Trang mới   https://gpquinhon.org

Lược sử giáo xứ Đông Mỹ

Đăng lúc: Thứ bảy - 09/02/2013 10:14
LƯỢC SỬ GIÁO XỨ ĐÔNG MỸ


 
 

I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ:

Giáo xứ Đông Mỹ nằm ở cực Nam của giáo phận Qui Nhơn, cũng là cực Nam của tỉnh Phú Yên : Phía Nam giáp Đèo Cả, Bắc giáp giáo xứ Tuy Hoà (từ cầu Đà rằng), phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp Giáo Xứ Hoa Châu.

Nhà thờ Đông Mỹ hiện nay nằm trên khu đất rộng gần 1 ha thuộc thôn 01, xã Hòa Vinh, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (trên trục quốc lộ 1A, cách thị xã Tuy Hoà 10 km).

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ :

- Căn cứ vào danh sách nhà thờ nhà nguyện vào năm 1747 do cha Guillaume Rivoal ghi thì vùng đất thuộc giáo xứ Đông Mỹ ngày nay có các nơi như: Nam Bing (Nam Bình) 60 giáo dân , Bao Nham (Bàn Nham) 40 giáo dân (Đỗ Quang Chính, Sống trong Xã Hội Con Rồng Cháu Tiên, p. 303), cả hai nơi thuộc xã Hoà Xuân ngày nay. Lúc bấy giờ Nam Bình là vùng đất dễ sinh sống: “Muốn về đất biển ăn cua, so đi tính lại cũng thua Nam Bình Nam Bình nhiều mía nhiều đàng, nhiều khoai môn ấp đầy sàng dễ bưng” (ca dao), do đó đã có nhiều người đến sinh sống ở đây và hạt giống Tin Mừng cũng được nẩy mầm ở đây rất sớm. Tuy nhiên những chồi mầm ban đầu ấy chưa đủ mạnh, đành lịm đi trước cuồng phong đổi thay của lịch sử . Dẫu sao, những hạt giống ấy như nằm im trong lòng đất chờ ngày tiếp tục nẩy mầm trổ sinh hoa trái.

- Vào khoảng năm 1933, Cha Simon Trần văn Phiến, lúc bấy giờ là Cha Sở Hoa Vông ở xã Hoà Kiến, nay thuộc giáo xứ Tuy Hoà, đã đến truyền giáo tại Đông Mỹ. Lúc đầu có một gia đình thân hào nhân sĩ Phêrô Nguyễn Tài Tụ tin theo Chúa. Tại đây đã có một số ít giáo dân ở Mằng Lăng đến sinh sống , như gia đình ông Nguyễn Nhiên và bà Nguyễn thị Chạch. Có Thầy giảng Sáu Tạo phụ giúp Cha Phiến lo việc truyền giáo. Cha Phiến đã mua khu đất nhà thờ hiện nay và làm một Nhà Nguyện với mái tranh vách đất. Có Dì Phấn và các Dì Phước Viện Mằng Lăng vào trông coi. Giáo dân ngày càng tăng thêm. Bấy giờ, Đông Mỹ là một giáo họ của giáo xứ Hoa Vông. Đến năm 1936, đập Đồng Cam hoàn thành, nước về, ruộng làm mỗi năm được hai vụ. Cha Phiến nhờ tiền Hội Phaolô Châu mua gần 200 mẫu ta ruộng cho nhà chung. Có lúa nhiều, Cha xây một ngôi nhà lớn tường gạch, mái ngói, nay là nền Nhà thờ Đông Mỹ. Ngôi nhà này chia làm ba gian : Gian trước là nhà nguyện, gian giữa làm kho chứa lúa, và sau cùng là nhà ở. Giáo dân và lương dân nhờ có nước và làm ruộng của nhà chung , nên đời sống trở nên sung túc. Công việc truyền giáo ngày càng phát triển, giáo dân ngày một thêm đông, khoảng trên 50 gia đình.

