiếu thốn không những  vật chất mà còn về phương diện tinh thần và tôn giáo. Những vị chủ chăn mà Chúa sai đến để phục vụ họ chỉ biết lo cho mình mà không biết lo cho đoàn chiên. Vì thế, CGS là người mục tử nhân hiền. Ngài đã qui tụ họ lại, giảng dạy cho họ, và chữa lành. Tuy nhiên, Ngài cũng muốn cho chúng ta có vinh dự tham gia vào công trình qui tụ này. Ngài đã nói với các tông đồ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến.” Và dĩ nhiên, các tông đồ đã đáp ứng lời của Chúa Giêsu.  Chính Thiên Chúa Cha trên trời ban xuống những thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo từ đó cho đến nay và sẽ tiếp tục mãi. Tất cả là để thể hiện lòng thương xót của Cha trên trời và của CGS đối với những con người mà Ngài nhìn như là những con chiên vất vưởng vì không có người chăn dắt. Một giáo xứ cũng được  hình thành từ hình ảnh đó, cũng như giáo hội nói chung bản chất là qui tụ, có nghĩa là đem tất cả mọi người đoàn tụ về chung quanh Đức Kitô, người mục tử nhân hiền. Chính vì vậy, đứng trước tình thương của Thiên Chúa, tiên tri Isaia đã kêu gọi các độc giả của mình: “Tôi xin nhắc lại ân nghĩa của Đức Chúa, dâng lời ca tụng Đức Chúa, vì tất cả những gì Đức Chúa đã thực hiện cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của Người đối vối Israel, vì những gì Người đã thực hiện bởi lòng Người đầy thương xót.” Tuy nhiên, làm thế nào để bày tỏ lòng tri ân với Thiên Chúa? Làm sao để có thể chúng ta đón nhận ơn Chúa và đáp lại với lòng tri ân? Thánh Phaolô đã dạy chúng ta trong bức thư gửi tín hữu Roma, ngài mô tả Giáo hội như là một thân thể, mà trong thân thể mỗi người là một chi thể, cho dầu không giống nhau về chức năng nhưng tất cả đều cùng chung đóng góp làm cho thân thể đó mỗi ngày một lớn lên.

Trong Giáo hội của Chúa, không phân biệt cao thấp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà. Tất cả đều bình đẳng. Khi anh chị em bước vào một nhà thờ, có khi nào ông bà và anh chị em nghĩ rằng mình có một chổ danh dự trong đó không. Không như ở hội trường hay buổi tiệc, trong nhà thờ là nơi mỗi người chúng ta đều có một chổ ngồi một chổ đứng như nhau, bởi vì tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Vì vậy, mỗi người chúng ta phải ý thức không phải chỉ có giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ mới có được đặc sủng phục vụ, mà mỗi người chúng ta một khi chịu phép rửa tội đều được trao ban cho những đặc sủng khác nhau. Chính nhờ việc thể hiện những đặc sủng khác nhau đó mà tất cả mọi người không trừ ai đều đóng góp vào sự hình thành, lớn lên và phát triển của thân thể Giáo hội.  Một cách cụ thể, Thánh Phaolô đã dạy chúng ta là mỗi người được ban cho những đặc ân thì hãy đáp lại những đặc ân đó, phải sử dụng những đặc ân đó vào mục đích cho cộng đoàn. Ngài nói được ơn làm ngôn sứ thì phải nói sao cho phù hợp với đức tin. Tất cả chúng ta đều là những ngôn sứ. Từ khi chịu phép rửa tội, chúng ta tham sự vào chức vụ ngôn sứ của Đức Kitô để rao giảng niềm tin. Và trước hết, chúng ta phải sống niềm tin đó, bởi vì chúng ta không thể cho người khác cái điều chúng ta không có.

