Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Đêm Giáng Sinh

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/12/2016 07:31


LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2016

tại Nhà thờ Chính tòa Qui Nhơn

 
 
LỜI ĐẦU LỄ
 
Đêm nay, cùng với hàng tỷ người trên thế giới, chúng ta long trọng cử hành lễ kỷ niệm lần thứ 2016 ngày sinh của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa hiện hữu từ thuở đời đời, vì yêu thương nhân loại tội lỗi, đã giáng sinh làm người trong dòng lịch sử nhân loại, để trở thành một Đấng Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, từ đó lễ Giáng Sinh được gọi là lễ Noël, hình thức viết tắt của danh hiệu Emmanuel.

Tại giáo phận Qui Nhơn chúng ta, Năm Thánh Lòng Thương Xót được tiếp nối bởi năm 2017 với chủ đề "Yêu thương phục vụ", một hình thức thể hiện của lòng thương xót đối với mọi người không phân biệt. Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, điều này được thể hiện rõ ràng nhất nơi bản thân Đức Giêsu Kitô, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, khi Ngài tự đồng hóa mình với tất cả những người khổ đau, nghèo đói, nhỏ bé, trong xã hội. Đồng thời, với phương châm xuyên suốt: "Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ", Ngài cũng mời gọi chúng ta bước theo Ngài để hiến thân cho tất cả những ai lâm cảnh khốn khó, băng bó những vết thương, khiêm nhường phục vụ mọi người.

Chúng ta dễ dàng tìm thấy địa chỉ phục vụ khắp nơi, bên cạnh chúng ta, đặc biệt nơi những nạn nhân của trận lũ lụt khủng khiếp vừa qua, ngay chính trên địa bàn giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Ước chi ánh sáng ấm áp và tươi vui của đêm Giáng Sinh hôm nay được mỗi người chúng ta đem đến cho những người đang sống trong cảnh tối tăm lạnh lẽo. Ước gì niềm vui của đại lễ Giáng Sinh cũng được mỗi người chúng ta đem chia sẻ cho những người đang sống trong nỗi u buồn, trước cảnh tang thương mất mát cả nhân mạng lẫn tài sản và tương lai. Đó là cách cử hành đại lễ Giáng Sinh tốt nhất và ý nghĩa nhất mà Thiên Chúa đang mong chờ nơi mỗi người chúng ta hôm nay.
 
 
BÀI GIẢNG
(Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14)
 
Trong một cuộn phim hay một vở kịch, ngoài những diễn viên chính được chọn lọc kỹ lưỡng, còn có những diễn viên phụ và cả những diễn viên quần chúng. Những diễn viên quần chúng này là những người không được tuyển lựa và thường cũng không được trả tiền. Họ không hề hãnh diện vì mình được đóng phim, nhưng họ vẫn cảm thấy vui vì được xuất hiện trên màn ảnh. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi những diễn viên quần chúng ấy bỗng dưng được nhà đạo diễn biến thành những diễn viên chính. Niềm vui của họ sẽ lớn lao biết bao. Đó là trường hợp của các mục tử thành Bêlem trong cuốn phim lịch sử nổi tiếng về cuộc Giáng Sinh của Chúa Giêsu mà năm nào cũng được công diễn trên toàn thế giới.

Trong đoạn Tin Mừng do thánh Luca thuật lại hôm nay, các nhân vật tai to mặt lớn, quyền thế hơn người, giàu sang hiếm có, như hoàng đế Xêsarê Augustô của đế quốc Rôma, hay ngài Quirinô thủ hiến xứ Syria, chỉ được kể tên trên chiếc khung lịch sử, chỉ một lần, không cần nhắc lại. Lịch sử mà những bậc vua chúa quan quyền cứ nghĩ rằng do chính họ tạo ra và họ phải được lưu danh vào sử sách, nhưng thực ra lại xoay quanh một hài nhi bé nhỏ có tên là Giêsu. Mặc dù chỉ là một em bé sơ sinh, nhưng chính Ngài lại là nhân vật chính trong lịch sử nhân loại, mà nếu không có sự hiện diện của Ngài thì lịch sử ấy cũng trở thành trống rỗng và vô nghĩa, hay như vở kịch tầm thường vì thiếu "siêu sao". Bên cạnh Ngài là hai nhân vật chính khác mà tên tuổi cho đến lúc đó chưa có ai biết đến hay để ý, đó là Giuse và Maria, hai gương mặt đơn sơ khiêm hạ, đã được Thiên Chúa mời đóng vai chính trong kịch bản cứu độ, mà không hề biết mình sẽ phải làm gì, diễn xuất như thế nào, chỉ biết sẵn sàng thực hiện những gì nhà đạo diễn thần linh chỉ dẫn và xếp đặt.

