Trang mới   https://gpquinhon.org

Giảng lễ Kim Khánh Linh Mục (Cha Giuse Phạm Thanh)

Đăng lúc: Thứ năm - 15/12/2016 12:51


GIẢNG LỄ KIM KHÁNH LINH MỤC

của cha Giuse Phạm Thanh
ngày 15/12/2016

 


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

Ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy, chẳng quay được về” (Ngạn ngữ Nga). Thời gian trôi qua thật nhanh chóng và không gì có thể chặn nó đứng lại được. Chẳng có vật thể sống nào già như thời gian và cũng chẳng có vật thể nào khỏe mạnh, nhanh nhẹn như thời gian. Thời gian ngựa chạy tên bay, nó lướt đi nhanh nhẹn không ngừng và mau chóng không những như con ngựa mà là con ngựa non khỏe mạnh mà trong tiếng Hán gọi là “câu”. Bởi thế, Trang Tử  trong “Nam Hoa Kinh”  đã ví đời người nhanh tựa “bóng câu qua cửa sổ”. Và Nguyễn Gia Thiều đã viết trong “Cung oán ngâm khúc” rằng đời người là “Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi”.

Nhưng vì con người không phải là ngựa, càng không phải là con ngựa non, nên ta vẫn cứ chậm lại chậm lại với thời gian. Giới hạn ngắn ngủi của đời người đã khiến ta có nhu cầu ghi nhớ chặng đường đã qua. Thế là con người ngồi bên song cửa, cứ 5 năm, 10 năm, 25 năm, 50 năm là thò tay ra bắt con ngựa non khi nó chạy vụt qua, đặt cho nó một cái tên Hán tự thật mỹ miều để đánh dấu và kỷ niệm những cột mốc quan trọng trong đời. Và xảy ra có chuyện như thế này: sau một đời phục vụ lâu dài, hai ông cố linh mục ngồi lại để bàn tính chuyện kỷ niệm 50 năm. Nhưng khổ nổi cái tên mỹ miều mà người ta đặt cho nó lại bay đi đâu mất. Nhớ mãi không ra, lúc lâu sau, một ông mới hỏi: “Này ông, ông có nhớ cái hoa màu đo đỏ, có gai, nó tên là gì không?” – “Ý ông muốn nói là hoa hồng phải không? Nhưng ăn nhậu gì ở đây?” – “Có chứ!” – Thế rồi ngài quay sang phía bà sơ đang dọn dẹp ở góc phòng: “Sơ Hồng ơi! Thế cái lễ 50 năm gọi là gì nhỉ?” – “Dạ lễ Kim Khánh, thưa ông cố!” – Và thế là chúng ta nhận được thiệp mời của cha Linh hướng Giuse ghi là “Nhân dịp mừng thượng thọ bát tuần Đức cha Phêrô, và được Đức giám mục Giáo phận thương cho chung lời hiệp tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho hàng Linh mục Hội Thánh vào ngày lễ Kim Khánh Linh Mục”.

Dừng lại sau chặng đường 50 năm, lời tạ ơn Thiên Chúa nhân Kim Khánh Linh Mục của cha Linh hướng Giuse hôm nay mang dáng dấp và tâm tình của Đức Maria trong bài Tin Mừng rất quen thuộc mà chúng ta vừa mới đọc qua. Trước một ân sủng lớn lao mà mình nhận được từ Thiên Chúa, dường như đức Maria đã quên đi sự có mặt của người khác. Là một người khách bước vào nhà người, nhưng bà đã quên đi sự hiện diện của chủ nhà mà chỉ mới trước đó đã rất lịch sự vồn vã chào hỏi nhau thân thiết, chỉ còn lại mình bà với Chúa của bà. Trọn bài ca Magnificat không có ai khác chen chân vào được ngoại trừ Đức Maria và Chúa của bà, đó là một mối tương giao cá nhân thật thâm tình sâu đậm. “Linh hồn của tôi”, “Thần trí của tôi”, “Thiên Chúa của tôi”, “Đấng Cứu Độ của tôi”, … và “nữ tỳ của Chúa”, của tôi của tôi và của Chúa, những tính từ sở hữu này đã nói lên một mối liên hệ thâm sâu và hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa không dành cho ai khác ngoài mình. “Cánh tay Chúa ra oai thần lực”, bà tán dương quyền năng Chúa, nhưng Chúa của bà không chỉ có thế thôi đâu mà có cả lòng thương xót nữa: “Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia”. Bà tạ ơn một Thiên Chúa không chỉ đầy quyền năng nhưng còn đầy tràn lòng thương xót vì đã chọn bà giữa bao thôn nữ khác xứng đáng hơn bà nhiều. Thiên Chúa của bà và cũng là Thiên Chúa mà cha Linh hướng Giuse dâng lời tạ ơn hôm nay được tóm gọn trong hai hạn từ “quyền năng” và “thương xót” vì đã chọn mình giữa muôn ngàn người.