Mỗi người chúng ta đều là ngôn sứ, ai được ơn phục vụ thì phải phục vụ. Khi nói đến phục vụ, chúng ta nghĩ đến hình ảnh một người tôi tớ. Tại sao gọi là ơn phục vụ? Bởi vì trong Giáo hội của Chúa, được làm tôi tớ kẻ khác, được làm những người phục vụ lẫn nhau thì đó là một ơn. Chính CGS đã nêu gương cho chúng ta khi Ngài đến không phải để được kẻ hầu người hạ nhưng là để dâng mình phục vụ tất cả mọi người. Như vậy trong cộng đoàn một giáo xứ tất cả chúng ta đều được hãnh diện, bởi vì được kêu gọi để đóng góp vào công trình của giáo xứ. Ai dạy bảo thì cứ dạy bảo. Không phải chỉ có các linh mục mới là những người dạy bảo nhưng mà chính các bậc làm cha làm mẹ là những người thầy đầu tiên của con cái mình. Ngôi trường đức tin đầu tiên đó chính là gia đình. Vì vậy anh chị em là những người có gia đình, là làm cha làm mẹ anh chị em hãy cố gắng xây dựng đức tin của mình, học hỏi đức tin cho mình, để rồi cuối cùng trao lại đức tin của mình cho con cái. Tiếp đó là những anh chị em GLV, những người mà trong giáo xứ được mời gọi cộng tác vào việc giảng dạy,  anh chị em hãy cố gắng chu toàn.  Ai khuyên răn thì cứ khuyên răn. Thường thường người ta hay né tránh những chuyện khuyên răn,  vì nghĩ rằng mỗi người có một sự tự do. Ai muốn làm gì thì làm, tôi không dám đụng tới.  Thực ra, Thánh Phaolô đã nói rõ, ai có nhiệm vụ khuyên răn thì phải khuyên răn, cũng như ngài đã nói với Timothê là môn đồ của ngài phải giảng dạy cho dù thuận tiện hay không thuận tiện.  Lời chân lý của Chúa chúng ta phải nói ra cho dầu người ta có chấp nhận hay không, cho dầu người ta có những điều chống lại chúng ta. Ai phân phát thì phải chân thật. Thường thường, trong việc phân phát của cải, người ta nói là bàn tay người phân phát có cái chất dính. Khi phân phát cái gì thì dính lại bàn tay của mình một phần. Đó là một điểm yếu trong đời sống con người của chúng ta. Nhưng CGS đã kêu gọi trong một cộng đoàn ai có nhiệm vụ phân phát thì phải chân thật như CGS đã nói: “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì cũng hãy cho nhưng không.” Làm sao để những hồng ân của Thiên Chúa đến với chúng ta tay này thì chúng ta chuyển cho tha nhân sang tay khác.  Ai chủ tọa thì phải có nhiệt tâm. Một người chủ tọa cộng đoàn như cha xứ thì phải có nhiệt tâm, bởi vì cứ nhìn vào hình ảnh của một cha xứ chủ tọa một thánh lễ thì người ta sẽ đánh giá được cái giá trị của thánh lễ đó như thế nào. Nếu không có sự nhiệt tâm của vị chủ tọa thì làm sao có thể loan truyền sức nóng, lòng nhiệt thành đạo đức để cho đoàn chiên của mình. Ai làm việc bác ái thì hãy vui vẻ mà làm. Thường thường khi làm việc bác ái, người ta trao cho người khác những của cải hay những lời khuyên. Nhiều lúc chúng ta không lấy làm vui, nhất là lúc người ta thường đến quấy rầy, lúc phải cho đi rất nhiều đối với những đối tượng mà chúng ta cho rằng khả nghi. Và cuối cùng chúng ta lấy một câu trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ, ngài nói: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác, như vậy anh em mới là những người khéo quản lý những ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa.” Có thể coi đó là một câu kết luận những gì thánh Phaolo đã dạy chúng ta trong các bức thư của ngài.

Kính thưa cộng đoàn, nhìn lại giáo xứ Châu ổ chúng ta, chúng ta thấy rõ ràng là một nơi Chúa chan hồng ân của Thiên Chúa. Giáo xứ Châu Ổ là một giáo xứ nằm ở cực bắc giáo phận Qui Nhơn gồm hai huyện Bình Sơn và Trà Bồng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, được thành lập vào năm 1963, trước đó là một trung tâm truyền giáo do Đức Giám Mục giáo phận lúc bấy giờ là Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thiết lập. Chúng ta biết rằng chương trình truyền giáo của giáo phận Qui Nhơn trong những năm đó rất sâu rộng. Đâu đâu cũng có những người ghi danh để học đạo, vì vậy nhu cầu truyền giáo, giảng dạy giáo lý rất là lớn, cần phải có những trung tâm. Và Châu Ổ là một trong những trung tâm đó. Bước đầu, hai cha sở liên tiếp nhau tại giáo xứ Trung Tín đó là cha Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan và cha Toma Bùi Đức đã có công làm cho trung tâm truyền giáo tại Châu Ổ này lớn lên cùng với sự cộng tác của cha phó là cha Giacobê Nguyễn Thành Tri. Cho đến ngày 25 tháng 3 năm 1963 thì Đức Giám Mục giáo phận đã giao trung tâm truyền giáo Châu Ổ cho các cha Dòng Chúa Cứu Thế và đồng thời cũng nâng lên hàng giáo xứ cho đến ngày nay vừa tròn 50 năm mà hôm nay chúng ta đang mừng lễ kỷ niệm. Song song với việc chăm lo đời sống thiêng liêng của cộng đoàn tín hữu các cha DCCT cộng đoàn Châu Ổ này đã còn nỗ lực chăm lo cho các nhu cầu vật chất, văn hóa và nghề nghiệp của cộng đoàn tín hữu, nào là tìm việc làm cho họ và nhất là mở trường dạy học. Ngày hôm nay có biết bao nhiêu cựu học sinh của những ngôi trường tại đây đã thành tài và phục vụ trong xã hội, trong cơ cấu chính quyền, trong các tổ chức. Đó chính là thành quả lớn lao mà sự đóng góp của các cha trong cộng đoàn này đã mang lại cho vùng đất Châu Ổ này.  Tất cả góp phần vào việc truyền giáo và xây dựng cộng đoàn để chúng ta có ngày hôm nay. Hiện nay giáo xứ Châu Ổ gồm có 16 giáo họ với 934 gia đình và 3249 giáo dân. Đây là giáo xứ có số giáo dân đông nhất giáo hạt Quảng Ngãi và đứng hàng thứ tư trong toàn giáo phận Qui Nhơn. Một thành quả thật là lớn lao, cho dầu chúng ta nếm trãi qua bao năm tháng thăng trầm chiến tranh. Bao nhiêu người đã bỏ ra đi, nhưng mà sự hiện diện nhiệt thành năng động của quí cha, quí thầy DCCT đã giữ người ta lại, đã vượt qua những khó khăn và giờ đây thành một giáo xứ đông đúc. Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa, và dĩ nhiên chúng ta cũng không quên những công lao vất vả của các cha, các thầy cộng tác với ơn Chúa để chúng ta có giáo xứ Châu Ổ với bộ mặt ngày hôm nay. Cùng với tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chúng ta, Giáo phận Qui Nhơn và cộng đoàn Châu Ổ này cũng xin cám ơn quí cha quí thầy đã đang và sẽ tiếp tục hoạt động trong vùng đất này”

