Trang mới   https://gpquinhon.org

Chiếu Tỏa Niềm Tin Cùng Với Đức Maria

Đăng lúc: Thứ tư - 07/10/2015 17:18
CHIẾU TỎA NIỀM TIN CÙNG VỚI ĐỨC MARIA
 

Kính thưa Quý Cha,

Trong cuộc tĩnh tâm tháng 10 hôm nay, chúng ta cùng chia sẻ với nhau đề tài cuối cùng của năm “CHIẾU TỎA NIỀM TIN”. Đây cũng chính là chủ đề của  Bài giáo huấn số 50 trong lịch Phụng Vụ 2014-2015 giáo phận Qui Nhơn : “Thánh Giacôbêđã dạy : “Đức tin không việc làm là đức tin chết” (2,17). Việc làm của đức tin (…) đó chính là biết sẵn sàng chia sẻ, biết cho đi, cho dù một chút nhỏ bé nhưng phải đong đầy lòng mến. Hình ảnh “bà góa trong Tin Mừng”nhắc chúng ta đến một người nữ khác, mà ĐTC Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 288, đã thân thương gọi là “Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Âm hóa”. Đó là Mẹ Maria mà cuộc hành trình “chiếu tỏa niềm tin” hôm nay của chúng ta cần có Mẹ đồng hành”.

          Năm Phụng Vụ sắp kết thúc. Giáo phận Qui Nhơn đã chọn “chiếu tỏa niềm tin” làm chủ đề học hỏi suy tư trong suốt năm qua cho mọi thành phần Dân Chúa. Sau một năm đào sâu đề tài dưới nhiều góc độ, giờ đây chúng ta nhìn ngắm gương mẫu niềm tin của Đức Maria, rồi đến hoa trái là đức bác ái, để cùng chiếu tỏa niềm tin với Mẹ trong cuộc lữ hành của mình.
 
1. Sự vâng phục trong đức tin của Đức Maria

Trong kế hoạch nhiệm mầu và đầy lòng nhân ái, Thiên Chúa vô cùng toàn hảo và hạnh phúc nơi bản thân mình, đã quyết định sáng tạo con người, để con người được thông phần vào sự sống diễm phúc của Người, là sự sống vĩnh cửu,  có được do con người “nhận biết Chúa Cha là Thiên Chúa đích thực duy nhất và Đấng được Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Vì thế, Thiên Chúa đã không ngừng kêu gọi, giúp đỡ con người trong việc tìm kiếm, nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài (x. GL. HTCG 1). Việc con người đáp lại lời mời gọi đó, bằng cách đem trọn trí khôn và ý chí quy thuận theo ý muốn của Thiên Chúa, được gọi là sự vâng phục trong đức tin.

Công Đồng Vaticanô II, trong khi mời gọi toàn thể các tín hữu tôn vinh và biệt kính Đức Maria, một người nữ vượt cao trên muôn thần thánh và loài người (x. Lumen Gentium 53 ; 66), thì cũng đã giới thiệu hình ảnh của Đức Maria trong dáng vẻ một người đang âm thầm “tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin” (LG 58). Không những thế, Công Đồng vừa xác nhận vừa nêu cao : “Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Hội Thánh trên bình diện đức tin, đức ái và sự kết hiệp hoàn hảo với Đức Kitô” (LG 63). Công Đồng lại quả quyết : “Hội Thánh càng tìm kiếm vinh quang Chúa Kitô thì càng nên giống Khuôn Mẫu cao cả của mình nhờ luôn tiến tới trong đức tin, đức cậy, đức mến và tìm kiếm cùng vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự” (LG 65). Công Đồng còn lưu ý các tín hữu rằng để “chiến thắng tội lỗi hầu tiến bước trên đường thánh thiện” thì phải “ngước mắt dõi nhìn Đức Maria là một mẫu gương nhân đức sáng ngời trên toàn thể cộng đồng những người được chọn” (LG 65).