Ngoài hai diễn viên chính này, trong kịch bản Giáng Sinh do thánh Luca thuật lại hôm nay còn có một số diễn viên quần chúng, mà tên tuổi trước sau không hề được nhắc đến, đó là các mục tử thành Bêlem. Thánh Luca là vị thánh sử của những người nghèo, những người nhỏ bé trong xã hội, nên trong kịch bản của ngài, những người như các mục tử chắc chắn cũng được mời lên sân khấu. Trong truyền thống công giáo tại Việt Nam, các nhân vật này thường được gọi là các mục đồng, vì trong hoạt cảnh Giáng Sinh, những vai diễn này thường được các bé trai đóng, cũng như các vai diễn thiên thần thường được các bé gái đóng. Có lẽ là vì tại Việt Nam, những người chăn trâu bò thường là những trẻ trai con nhà nghèo. Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn chính là hai chữ "mục đồng" nói lên thân phận nhỏ bé thấp kém của người chăn chiên, tuy quá cách biệt đối với giai cấp thượng lưu giàu có, nhưng lại rất gần gũi với hài nhi Giêsu trong cảnh nghèo khó.

Là những người chăn chiên, các mục tử thường sống với đoàn chiên giữa cánh đồng, ngủ trong các hang đá hay trong những túp lều thô sơ, thậm chí nhiều đêm còn nằm ngủ bên ngoài trong cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng trong tư thế đó, mắt họ hướng lên trời cao và nhìn thấy các vì sao. Thật đơn sơ nhưng cũng thật thơ mộng! Nói đến đây tôi liên tưởng đến một câu chuyện vui về hai người bạn đi cắm trại. Buổi tối cả hai nằm ngủ trong một chiếc lều vải được căng lên giữa trời. Nửa đêm, khi hai người đang say ngủ thì một tên trộm đã lén đánh cắp chiếc lều của họ. Một người trong họ bỗng tỉnh dậy và phát hiện ra chiếc lều của mình đã không cánh mà bay đâu mất, liền đánh thức người kia và nói:

- Này, anh hãy mở mắt ra và nhìn lên xem thử có thấy gì không?
Anh bạn nhìn lên trời, không để ý chiếc lều bị mất cắp nên đáp:
- Tôi thấy các vì sao nhấp nháy, thật là thơ mộng.
Anh kia liền nói:
- Thôi, đừng thơ với mộng nữa, anh không thấy chiếc lều của mình đã bị ai đó đánh cắp mất rồi sao?

Những người chăn chiên cũng vậy, họ không nhìn thấy cảnh thiếu thốn của mình, chỉ thấy một bầu trời xinh đẹp và đầy những ánh sao. Đang khi mãi miết ngắm nhìn như thế, thì từ giữa những chòm sao, một thiên thần đã xuất hiện và tiến gần đến họ, một luồng ánh sáng bao trùm lấy họ, như lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc I: "Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi" (Is 9,1). Bản thân họ lâu nay vẫn mịt mù trong tối tăm, giờ đây bỗng chan hòa ánh sáng. Họ xuất hiện trong luồng ánh sáng như những diễn viên trên sân khấu mờ tối được một bóng đèn pha tập trung chiếu vào, khiến họ trở thành tâm điểm chú ý của mọi khán giả. Và thiên thần nói với họ: "Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: hôm nay một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavit" (Lc 2,10-11). Chính trên cánh đồng này ngày xưa vua Đavit đã từng là một trẻ chăn chiên giống như họ bây giờ, trước khi được tuyển chọn lên ngôi cửu ngũ.

