Trang mới   https://gpquinhon.org

Bài học của sự tín trung

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/04/2017 08:08

BÀI HỌC CỦA SỰ TÍN TRUNG

Thật là một sự trùng hợp xem ra kỳ diệu đến ngỡ ngàng khi sự ra đi đột ngột của Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, người đã có những tư tưởng “để đời” qua những nhạc phẩm như “đôi dép”, “ đôi khi”, “một chút”, “dấu chân”…, lại là những tư tưởng hợp tình hợp lý khi bàn về sự tín trung trong ơn gọi Hôn nhân gia đình, vấn đề đáng quan tâm của các nhà hữu trách đạo và đời. Xin được sánh ví mối tình thủy chung của đôi bạn như sự bất ly thân của “đôi dép”
Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ
Mà yêu quá chẳng rời nhau nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau
“Hai chiếc dép”, so với các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt con người có lẽ nó chẳng là gì, chẳng cao sang, danh giá, có khi tưởng như là vật tầm thường. Thế nhưng, dưới góc nhìn của một vị mục tử tài hoa, đậm chất nhân văn thì nó đã là tư tưởng gợi hứng cho những sáng tác chứa đựng triết lý sống đậm nét thủy chung cho bao người dù họ là những người sống trong bậc hôn nhân gia đình hay ơn gọi thánh hiến.
Với tôi, vốn chẳng phải là dân “ngưỡng mộ” âm nhạc cho lắm, nên có nghe qua tác phẩm nào thì cũng ít quan tâm truy xuất tác giả là ai. Kể từ khi nhận tin Đức cha Giuse đang trong tình trạng nguy kịch thì có lẽ nhạc phẩm “đôi dép” lại làm cho tôi cảm thấy thật ý nghĩa và thâm thúy, không còn tầm thường nữa. Cũng chẳng biết tự bao giờ lời và nhạc của bài hát đã đi sâu vào lòng người mà không hay. Hình ảnh “đôi dép” được dùng biểu tượng nói lên tình yêu chung thủy, “cùng bước, cùng mòn, cùng sẻ chia vất vả, cùng chấp nhận thương đau, nhục vinh”. Đi đâu cũng có nhau để sẻ chia, để bổ túc, dù không trổi vượt cho xứng tầm với kẻ khác nhưng quan trọng là không ai có thể thay thế được. Bởi đó, nếu mất một chiếc dù có tìm chiếc khác thay thế cũng không tương xứng nhưng người đi sẽ thấy ngượng chân. Triết lý này như một điểm sáng dẫn vào hành trình sống cho dân Chúa trong bối cảnh Giáo Hội Việt Nam trong năm Mục vụ Gia đình: “chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân” khi Giáo Hội nhìn thấy những căng thẳng, khủng hoảng, đổ vỡ nơi các gia đình mà ở đó lòng chung thủy, trung thành đang từng bước bị xem thường một cách đáng quan tâm.
Ðời sống hôn nhân là một hành trình hạnh phúc nhưng cũng đầy gian khổ. Hạnh phúc của nó phải mua bằng tình yêu chung thủy. Ðể sống bền chặt với nhau, vợ chồng phải chấp nhận đối diện và giải quyết trong tương quan và hành động thường ngày. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta không khỏi đau lòng khi chứng kiến nhiều thảm cảnh đau xót từ gia đình khiến nhiều người cảm thấy ái ngại và lo lắng cho hạnh phúc gia đình. Nhiều cuộc tình “chóng vánh” và nhiều cuộc hôn nhân phải đi vào ngõ cụt, bế tắc.
Các giá trị về thủy chung, tính bền vững trong hôn nhân đang đối đầu với những quan niệm của xã hội và chủ nghĩa cá nhân. Người ta đang đổ trách nhiệm cho người bạn đời của mình, không còn nhận ra nửa kia chính là những gì thuộc về mình, với những cam kết thật thiêng liêng trong ngày hai người đến trước bàn thờ Chúa và cộng đoàn để nói lên lời kết ước, thề hứa sẽ trọn đời yêu thương “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời”. Họ không nhận ra sự quan trọng của sự trung thành, trung tín, trung kiên với nhau vì những lợi ích cá nhân, tự do cá nhân và quan điểm cá nhân dường như chiếm thế thượng phong. Không phải đứng trên quan điểm cổ xúy cho việc yêu thích khó khăn, thử thách nhưng có thể nói rằng, tình yêu càng trải qua những khó khăn càng làm cho mối tình thêm đậm đà. Cuộc tình nào chắc chắn cũng sẽ trải qua nhiều sóng gió nhưng càng sống bên nhau càng cảm nhận được rằng: không ai có thể thay thế cho người bạn đời của mình được dẫu cho người ấy có nhiều giới hạn và khiếm khuyết. Trong xã hội hôm nay, đời sống gia đình có nhiều phức tạp khiến cho lộn xộn, rối rắm, những ảnh hưởng của xã hội làm hạnh phúc gia đình bị đe dọa và đổ vỡ, nhưng với thời gian và ân sủng sẽ giúp cho hai người dù khác biệt tính tình, quan niệm, trình độ, thậm chí đối nghịch nhau có thể hiểu nhau và tình yêu bền vững hơn nếu cả hai đều đồng sức, đồng lòng, đồng tâm và đồng cảm.
