Trang mới   https://gpquinhon.org

Kí ức hành hương I (Hoa Biển 18)

Đăng lúc: Thứ hai - 21/09/2015 04:16
TÔI THẤY NHỮNG TRÁI TIM
GIỮA ĐỒNG THƠ XANH NGÁT
* Anna Dương Thị Thái Chân (Gx.Ngọc Thạnh)
 
Chào các bạn! Mình là một cái mủ lưỡi trai, nhưng không phải là chiếc mũ bình thường đâu nhé. Để mình nói cho các bạn biết, mình là một chiếc mũ văn hóa. Cô chủ mình bảo là, không phải ai cũng được đội mình lên đầu đâu, chỉ có những con người văn hóa mới được đội chiếc mũ văn hóa thôi. Giờ thì mình sẽ khoe với các bạn về “hành trình văn hóa” tuyệt vời của cô chủ và mình trong chuyến hành hương ba ngày vừa qua các bạn nhé.
“Giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn lần VI” - Đó là dòng chữ màu đỏ được in trên nền mũ trắng ngay trán mình. Có tới hơn 200 bạn mũ có “ngoại hình” giống y hệt mình vậy đó. Sau khi tạm biệt nhà máy mẹ nơi bọn mình sinh ra, tụi mình được chuyển đến Chủng viện Qui Nhơn. Chuyến đi chính thức của những cái mũ bắt đầu từ đây. Ngay khi các cô cậu chủ đón nhận mình, ngay khi tụi mình nằm ngay ngắn trên đầu của những bạn trẻ yêu thơ văn, ngay khi tiếng còi khai mạc “Hội trại Trao giải và Hành hương Giải văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn vang lên; thì cũng chính là lúc tất cả mọi người nơi đây trở thành một gia đình - gia đình Đặng Đức Tuấn - gia đình văn hóa.
Cô chủ mình có mặt tại chuyến hành hương này với mục đích chính là nhận giải thưởng danh giá của cuộc thi “Văn thơ Linh mục Đặng Đức Tuấn”. Các bạn biết không, đêm trao giải ngoài trời hôm ấy trong mắt mình đẹp lắm nhé. Buổi tối ấy, khi mọi người đang nao nức hồi hộp trong không khí nhộn nhịp của lễ trao giải, thì một cơn mưa hạ ập đến. Cái đẹp mà mình muốn nói đến là ở đây nè, các bạn đang nghĩ rằng mình thấy cơn mưa đẹp đúng không? Không phải đâu, mưa trong lễ trao giải ngoài trời chẳng đẹp tí nào! Nhưng chính hành động của các bạn trẻ nơi đây làm mình ấn tượng. Họ vẫn ngồi im lặng nghe công bố, họ vẫn sôi nổi ca hát và nhảy múa khi có yêu cầu, họ vẫn nở nụ cười trên môi dù những hạt mưa đang dần trở nên nặng hạt. Chỉ khi có hiệu lệnh, họ mới đi tìm chổ trú mưa. Các trại sinh nơi đây đều sống rất kỉ luật và có tinh thần trách nhiệm hẳn hoi đấy nhé; chứ không như một số con người mà mình biết, luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên nguyên tắc tập thể. Giờ thì mình hiểu tại sao cô chủ gọi tất cả mọi người nơi đây là một gia đình văn hóa rồi.
“Gia đình văn hóa” thì tất nhiên là làm những công việc mang tính văn hóa rồi các bạn nhỉ! Nhưng nếu như kể chi tiết mọi khoảnh khoắc đẹp trong chuyến đi này thì chẳng giấy bút nào viết nổi đâu các bạn à. Điều mình cảm nhận được nơi hội trại này không chỉ là những chuyến đi đến các địa danh khác nhau, không chỉ là những trò chơi vui nhộn của Ban tổ chức dành cho các trại sinh, không chỉ là kinh nghiệm được đúc kết trong suốt chuyến đi. Mà trên hết tất cả những điều ấy, đó chính là TÌNH NGƯỜI. Những cái mũ như tụi mình thì chẳng biết thế nào là gọi là “tình người” đâu, cho đến khi con người dùng chính tụi mình để thể hiện nên tình cảm thiêng liêng ấy…
Mình vẫn còn nhớ như in cái đêm tại giáo xứ Vườn Vông, tất cả các trại sinh được bố trí chỗ ngủ trong một ngôi nhà trống. Trống ở đây là chẳng có giường, chẳng có gối như đêm hôm trước ở Chủng viện Qui Nhơn đâu. Các cô cậu chủ cứ thế mà lăn ra sàn nhà nằm vậy đó. Nhìn vậy chứ thấy vui phết! Nhưng lúc này có một cô bạn trại sinh nhỏ, hình như nhỏ tuổi nhất đoàn hay sao ấy, không ngủ được vì không có gối để kê đầu. Thế là tất cả mọi người dồn hết những cái mũ như tụi mình lại, nhét vô một cái áo, lấy dây thun buộc chặt 2 đầu. Vậy là tụi mũ nhà mình đã trở thành chiếc gối êm ái để cô bé trại sinh kia có một đêm thật ngon giấc rồi. Nếu như các bạn trẻ này không có tình thương, thì những cái mũ như tụi mình sao có thể trở thành chiếc gối tình cảm ấy được phải không các bạn?
Cho đến ngày hôm sau, vào buổi trưa nắng ơi là nắng, tại địa điểm hành hương là nhà thờ Kiên Ngãi, cô chủ mình thì mặt đỏ hừng hừng, mồ hôi nhễ nhại đứng xếp hàng để chào cha quản xứ. Mình biết cô chủ bị say nắng rồi, hình như sắp xỉu luôn hay sao ấy. Nhưng may thật, lúc ấy bỗng nhiên có ba anh chị trại sinh khác đến bên cô chủ, dùng chính cái mũ anh em với mình quạt cho cô chủ mình đỡ nóng. Nhờ thế mà cô chủ của mình dần dần tỉnh táo lại và tiếp tục tham gia với mọi người. Không ngờ ngoài việc che nắng che mưa, những cái mũ như tụi mình cũng có thể quạt cho con người mát nữa cơ. Tự dưng lúc đấy, mình muốn được quạt cho cô chủ mát giống như mấy thằng bạn mũ của mình ghê. Mình cũng muốn thể hiện tình cảm với cô chủ, giống như con người trao ban tình cảm cho nhau vậy đó.
Thời khắc chia tay, những dòng lưu bút nghẹn ngào, những lời nhắn gửi thân  thương của các bạn trẻ được gửi gắm cho nhau trên những chiếc mũ. Chúng mình lúc này tự hào lắm, vì giờ đây chúng mình trở thành một vật lưu niệm vô giá đối với các cô cậu chủ. Sẽ chẳng có gì quý hơn những kỉ niệm đẹp trong ba ngày trại vừa qua, sẽ chẳng có gì sánh bằng kỉ vật lưu giữ nỗi niềm thương nhớ.  Chợt thấy tâm hồn của mọi người nơi đây thật là đẹp, chợt thấy tình người sao mà ấm áp đến thế!
Và các bạn biết không, để có được những ngày trại tuyệt vời vừa qua, đều là nhờ công lao to lớn của một người cha kính yêu. Người cha ấy chính là thi sĩ của Chúa, là người thầy đã truyền cảm hứng sáng tác văn thơ ca ngợi Thiên Chúa cho các bạn trẻ, là người cha của đại gia đinh văn hóa Đặng Đức Tuấn. Vâng, đó là Cha Trăng Thập Tự - một con người trên cả tuyệt vời - một vị linh mục mà ai ai cũng đều yêu mến và kính trọng.
Giờ đây, mình sẽ kết thúc câu chuyện hôm nay bằng những dòng nhật kí mà mình vô tình đọc được. Đây chính là tâm tình của cô chủ mình và có lẽ cũng là tâm tình của những bạn trẻ khác, những người muốn gửi gắm tình cảm cũng như lòng biết ơn sâu sắc dành cho vị cha già đáng kính ấy.
“Mỗi một mùa hội trại đi qua, con lại thấy tóc cha càng thêm nhiều sợi bạc; da cha dường như nhiều nếp nhăn hơn và cha cũng yếu đi rất nhiều. Nhưng không vì thế mà cha từ bỏ công việc tông đồ, không vì thế mà cha để những nụ thơ vừa mới chớm nở bơ vơ giữa đồng xanh ngát.  Cha vẫn âm thầm hy sinh, làm những công việc đẹp lòng Thiên Chúa và tròn bổn phận của một người linh mục. Cha ơi, cha mãi là tấm gương sáng để chúng con noi theo. Con chỉ mong sao cha luôn khỏe mạnh để cha có thể hoàn tất mọi kế hoạch mà cha dự định.
Cha kính yêu, ngay giây phút này đây, con chợt nhớ lại hình ảnh của con 6 năm về trước. Lúc ấy con là một con bé rụt rè, nhút nhát, chẳng biết làm văn và cũng chẳng biết viết thơ. Và rồi Thiên Chúa đã cho con biết đến cha qua những cuộc thi văn thơ mà cha tổ chức. Con đã thử dũng cảm tham gia và nhờ ơn Chúa con đã chiến thắng bản thân, mạnh mẽ hơn và dần vững bước trên con đường văn thơ tuyệt đẹp mà cha đã vẽ nên. Mỗi một mùa hè trôi qua cũng chính là mỗi trải nghiệm mới con có được nơi ngôi nhà chung Đặng Đức Tuấn, để nhờ đó con trưởng thành hơn trong môi trường học tập và vui chơi thật bổ ích đấy, để nhờ đó con ngày càng hăng say làm công việc tông đồ và phục vụ nhà Chúa. Nếu không có cha, con chẳng thể nào lớn lên được. Nếu không có cha, con mãi mãi sống trong vỏ bọc yếu đuối và tự ti. Nếu không có cha, con sẽ không bao giờ khám phá ra rằng con có thể ngợi khen Thiên Chúa bằng một cách rất đỗi tuyệt vời, chính là  qua lời văn câu thơ của con.
Cảm ơn cha đã mang con đến gần hơn với Thiên Chúa để con có thể mang Thiên Chúa đến gần với mọi người xung quanh. Cảm ơn cha - vị cha già kính yêu của con”.
 
