Trang mới   https://gpquinhon.org

Lược sử giáo xứ Công Chánh

Đăng lúc: Thứ năm - 14/03/2013 23:07

GIÁO XỨ CÔNG CHÁNH

Bổn mạng : Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

 
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:
 
Giáo xứ Công Chánh gồm thị trấn Tuy Phước và các xã Phước Nghĩa, Phước Lộc và một phần Phước Hiệp, tiếp cận địa giới các giáo xứ Kim Châu, Gò Thị, Tân Dinh, Ngọc Thạnh và Qui Đức. Trung tâm sinh hoạt của giáo xứ là nhà thờ Công Chánh, thị trấn Tuy Phước.
 
II. NGUỒN GỐC VÀ PHÁT TRIỂN
 
Phải nói sự hình thành của giáo xứ Công Chánh có nguồn gốc từ sự hình thành của trung tâm truyền giáo Phú Huề mà cha Augustinô Nguyễn Thanh Long làm Giám đốc. Trung tâm này có 3 cụm: Phú Huề [1], Tây Định (Nam An) và Công Chánh. Tuỳ thời, tuỳ việc, nơi nào cũng có linh mục đến đó một thời gian: Cha Phêrô Lê Vĩnh Phước ở Phú Huề, cha Stêphanô Cao Tấn Truyện ở Nam An, cha Nguyễn Thanh Long ở Tân Dinh và nhiều cha ở Công Chánh như sẽ được trình bày sau. Từ đó nhiều giáo điểm được thành lập và sau này trở thành giáo họ [2].
 
Mặc dù không có tài liệu nào chính xác để lại đề cập đến sự hình thành, nhưng nhờ sổ rửa tội và hôn phối và một số Status Animarum cũng như sự đóng góp hiểu biết của các cha đã kiêm nhiệm trước đây mà chúng ta có thể lược kể được nguồn gốc và diễn tiến.
 
Năm 1959 cha Augustinô Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm truyền giáo Phú Huề [3]. Trước khi lập trung tâm truyền giáo Phú Huề, Phú Huề đã có một số gia đình xin theo đạo. Cha sở Qui Nhơn Phêrô Nguyễn Đình Tịch cử thầy bốn Nguyễn Xuân Lịch [4] đến dạy giáo lý. Để đáp ứng nhu cầu số tân tòng gia tăng, cha Tịch xây nhà thờ và nhà ở gần bên nhà thờ. Nhà thờ nầy được dâng kính Thánh Giuse [5]. Để phục vụ cho việc truyền giáo, cha Long đã lập một trường học tại trung tâm truyền giáo Phú Huề. Ba nhà này hiện nay nhà nước quản lý tất cả.
 
Năm 1961 tại Công Chánh, trung tâm huyện Tuy Phước, cha Long cho xây một nhà thờ gần 400 m2 và một nhà xứ gần 100 m2  gồm một trệt và một lầu để chuẩn bị cho cụm này thành một giáo xứ trong tương lai. Sau năm 1975, chính Quyền thị trấn Tuy Phước lấy nhà xứ này làm trường học [6] . Lúc bấy giờ con số tân tòng đã lên đến gần 4.000 người thuộc trung tâm truyền giáo Phú Huề. Chiếu theo các sổ Status Animarum còn để lại, cho thấy  sinh hoạt đạo đức đã có cơ sở và khá sầm uất. Người ta có thể đếm đến hàng chục nhà thờ, nhà nguyện lớn nhỏ trong các giáo họ. Năm 1962 cha Augustinô Nguyễn Thanh Long cho xây một ngôi nhà thờ tương đối lớn tại thôn Tây Định (Nam An) để đáp ứng nhu cầu cho số giáo dân khá đông lên đến 2.000 người tại vùng này, và cũng nhằm đưa lên thành giáo xứ trong tương lai. Nhà thờ Nam An này hiện nay nhà nước quản lý làm kho.