- Từ năm 1942 – 1944, Cha Matthêu Trịnh Hoà Đại đến thay Cha Phiến lo cho bà con giáo dân, lo việc truyền giáo và quản lý lúa ruộng của nhà chung.

- Từ năm 1944 – 1945, Cha Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu, đến thay Cha Đại. Tiếp tục công việc của các vị tiền nhiệm.

- Từ năm 1946 – 1954, vì chiến tranh, không có Cha đến ở, giáo dân tản mát.

- Từ năm 1954 – 1959, Cha Giuse Tô Đình Sơn, Cha Sở Tuy Hoà bắt đầu khôi phục lại, giáo dân phát triển dần, năm 1956 số giáo dân khoảng 500 người.

Nhà thờ Đông Mỹ (cũ) do Cha Tô Đình Sơn xây dựng lại trên nền cũ. Cha cho khởi công ngày 15.4.1956 và Khánh thành ngày 15.8.1956 .

Sau khi Đức Cha Phêrô-Maria Phạm Ngọc Chi được Toà Thánh trao quyền Quản Trị Tông Toà Địa Phận Qui Nhơn, ngày 03/09/1957 ngài mở Đại Hội Đồng Địa Phận, ngài kêu gọi các linh mục đoàn kết cùng nhau mở Nước Chúa, truyền giáo là mục tiêu hàng đầu . Trong tinh thần đó, ngài kêu gọi một số các linh mục và các đại chủng sinh từ miền Bắc di cư vào Nam đến giúp địa phận. (Thông tin địa phận, số 01/1957, trang 04).

- Ngày 02/03/1959, cha Luca Mai Học Lý từ Qui Nhơn vào nhận trung tâm truyền giáo Đông Mỹ, cùng có Cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung và thầy Anrê Phạm An Bình. (Thông tin, số 09/1959, trang 33). Một thời gian sau tiếp tục có thêm các cha gốc Phát Diệm ở Sài Gòn về: Cha Phaolô Trần Duy Hoà, Cha Phêrô Phan Anh Thụ , cha Antôn Vũ Như Huỳnh, cha F.x. Trần Ngọc Phan, và một số các thầy.

Thời gian này việc truyền giáo ở tỉnh Phú Yên ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt ở Quận Hiếu Xương (Nay là huyện Tuy Hòa). Vào ngày 23.10.1959, Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Giáo phận Qui Nhơn đã ký văn bản số1110/CDC chính thức lập Khu Truyền Giáo Đông Mỹ, được tính từ Sông Đà Rằng vào tới Đèo Cả. Phần đất của giáo xứ Đông Mỹ theo văn bản “Lập Khu Truyền Giáo Đông Mỹ” bao gồm tám (8) xã: Hoà Bình, Hoà Thành, Hoà Tân, Hoà Đồng, Hoà Hiệp, Hoà Vinh, Hoà Xuân và Hoà Thịnh

- Từ năm 1960 – 1964, Cha Bênađô Nguyễn Quang Nhung làm Cha Sở đầu tiên của giáo xứ Đông Mỹ. Cha sở cùng với các Cha và các Thầy tại Trụ sở Truyền giáo Đông Mỹ nỗ lực xây dựng giáo xứ và tích cực lo việc truyền giáo. Giáo xứ ngày một hưng thịnh, việc truyền giáo ngày càng lan rộng đến các xã lân cận, số giáo dân và dự tòng ngày một tăng. Năm 1959, số giáo dân là 951 người, và 2.506 tân tòng. Đến năm 1964, số giáo dân lên đến 2.800 người, và 450 tân tòng (theo Sổ Tất niên). Giai đoạn này đã lập được rất nhiều giáo điểm truyền giáo như : Trường Thịnh, Phước Lâm, Phú Hiệp, Thọ Lâm, Thạnh Lâm, Uất Lâm, Đồng Hải, Đa Ngư, Phú Lạc, Hoà Tân, Hoà Đồng, Hoà Thành, Hoà Thịnh, Thạch Bắc, Thạch Nam, Nam Bình, Phú Lương, Phú Đa, Vĩnh Xuân, Xuân Thạnh, Cảnh Phước, Hồi Cư, Phú Diễn, Phú Phong, Mỹ Cảnh, Phú Lâm, Phước Bình, Phú Thứ ... Và đã xây dựng được năm Nhà nguyện : Phước Lâm, Thạch Bắc, Thạch Nam, Phú Thứ và Phú Lâm.