 
MỘT NHÀ
* Maria Huỳnh Thị Dạ Thảo (Gx.Châu Me)
 
"Người nhóm này, người nhóm kia; người Do Thái, người Hy Lạp; người từ hướng Đông, người từ hướng Tây; người dù da trắng, hay da màu… đều có chung một Chúa là Cha…". Vâng, đúng là như vậy! Dù cho chúng tôi là những người ở Bình Định, Phú Yên hay Quảng Ngãi, nhưng một khi chúng tôi bước vào Hội trại ĐẶNG ĐỨC TUẤN thì tất cả đã là “Một”. “Một” ở đây là một "mái nhà", một "tổ", một "xe" và đặc biệt là một "Cha". Nhờ Cha đã soi đường dẫn lối tôi đến với Hội trại văn thơ lần này. Hội trại ĐẶNG ĐỨC TUẤN không chỉ là nơi để chúng tôi có thể phát huy tiềm năng của bản thân, mà còn là nơi giúp chúng tôi biết thêm nhiều bạn bè trong Giáo phận, và hơn nữa là nơi để chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về tình thương giữa anh chị em với nhau. Đến với Hội trại Đặng Đức Tuấn không ai có thể quên được những giây phút vui vẻ nhất, những trò chơi hấp dẫn nhất, những bất ngờ "độc nhất vô nhị". Nhưng với riêng tôi thì "giọng cười dã man", khẩu hiệu "XIN VÂNG" và những cái tên "Lục Anh, Hoàng Anh, Hoàng Thư, Mỹ Trà...” vẫn in mãi trong tâm trí tôi.
Tôi nhớ như in ngày đầu khi tôi bước vào Hội trại chẳng khác nào vừa bước vào một thế giới mới, mọi thứ dường như quá xa lạ đối với tôi vì đây là năm đầu tiên tôi tham gia. Nỗi cô đơn và nhớ nhà bắt đầu "nhảy cẩng" lên trong lòng tôi. Nhưng sau đó đến giờ nhập trại mọi thứ đã thay đổi. Đầu tiên các bạn trong tổ làm quen với nhau. Các bạn đến từ các giáo xứ như Trường Cửu, Tịnh Sơn, Kim Châu, Phú Hữu... đều tự giới thiệu về bản thân và những nét đẹp ở giáo xứ của các bạn ấy. Tôi cũng vậy, cũng muốn nói lên những nét đẹp của giáo xứ tôi. Nhưng đến lượt tôi thì tôi chả nói được chữ nào, tim tôi đập "thình thịch", mặt thì đỏ phừng lên. Mấy anh chị em thấy vậy vỗ tay hát hò cho tôi thoải mái hơn. Và từ giây phút đó tôi bắt đầu hòa vào cuộc vui của tổ.
Ngày thứ nhất đã trôi qua, sáng 28 chúng tôi chia tay nhà thờ chính tòa lên đường đi hành hương tham quan các giáo xứ lân cận. Tổ chúng tôi là tổ 1, mang tên Trà Kiệu với khẩu hiệu “Xin vâng”. Vì là tổ 1, tổ đầu tiên nên xe chúng tôi dẫn đầu cuộc hành hương. Đây cũng là tổ khởi đầu cho những giọng hát, tiếng cười vang lên trong từng xe. Không thể nào quên được những bài nhạc chế của tổ: "1 con vịt xòe ra… 2 con thằn lằn con đua nhau cắn đứt đuôi… con chim non...". Tôi đã từng tham gia nhiều hội trại nhưng chưa có hội trại nào mang lại nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc, và những kỉ niệm như hội trại của người Công giáo chúng ta.
Nơi đầu tiên mà đoàn hành hương đặt chân tới là giáo xứ Phú Thạnh. Đến đây tôi mới được biết đây là một giáo xứ không nhiều giáo dân, nhưng với sự nhiệt tình và lòng yêu mến Chúa thì tất cả mọi hoạt động và phong trào của Giáo phận, giáo dân đều tham gia và hưởng ứng rất nhiệt tình. Rồi đoàn hành hương rời giáo xứ Phú Thạnh đến thăm các giáo xứ khác. Không chỉ riêng tôi mà tất cả anh chị em trên xe đều không muốn xuống xe, chỉ muốn ngồi và đi mãi trên xe thôi vì không khí trên xe thật vui, và nơi đây chúng tôi cảm nhận được tình thương của những người trong tổ.
Đoàn hành hương đã đi tới ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng. Giờ phút chia tay gần đến, nỗi buồn đã bắt đầu len lỏi trong tâm trí của mỗi người chúng tôi. Chúng tôi đều biết cuộc vui nào rồi cũng tàn, nên mọi người vẫn chơi đùa, hát cùng nhau, không để nó làm ảnh hưởng tới cuộc vui chung. "Bảo tàng Quang Trung" là điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình. Nơi đây, chúng tôi đã cùng chụp hình lưu niệm, cùng trao nhau những cái ôm, những cái bắt tay tạm biệt đượm tình anh em. Và rồi giờ phút chia tay cũng đến, nhiều anh chị đã nói đùa rằng: "Nơi đây sắp phải đổi tên thành dòng sông Quang Trung rồi!". Thật mà giỡn, giỡn mà thật. Những giọt nước mắt tiếc nuối của mọi người trong hội trại rơi xuống nơi đây, những kỉ niệm cũng được lưu giữ ở đây nhiều nhất. Tiếng còi vang lên báo hiệu đã đến giờ "ai về nhà nấy". Chúng tôi cùng nhau hô to khẩu hiệu:
"ĐẶNG ĐỨC TUẤN - TIẾN!
ĐẶNG ĐỨC TUẤN - TIẾN!
ĐẶNG ĐỨC TUẤN - TIẾN, TIẾN, TIẾN!"
