Trang mới   https://gpquinhon.org

Tản mạn về tên gọi Giáo Xứ Đồng Tre

Đăng lúc: Thứ năm - 18/06/2015 20:03


Ngày 17 tháng 06 năm 2015, giáo xứ Đồng Tre thuộc giáo phận Qui Nhơn long trọng cử hành thánh lễ tạ ơn và cung hiến nhà thờ giáo xứ, nhân ngày khánh thành sau gần 3 năm xây dựng. Địa danh Đồng Tre có lẽ phát xuất từ một vùng đất ngày xưa có nhiều tre. Nhưng hôm nay, khi đến giáo xứ Đồng Tre chúng ta không còn thấy nhiều tre nữa, nhưng gặp thấy những tín hữu công giáo. Có thể nói mỗi tín hữu là một cây tre, mỗi gia đình công giáo là một bụi tre và toàn thể giáo xứ là một cánh đồng tre.

Tre là một loại cây tiểu biểu của Việt Nam, được phân bố khắp cả ba miền đất nước. Trong văn hóa cổ truyền dân tộc, tre là biểu tượng của người quân tử, với hình dáng đứng thẳng, thanh thoát, vươn cao, bất chấp cuồng phong bão tố. Đó cũng là hình ảnh của người tín hữu công giáo tại đây, luôn vững vàng trong đức tin, dù trong quá khứ đã biết bao lần bị bách hại, nhất là dưới thời Văn Thân.

Trong khi những loại cây khác truyền sinh bằng hạt chứa đựng trong trái, những hạt này sẽ nảy mầm và lớn lên tự nó, không cần đến thân cây mẹ, thì cây tre lại truyền sinh bằng chính cái gốc của mình và nuôi dưỡng mầm sống mới bằng chính sức sống của mình. Chính từ gốc tre mà những măng non đã xuất hiện và được nuôi dưỡng nhờ sức sống của cây tre, rồi đâm rễ và lớn lên thành cây tre trưởng thành. Người kitô hữu cũng thế, họ lưu truyền đức tin bằng chính cái gốc đạo của mình, bằng chính sức sống thiêng liêng của mình. Đức tin của con cái trong gia đình phát sinh và lớn lên nhờ gốc đức tin của ông bà, cha mẹ. Bao thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong cùng một gia đình đức tin sum suê như một bụi tre.

Từ đó, một đặc điểm khác của tre là không bao giờ đứng riêng rẽ một mình, nhưng nương tựa vào nhau trong một bụi, nhờ đó chúng rất khó bị trốc gốc và ngã như những loại cây khác. Người ta không bao giờ chặt tre sát đất nhưng để lại những cái gốc trong một độ cao nhất định. Chính những cái gốc này góp phần làm cho các cây tre trong cùng một bụi không bị ngã. Trong các gia đình công giáo Việt Nam, các bậc ông bà cha mẹ già vẫn không bị coi là thừa thãi hay vô ích, không phải là gánh nặng, trái lại trở thành chỗ dựa cho đời sống đức tin của con cháu bằng đời sống đạo đức, những kinh nghiệm sống đạo và những lời giáo huấn khôn ngoan của họ.

Người ta thường trồng tre ở những bờ sông, bờ mương, để nhờ rễ tre mà bờ sông hay bờ mương không bị xói lở trong mùa nước lũ. Ngày xưa tại các vùng quê Việt Nam, tre luôn được trồng chung quanh làng như một tường lũy và được gọi là "lũy tre", để bảo vệ cuộc sống dân làng khỏi những tấn công từ bên ngoài và đồng thời cũng giúp dân làng gìn giữ phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của mình. Trong văn chương cũng như trong tâm thức người Việt Nam, lũy tre xanh cùng với cây đa giếng nước đầu làng đã sớm trở thành biểu tượng của giá trị tinh thần, tình cảm tương thân, tình làng nghĩa xóm, để dù có đi xa, người ta vẫn một lòng tưởng nhớ quê nhà. Mỗi gia đình công giáo tại giáo xứ Đồng Tre này cũng giống như những bụi tre được trồng bên dòng chảy cuộc đời, kết thành lũy tre bảo vệ truyền thống đạo đức của cộng đoàn giáo xứ. Rễ đức tin của họ sẽ bám chặt vào bờ đất văn hóa, thuần phong mỹ tục, góp phần làm cho những giá trị tinh thần của dân tộc trở nên chắc chắn hơn nhờ bộ rễ đức tin, nhờ đó có thể chống lại sự xói mòn và sức tàn phá của dòng thác lũ văn minh vật chất ngày nay.

Cuối cùng, cây tre hy sinh trọn vẹn thân mình để phục vụ cuộc sống của con người. Người ta dùng măng tre để làm thực phẩm, dùng lá tre để làm thuốc chữa bệnh, dùng thân tre để làm vật liệu xây dựng nhà cửa, rào giậu, tạo thành những vật gia dụng, hay những dụng cụ nghề nghiệp. Phần lớn, nếu không muốn nói là hầu hết những đồ vật phục vụ cuộc sống người dân quê Việt Nam xưa đều được làm bằng tre. Người tín hữu công giáo tại giáo xứ Đồng Tre này cũng được mời gọi hy sinh chính mình để phục vụ mọi người, theo gương Đức Kitô. Nếu ngày xưa ở Do thái, Đức Kitô đã tự ví mình như cây nho, thì ngày nay tại quê hương Việt Nam, có lẽ Người sẽ tự ví mình như cây tre và mỗi kitô chúng ta là những cây tre sinh ra và lớn lên từ gốc tre Kitô! Xin chúc mừng cộng đoàn giáo xứ Đồng Tre đã có một tên gọi tuyệt vời!

GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 

 

Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 12 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 22
  • Khách viếng thăm: 15
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 1006
  • Tháng hiện tại: 94430
  • Tổng lượt truy cập: 12238690