Trang mới   https://gpquinhon.org

Những mầm xanh hy vọng

Đăng lúc: Thứ sáu - 14/10/2016 07:00

NHỮNG MẦM XANH HY VỌNG
 
+ LTS: Ở Giải “Viết Văn Đường Trường” năm nay, có rất nhiều bạn trẻ trưởng thành từ CLB Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn đã mạnh dạn gởi bài tham gia. Hầu hết truyện của các bạn đã vào đến vòng chung khảo và đã có 3 bạn đạt giải. Đây chính là “những mầm xanh hy vọng” của Giáo phận. Ngoài những truyện được chọn in trong tuyển tập “Điểm hẹn Giêsu”, chúng tôi xin giới thiệu thêm một số truyện dự thi của các thành viên CLB.



LỜI CHUÔNG CHIỀU

* Maria Nguyễn Thị Trúc Lư (Gx.Kiên Ngãi)
 
Cuộc chạy đua không phân thắng bại giữa thời gian và mặt trời, khiến cho khuôn mặt của những vòm mây biến sắc: Từ trong xanh hy vọng sang hồng tím của sự giận dữ, và cuối cùng là xám xịt tức tối. Những cơn giông ùn ùn kéo đến báo hiệu cho cơn thịnh nộ sắp xảy ra. Phía cánh đồng xa xa có mấy người nông dân lấm lem bùn đất sợ hãi nhanh chóng vác bừa, kéo cày về nhà. Lác đác vài hạt mưa tròn trịa rơi vãi tung tóe, rồi nặng hạt dần. Cơn mưa đầu xuân mang không khí lạnh mỗi lúc một buốt hơn, len lỏi khắp cùng làng ngõ xóm. Văng vẳng đâu đó là tiếng chó con giành bú kêu ăng ẳng hòa lẫn với tiếng heo con mới đẻ éc éc vì lạnh, tiếng rắn rết như còi xe hết bình… Tất cả tạo nên dàn đồng thanh đặc sắc của vùng quê nghèo.
Mưa tạnh. Trời đã mấp mé canh hai mươi giờ đêm, cái lạnh mỗi lúc một buốt hơn. Bầu trời loang lổ, rải rác vài ngôi sao bỗng xuất hiện lập lòe, heo hắt như những chú đom đóm con, để lại trên không trung một nỗi buồn sâu thẳm. Bà Năm một mình ngồi trên sạp tre trước hiên đờ đẫn ngắm nửa vầng trăng bị những giọt mưa cắn nham nhở biến dạng và sinh khí như bị ai hút hết. Bà ngồi gập hai chân vào đùi, cái lưng còng vẹo như con tôm luộc. Một tay chống cằm, một tay cầm tràng chuỗi, miệng lẩm bẩm, mắt hướng về chốn xa xăm, hồn như lạc vào cõi vĩnh hằng để lại cái xác trơ trọi.
Ai cũng hiểu sự tình nhà bà, chỉ có bà là không hiểu. Bởi lẽ nó đã ăn sâu vào tận xương tủy đến nỗi bà quên bẵng đi cái hiện tại phũ phàng, mà ai nấy cũng chắp lưỡi: “Vậy sẽ tốt hơn cho bà ấy”. Một đời đạo đức thánh thiện, bà được gả cho ông biện Bảy (cái tên thân mật mà mọi người gọi ông). Một gia đình gia giáo, đạo đức. Ông bà có năm người con: bốn người con gái, chỉ duy nhất một cậu út (đứa con cầu khẩn) và cũng là đứa cháu đích tôn độc nhất. Nhờ Chúa nuôi, cả năm đều lớn lên khỏe mạnh và ăn học đến nơi đến chốn, đứa nào đứa nấy đều trở nên bài ca của cả xóm, cả xứ đạo.
Nói đến đây ai nấy đều nghẹn lòng. Không khí xuân ảm đạm đến lạ thường, mấy con quạ mù bay lộn chỗ đậu trước nhà bà kêu la inh ỏi. Bà lấy đá ném nhưng chúng né rồi lại đậu, chúng nghịch như những đứa trẻ lên ba hiếu động. Càng lúc càng ồn ào, náo nhiệt, tiếng quạ lẫn tiếng la hét, khóc thét của mấy người đàn bà và tiếng chắp răng, chắp lưỡi não nề của mấy người đàn ông làm cho không khí càng trở nên nặng nề. Một lúc sau, người ta nghe từng phát một tiếng chiêng nhà thờ. Cả xóm nhốn nháo như bầy gà mất mẹ.
- Ai chết vậy già?
- Bữa giờ có nghe ai đau ốm gì đâu?
- Trời ơi! Ông biện Bảy chết rồi.
- Gì?Ông biện Bảy chết hả?
- Chúa ơi! Mà sao ổng chết?Có đau ốm gì đâu?
- Mau mau qua xem tình hình thế nào.
Miền quê là thế, thông tin nhanh hơn cả vận tốc gió.
Vài giờ sau, sân nhà ông đã chật người viếng thăm. Phần vì thương tiếc, phần vì tò mò về cái chết bất ngờ của ông. Đến nơi, mọi người ai nấy đều giật ngửa người, không còn dám tin vào mắt mình nữa khi thấy ông biện Bảy nằm sãi nghiêng trên giường, chung quanh bê bết máu đã sánh đặc. Vết thương trên bụng làm bằng chứng cho nhát đâm chí mạng. Ông nằm dạt sát giường, màu da xanh như tàu lá chuối, hệt cái xác cá khô, hai tay ôm chặt tượng Chúa Giêsu bằng đồng đen. Cái tượng ấy từ thời xa xưa ông bà để lại, nó rất quý vì bấy giờ đồng đen rất hiếm. Nghe đâu nhiều lần có mấy người làm ở bảo tàng tỉnh đến hỏi mua với giá cả trăm triệu, thế nhưng ông nhất quyết không bán. Ai cũng cho là ông bị điên vì quá sùng đạo, số tiền lớn như thế mà không bán. Có số tiền đó gia đình ông sẽ được đổi đời. “Bán tượng ấy đi để mua hàng trăm tượng nữa về mà thờ không tốt hơn sao?”.
Có ai hiểu được tình yêu Chúa trong ông, ngoại trừ bản thân ông. Ông từng nói: “Không một giá trị nào có thể sánh bằng Chúa của tôi, kể cả mạng sống tôi”. Và có lẽ sự thật giờ đây đã rành rành trước mắt, ngay giờ phút này ông đã chứng minh cho mọi người lời ông từng nói. Chuyện như không thể xảy ra nhưng đã xảy ra. Một người đạo đức suốt đời tận tụy phục vụ nhà Chúa không nề hà, than van như ông mà hôm nay lại gặp phải oan cảnh này, thật đau lòng. “Đúng là trời cao không có mắt!”- Lời nói trống không bâng quơ của ai đó giữa đám đông càng khiến cho lòng người thêm trĩu nặng.
- Trộm ư? Sao nó chẳng lấy của?
- Chẳng lẽ ông Bảy kết thù kết oán với ai? Từ hồi nào tới giờ ông có thù với ai đâu?
- Hay là… (Một sự nghi ngờ bâng quơ hữu ý hay vô tình của đám bà tám xì xào rồi im bặt hẳn ).
Hàng trăm câu hỏi không lời giải đáp như thế cứ dồn dập huyên thuyên, xầm xì rồi to dần, to dần. Bên ngoài trời đã tối mịt, hiu hắt vài bóng đèn được thắp lên lu mờ như khung cảnh tang thương nhà ông Bảy. Người viếng thăm cũng thưa dần, chỉ còn lời ra tiếng vào bàn tán của mấy người đàn bà nhiều chuyện tụ năm tụ bảy, chỉ biết nhìn đời bằng mắt thường và sống bằng môi miệng. Mấy bô lão lưng đã còng, mắt đã sụp vì không ngủ được, tay run lẩy bẩy ghì chặt chén trà thả từng ngụm đắng nghét, ngồi bàn chuyện lễ tang. Họ nhắc tới ông Bảy như một vị quan liêm chính, khôn ngoan một đời mà dại một phút vì quá tin con để rồi phải lãnh nhận cái chết tức tưởi, tàn nhẫn như hôm nay.
Giờ đây mọi chuyện mới vỡ lẽ, cái lạnh của không khí nào sánh bì với cái lạnh trong tâm hồn lạc lối. Quỳ trong nhà lao trống vắng đến rùng rợn, thằng Út ôm tượng Chúa kể lại cái chết của cha mình như một bộ phim hành động…
*  *  *
Sáng hôm ấy, cái hôm mà trời đất u ám, không khí lạnh bao trùm. Mặt trời tái nhợt núp sau những tảng mây đen khổng lồ, gió cứ ào ạt từ đâu kéo đến tạt vào da thịt tê rần. Bà Bảy quảy gánh rau ra chợ xổm (công việc thường ngày của bà). Trời lạnh, chợ ế, rau cũng ế ẩm nên bà về sớm. Vừa về đến cổng bà nghe có tiếng cãi vã to trong nhà.
- Mầy làm gì vậy thằng con bất hiếu kia? Tao nuôi mầy ăn học hết tiền hết bạc, tao tự hào với cả xứ vì nuôi cho mầy ước mơ đi tu, mà giờ mầy xử với tao thế à? Mầy thành quỷ dữ rồi con ơi là con…(Giọng nói đứt hơi trong tiếng khóc tức tưởi, tủi nhục của người cha hy sinh cả đời vì con).
- Tui chỉ lấy cái tượng đồng này bán đi thôi. Ông làm gì ghê vậy! Tui bán rồi tui mua chục cái khác đẹp hơn cho ông. Tui hết tiền mua thuốc rồi… (Lời nói ồm ồm với cha lạnh như tờ của thằng Út).
- Cả Chúa mà mầy cũng bán ư?
- Bán tất! Cứ có tiền là bán.
- Tao đã nói là mầy không được lấy. Trời ơi, phạm thượng đó con ơi! Dừng lại đi con! Con đã từng hứa với ba là cho tiền con học ở thành phố rồi ra trường con đi tu cơ mà? Cớ sao lại ra nông nổi này hả con? (Giọng nói già nua trong nước mắt cầu con trở về của ông Bảy).
- Hết lần này nữa thôi… Tôi đau đớn, khó chịu lắm ông biết không?
- Tao đã nói là không được. Thà mầy giết tao đi còn hơn để tao nhục nhã với bà con lối xóm.
Tiếng xô đẩy, giành giật mỗi lúc một gay cấn … Và rồi tiếng gọi “Chúa ơi” đứt quãng trong không trung bao la.
Bà Bảy vất gánh rau chạy vào và thét lên…. Ngôi nhà như vỡ tan tác để lộ vòm trời đen ngòm, gió rít vào khung cửa sắt bốc mùi lạnh tanh. Thằng Út tay cầm con dao máu nhỏ giọt chảy vào tim bà đau đến vô cảm. Thằng Út bất thần bỏ chạy như bay và mất dần theo tiềm thức của bà. Chỉ còn lại tiếng chuông chiều vang vọng lơ lửng…
Thằng Út chạy mãi, chạy mãi về phía tiếng chuông. Bất chợt nó dừng lại trước cửa nhà thờ, đôi chân rã rời, từng khúc xương rời ra, dòng máu chảy chậm dần rồi ngưng hẳn. Nó quỵ gối xuống, thân thể như tan chảy thành nước, trái tim vỡ tan tành để lại nỗi đau tột cùng. Con dao đầy máu đang dần dần xuyên qua lớp da rồi đến từng thớ thịt đâm vào tim nó. Nỗi đau ấy dằng xé hơn cả cơn nghiện mà nó vừa trải qua. Nó lạnh nhạt nhìn Chúa, hai hàng nước mắt nặng trĩu kéo con tim quay về đúng vị trí. Một luồng gió mang theo sự can đảm lan tỏa khắp cơ thể nó. Giữa không gian cô tịch vang vọng bên tai nó tiếng chuông liên hồi: “Hãy trở về, trở về cùng Ta”. Nó vụt dậy rồi lặng lẽ lê từng bước chân nặng trịch quay về nhà và thú nhận mọi tội lỗi như lời sám hối cuối cùng với cha nó. Và rồi nó ôm tượng Chúa vào nhà lao để thức tỉnh mỗi ngày, bỏ lại đằng sau người mẹ già cô liêu. Thế nhưng ai đã mang lương tâm thằng Út trở về, phải chăng là sức mạnh của tiếng chuông hay là sức mạnh của tiếng ai đó đang gọi nó. Một phút lầm lỡ, đua đòi theo chúng bạn cùng lứa ở cái thành phố hào nhoáng, đầy dẫy cạm bẫy đã biến nó từ một thư sinh chất phát, hiền lành học giỏi thành một tên nô lệ cho ma túy, để rồi cơn nghiện đã khiến nó trở thành đứa con sát nhân giết cha. Chẳng còn tội lỗi và nỗi đau nào lớn hơn thế nữa. Tưởng chừng như mọi thứ đã chấm dứt, nhưng không, cuộc sống vẫn còn mãi ở đời này và đời sau. Và có lẽ ông Bảy đang mỉm cười mà về với Chúa vì sự hy sinh của ông đã đánh đổi linh hồn con trai ông quay về với Chúa.
 