Con thầm cảm ơn Chúa với Mẹ đã ban cho con hồng ân lớn như vậy. Cảm tạ Chúa đã cho con được trải nghiệm một kì nghỉ hè đầy thú vị. Xin Chúa hãy luôn ban ơn Chúa Thánh Thần xuống trên con, luôn soi sáng dẫn dắt con đi theo con đường của Ngài, luôn chúc lành, và thánh hóa cuộc sống của con, để con biết thương yêu nhiều hơn, biết quan tâm giúp đỡ mọi người, biết lắng nghe Lời Chúa và thực thi ý Ngài. "Vì Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn đường con đi…". Xin Đức Mẹ cầu bầu cho Cha chánh xứ Châu Me chúng con, Cha đã tạo điều kiện và khích lệ con để con có thể tham gia hội trại tình thương này. Xin Chúa hãy ban cho tất cả anh chị em trong hội trại có một năm học mới tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và luôn được dồi dào những ơn lành Ngài ban.
 
 
ĐI ĐỂ QUEN, ĐỂ BIẾT VÀ CẢM NHẬN
* Phêrô Nguyễn Minh Khả (Gx.Cây Rỏi)
 
Đi để quen, để biết và cảm nhận. Đó là những điều mà nó có thể rút ra sau đợt Hội trai Đặng Đức Tuấn lần thứ VI này. Đối với nó, là một người đã gắn bó với Câu lạc bộ suốt cả một chặng đường dài, nhưng năm nay vẫn để lại trong nó một ấn tượng sâu đậm.
“Quen ư?”, nhiều người đối với nó đã quá là thân thiết. Thế nhưng, mỗi năm lại mỗi khác một tí, ông anh xứ biển Nha Trang có vẻ tròn hơn, cái tính nói nhiều thì vẫn như cũ. Cậu nhóc xứ Quảng lần đầu tham gia nhưng làm cả bọn phì cười vì những câu pha trò dễ mến. Cô bé xứ núi bé tí lúc nào cũng nhoẻn miệng nở nụ cười xinh xắn. Đó là những người mà nó đã quen được. Từng khuôn mặt, từng câu nói, những nụ cười làm nó khó có thể mà quên. Có đi nó mới có thể quen với những anh chị sinh viên áo xanh năng động và nhiệt huyết, quen với “các thánh bá đạo nhà ta”. Một năm của sự thay đổi, một năm với những trò chơi sinh hoạt giúp tụi nó gắn kết thêm tình đệ huynh trong vòng tay của Chúa. Cả bọn chen nhau trên tờ báo tí tẹo gần ngộp thở, tay choàng vai, tay đan tay kéo nhau té cả hội đến ê cả mông, nhưng trên môi là những nụ cười tươi thắm. Rồi những khuôn mặt ướt nhẹp mồ hôi hòa với “nước chanh chưa làm” của các thánh, những khuôn mặt trắng hơn trứng gà bóc sau qua trình “thanh tẩy quá tay” sẽ mãi in sâu trong tâm trí những trại sinh Đặng Đức Tuấn. Cảm ơn “các thánh” đã cho bọn con trở về với những ngày ấu thơ chơi cát, vừa hát vừa la: “ba na na ba la ba ba la ba lô…” mà chả ai có thể hiểu.
Mỗi chuyến đi là một hành trình khám phá, một khóa học cho tất cả mọi người. Những kiến thức về vần thơ câu chữ, những kinh nghiệm của các chú, bậc tiền bối đi trước được truyền lại cho tụi nó thật chi tiết. Những lỗi thường gặp khi tham gia cuộc thi cũng được chỉ ra để từng người có thể rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Những câu hỏi, những trải nghiệm bản thân giúp cho khả năng sáng tác của tụi nó được nâng cao thêm. Thêm một trải nghiện được thêm vào hành trang của tụi nó, một buổi diễn nguyện dưới ánh lửa bập bùng, ánh nến lung linh. Ngọn lửa chuyền cho nhau, tay trao tay như tình yêu trao trặng của Ngôi Hai Con Chúa. Một chút tĩnh lặng để nói chuyện với Chúa, cảm ơn Người về hồng ân đã trao ban cho mọi người trần ai. Mỗi giáo xứ, mỗi trạm dừng chân đem đôi dòng kiến thức về Giáo phận gửi trao vào nó. Sau cuộc hành trình này, nó biết thêm được nhiều nơi, nhiều kiến thức thú vị thật bổ ích, tất cả là hành trang cho nó trên con đường làm chứng nhân đức tin của mình.
Nỗi buồn, đó là điều mà nó cảm nhận được trong giờ chia tay, kết thúc của cuộc hành trình. Ba ngày không phải là ngắn nhưng sao trôi qua quá vội. Khóe mắt đỏ hoe, những giọt lệ lăn dài trên đôi gò má, những cái ôm không muốn rời, cái bắt tay thật chặt làm nỗi buồn của mỗi người lại càng tăng lên. Mới hôm qua chí chóe dành nhau cái bánh, trời trở lạnh anh em đắp chung chăn, mà bây giờ mỗi đứa một phương xa cách. Nhớ cái cảm giác ấm áp khi vị cha già Câu lạc bộ lo cho tụi con từng giấc ngủ. Những câu chia tay, những lời hứa hẹn gặp lại làm nó cảm nhận thêm tình cảm thân thiết gắn kết mọi người.
Hành trình khép lại, cảm tạ Chúa về một chuyến đi bình an, về những điều mà Ngài dành cho mọi người và nó. Một khóa học ý nghĩa, những hành trang này sẽ luôn bên cạnh trên hành trình sắp tới của nó.
 