Thời điểm này có những giáo dân truyền giáo rất hăng say như Ông Nguyễn Đạo gốc ở Bình Định vào trú ngụ tại Ngọc Lâm, Hoà Mỹ ; Ông Tổng Sâm cũng gọi là Thất Sâm vừa mới trở lại ông hăng say thuyết phục được nhiều người ; Ông Lê Như Tiền ở Hóc Gáo đến phụ giúp ; và Ông Antôn Trần Chánh, tân tòng, ở Ổ Vạc, Thôn 1, Hoà Vinh (Đông Mỹ) làm trưởng nhóm truyền giáo, đã đi truyền giáo cho bà con ở nhiều xã. Đa số các họ tân tòng ở Đông Mỹ do ông gầy dựng, ngày Chúa Nhật các tân tòng từ những nơi xa về dự lễ, ông thường lo cho họ ăn uống. (Thông tin, số 11/1959, trang 15).

- Từ năm 1960 – 1962, Cha Nicôla Đinh Quang Điện về làm Phó xứ. Từ năm 1962 – 1965, Cha F.X. Trần Hoà làm Phó xứ. Ngoài ra, còn có nhiều Đại Chủng sinh đến thực tập mục vụ.

Song song với việc xây dựng giáo xứ và lo truyền giáo, Cha Nhung và các Cha tại trụ sở truyền giáo Đông Mỹ còn lo mở trường học để nâng cao dân trí cho con em trong vùng cả lương lẫn giáo. Năm 1960, được sự chấp thuận của Cha Tô Đình Sơn, Hạt Trưởng Phú Yên, Cha Nhung bán ruộng, xây Trường Tư Thục Đông Mỹ, gồm ba (3) phòng, phía bên phải nhà thờ. Đến năm 1963, xây thêm một ngôi trường khang trang tám (8) phòng, trên khu đất 1ha, do Cha Nicola Đinh Quang Điện làm Hiệu Trưởng, đến năm 1962, Cha F.X. Trần Hoà làm Hiệu Trưởng. Nhân dân Quận Hiếu Xương rất vui mừng khi có ngôi trường này, vì đa số học sinh nghèo, không có điều kiện đi học tại Thị xã Tuy Hoà.

- Từ năm 1964 – 1965, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Minh từ Giáo xứ Hoa Châu đến chăm sóc mục vụ.

- Từ năm 1965 – 1975, Cha F.X. Trần Hoà làm Cha Sở. Do mất an ninh, các Cha tại Trụ sở truyền giáo đi nơi khác, không phục vụ tại giáo xứ nữa, chỉ có các thầy Đại chủng sinh đến thực tập mục vụ. Cha Hoà vừa làm Cha Sở, vừa kiêm Hiệu Trưởng Trường Tư Thục Đông Mỹ. Năm 1969, Cha xây thêm cơ sở II của Trường Tư Thục Đông Mỹ tại Phú Lâm, gồm tám (8) phòng. Đến năm 1970, Cha xây thêm một ngôi nhà hai (2) tầng, tầng trên làm Nhà thờ Phú Lâm, tầng dưới làm ba (3) phòng học. Niên khoá 1974 – 1975 có hơn 1.200 học sinh theo học ( có đệ nhất và đệ nhị trung học ). Ảnh hưởng của Đạo Chúa cũng còn mạnh trên bà con lương dân, có nhiều người xin gia nhập đạo, đến năm 1968 số giáo dân lên tới gần 3.200 người.

Đến năm 1975, Cha Hoà được bổ nhiệm làm Cha Sở Hoa Châu, Phú Lâm là cư sở của ngài.