 

BÀN TAY VÔ HÌNH

* FX. Lê Quang Thạch (Gx.Gò Thị)
 
Vọng thẫn thờ bước đi trên con đường tấp nập cảnh người, cảnh xe của một buổi chiều tàn. Mặt trời còn vương lại tia nắng ít ỏi, chỉ đủ làm rực lên lác đác mấy đám mây và vài ngôi nhà cao tầng. Trong hơi men chếnh choáng, anh ngửa mặt cười, rồi lảm nhảm gì về đời quá chán, sống là đau khổ. Anh chẳng quan tâm đến dòng người đang đi bên anh, và cũng chẳng cần biết họ suy nghĩ thế nào về bộ dạng anh lúc này: Một gã say, một gã điên chán đời!
Anh dừng chân ở giữa cầu, bất giác rùng mình vì từng luồng gió từ biển thổi vù vù, mang theo hơi lạnh ở nơi đâu đến. Xa xa, chân trời mờ tối, chẳng còn phân biệt được màu xanh nước biển hay màu đen bóng đêm. Anh liếc nhìn đôi tình nhân đang hóng gió trên cầu và đoán biết họ đang hạnh phúc vì cùng nhìn về một hướng. Anh chẳng thấy ghen tị về điều đó, vì tình yêu đối với anh là cái gì đó chợt đến, rồi cũng chóng đi, để lại trong lòng những mảnh vụn. Từng mảnh như cứa sâu vào tim anh, đau thắt lại. Anh muốn đem hết mảnh vụn tình yêu đổ xuống biển, xem như nó chưa tồn tại. Ranh giới mọi thứ thật mong manh, giữa hạnh phúc và đau đớn chỉ là một sự hiểu lầm, hay giữa sống và chết chỉ là một bước nhảy xuống. Anh cảm thấy mình đang rơi dần, rơi dần vào một bóng đêm vô tận, mặc cho bên trên là những tiếng kêu thất thanh: “Tự tử! Có người nhảy cầu…”.
* * *
Vọng đang đứng ở giữa một đường hầm tối đen, quay mặt nhìn về hướng gió đang thổi. Có chút ánh sáng len lỏi vào hầm, in lên những chiếc bóng mang nhiều hình thù sinh động. Có hình chiếc lá đang lung lay theo gió, có hình bông hoa, hình một người mà anh đoán đó là một đứa trẻ đang rong chơi trên cánh đồng. Anh khát khao đến được vùng ánh sáng đó, chạm vào nó, để nhờ nó mà anh nhìn rõ mình. Anh định tiến về hướng đó nhưng dù có vùng vẫy, lăn lộn thế nào vẫn không thể nhấc chân lên được. Anh cảm thấy có gì đó chận cứng cổ họng, khó thở… Và anh nghe thì thầm bên tai điều gì đó: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Anh lấy hết sức mình hét một tiếng thật to…
Tiếng hét đó đối với hai vợ chồng đang cấp cứu cho Vọng chỉ là tiếng rên khe khẽ. Anh ho khụ khụ làm nước đầy ứ trong bụng hộc ra ngoài. Mắt anh vừa hé mở thì bị ánh sáng của chiếc đèn pha trên thuyền rọi vào, làm anh nheo lại. Nhưng Vọng vẫn kịp nhận ra hai bóng người đang hô hấp cho anh. Chú ngồi bên cạnh hối thúc:
- Cố lên con, con phải sống…
Hai tay chú liên tục ấn lên ngực anh. Động tác cứ đều đều cho đến khi nhịp thở của anh ổn định thì mới thôi. Niềm vui lộ hẳn trên khuôn mặt rám nắng, dày dạn gió sương.
- Cháu nó sống rồi!
Cô đứng thì thầm đọc gì đó nãy giờ, nghe nói thế thì mừng lắm. Cô không quên làm dấu thánh giá rồi chạy vào trong khoang lấy ra một chai rượu gừng. Rượu từ trong ruột thấm ra làm anh cảm thấy ấm lên, mùi rượu nồng xông lên mặt, lên mũi khiến nước mắt cứ chảy ra ròng ròng. Nhưng mà chắc là anh khóc thật, giọng anh thều thào:
- Đây là đâu?
Chú nới thêm một cúc áo để anh dễ thở, vỗ vỗ vào lưng anh:
- Trên thuyền, đi ra biển…
Anh chợt mừng vì biết mình vẫn còn sống nhưng nụ cười mới thoáng hiện đã tắt lịm đi trên khuôn mặt bơ phờ, trắng bệch. Chú nói tiếp:
- Nhưng chút nữa chú sẽ đưa con vào bờ… Mà sao con lại bị trôi trên sông vậy?
Vọng vẫn im lặng, vòng tay ôm sát gối, rung lên theo từng cơn gió thổi vào bộ đồ ướt sũng trên người. Cô thấy vậy, lục lọi trong cái rương cũ, lấy ra một bộ quần áo cho anh thay. Nhưng anh vẫn ngồi lặng im, mắt nhìn về xa xăm.
- Cô chú vừa nổ máy cho tàu ra biển để đánh bắt cá thì thấy con trôi dập dềnh theo luồng nước chảy… Tức thì chú nhảy xuống, cứu con lên. Mà làm sao con bị nước cuốn trôi vậy?
Vọng nhìn hai cô chú vừa cứu sống mình, lòng đầy cảm kích. Có một điều gì đó chợt động trong lòng anh, một ký ức mang máng về thời thơ ấu tung tăng trên cánh đồng mênh mông, mùa hè với những trái mận, trái xoài ngọt lịm, bên nồi cơm bốc hơi ngào ngạt cùng gia đình. Đến khi mẹ anh qua đời vì căn bệnh ung thư, tuổi thơ của anh chắc cũng tan biến từ đó. Cha anh vì quá buồn chán trước cái chết của vợ nên say sưa suốt ngày. Rồi nghe người này, người kia phàn nàn về một ông bố không có trách nhiệm với con. Thế là một bữa nọ, cũng trong cơn say, cha anh dẫn về nhà một người đàn bà và bắt anh phải gọi là mẹ. Anh không chịu gọi, còn la lên rằng chỉ có một mẹ mà thôi. Cha anh trong cơn giận quá, tát mạnh vào anh, in cả năm ngón tay đỏ trên má, máu miệng chảy ra. Anh đau quá, ôm mặt chạy đi, trong khi vẫn còn nghe phía sau là lời chửi rủa của cha anh. Và từ đó anh không về nhà nữa…
Cặp mắt của cô chú vẫn đổ dồn về anh, chờ đợi câu trả lời.
- Là con tự tử… Con nhảy từ cầu xuống.
Khuôn mặt chú lộ vẻ kinh ngạc, lo sợ:
- Sao lại tự tử hả con? Sao lại làm cái chuyện dại dột như thế? Không biết quý trọng sự sống do Chúa ban sao, trong khi còn nhiều người đang khát khao được sống từng ngày…
Thấy chồng cứ hỏi dồn dập như thế, mà anh vẫn im lặng, cô mới nói:
- Thôi, anh đừng làm nó đau lòng nữa… Để khi khác hỏi cũng được.
Rồi quay sang anh:
- Con có đói không?
Lời nói nghe thật đầm ấm nhưng anh lắc đầu từ chối dùng cơm vì anh lúc này chẳng thiết gì đến chuyện ăn uống nữa. Vọng nhìn hai cô chú với ánh mắt như muốn nài xin:
- Cô chú cho con đi ra biển với. Con không muốn vào bờ nữa.
Chú sợ anh lại nghĩ quẩn mà làm chuyện dại thêm lần nữa, nên hỏi lại:
- Sao, sợ nước không đủ sâu nên muốn ra giữa biển mà tự tử hả con?
Cô thì bảo anh phải hứa này, hứa nọ để được an tâm. Còn anh vì không muốn vào đất liền nên cũng gật gật hứa luôn. Hai cô chú chuẩn bị cho anh một chỗ ngủ trên thuyền. Tuy hơi chật hẹp, nhưng cũng đủ thẳng lưng và có thể trở mình được. Anh nằm xuống nhưng chưa ngủ liền. Tiếng máy nổ đều đều, đẩy thuyền lướt trên từng con sóng. Nhìn xa xa vẫn có thể thấy ánh điện trên những chiếc tàu khác cũng đang ra khơi, nhấp nhô giống như những vì sao đang nhảy múa trên nền trời đêm. Anh nhớ lại thứ ánh sáng phát ra trong đường hầm tối mà anh đã gặp trong giấc mơ đó. Anh không biết nó là gì? Và làm sao anh lại muốn ánh sáng đó đến thế? Anh lẩm nhẩm mấy từ còn nhớ được trong giấc mơ: “Lạy Cha chúng con ở trên trời… Amen”.
Anh lại nghĩ về cha anh trong bộ đồ sờn vai và phèn đóng vàng ố dưới hai ống quần, anh thấy thương cho cuộc đời lam lũ của cha. Nhưng những hình ảnh đó sớm bị cái cảm giác đau rát bởi cái tát của ba anh làm tan biến, giống như hòn đá chìm lỉm trong lòng biển sâu. Anh lại nghe phong phanh rằng cha anh với người vợ mới đã có con riêng, xem đó là hành động phản bội lại mẹ anh và chính anh, nên anh chẳng còn muốn gặp lại cha anh nữa.
