Trang mới   https://gpquinhon.org

Cao su - Một tình yêu bền chặt

Đăng lúc: Thứ hai - 27/03/2017 19:43

CAO SU_MỘT TÌNH YÊU BỀN CHẶT
 
“Được yêu thương đã là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Trao ban yêu thương lại là một hành động cao quý nhất mà chúng ta có thể làm”.

     Một mùa hè yêu thương đã dẫn dắt tôi đến với các trẻ em nghèo nơi vùng núi Lộc Ninh-Bình Phước. Nơi ấy đa phần là người dân tộc Raglai, chỉ một số ít người Kinh cư ngụ. Tôi được trải nghiệm hai tuần ở vùng đất mà nói sao nhỉ: những cánh rừng cao ru bạt ngàn, xứ sở của sự bền chặt. Khí hậu ở vùng cao thật chẳng dễ chịu -ban ngày trời nắng gay gắt, một cái nóng khiến người ta dễ bực bội trong người, ban đêm lại trái hẳn nhiệt độ xuống thấp, những cái hắc xì hơi lại có dịp xông pha trận mạc. Tôi đến vào mùa khí hậu mang tính chất của người con gái “mưa nắng thất thường”. Đoàn chúng tôi hết thảy là 27 chiến binh, tất cả đều sẵn sàng cho một trận chiến đầy cam go thử thách. Tôi được phân công dạy các em lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 9 ở bộ môn Ngữ Văn. Các bạn thấy rồi đó, số lượng 27 cô giáo sinh trẻ phân bổ từ lớp 1 đến lớp 12 mà từ lớp 1 đến lớp 5 thì mỗi khối có 2 lớp thì quả thật là một điều khó nhọc. Nhưng ra đi trong tình yêu của Thiên Chúa thì khó khăn nào cũng trở nên hạnh phúc. Tôi ra đi trong niềm vui, niềm hân hoan như được Thầy sai đi trong mùa gặt vậy. Nhưng không dễ như tôi tưởng tượng, các em nơi đây đang thiếu một cái gì đó mà nhìn vào ánh mắt các em tôi cảm thấy được điều ấy. Và mãi đến ngày sắp rời chân đi, tôi mới nhận ra được. Một sự muộn màng nhưng tôi không hối tiếc, vì tôi thấy các em đã được đổi mới qua từng ngày, tôi biết Chúa đang hoạt động nơi chúng tôi và chính Ngài tác động đến các em qua ngọn lửa yêu thương mà Ngài truyền cho chúng tôi. Trở lại các em nhỏ nơi đây (đa phần là người đồng bào) rất mến khách nhưng ngược lại các em lại không dám mở lòng mình ra để đến với vị khách đó, mà chúng tôi chính là những vị khách. Điều chúng tôi phải làm là mở lòng các em ra và chúng tôi vui sướng khi ngày ra đi những cái ôm, những nụ cười, những cái siết tay, những dòng nước mắt mà các em gửi tặng chúng tôi.

    Thật là một chặng đường khó khăn, buổi ban đầu tôi cứ ngỡ mình sẽ chẳng thiết thân được với các em, chẳng thể giúp các em được gì ngoài mớ kiến thức từ sách vở kia. Nhưng cầu nguyện, cầu nguyện sẽ tăng sức mạnh nơi bạn rất nhiều. Và tôi đã cầu nguyện, ơn Chúa soi sáng nơi tôi “Con muốn làm thay đổi người khác, muốn cõi lòng họ mở ra đón nhận tình yêu nơi con; thì trước hết con hãy mở cõi lòng mình ra rồi mọi sự sẽ đươc theo như ý con”. Tôi đã làm được các bạn ạ, một kinh nghiệm đức tin nơi tôi. Về đời sống tinh thần là bước đầu biến đổi các em. Còn về việc học. Các bạn biết không? Số lượng học sinh tiểu học nhiều hơn hẳn so với bậc trung học. Sồ lượng các em đồng bào từ cấp 2 trở lên rất ít. Tôi nhớ có lần một em học sinh lớp 4 chia sẻ: “Sau này con sẽ đi chăn trâu phụ ba mẹ để ba mẹ khỏi vất vả”. Mới nghe qua ta chỉ sẽ thấy nơi em không có lòng ham học chỉ muốn đi chăn trâu, chỉ muốn sống đời vô tư thế thôi. Nhưng đằng sau những ngôn từ đó chất chứa bao nỗi niềm của các em nhỏ Raglai và phần nào đó chúng ta cũng mường tượng ra được cuộc sống vất vả khó khăn của người đồng bào nơi đây.