- Từ năm 1975 – 1998, Cha Phêrô Nguyễn Cấp về làm Cha sở. Sau năm 1975, sinh hoạt tôn giáo và đời sống đạo của bà con giáo dân gặp nhiều khó khăn. Các cơ sở của Giáo hội hầu hết bị đóng cửa hoặc bị trưng dụng.

Sau khi xin lại được các dãy trường học trong khuôn viên Nhà thờ Đông Mỹ, Cha Cấp cho sửa chữa, và làm công viên Thánh Giuse.

Năm 1992, xây dựng lại tháp chuông và tường rào bao bọc khuôn viên nhà thờ.
Năm 1994, tu sửa lại các nhà nguyện Phước Lâm, Thạch Bắc và Thạch Nam .

- Từ năm 1998, Cha Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên về làm Cha Sở. Nhờ ơn Chúa qua đời sống thánh thiện, yêu mến Thánh Thể ,nhiệt tâm lo phần rỗi các linh hồn và lòng bác ái của ngài, đời sống đạo của bà con giáo dân hăng say và sốt sắng rõ rệt. Các hội đoàn được thành lập, mang lại nhiều ích lợi trong công tác mục vụ. Có nhiều người đã từ lâu không giữ đạo, đã được ơn trở lại, nhiều người đến tìm hiểu đạo Chúa và xin tòng giáo. Các Nhà nguyện : Phước Lâm, Thạch Nam và Thạch Bắc bắt đầu có Thánh Lễ đều đặn hằng tuần. Vì tuổi cao (80 tuổi), hay đau bệnh, nên đến tháng 7/2001, ngài đã về hưu dưỡng tại Tòa Giám Mục Qui nhơn.

- Tháng 4 năm 1999, Thầy Phêrô Trương Minh Thái đến giúp xứ. Đến tháng 7 năm 2000, Thầy chịu chức Linh mục và tiếp tục làm việc tại giáo xứ. Từ tháng 8/2001, cha Thái phụ trách giáo xứ.

- Tháng 9 năm 1999, Thầy Augustinô Nguyễn Văn Phú vừa mãn Đại Chủng viện, được Đức Giám mục sai đến giúp xứ Đông Mỹ. Đến ngày 25/4/2002 Thầy chịu chức Linh mục và tiếp tục ở lại phục vụ giáo xứ trong vai trò Cha phụ tá.

- Tháng 10/2002, Phú Lâm được giao lại cho Giáo xứ Đông Mỹ.

- Tháng 11/2002, Hội đồng Giáo xứ cùng với linh mục phụ trách đã xin Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn cho các sơ đến giúp mục vụ. Được sự quan tâm giúp đỡ của Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, qua Chị Tổng Phụ Trách Anna Nguyễn Thị Thanh Hương, hai sơ đã đến phục vụ tại giáo xứ : Sơ Claire Thái Thị Xuyên và sơ Anna Nguyễn Thị Tuyết Lan.

- Đến ngày 09/02/2003, hai sơ được Bề trên bổ nhiệm đi nơi khác, và Nhà Dòng cũng đã gởi đến hai sơ mới : Sơ Maria Lê Thị Hạc và Lucia Nguyễn Thị Thanh Tâm. Đến Giáo xứ được tám tháng (2 – 10/2003), các Sơ đã lập lớp Dự tu cho các em thiếu nữ, và đã gởi được ba (3) em vào Đệ tử Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn.

- Vào ngày 01/ 7/2003, Đức Giám mục đã bổ nhiệm Cha Phêrô Trương Minh Thái làm cha sở Đông Mỹ, Cha Phanxicô Phạm Đình Triều làm cha phó. Cha Augustinô Nguyễn Văn Phú được bổ nhiệm làm Cha phó giáo xứ Sông Cầu, đặc trách Nhà thờ Gò Duối.