Sau khi bỏ nhà, bôn ba vào thành phố, anh lang thang hết ngõ này đến hẻm khác để tìm một chỗ sinh sống. Anh bắt đầu học nghề và dần dần cũng có được một công việc ổn định. Đời anh lặng lẽ chỉ có công việc, cho đến một ngày anh gặp em, người đã xoa dịu các vết thương lòng bằng tình yêu của em. Em giống như một bản nhạc vui nhộn trên cuộc đời trầm lặng của anh. Nhưng đó chỉ là một bản nhạc ngắn ngủi, một nụ cười chóng tan. Gia đình em biết chuyện liền nhất mực chống đối, vì anh chỉ là kẻ bụi đời, không xứng với gia đình công chức của họ. Em càng nài nỉ thì cha mẹ lại càng chống đối, không cho hai người gặp nhau. Một ngày kia, em hẹn gặp anh để nói rằng hai người sẽ xa nhau một thời gian. Thế rồi, cái tính bất chấp trong anh lại nổi lên. Nó được hình thành trong những biến cố đau thương để phản kháng lại cuộc đời. Anh hỏi em thời gian đó là bao lâu, một năm, hai năm… hay cho đến khi gia đình gả em cho anh cán bộ nọ, vì nó có tư cách xứng hợp với em, hơn là một kẻ bụi đời này?
- Anh đã nói vậy thì thôi, ta không gặp nhau nữa!
Em nói xong, bỏ đi, để lại mình anh đứng đó, mắt nhìn về xa xăm…
Anh chìm dần vào giấc ngủ trong dòng nước mắt lăn dài, ướt cả gối.
* * *
Những tia nắng ửng đỏ của buổi bình minh len lỏi vào trong tàu, làm anh trở mình tỉnh giấc. “Mặt trời trên biển đẹp thật!”- Anh nhủ thầm và bước ra phía đầu mũi tàu. Một khung cảnh mênh mông vô tận trước mắt anh. Anh nhắm mắt lại hít một hơi thật sâu để đón nhận hết khí trời chân chất này. Đột nhiên, anh bị một vật gì từ phía sau quấn quanh người, vật anh lăn lộn trên thuyền, rồi la lên:
- Định nhảy xuống biển nữa hả con…
Nhìn rõ mới biết đó là chú. Thấy anh đứng tần ngần trước mũi tàu nên chú tưởng anh lại nghĩ quẩn. Anh lom ngom bò dậy:
- Dạ không có… Con đang ngắm cảnh.
Thấy anh ngã sưng cả đầu, cô chạy lại, xuýt xoa:
- Ông này cứ nghĩ lung tung, con đã hứa là không làm chuyện dại dột nữa mà… Có sao không con?
Lại là những lời nói quan tâm, làm tim anh ấm lên. Nghĩ đến khuôn mặt tội nghiệp của chú sợ anh lại tự tử, làm anh tức cười. “Không ngờ lại còn có người quan tâm mình đến thế!”. Những chuyện buồn của anh phần nào đã ở lại đất liền. Giờ đây, giữa biển trời mênh mông, chỉ có anh với hai cô chú, mà cả hai người đều quan tâm anh. Anh thấy thế giới nhỏ bé thế này có lẽ là tốt hơn. Vọng bắt đầu mở lòng ra, chia sẻ cảnh đời của mình. Câu chuyện trên thuyền trở nên thân tình hơn, những câu hỏi, những tràng cười vọng theo gió biển lúc to, lúc nhỏ…- Con bỏ con nhỏ đó luôn đi… thiếu gì con gái tốt hơn nó. - Cha con có đi tìm con không? - Còn bao xa thì tới chỗ thả lưới vậy chú? - Cô chú cùng theo đạo nhà thờ hả?...
* * *
Thấm thoát đã ba ngày trôi qua, Vọng tham gia nhiều việc trên thuyền cùng cô chú. Ban ngày, anh phụ gỡ cá, ướp cá dưới khoang thuyền, có khi chú còn chỉ anh cách lái tàu. Đến tối thì cả ba cùng nhau thả lưới, mồi cá, rồi ngồi chờ cá mắc vào. Đêm hôm nay trời không mây nên có thể nhìn thấy vô số các vì sao lấp lánh. Dải ngân hà tựa một dòng sông ánh sáng đổ vào biển ở cuối chân trời. Anh nằm ngửa trên sàn tàu để dễ nhìn ngắm hơn. Bầu trời có vẻ gần anh lắm, tựa hồ chỉ cần nhấc tay lên là lùa được các ngôi sao xuống biển. Anh thấy mình quá bé nhỏ trước cảnh tượng mênh mông, của biển và trời, và những đau thương trong đời mình cũng chẳng đáng kể gì. Anh quay người sang chú đang ngồi phì phèo điều thuốc:
- Chú nói cả vũ trụ này là do Chúa dựng nên hả?
- Đúng đó con. Ngài chỉ cần phán một lời là liền có mọi sự.
- Tin như thế cũng hay, hơn là nói chúng tự nhiên mà có… chẳng có một ý nghĩa nào.
Anh trầm ngâm suy nghĩ điều gì đó. Tiếng sóng vẫn đều đều nhưng anh thấy không khí yên tĩnh quá, có lẽ vì đã quen với sóng biển nên không để ý đến chúng nữa. Anh quay sang hỏi cô đang ngồi vá lưới:
- Có bao giờ thuyền gặp phải bão không ạ?
- Có chứ con, cũng có mấy lần suýt nữa là chìm thuyền rồi đó.
- Vậy sao cô chú còn theo cái nghề nguy hiểm thế này ạ?
- Không ra biển thì lấy gì mà sống hả con? Nếu cứ thấy khó mà ngần ngại thì còn làm gì được…
Cô ngừng lại một lát, ưỡn người lên cho cái lưng đỡ mỏi rồi nói tiếp:
- Nhờ ơn Chúa cả con à! Cô với chú cũng ngày đêm cầu nguyện để xin được bình an cho mỗi lần nhổ neo đó. Nhưng dù có xảy ra chuyện gì đi nữa, thì bàn tay của Chúa vẫn che chở cho hai cô chú đây. Cô tin như vậy…
Mắt anh vẫn nhìn bầu trời đầy sao, như đang nói chuyện với ai ở trên đó:
- Hai cô chú hạnh phúc thật vì luôn có Chúa ở bên che chở…
- Bàn tay của Chúa cũng che chở cho con nữa mà… Thiên Chúa như một người cha vậy đó con. Dù cho người cha ở thế gian có bỏ rơi con, thì Chúa vẫn không bỏ con đâu.
Cô vá xong chỗ lưới rách thì gọi chú vào trong khoang cùng đọc kinh. Hai người cùng hướng nhìn lên, nơi có một cây thập giá và hai bức tượng nhỏ được gắn chắc chắn trên một cái kệ. Những con người có đời sống thật đẹp, họ có niềm tin trong cuộc sống. Anh cũng thầm ước ao mình có được niềm tin giống như họ để tiếp tục sống trên đời này. Cơn gió biển tiếp tục thổi, lời kinh của hai vợ chồng lúc to lúc nhỏ giữa đại dương mênh mông. Anh nghe thấp thoáng: “Lạy Cha chúng con ở trên trời… xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”. Anh chợt bừng tỉnh, toát mồ hôi, thấy lạnh cả lưng. “Đó có phải là những lời mà anh đã nghe trong giấc mơ”. Anh nhớ lại giấc mơ lạ khi nhảy xuống cầu, những điều làm anh khó hiểu. Anh nhớ lại những chuyện đã xảy ra trong mấy ngày nay, một chút nữa là mình đã tự chấm dứt đời mình. Nhưng có một bàn tay nào đó đã cứu sống mình, đưa mình đến đây, được biết về một Thiên Chúa như là người cha… Và lòng mình đang có một điều gì đó thôi thúc mình tiếp tục sống trên đời này, một niềm hy vọng, một niềm tin, một luồng ánh sáng... Mắt anh vẫn hướng về bầu trời đầy sao: “Ở đây gần bầu trời thật!”…
* * *
Sáng nay, chiếc thuyền đánh cá trở về bến sau gần cả tuần lênh đênh trên biển. Vọng đứng ở đằng mũi thuyền, nhìn những ngôi nhà, những hàng cây cứ xuất hiện lớn dần trước mắt anh. Tâm trạng anh lúc này khác hẳn lúc thuyền ra biển. Anh đang nuôi trong mình một niềm tin, một niềm hy vọng mà anh mới có được trong những ngày giữa biển. Khi thuyền gần cập bến, điện thoại anh đổ chuông tin nhắn vì vào tầm phủ sóng của nhà mạng. Anh cầm điện thoại lên, một tin nhắn từ em: “Tại sao anh lại tự vẫn? Em sẽ sống làm sao nếu thiếu anh!”. Tay anh run run vì nhận ra em vẫn còn yêu anh. Lòng bồi hồi chưa dứt thì một tin nhắn khác từ số điện thoại lạ: “Sao con lại bỏ ba mà tìm đến cái chết? Là lỗi của ba!”…
Vọng cảm nhận có một luồng hơi ấm từ tim anh chạy khắp người. Anh nghĩ đến một bàn tay vô hình đang dẫn đưa cuộc đời anh.
 