Như vậy, qua hình ảnh “một người lữ hành đức tin” đến một “khuôn mẫu cao cả” sống đức tin của Hội Thánh và của toàn thể các tín hữu, Công Đồng đã muốn làm sáng tỏ lịch sử nội tâm của Đức Mẹ Maria, “người thiếu nữ Sion tuyệt vời” (LG 55) đã đi theo vết chân của tổ phụ Abraham, “cha những kẻ tin”, mà khi nói đến, thánh Phaolô đã có những lời ca tụng đẹp nhất : “Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có. Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán : “Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế” (Rm 4,11-18).

Nếu như Abraham là mô hình về sự vâng phục đức tin mà Thánh Kinh đề ra, thì Đức Maria lại là sự thực hiện hoàn hảo nhất của sự vâng phục đức tin đó (x. GL. HTCG 144). Thực vậy, Đức Maria đã “quy tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao cả nhất của đức tin” (LG 65). Cuộc đời Đức Mẹ được đan dệt bằng những hành vi phó thác cho Thiên Chúa - Đấng đã nói với Mẹ qua lời của Sứ Thần truyền tin và qua từng biến cố trên muôn nẻo đường cuộc sống - với một sự quy thuận của trọn vẹn con người Mẹ. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần, Đấng hằng “kiện toàn đức tin qua các ân huệ của Ngài” (Dei Verbum 5), đã làm cho niềm tin của Mẹ “mỗi ngày mỗi sáng suốt hơn và được diễn tả một cách mới mẻ hơn”, và có thể nói, “được bộc phát, được bừng lên như ngọn lửa cháy sáng, ngọn lửa ban sự sống của Thánh Thần” (Redemptoris Mater 36).

Chúng ta có thể thấy trong cuộc hành trình niềm tin của Mẹ, Đức Maria đã phải trải qua “những đêm tối của đức tin”. Gặp những tình huống như thế, Mẹ không hề nao núng, không hề xét lại, dẫu khi nghe cụ già tiên tri Simeon loan báo lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,35); dẫu phải trải qua khó xử với thánh Giuse vì đã mang thai trước khi về chung sống; dẫu phải sinh con và sống trong khó nghèo; dẫu phải trốn chạy cuộc lùng bắt tàn bạo của vua Hêrôđê để rồi sống kiếp tha hương nơi đất khách quê người  Ai Cập (x. Mt 1-2 ; Lc 2). Nhất là đối diện với cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người Con yêu dấu, Mẹ vẫn tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa và “tự hiến hoàn toàn như nữ tỳ của Chúa, để phục vụ cho thân thể và sự nghiệp của Con Mẹ” (LG 56). Trước sau như một, Mẹ vẫn sắt son “trung thành hiệp nhất với Con cho đến chân Thập giá, là nơi mà theo thánh ý Thiên Chúa, Mẹ đã đứng đó” (LG 58). 

Vì thế, trong ngàn năm mới này, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã kết luận: “Cuộc lữ hành đức tin tuyệt vời của Mẹ đã trở nên điểm quy chiếu căn bản cho Hội Thánh, cho mỗi cá nhân và toàn thể, cho các dân nước, và nói được, cho toàn thể nhân loại” (RM 6).

2. Đức tin hành động qua đức ái

Sau Công Đồng Vaticanô II, người ta nhận định rằng Hội Thánh tại Á châu vươn lên cách mạnh mẽ. Có nhiều giáo dân nhiệt thành, tràn đầy Thần Khí và ý thức hơn về ơn gọi chuyên biệt của mình trong cộng đoàn. Có nhiều phong trào tông đồ và đoàn sủng mang đến một luồng sinh khí mới cho giới trẻ và gia đình trong việc sống Tin Mừng. Có nhiều chứng tá anh dũng đến mức đổ máu là nguồn mạch cho sự giàu có thiêng liêng, và là hạt giống phát sinh một mùa gặt các linh hồn chín mùi phong phú. Được như thế là vì Hội Thánh tại Á châu, trong đó có Hội Thánh Việt Nam, ý thức mạnh mẽ hơn về bản tính truyền giáo và trách nhiệm truyền giáo của mình, đồng thời nỗ lực dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng.