 
GIA ĐÌNH THỨ HAI CỦA TÔI
* Anna Lê Thị Thanh Ngân (Gx.Kim Châu)
 
Tôi còn nhớ như in đêm trao giải hôm ấy, một đêm hết sức đặc biệt tại Thánh đường giáo xứ Vườn Vông. Theo như chương trình thì buổi lễ trao giải sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ 30 tối. Thế nhưng... có ai ngờ được sau khi sinh hoạt và khi tất cả mọi người đang ăn tối, trời bất chợt đổ mưa. Ai nấy đều nhanh tay, mỗi người một việc phụ mang đồ ăn vào trong tránh mưa. Lúc ấy bé Nhung quay sang nói với tôi: "Chị ơi, trời mưa thế này liệu buổi lễ trao giải có diễn ra như lịch trình được không?". Tôi chỉ biết cười và nói: "Chị cũng không biết nữa, nhưng nếu trời mưa thì chắc chắn chúng ta sẽ trao giải trong nhà thờ". Ngay lúc ấy, trong đầu tôi liền nghĩ, chẳng phải từ sáng đến giờ chuyến hành hương vẫn diễn ra bình thường hay sao? Vậy mà giờ trời lại đổ mưa. Cả ngày nay trời không những không mưa, ngược lại còn nắng gắt. Hay là… Cơn mưa này chắc chẳn không phải là một cơn mưa bình thường, mà đó là cơn mưa tình yêu, cơn mưa hồng phúc, là sự chung vui của Thiên Chúa đối với Câu lạc bộ đây. Chắc có lẽ Ngài cũng muốn chúc mừng sinh nhật 6 tuổi của Câu lạc bộ. Đúng là hồng ân vô cùng quý giá và đặc biệt mà Chúa đã ban cho Câu lạc bộ chúng con.
Buổi lễ trao giải được diễn ra tại Thánh đường giáo xứ. Điểm đặc biệt trong đêm trao giải là phần chúc mừng sinh nhật 6 tuổi của Câu lạc bộ. Chiếc bánh  xinh xắn, những ngọn nến lung linh và những câu hát chúc mừng sinh nhật, kèm theo một món quà bất ngờ từ Ban điều hành… Đó là một clip tổng hợp tất cả hình ảnh 6 năm qua của Câu lạc bộ Đặng Đức Tuấn. Ngay lúc ấy, tai tôi nghe có tiếng ai thút thít bên cạnh, nhìn sang thì thấy trên ánh mắt của một số thành viên đã rưng rưng giọt lệ ngắn dài. Sáu năm, đó là một quãng đường dài, giờ ngồi đây nhìn lại không ai tránh khỏi sự xúc động. Những kỉ niệm như ùa về, dù ít hay nhiều nó vẫn neo đậu và níu giữ hồn ta. Đặng Đức Tuấn, một cuộc thi, một sân chơi và một gia đình. Chúng ta là một gia đình, gia đình nhỏ - hạnh phúc to.
Không biết từ lúc nào nhưng dường như việc mỗi năm tham dự hành hương, hay đi sinh hoạt tại các địa điểm khác nhau ở các giáo xứ, đã dần dần đi vào tiềm thức của tôi. Như một thói quen không dễ dàng gì thay đổi, cảm giác chờ đợi đếm từng ngày trôi qua để được gặp lại mọi người, được cùng nhau nói chuyện, cùng nhau đùa vui, cùng nhau tập các bài hát múa sinh hoạt… Nhớ… nhớ lắm, nhớ cái cảm giác chị em ngồi tâm sự với nhau, kể cho nhau nghe những gì một năm qua bản thân mình đã làm được. Vui có, buồn có… tất cả cứ đan xen lẫn lộn. Nhớ cái khung cảnh ngồi chung bàn ăn thật thoải mái, tuy có người mới gặp lần đầu mà cứ như ở chung một nhà. Các thành viên trong Câu lạc bộ, không đơn giản chỉ là bạn, là người quen mà còn là ba mẹ, là anh chị, là những người thân thương nhất đối với tôi. Họ luôn quan tâm, lo lắng, chăm sóc cho tôi, họ lúc nào cũng ở cạnh để sẵn sàng chia sẻ tâm sự mỗi khi tôi buồn hay tôi gặp bế tắc. Họ luôn cho tôi cảm giác ấm áp, bình yên và thoải mái. Khi ở cạnh họ, tôi như được trở về là chính mình. Tôi không có những muộn phiền, âu lo, mà chỉ có niềm vui và sự sẻ chia hạnh phúc.
Cảm ơn tất cả, những người luôn tạo cho tôi cảm giác bình yên trong tâm hồn. Nhớ nhất lúc ở cạnh nhau, nhớ ngày chia tay hai hàng lệ ngắn dài, nhớ khi dặn dò nhau học hành chăm ngoan, nhớ những cái cầm tay bịn rịn hẹn năm sau gặp lại… Nhớ… Thật sự tôi không nỡ để nói lời chia tay, không nỡ xa mọi người. Nhớ và buồn nhưng  tận trong sâu thẳm mỗi người và riêng tôi luôn có một niềm vui để sống lạc quan, một kỉ niệm để nhớ. Tạ ơn Chúa, Người đã đem đến cho con một gia đình thứ hai đầm ấm, hạnh phúc. Con sẽ không ngừng cảm tạ Người vì đã ban thêm cho con một người ba, người mẹ, người anh chị, hay người em mà có lẽ trong suốt quãng đời mình, có mơ con cũng không mơ thấy được.
 