 

ANH HAI

* Maria Trịnh Thị Huyền Trân (Gx.Chánh Thạnh)
 
- Ê, nhãi con! Có tiền không cho anh mày xin một ít? Hôm nay, anh mày đi học mà quên đem tiền theo rồi.
- Tôi không có tiền mà cho các anh đâu.
- Hả! Mày nói sao cơ? Bữa nay ăn trúng gì mà mạnh miệng quá nhỉ!
Một đám con trai lớn hơn, khoảng chừng bảy tám đứa đứng gần đó, ôm bụng cười ngặt nghẽo.
- Không có xu nào cho mấy anh đâu. Đừng hòng!
- Tụi bây! Đánh nó cho tao!
Thế là cả bọn xúm lại, đánh tới tấp vào người Biên. Cu cậu cố gắng kêu cứu, giãy giụa cũng chả ăn thua gì vì nơi đây là một ngõ hẻm hẻo lánh, ít người qua lại. Mà nếu có cũng chả ai dại gì mà dây vào lũ thanh niên đầu đường xó chợ có tiếng này. Chúng vừa đánh, vừa nghiến răng nói:
- Cho mày chết này… Có tiền trong người mà dám xạo với tụi anh hả?
- Anh Hai ơi! Cứu em, cứu em với!
- Nó gọi anh Hai kìa… Thằng này bị đánh đến nổi điên rồi tụi bây ơi!
Một tên trong bọn dừng lại, nhếch mép cười tỏ vẻ đầy khinh rẻ, rồi nói:
- Anh Hai mày ư? Một thằng mồ côi, không nơi nương tựa như mày thì “anh Hai” đào đâu cho ra? Mày điên thật rồi!
- Không! Tôi nói thật. Anh Hai sẽ đến cứu tôi cho mà xem. Các anh cứ chờ đó.
- Cứu mày hả? Thôi được, để rồi xem ai sẽ cứu mày… Tụi bay cứ đánh tiếp cho tao!
- Anh Hai ơi! Mau đến cứu em…
- Này, các cậu làm gì vậy? Sao lại đi đánh một thằng nhóc hả? Tôi báo công an rồi đó. Khôn hồn thì chạy đi!
Một cậu thanh niên vạm vỡ, khoảng chừng hai mươi tuổi, gằn giọng quát. Bọn chúng quay người lại, thấy tên quát mình to lớn hơn rất nhiều cộng với nghe thấy hai từ công an, cả bọn kiểu như không muốn dính vào rắc rối liền tháo chạy, tản ra như đàn kiến vỡ tổ.
- Cậu bé, em không sao chứ?
Từ trong góc hẻm, Biên lồm cồm bò dậy. Cu cậu lê từng bước, gắng sức ngồi dựa mình vào tường rồi thì thào nói:
- Em không sao… Cảm ơn anh đã giúp em.
- Sao lại bị đánh đến nỗi này? Để anh đưa em về.
Nói xong, người thanh niên bế thốc Biên lên rồi thu dọn cặp sách bị vung vãi của cu cậu. Vừa đi vừa cõng Biên trên lưng, người thanh niên ân cần hỏi:
- Sao em lại bị bọn chúng đánh như vậy?
- Bị đánh là chuyện thường ngày của em rồi anh ạ! Bọn chúng học cùng trường với em. Chúng đánh em vì em là đứa mồ côi, không cha không mẹ. Chúng ỷ thế mạnh mà ức hiếp em.
- Sao em không nói lại với người lớn?
- Em đâu còn người thân đâu mà nhờ họ giúp. Em sống cùng với những bạn khác ở trại trẻ mồ côi gần đây, các bạn ấy thỉnh thoảng cũng bị đánh, bị trêu ghẹo như em. Không ai giúp tụi em cả, chỉ có các sơ mới thương tụi em.
Biên nghẹn ngào nói, dường như cu cậu đang khóc. Người thanh niên cảm nhận rõ những giọt nước mắt đau đớn rơi xuống từ trên vai mình, nó khiến lòng anh cũng đau buồn theo. Thở dài, anh tiếp lời:
- Vậy sao em không nói với các sơ?
Trên lưng người thanh niên, Biên khẽ lắc đầu rồi đáp với một giọng điệu buồn rầu:
- Em sợ các sơ buồn, lo lắng vì em. Các sơ còn phải bận tâm nhiều việc lắm, em không nên làm phiền các sơ anh ạ…
- Em thật biết suy nghĩ đấy nhóc! Nhưng lúc nãy anh có nghe em gọi anh Hai gì gì đó mà? Sao em không nói với người đó chuyện này.
Nghe tới từ “Anh Hai”, mặt Biên sáng bừng lên, khuôn mặt vui vẻ hẳn. Dang mạnh đôi tay sang hai bên và hít thở thật sâu không khí trong lành nơi mảnh đất đầy thân yêu cũng như đầy nỗi buồn này, cậu dõng dạc nói:
- Anh hỏi về anh Hai em sao? Không phải khoe chứ anh Hai em cực tốt, siêu tuyệt vời luôn!
- Thật sao?- Người thanh niên tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng cũng đầy thích thú.
- Vâng! Anh Hai em luôn ở bên cạnh em, các bạn cũng như các sơ đó. Anh luôn mỉm cười với chúng em và đặc biệt là luôn giúp đỡ chúng em trong những lúc khó khăn nhất.
- Vậy sao lúc nãy người đó không đến giúp em?- Người thanh niên hỏi với vẻ hoài nghi.
- Là thật đó! Chỉ tại lúc đó anh đến trước anh Hai em một xí xi thôi… Không thì ảnh cũng đến cứu em cho mà xem.
- Thật không đó?
- Thật mà! Hay lát nữa anh đưa em về tới trại mồ côi, em sẽ chỉ anh Hai cho anh coi nhé?
- Ừ, được thôi…
Nằm trên lưng người thanh niên, Biên thấy rất êm ái và dễ chịu, không hiểu vì sao lại cảm thấy thân thuộc đến như vậy. Thỉnh thoảng lén nhìn sang khuôn mặt anh, có một cảm giác gì đó rất kì lạ. Ban đầu Biên hơi ngờ ngợ nhưng lúc sau lại cảm thấy khuôn mặt này vô cùng thân quen, có vẻ như cu cậu đã nhìn thấy khuôn mặt này rất nhiều lần rồi thì phải. Biên để ý bước đi của anh dường như rất nhẹ nhàng, có vẻ như sợ đụng vô những vết thương hay làm đau đến Biên. “Mặc kệ”, Biên tặc lưỡi, khẽ thở dài cho qua.
Chẳng mấy chốc người thanh niên đã cõng cậu về đến trại trẻ. Anh khẽ lay mình cậu.
- Này nhóc, xuống đi, tới nơi rồi! Anh Hai nhóc đâu sao chả thấy ai hết trơn vậy?
- Anh Hai em kia kìa!
Nói rồi cu Biên lấy tay chỉ thẳng vào trong nhà thờ, nơi có bức tượng chúa Giêsu đang treo mình đau đớn trên thập giá.
- Anh Hai em đó, ngày nào đi học về anh ấy cũng đợi em. Ngày nào ảnh cũng lắng nghe em tâm sự, ngày nào cũng mỉm cười an ủi em vượt qua mỗi trận đòn của đám côn đồ kia.
Biên say sưa nói mà không để ý rằng cũng có một người thanh niên đứng phía sau đang mỉm cười y như vậy.
- Ai bảo em thế?
- Các sơ đó… Các sơ nói chúng em có chung một Cha trên trời, còn đó là con một của Người nên cũng là anh Hai của chúng em. Thế nên em không còn phải sợ những tên đánh em nữa, bởi vì đã có anh Hai luôn ra tay giúp em.
Cu cậu vừa nói vừa cười thật tươi, không màng đến những đau đớn lúc nãy, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc.
- Vậy sao nhóc?
- Vâng, đúng vậy! Em không còn đơn độc nữa. Anh Hai sẽ luôn bên cạnh và bảo vệ em. Anh thấy đúng không?
Biên quay đầu lại hỏi người thanh niên, nhưng lạ thay cu cậu chẳng thấy anh ấy đâu nữa cả. Xung quanh cậu bây giờ chỉ là một khung cảnh tĩnh lặng. Cậu ngơ ngác đưa mắt tìm kiếm rồi quay lại nhìn thánh giá. Lúc này đây, Biên sững sờ chợt nhận ra rằng khuôn mặt trên thánh giá kia cũng chính là khuôn mặt người thanh niên đã giúp mình lúc nãy.
*  *  *
- Biên, tỉnh lại đi con! Con làm các sơ lo quá.
Biên từ từ mở mắt ra, ngạc nhiên khi thấy các bạn lẫn các sơ yêu quý đang ngồi cạnh mình. Cu cậu không hiểu chuyện gì đang xảy ra, ngơ ngác nhìn chung quanh rồi hỏi:
- Tại sao con lại nằm đây?
- Con không nhớ sao? Sơ đi công chuyện về thì đã thấy con nằm ngất trước cổng nhà thờ  rồi. Con bị đánh nặng như vậy mà vẫn cố về tới nhà. Thật tội cho con!... Sơ đã biết hết mọi chuyện rồi. Sơ sẽ chuyển trường cho con, không để con bị đánh nữa.
Vị sơ già nghẹn ngào, vừa rưng rưng nước mắt vừa nói. Biên khẽ mỉm cười rồi thì thầm trong miệng:
- Vậy là hôm qua mình đã gặp anh Hai… Anh đã đến giúp mình thật rồi.
- Sao cơ?
- À, không có gì! Chỉ là con đã gặp được anh Hai rồi.
Mọi người chẳng hiểu Biên đang nói gì, cứ nghĩ rằng Biên vẫn còn mệt, cần tĩnh dưỡng nên ai nấy đều nhẹ nhàng đi ra khỏi phòng. Chỉ có Biên mới hiểu rõ mình đã gặp chuyện gì. Chỉ biết tối hôm đó, các bạn của Biên đã thấy cu cậu ngồi rất lâu dưới cây thánh giá, miệng luôn tươi cười và thì thầm điều gì đó, ánh mắt hiện rõ niềm hạnh phúc khôn tả.
 
 

CUNG ĐÀN OÁN

* Maria Thân Thị Hồng Kiều (Gx.Cây Rỏi)
 