Chúng ta thấy rõ điều ấy hơn bao giờ hết nơi giáo phận Qui Nhơn trong bối cảnh hiện nay. Trong những năm qua, nhiều giáo xứ, giáo họ biệt lập đã được thành lập hay tái lập. Các mục tử đã được chuyển đổi rộng khắp, để chăm sóc và góp phần đẩy mạnh việc truyền giáo. Các hội đoàn như Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio, Mến Thánh Giá Tại Thế,v.v… được thành lập trong nhiều giáo xứ để làm “men muối Tin Mừng” trên mọi miền giáo phận. Các giới như Gia Trưởng, Hiền Mẫu,… được xây dựng hoặc củng cố để tham gia công tác tông đồ. Các lớp giáo lý dự tòng, hôn nhân được mở liên tục nhiều nơi để thông truyền và củng cố đức tin…. Nói được là chúng ta đang theo đuổi chủ trương của Thánh Giám Mục Têphanô Thể : “Phương pháp tốt nhất để đức tin của các giáo hữu vững vàng là đào tạo họ thành những tông đồ truyền giáo”. Giáo phận chúng ta đang ở trong sự thao thức và nhiệt thành truyền giáo đó.

Một trong những thể hiện của sự dấn thân loan báo Tin Mừng Chúa Kitô, mà hiệu quả của nó góp phần không nhỏ vào sứ mạng truyền giáo, đó là việc bác ái. Đây thực là đức tin hành động, hay nói cách khác, đức tin phát sinh đức ái. Thật thế, trong tông thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Tới, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng tình bác ái khai mở một sự phục vụ phổ quát, nó linh hứng trong chúng ta sự dấn thân yêu người cách thực tế và cụ thể. Đó là một phương diện phải đánh dấu rõ ràng cuộc sống Kitô hữu cũng như toàn bộ hoạt động và chương trình mục vụ của Hội Thánh. Thế kỷ và ngàn năm mới đang bắt đầu bây giờ phải cần thấy, và hy vọng còn thấy rõ hơn, cộng đồng Kitô hữu phải cống hiến tới mức nào để có thể đến với những kẻ nghèo nhất qua đức ái (số 49). Theo Đức Thánh Giáo Hoàng, bên cạnh những trẻ nhỏ, Chúa Giêsu đặt những anh chị em thấp hèn nhất, đó là những kẻ khốn cùng, những người nghèo, những kẻ đói khát, những người ngoại kiều, những kẻ không áo mặc, những bệnh nhân, những anh chị em bị giam cầm..v.v... Khi tiếp đón và yêu thương họ, hoặc ngược lại khi đối xử cách lãnh đạm và từ chối họ, chúng ta nói lên thái độ của mình đối với Chúa, bởi vì Chúa hiện diện đặc biệt nơi những anh chị em đó (x. Mt 25,35-37). 

