Trang mới   https://gpquinhon.org

Về với quê mẹ

Đăng lúc: Thứ năm - 13/06/2013 17:53
 VỀ VỚI QUÊ MẸ.

 
 
Sứ mạng truyền giáo của giáo hội, đôi khi đòi hỏi chúng ta phải nghĩ về quá khứ, nhờ đó chúng ta có chút ít kinh nghiệm cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa của ngày hôm nay, và chúng ta nhận ra lệnh truyền của Chúa Giêsu có tính xuyên thời gian, vì “ Đức Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một”.

Về nguồn, một chủ đề khá hấp dẫn, khi nghe, nó gợi lên trong ta bao nhiêu kỷ niệm của một thời đã qua. Đồng thời nó cũng kích thích trí tò mò tìm hiểu của ta về những gì liên hệ đến cội nguồn ấy, lắm lúc ta cảm thấy bồn chồn, không yên lòng chút nào khi chưa cất bước ra đi trở về để xem cội nguồn hôm nay thế nào.

Về quê mẹ, Ôi! Sung sướng biết bao
Tim phồng lên, những nhịp đập rộn ràng
Miên man nhớ, bao kỷ niệm trôi về.
Bước chân dài như vươn tới thiên thu
ấp ủ bao đời, đây quê mẹ
ngất ngây hồn, lặng thinh giữa cõi thiêng
huyền thoại quê mẹ, yên ấm lòng.

            Vào một ngày kia, chúng tôi đến thăm cha xứ, chúng tôi được nghe và giới thiệu về miền đất một thời nổi tiếng trong hành trình truyền giáo của các vị thừa sai, chúng tôi ai nấy đều giỏng tai lắng nghe cách nói hùng hồn, cảm động và đầy tự hào về truyền thống đạo đức của miền đất thuộc giáo xứ của cha. Có ai đó trong chúng tôi cất tiếng nói chen ngang: xem kìa, khuôn mặt cha đầy vẻ sung sướng, cái miệng nói sao mà duyên dáng, âm giọng lại truyền cảm nữa chứ. Cha xứ ngừng lại, vẻ mặt hơi ngượng ngượng, thấy thế, chúng tôi cùng cười phá lên một cách sung sướng. cha xứ cũng cười hòa theo cách thoải mái, thế là hòa cả làng.

            Cha xứ lên tiếng mời chúng tôi: Nào chúng ta lên xe bắt đầu đi đến nơi, xem tận mắt bắt tay, chứ quý vị cứ mãi chọc quê tôi hoài, khổ lắm. Một chị trong chúng tôi, lên tiếng nói rằng: nói đùa cho vui vậy thôi, chứ hôm nay chúng con đến trình diện, xin cha hướng dẫn chúng con đến thăm lại cái chiếc nôi của hội dòng chúng con. Thế mà ngay từ đầu không chịu lên tiếng, để người ta mất công, tốn biết bao nhiêu hơi, dẻo cả miệng mới chịu nói nên lời. đó là lời cha xứ.

            Chúng tôi được đưa dẫn đi qua những con đường cong ngoằn nghòe, xe chúng tôi dừng lại, cha xứ nói: nào bây giờ chúng ta đi xe dép, cuốc bộ từ đây. Chúng tôi rảo bước trên những con đường đất hẹp, được phủ bóng mát bởi những tàn cây, lũy tre xanh mượt, những hàng cau thẳng tắp nghiêm trang, phe phẫy những tàu lá do những làn gió nhẹ mát rượi, như chào đón chúng tôi. Cha xứ vừa đi vừa nói, tay chỉ về phía trước, đây rồi, mảnh đất này chính là nơi khai sinh Hội Dòng  Mến Thánh Giá Quy Nhơn. Đây chính là thôn An Chỉ, một dãi đất nổi tiếng của huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, nơi mà Đức Cha Phêrô Lambert De La Motte sáng lập Hội Dòng Mến Thánh Giá. Các chị nghe thấy thế liền a lên một tiếng thật to, đôi mắt các chị lộ vẻ ngỡ ngàng. Thế à. Các chị vừa nói vừa trầm trồ: ôi! thật tuyệt vời, chúng ta về được nguồn cội của chúng ta rồi, thế là các chị hỏi ríu rít về nguồn gốc mảnh đất, nó tồn tại đến ngày hôm nay như thế nào qua bao nhiêu thăng trầm của của lịch sử? những nữ tu hồi đó sống và làm việc như thế nào? Các chị hỏi dồn dập đến độ cha xứ không kịp trả lời. chúng tôi biết được bà con giáo dân cùng với cha xứ ở đây đã biết bao nhiêu cố gắng, nếu không nói là những hy sinh, mới gìn giữ được dấu tích thiêng liêng này cho đến hôm nay. nhưng rồi cha xứ nói với chúng tôi rằng, trước hết chúng vào thăm ngôi nhà bên cạnh khu vườn này đã, đây là nhà một giáo dân của tôi, họ sống đạo đức chân chất, thật thà, tốt lắm. Gia đình này đang trông coi khu vườn này đấy nhé.