- Đất Ontario này làm con người thật ngột ngạt!
Cúi gầm mặt, giấu từng làn hơi thở vào áo khoác kéo ngang mũi, cơ thể nó vẫn còn chưa hồi phục sau chặng bay dài, và cũng chưa kịp thích ứng với khí lạnh như cắt vào da thịt ở đây, nên chẳng buồn há miệng hỏi xem cái gì làm cậu “ngột ngạt”. Ném balô ra hàng ghế sau, nó xị mặt ra. Từ suốt cả 15 phút đi bộ, cậu chẳng thèm hỏi nó thêm một câu nào, mặt thì chẳng có lấy một chút biểu cảm, chỉ có hai hàng lông mày như đang đấu với nhau là tố cáo sự giận dữ của cậu. Nó lầm bầm: “Đã bảo đừng đón, ai bảo đón đâu mà giờ lại nhăn nhó thế chứ!”. Nó bực dọc miễn cưỡng rút tay từ túi áo ra để đẩy gọng kính lên, vô tình nhận ra chính mình lại giở thói quen chu miệng, thói xấu thật khó bỏ, chỉ cần khó chịu một tí nó lại thế.
- Bé con, cháu khó chịu trong người à? Hay là thay đổi thời tiết nhanh quá chẳng kịp thích nghi? Sao cháu lại chu chu miệng thế kia, có biết như thế xấu lắm không hả?
- Cậu, không được gọi cháu là bé con, cháu đã hai mươi tuổi rồi và cháu đã trưởng thành.
Cậu quơ quơ bàn tay cứng nhắc vào không trung:
- Ha ha… Cháu 20, chứ cháu có 40 đi nữa vẫn chỉ là bé con mà thôi!
Giờ không gọi là chu nữa, môi trên nó vểnh hẳn lên, nó bật ngồi thẳng người, trợn mắt đến hết cỡ nhìn cậu, cái bộ mặt giận dữ đó như tuyên bố hùng hồn “nó không phải là bé con”. Nhưng cậu nó nhìn nó cười như nắc nẻ, rồi thấy mặt nó chuyển từ đỏ sang tái, cậu thôi không nhìn nó nữa, nhưng lại nhìn gương rồi cười. Chợt nó gắt lên: “Cậu trêu con, lát về con sẽ gọi điện méc mẹ là cậu lại đập đàn!”.
Một giây hay chỉ một phần ba giây… tiếng cười ngưng bặt… Cậu không đáp lại, cũng không nhìn nó. Nó biết nó không phải chỉ vừa ném một viên đá cuội vào mặt hồ yên ả mà là thả nguyên tảng đá xuống để dậy sóng cả hồ kia. Nó rụt mặt vào cổ áo khoác, tự vấn: “Chỉ tại cậu trêu quá, ai bảo cậu trêu làm gì?”. Dừng xe trước nhà, cậu để hành lí xuống bên đường, rồi lên xe đi thằng, chẳng nói một lời. Nó đứng đó nhìn trân, đến khi định thần lại lắp bắp: “Cậu… cậu…”, thì bóng chiếc xe cũng đã mất hút luôn. Lần thứ hai nó nói hai chữ “đập đàn” và tác dụng ngoài cả sức tưởng tượng của nó.
Sau giờ ăn tối nó hí hửng mang quà Việt Nam chia cho các bạn trong homestay, cười đùa một hồi nó mệt lử đi. Lê từng bước vào phòng, nó thả mình rơi tự do xuống giường, thở dài thườn thượt.
- Bạn lại nhớ nhà à?- Tầng giường trên, Phong Linh cất tiếng hỏi.
- Cậu mình hôm nay rất lạ. Cậu dường như là một người khác ngay khi mình nhắc đến hai chữ “đập đàn”.- Câu trả lời của nó dường như chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của Phong Linh.
Nó kể cho Phong Linh về câu chuyện xảy ra ở sân bay, rồi chuyện lời dặn có vẻ khó hiểu của mẹ trước lúc nó đi: “Cuối tuần nếu rảnh muốn đến nhà cậu chơi thì hãy gọi cậu đến đón, nếu cần gì thì bảo cậu mang lên, con đừng đi lung tung, mà nếu rảnh rỗi thì nên đến mấy ngày trong tuần đó”.
- Đấy, bạn xem, lời mẹ mình dặn cứ thế nào ấy…- Nó hồ nghi nhìn lơ đễnh lên trần nhà, đợi chờ câu hùa theo của Phong Linh.
- Thì có gì đâu, nhiều lúc mẹ bạn sợ, cuối tuần cậu của bạn có công việc hoặc tiệc tùng gì đó, như vậy sẽ phiền thôi… Mà sao bạn biết chú ấy đập đàn?- Phong Linh đáp lại nó một cách bâng quơ.
- À, có lần mình đi tìm part-time job, bắt xe buýt cũng gần nhà cậu, nên mình đi bộ đến luôn. Cũng định hù cho cậu bất ngờ, nét mặt của cậu mình lúc thấy mình công nhận là bất ngờ thật, nhưng rất khó chịu. Cậu cũng chẳng định mời mình vào nhà đâu, cứ đứng mãi ở cửa, nhưng mình khát quá, nên xông vào luôn. Bạn biết không, khắp nhà các phím đàn văng lung tung, giữa sàn là một đống ngổn ngang mảnh vở, nhìn sơ qua cũng biết là của một cây đàn organ. Mình cứ ngỡ cậu vô tình làm ngã, chỉ ồ lên, rồi bảo sao cậu làm gì mà vỡ tung thế này. Mình còn có ý tốt muốn giúp cậu dọn dẹp, vậy mà cậu mình kéo mình ra cửa gọi taxi đuổi mình về luôn. Đợt vừa rồi về nhà chơi, mẹ cứ gợi chuyện hỏi những việc bên này, bữa đó nhớ ra, mình kể chuyện đó cho mẹ mình nghe, định sẽ nhờ mẹ hỏi rõ đầu đuôi, cho đỡ ấm ức. Vậy mà, bạn biết không, mẹ mình còn mắng mình, bảo mình không nghe lời, thở dài thườn thượt: “Lại một cây đàn bị đập”, rồi đi về phòng luôn. Hôm sau, có hỏi mẹ mình cũng chẳng nói gì về chuyện đó nữa. Đó bạn xem, như thế không lạ sao?
Nó kể thế với cái giọng đầy phụng phịu với Phong Linh, chỉ để con bạn nói một câu an ủi cho đỡ khó chịu trong lòng, nhưng “kẻ ở giữa” cũng chẳng nói gì vừa lòng nó.
- Người lớn lúc nào chẳng đầy bí mật, tới lúc cần sẽ được biết thôi, bạn đừng nghĩ vẩn vơ nữa… Mình đi ngủ đây, bạn cũng nghỉ sớm đi.
Nó lại chu chu miệng, kéo cái chăn kín người, rồi cũng chìm vào giấc ngủ…
Các anh chị rủ nó cùng tham gia hoạt động tình nguyện mừng lễ Phục Sinh, nó gật đầu ngay, háo hức biết bao. Mọi người dự định sẽ tổ chức một buổi hát nhạc mừng lễ, rồi quyên góp đồ đạc cũng như dành số tiền thu được tặng cho các trẻ mồ côi ở nhà thờ. Nó hồ hởi lắm, khi được phân công nhiệm vụ tìm người hỗ trợ đệm đàn. Công việc đó thật dễ dàng, nó nghĩ ngay tới cậu, cậu biết chơi đàn, dù cậu chỉ chơi linh hoạt một bên tay, nhưng như vậy đã đủ hay lắm rồi. Chỉ có điều là thuyết phục cậu cũng hơi khó, nhưng nó có thể bày kế.
Buổi biểu diễn diễn ra trong không khí rộn ràng, mọi người ai cũng vui vẻ vì sự thành công của chương trình. Sau khi kết thúc, Cha Minh An, cha quản xứ là người Việt Nam, thay mặt các em nhỏ trong cô nhi viện và các sơ, mời cả đoàn dùng cơm thân mật. Nó nhìn cậu bằng ánh mắt van nài, khi cậu lôi nó ra xe về. Cũng may, mấy em nhỏ năn nỉ hộ, vậy là cậu miễn cưỡng ở lại. Cha An ngỏ lời nhờ cậu giúp đỡ dạy đàn cho các em nhỏ có nguyện vọng học, cậu chẳng cần suy nghĩ, cũng không tìm lời nào hay ho, thẳng thừng bảo “không”, làm nó đến đơ ra vì ngại. Phong Linh thấy không khí cuộc trò chuyện không vui, nên nảy ra ý định hát tặng mọi người một bài, nó nhờ cậu đệm đàn. Giọng hát Phong Linh cất lên, nhẹ nhàng làm mọi người vui vẻ hẳn lên, nhưng nó thấy đôi lông mày của cậu vẫn cứ chau lại, nó chột dạ lắm mà cũng không thể cắt ngang bài hát. Bỗng, cậu đấm xuống phím đàn, gương mặt đầy đau đớn và tức giận, nhìn thẳng vào mặt Cha xứ rồi quát: “Tất cả chỉ là đồ giả tạo!”. Cậu ôm lấy một bên bàn tay, hằm hằm bỏ đi, mặc cho nó chạy theo gọi mãi. Nó vừa quê với mọi người, vừa khó hiểu, lại vừa bực bội chẳng biết làm sao, chẳng thể giải thích hay phân bua lời nào. Nó kể cho mẹ một lèo, không hiểu sao mẹ nó lại khóc khi nghe nó kể cậu chơi đàn ở nhà thờ, đáng lẽ người khóc là nó mới đúng, cậu gây cho nó bao nhiêu là rắc rối, chẳng thể giải thích gì cả.
- Hơn hai mươi năm trước, mẹ vẫn còn nhớ, cậu vui như đứa bé được phần kẹo khi nhà thờ đọc tên cậu vào danh sách học đàn organ. Lúc đó, nhà mình nghèo, không có tiền cho cậu đi học đàn, cậu con cũng không đòi hỏi, nhưng cậu con mê mẩn những phím đàn, nó vẽ những phím đàn lên giấy rồi tường tượng. Lúc biết có thể được sờ và tập trên đàn thật, cậu con vui biết chừng nào…- Mẹ nó nghẹn ngào kể, đôi mắt mờ đi vì những giọt lệ tràn.
- Thích đàn như thế sao cậu lại đập cây organ? Hình như đó cũng không phải lần đầu đúng không mẹ, mà hình như cậu không giữ Đạo nữa?- Nó khó hiểu chen ngang lời mẹ.
- Tháng học đầu tiên, cậu con tiếp thu rất tốt hơn những bạn khác, nhưng lúc nào làm nhạc lý cũng thấp điểm. Cậu con vẫn cứ nghĩ Cha xứ thiên vị, nhưng nó vẫn rất hăng say luyện tập lắm, có bữa tranh thủ trưa không ai dùng đàn, nó say sưa luyện, mẹ phải mang cả cơm đến nhà thờ cho nó ăn. Hôm đó, nếu không có ngày hôm đó, có lẽ…- Mẹ nó nấc lên, nghẹn lời không nói được, hay bởi bà đang không biết tiếp tục như thế nào.
- Mẹ kể đi, sao cậu lại như thế?- Nó sốt ruột hỏi dồn mẹ.
- Buổi trưa hôm đó, nó cũng luyện đàn, nhưng hôm đó có em trai của Cha xứ lên chơi. Vì nó luyện bài mới, đánh cũng không hay cho nên gây ồn ào làm em trai của Cha xứ không nghỉ được, anh ta có nặng lời với cậu con. Chạm tự ái, lời qua tiếng lại, hai người ẩu đả với nhau. Cha xứ vội vàng ra can ngăn, nhưng chẳng may cậu con đứng không vững ngã vào cây đàn. Có lẽ do xót cây đàn quý, lại tiếc vì cả giáo xứ chỉ có một cây đàn để dùng đệm hát lễ, Cha xứ đã lỡ lời bảo rằng cậu con không bao giờ được đụng đến đàn của nhà thờ nữa, cũng không cho cậu tiếp tục học nữa. Từ đó, cậu con đâm ra bất mãn với Cha quản xứ, dù ông bà ngoại trách mắng thế nào cậu cũng không đến nhà thờ tham dự thánh lễ. Rồi cậu xin ông bà ngoại cho đi làm xa, cậu con đi làm công nhân để có tiền theo học đàn, nhưng không thể chơi chuyên nghiệp được, vì bàn tay có một ngón bị đứt dây chằng khớp, ngón tay không linh hoạt, mà nguyên nhân là do cuộc ẩu đả đó. Cậu con từ đó hận bất kỳ ai là linh mục, cũng hận cả cây đàn.
Nó lặng đi khi nghe từng lời của mẹ, không ngờ cậu nó mang mối hận sâu đến như vậy.
Mẹ nó tiếp lời:
- Mẹ nghe hàng xóm cậu con kể, lúc còn ở Việt Nam, cả cái xóm vắng lặng cứ như được hẹn giờ mỗi ngày. Cứ đến giờ đó, ngày đó là y như rằng cậu Tư sẽ mắng, sẽ dạo đàn rồi sẽ lại cười cái điệu ghê người đó.Thời gian đầu mới chuyển đến, cả xóm cứ tưởng rằng cậu con bị điên, phát bệnh, nhưng rồi qua những lúc đó, người ta lại thấy cậu như một người bình thường, có khi lại còn tốt hơn khối người, vì cậu sẵn sàng giúp đỡ người khác, lại còn sống rất đúng mực với  hàng xóm. Lâu dần, người trong xóm cũng quen dần với những điều kì lạ đó, người ta cũng chẳng tìm cách hỏi han nữa. Bởi lẽ có lúc thường hỏi, thì cậu con cũng cười cái kiểu miễn cưỡng rồi lãng đi, còn lúc “phát bệnh” kia, chưa ai dám gõ cửa nhà để hỏi. Người trong xóm quen dần với tiếng organ. Người trong xóm không còn tò mò về thứ âm thanh đó nữa, nhưng lúc đó cậu con quyết định cư ở nước ngoài.
*  *  *
Cha An lại nhờ nó cùng các bạn tình nguyện viên chỉnh sửa lại mấy phòng cũ để làm phòng sinh hoạt cho các em. Cha lại đặc biệt nhắc nó mời cậu, lời Cha nói làm nó đỏ bừng cả mặt, nó lí nhí bảo:
- Cậu con cư xử hơi khác thường Cha đừng để tâm nhé!
Cứ ngỡ Cha giận chuyện hôm trước, nào ngờ Cha cười hiền lành, vỗ nhẹ vai nó:
- Cha hiểu, cậu con có nỗi khổ riêng, nhưng tâm cậu con rất tốt, có thể chúng ta nên giúp cậu con.
Nó chu miệng, kiểu như bó tay với trường hợp cậu. Nó hình dung ra cái cảnh năm xưa, như người bên lề của câu chuyện, nó kể tường tận với Cha Minh An về những gì đè nặng trong lòng cậu.
Nó miễn cưỡng làm theo lời Cha, nhắn cho cậu cái tin đến giúp sửa nhà. Nó nghĩ lần trước để mời cậu đệm đàn, nó hao tâm tổn trí như vậy mới được, thì giờ có cái tin nhắn này chắc chẳng làm gì được, nhưng thử một lần cũng chẳng mất gì nên nó cứ nhắn. Buổi sáng chủ nhật hôm đó, lu bu chạy ra chạy vào giúp việc vặt cho mấy người thanh niên, nó mệt bơ phờ nên đi tìm chỗ ngồi nghỉ một tí. Nó chợt thấy cậu, với bộ đồ công nhân lấm lem màu, đang sơn tường, nó há hốc miệng thở dốc vì bất ngờ. Nhưng nó bất ngờ hơn, cậu đang sơn tường với Cha xứ, và tay chân Cha cũng lem luốc những sơn màu. Mắt nó mờ đi, hình như hai người đang nói chuyện và cười với nhau sao?