Lúc bấy giờ trung tâm truyền giáo Phú Huề có đến 4.000 giáo dân, nhiều giáo họ được thành lập: Công Chánh, Mỹ Điền, Hưng Nghĩa, Thọ Nghĩa, Trung Tín, Lạc Trường, Thuận Nghi, Phú Huề, Nam An (Tây Định), Xóm Dừa (Bình Thạnh), Tường Vân, Phú Vinh, An Thạnh, Hưng Thạnh, và 02 họ đạo cũ Phú Trung, Trường Úc, hầu như nơi nào ngài cũng cho xây nhà nguyện nho nhỏ để kinh nguyện, nhưng nay cái thì hư sập, cái thì bị phá, cái thì trưng dụng.
 
Ngoài ra ngài cũng cho tu sửa lớn nhà thờ Phú Trung và nhà thờ Trường Úc nằm trên phần đất của trung tâm truyền giáo Phú Huề thuộc ngài coi sóc.
 
Trong các giáo họ thành viên để hình thành giáo xứ Công Chánh, chúng ta cũng cần biết rõ thêm: Họ Phú Trung đã có trong danh sách nhà thờ nhà nguyện do cha Guillaume Rivoal ghi năm 1747 lúc bấy giờ có 50 tín hữu [7]. Theo lời truyền tụng : năm 1850, khi theo đạo, ông Bùi Văn Siêu [8] cúng thửa đất và xây nhà thờ tại thôn Vĩnh Thế, rồi 3 lần dời và xây lại cho đến yên vị tại thôn Vĩnh Hy ngày nay. Trước năm 1927 Phú Trung thuộc giáo xứ Tân Dinh, đến năm 1927 thuộc giáo xứ Cây Da (Ngọc Thạnh), khi đó số giáo dân là 119 người, có một linh mục xuất thân từ họ đạo này, là cha Marinô Tú. Trước khi qua đời ngài làm Bề Trên nhà hưu dưỡng Đại An, cũng có một Dì Phước Mến Thánh Giá xuất thân từ Phú Trung, và khi chết được an táng tại quê mình.
 
 Họ Trường Úc được khai sinh vào thời cha Phanxicô Xaviê Huỳnh Công Ẩn làm cha sở Tân Dinh (1907-1923) với sự dạy dỗ kinh bổn của hai thầy giúp xứ là Phaolô Nguyễn Tưởng và Luy Nguyễn Bảo [9]. Nhà thờ đầu tiên cha Ẩn xây vào năm 1916, bão sập năm 1933. Năm 1934 cha Miễn làm lại và năm 1964 cha Augustinô Long làm lại kiên cố hơn. Từ ban đầu họ đạo này có 9 gia đình, những lão làng Phong Thạnh (Trường Úc) còn truyền lại rằng vào thời bắt đạo, đến Qui Nhơn chỉ có một con đường và có một trạm canh, đặt một cây Thánh giá trên đường, ai bước qua thì đi, ai không bước qua hay tháo lui thì bị giết và chôn. Ngày nay còn có nhiều mộ chôn tập thể lẫn lộn với ruộng mà tục danh gọi là đám “cấm cố”.
 
Công việc đang tiến triễn, cha Augustinô Nguyễn Thanh Long sức khoẻ kém, ngài thường dưỡng bệnh tại Chợ Dinh, lúc ở Phú Huề. Sau năm 1963, việc mục vụ của giáo xứ Công Chánh này, vùng thì giao cho giáo xứ Ngọc Thạnh với cha Augustinô Nguyễn Thanh Huệ, vùng lại trao cho giáo xứ Qui Đức năm 1964-1967
 
Năm 1968 cha Phêrô Nguyễn Quang Báu thay cha Huệ làm cha sở Ngọc Thạnh kiêm Công Chánh. Trong thời điểm năm 1968-1970 có cha Đôminicô Chau Phận nghỉ bệnh và làm mục vụ tại Công Chánh.
 