 
LỬA YÊU THƯƠNG
* Isave Nguyễn Bảo Thi (Gx.Trường Cửu)
 
Lê chân rời khỏi xe buýt, trước mắt nó là Nhà thờ Lớn Qui Nhơn.
- Đã 5 giờ chiều rồi. Muộn vậy!- Nó nói vội khi liếc nhìn đồng hồ.
Lếch xác vào sân Chủng viện, nó cảm thấy có điều gì bất thường. Không thấy bóng dáng một trại viên Đặng Đức Tuấn nào hay tiếng nói đùa của ai. Nó vội đi tìm, may mà gặp chị hướng dẫn trong đoàn. Nghe chị nói nó mới té ngửa, hóa ra mọi người đang tham dự thánh lễ. Nó đã đến trễ rồi, chán thật! Chị ấy hướng dẫn nó lên phòng nghỉ. Nó cảm ơn chị và tiếp tục lếch xác lên phòng.Thở phù một cái rồi ngã người lên giường, nó cảm thấy mệt mỏi và cô đơn. Mệt mỏi vì sau khi leo lên tầng 3 và đi lòng vòng tìm chăn, gối, chiếu. Cô đơn vì chị nó không đi hành hương cùng với nó. Nó buồn. "Chuyến đi này chắc chả có gì đặc biệt!"- Một ý nghĩ thoáng qua. Nó lại khép mình trong thế giới riêng...
Màn đêm buông xuống. Qui Nhơn trở nên mờ ảo trong hàng ngàn ánh đèn. Đã là 9 giờ tối rồi. Lúc này cả đoàn đang tập trung trước sân Chủng viện để tham gia nghi lễ cuối ngày. Nó cũng như mọi người khác, trên tay cầm nến. Ánh nến sáng le lói của nó hợp với tất cả mọi người thắp sáng cả một vùng. Nó nhắm mắt lại cùng cầu nguyện. Có làn gió thổi qua. Ánh nến của nó tắt. Nó vội tìm cách thắp sáng lên... Ánh nến đã sáng. Lúc này trước mắt nó là cả một thế giới trong mơ. Khuôn mặt mọi người lung linh trong ánh nến. Một cái gì đó gọi là ấm áp bao quanh lấy nó... Nó cũng không hiểu tại sao. Gió lại thổi. Nó cố gắng giữ lấy ánh sáng của ngọn nến… Phụt tắt... Lại một lần nữa, nó lại cảm thấy trống vắng. Ánh nến như sưởi ấm nó, chính xác là sưởi ấm nơi đáy lòng nó. Nó muốn giữ lấy cái ấm áp ấy. Cảm giác đó thật gần gũi như khi ở bên gia đình vậy.
"Chúa ơi… Xin Ngài đừng để nến tắt, để con được thấy ấm ấp ở gia đình Đặng Đức Tuấn"… Nó thầm cầu nguyện với Chúa... Gió khẽ lùa qua làn tóc... Ngọn nến của nó đã tắt nhưng bây giờ nó không cảm thấy lạnh lẽo… Bởi ngọn nến trong lòng nó bây giờ đã được Chúa thắp sáng. Ấm áp… Nhẹ nhàng… Hạnh phúc… Đó là những gì nó cảm nhận được lúc này… Mặc dù nó không hiểu tại sao nó cảm thấy ấm áp, nhưng có một điều nó biết chắc rằng: Chúa giúp nó mở rộng tâm hồn bằng ngọn lửa yêu thương...
 
 
AI CŨNG CÓ MÙA HÈ
* Maria Ngô Thùy Duyên (Gx.Ngọc Thạnh)
                                                         