- Chủ nhật rủ cậu đi lễ với nhé, cậu sẽ đệm đàn cho ca đoàn.- Cậu cất lời làm nó giật bắn người, xém chút rơi khỏi ban công đang ngồi. Câu nói làm nó giật mình, dụi mắt, gãi đầu mấy cái nó mới khẳng định không hề mơ ngủ.
- Cậu vừa nói gì vậy? Con có nghe nhầm không?- Nó nhìn cậu lưỡng lự hỏi.
- Con không nghe nhầm đâu, cậu nghĩ cậu hận đủ rồi, cậu không muốn giữ những “tảng đá” trong lòng nữa.
- Cậu, là ai có thể giúp cậu thay đổi vậy?- Nó nghi ngờ đặt câu hỏi.
- Là người linh mục giản dị kia. Sao cậu lại không nhận ra  mình “giận cá chém thớt” lâu như vậy nhỉ?
Nó há hốc miệng:
- Nhưng…
Nó vừa định hỏi thì cậu chặn lời:
- Con có thấy khung hình một bài kiểm tra Toán điểm F treo trong phòng mới sửa không? Lúc sơn tường cậu thấy nó thật lạ, điểm F tệ như vậy, tên cũng không phải của Cha tại sao lại treo trang trọng như thế, nên có hỏi Cha Minh An. Ông ấy bảo nó là kỷ vật của một đứa trẻ đặc biệt, là con điểm đầu tiên của một đứa trẻ ngỗ ngược, luôn bị trách phạt vì làm sai nhiều đến nỗi không thể cho điểm nào khác. Điểm F tệ kia Cha chấm vào bài, điểm F tệ đó là sự khắt khe Cha muốn dùng để đứa trẻ đó cố gắng hơn, để nó cảm thấy xấu hổ với bạn bè mà phấn đấu. Nhưng khác với những gì Cha nghĩ, với đứa trẻ đó điểm F là lời khen, là phần thường, nó rất vui vẻ và sự cố gắng của nó có động lực tích cực. Cậu bé đó đã làm Cha rất bất ngờ, cho nên Cha treo bài kiểm tra đó để nhắc nhở mình và người khác, nên gieo cho người khác sự khích lệ, và nên xem những khó khăn trở ngại chính là động lực.
Nó gãi đầu:
- Chỉ cần câu chuyện đó mà cậu có thể quên những cung đàn oán của mình sao?
- Không, là câu nói cuối cùng của Cha, hãy sống như trẻ em vì Chúa Giêsu nói:“Cứ để trẻ em đến với Tôi, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 19, 14).
Nó lơ mơ hiểu ra những ẩn ý trong câu chuyện và câu nói của Cha Minh An, nhưng nó lại nghĩ có thể không hẳn là do sức thuyết phục của câu nói hay lời Kinh Thánh kia, mà là do những điều đó được nói bởi một người linh mục nhân từ, giản dị. Điều đó có thể đã chạm vỡ những “tảng đá” trong lòng cậu nó, giúp cậu nó xóa đi khóa son cứng nhắc, chỉnh lại tông trưởng, hủy đi những nốt nhạc oán trong lòng để dạo những cung đàn tươi mới ca ngợi Thiên Chúa. Một người “gút nút” chưa hẳn là xấu, vì nhất định Chúa cũng sẽ gửi một người gỡ nút cho chúng ta.
 
 

ĐẠO CHÍCH CUỘC ĐỜI

* Anna Dương Thị Thái Chân (Gx.Ngọc Thạnh)
 
King koong… King koong…
Chuông nhà thờ ngân vang giữa chiều hoàng hôn tím ngát.
Ông Hai lặng lẽ rời khỏi tháp chuông đi ra phía tiền đường để mở cổng nhà thờ. Phía sau ông luôn có một con chó, thuộc dòng chó Phú Quốc, lẽo đẽo theo sát không rời.
Cánh cổng nhà thờ mở, ông Hai toan bước vào trong thì chợt có tiếng nẹt pô xe máy rất lớn làm ông giật mình. Nhìn hướng ra ngoài đường, ông thấy một đám thanh niên đang chở nhau trên những chiếc xe máy, chạy với tốc độ rất nhanh, ép côn giật ga liên tục để tạo ra thứ âm thanh ồn ào gây khó chịu. Đột nhiên trong tâm trí ông, thước phim cuộc đời chợt tua ngược trở lại, ngay thời điểm ông là một chàng trai ba mươi tuổi…
*  *  *
“Cướp… Cướp… Cướp…”
Tiếng la thất thanh của một nhóm người đang đuổi theo chiếc xe máy chở hai thanh niên bỗng xé tan sự tĩnh mịch giữa đêm khuya. Những chiếc xe đuổi rượt nhau một đoạn dài cho đến khi âm thanh của những tiếng nẹt pô xe mất hút trong đêm đen lạnh lẽo.
“Dô… dô… dô…”… Trên bàn nhậu vang lên tiếng cười nói sảng khoái kèm theo những câu chửi tục được phát ra từ miệng những gã say rượu.
- Con mẹ nó, tối qua xém tí nữa bị bắt rồi.
Trong  năm người đang nhậu này, có hai thanh niên bị rượt đêm qua. Một trong hai gã hớp một ngụm bia rồi tiếp tục kể lể với giọng khàn khàn.
- Tối qua tao với thằng Côn chạy qua làng bên cạnh xem có con cầy nào đi nhong nhong không, đi ngang qua nhà kia đang xây cổng nhưng chưa lắp cửa, thấy “ẻm” chó đưa mỏ ra sủa, thế là thằng Côn liền lấy đồ nghề ra, nhưng...
- Mẹ nó! Con chó sủa inh ỏi, tao liền chích điện cho nó tê, vừa hốt bỏ vô bao thì thằng chủ thức giấc rồi rượt tụi tao. Nó thì làm sao chạy trong đêm rành bằng tụi tao, đuổi tới làng bên thì tụi nó mất dấu luôn…- Đến lượt Côn lên tiếng.
- Ha… ha… ha…- Đám nhậu cười vang lên còn hai tên thanh niên vẻ mặt nghênh nghênh như vừa lập được một chiến công vĩ đại.
- Nâng ly cho vụ tối qua đi, chúc mừng tụi mày hốt được hàng và chạy thoát.
- Dô…ô…ô…ô…
- Ê Côn, mày có dự định gì cho vụ tiếp theo không?
- Còn hai hôm nữa là Tết rồi… hức… hức… Phải đánh thêm chuyến nữa để có tiền tiêu Tết chứ mày, hức… hức…- Côn trả lời bằng giọng say lè nhè.
Côn là một thanh niên hư hỏng bỏ học từ hồi cấp hai, thời còn đi học hắn đã kết bè kết phái với những thành phần bất hảo trong xóm.  Sau đó nghe lời tụi bạn bỏ học rồi cùng đám bạn xấu ấy đi trộm cắp. Côn còn một người mẹ già, bà đang sống chật vật qua từng ngày trong sự bao bọc của láng giềng. Khi hắn mười tuổi, cha hắn mất vì bị tai nạn trong lúc phụ hồ. Nhà hắn nghèo lắm, mẹ hắn phải đầu tắt mặt tối làm ngoài đồng để kiếm tiền nên không để ý đến việc dạy dỗ hắn. Cũng từ đó, hắn ăn chơi lêu lổng và sớm trở thành một đứa trẻ hư.
*  *  *
“Cướp … cướp … bắt cướp…”. Tiếng hô bắt cướp lại vang lên lúc đêm khuya, trong thời khắc chỉ còn một tiếng nữa là bước sang năm mới.
Lần này xui cho hắn và thằng bạn, số người rượt tụi hắn đông hơn trước rất nhiều. Dù thằng bạn chạy lượn lẹo ngoằn ngoèo thế nào cũng không thể nào cắt đuôi được. Lúc này nhóm người đã chạy sang ngôi làng bên cạnh, bọn họ không còn trên đường nhựa nữa mà chạy trên đường đất đầy sỏi đá giữa những cánh đồng lúa. Đám người rượt đuổi giờ đã rất gần xe của hắn.
“Nhanh lên... Nhanh… lên!”- Côn hối thúc thằng bạn. Lúc này hắn thấy sợ, tim hắn đập dồn dập.
“Ầmmmm”… Xe của hắn và thằng bạn văng xuống ruộng. Trong lúc mất bình tĩnh, thêm cả trời tối và đường gồ ghề, bạn hắn không thấy cục đá trồi lên trên con đường đất nên đã va vào đó. Chân của thằng bạn bị kẹp dính trong xe còn hắn thì văng cách đó không xa. Đám người kia cũng đã tới nơi và xông đến. Họ chia ra làm hai nhóm, một nhóm đánh thằng trộm đang mắc kẹt ở xe, nhóm kia vây đánh hắn. Có lẽ do thù hận lâu ngày chồng chất, nên họ giở những đòn đánh khá ác hiểm, họ dùng hết sức bình sinh vụt gậy vào đầu và ngực tụi nó, có người còn lấy chân đạp thật mạnh. Đánh xong họ hất ngửa hai tên trộm ra coi còn sống không, thấy chúng giờ như hai cái xác thì họ bỏ đi.
“Kiiiing kooong… Kiiiing… kooong”. Tiếng chuông nhà thờ đâu đó xa xa vang lên, báo hiệu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
“Aaa…aaa”… Tiếng rên khe khẽ cất lên yếu ớt từ miệng Côn. Toàn thân hắn đau nhức ê ẩm, xương cốt dường như bị dập nát, mặt phồng lên như cái bánh bao và con mắt thì sưng húp. Hắn dần dần lấy lại ý thức và nhận ra mình đang nằm trong vũng bùn của đám ruộng, lúc này hắn cảm thấy lạnh, lạnh vô cùng. Hắn chợt nhớ tới thằng bạn, cố lết đến chổ nó rồi lay, bạn hắn giờ đã là cái xác bất động lạnh ngắt. Hắn hoảng hốt rụt tay ra khỏi xác thằng bạn, mặt tái nhợt xám xịt. Hắn vội vã nhích ra xa rồi cố bò lên con đường đất, nhìn chung quanh xem có ánh đèn của nhà nào gần đó không để xin họ giúp đỡ, nhưng do con mắt bị sưng húp và dân cư ở đây thưa thớt nên hắn không tìm được nhà nào cả.
Trong cơn tuyệt vọng cùng cái lạnh thấm dần trong cơ thể, hắn cảm thấy đuối sức. Lúc này, hắn nghĩ rằng cuộc đời hắn đã chấm hết. Hắn sẽ chết, chết ở độ tuổi còn rất trẻ, chết trong một hoàn cảnh quá tàn nhẫn. Gắng gượng ngước nhìn bầu trời lần cuối. Chợt hắn thấy ánh sáng mờ mờ phía trước, cố gắng nhìn bằng cặp mắt sưng húp, hắn nhận thấy ánh sáng đó có hình Thánh Giá. Bản năng sinh tồn trong hắn một lần nữa thúc giục hắn cố lết về nguồn ánh sáng ấy. Hắn phải cố lên, đó là hy vọng cuối cùng của hắn. Mặc cho cơn đau đang muốn kìm hắn lại, hắn vẫn cố gắng lết lên phía trước. Từng chút, từng chút một… Rồi hắn cảm giác như trời đất quay cuồng, lưng hắn đau buốt tựa như có hàng ngàn tấn đá đè trên người, cho đến khi đôi mắt hắn nhòe đi, hơi thở yếu dần, hắn kiệt sức gục đầu xuống đất…