Nhìn lại cuộc đời của cha, rất ít những cột mốc. Tìm một vài thông tin về cha thật sự là hiếm hoi. Danh sách Đại chủng sinh địa phận Qui Nhơn năm 1963-1964 tại Giáo hoàng học viện Đà Lạt chỉ ghi ngắn gọn là “Giuse Phạm Thanh, Bùi Chu, Thần học I”, rồi mãi đến năm 1967 lại cũng ngắn gọn không kém: “Đức giám mục đã bổ nhiệm cha Giuse Phạm Thanh, chịu chức ngày 22/12/1966 làm giáo sư Tiểu chủng viện Qui Nhơn”. Thế rồi từ đó, không có một thông tin nào thêm nữa. Mà có lẽ cũng chẳng cần bởi suốt 42 năm qua cha đã âm thầm làm một nhiệm vụ không cần nói ra nhưng ai cũng biết, một thời gian khá dài mà chính Chúa cũng chẳng lấy gì làm thú vị. Cha chỉ cần một điều thật đơn sơ giản dị như nhà thơ Khalil Gibran: “Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, Ta được thêm ngày nữa để yêu thương.”

Thiên Chúa là Chủ và là người ban phát thời gian nên Thánh vịnh 90 đã dâng lời cầu xin: “Lạy Chúa, Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan”, và rồi thánh vịnh gia lại tử tế đếm giùm cho luôn rằng: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khó”. Tác giả nói không sai! Gần 80 năm cuộc đời (chỉ 4 tháng nữa thôi) và 50 năm linh mục, chắc chắn cuộc đời cha có nhiều đau khổ và chịu đựng, gian lao và khốn khó. Nếu chọn suy gẫm về cuộc đời linh mục dưới các thực tại này thì chắc chắn cha có rất nhiều điều để chia sẻ hơn. Nhưng không, cha đã chọn một góc nhìn khác, góc nhìn tích cực của hồng ân và mầu nhiệm. Điều này cũng giống như các môn đệ trên đường về Emmaus, khi nhìn lại những ngày trước các biến cố tại Giêrusalem, họ chỉ nhìn thấy thời gian qua là cả một thất bại và uổng phí. Nhưng sau khi Chúa Giêsu hiện ra và đồng hành, nhờ cuộc chuyện trò thân mật, họ nhận ra được hồng ân và mầu nhiệm chính ở nơi mà trước đó họ chỉ thấy thất bại và uổng phí. Cả cuộc đời linh mục của cha và của mọi linh mục là như thế! Nó được tóm gọn trong hai chữ: “Hồng Ân và Mầu Nhiệm” như chính tựa đề của cuốn sách mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết nhân kỷ niệm 50 năm linh mục của mình (John Paul II, Gift and Mystery: On the Fiftieth Anniversary of My Priestly Ordination, Doubleday, 1996). Ngài viết: “Câu chuyện ơn gọi của tôi ư? Chúa biết. Ở mức độ sâu thẳm nhất, mỗi ơn gọi linh mục là một mầu nhiệm vĩ đại. Đó là một hồng ân cao vượt đến vô tận trên mỗi cá nhân. Mỗi linh mục đều kinh nghiệm được điều này suốt cuộc sống mình. Đối diện với hồng ân cao cả này, chúng ta cảm thấy mình bất xứng”… “Đây là mầu nhiệm về một cuộc đổi trao diệu kỳ giữa Thiên Chúa và một con người. Con người dâng lên Đức Kitô nhân tính của mình để Đức Kitô có thể dùng mình như một dụng cụ cứu rỗi, biến con người mình thành một Đức Kitô khác. Trừ phi nắm bắt được mầu nhiệm của sự đổi trao này, ta không thể hiểu được tại sao một chàng trai trẻ, chỉ cần nghe mấy lời “Hãy theo ta”, lập tức anh bỏ mọi sự vì Đức Kitô.”

