Trang mới   https://gpquinhon.org

Sứ mạng của các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Qui Hòa

Đăng lúc: Thứ sáu - 01/11/2013 15:13
SỨ MẠNG CỦA CÁC NỮ TU PHAN SINH THỪA SAI ĐỨC MẸ
TẠI QUI HÒA


Trọng kính Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli – đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam,
Trọng kính Đức Cha Mathêu Nguyễn Văn Khôi – Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn,
Kính  thưa Quý Cha, quý tu sĩ và cộng đoàn Dân Chúa.


Hôm nay là ngày vui mừng và vinh dự cho chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ Việt Nam và cách riêng cho cộng đoàn Phanxicô Qui Hòa chúng con. Vì đây là lần đầu tiên, Hội Dòng chúng con được vinh dự đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Vị đại diện của Tòa Thánh đến viếng thăm giáo xứ Qui Hòa và cộng đoàn Phanxicô, là cộng đoàn tiên khởi của tỉnh dòng Việt Nam, đó là niềm vinh dự lớn lao cho chúng con.

Qua cuộc viếng thăm mục vụ này, chúng con được vinh dự đón tiếp “Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Chúng con xin tri ân tấm lòng hiền phụ của Vị Đại Diện Đức Thánh Cha, đã không quản ngại đường sá xa xôi đến thăm viếng chúng con. Trước hồng ân cao cả này, chúng con xin dâng lời tạ ơn Chúa và trân trọng đón nhận với lòng kính mến và biết ơn sâu xa của chúng con, kính xin Đức Tổng Giám Mục vui lòng chuyển đến Đức Thánh Cha Phanxicô lòng biết ơn và sự trung thành của chúng con đối với Mẹ Hội Thánh nói chung, và đối với Vị Cha Chung, đại diện Chúa Kitô dưới trần gian nói riêng.
 
Tiếp đến, Con xin trình bày đôi nét tổng quát về bệnh viện Phong da liễu Qui Hòa : Bệnh viện phong này do cha Paul Maheu thuộc hội Thừa Sai Paris (MEP) và bác sĩ Lemoine người Pháp thành lập vào năm 1929. Năm 1930, Đức cha Augustinô Tardieu, Giám quản Tông Tòa giáo phận Qui Nhơn đã mời Dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ chúng con qua Việt Nam chăm sóc anh chị em bệnh phong tập trung từ 3 miền đất nước tại Trại Phong Qui Hòa thuộc Giáo phận Qui Nhơn. Năm 1932, Bề trên Tổng quyền, mẹ Marguerite du Sacré-Coeur đã gửi 6 nữ tu người Pháp đến phục vụ Trại phong Qui Hòa theo ơn gọi đặc biệt của con cái Thánh Phanxicô yêu thương và phục vụ bệnh nhân phong.
 
Trước khi bắt đầu sứ vụ, các chị đã chọn thánh Phanxicô Assisi làm bổn mạng cho trại phong và Cộng đoàn, với quyết tâm tận tình phục vụ anh chị em bệnh phong theo gương thánh nhân. Đây là cộng đoàn Phan Sinh đầu tiên được thành lập và cũng là chiếc nôi của tỉnh dòng VN chúng con. Mỗi ngày, các chị khám bệnh và điều trị từ 160 đến 180 bệnh nhân. Do số bệnh nhân ngày càng gia tăng nên các chị phải khai quang để cất thêm những ngội nhà tranh vách đất cho họ. Tạ ơn Chúa sau hơn một năm tận tình phục vụ, anh chị em bệnh phong giảm dần những tự ti mặc cảm vì những kỳ thị và xa lánh của xã hội.
 
