Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XIV Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 02/07/2015 09:01
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
Ed 2, 2 – 5; 2 Cr 12, 7 – 10; Mc 6, 1 – 6

 




Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng vì yêu thương loài người chúng ta là loài hữu hình, nên Ngài đã chọn gọi các ngôn sứ là những người bằng xương, bằng thịt chúng ta có thể thấy được; dùng những ngôn ngữ chúng ta có thể nghe được để qua các ngôn sứ Thiên Chúa gửi đến loài người chúng ta những thông điệp, những lời giáo huấn, những lời đem lại sự sống cho loài người.

Để thực hiện nhiệm vụ ngôn sứ mà Chúa mời gọi, các ngôn sứ của Chúa phải đối diện với nhiều nghịch cảnh, khó khăn. Những khó khăn mà họ gặp phải có thể do chính con người của họ hoặc do những con người mà họ gặp gỡ khi thi hành nhiệm vụ ngôn sứ.

1. Những khó khăn chủ quan

Đọc sách Xuất Hành, chúng ta thấy khi Chúa mời gọi Mô-sê làm ngôn sứ cho Ngài để cứu dân Do Thái ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập thì Mô-sê tìm cách thoái thác. Lý do Mô-sê tìm cách thoái thác vì thấy sự khó khăn từ chính con người của mình, từ sự ăn nói ngọng ngịu của mình : Ông Mô-sê thưa với Đức Chúa : “Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng, cứng lưỡi.” ( Xh 4, 10 )

Đọc sách Giêrêmia, chúng ta thấy tâm trạng của Giêrêmia cũng giống Mô-sê khi ông được Chúa mời gọi làm ngôn sứ cho Ngài. Trước lời mời gọi của Chúa, ông đã thốt lên : “ Ôi ! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” ( Gr 1, 6 )

Thánh Phaolô, dưới góc nhìn của Giáo Hội, ngài được coi là vị thánh đại tài trong việc truyền giáo. Nhưng nơi bài đọc thứ hai chúng ta nghe, chính thánh nhân cũng bị  sự yếu đuối, bất toàn của mình làm khổ mình : “ một cái dằm đâm vào thịt tôi, một thần sứ của Sa-tan vả mặt tôi. Vì thế đã ba lần tôi van nài Chúa, để nó rời khỏi tôi.” ( 2 Cr 12, 7 – 8 ).

2. Những khó khăn khách quan

Để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ mà Chúa mời gọi, các ngôn sứ của Chúa đã phải đối diện với những nghịch cảnh, với những khó khăn : bị bắt, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị cầm tù, .v.v, nhưng khó khăn lớn nhất mà các ngôn sứ của Chúa phải đối diện đó là sự “ cứng lòng” của những người mà Chúa sai các ngài đến gặp gỡ, trao sứ điệp.

Đọc sách Xuất Hành từ chương 5 đến chương 10, chúng ta thấy Mô-sê đã phải khó nhọc đối diện trước sự “cứng lòng”  của vua Pha-ra-ô : “ Ông Mô-sê và ông A-ha-ron đến với Pha-ra-ô và nói với vua : “ Đức Chúa, Thiên Chúa của người Hip-ri, phán thế này : cho đến bao giờ ngươi vẫn không chịu hạ mình xuống trước nhan Ta ?” ( Xh 10, 3 )

Nơi bài đọc thứ nhất, chúng ta thấy ngôn sứ Êdêkiel phải đối diện với sự “cứng lòng” từ những người được Chúa sai ông đến : “ Tôi nghe Người nói với tôi rằng : “ Hỡi con người, Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân nổi loạn phản nghịch Ta, chúng và cha ông chúng vi phạm giao ước của Ta cho đến ngày nay. Ta sai ngươi đến để nói với những con cái dầy mặt cứng lòng rằng : “ Chúa là Thiên Chúa phán như vậy”.

Nơi bài đọc thứ hai, chúng ta thấy thánh Phaolô khi thực hiện nhiệm vụ ngôn sứ trong hành trình truyền giáo của ngài, ngài đã phải đương đầu với những khó khăn : nào là lăng nhục, nào là quẫn bách, nào là bắt bớ, nào là khốn khó vì Đức Kitô.

Nơi bài Tin Mừng, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu về làng quê Na-za-ret thân quen, theo thói quen, Ngài vào Hội Đường cùng với bà con trong làng để nghe lời Chúa. Chúa Giêsu đã tận dụng cơ hội này để thi hành nhiệm vụ ngôn sứ của Ngài. Ngài muốn rằng những bà con thân quen nơi làng quê Na-za-ret nhờ nghe lời Ngài giảng sẽ đón nhận đức tin để nhờ đó họ “được sống và sống dồi dào”. Lời giảng khôn ngoan của Ngài khiến họ “ sửng sốt”, nhưng dân làng Na-za-ret đã không vượt qua nổi rào cảng “ thành kiến” về thân thế nghèo hèn nơi gia đình Ngài : “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.” Như vậy, chúng ta thấy trong thân phận làm người, khi thực hiện nhiệm vụ ngôn sứ, Chúa Giêsu cũng đã phải đối diện với khó khăn đó là sự “ cứng lòng” của con người : “ Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin”.

3. Chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ dù phải đối diện với yếu đuối, bất toàn

Dù rằng phải đối diện với những yếu đuối, bất toàn, nhưng với ơn Chúa giúp, các ngôn sứ chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ mà Chúa mời gọi.

Đọc sách Xuất Hành, chúng ta thấy với sự trợ giúp của Chúa, Mô-sê đã chu toàn nhiệm vụ thuyết phục vua Pha-ra-ô để đưa dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập để tiến về Đất Hứa.

Nơi bài đọc hai, chúng ta thấy thánh Phaolô nhận ra sự yếu đuối của bản thân, nhưng thay vì chán nãn để buông xuôi công việc, ngài đã cậy dựa vào ơn Chúa thay vì cậy vào sức mình : “ ơn Ta đủ cho ngươi”. Chính nhờ cậy dựa vào ơn Chúa mà ngài vui thỏa trước sự yếu đuối của bản thân để sức mạnh của Chúa được thể hiện nơi ngài : “vì khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ.” Chính nhờ cậy dựa vào ơn Chúa mà thánh Phaolô đã vui thỏa vượt qua những khó khăn để chu toàn tốt nhiệm vụ ngôn sứ trong hành trình truyền giáo của ngài.

Nơi bài Tin Mừng, chúng ta thấy khi Chúa Giêsu đối diện với sự “cứng lòng” của dân làng Na-za-ret, Ngài không nãn chí buông xuôi việc truyền giáo. Trái lại, “ Ngài đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy”.

Cộng đoàn thân mến!

Vì sao Thiên Chúa kiên trì gửi các ngôn sứ đến với những người “ cứng lòng” ? Vì sao các ngôn sứ phải chu toàn nhiệm vụ ngôn sứ trong những nghịch cảnh, khó khăn?

Thưa vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” ( 1 Ga 4, 8 ), Ngài không muốn bất cứ kẻ gian ác nào phải chết, nhưng Ngài muốn họ ăn năn để được sống. ( x. Ed 33, 11 ). Chính vì muốn mọi người được cứu, được sống nên Thiên Chúa đã chậm giận, kiên trì gửi các ngôn sứ của Ngài đến với loài người. Việc các ngôn sứ kiên trì đến với những người “ cứng lòng” là cơ hội Chúa ban để những con người đó nhờ nghe được sứ điệp của Chúa mà thay đổi cách sống, thay đổi niềm tin vào Chúa ngõ hầu để họ được cứu và được sống.

Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu và thấy Ý của Chúa Cha là yêu thương mọi người, là muốn cứu mọi người nên Ngài đã miệt mài trong hành trình truyền giáo. Bài Tin Mừng hôm nay có thể nói Chúa Giêsu bị “mất trắng” khi Ngài thực hiện nhiệm vụ gieo hạt giống Lời Chúa nơi làng quê Na-za-ret. Nhưng vì yêu thương loài người, Chúa Giêsu lại tiếp tục rảo quanh các làng khác để tiếp tục cày xới, tung gieo hạt giống Lời Chúa cho vụ mùa khác.

Cũng trong góc nhìn này giúp chúng ta hiểu tại sao trong hành trình truyền giáo của thánh Phaolô dù gặp biết bao khó khăn, thử thách nhưng ngài không buông xuôi bỏ cuộc mà còn thốt lên “ Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. ( 1 Cr 9, 16 )

Cộng đoàn thân mến !

Qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta được thông dự vào ba chức vụ của Đức Kitô : ngôn sứ, tư tế, vương đế. Chúng ta được mời gọi thi hành nhiệm vụ ngôn sứ trong việc tích cực hăng say trong công việc truyền giáo. Lời Chúa hôm nay giúp cho chúng ta thấy những khó khăn, nghịch cảnh trong khi thi hành nhiệm vụ ngôn sứ. Đồng thời cũng giúp chúng ta niềm hy vọng trong khi thi hành nhiệm vụ ngôn sứ “ ơn Ta luôn đủ cho con”. Ước gì mỗi người chúng ta tích cực thi hành nhiệm vụ ngôn sứ trong việc tích cực hăng say trong công việc truyền giáo để sứ điệp Lời Chúa được đến với nhiều người ngõ hầu họ được cứu và được sống như Ý Chúa muốn. Ước gì mọi người chúng ta thi hành nhiệm vụ ngôn sứ trong tinh thần lạc quan như lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng, số 84 : “ Niềm vui của Tin Mừng là cái không ai hay điều gì có thể lấy mất được của chúng ta ( x. Ga 16, 22 ). Những điều xấu của thế giới – và của Hội Thánh – không thể là cái cớ để chúng ta giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình. Chúng ta hãy coi chúng như là những thách thức có thể giúp chúng ta lớn lên. Với con mắt đức tin, chúng ta có thể thấy ánh sáng mà Chúa Thánh Thần luôn luôn chiếu dọi giữa bóng tối, đồng thời không bao giờ quên rằng “ ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” ( Rm 5, 20 ).
 
Tác giả bài viết: Lm. Tôma Nguyễn Công Binh
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 3157
  • Tháng hiện tại: 158964
  • Tổng lượt truy cập: 12135751