II. CƠ SỞ VẬT CHẤT:

1. Trước 1975 :

Tính đến năm 1975, giáo xứ Đông Mỹ đã có được những cơ sở sau:
  1. Nhà Thờ Đông Mỹ (21m x 8m), là Nhà thờ chính của giáo xứ, được xây dựng năm 1956. Nhà Vuông (14,5m x 6,5m) và hai (2) dãy trường học được 5 phòng, tất cả nằm trong khuôn viên Nhà thờ.
  2. Nhà thờ Phước Lâm (16m x 6,5m), cho bà con giáo dân các họ : Phước Lâm, Phú Hiệp, Thọ Lâm...
  3. Nhà thờ Thạch Bắc (12m x 6m), cho bà con giáo dân tại chỗ.
  4. Nhà thờ Thạch Nam (16m x 9m), cho bà con giáo dân các họ: Thạch Nam, Nam Bình, Hoà Xuân...
  5. Nhà thờ Phú Thứ, cho bà con giáo dân các họ : Phú Thứ, Hoà Bình, Hoà Đồng, Hoà Thịnh...
  6. Nhà Thờ Phú Lâm, là một toà nhà 2 tầng, tầng trên là Nhà thờ Phú Lâm, tầng dưới có 3 phòng học.
  7. Trường Tư Thục Đông Mỹ : Có 2 cơ sở :
    1. Cơ sở I : Tại Thôn 1, Xã Hoà Vinh, có 8 phòng, trên khu đất gần 1ha. Và 5 phòng tại Nhà thờ Đông Mỹ.
    2. Cơ sở II : Có 8 phòng học, tại Nhà thờ Phú Lâm.
  8. Ruộng đất : Lúc đầu có gần 200 mẫu ta, sau vì nhu cầu, các Cha bán bớt ruộng, lấy tiền xây dựng Nhà thờ và trường học. Và một số lớn ruộng bị chiếm mất trong thời gian chiến tranh, mất an ninh.
2. Sau 1975 cho đến nay :

1. Tại Nhà Thờ Đông Mỹ :
  • Nhà Thờ (cũ) Đông Mỹ (21m x 8m)
  • Nhà Vuông (14,5m x 6,5m)
  • Nhà Cha Phó (8m x 7m).
  • Nhà Giáo lý có 4 phòng (8m x 28m): Hội họp, dạy giáo lý, tập hát...
  • Tháp chuông (3,5m x 3,5m), cao 12m.
  • Nhà các Sơ (8m x 8m).
Vì nhà thờ cũ không thể đáp ứng các nhu cầu phụng tự của số giáo dân không ngừng gia tăng, Cha sở Phêrô Trương Minh Thái, cùng với giáo dân trong giáo xứ và các ân nhân gần xa, đã xây dựng một ngôi thánh đường hoàn toàn mới tại ví trí phía sau nhà thờ cũ. Vào sáng ngày 09/02/2012, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn đã chủ sự thánh lễ cung hiến nhà thờ mới của Giáo xứ Đông Mỹ.

2. Nhà Thờ Phú Lâm.
3. Nhà thờ Phước Lâm (16m x 6,5m).
4. Nhà thờ Thạch Bắc (12m x 6m).
5. Nhà thờ Thạch Nam (16m x 9m).
6. Ruộng đất hiện nay còn lại 04 sào.

III. TÌNH HÌNH HIỆN TẠI :

Phần đất hiện nay của Giáo xứ Đông Mỹ bao gồm Thị trấn Phú Lâm và 17 xã phía Đông Nam huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên : Hoà Xuân Nam, Hoà Xuân Đông, Hoà Xuân Tây, Hoà Tâm, Hoà Hiệp Nam, Hoà Hiệp Trung, Hoà Hiệp Bắc, Hoà Tân Đông, Hoà Tân Tây, Hoà Vinh, Hoà Thành, Hoà Bình 1, Hoà Bình 2, Hòa Mỹ Tây, Hòa Mỹ Đông, Hoà Đồng và Hoà Thịnh.

Tổng diện tích là 666,28 km2, dân số 224.962 người (Theo Thống kê năm 2003). Tính đến cuối năm 2002, tổng số giáo dân của giáo xứ Đông Mỹ gần 2000 người, chiếm tỷ lệ gần 0,9 % dân số. Đa số sống bằng nghề nông, làm thuê và một ít tiểu thương. Số người thất nghiệp và nghèo khổ còn khá đông.

