Trang mới   https://gpquinhon.org

Đời tu và ba thù

Đăng lúc: Thứ ba - 24/05/2016 18:37


ĐỜI TU VÀ BA THÙ


Cuộc sống hôm nay với đà phát triển của xã hội, con người đang chạy, chạy mãi theo những văn minh vật chất… lắm lúc họ tìm ra lối thoát và không làm chủ được chính mình. Song song với sự phát triển ấy ma lực đồng tiền - quyền - danh đang là sức mạnh khiến con người như đánh mất chính mình. Sức mạnh của đồng tiền, vật chất quả là ghê gớm. Đồng tiền, vật chất là một phần của cuộc sống chúng ta, nó điều khiển và làm chủ con người. Một vị bác sĩ, có thể khi cứu người cũng vì tiền và khi giết người cũng vì tiền. Họ làm tất cả một cách dửng dưng, vô cảm và vô trách nhiệm…
Ngày nay, làm gì cũng cần có thủ tục “đầu tiên”. Đầu tiên” là vấn đề của mọi công việc, không có thủ tục này e rằng không có kết quả sau cùng. Trong đời tu, ma lực đồng tiền - quyền - danh cũng đã, đang và quyện vào nếp sống của ta. Có thể nói, sức mạnh đồng tiền giúp ta hiểu phần nào đâu là ranh giới mong manh giữa cái chết và sự sống, chỉ cần một thoáng sai lầm trong cuộc sống, chỉ cần một chút hèn nhát với cuộc đời, chỉ cần giây phút tự hãnh kiêu căng… nó có thể dẫn ta đến bên kia vực thẳm của sự chết.

Ngày xưa, hai anh em Giacôbê và Gioan bị cám dỗ về danh vọng khi đi theo Chúa: “Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10, 37) Sau đó, Chúa đã cho hai anh em hiểu về giá trị của việc hiến dâng và phục vụ mà khước từ cơn cám dỗ về quyền – danh.
Là môn đệ bước theo Chúa Giêsu đôi khi ta phải lội ngược dòng: “Anh em biết, những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy, ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10, 42 - 44).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên tiếng cảnh báo giới tu sĩ về sự cám dỗ của tiền bạc, quyền lực và danh vọng là những thứ không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc thật sự. Trong cuộc sống, tiền bạc rất cần thiết và là nhu cầu thiết yếu của ta, vì tiền là tiên là phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý… Thật là đúng, thời nay mà không tiền thì không làm được gì => tiền là hết ý. Thế nhưng, để tiền bạc làm chủ và mãi tích lũy, chạy theo tiền bạc thì là một nguy cơ. Hạnh phúc không thể có và không thể tồn tại được, khi ta sống dính bén vào của cải. Khi chết ta đến trước tòa phán xét của Chúa không mang theo được gì cả ngoài Đức ái. Vâng, chỉ có đức ái mới có thể mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Vậy, ta cần gẫm suy, nhìn lại đời sống mình để tỉnh thức trước những cám dỗ hết sức tinh vi.

Cuộc sống hôm nay cạm bẫy luôn rình rập con người, phải tỉnh thức để thoát khỏi điều ấy thật không dễ chút nào, bởi lẽ tiền là nhu cầu cần thiết nên phải lệ thuộc, mà một khi lệ thuộc thì ta dễ dàng bị sa bẫy. Thật vậy, sự quyến rũ của quyền lực - danh vọng không trừ một ai, có biết bao người luôn phải tự hào trong sự kiêu hãnh đầy quyền uy nhưng kết cục trong vô danh, tù tội và nghèo hèn. Bởi đâu họ như thế? Phải chăng vì họ sống giả dối với chính mình? Ham những hào quang nhấp nhoáng bên ngoài nhưng bên trong thì rỗng tếch.
Bao người thường lên tiếng tuổi trẻ hôm nay luôn ham danh vọng, chạy theo vật chất mà không biết điểm dừng, để rồi sa vào cám dỗ của ma lực mà giết chết tuổi đời… Vâng, điều đó có nhưng không hẳn là tuổi trẻ, vì ma quỷ nó cám dỗ tất cả, không phân biệt bất cứ ai. Nếu không cảnh tỉnh thì dễ bề ngã sa nhất là những tu sĩ.