“Thánh… Thánh… Thánh… Chúa là Thiên Chúa các đạo binh…”. Tiếng hát trong ngôi thánh đường vang vọng ra ngoài, bay đến trạm xá nằm trong khuôn viên nhà thờ. Đôi mắt hắn dần dần mở ra. Toàn thân hắn ê ẩm, nhưng không đau nhức như lần hắn tỉnh dậy trong bùn, mặt mũi tay chân chỗ nào cũng được quấn băng trắng toát, phần chân trái giờ đã được nẹp và băng bó cẩn thận.
“Chỗ nào đây?”- Hắn nghĩ trong đầu.
“Lễ xong chúc anh chị em ra về bình an”…
 “À… mình cũng có đạo…”- Hắn tự lẩm nhẩm với chính mình. Những lời xướng đáp trong thánh lễ hắn vẫn nhận ra, một vài bài thánh ca trong thánh lễ hắn có thể hát nhẩm được. Kể từ năm học lớp tám, hắn không còn học giáo lý và không tham dự thánh lễ nữa. “Bao nhiêu năm rồi nhỉ?”- Giờ hắn cũng không nhớ chính xác hắn đã bỏ đạo bao lâu nữa.
“Anh ấy tỉnh rồi kìa!”. Đang miên man nghĩ về quá khứ bỗng một giọng nói vang lên làm hắn giật mình. Nhìn về hướng phát ra tiếng nói, hắn thấy một vị linh mục mặc áo dòng đen, đi sau có thêm vài người đàn ông nữa. Vị linh mục trông khoảng bốn mươi tuổi, ngài đi đến bên giường để xem các vết thương trên người hắn thế nào.
- Đây là đâu?- Hắn hỏi vị linh mục.
Một số người nhăn trán tỏ vẻ khó chịu vì cách nói cộc lốc của hắn với cha xứ. Nhưng dường như không quan tâm đến tiểu tiết đó, vị linh mục vẫn tươi cười trả lời.
- Đây là trạm xá của nhà thờ… Nó mới thành lập cách đây một tuần thôi, anh là người bệnh đầu tiên đấy.
Chợt nhớ ra điều gì, hắn hơi nhỏm đầu dậy một tí:
- Hôm nay mồng mấy rồi?- Vẫn cái kiểu hỏi cộc lốc.
- Mồng ba rồi.
- Mồng ba rồi à?- Ánh mắt hắn thu lại không hướng về mục tiêu cố định nào nữa, miệng thì lẩm nhẩm: “Mồng ba rồi sao?”.
- Anh sao vậy, có gì không ổn à?- Thấy biểu hiện lạ của hắn, vị linh mục hỏi.
Hắn không trả lời mà chỉ lắc lắc nhẹ cái đầu đang quấn băng trắng kín mít tới mắt.
- Thôi được rồi, anh tỉnh dậy là tốt rồi, giờ nghỉ ngơi thêm đi, chúng tôi sẽ quay lại sau.- Ngài nói rồi vỗ nhè nhẹ vào vai hắn.
*  *  *
Đã ba tuần trôi qua kể từ khi hắn gặp nạn, sức khỏe hắn đã dần hồi phục. Tay hắn đã được tháo băng, chân giờ đã lành lặn, hắn có thể đi được. Hằng ngày vị linh mục vẫn đến thăm hắn, chăm sóc hắn tận tình chu đáo. Vị linh mục không hỏi tại sao hắn lại ra nông nỗi này, hắn cũng chẳng muốn nói ra làm gì. Hắn chỉ ngạc nhiên vì cách đối xử quá tốt mà ngài dành cho hắn. Chỉ có điều dù cho được đối xử tử tế, nằm mãi trong căn phòng nhỏ bé ngột ngạt này vẫn khiến hắn đâm chán.
Màn đêm đen tuyền khiến cảnh vật càng trở nên huyền ảo. Lúc này hắn đang nằm một mình trong phòng. Chợt hắn ngồi bật dậy và đảo mắt nhìn ra đêm đen ngoài cửa sổ, cảnh vật về khuya tĩnh lặng nhưng có gì đó thật quyến rũ như muốn gọi mời hắn hòa vào khoảng không đen kịt ấy. Nhè nhẹ đẩy cánh cửa, hắn khập khiễng bước ra ngoài. Băng qua dãy phòng giáo lý rồi đi xuyên qua hai hàng cây trong khuôn viên nhà thờ, toan trốn đi thì tầm mắt hắn chợt đưa qua hình ảnh quen thuộc. Hắn gắng nhìn xuyên vào màn đêm, có một con chó đang nằm dưới gốc cây me kế bên nhà thờ, nó vẫn đang ngủ ngon lành. Hắn chậc lưỡi toan đi tiếp, chợt có gì đó lóe lên trong suy nghĩ, hắn đứng lại quay đầu nhìn con chó. Trong người hắn không một đồng cắc, ra đi giữa đêm hôm khuya khoắt thế này chẳng khác nào lao vào chỗ chết một lần nữa, dù thế nào cũng phải có chút gì đó dằn lưng.
Hắn quay trở lại căn phòng mà hắn đã nằm thời gian qua, lục lọi tìm gì đó. Cuối cùng hắn cũng thấy bộ quần áo mà hắn đã mặc trong cái hôm gặp nạn, bộ quần áo đã được ai đó giặt sạch sẽ và xếp trong tủ. Hắn hồi hộp móc tay vào trong cái túi quần ấy. Nó vẫn còn. Hắn mừng rỡ lôi ra một túi nhựa được cột chặt, bên trong vẫn còn hai miếng bã chó nguyên vẹn. Hắn nhìn xung quanh rồi lấy miếng bã chó gắn vô cục xương trong tô cơm ăn dở của hắn lúc chiều. Bước ra khỏi trạm xá, hắn đi đến chổ con chó…
*  *  *
- Cha ơi! Cha có trong phòng không?- Có tiếng người vọng ngoài cửa phòng.
Vị linh mục vừa đọc kinh sáng xong, nghe tiếng gọi thì vội vàng mở cửa. Ngài chợt ngạc nhiên khi thấy có bốn bác giáo dân của giáo xứ đang giữ chặt cậu thanh niên mà mình đã cứu, dưới đất còn có cả xác con chó ngài đang nuôi.
- Cha xem, tên này trả ơn cha bằng cách này đấy!... Sáng nay chúng con ra đồng sớm thì gặp hắn đang bỏ chạy, tay còn ôm xác con chó của cha. Cái thằng này không biết ơn cha mà còn giết chết rồi ăn cắp chó của cha nữa.
- Chúng con định đưa hắn lên công an, nhưng chúng con muốn trình cho cha biết sự việc rồi mới đem hắn nộp.
Vị linh mục nhìn cái xác con chó yêu quý mồm xì đầy bọt mép đang nằm chỏng chơ giữa nền đất, lòng ngài chợt đau thắt. Cuộc đời linh mục ngoài thời gian phụng vụ và cầu nguyện, ngài còn dành những lúc rảnh rổi để chăm sóc và vui đùa cùng chú chó này. Một người sống đời sống cô đơn còn gì đáng quý hơn khi có một sinh vật bầu bạn. Ôi, ngài yêu mến và trân quý chú chó này biết bao nhiêu, nó đã ở với ngài hơn mười năm rồi. Đối với ngài, chú chó này như một người bạn trung thành, một người con yêu dấu lúc nào cũng có thể san sẻ với ngài những gánh nặng công việc đè nén. Có gì đó nghẹn ứ trong cổ họng ngài lại, ngài muốn nói gì đó nhưng đôi môi chỉ run run không thể phát nên lời.
Đưa mắt sang người thanh niên đang cúi gầm mặt run rẩy. Nhớ lại đêm giao thừa ấy, khi trở về sau thánh lễ đêm ở một giáo họ, ngài thấy chàng trai này nằm bất động trước cổng nhà thờ với đầy thương tích trên cơ thể. Ngài đã cứu và chăm sóc anh ta suốt thời gian qua vì biết anh có hoàn cảnh đáng thương nên mới ra cơ sự này. Khi thấy sức khỏe anh đã hồi phục, sáng nay ngài định sẽ đến thăm anh lần cuối và gửi anh chút tiền để anh có lộ phí trờ về. Thế mà…
Vị linh mục im lặng nhìn chàng thanh niên đang khúm núm sợ sệt trong những cánh tay siết chặt. Rồi ngài từ tốn bước đến bên cạnh, đặt tay lên vai anh ta, nhẹ giọng phát ra từng âm chậm rãi.
- Anh đi đâu giữa đêm hôm thế? Cha dặn là sáng nay hẳn mang con chó đi mà…
Sửng sốt, hắn đăm đăm nhìn vào mặt vị linh mục. Ông ấy đang nói cái quái gì vậy? Sao không mang hắn nộp cho công an luôn đi? Nhưng rồi khuôn mặt hắn chợt chùng lại khi nhìn thấy ánh mắt nhân hậu của ngài.
- Ơ, thế này là sao? Nó đã giết chết rồi ăn cắp chó của cha mà!- Một bác giáo dân lên tiếng.
- Con chó cha bị bệnh nặng, nó mới chết tối qua, cha nhờ cậu này mang nó đi chôn đấy. Các bác hiểu lầm cậu ấy rồi.
- Ra là vậy, xin lỗi cậu nhé! Con chó này cha xứ chúng tôi quý lắm nên chúng tôi cứ tưởng… Vậy thôi xin phép, chúng con ra đồng làm tiếp đây ạ!
Chỉ còn lại vị linh mục và hắn. Ngài ngồi xuống rồi dúi vào tay hắn hai tờ năm trăm ngàn trong khi hắn vẫn còn run cầm cập trong cơn bàng hoàng sửng sốt. Nắm chặt lấy bàn tay đang run rẩy, ngài nhìn sâu vào đôi mắt vô định của hắn.
- Chàng trai, hãy cầm lấy số tiền này, tôi biết cậu đang thiếu thốn nên mới làm như vậy. Hôm nay không phải tôi mà chính là Thiên Chúa đã cứu và tha thứ cho cậu… Cậu đi đi và hãy hứa rằng sau này cậu phải trở thành một người lương thiện.
*  * *
“ Gâu… gâu…”. Tiếng chú chó Phú Quốc kéo ông Hai trở về với thực tại.
Ông Hai xoa đầu chú chó đang ngoe nguẩy cái đuôi thầm nghĩ: “Phải rồi, trước kia tao đã giết không biết bao nhiêu là đồng loại của mày. Nếu không có cái đêm định mệnh ấy, có khi giờ đây mày cũng bị tao giết rồi ấy chứ”.
- Sao ông còn đứng đây? Gần đến giờ lễ rồi, ông vào nhà xứ chuẩn bị áo lễ giúp tôi nha.
Ông Hai giật mình quay lại, giọng nói phát ra từ vị linh mục già có đôi mắt ấm và gương mặt phúc hậu.
- Vâng, thưa cha!- Ông Hai từ tốn đáp trả.
Trời đã sẫm tối, trong nhà thờ thánh lễ tạ ơn cuối năm đang diễn ra thật sốt sắng.
Trên ngọn tháp chuông ấy, cây Thánh Giá với những ánh đèn led bao bọc xung quanh vẫn đang phát ra ánh điện nhấp nháy. Chúng tựa như những vì sao sáng rực giữa bầu trời đêm, soi dẫn những tâm hồn lầm lạc tìm về nguồn Sống, nguồn Tình Yêu đích thực và vĩnh cửu.
 
