Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 6 (Tuần V)

Đăng lúc: Thứ năm - 27/06/2013 18:22
 
NHỮNG TỘI NGHỊCH ĐỨC TIN
 
(Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo, các số 644, 1381, 2088- 2089)
Các tội nghịch đức tin kitô giáo cách trực tiếp nhất là không tin, lạc giáo, bội giáo, ly giáo và hoài nghi.
 


          Hoài nghi:
  • Hoài nghi là nghĩ rằng chân lý phải tin có thể không đúng. Sự hoài nghi đi ngược với yếu tính của đức tin, vì tin là dựa trên uy tín của Thiên Chúa là Đấng chân thật chứ không phải dựa trên sự hiển nhiên của chân lý mạc khải. Nhưng để có một sự đánh giá đúng đắn về trách nhiệm luân lý của thái độ hoài nghi, chúng ta cần phải phân biệt các loại hoài nghi liên quan đến đức tin: Trước hết, theo sách giáo lý của Hội Thánh công giáo, có hai thứ tội hoài nghi: “Cố tình nghi ngờ trong lãnh vực đức tin là tội thờ ơ hay không nhìn nhận những điều Thiên Chúa đã mạc khải và Hội Thánh dạy phải tin là chân thật. Vô tình nghi ngờ là sự do dự khi tin, là sự khó khăn khi vượt qua những vấn nạn về đức tin hay thậm chí sự lo lắng do bóng tối của đức tin gợi lên. Sự nghi ngờ, nếu được cổ võ cách có chủ ý, có thể dẫn tới sự mù quáng của tâm trí” (Sách giáo lý HTCG, số 2088).
     
  • Như thế, cố tình hoài nghi là một thái độ cố chấp chống lại ánh sáng của lương tâm hay là một phán đoán phát xuất từ một lương tâm đồng lõa với bóng tối, là một thái độ có cân nhắc, có suy nghĩ và chấp thuận. Nó cũng phát xuất từ sự thiếu tin tưởng vào tính chân thật của Thiên Chúa mạc khải hoặc từ sự tự phụ và không vâng phục huấn quyền của Giáo Hội. Tội ấy nặng hay nhẹ tùy theo tầm mức quan trọng của chân lý mà người ta cố tình hoài nghi. Nếu đó là một chân lý chính yếu của kho tàng mạc khải thì sự hoài nghi ấy cũng giống như lạc giáo, vì thế, Giáo Hội đã xếp sự hoài nghi này bên cạnh lạc giáo như Giáo luật điều 751 có nói: “Lạc giáo là ngoan cố chối bỏ một chân lý phải tin với đức tin thần khởi và Công giáo hoặc ngoan cố hồ nghi về chân lý ấy sau khi đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội”.
     
  • Vô tình hoài nghi là sự hoài nghi tự nhiên bộc phát trong tâm trí, nhưng chưa có sự đồng thuận của chủ thể. Thí dụ: Có thể có một lúc nào đó chúng ta sẽ bị cám dỗ hoài nghi về mục đích, về kết quả của việc lựa chọn sống nghèo theo Đức Kitô : Sống như thế liệu có mang lại hạnh phúc cho tôi không ? Cứ sống bình thường như mọi người cũng tốt thôi ! Có thật sự sống nghèo như thế sẽ mang lại những hiệu quả thiêng liêng tốt đẹp không? Nhiều nghi vấn xuất hiện. Đó là sự hoài nghi vô tình hoặc là một cám dỗ. Xét theo luân lý thì sự hoài nghi ấy không có tội. Nhưng nếu người ấy không chịu tìm hiểu để vượt qua sự hoài nghi, thì họ có tội. Còn nếu họ mau mắn chống lại và cố gắng học hỏi để khai sáng vấn đề thì chẳng những họ không có tội, mà còn có công nghiệp.

     
  • Như vậy, gặp khó khăn thắc mắc về đức tin không phải là tội, và còn có thể là dấu hiệu của một đời sống đức tin có ý thức, bởi vì người ít quan tâm đến đức tin thì đâu có cảm thấy thắc mắc về đức tin. Nói cách khác, sự hoài nghi nào xảy đến trong tiến trình tìm hiểu đức tin của một ý muốn chân thành hướng về chân lý thì không thể bị coi là có tội. Vì thế, nhiều khi Thiên Chúa cũng có thể cho phép như thế để thử thách và tinh luyện đức tin của chúng ta, và nếu chúng ta luôn luôn trung thành với lương tâm, thì Thiên Chúa sẽ giúp đỡ để cuối cùng chúng ta tìm thấy được một đức tin chắc chắn và kiên vững.
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Bá Trung
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 103
  • Khách viếng thăm: 68
  • Máy chủ tìm kiếm: 35
  • Hôm nay: 26311
  • Tháng hiện tại: 230066
  • Tổng lượt truy cập: 12519778