Từ xưa, Thiên Chúa tạo dựng con người, ban cho con người quyền tự do chọn lựa và được hưởng những nén bạc Chúa trao nhưng khôn ngoan thì tùy ở mỗi người. Mỗi tu sĩ, khi bước vào đời tu được mời gọi sống ba lời khuyên Phúc Âm, do đó khước từ những cám dỗ thế tục để được thuộc trọn về Chúa là điều người tu sĩ cố gắng chống chèo để vượt qua những ma lực của những cơn cám dỗ để đạt được mục đích chính là Chúa. Thế nhưng, liệu ta có dễ khước từ hay là cố chạy tìm cho được những hào nhoáng của cải thế trần. Lời khấn khó nghèo nhắc nhở ta mỗi ngày hãy từ bỏ những quyến luyến của cải, nhưng ta đã từ bỏ hay thu vén? Trong vấn đề kinh doanh, buôn bán, người tu sĩ có nên lao vào hay không?

Mỗi Hội dòng tự tìm kiếm kế sinh nhai cho mình, nhưng có lúc ta đã đi quá giới hạn của mình chăng? Chúa đã từng nói: ngay cả chim sẻ và bông hoa huệ ngoài đồng Chúa không bỏ rơi huống chi là những người bạn tình trăm năm của Chúa (x. Mt 6, 26). Có khi nào ta lo tìm kiếm sinh nhai đến nỗi lấn chiếm cả thời giờ thiêng liêng dành cho Chúa trong ngày sống không? Có khi nào ta dùng những giờ phút tham dự Thánh lễ, giờ kinh phụng vụ để lo ra, để bôn ba tìm kiếm vật chất chăng? Người thế gian chạy trên thương trường, vì miếng cơm manh áo nên đôi khi họ gian lận, quanh co, nhưng nếu xuất hiện trong nhà tu của chúng ta thì sao? Một nữ tu nếu nói không đúng sự thật, sống không đúng căn tính đời tu của mình thì có là một phản chứng không?
Cuộc sống cần có hoài bão, ước mơ và sự cầu tiến… nhưng cần phân định đâu là hoài bão, đâu là cầu danh để rồi cần có điểm dừng nhằm phân biệt điều thiết yếu và điều tôi muốn. Trong cuộc sống, tiền - quyền - danh mọi thứ đều tương đối, điều cần thiết là sống làm sao để nên người hữu ích. 

Xã hội hôm nay đã quá đề cao và sùng kính đồng tiền đến độ ví von rằng: “Tiền là tiên là phật”, và cũng đúng phần nào bởi có tiền mới đáp ứng mọi nhu cầu và tham vọng của con người. Tiền có thể làm cho con người ta đạt được sự nghiệp danh vọng, chiếm vị trí cao trong xã hội… Tiền tuy khổ giấy to bằng bàn tay, nhưng nó có thể che kín được mọi điều, đổi trắng thành đen, che mưa cho bao người bất chính và là vật nặng có thể làm cho cán cân công lý bị nghiêng chiều về nó. Chính vì nó có giá trị cao như thế, nên bao người chạy theo mà không quản ngại phí sức lực, hay có thể bán rẻ cả nhân phẩm, lương tâm của mình và của người khác để rồi đánh mất chính mình và tự do được làm con Thiên Chúa.
Bản thân đồng tiền không có tội, chỉ vì sức ảnh hưởng của nó quá lớn đến độ che khuất tầm nhìn của chúng ta. Nếu bị mù quáng vì sức mạnh của đồng tiền thì chúng ta không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí chúng ta có thể rơi vào sai lầm, tội lỗi. Quả thực, ngày nay đồng tiền có vai trò lớn, nó chi phối mọi mặt cuộc sống, khiến chúng ta đánh mất đi tình cảm và giá trị của con người. Nó biến đổi xã hội và làm cho con người xa cách nhau, không còn đâu là tình thân của nhau bởi tiền thường đi đôi với bạc mà khi tiền đã bạc rồi thì còn gì là thân thuộc với nhau nữa???
Tiền tự nó không xấu, bởi tiền mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người và cũng có thể ngược lại. Vì tiền có sức hút rất mãnh liệt, nên con người chạy theo mà quên đi đâu là giá trị đích thực của một kitô hữu.