 

THƯƠNG XÓT NHƯ TA

* Phêrô Ngô Gia Hy (Gx.Tuy Hòa)
 
Vào một buổi sáng, bên trong nhà tù lớn, người quản giáo đọc tên những phạm nhân được ân xá trong đợt này. Trong số đó có Phúc, một phạm nhân mang tội danh giết người được trả tự do sau khi thụ án 10 năm. Dáng vẻ to con, làn da đen sạm ấy bước ra khỏi nhà tù. Không một người thân đến đón, trong túi chẳng dính nổi một đồng. Anh rảo bước thật nhanh để về nhà mình, về với xóm đạo của anh.
Xóm đạo nghèo nằm trong thành phố lớn, tuy đơn sơ nhưng tràn đầy niềm vui. Tiếng của trẻ con nô đùa, tiếng của hàng xóm nói chuyện với nhau như người thân. Phúc nhớ rõ lắm, cái ngày mà Phúc bị bắt, cả xóm náo động lên, từ người già đến trẻ con ai nấy đều nhìn Phúc bằng con mắt buồn bã thất vọng. Sau 10 năm, khung cảnh vẫn thế, ngôi nhà của anh không người chăm sóc nên giờ cũ kĩ và xập xệ hơn trước nhiều. Vừa thấy Phúc, những người trong xóm bắt đàu bàn tán rôm rả. Những đứa trẻ thấy người lạ vào xóm thì đứng nhìn đằng xa. Đi đến đâu, anh cũng cúi đầu chào mọi người và nở nụ cười. Nhưng điều mà anh nhận lại chỉ là những con mắt vô cảm và hoài nghi.
Bước vào nhà, anh nằm trên cái giường tre bụi bặm. Ngày xưa, anh thường nằm ở đây sau khi đi làm về, và đợi chờ những món ngon mà mẹ nấu cho anh. Cuộc sống hạnh phúc không lâu thì anh lại mang bản án giết người, bỏ lại mẹ già trong căn nhà gỗ. Nước mắt anh chảy xuống khi không còn ai ở bên mình nữa. Ngoài kia, tiếng bàn tán về anh vẫn rôm rả. Người trong xóm bắt đầu xa lánh anh. Đến trẻ con cũng không dám lại gần.
Anh đứng dậy bỏ đi. Về lại xí nghiệp cũ, anh xin quản lý cho anh được trở lại làm việc, nhưng vì anh đã có tiền án giết người, nên xí nghiệp không nhận anh nữa. Ra đường, nơi đâu có việc làm anh đều năn nỉ xin làm. Nhưng cái vết mà anh đã để lại từ 10 năm trước đã làm những con người quay lưng với anh. Có lẽ vụ án năm xưa đã làm rúng động cả một vùng. Tiền không có, mệt mỏi, anh ra đường xin ăn, nhưng có mấy ai cho. Dưới cái nắng gắt, anh đưa hai tay xin miếng ăn. Anh khóc, nước mắt tuôn ra trên làn da đen sạm… “Lạy Chúa, xin tha cho con, xin đừng phạt con nữa!”.
Tiền không đủ ăn ngày hai bữa, Phúc nghĩ đến việc mình sẽ đi ăn trộm. Dáng vẻ thụt thò, quần áo xốc xếch, anh bước vào tiệm tạp hóa, nhanh tay chụp lấy mấy gói mì rồi bỏ chạy. Chủ quán hô hoán, mọi người chụp lấy Phúc và đánh tới tấp. Anh khóc lóc van xin:
- Con lạy ông bà, cho con mấy gói mì ăn đỡ đói! Xin tha cho con…
Nhưng đám người vẫn không để ý, luôn miệng nói anh là kẻ ăn cắp, từng cái tát như trời đánh giáng xuống mặt, tay chân anh. Cuối cùng, người ta nộp anh cho công an và bị kết tội là trộm cắp, hình ảnh của anh được dán lên bảng cảnh giác kẻ gian. Anh xin được vào tù, vì ở đó, anh được ăn cơm, được no, được ấm nhưng không ai cho. Làm việc thì không ai nhận, đi xin thì không ai thương. Cả xã hội đều quay lưng lại với anh.
Sáng hôm sau, anh về nhà thờ của mình, gặp cha xứ:
- Xin cha cho con được ở đây, việc gì con cũng làm, chỉ mong cha cho con được ăn cơm ngày ba bữa.- Anh vừa chắp tay vừa khóc. Cha sở nhìn anh lo ngại.
- Thôi được, anh cứ ở lại đây, hàng ngày anh phải quét dọn nhà thờ, kéo chuông và phụ giúp Cha.
Anh mừng rỡ ôm lấy Cha, anh lại khóc… Ngày hôm đó, anh siêng năng làm những gì Cha sở cần. Gương mặt của Cha già có vẻ yên tâm hơn. Nhưng ngay chiều đó, có những người lại đến gặp Cha:
- Con không đồng ý cho cái thằng đó ở trong nhà Chúa. Nó là một kẻ tội lỗi. Nó đã làm giáo xứ mình mang tiếng xấu.
- Đúng đó Cha, ngựa quen đường cũ, có ngày nó lại ăn cắp và có ngày nó sẽ làm hại đến Cha.- Một người khác giận dữ nói.
Cha sở nhẹ nhàng nói:
- Sao mọi người không cho anh ta một cơ hội? Anh ta không còn ai, xã hội thì ruồng rẫy… Anh em với nhau mà mọi người lại như vậy sao? Anh em có lòng thương xót không?
Mọi người im lặng bỏ đi. Phúc không phản ứng gì cứ thế nhìn Cha sở. Có vẻ chuyện anh được ở trong nhà thờ đã được mọi người chấp nhận. Nhưng những công việc chung của mọi người, thì anh lại không có quyền được tham gia. Anh đến đâu mọi người đều giải tán. Anh có hỏi thì cũng nói cho có lệ. Anh sống một mình, cô đơn. Mặc cảm thân mình tội lỗi, nên anh cũng không dám nói chuyện với Cha nhiều. Một lần nọ, anh đến gặp Cha:
- Xin Cha cho con được ở trong nhà kho của nhà thờ, tránh đi sự dèm pha của mọi người. Con không muốn sự có mặt của con ở đây gây sự chia rẽ cho mọi người.
Lúc đầu Cha sở không đồng ý, nhưng Phúc nài nỉ nên Cha đã gật đầu. Thế là anh ở ẩn trong một căn nhà phía sau nhà thờ. Căn phòng đã xập xệ và bốc mùi mốc kinh khủng. Nơi đó, anh chuyên tâm lần chuỗi cầu nguyện xin Chúa tha thứ. Cha sở tặng cho anh bức tượng Chúa Thương Xót. Anh mừng lắm, anh ôm tượng Chúa vào lòng. Hằng ngày, anh đợi mọi người vào nhà thờ hết, rồi lặng lẽ ngồi vào phía cuối nhà thờ dự lễ. Anh không còn mặc cảm nữa, nhưng thay vào đó là một cảm giác lạ lùng, cảm giác của sự ấm áp và bình an. Sau khi nhà thờ vắng người, anh lại quét dọn bên trong thánh đường, lau từng cái ghế. Và Phúc thấy, mình thật hạnh phúc.
Thời gian sau, Cha sở và Phúc thân nhau hơn. Hai người thường nói chuyện và đọc kinh chung. Người tội phạm ngày nào đã trở nên tốt lành hơn. Nhưng… chỉ có Cha sở mới nhận thấy điều đó. Vài tháng sau, Phúc phát hiện mình đã mắc phải bệnh ung thư giai đoạn cuối. Cha sở nhìn anh thương cảm:
- Con có buồn không?
- Dạ không Cha à!- Phúc chào Cha rồi quay đi.
- Con đi đâu đó?- Cha hỏi.
- Con đi chuẩn bị, gần đến lúc con phải đi rồi Cha à!
Phúc nở một nụ cười thật tươi. Người Cha buồn bã nhìn theo anh, dáng anh khòm khòm, nhanh nhẹn, làm Cha phải thở hơi dài. Lắc đầu, Cha đưa tay chống cằm rồi suy tư. Phần anh, từ ngày đó anh ăn mặc gọn gàng lịch sự hơn. Gặp ai anh cũng chào. Gặp ai anh cũng cười. Mặc cho người đời vẫn cứ hay bàn tán về anh.
Một hôm, anh đến một căn nhà nhỏ trong hẻm, tay run rẩy bấm chuông. Một lát sau, một người phụ nữ ra mở cổng. Bất ngờ vì gặp được kẻ thù đã giết cha mình, cô sựng người lại một hồi lâu rồi mới cho Phúc vào:
- Anh đến đây làm gì?- Người phụ nữ hỏi.
- Tôi đến để xin lỗi gia đình.- Phúc trả lời, rồi lặng lẽ đi về phía bàn thờ, thắp nén nhang cho nạn nhân của chính mình. Anh nhớ lại phút giây anh đâm chết chú trong xưởng chỉ vì chú ấy lớn tiếng với mình. Anh nhăn mặt, thõng vai.
- Anh có biết sau khi ba tôi chết, mẹ tôi phải lăn lộn ngoài đường kiếm cơm cho cả bốn đứa con nheo nhóc. Chính cả tôi cũng phải nghỉ học để lo cho em mình…- Người con vừa khóc vừa nói.
- Tôi xin lỗi cô và gia đình. Tôi không mong được tha thứ nhưng mong cả nhà cố gắng vượt qua nổi đau này…- Phúc cúi mặt nói.
Phúc bước ra ngoài và đi về nhà mình. Căn nhà đầy ắp kỷ niệm về mẹ. Cha mất sớm, mẹ gồng gánh nuôi Phúc ăn học thành người. Phúc nhìn đâu cũng thấy hình bóng của mẹ. Phúc ôm lấy hình mẹ, nước mắt ào ra. Đôi tay ôm chặt mẹ hơn, anh thổn thức: “Xin tha cho con. Con là kẻ tội lỗi. Con bất hiếu. Xin tha cho con… Mẹ ơi!”.
Trong căn phòng ngột ngạt, anh nhìn lên Chúa, và mẹ mình, lòng không khỏi ray rứt vì những gì mình đã làm. Anh nhớ đến ngày anh bị bắt, mẹ anh không biết nói gì, người dựa vào tường nhìn con mình bị đưa đi. Ngày ra tòa, mẹ anh cũng đi theo, chỉ biết khóc và nhìn người ta lên án con mình. Trước khi xa nhau, mẹ ôm lấy anh, dúi vào người anh một cỗ tràng hạt, một cuốn Tin Mừng, và một cuốn sách kinh. Phút giây ngắn ngủi đã tách biệt anh xa vòng tay mẹ mãi mãi. Ngày mẹ anh qua đời, anh không được về nhà. Trong tù, anh ngồi khóc, la hét. Bổn phận cuối cùng của người con cho mẹ, anh cũng không thực hiện được. Rồi anh cũng chỉ biết đọc kinh và lần chuỗi. Cứ nhớ đến mẹ, anh lại khóc. Ngày mẹ còn sống, tháng nào mẹ cũng vào thăm anh. Người mẹ già lụm khụm tay mang đồ vào trại giam cho con. Có lần bà xin Cha vào giải tội cho con. Không một lời trách con, luôn khuyên nhủ con sống tốt: “Vì Chúa là Đấng thương xót!”.
Tháng cuối cùng, anh không còn đi lại được nữa. Cha sở là người chăm sóc cho anh. Anh xin được xưng tội và lãnh nhận bí tích sau hết. Cha buồn lắm nhưng vẫn không nói được gì. Một buổi sáng, khi Cha đến thăm anh như thường lệ, anh nói:
- Con là kẻ tội lỗi, sao Cha không xua đuổi con, sao cha vẫn tin tưởng con?
- Vì Chúa không muốn xua đuổi bất cứ ai là con Ngài, Ngài vẫn tin tưởng con khi con quay trở về.- Cha sở nắm lấy tay anh.
- Vậy Ngài có tha lỗi cho con không?- Anh nói.
Cha nhìn anh:
- Có, Ngài tha tội con từ lâu lắm rồi. Và Ngài dạy ta phải biết thương xót kẻ khác nữa.
Phúc mỉm cười:
- Cha có sợ con không? Con là một kẻ giết người?
- Cha sợ! Sợ lắm! Nhưng Cha không có quyền ghét và bỏ rơi người khác.
Phúc nắm lấy tay Cha:
- Con xin cảm ơn Cha, đã cho con một tình thương, một cơ hội, một con đường sống, một con đường trở về cùng Chúa, trở về với cuộc sống tốt. Nếu con còn sống, nhất định con cũng sẽ giống cha, thương xót như Cha!
Cha sở rơi nước mắt:
- Không, phải Thương Xót như Ngài.- Nói rồi Cha chỉ tay lên tượng Chúa Thương Xót.
Phúc cảm giác giờ mình đã đến, anh nắm chặt tay Cha: “Con là kẻ tội lỗi. Xin Chúa thương xót con. Xin tha cho con. Xin đừng bỏ rơi con…”. Anh nhắm mắt, nước mắt chảy xuống, rồi anh nhẹ nhàng về cùng Chúa. Trong thánh lễ cuối cùng của anh, rất nhiều người tham dự. Một phần hiếu kì, một phần cầu nguyện cho anh. Câu chuyện của một thanh niên mang tên “sát thủ” vẫn còn đó. Nhưng lòng thương xót mà người Cha dành cho người tội lỗi đó vẫn còn dư âm trong lòng mỗi người.
Trên cung Thánh, thiên thần hỏi Chúa:
- Ngài có tha tội cho anh ta không?
Chúa nhìn về phía Phúc:
- Ta đã tha lỗi cho anh ta từ lâu rồi.
Thiên thần hỏi:
- Thế gian bây giờ thật và giả lẫn lộn, làm sao con người dễ tha thứ như Ngài được?
Chúa chỉ tay vào tim mình:
- Hãy cầu nguyện và Thương Xót như Ta.
 


Nguồn tin: Nội san Hoa Biển 22
Từ khóa:

Đặng Đức Tuấn

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 16
  • Hôm nay: 4843
  • Tháng hiện tại: 84106
  • Tổng lượt truy cập: 12060893