Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 8 (tuần I)

Đăng lúc: Thứ năm - 01/08/2013 18:55
NHỮNG TRỢ GIÚP CHO VIỆC GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Lời Chúa - Bí tích - Phụng
(Sách GLGHCG các số 131,1102,1122,1154,2716/1123,1305/1083,1204,1206)



Đề tài tháng Tám là “những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin: Lời Chúa, Bí Tích và Phụng vụ”. Bài này phần lớn được trích lược từ bài thuyết trình “những trợ giúp cho việc giáo dục đức tin: Lời Chúa, Bí Tích và Phụng vụ” với sự cho phép của Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Giám đốc Chủng Viện Qui Nhơn và được phân chia cho 4 tuần như sau:
  1. Đức tin và Lời Chúa
  2. Đức tin và Bí Tích
  3. Đức tin và Phụng Vụ 1
  4. Đức tin và Phụng Vụ 2
 
TUẦN I (04/08/2013)
 ĐỨC TIN VÀ LỜI CHÚA
1. Lời Chúa phát sinh đức tin
Mạc khải Thánh kinh thiết yếu là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Việc rao giảng Lời Chúa làm phát sinh đức tin như thánh Phaolô khẳng định «Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô» (Rm 10,17).

Sách Tông đồ công vụ cho thấy đã có thêm lối ba ngàn người tin vào Đức Giêsu Kitô (Cv 2,41) khi Thánh Phêrô công bố Tin Mừng về mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Đức Kitô,  và từ đó số tín hữu của Chúa Kitô càng đông đảo và lan rộng trên khắp thế giới nhờ rao giảng Lời Chúa.

2. Lời Chúa và sự đáp trả

Đứng trước Lời Chúa, thái độ căn bản của con người là lắng nghe và «phải bày tỏ ‘sự vâng phục bằng đức tin’ (Rm 16,26; x. Rm 1,5; 2 Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự do ký thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách dâng  lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí và bằng cách tỏ ý ưng thuận mạc khải Người đã ban» (MK số 5).

Trong ngôn ngữ Thánh kinh, từ ngữ nghe, không có nghĩa chỉ lắng tai chăm chú, nhưng là mở lòng (tim) mình ra với Thiên Chúa (Cv 16,14), là thực thi Lời Chúa (Mt 7,24), là sự vâng phục của đức tin khi nghe lời rao giảng (Rm 1,5; 10,14).

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 1102 đã dạy «việc công bố Lời Chúa không dừng lại ở lời giảng dạy, nhưng mời gọi người nghe đáp trả bằng đức tin, nghĩa là họ phải ưng thuận và dấn thân vào giao ước giữa Thiên Chúa và Dân Người. Cũng chính Chúa Thánh Thần ban ơn đức tin, giúp đức tin lớn lên và vững mạnh trong cộng đoàn. Cộng đoàn phụng vụ trước hết là sự hiệp thông trong đức tin».

3. Lời Chúa củng cố và nuôi dưỡng Đức tin

Lắng nghe Lời Chúa là một lệnh truyền của Chúa và cũng là nhu cầu cần thiết cho con người vì đem lại lợi ích cho chính con người. Lời Chúa là hồng ân Chúa ban. Lời hằng sống đem lại sự sống cho con người. Bởi đó việc lắng nghe Lời Chúa không những làm phát sinh đức tin mà còn nuôi dưỡng và kiện toàn đức tin nữa. Quả thật, Công đồng Vatican II nói; «chính Lời cứu độ nuôi dưỡng đức tin trong tâm hồn tín hữu; chính đức tin này khai sinh và phát triển cộng đoàn tín hữu». Chúng ta xác tín rằng «Lời Thiên Chúa sống động và hữu hiệu» (Dt 4,12), «có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến» (Cv 20,32).

Thật vậy, tác động của Lời Chúa rất mạnh mẽ trong đời sống đức tin của Hội Thánh, cộng đoàn và cá nhân. Tự bản tính Lời Chúa là một quyền năng cứu độ. sự tăng trưởng của Hội Thánh được đồng hóa với tăng trưởng của Lời Chúa (x. Cv 6,7; 12,24; 19,20);. Đặc biệt, đối với cá nhân, Lời Chúa đem lại sự tái sinh (x. 1 Pr 1,23; Gc 1,18, Ep 5,26). 

4. Mẫu gương lắng nghe Lời Chúa

Mẫu gương biết lắng nghe, đón nhận và để Lời Chúa hướng dẫn đời mình là chính Đức Maria. Mẹ thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói nơi Mẹ (x. Lc 1,45). Mẹ có phúc, vì Mẹ có đức tin, Mẹ đã đón tiếp vào lòng mình Ngôi Lời Thiên Chúa và Mẹ để cho mình được Lời Thiên Chúa biến đổi.

Trong lịch sử Hội Thánh không thiếu gương các thánh được Lời Chúa tác động mạnh mẽ và nâng đỡ đức tin trong cuộc đời của mình. Thánh Augustinô khi đọc đoạn Lời Chúa Rm 13,13, ngài cảm nghiệm rằng những lời đó như một ánh sáng của sự bình an được đổ vào trong tâm hồn của thánh nhân, và tất cả những bóng tối của sự nghi ngờ biến mất. Thánh nhân đã thú nhận với Thiên Chúa rằng «Ngài đã xuyên thủng trái tim chúng con bằng tình yêu của Chúa, và chúng con mang lời Ngài, Lời đã được cắm sâu vào trong lòng chúng con».

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã khám phá ra tình yêu như ơn gọi riêng của người khi nghiền ngẫm Kinh Thánh, đặc biệt các ở 1Cr 12 -13, thánh nữ đã nói: “Em chỉ việc liếc vào Tin Mừng, là lập tức em ngửi thấy hương thơm cuộc đời Chúa Giêsu và em biết em phải chạy về phía nào

5. Gợi ý thực hành

Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 131 nói rõ rằng: «Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Hội Thánh, ban sức mạnh đức tin, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Hội Thánh». Vì vậy Công đồng Vatican II nói «phải mở rộng đường cho các Kitô hữu đến với Thánh Kinh». Do đó chúng ta phải cố gắng để mỗi gia đình, mỗi giáo xứ  trở nên “cộng đoàn kinh thánh” thực sự, nghĩa là cả cộng đoàn phải có sự hiểu biết, yêu mến và sống Lời Chúa một cách sâu sắc. Cụ thể, mỗi gia đình cần phải có một cuốn Thánh Kinh và mỗi ngày suy niệm và sống một câu Lời Chúa.


 
Tác giả bài viết: Lm. PM. Hà Đức Ngọc
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 56
  • Khách viếng thăm: 41
  • Máy chủ tìm kiếm: 15
  • Hôm nay: 15101
  • Tháng hiện tại: 242732
  • Tổng lượt truy cập: 12532444