Lại một lần nữa, theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, vị Cha chung của Giáo hội, luôn nhắc nhở mời gọi con cái ngài và đặc biệt là các tu sĩ phải biết cảnh tỉnh trước tiền - quyền - danh. Ngài cầu nguyện cho các tín hữu biết thận trọng để phân biệt và giải phóng trái tim họ khỏi ách nô lệ của những báu vật trần thế, để nếm hưởng được niềm vui đích thực và được tự do sống như con cái Thiên Chúa. Đi đúng đường lối của Chúa thì con người được tự do và niềm vui đích thực trong tâm hồn. Nếu đi sai đường lối của Chúa chạy theo tìm kiếm tiền - quyền  -danh kẻo mất tự do, mất ơn nghĩa cùng Chúa.
Trong Thánh vịnh 89 có viết: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi…”. Cuộc đời trên trái đất này thật vắn vỏi, chỉ có đời sau là vĩnh cửu.  Tất cả trần gian này là tạm bợ. Quê hương đích thực của chúng ta là ở trên trời, do đó, đừng quá dính bén vào những của phù vân, đừng lo chiếm đoạt mọi thứ trên đời. “Tất cả rồi sẽ qua đi, ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi” (Tv 89)

Quyền lực, tiền tài, danh vọng tất cả đều là hư ảo, chỉ có tình yêu là tồn tại và Chúa chính là nơi chúng ta nương thân mà thôi. Ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì đều có những cám dỗ riêng: dự tu, đệ tử, nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời hoặc làm linh mục, giám mục... Nếu một tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn dòng, đọc kinh phụng vụ, suy gẫm Phúc Âm mỗi ngày thật hẳn hoi thì sẽ giúp ta vượt qua những cạm bẫy thực tế.
Trên đây là chút suy tư để nhìn rõ hơn về những cám dỗ của ba thù, mà chính con cũng đã vấp phạm ngã sa vào lối đường ấy khi chạy theo nó mà không chu toàn hết những giờ giấc thiêng liêng của một nữ tu, những dành giờ riêng cho Chúa. Lặng quỳ trước hang đá bé nhỏ chiêm ngắm Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ đơn sơ của cộng đoàn lòng con gợi lên chút suy tư về sự cám dỗ như thế. Ước gì một chút suy tư này cho con phần nào thức tỉnh và thoát được sự cám dỗ của ba thù, bởi vì Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận từ bỏ ngai vàng “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế, Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự,… (Pl 2, 6-11)” để cứu chuộc chúng ta.

Con nguyện xin lòng thương xót của Chúa ngập tràn trong tâm hồn của quý bà, quý chị em hết thảy trong Hội dòng của con, để qua đó chính Chúa biến đổi và Chúa làm chủ cuộc đời chúng con, cho chúng con thoát khỏi cạm bẫy ba thù của thế gian, ngõ hầu chỉ phụng thờ một mình Thiên Chúa và chính Chúa là gia nghiệp là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta. Chúa mãi là Mùa Xuân vĩnh cửu để cho chúng con nở hoa, nhất là những bông hoa của sự tha thứ và hoa lòng mến để chúng con trao ban cho mọi người trong Năm Thánh lòng Chúa xót thương này. Con kính chúc quý bà, quý chị cùng tất cả chị em một Mùa Xuân Bính Thân thật nhiều niềm vui và ơn lành của Chúa Xuân.

Dòng sông xanh
MTGQN

 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 22
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 4518
  • Tháng hiện tại: 153660
  • Tổng lượt truy cập: 12130447