Hiện nay đời sống phụng vụ và các sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ có nhiều tiến triển, những câu lạc bộ giáo lý được hình thành và sinh hoạt năng động. Có rất nhiều anh chị em thiện chí đã hy sinh tài lực của mình, trong đó không ít những anh chị em tân tòng, tích cực dấn thân trong các đoàn thể và các sinh hoạt của Giáo xứ. Đặc biệt là nhiều gia đình, anh chị em trong họ hàng rủ nhau đến xin gia nhập đạo. Đã có hơn 200 người gia nhập đạo tính từ năm 2000 đến tháng 8-2003.

Các giáo họ hiện nay là : Đông Mỹ 1, Đông Mỹ 2, Trường Thịnh, Thạch Nam, Thạch Bắc, Vũng Rô, Phước Lâm, Phú Hiệp, Thọ Lâm, Phú Lâm và Phú Thứ.

Ánh sáng Tin Mừng đã đến đây khá lâu nhưng ơn gọi tu trì trong Giáo xứ rất muộn màng, được ba (3) người quảng đại dâng mình cho Chúa,trong đó có hai linh mục và một nữ tu, đặc biệt hai linh mục này là anh em ruột, con của một gia đình chỉ có mẹ tòng giáo:
  • Cha Phaolô Nguyễn Huệ, sinh ngày 16.8.1951. Con Ông Nguyễn Trinh và Bà Anê Nguyễn Thị Ai. Đi tu ngày 23.6.1965, được khấn dòng ngày 8.9.1969 và khấn trọn đời ngày 15.8.1983, thuộc Tu Hội Chúa Giêsu, Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Ngài đang giữ các chức vụ : Tổng Phụ Trách Tu Hội Chúa Giêsu, Trưởng Ban Điều Hành Liên Tu Hội Đời Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy Viên Ban Điều Hành Hội Liên Hiệp các Bề Trên Thượng Cấp Việt Nam.
  • Cha Gioan Baotixita Nguyễn Quyết Chiến, sinh ngày 12.2.1960. Đi tu năm 1990, thuộc Đại Chủng Viện Giáo phận Perth, Australia (Úc), và được thụ phong Linh mục ngày 17.12.1999. Hiện nay, Ngài đang giữ các chức vụ : Tuyên úy Cộng đồng Công giáo Việt Nam Tây Úc, Tuyên úy Thiếu nhi Thánh Thể Giáo phận Perth.
  • Nữ tu Anna Văn thị Thanh Xuân, Dòng Mến Thánh Giá Nha Trang (Tân Bình)
  • Sinh hoạt chung trong giáo xứ :
  • 1. Tại Nhà thờ Đông Mỹ :
  • * Chúa nhật : 06g15 Lễ sáng, 13g30 Chầu Thánh Thể, 18g15 Lễ chiều.
  • * Ngày thường : 18g15 Lễ chiều.
  • * Các Sinh hoạt Mục vụ tại Nhà thờ Đông Mỹ : HĐGX, Bác Ái, Legio + Junior, GVGL, Giáo lý thanh thiếu niên, Bà Mẹ Công Giáo, Ca Đoàn, Giáo Lý cho Dự Tòng… sinh hoạt thường xuyên.
  • 2. Tại Nhà thờ Phước Lâm
  • * Lễ Chúa nhật : lúc 15g00.
  • * Ngày thường : 19g30 Đọc kinh, thứ 5 sinh hoạt Câu lạc bộ Giáo lý và Thánh Lễ
  • 3. Tại Nhà thờ Thạch Bắc :
  • * Lễ Chúa nhật : lúc 13g30. (thứ 7).
  • * Ngày thường : 19g30 Đọc Kinh.
  • 4. Tại Nhà thờ Thạch Nam :
  • * Lễ Chúa nhật : lúc 13g30.
  • * Ngày thường : 19g30 Đọc Kinh, thứ Tư có Thánh Lễ.
  • 5. Tại Nhà thờ Phú Lâm :
  • * Lễ Chúa nhật : lúc 17g00.
  • * Ngày thường : 18g00 thứ 2, 4 và 6 có Thánh Lễ.
     
