Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Marcô

Đăng lúc: Chủ nhật - 19/04/2015 18:33
THÁNH MARCÔ
 


Chúng ta không có nhiều tài liệu để biết về thời niên thiếu của thánh Marcô, tuy nhiên dựa vào Kinh thánh và những truyền thống ta có thể biết vài nét về thánh nhân.

1. Thánh Marcô là người Do thái, thuộc dòng họ Lêvi, Mẹ ngài là bà Maria được nhắc đến trong Sách tông đồ công vụ : “…mẹ của ông Gioan, cũng gọi là Marcô” (Cv 12,12); vì vậy Marcô cũng còn được gọi là Gioan-Marcô. Ngài không thuộc nhóm 12 tông đồ, nhưng rất gần với các thánh tông đồ vì ngài là học trò của thánh Phêrô, được thánh Phêrô gọi là “con của ngài”; điều này được nhắc tới trong thư thứ nhất của thánh Phêrô : “Hội thánh ở Babylon cũng được chọn như anh em, và Marcô con tôi, gởi lời chào anh em” (1Pr 5,13). Dù không thuộc nhóm 12 nhưng thánh Marcô rất thân quen với cộng đoàn kitô hữu tiên khởi, nhiều lần ngài cùng với Phaolô và Barnabê đồng hành bên nhau trong những hành trình truyền giáo.

2. Sau khi Chúa Giêsu về trời, ngài theo thánh Phêrô sang truyền giáo tại Rôma, ngài được thánh Phêrô yêu mến cách đặc biệt do lòng hăng say truyền giáo của ngài. Dần dần số người trở lại đạo Chúa ngày càng gia tăng, nhưng không có tài liệu nào để học hỏi; bên cạnh đó những người Kitô hữu cũng ước ao có một bản văn đầy đủ về cuộc đời Chúa Cứu Thế. Vì những lý do đó, thánh Marcô đã ghi chép lại những chương mục về cuộc đời của Chúa Giêsu dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Chính thánh Phêrô đã duyệt lại và cho phép dùng trong giáo đoàn.

3. So sánh với các thánh sử khác thì Tin mừng của thánh Marcô là ngắn nhất (16 chương). Trong khi đó Matthêu có 28 chương, Luca 24 chương và Gioan 21 chương. Lối hành văn của ngài sống động, uyển chuyển, trung thực. Một tuyển tập những lời Chúa dạy các việc Chúa làm, kết thành một quyển sách bỏ túi rất cần thiết cho mọi người. Marcô viết Tin Mừng cách đơn sơ, mộc mạc, chân thành không như một nghệ sỹ hay một nhà tư tưởng; Tin Mừng của ngài mang tính kể chuyện về cuộc đời Chúa Giêsu, thích hợp cho mọi độc giả, đặc biệt cho những người bình dân.

4. Như một người học việc đã hoàn thiện, ngài được ủy phái đi truyền giáo tại Ai Cập. Với cuốn Tin mừng trong tay, ngài đã đưa nhiều người về với Chúa. Một truyền tụng từ thế kỷ III cho rằng thánh Marcô đã thiết lập giáo đoàn Alexandria (Ai Cập) và làm giám mục tiên khởi giáo đoàn này. Ngài bị những lương dân tìm cách ám hại, họ lôi kéo ngài trên đường đá gồ ghề cho đến khi tắt thở; hôm đó là ngày 25.04.67. Các tín hữu thuộc Giáo hội cổ Ai Cập, Syrie và Byzantin và ở Tây phương từ thế kỷ IX cũng mừng lễ thánh Marcô vào ngày 25 tháng 4 hằng năm.

5. Như câu ngạn ngữ : “Cọp chết để da, người chết để tiếng” ngài chết đi để lại một sự nghiệp vô giá. Tin mừng ngài để lại vẫn còn mãi, đọc Tin mừng của ngài; chúng ta càng xác tín vào một Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lịch sử và đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Danh của ngài luôn được Giáo hội nhắc đến, tuy nhiên điều quan trọng hơn hết là phần thưởng bội hậu mà Thiên Chúa đã ban cho ngài trong cõi Vĩnh Hằng.

Noi gương thánh nhân chúng ta hãy làm cho đời sống chúng ta chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng đến với anh em lương dân, bằng những hành vi bác ái yêu thương thấm đậm Tin Mừng của Chúa Giêsu.


 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Võ Thanh Nhàn
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 19
  • Khách viếng thăm: 18
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6354
  • Tháng hiện tại: 155496
  • Tổng lượt truy cập: 12132283