Các mục tử thành Bêlem là những người đầu tiên được Thiên Chúa báo tin vui về việc giáng sinh của Đấng Cứu Độ muôn dân trông đợi. Qua câu nói của thiên thần, họ được coi như những người đại diện của toàn dân để đón nhận tin vui. Tại sao không phải là vua Hêrôđê, thầy cả thượng tế hay các kinh sư ký lục, những người quyền cao chức trọng, mà là những người vô danh tiểu tốt, khố rách áo ôm? Bỗng dưng họ trở thành vai diễn chính, từ bên rìa sân khấu họ được đưa vào giữa trung tâm. Thật bất ngờ và không thể tưởng tượng nổi, đúng như lời thánh ca Magnificat của Đức Maria: "Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường" (Lc 1,52).

Đâu phải chỉ được thông tin, các mục tử thành Bêlem còn là những người đầu tiên được mời gọi đến chào đón Đấng Cứu Thế giáng sinh. Ngài sinh ra trong thành Bêlem, và chắc là nơi những lâu đài quyền quí, làm sao họ có thể đến được! Nhưng thiên thần đã đánh tan những lo ngại của họ khi nói: "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Ngài: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ" (Lc 2,12). Nằm ngủ trong những ổ cỏ rơm, đối với họ là chuyện bình thường, nhưng Đấng Cứu Thế mà lại không được một cái nôi ấm áp để sinh ra sao? Một lần nữa không thể hiểu nổi: "Chẳng lẽ Ngài còn nghèo hơn cả chúng ta ư?. Chuyện như thế chưa hề nghe kể bao giờ, ngay cả trong những câu chuyện cổ tích!"

Họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì cùng với lời loan báo tin vui Giáng Sinh, họ còn là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để thay mặt toàn dân Isrrael nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung đón nhận sứ điệp Giáng Sinh, khi các thiên thần đồng thanh hát: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương" (Lc 2,13).

Các người chăn chiên thành Bêlem trong đêm Giáng Sinh năm xưa mặc dù tên tuổi không được nhắc đến, nhưng vị trí của họ đã chiếm một nửa thước phim Tin Mừng trong bài tường thuật hôm nay. Họ là đối tượng chính yếu và đầu tiên của sứ điệp Giáng Sinh, đồng thời cũng là những thông tín viên tiên khởi của tin vui này, với sứ mệnh thông truyền tin vui ấy đến cho mọi người. Họ hối hả lên đường và gặp thấy hài nhi Giêsu đúng như lời thiên thần đã báo và khi trở về họ kể lại cho mọi người nghe về những gì họ đã thấy. Họ thấy một vị Thiên Chúa gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn, thậm chí trở thành một người thuộc giai cấp thấp kém như họ, để mời gọi mọi người hãy nhìn những kẻ bé nhỏ bằng một cặp mắt đầy yêu thương và kính trọng.

Theo gót các mục tử thành Bêlem năm xưa, sau khi được bao bọc trong vầng ánh sáng, nghe những bài thánh ca du dương cùng với sứ điệp Giáng Sinh trong thánh lễ này, chúng ta cũng lên đường đi gặp gỡ hài nhi Giêsu nơi những người bé nhỏ, khó nghèo và đau khổ, đặc biệt nơi những nạn nhân đang lâm cảnh màn trời chiếu đất trong những căn nhà bị sụp đổ do trận lũ lụt vừa qua, không một tấm chiếu để nằm, không một tấm chăn để đắp. Nếu chúng ta nhận ra Ngài nơi những con người khốn khổ đó, thì mới thực sự hiểu được ý nghĩa sâu xa của tên gọi ngày lễ hôm nay là Noël, hình thức viết tắt của chữ Emmanuel, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.


 
Tác giả bài viết: Gm. Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 772
  • Tháng hiện tại: 156579
  • Tổng lượt truy cập: 12133366