        Các Hội đoàn :
 
  1. Hội đồng Giáo xứ : 5 người.
  2. Chức Việc ở các Giáo Họ : 32 người (10 Giáo họ)
  3. Bác ái Vinh sơn Phaolô : có 8 hội viên.
  4. Legio Mariae : có 24 hội viên hoạt động, và 25 Junior.
  5. Bà mẹ Công giáo : có 16 hội viên.
  6. Giảng viên giáo lý : 9 người.
  7. Hội Trợ Táng : Gồm một số khá đông Chức việc và các Cán bộ của các Hội đoàn.
  8. Ca đoàn : Có 3 ca đoàn với gần 60 ca viên (Đông Mỹ 25, Phước lâm 20, Phú Lâm 15).
  9. Thiếu nhi Thánh Thể : Học theo chương trình giáo lý của Giáo phận, sinh hoạt theo Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể. Khoảng 100 em. Còn một số đông các em (gần 200) ở các giáo họ xa không học giáo lý thường xuyên được.
       Về việc phát triển đời sống đạo, Truyền Giáo, Bác ái và tăng mức sống giáo dân :
  1. Thúc đẩy việc cầu nguyện chung trong gia đình : Giờ kinh sáng, tối. Tạo liên kết trong các sinh hoạt xã hội và sinh hoạt mục vụ giữa những gia đình trong thôn xóm, cùng giáo họ.
  2. Thúc đẩy việc truyền giáo và tái truyền giáo : Mỗi gia đình và cá nhân chọn gia đình và bạn kết nghĩa để thăm viếng, chia sẻ về mọi mặt ; động viên và lôi kéo những gia đình hoặc cá nhân trở lại đạo... Dự kiến sẽ lập Ban Truyền Giáo để đẩy mạnh công tác truyền giáo.
  3. Giảm nghèo : Hội Bác ái Vinh Sơn nhờ tiền của các ân nhân ở xa giúp đỡ, đã hổ trợ một ít vốn tạo điều kiện cho một số ít hộ qúa nghèo trồng trọt, chăn nuôi. Giúp đài thọ cho những cụ già, người tàn tật quá nghèo khổ, neo đơn.
  4. Hội Khuyến Học : Giáo dân trong xứ đóng góp để có điều kiện hổ trợ cho các học sinh nghèo được đến trường, phát thưởng khuyến khích cho những học sinh giỏi, và những em đậu Đại học.
  5. Lập các Lớp Dự Tu cho các thanh thiếu niên nam nữ trong Giáo xứ để nuôi dưỡng ơn gọi tu trì.
V. NHÂN SỰ ĐÃ PHỤC VỤ TẠI GIÁO XỨ ĐÔNG MỸ (1933 – 2003)

1. Linh mục quản xứ

: (trước 1959, Đông Mỹ thuộc Hoa Vông hoặc Tuy Hoà).

 
Stt Họ Tên Sinh Linh mục Thời gian
1 Simon Trần Văn Phiến (Cha Sở Hoa Vông)     1933 - 1956
2 Giuse Tô Đình Sơn (Cha Sở Tuy Hoà) 1915 1941 1956 – 1959
3 Bênađô Nguyễn Quang Nhung 1914 1943 1959 – 1964
4 J.B. Nguyễn Quang Minh     1964 – 1965
5 F.X. Trần Hoà 1932 1962 1965 – 1975
6 Phêrô Nguyễn Cấp 1944 1973 1975 – 1998
7 PhêrôTuần Nguyễn Cao Hiên 1922 1950 1998 – 2001
8 Phêrô Trương Minh Thái 1968 2000 2001 - nay
 