Sau lời nguyện cuối lễ, vị đại diện giáo xứ đã nói lên lời cảm ơn những người đóng góp vào sự hình thành của Giáo xứ Châu Ổ:

“Nửa thế kỷ trôi qua, nhớ lại lúc các cha Dòng Chúa Cứu Thế  mới đặt chân về, các ngài gặp toàn khó khăn trở ngại và gian lao khổ cực, vì lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội.., Máu và nước mắt đã đổ ra để giáo xứ Châu Ổ có được ngày hôm nay…. Cộng đoàn chúng con không bao giờ quên ơn các vị thừa sai đầu tiên của nhà Dòng mẹ, với sự cho phép của Đức cha giáo phận, đã gởi đến giáo xứ Châu Ổ chúng con như cha Paquette Quí với chiếc molilette cũ kỹ, ngài ngược xuôi khắp nơi rao truyền Lời Chúa, khai hóa dân trí, giúp đỡ cơm áo cho người nghèo không phân biệt lương giáo. Tiếp tục sứ mạng cao cả đó còn có cha Đỗ Quang Thừa, Hoàng Diệp, Châu Xuân Báu, Nguyễn Đức Điềm … các thầy Marcô Đàn, thầy Thiện, thầy già Thuyết, thầy Triêm, thầy Mẫn, thầy Julien Hiệu, thầy Thiện vv…Công đoàn chúng con cũng không bao giờ quên ơn các cha đã cống hiến hết tuổi thanh xuân, hy sinh dốc hết sức trẻ xây dựng giáo xứ, như quý cha Gioan Nguyễn Thế Thiệp, cha Phaolô Nguyễn Thọ, cha Micae Trương Văn Hành…Trong thánh lễ tạ ơn, toàn thể giáo dân giáo xứ Châu Ổ chúng con xin cầu cùng Chúa trả ơn bội hậu cho các linh mục, tu sĩ nam nữ, cùng các vị cựu chức việc nay đã qua đời, hầu các ngài được hưởng nhan Thánh Chúa nơi thiên đường hạnh phúc. Và xin Mẹ Hằng Cứu Giúp cầu bầu cùng Chúa ban ơn lành và gìn giữ giáo xứ chúng con”

Cha Vinhsơn Phạm Trung Thành, Bề trên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, cũng đã cám ơn Đức cha, quí cha, và chúc mừng giáo xứ. Trong lời đáp từ, Đức cha Matthêô đã cầu chúc cho công việc truyền giáo nơi đây ngày càng phát triển. Sau khi chụp hình lưu niệm, cộng đoàn đã chung vui trong bữa tiệc mừng và thưởng thức các tiết mục văn nghệ bỏ túi với sự đóng góp của cha nhạc sĩ Sơn Ca Linh, cha nhạc sĩ Thành Tâm, và các giáo dân giáo xứ bạn.

 


 
Tác giả bài viết: BTTVHQN
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 2603
  • Tháng hiện tại: 158410
  • Tổng lượt truy cập: 12135197