Hoa phượng nở rộ đỏ một góc sân trường, tiếng ve vọng ngân báo hiệu mùa hè lại đến. Học sinh chúng tôi lại có dịp nghỉ ngơi, thư giản sau tháng ngày chăm chỉ đèn sách miệt mài, và ai cũng có mùa hè riêng của mình... Trong khi bạn bè rủ nhau cặp sách học thêm, tôi ở nhà mong ngóng ngày “trại bay” Đặng Đức Tuấn từng phút, từng giây. Lần đầu tiên tôi đạt được một giải thưởng của Giáo phận, rất ý nghĩa và bổ ích.
Mùa hè của tôi còn đọng lại những kỷ niệm khó phai của Hội trại Đặng Đức Tuấn vừa qua. Cái ngày mong đợi ấy cũng tới, thời khắc khai mạc trại thật thiêng liêng. Bây giờ, tôi chính thức là một thành viên của đại gia đình văn thơ này, yêu thương, gắn bó, đoàn kết, có tổ chức và kỷ luật.
Ban đầu thì những cảm xúc e thẹn, ngại ngùng vẫn rất nhiều, nhưng sau khi chúng tôi làm quen và sinh hoạt với nhau, chúng tôi đã hòa nhịp vào dòng cảm xúc chung, nhảy múa theo tiếng nhạc và tươi cười rạng rỡ.
Hành trình chạy xuyên suốt qua các giáo xứ, giáo họ của giáo phận mẹ kính yêu. Tôi được hiểu biết rõ hơn về hiện tình các giáo xứ và đời sống sinh hoạt thiêng liêng của cộng đoàn dân Chúa khắp nơi. Khi dừng chân tại một giáo xứ nào đó, chúng tôi được tham gia những trò chơi lớn theo chủ đề của hội trại, lưu giữ khoảnh khắc vui nhộn bằng những bức ảnh rất đẹp. Có lẽ chụp hình là phần mong mỏi nhất của hầu hết các trại sinh. Mọi người được viếng Chúa ở các thánh đường đi qua với tâm tình con thơ, mong Chúa Thánh Thể gìn giữ suốt chặng đường sắp tới.
Cao trào của Hội trại là lễ trao giải tại Vườn Vông. Cơn “mưa hồng ân” đã đổ xuống khi chương trình vừa bắt đầu, ban tổ chức phải cho chuyển dời vào nguyện đường. Tuy địa điểm thay đổi nhưng bầu không khí đêm ấy còn rạo rực và làm mọi người hăng hái hơn. Ở đây, lễ trao giải được tổ chức hoành tráng, hai MC rất đẹp, dễ thương và đặc biệt dẫn dắt chương trình rất hay. Từng phần quà lần lượt được trao cho các trại sinh đạt giải. Đến lúc gọi tên tôi, tôi cũng hồi hộp và e thẹn lắm. Tôi còn được xem các tiết mục văn nghệ và hình ảnh lưu niệm của các đợt trại trước, rất hay và xúc động. Trao giải xong, mọi người ăn khuya nhẹ rồi về phòng nghỉ đêm để dưỡng sức.
Ngày trại cuối cùng cũng đã đến, hành trình yêu thương này sắp khép lại. Trạm dừng cuối cùng là Bảo tàng Quang Trung, nơi tưởng nhớ anh hùng áo vải của đất võ Bình Định. Mọi người đều háo hức, sải bước thật nhanh để chụp hình lưu niệm. Trong khi đó, tôi đi theo các anh chị trong Câu lạc bộ làm “phó nháy”, hì hục chạy chụp rất mệt nhưng mà vui, cũng hơi tiếc là mình không có tấm hình nào làm kỷ niệm.
Giờ phút chia tay đã đến, chúng tôi xếp thành hai hình tròn lồng vào nhau, mặt đối mặt. Đây là lần nhìn rõ gương mặt anh em gia đình Đặng Đức Tuấn nhất từ lúc bắt đầu cho tới giờ. Ghi nhớ mãi trong tim những nụ cười, ánh mắt thân yêu ấy. Những cái ôm thật chặt, những cái bắt tay ấm áp tình huynh đệ, đâu đây thút thít tiếng ai khóc. Thời gian và cảnh vật như ngừng lại theo dòng cảm xúc. Có chăng là trái tim chúng tôi đang đập chung nhịp, thở từng hơi thở nồng ấm của thần khí Chúa? Rồi mỗi người lẳng lặng lên xe theo từng đoàn. Trời xanh như cao vút và ánh mặt trời ló vài tia nắng sau hàng cây già trầm lặng. Bảo tàng trở lại sự im ắng và trang nghiêm như lúc chúng tôi chưa đến. Nhớ mãi gia đình thân yêu Đặng Đức Tuấn!
 
 
NHỚ LẮM!
* Anna Nguyễn Thảo Nhi (Gx.Trường Cửu)    
 
Có phải chăng là tôi xui xẻo hay là tôi bất cẩn trong việc viết văn của mình? Vậy nên năm nay tôi không được nhận giải văn thơ Đặng Đức Tuấn lần thứ VI. Buồn thật! Sẽ không được tham gia Hội trại-Hành hương của Giáo phận. Sẽ không được gặp lại biết bao nhiêu người mà mình trông ngóng bấy lâu nay. Sẽ buồn lắm, nếu không được gặp lại những người đã gắn bó với cuộc thi này năm năm rồi, và đây là năm thứ sáu. Đó chẳng ai khác là Ban tổ chức, Ban điều hành cuộc thi.
Cho đến một ngày...
- Nhi ơi! Con có thư mời tham gia hành hương nè! Tới nhận đi con!- Giọng ông cố văng vẳng bên tai.
Tôi bất chợt quay lại, mắt chữ A miệng chữ O, reo to:
- Thật hả ông cố? Ủa mà con không có được giải mà?
- Con có bài đăng trong Hoa Biển nên được mời đi. Thích chưa? Buồn nữa không hả?
- Con mừng lắm ông cố ơi! Oh, yeah...
Thế là mọi nỗi phiền lòng của tôi được giải tỏa. Mừng quá đi! Chỉ vài ngày nữa là được tham gia hành hương rồi.
Và rồi cũng đến ngày đó...
Anh em, chị em gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, nói chuyện ríu rít, kể lại cho nhau nghe những kỉ niệm của năm trước. Tôi vui còn hơn Tết nữa. Tôi muốn hét thật to lên vì vui sướng. Con cảm ơn Chúa!
Rồi từng ngày hành hương trôi qua, biết bao nhiêu cảm xúc, biết bao nhiêu kỉ niệm đáng phải nhớ, đáng phải lưu giữ. Giây phút chia tay nhau rồi cũng cận kề, biết làm sao đây để thời gian ngừng lại. Chỉ biết nắm chặt tay nhau, không muốn rời xa một chút nào hết. Thời gian thì vẫn trôi... Ước gì mình là DORAEMON, có thể rút bửu bối của mình ra làm cho thời gian ngừng lại, để cho mọi người có thể ở với nhau lâu hơn. Nhưng đó chỉ là một ước mơ viển vông mà thôi, đúng không?
"Tới giờ lên xe rồi các con ơi! Lên xe về nhà nào!".
Tôi không muốn nghe câu nói này chút nào cả. Không thể kìm nén được cảm xúc, lúc đó chỉ biết vỡ òa trong nước mắt. Bao nhiêu năm rồi tôi vẫn khóc. Khóc vì không muốn rời xa ai cả, khóc vì nhớ mọi người. Nhưng biết làm gì hơn, một hồi níu kéo rồi cũng phải lên xe, trở về với nơi tôi đã bắt đầu đi. Rồi cũng sẽ trở lại với cuộc sống bình thường như mọi ngày.
Trời xanh, gió nhè nhẹ. Tại ngôi nhà thân quen của tôi, nó thật buồn tẻ, nó quá yên tĩnh. Tôi không còn nghe thấy tiếng nói ríu rít của mọi người, không còn nhìn thấy được những người mình nhớ nhung… Rất khó chịu đấy!
Giờ đây, ngồi nhớ lại những kỉ niệm, tôi vẫn cứ xúc động. Tôi tự nhủ mình rằng: "Nhi à, mày nhớ mọi người, mày khao khát muốn gặp lại họ thì mày phải cố gắng trau dồi vốn văn của mình hơn, để năm sau lại có cơ hội gặp lại mọi người. Mày phải cố gắng đấy, nghe chưa?".
Trời vẫn xanh, gió vẫn thổi nhẹ. Cảnh vật vẫn yên ả. Và tôi vẫn rơi nước mắt… NHỚ LẮM!!!
 