            Khi chúng bước vào nhà, cả gia đình và những người xung quanh hết sức ngỡ ngàng, vì thấy cha xứ của mình cùng với những khách tham quan bất ngờ đến nhà. Họ vội vàng chạy bàn tiếp nước mời khách. Cha xứ nói thong thả, đừng lo lắng,  đến thăm một tí thôi mà. Rồi chúng ta đi thăm khu vườn nhé. Cả đình tỏ vẻ hết sức hân hoan vui mừng vì có khách viếng thăm nơi mà họ từng tự hào về quá khứ đầy dấu ấn lịch sử truyền giáo, có lẽ, họ cũng cảm thấy hạnh phúc biết bao khi được sống bên cạnh mảnh vườn lịch sử này.

 Nói xong, chúng tôi được mời ra thăm khu vườn, ở đây các chị tha hồ chụp hình kỷ niệm, hỏi thăm nhiều điều về gốc tích của “chiếc nôi” này. Sau đó, chúng được hướng dẫn một con sông nhỏ phía trước khu vườn, con sông thật thơ mộng, bãi cát trắng xóa mịn màng như cố gắng giữ lại dấu chân của chúng tôi, dòng nước chảy hơi lượn quanh êm trôi nhẹ nhàng, những  ngọn đồi phía xa xa làm nền cho  khung cảnh trữ tình và những  lũy tre soi bóng trên dòng sông tựa như những mái tóc xõa của cô thôn nữ nào đó đang nghiêng mình chiêm ngắm vẻ nên thơ của dòng sông đầy kỷ niệm lịch sử truyền giáo của giáo Phận Đàng Trong, dòng sông cách khu vườn độ chừng 100 mét. Con sông này được cho biết chính là nguồn nước sinh sống của những nữ tu thời kỳ đầu tiên, và cũng là nơi cập bến của những vị thừa sai khi làm việc cho vùng đất thân thương triều mến này.

Chúng tôi rời con sông thân thương đáng nhớ này với những tấm hình kỷ niệm. Bãi cát trắng im lặng âm thầm gìn giữ bước chân của những khách về với cội nguồn. Hơn thế nữa, nó còn ẩn tích bao nhiêu dấu chân của các nhà thừa sai, mang trong mình những con tim đầy ắp yêu thương tình nhân loại, muốn cho mọi người đón nhận ơn cứu rỗi. và biết bao dấu chân  của các nữ tu miệt mài với với thập giá của Đức Kitô. Ôi! Con sông nhỏ đầy nhớ thương.   Chúng tôi ra về mà lòng đầy luyến tiếc, các chị cứ ngoái nhìn lại con sông với những nuối tiếc và lòng đầy ứ những suy nghĩ về một quá khứ của miền đất lịch sử gắn liền với sứ mạng truyền giáo của các vị thừa sai lừng danh.


 
 



 
 
                                                                                           
Tác giả bài viết: Maithy Phú Hòa
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 78
  • Khách viếng thăm: 65
  • Máy chủ tìm kiếm: 13
  • Hôm nay: 5942
  • Tháng hiện tại: 119386
  • Tổng lượt truy cập: 12263646