2. Linh mục Phó Xứ
 
Stt Họ Tên Sinh Linh mục Thời gian
1 Nicôla Đinh Quang Điện 1919 1960 1960 – 1962
2 F.X. Trần Hoà 1932 1962 1962 – 1964
3 Phêrô Nguyễn Văn Nhuận 1940 1968 1969 – 1973
4 Phêrô Trương Minh Thái 1968 2000 2000 – 2001
5 Augustinô Nguyễn Văn Phú 1968 2002 2002 – 2003
6 Phanxicô Phạm Đình Triều 1972 2002 2003 -
 
3. Linh mục đặc trách truyền giáo (1956 – 196…):
 
Stt Họ Tên Sinh Linh mục Thời gian
1 Luca Mai Học Lý      
2 Phaolô Trần Duy Hoà      
3 Phêrô Phan Anh Thụ 1927 1959  
4 Antôn Vũ Như Huỳnh 1930 1960  
5 F.X. Trần Ngọc Phan      
 
4. Đại Chủng Sinh thực tập mục vụ :
 
Stt Họ Tên Thời gian Linh mục
1 Giuse Vũ Dần 1960 - 1962 1967
2 Giuse Vũ Viết Trúc 1960 - 1962 1967
3 Augustinô Phạm Minh Tri 1961 – 1962 1963
4 Stêphanô Phạm Trí Thức 1962 – 1964 1970
5 Giuse Nguyễn Trung Thành 1962 – 1964 1974
6 Giuse Nguyễn Văn Thanh 1962 – 1964 1971
7 Phaolô Đinh Văn Lân 1964 – 1965  
8 Phêrô Nguyễn Văn Kính 1964 – 1965 1972
9 Phaolô Lương Minh Chánh 1970 – 1972  
10 Phêrô Nguyễn Văn Phiên 1970 – 1972  
11 J.B. Trần Đăng Hạnh 1972 – 1973  
12 Antôn Nguyễn Ngọc Quang 1973 – chết  
13 J.B. Võ Đình Hoa 1974 – 1975  
14 Antôn Nguyễn Huy Điệp 1992 – 1996 1998
15 Phêrô Trương Minh Thái 1999 – 2000 2000
16 Augustinô Nguyễn Văn Phú 1999 – 2002 2002
17 Antôn Nguyễn Xuân Thuyên 2012 2013
 
5. Thầy Giảng
:

 
Stt Họ Tên Thời gian
1 Thầy Giảng Sáu Tạo 1934 - .....
2 Nguyễn Đạo Trước 1959
3 Lê Như Tiền Trước 1959
4 Thầy Cảnh Trước 1959
5 Anrê Phạm An Bình 1959 – 1961
6 Giuse Nguyễn Vĩnh Phúc 1959 – 1961
7 Giuse Phước 1959 – 1963
8 Phêrô Dương Văn Quý 1959 – 1961
9 Alphongsô Hoàng Quý 1959 – 1960
10 Donbosco Diệp Năng Cang 1967-1975
11 Gioan Lê Xuân Hân 1967-1975
 
  1. Các Dì Mến Thánh Giá – PhướcViện Mằng Lăng :
Stt Họ Tên
1 Dì Khen
2 Dì Lệnh
3 Dì Lành
4 Dì Dĩ
5 Dì Xinh
6 Dì Phấn
7 Dì Sử
8 Dì Sự
 
7. Các Nữ Tu Mến Thánh Giá Qui Nhơn :
 
Stt Họ Tên Thời gian phục vụ
1 Claire Thái Thị Xuyên 11/ 2002 - 2003
2 Anna Nguyễn Thị Tuyết Lan 11/ 2002 - 2003
3 Maria Lê Thị Hạc 2003 -
4 Lucia Nguyễn Thị Thanh Tâm 2003 -
 
 
Địa chỉ:

Nhà thờ Đông Mỹ
Thôn 1
Hòa Vinh, Đông Hòa, Phú Yên

Cha sở: Lm. Phêrô Trương Minh Thái
057- 3531357
0905117103



 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 24
  • Khách viếng thăm: 23
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 7762
  • Tháng hiện tại: 87025
  • Tổng lượt truy cập: 12063812