 
NHỮNG KỈ NIỆM KHÓ QUÊN
* Matta Võ Thị Kim Yến (Gx.Phú Hòa)
 
Hôm nay là ngày đầu tiên sau chuỗi ngày dài đằng đẵng nó được trở lại trường. Bạn bè mừng rỡ, những cái bắt tay, ôm nhau thật chặt, thật thắm thiết làm cho nó xúc động. Vô tình, nó lại chợt nghĩ về Hội trại Đặng Đức Tuấn vừa qua...
Cái cảm giác này sao mà giống quá! Lúc tụi nó mừng rơn, nhảy cẫng lên khi gặp lại mọi người sau một năm xa cách. Như thường lệ, mỗi mùa hè, đều có một cuộc Hội trại và Hành hương dành cho tất cả các bạn đã đạt giải trong Giải văn thơ Lm Đặng Đức Tuấn, và năm nay là lần thứ 6. Trong suốt những năm nó được tham dự Hội trại với tư cách là trại sinh thì chưa năm nào nó thấy vui và nhiều kỉ niệm như năm nay. Năm nay thì có khá nhiều “tân binh”, nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì, vì đứa nào cũng có bộ não “quậy và bá đạo” siêu phàm, những bộ não chẳng bao giờ ngừng nghỉ mà cứ liên tiếp kiếm ra nhiều chiêu trò khác nhau. Nhắc tới đây thì nó mới nhớ, lúc mới vào cái đại gia đình này thì nó khá là rụt rè, ít nói, không bao giờ chủ động bắt chuyện với ai. Thật là khác hẳn với tân binh bây giờ chứ nhỉ! Nhưng không sao, dù gì cho đến năm nay mình cũng đã là ma cũ rồi, quen biết cũng nhiều rồi, nên độ điên thì cứ vô đối, điên điên một chút cho ta nhớ người, người nhớ ta! Không như năm ngoái, năm nay cách thức tổ chức được thêm vào một số chương trình hấp dẫn như:Trò chơi lớn, Diễn nguyện… làm cho tất cả thích thú và hoạt động suốt thôi. Mấy anh chị sinh viên cũng “không phải dạng vừa”, cứ suy nghĩ ra những trò làm khổ mấy em thôi à! Nào là bắt kiến cột vào sợi tóc, khi thì trộn gạo, đậu đen với cát rồi bắt phân ra.Thiệt chứ giờ nghĩ lại cứ tôn mấy anh chị là “Thánh” được hết rồi á! Nhưng nó vẫn nhớ nhất trò mà mấy chị mấy anh bày ra lúc ở nghĩa địa Vườn Vông, muốn vào Thiên Đàng mà, phải được thanh tẩy, thế là đứa nào từ đầu đến chân cũng toàn là bột mì. Chưa dừng lại ở đó, được vào bên trong rồi còn phải lên “thổi bột lấy kẹo” nữa chứ. Mặt đứa nào cũng tèm lem bột là bột, trắng tinh , thế là những bức ảnh độc đáo lại ra đời với những cái tên: Ma trong nghĩa địa. Ôi! Sao mà thấy nhớ cái giây phút đó quá đi mất, không biết bao giờ mới được gặp lại mọi người nữa.
Sau những giây phút “thần thánh” đó thì vấn đề mới tới, vì gần tới giờ thánh lễ rồi mà đứa nào mặt mũi cùng tèm lem hết, giáo xứ thì chỉ có vài phòng tắm thôi, nên… nan giải thiệt! Nhưng cũng chẳng thể làm khó được tụi nó vì đa phần là chọn cách chơi cho hết ngày rồi mới tắm. Điều nó nhớ nhất là bữa tối ở Vườn Vông, đang ăn thì trời đổ mưa nhẹ, thế là bàn nó nhanh chân chuyển lên trên hiên nhà xứ. Mà trong bàn thì toàn là những người mê âm nhạc, nào là chị Thảo, chị Ý, chị Thư, nó nữa, nên cứ “tức cảnh sinh âm nhạc”, thế là nguyên bọn cứ hát mỗi một câu: “Hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống đời con… làm sao con chơi!”. Mấy thầy phải qua tới nơi, cứ tưởng la, nhưng mấy thầy lại ham vui, qua bàn nó và hát… Ai cũng hát còn nó thì: “Hát đi, mấy bạn cứ hát đi, còn ăn để mình lo cho nha!”. Lúc đó ai cũng nhìn nó và tranh thủ ăn chứ không thì sợ bị nó ăn hết. Nghĩ lại cảnh đó nó thấy sao lúc đó tụi nó vui vẻ thế, chứ không như bây giờ, khi đã quay về cuộc sống thường ngày rồi thì con người cứ câm như hến, không nói chuyện hay quân tâm bất cứ ai.
Thôi, tiếp tục vấn đề chính của chúng ta nào! Không điều gì có thể tuyệt vời hơn đêm trao giải trong nhà thờ. Vì trời mưa, nên chúng nó phải di chuyển vào nhà thờ và bắt đầu trao giải. Quảng Ngãi cứ ngồi một hàng và giữ nguyên cái ghế ấy, không cho bất kì ai vào (chủ yếu là để hú hét ấy mà). Mà hễ có giải nào có Quảng Ngãi trong đó là tụi nó hú hét rầm rầm, đập bàn, đập ghế, vỗ muốn đau tay luôn mà. Nhớ lúc mà đại diện giáo xứ nó lên nhận giải đồng đội thì dưới này tụi nó đứng lên để vỗ tay, ai cũng nhìn, ngại ghê cơ!
Sau phần trao giải thì đến phần chúc mừng sinh nhật lần thứ 6 của Đặng Đức Tuấn. Mỗi người một cây pháo hoa đang được đốt cháy trên tay, miệng thì hát khúc hát mừng sinh nhật, tay cầm pháo đưa qua đưa lại, tạo nên một khung cảnh lung linh không thể tả nổi. Tiếp đến, hai màm hình to trong nhà thờ bắt đầu xuất hiện những bức hình từ hội trại đầu tiên đến giờ, những hình ảnh “bá đạo” của những con người bị chụp lén, mặt ai cũng ngố ngố và ngạc nhiên khi mình lại có hình trên đó, mà công nhận mặt ai cũng dễ thương hết á! Từ những bức ảnh “tự sướng” đến những bức ảnh chụp có nhu cầu, đều bị ban tổ chức “vạch trần” không thương tiếc.
Nếu ai đã đi hội trại năm nay thì chắc khó lòng mà quên được Kiên Ngãi. Còn nó, nó nhớ Kiên Ngãi với “thau” bún chả cá, nhớ thánh lễ đầm ấm, nhớ những trò chơi vui vẻ … và quan trọng nhớ Kiên Ngãi là nơi nhận được tiền thưởng. Đã nhận được tiền rồi, tụi nó còn “sung vào công quỹ” nữa chứ, chả là tụi nó góp tiền cho “má” Hà về xe í mà, đẹp thay những tấm lòng bác ái nhỏ nhắn, góp tiền để cho anh Hà. Nó cũng có góp chút ít.
À, tí nữa là quên Bảo Tàng Quang Trung rồi. Đứa nào cũng là lần đầu tiên đến đây nên trông cũng phấn khởi. Những tấm hình bay nhảy liên tiếp ra đời, và có lẽ khó quên nhất là tấm hình chung với những kiểu tạo dáng khó đỡ.
Nói là kỉ niệm thì năm nay là nhiều nhất và ít có ai ghi hết ra được những kỉ niệm của mình. Nhưng viết đến đây thì nó cũng đã tưởng tượng ra được lúc chia tay với những vòng tròn to nhỏ, những cái bắt tay thân thương, những cái ôm thật chặt. Những giọt nước mắt nóng hổi chưa được hong khô thì bài ca chia tay đã cất lên khiến bao tâm hồn xao xuyến. Xe lăn bánh, những cái ngoái đầu nhìn nhau và đâu đó còn vọng tiếng nói hẹn gặp năm sau. Vâng, hẹn gặp mọi người năm sau vậy.
Cuộc Hội trại đã qua đi, nhưng những kỉ niệm như thế này thì sẽ luôn được chôn sâu vào một góc nào đó trong trái tim của mỗi trại sinh chúng ta. Phải không các bạn?
 