Thư Mục Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam nhiều năm trước với chủ đề “Loan Báo Tin Mừng” cũng đã dạy chúng ta hãy xem việc bác ái như là một phương diện thực hành truyền giáo : Việc bác ái cụ thể được thấy qua những cứu trợ thiên tai, giúp đỡ người nghèo về mọi mặt. Việc bác ái trong lâu dài phải nhắm đến phát triển toàn diện, giúp người nghèo có một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, vì “phát triển là tên gọi mới của hòa bình” (x. Progressio Populorum). Những hoạt động xã hội bác ái là những lời rao giảng dễ được đón nhận, vì “người đương thời sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe các thầy dạy, bởi vì chính các thầy dạy cũng là những chứng nhân” (Evangelii Nuntiandi 41). Những hành vi bác ái là những trang Phúc Âm sống động, giúp anh chị em ngoài Công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn (số 11,12).  Chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh đến chiều hướng này trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng : “Ưu tiên tuyệt đối của việc “đi ra” khỏi bản thân chúng ta để đến với anh chị em chúng ta là một trong hai giới răn lớn làm nền tảng cho mọi qui tắc luân lý và là dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận ra sự tăng trưởng thiêng liêng trong việc đáp lại ân huệ cho không hoàn toàn của Thiên Chúa. Vì lý do này, “việc phục vụ bác ái cũng là một yếu tố cấu thành của sứ mạng Hội Thánh và là một biểu hiện thiết yếu của chính sự hiện hữu của Hội Thánh” (ĐGH Benedicto XVI, tự sắc Intima Ecclesiae Natura). Hội Thánh tự bản chất là truyền giáo ; Hội Thánh tràn trề đức ái hiệu quả và một sự cảm thông có sức thấu hiểu, giúp đỡ và phát huy” (số 179).

Tuy nhiên, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận, với biệt tài dí dỏm, đã cảnh báo chúng ta về một số loại bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu. Có loại bác ái ồn ào : bác ái phóng thanh ! Có loại bác ái kể công : bác ái ngân hàng ! Có loại bác ái nuôi người : bác ái sở thú ! Có loại bác ái khinh người : bác ái chủ nhân ! Có loại bác ái theo ý : bác ái độc tài ! (Đường Hy Vọng, số 756). Ngài còn tế nhị nhắc chúng ta rằng : “Ký sổ vàng, mua vé số, cho quần áo cũ có khi đó chỉ là những việc bác ái để khỏi bị quấy rầy ! Yêu thương mới là khó. Hãy để lòng con trong sổ vàng, trong vé số, trong gói quần áo cũ!” (số 740). “Tại sao con hà tiện một tiếng khen, tiếc nuối một nụ cười, một siết tay với người ta ? Bao nhiêu người không cần tiền bạc, chỉ cần lòng con” (số 785). Vì thế, chúng ta đừng bao giờ nói : “Tôi không làm việc bác ái được, vì tôi không có tiền !”. “Chỉ có tiền mới bác ái sao ? Bác ái bằng nụ cười, bác ái bằng bắt tay, bác ái bằng thông cảm, bác ái bằng thăm viếng, bác ái bằng cầu nguyện” (số 741).

Có một điểm chung quan trọng được coi là cùng đích của việc bác ái và truyền giáo mà chúng ta có thể thấy được nơi Đức Maria. Mẹ Maria nghèo khó, không tiền không bạc, có lúc không cửa không nhà, Mẹ không đi rao giảng, nhưng Mẹ có một món quà quý nhất để cho các mục tử ở Bêlem, cho ba vị đạo sĩ phương Đông, cho Simeon và Anna ở Đền Thánh, và cho nhân loại ở Gôlgôtha. Mẹ đã thinh lặng cho họ Chúa Giêsu, món quà mà chỉ Mẹ có, món quà ấy giảng thay cho Mẹ, vì đó là Ngôi Lời (sđd số 932). Như thế, Mẹ Maria đã trao ban nhiều nhất cho con người và là nhà truyền giáo tuyệt vời nhất.
 
3. Ngôi Sao của cuộc Tân Phúc Am hóa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nơi những số cuối của tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, đã nói : “Chúng ta xin Mẹ của Tin Mừng hằng sống cầu bầu cho chúng ta để toàn thể cộng đồng Hội Thánh chấp nhận lời mời gọi vào một giai đoạn mới của việc Phúc Âm hóa này. Mẹ là người nữ của đức tin, bước đi trong đức tin, và “cuộc hành trình đức tin đặc biệt của Mẹ đại diện cho một điểm quy chiếu liên tục của Hội Thánh”. Mẹ để cho mình được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần, qua một cuộc hành trình đức tin, hướng về một số phận phục vụ và sinh hoa trái. Bây giờ chúng ta hãy nhìn lên Mẹ, để xin Mẹ giúp chúng ta công bố sứ điệp cứu độ cho mọi người, và biến các môn đệ mới thành những nhà truyền giáo siêng năng” (số 287).

