Trang mới   https://gpquinhon.org

Đề tài học hỏi tháng 9: Đức ái: không mừng khi thấy sự gian ác ...

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/08/2014 04:10
ĐỀ TÀI THÁNG 9:
ĐỨC ÁI: KHÔNG MỪNG KHI THẤY SỰ GIAN ÁC,
NHƯNG VUI KHI THẤY ĐIỀU CHÂN THẬT (1Cr 13,6)
 

"Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật" (1Cr 13,6). Câu Thánh Kinh này được Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo diễn tả như sau: "Niềm vui tinh thần và vẻ đẹp luân lý đi đôi với việc thực thi điều thiện. Cũng vậy, chân lý mang lại niềm vui và ánh huy hoàng của vẻ đẹp tinh thần" (số 2500).
 
I. "KHÔNG MỪNG KHI THẤY SỰ GIAN ÁC"

Gian ác đồng nghĩa với sự dữ và đối nghịch với sự tốt lành. Theo Thánh Kinh, con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Mạnh Tử cũng quan niệm "nhân chi sơ tính bản thiện", tức là bản tính nguyên thủy của con người vốn tốt lành. Tuy nhiên vì loài người phạm tội nên sự gian ác đã nhập vào thế gian.

Kể từ ngày đó sự gian ác đã để lại dấu ấn sâu đậm trên bản tính con người, khiến họ luôn cảm thấy bị xâu xé giữa thiện và ác. Sự gian ác đang tồn tại và hoành hành trong cuộc sống của con người dưới nhiều hình thức, nào là tai ương bệnh tật, đói nghèo, bất công, hận thù, ghen ghét,v.v.

 Con người vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của sự gian ác, vì gốc rễ của sự gian ác chính là ác tâm của con người, như lời Chúa Giêsu đã nói: "Vì từ lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống" (Mt 15,19).

Là nạn nhân của sự gian ác, chúng ta cảm thấy đau khổ. Vậy thì tại sao chúng ta làm sự gian ác cho kẻ khác để họ phải đau khổ? Khổng Tử đã dạy: "Điều gì anh không muốn người ta làm cho mình, thì đừng làm cho người ta". Và Chúa Giêsu đã mặc cho lời dạy ấy một hình thức tích cực: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12).

Đức ái đòi buộc chúng ta không những không được làm điều ác cho tha nhân, mà còn không được vui mừng khi thấy điều gian ác nơi tha nhân, cho dù họ là nạn nhân hay tác nhân của sự gian ác ấy. Chúng ta hãy "vui với người vui, khóc với người khóc" (Rm 12,15) chứ không ngược lại.

"Kẻ nào tự cho phép mình nhắm mắt bịt tai trước những điều xấu xa thì chẳng bao lâu cũng sẽ che giấu những điều xấu xa trước mặt mọi người" (Ruxô)
 
QUYẾT TÂM:

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người” ( Mt 6,33)
 
ÁP DỤNG THỰC HÀNH

Thực thi lòng thương xót theo gương Chúa Giêsu
 
II. "NHƯNG VUI KHI THẤY ĐIỀU CHÂN THẬT"

Chúa Giêsu đã liên kết đề tài thứ nhất với đề tài thứ hai này khi Người cho thấy sự gian dối phát sinh từ sự gian ác: "Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỉ" (Mt 5,37). Ma quỉ là đầu mối mọi điều gian ác và mọi gian dối. Kẻ làm điều ác thì cũng sống gian dối để tìm cách che giấu điều gian ác của mình, như lời Chúa Giêsu đã nói: "Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách" (Ga 3,20).

Được Đức Kitô giải thoát khỏi điều gian ác và gian dối, chúng ta phải sống tốt lành và bước đi trong ánh sáng chân lý. Trong Thánh Kinh, chân lý mang ý nghĩa gần giống hay đồng nghĩa với chân thật. Vì thế Thiên Chúa vừa được gọi là Chân lý, vừa được gọi là Đấng chân thật. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên phải sống theo chân lý và sống chân thật. Người chân thật là người chấp nhận và tuân phục chân lý được biểu lộ qua lời và lề luật của Thiên Chúa.

Sách Giáo lý của Hội Thánh công giáo dạy: "Chân lý hoặc sự chân thật là một nhân đức, cốt tại việc con người tỏ ra mình thành thật trong các hành vi của mình, và thành thật trong các lời nói của mình, tránh xa lối sống hai mặt, dối trá và đạo đức giả" (số 2505).

Chân thật cũng là một nhân đức xã hội giúp ta mở ra với tha nhân, phát triển các mối quan hệ, tạo sự tin tưởng lẫn nhau và nối kết mọi người thành một cộng đoàn được xây dựng trên sự hiệp thông. Vì thế thánh Phaolô đã dạy: "Một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau" (Ep 4,25).

Đức ái không những đòi buộc chúng ta phải sống chân thật với nhau như anh em một nhà, mà còn khiến chúng ta vui mừng khi thấy mọi người biết tôn trọng, tìm kiếm, thông truyền và nhất là thực hành chân lý.

QUYẾT TÂM

Không bao giờ lừa dối nhau dưới bất cứ hình thức nào.

ÁP DỤNG THỰC HÀNH

"Một lời nói dối, sám hối bảy ngày". (Tục ngữ Việt Nam).

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Cha từ ái, xin dạy chúng con luôn biết sống công bình ngay chính noi gương Chúa Giêsu Con yêu quí của Cha. Nhất là xin cho chúng con biết tránh xa điều gian ác bất công, nhưng luôn yêu quí và thực hành điều ngay thật, để xứng đáng nên con thảo của Cha. Amen .
 
 
 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Khách viếng thăm: 4
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 4410
  • Tháng hiện tại: 93552
  • Tổng lượt truy cập: 12237812