Và trọng kính Đức cha Phêrô

Vì con là người duy nhất được nói lúc này, nên con xin được lạm dụng quyền hạn này để cầu chúc Đức cha được an mạnh xác hồn nhân thượng thọ bát tuần. Xin Chúa ban cho Đức cha hết những ngày tháng có thể, không những Ad multos annos mà là Ad multissimos annos!

Và kính thưa cha Linh hướng Giuse

Con xưng hô như vậy không phải vì con bổng dưng muốn làm nữ tu MTGQN. (Mà cho dù ĐGH có ban phép chuẩn thì chị Tổng phụ trách và các chị cũng không dám nhận con đâu. Thà giải tán nhà dòng còn hơn để điều này xảy ra). Con gọi như thế là vì cha đã từng là linh hướng của lớp chúng con từ những năm trước và sau 1975. Con nhớ cách đây không lâu, vào một buổi trưa hè nóng nực, vừa gượng dậy sau một trận “đường tăng thỉnh kinh”, cha đã đi xe thồ lên đến tệ xá của con. Hai cha con chuyện trò rồi cha nhờ con làm cái điều mà hiện giờ con đang làm, một điều mà cha chỉ cần nói qua điện thoại là đủ. Tính cha vẫn vậy, vẫn luôn “đâu ra đó!” Và rồi với giọng nhỏ nhẹ cố hữu, cha đã căn dặn con rằng “Đừng nói gì về mình!” Vốn là người thiệt thà theo kiểu mà nhiều người cho rằng “nói sao thì làm sao, nói vậy thì làm vậy”, con đã giữ lời căn dặn và không nói gì về mình cho đến lúc này. Có lẽ cha phải thưởng con về điều này đấy!

Con đã làm xong bổn phận cha giao. Và con cũng xin được lạm dụng quyền ăn nói lúc này để cầu chúc cha trường thọ như Thánh bổn mạng Giuse của cha. Con vẫn thích câu chuyện Giuse trong Tiền Tin Mừng của Thánh Giacôbê (Protoevangelium) hơn. Thánh Giuse kết hôn với Đức Maria và khi Chúa Giêsu ra đời thì Thánh Giuse đã được 93 tuổi. Khi Đức Giêsu lên 18 tuổi thì Thánh Giuse qua đời, hưởng thọ 111 tuổi. Lý do của con số 111 là vì tổ phụ Giuse trong Cựu Ước qua đời lúc 110 tuổi, nên Giuse trong Tân Ước phải được tăng thêm một tuổi! Và nhân niềm vui mừng Kim Khánh Linh Mục của cha, con cầu xin Chúa tặng thêm cho cha một tuổi nữa là 112. Và nếu mỗi người hôm nay đến chia vui và tạ ơn Chúa cùng với cha hôm nay, các con cái của cha mỗi người cầu xin cho cha thêm 1 tuổi nữa thì có lẽ không thể đếm được tuổi thọ của cha. Amen amen, xin được như vậy! Và con chỉ ước mong một điều là nếu cha cảm thấy rằng hồng ân Chúa như mưa như mưa mà bàn tay cha nhỏ bé không vừa với hồng ân thì xin cha xả lũ xuống cho chúng con. Chúng con xin được như vậy. Amen, amen!


 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Từ khóa:

Kim Khánh Linh mục

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 8
  • Hôm nay: 2794
  • Tháng hiện tại: 158601
  • Tổng lượt truy cập: 12135388