 
KỈ NIỆM KHÔNG QUÊN
* Maria Nguyễn Thị Minh Thư (Gx.Cù Lâm)
    
Nó rảo bước trên con đường làng quen thuộc, con đường dài có sỏi trắng bao quanh những khóm hoa rực rỡ muôn màu. Nắng vàng soi trên từng hạt sương mai còn đọng trên cánh hoa, long lanh như những giọt nước mắt. Một làn gió nhẹ thoảng qua người nó nhưng đủ làm cho nó cảm thấy se lạnh. Nó chợt nghĩ về những kỉ niệm của chuyến hành hương “Giải văn thơ Đặng Đức Tuấn 2015”, những kỉ niệm mà có lẽ suốt cuộc đời này nó khó có thể quên được.
Nó nhớ buổi tối lúc ở Chủng viện Quy Nhơn, cái buổi tối mà nó cho là thiêng liêng nhất, đầm ấm nhất. Nó được hòa mình vào những trò chơi thú vị mà các thầy, các anh chị đặt ra. Trò chơi tảng băng trôi làm cho cả tổ nó phải ôm nhau ngã tới 2-3 lần, nhưng nó không cảm thấy đau chút nào, ngược lại nó còn cảm thấy vui nữa kìa.
Nó nhớ lúc ở Khiết Tâm, chúng nó được cha Tâm tập cho bài hát “Oẳn tù tì…” hay vô cùng, và còn được các sơ trao cho những ly chè đậu xanh thật ngọt mát sau một chặng đường đầy mệt mỏi.
Nó nhớ cả cái đêm trao giải thưởng tại giáo xứ Vườn Vông, đêm mà nó đã hồi hộp trông đợi từ bấy lâu nay. Nhưng không may, trời lại đổ cơn mưa nên không thể làm lễ trao giải ở ngoài trời được mà phải vào nhà thờ. Sau phần trao giải là mừng sinh nhật 6 tuổi của CLB. Những ngọn nến lung linh, những cây pháo bông sặc sỡ, những tràng pháo tay dòn dã, và cả những tiếng hát chúc mừng sinh nhật của mọi người từ đó đến giờ vẫn còn văng vẳng trong đầu nó.
Nó xoa nhẹ đôi bàn tay lạnh buốt rồi đưa lên miệng, thổi một hơi thật mạnh. Nó cố xua đi những kí ức trong nó, nhưng chúng không buông tha. Nó sực bật cười khi nhớ lại sự tinh nghịch của nó: Nó cùng mấy đứa nhỏ thay nhau tắt bật đèn nhà tắm, thế là làm các chị hét toáng lên, rồi còn cười lên rầm rầm nữa chứ! Ấy vậy mà đêm đó, nó lại bị mấy chị hù lại cho một tăng sợ chết khiếp, đến nỗi không dám ngủ luôn.
Nó còn nhớ cả biệt danh của các anh chị em trong tổ “Sáu” của nó nữa chứ. Nó nhớ bé Trà Trơ Trọi, “thánh” Kha Khờ Khờ, chị Quanh Quằn Quại và tự cười với cái tên do anh Kha đặt cho mình: Thư Thum Thủm!
À, đúng rồi! Trước giờ chia tay, tổ của nó còn chế ra một bài hát dựa theo bài “Kìa con bướm vàng” để tặng cho các “thánh” nữa đấy:
Gần xa thánh rồi.
Gần xa thánh rồi.
Mình vui quá!
Mình vui quá!
Giây phút đây ta mong chờ.
Giây phút đây ta mong chờ.
Không buồn đâu!
Không buồn đâu!
Nó càng không thể nào quên được những cái ôm, những cái bắt tay và cả những giọt nước mắt mà chúng nó trao cho nhau trong giờ phút chia tay. Dù muốn khóc nhưng nó cũng cố gắng gượng cười mà trong lòng lại thấy nghèn nghẹn. “Nhưng không sao, năm sau chúng ta sẽ được gặp lại nhau thôi mà”, nó tự trấn an mình.
Nắng đã lên tới đỉnh đầu, nó nhanh chân trở về nhà để chuẩn bị đi học. Nó nhìn lên vòm trời xanh, có hai dải mây đang trôi lại gần nhau, nó thầm mong rằng nó và mọi người sẽ sớm được gặp lại nhau như hai dải mây kia vậy.
Gần xa nhau rồi!
Gần xa nhau rồi!
Cầm chặt tay.
Cầm chặt tay.
Sẽ mãi luôn như thế này.
Sẽ mãi luôn như thế này.
Không rời nhau…
Không rời nhau…
Tác giả bài viết: Hoa Biển 18
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Từ khóa:

Hoa Biển 18

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 3227
  • Tháng hiện tại: 159034
  • Tổng lượt truy cập: 12135821