Số 288: “Có một “kiểu” Maria trong hoạt động truyền giáo của Hội Thánh. Bởi vì mỗi khi chúng ta nhìn lên Đức Mẹ, chúng ta lại tin vào sức mạnh cách mạng của sự dịu dàng và lòng trìu mến. Trong Mẹ, chúng ta thấy rằng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những người yếu đuối nhưng của những người mạnh mẽ, là những người không cần phải đối xử tồi tệ với người khác để cảm thấy rằng mình quan trọng. Nhìn lên Đức Maria, chúng ta khám phá ra rằng Mẹ ca ngợi Thiên Chúa vì “Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi ngai vàng” và “đã cho người giàu có trở về tay không” (Lc 1,52.53), giống như một người đem hơi ấm đến cho việc theo đuổi công lý của chúng ta. Đây cũng là người “cẩn thận giữ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19). Đức Maria biết làm thế nào để nhận ra bước chân của Thần Khí Thiên Chúa trong những biến cố lớn và ngay cả trong những biến cố dường như không thể nhận thấy được. Đó là chiêm niệm về mầu nhiệm của Thiên Chúa trong thế gian, trong lịch sử và trong đời sống hằng ngày của mỗi người và mọi người. Chính Mẹ là người phụ nữ cầu nguyện và làm việc ở Nazareth, và cũng là Đức Mẹ Giúp Đỡ, một người “vội vã” rời làng mình để đi giúp đỡ người khác (Lc 1,39). Động năng này của công lý và sự dịu dàng, chiêm niệm cùng đi đến với những người khác, là những gì làm cho Mẹ trở nên một mô hình cho việc truyền giáo của Hội Thánh. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ để qua lời cầu nguyện từ mẫu của Mẹ, Mẹ giúp cho Hội Thánh trở nên một nhà cho nhiều người, một người mẹ cho tất cả các dân tộc, và làm cho có thể phát sinh một thế giới mới. Chính Đấng Phục Sinh đã nói với chúng ta, bằng một quyền năng, đổ đầy chúng ta với lòng tin tưởng và niềm hy vọng không gì có thể lay chuyển nổi : “Này Ta làm mọi sự ra mới” (Kh 21,5). Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy tin tưởng tiến về phía lời hứa này, và hãy cùng nhau cầu nguyện :
 
Lạy Mẹ Maria, Nữ Trinh và Hiền Mẫu
là Đấng đã được Chúa Thánh Thần tác động,
đã đón nhận Lời ban sự sống tận đáy lòng khiêm cung,
khi Mẹ phó thác hoàn toàn cho Đấng Vĩnh Hằng,
xin giúp chúng con biết thưa “xin vâng”
trong sự cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ hết,
để loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu.
(…)
Lạy Ngôi Sao của Tân Phúc Âm hóa,
xin giúp chúng con tỏa sáng qua việc làm chứng nhân của sự hiệp thông,
của phục vụ, của đức tin nhiệt thành và quảng đại,
của công lý và tình yêu dành cho người nghèo,
để cho niềm vui của Tin Mừng có thể đi đến tận cùng của trái đất
và không có ngoại vi nào mà không có ánh sáng của nó.
 
Lạy Mẹ của Tin Mừng hằng sống,
nguồn mạch của niềm vui cho những người bé nhỏ,
xin cầu cho chúng con. Amen. Alleluia!”. 
 

 
Tác giả bài viết: Laurenso M. Phan Ngọc Bích, CMC
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 33
  • Hôm nay: 5913
  • Tháng hiện tại: 155055
  • Tổng lượt truy cập: 12131842