Thử hình dung cùng đi trên một chuyến đò, nếu cứ bình yên chắc hẳn không gì đáng nói, có xuống và sang một chuyến đò khác thì cũng đâu hoàn đấy, nhưng nếu trên chuyến đò đó giữa dòng gặp sóng to, gió lớn, những người trên chuyến đò này sẽ cùng nhau chèo chống, tìm mọi cách để cùng nhau vượt qua khó khăn, có lẽ đây là những giây phút quý giá và đáng trân trọng nhất, những kỷ niệm không thể nào quên. Trong khó khăn, hoạn nạn tình yêu được thanh luyện sẽ nên kiên vững và khó chia xa. Không thể phủ nhận chính tình yêu đã nối kết hai con người xa lạ nhưng đã gắn bó với nhau từ bao giờ. Tại sao giữa bao nhiêu người trên đời, nhưng tôi lại chọn anh, chọn em là người tri kỷ cho mình, đó không phải là nằm trong Thánh ý quan phòng của Thiên Chúa sao và không có lý do gì để chối từ bởi “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết loài người không được phân ly” (x. Mt 19,6).
            Ngẫm người mà nghĩ đến ta, trung tín trong đời hôn nhân quan trọng thế nào thì trong đời thánh hiến, nó cũng càng phải được đề cao thế ấy. Đời thánh hiến cũng là một hành trình ngược xuôi thì chắc chắn người dấn thân trong hành trình này cũng đang đi trên những chiếc dép của mình. Chiếc dép của bạn, chiếc dép của tôi dù là linh mục hay là nam tu, nữ tu. Hành trình tiến về Thiên Quốc của những người tận hiến là cuộc song hành của đôi dép với chiếc bên này của tôi và chiếc bên kia là người bạn đồng hành “Giêsu”, Đấng mà người tận hiến đã một lần thề nguyền qua giao ước thánh hiến và đoan hứa “…một lần đã dâng hiến thì trọn đời Chúa ơi, con sẽ không bao giờ, không bao giờ đổi thay”.
            Lộ giới ấy chắc chắn không thiếu những ngày đầy bóng tối mây mù của đêm tối đức tin, thất vọng với sức nặng của Thập giá, mộng vỡ tan tành trong đời tu; không vắng những buổi chiều hoang sơ của sự cô đơn vì không được đón nhận, cảm thông, yêu thương và cộng tác từ chính giáo dân, từ chính anh em, chị em cùng cộng đoàn, từ chính Bề trên hoặc bề dưới; không tránh khỏi những ngày mệt mỏi, rã rời vì áp lực của sứ vụ tông đồ hay những trọng trách được trao phó đối với cộng đoàn; không thiếu những ngày “nhục vinh” hay những hoàn cảnh “bị chà đạp” bởi hiểu lầm, trái ý, chỉ trích hay vu khống đã khiến cho chiếc dép của người thánh hiến mòn gót ít nhiều hay vài ba lần chiếc dép ấy đứt quai bởi những phút cạn lòng, những vấp ngã trước cám dỗ tinh vi và khủng khiếp của tiền, tài, tình mà không đủ nội lực chống trả vì không bám víu, nương tựa vào Giêsu, bạn tình của mình. Và cũng biết bao lần chiếc dép ấy lấm lem và nhiễm bẩn bụi trần vì đã tự ý tách rời “chiếc dép Giêsu” để xông vào những “luồng gió độc” của thời đại vì ngộ nhận đó là bến bờ hạnh phúc.    Và, cũng không thiếu những lần chiếc dép ấy không bằng lòng với bản chất của mình nên đã phục trang bằng những thứ đồ trang trí được vay mượn của người khác, liệu có phù hợp với chiếc còn lại chăng? Và cũng không thiếu những lần chiếc dép không còn nhớ đến lời hứa với chiếc bên kia để ra đi biền biệt không quay trở lại.
            Quả thật, có những lúc chúng ta phải đấm ngực rằng nhiều lúc trong đời ta cứ ngang ngược, ngông nghênh đặt chiếc dép cuộc đời mình bên cạnh một chiếc khác không ăn nhập vào đâu, chẳng cân, chẳng xứng, chẳng vừa vặn và cũng chẳng hợp lý. Lòng trung thành và chung thủy của ta với Giêsu đang dần dần thay thế bằng những bất trung, thất hứa và phá vỡ giao ước hoặc bằng một thần tượng thế gian nào mà chẳng biết tương lai có bền vững hay không. Những chông chênh, khập khiễng, chênh vênh trong đời ta là hậu quả của một cuộc đời thiếu trung tín trong giao ước Thánh hiến, vốn thật thiêng liêng và cao quý.
            Với thân phận yếu đuối và bất toàn, xin Chúa hãy soi sáng cho các bạn trẻ đang đứng trước chọn lựa giữa đời sống ơn gọi và gia đình để có thể bình tâm chọn lý tưởng sống cho đời mình hợp với Thánh ý Chúa. Với những ai đang gặp thử thách hay chao đảo trong ơn gọi được Chúa gia tăng sức mạnh nơi thân xác và tâm hồn để biết vươn lên trên những ước vọng sống thấp hèn. Những ai đang lỗi nhịp bước, bỏ cuộc đua về Thiên Quốc, xin Chúa thêm nghị lực và hy vọng để đứng lên làm lại cuộc đời. Xin cho từng người đang sống đời tận hiến được luôn trung thành với ơn gọi Thánh hiến của mình.
                                                                                                                                
 
 
 
Tác giả bài viết: Nt. Mary Nguyễn Hòa – MTG Quy Nhơn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 18
  • Khách viếng thăm: 12
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 3478
  • Tháng hiện tại: 159285
  • Tổng lượt truy cập: 12136072