Năm 1970 cha Augustinô Long trở lại làm cha sở Công Chánh kiêm Tân Dinh, lúc bấy giờ cha sở Tân Dinh, Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu đã từ trần. cuối năm 1972 cha Augustinô thường trú tại Chủng Viện Làng Sông để chỉ lo cho Tân Dinh vì ngài yếu bệnh. Cha Giuse Phan Văn Hoa, quản lý giáo Phận đến Công Chánh làm mục vụ trong các ngày Chúa Nhật thay cha Augustinô Nguyễn Thanh Long một thời gian.
 
Đầu tháng 06 năm 1974, cha Phaolô Trương Đắc Cần từ Quảng Nam về Qui Nhơn. Cha Cần được Đức cha Phaolô Huỳnh Đông Các nhờ thường trực làm mục vụ tại giáo xứ này.
Tháng 05 năm 1975 cha Phêrô Hoàng Kym được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh và kiêm nhiệm giáo xứ Công Chánh.
 
Theo tổng kết lịch giáo phận năm 1973, Công Chánh đã có tên trong danh sách các giáo xứ với số giáo dân 580 người; năm 1974 : 614 người; năm 1975 : 624 người.
 
Ngày 23 tháng 10 năm 1997 cha Phêrô Hoàng Kym được bổ nhiệm làm cha sở Qui Đức, cha Gioakim Huỳnh Công Tân được bổ nhiệm làm cha sở Tân Dinh và kiêm nhiệm Công Chánh.
 
Ngày 03 tháng 07 năm 2005, cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh được bổ nhiệm làm chánh xứ Công Chánh. Thầy Giuse Nguyễn Bá Thành , em ruột cha Thanh, vừa mãn Đại Chủng Viện, cũng được chỉ định giúp xứ tại đây.
 
Ngày 14 tháng 05 năm 2011, cha Gioakim Nguyễn Ngọc Minh được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Công Chánh. Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh được bổ nhiệm làm cha sở Phú Hữu.
 

III. HIỆN TÌNH  CÁC GIÁO HỌ (năm 2013) :

 
 
STT GIÁO HỌ NHÀ THỜ, NHÀ NGUYỆN Tình hình G/dân
X.DỰNG HIỆN TRẠNG GIA ĐÌNH  GIÁO DÂN
1 Công Chánh 1961 đang xây dựng 60 217
2 Phú Trung 1946 đang xây dựng 65 227
3 Trường Úc tu sửa 1998 còn 60% 34 116
4 Thọ Nghĩa không còn   13 48
 
Do hoàn cảnh, giáo xứ Công Chánh thiếu vắng linh mục thường trực từ thời cha Augustinô Nguyễn Thanh Long tới khi cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh được bổ nhiệm làm chánh xứ, hằng tuần, chỉ có thánh lễ Chúa Nhật, những ngày trong tuần, giáo dân tập họp đọc kinh và sinh hoạt với nhau. Đến nay, giáo xứ có cha sở, có Thầy giúp xứ, và nhất là có Thánh lễ hằng ngày, các sinh hoạt tôn giáo được khởi sắc.
 
Về mặt cơ sở vật chất cũng bị hư hại nhiều, nhà thờ Công Chánh xuống cấp, ruôi mè, cột kèo mối mọt, và được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn cho tu sửa lại bằng tole thay ngói (1999), tàm tạm đủ an toàn cho giáo dân kinh lễ, nhưng nay vách tường đã nghiên xiêu. Sau 31 năm giáo xứ Công Chánh không có cha sở ở tại chỗ, nhà xứ đã bị trưng dụng, Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh và thầy giúp xứ dùng tạm phòng mặc áo lễ làm nhà ở. Thời gian sau, cha Thanh đã xây dựng nhà xứ khang trang.
 
 Nhà thờ Trường Úc cũng xuống cấp, được tu sửa lại năm 1998 bằng cột kèo bêtông cốt sắt, mái tole kiên cố.
 
Nhà thờ Phú Trung đang được cha Gioakim xây dựng mới.
 
Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi chủ sự thánh lễ làm phép đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Công Chánh. Nhân dịp nầy Đức cha cũng làm phép Hang đá Đức Mẹ và đài Thánh Giuse.

Công Chánh - Lúc 9 giờ sáng ngày 13/03/2013 Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Giám mục giáo phận Qui Nhơn đã chủ sự thánh lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ giáo xứ Công Chánh.
 