Nhưng đêm mồng 1 tháng 11 năm 1933 (cách đây đúng 80 năm) : một cơn sóng thần thình lình ập tới phá hủy các công trình bệnh viện vừa xây dựng và cuốn trôi xuống biển,  nhưng Thiên Chúa đã thương gìn giữ mọi người an toàn. Sau cơn bão, các chị nhanh chóng xin Hội Dòng và các ân nhân giúp đỡ để kịp tái thiết bệnh viện và nhà ở cho bệnh nhân. Năm 1934 nhà Dòng khởi công xây dựng Nhà Thờ kính Thánh Phanxicô một cách kiên cố vừa làm nơi thờ phượng vừa làm nơi ẩn trú cho mọi người khi có sóng thần (chiều sâu của móng = chiều cao nhà thờ) và ngày lễ kính Mẹ Maria Vô Nhiễm 8/12/1936, khánh thành Nhà Thờ : Các bệnh nhân vui mừng cảm tạ Chúa và Đức Mẹ vì công trình xây cất hoàn thành trong bình an, và từ nay họ có nơi tôn nghiêm để tham dự thánh lễ, chầu Thánh Thể và cầu nguyện cho các nhu cầu của Hội Thánh và thế giới hằng ngày.
 
Sau khi đời sống bệnh nhân tạm ổn định, chị em bắt đầu công việc xây dựng đời sống tinh thần cho những người bất hạnh. Để thỏa mãn lòng kính mến Đức Mẹ của anh chị em bệnh nhân, nhà dòng đã đặt tượng Đức Mẹ hay làm phép lạ tại cổng bệnh viện ; tượng Đức Mẹ Mân Côi Quy Hòa cao 3 mét được đặt trên núi cao 1000 m nằm giữa thành phố Quy Nhơn và Trại Phong. Với lòng sùng kính mến yêu, Đức Mẹ đã ban nhiều hồng ân cho con cái Mẹ tại Bênh viện phong này. Nơi đây đã được dâng hiến cho Mẹ Maria gìn giữ chở che, nhất là trong thời gian chiến tranh. Anh chị em bệnh nhân vẫn cố gắng trèo lên đỉnh núi để chào kính Mẹ và gởi gắm cho Mẹ mọi đau khổ buồn phiền, hay khấn xin Mẹ ban ơn hối cải cho người  thân và bạn hữu ; hoặc xin cho những người láng giềng ơn nhận biết Chúa. Núi Đức Mẹ nay trở thành nơi hành hương cho nhiều tín hữu.
 
Sœur Charles Antoine đã xây cho mỗi gia đình bệnh nhân một ngôi nhà màu hồng khang trang để cư ngụ. Với tư cách là thừa sai, chị em luôn tìm cách đưa anh chị em bệnh nhân đến với niềm hy vọng kitô giáo, Chị em cộng tác với cha tuyên uý trong việc dạy giáo lý và giúp bệnh nhân đón nhận đức tin. Cuối năm 1974, đã có 2.475 bệnh nhân đón nhận Bí tích Rửa tội, khoảng 90% bệnh nhân đến giờ hấp hối đã xin các nữ tu rửa tội để được làm con Chúa. Tại nhà thờ Quy Hoà đã cử hành thánh lễ hôn phối cho 300 cặp vợ chồng, nhiều Linh mục đã tiếp nối phục vụ tại giáo xứ Quy Hoà. Nhìn chung anh chị em bệnh nhân sống đạo sốt sắng nhưng cần được củng cố niềm tin. Nhà thơ trẻ Hàn Mặc Tử mắc phải bệnh phong và anh đã được các nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tận tình chăm sóc nên vào cuối đời anh đã xin lãnh nhận Bí tích Rửa Tội với thánh hiệu Phanxicô Assisi.
 
Cách đây 52 năm, vào ngày 24/4/1961, bệnh viện phong chúng con đã được vinh dự tiếp đón Đức cha Mario Brini, vị Khâm sứ Tòa Thánh viếng thăm trại phong Qui Hòa và ngài đã ghi lại cảm tưởng sau đây : “hầu hết những nơi mà tôi đã viếng thăm vì trọng trách, Qui Hòa là nơi làm cho tôi xúc động và ấn tượng nhất.”
 