   Hằng ngày từ thứ hai đến thứ bảy, chúng tôi đón các em từ 6 giờ với bữa sáng là những tô mì gói. Có lẽ đối với chúng ta đó chỉ là bữa ăn lót dạ, ăn khi thèm nhưng với các em, đó lại là một bữa sáng ngon và hạnh phúc vì được mọi người quan tâm. Một kỉ niệm mà tôi khó quên với một em đồng bào, lúc tôi và em đã quen thân nhau, sau giờ tan học tôi nắm lấy tay em dẫn ra cổng nhà thờ (Cha mở lớp dạy học tại nhà thờ) để ra về, bàn tay em siết chặt lấy tôi, bước chân em chậm dần. Tôi mới hỏi: “Sao vậy con? Đi nhanh không ba mẹ đợi lâu nào”.Em nhìn tôi một hồi rồi trả lời: “Cô ơi! Đi chậm chậm thôi cô, con muốn được như thế này lâu hơn chút nữa”. Các bạn biết đấy, đó không chỉ là tình yêu thương em bé giành cho tôi mà còn nói lên: các em rất cần sự quan tâm, yêu thương từ người Kinh. Vì tôi thấy các em như có khoảng cách với người Kinh hay chính các em người Kinh nơi đây tự tạo khoảng cách cho riêng mình vậy. Nhớ buổi ban đầu mới xuống, cứ đến gần các em là các em chạy đi nơi khác, đụng vào các em là các em né đi chỗ khác. Và đó cũng là điều mà tôi đã đọc được trong mắt các em: cần sự quan tâm. Quay lại chuyện học tập của các em, có em phải đi bộ cả 6 cây số đến nhà thờ từ lúc 4 giờ sáng vì cha mẹ lên rẫy sớm không chở ra được. Mới thấy các em rất ham học nhưng không đủ điều kiện để đến trường và không có ai gieo vào đầu các em những ước mơ, hoài bão để giúp ích cho đời, cho người khác.

     Tôi viết ra đây những tâm tình mà tôi cảm nhận và trải nghiệm được từ chuyến hành trình hai tuần nơi vùng đất nghèo Bình Phước. Tôi ấn tượng nhất là giờ đọc kinh buổi tối, cứ khoảng bảy giờ Cha và các Thầy sẽ chia ra bốn nhóm đến các địa điểm khác nhau để đọc kinh trong các Sóc đồng bào. Cha xứ thuộc dòng truyền giáo nên Cha đã đem tình yêu thương của Chúa rải đều trên cánh đồng truyền giáo. Đồng bào Raglai cũng mở lòng mình đón nhận hồng ân Thiên Chúa, nơi ấy người dân đã lần lượt rủ nhau quay về ngôi nhà chung dấu yêu cùng nhau đắp xây nên ngôi nhà Chúa thật ấm cúng và vững chắc như những cánh rừng cao su bạt ngàn vững chân trong gió chiều bão táp.

Hãy là muối
Uớp cho đời vị mặn
Hãy là ánh sáng
Rọi cho đời tươi vui
 


 
Tác giả bài viết: Phanxica Nguyễn Thị Ngọc Thảo.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 13
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 90822
  • Tổng lượt truy cập: 12235082