Nhà thờ giáo xứ Công Chánh được cha Augustinô Nguyễn Thanh Long xây dựng từ năm 1961. Sau  nhiều năm nhà thờ Công Chánh xuống cấp, ruôi mè, cột kèo mối mọt. Năm 1999 Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn cho tu sửa lại bằng tole thay ngói (1999), tàm tạm đủ an toàn cho giáo dân kinh lễ, nhưng nay vách tường đã nghiên xiêu. Ngày 14 tháng 05 năm 2011, cha Gioakim Nguyễn Ngọc Minh được Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm làm cha sở Công Chánh thay thế cho Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Thanh được bổ nhiệm làm cha sở Phú Hữu. Cha Gioakim đã bắt tay vào việc tái thiết lại nhà thờ, khởi đầu với nhà thờ Phú Trung, hôm nay với nhà thờ Công Chánh.
 
Trước khi cử hành thánh lễ, cùng với sự tham dự đông đảo của giáo dân giáo xứ Công Chánh và các giáo xứ bạn, Đức cha đã chủ sự nghi thức làm phép hang đáng Đức Mẹ, tượng đài thánh Giuse được xây dựng mới nằm trong khuôn viên nhà thờ giáo xứ. Kết thúc nghi thức, đoàn đồng tế và cộng đoàn giáo dân tiến vào nhà thờ trong khi ca đoàn hát bài ca nhập lễ “chúng con về nơi đây dâng ngàn tiếng ca, chúng con về nơi đây để tạ ơn Thiên Chúa….”.
 
Trước khi cử hành nghi thức sám hối, cha Hạt trưởng hạt Bình Định Giuse Lê Kim Ánh đọc văn thư  của Đức Giám Mục Giáo Phận Qui Nhơn : “chấp thuận cho Cha sở GIOAKIM NGUYỄN NGỌC MINH và giáo dân giáo xứ Công Chánh tiến hành xây dựng Nhà Thờ mới Công Chánh thay cho Nhà Thờ cũ.”  
 
Chia sẻ trong bài giảng Đức cha Matthêô  đã nêu bật  hai điểm chính yếu như sau : - Nhà thờ mới sẽ được xây dựng trên đá tượng trưng cho nền tảng của đức tin. Việc xây dựng đền thờ không dừng lại ở đền thờ vật chất mà còn quy tụ và xây dựng một cộng đoàn tín hữu sống đức tin. – Đá là biểu tượng của Đức Kitô, Ngài là đá tảng vững chắc để trên nền tảng đó đời sống đức tin của con người được xây dựng ngày thêm bền vững. Sau bài giảng Đức cha đã làm phép viên đá biểu tượng, thiết đặt nền móng vững chắc để ngôi nhà thờ mới sẽ được xây dựng trên đó.
 
Trước khi kết thúc thánh lễ, Đức cha đã mượn lời Thánh Vịnh 126 “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” để mời gọi cộng đoàn cùng nhau tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, đồng thời dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng ban phát mọi ơn lành. Qua đó ngài cũng kêu gọi sự đóng góp của mỗi thành phần trong giáo xứ, cũng như mời gọi lòng quảng đại của các ân nhân xa gần để nhà thờ mới mau chóng hoàn thành.
 
 
 

[1] trụ sở chính
[2] theo Status Animarum còn để lại
[3] xã Phước Hậu, nay là phường Nhơn Phú
[4] gốc Thái Bình
[5] Thông tin địa phận số 13/1959, tr.20
[6]  Nhà xứ nầy hiện nay chính Quyền còn trưng dụng
[7]  Sống trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên, Lm Đỗ Quang Chính, trang 302
[8]  gốc An Tân, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, con Cháu 5 đời hiện nay vẫn còn
[9] cả hai sau này đều làm linh mục

Tác giả bài viết: Gioan Võ Đình Đệ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 50
  • Hôm nay: 8282
  • Tháng hiện tại: 87545
  • Tổng lượt truy cập: 12064332