Bệnh viện ngày càng phát triển, số bệnh nhân mỗi ngày mỗi gia tăng, theo số thống kê năm 1971 có 5.061 bệnh nhân phong được khám và điều trị và 1.182 bệnh nhân phong được chữa trị ổn định. Việc tổ chức trong bệnh viện vẫn tiếp tục duy trì  tạo nơi chốn định cư cho anh chị em bệnh nhân tàn tật mồ côi, già cả và đau yếu. Đối với những ai còn có thể lao động thì đã có các xưởng đang hoạt động : nhà may, xưởng dệt, đan chiếu, đóng bàn ghế, ghe đánh cá… vườn trẻ và trường học đều do các nữ tu quản lý và tuyển các giáo viên trong trại. Bệnh viện có phòng khám bệnh, phòng phát thuốc, phòng nha, phòng thay băng, phòng xét nghiệm, giải phẩu bệnh lý, phòng Chỉnh hình và Vật lý Trị liệu...
 
 Sau biến cố 1975, Nhà Dòng phải bàn giao toàn bộ bệnh viện cho Nhà Nước với điều kiện họ phải tôn trọng các tượng thánh trong bệnh viện. Các nữ tu ngoại quốc phải trở về nước còn các nữ tu Việt Nam tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân cho tới hôm nay trong tư cách là nhân viên điều dưỡng, đồng thời tận tình phục vụ giáo xứ trong mọi sinh hoạt mục vụ, thăm viếng và đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân tại bệnh viện, chăm sóc ông bà dưỡng lão mồ côi.
 
Năm 1990, chúng con đã tìm cách đưa con em bệnh nhân ra Thành phố Qui Nhơn để tiếp tục học cấp II. Tuy các em không còn mắc bệnh nhưng việc hội nhập với xã hội còn khó khăn do những kỳ thị, nhưng dần dần những mặc cảm này được chữa lành và các em phấn khởi học lên cấp III rồi vào trường Cao đẳng và Đại Học, đã có 4 em tốt nghiệp cử nhân điều dưỡng và đang phục vụ tại bệnh viện Qui Hòa, số còn lại là giáo viên hoặc làm việc ở những cơ quan khác, có em tốt nghiệp Cao học, bác sĩ và làm giám đốc ngân hàng. Hằng ngày vẫn có xe đưa rước học sinh cấp II và III tại Qui Nhơn. Hiện có 49 em đang theo học tại các trường Cao đẳng và Đại Học.
 
Trại phong hiện có 1088 người với 355 gia đình, trong đó có 453 bệnh nhân nội trú và khoảng 60 đến 80 người Dân Tộc từ Gia Lai và Kontum đến điều trị tại bệnh viện. Và cộng đoàn chúng con có 20 chị em gồm 8 chị cao niên, 6 khấn trọn trẻ, 2 khấn tạm và 4 em đệ tử, nhưng chỉ còn 2 nữ tu trẻ đang phục vụ tại bệnh viện, vì là nữ tu nên không dễ dàng xin vào làm công nhân viên. Từ năm 1992, Chị em chúng con đã thành lập quỹ tín dụng, để tạo công ăn việc làm cho 280 phụ nữ nghèo không phân biệt tôn giáo trong trại cũng như trên làng, và 1 lần trong tuần phục vụ bữa ăn dinh dưỡng cho hơn 100 ông bà mồ côi tại nhà an dưỡng.
 
Vâng, sau hơn nửa thế kỷ, chúng con lại được tiếp đón vị Đại Diện tòa Thánh. Nguyện xin Thiên Chúa ban muôn vàn ơn phúc cho Đức tổng Giám Mục Leopoldo kính yêu của chúng con, để cuộc viếng thăm mục vụ đầy ân phúc này mang lại nhiều hoa trái thiêng liêng cho Giáo xứ và chị em Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Qui Hòa.

Với lòng kính mến và biết ơn sâu xa, chúng con kính dâng lên Đức Tổng Giám Mục kỷ vật lưu niệm và cuốn kỷ yếu của tỉnh dòng nhân dịp mừng 80 năm hiện diện để ghi nhớ cuộc viếng thăm đầy tình thương mến này.
 
Chúng con xin trân trọng kính chào và chân thành cám ơn Đức Tổng Giám Mục. Kính xin Đức Tổng cầu nguyện và chúc lành cho chúng con.
Tác giả bài viết: Dòng Phan sinh Thừa Sai Đức Mẹ
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 38
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 29
  • Hôm nay: 3814
  • Tháng hiện tại: 159621
  • Tổng lượt truy cập: 12136408