Trang mới   https://gpquinhon.org

Lễ Thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính

Đăng lúc: Thứ bảy - 18/10/2014 05:46
LỄ THÁNH PHANXICÔ ISIDORE GAGELIN KÍNH
Linh mục Tử đạo Giáo phận Qui Nhơn
tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn
ngày 17 tháng 10 năm 2014
 
 
Hôm nay giáo phận Qui Nhơn long trọng mừng kính ngày sinh nhật trên trời lần thứ 181 của thánh Phanxicô Isidore Gagelin Kính, linh mục tử đạo của giáo phận. Ngài là một linh mục trẻ, thông minh, hiền từ, đạo đức, khó nghèo, khổ hạnh, chính trực, can đảm và đầy nhiệt tình truyền giáo, không ai có thể chê trách được điều gì, là mẫu gương cho hàng linh mục noi theo.

Ngài sinh ra tại Pháp vào ngày 10 tháng 5 năm 1799, cùng giáo phận Besançon với thánh giám mục Stêphanô Thể, nhưng lớn hơn 3 tuổi. Do lòng nhiệt thành truyền giáo thúc đẩy, ngài đã sớm gia nhập Hội Thừa Sai Nước Ngoài Paris và lên đường đến Việt Nam ngay từ lúc tuổi đời còn rất trẻ. Thụ phong linh mục tại Việt Nam vào năm 1822 khi vừa tròn 23 tuổi, cuộc đời linh mục của ngài hoàn toàn là cuộc đời của một nhà truyền giáo.

Tại giáo phận Đàng Trong, tiền thân của giáo phận Qui Nhơn ngày nay, cha Phanxicô Kính đã được bề trên tín nhiệm giao cho nhiệm vụ đào tạo các chủng sinh, chăm sóc mục vụ cho các giáo dân và truyền giáo cho lương dân, từ Quảng Trị cho đến Hà Tiên. Vì thiếu linh mục, nên ngài thường phải kiêm nhiệm cả ba công việc trên đây trong cùng một thời điểm. Công việc nhiều và nặng nề, đường sá xa xôi đi lại khó khăn, là những bước đường thánh giá chuẩn bị cho ngài trở thành vị tử đạo sau này. Mặc dù sống trong cảnh thiếu thốn cơ cực, ngài vẫn luôn vui vẻ và nói: "Những thiếu thốn, những cực nhọc đủ thứ đến với chúng tôi, nhưng tôi dám khẳng định rằng tôi được hạnh phúc trong túp lều tranh của tôi hơn vua nước Pháp ở trong hoàng cung của ngài" (Thư gửi về quê nhà năm 1823). Vua Minh Mạng đã có lần hứa ban chức tước bổng lộc nhằm làm cho ngài từ bỏ chức vụ linh mục và nhiệm vụ truyền giáo, nhưng ngài đã cương quyết khước từ để một lòng trung thành với sứ mạng Chúa trao.

Trong ba năm cuối đời, ngài được Đức Cha Taberd Từ đặt làm Bề trên giáo phận và giao địa bàn mục vụ gồm ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, tức là toàn bộ phần đất của giáo phận Qui Nhơn ngày nay.

Vào năm 1833, trong khi thi hành mục vụ tại Bình Định thì ngài được mật báo sắp có cuộc truy bắt các linh mục Tây phương. Có người khuyên ngài tạm trở về Pháp rồi khi bình yên thì trở lại, nhưng ngài trả lời: "Một công dân có nhiệm vụ thi hành nghĩa vụ quân sự, huống chi tôi được trao chức vụ lãnh đạo đoàn chiên, làm sao tôi có thể thoái thác nhiệm vụ của tôi được?". Và ngài chỉ tạm lánh lên miền núi với các bộ tộc thiểu số. Tuy nhiên, ngài hết sức đau lòng khi nghe biết nhiều tín hữu ở Bồng Sơn bị tra khảo để khai nơi trú ẩn của ngài. Thấy tình cảnh của giáo dân thật đáng thương, ngài viết thư thỉnh ý Đức Giám Mục để ra nộp mình, nếu điều ấy tốt hơn là để đoàn chiên bị tan tác. Được sự chấp thuận của Đức Giám Mục, ngài đã ra nộp mình tại pháp đình Long Quan, thuộc huyện Bồng Sơn, tỉnh Bình Định, theo gương Đức Kitô, vị Mục Tử nhân lành đã nộp mình chịu chết để đoàn chiên được sống.

Khi tự nguyện ra nộp mình như thế, chắc chắn ngài cũng đã nhớ lại và tâm đắc lời tâm sự của thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc II: "Mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng tôi luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em" (2Cr 4,11-12). Ngài có thể tránh khỏi cái chết, nhưng ngài sẵn sàng ra nộp mình để chịu chết: đó là một quyết định tự do và tự nguyện, một sự hy sinh cao cả phát sinh từ tình yêu trọn vẹn của vị mục tử đối với đoàn chiên.

Biết rằng một khi ra nộp mình như thế thì cái chết là điều không thể thoát khỏi, ngài vẫn không hề sợ sệt, nhưng một lòng phó thác cho Thiên Chúa theo lời dạy của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Trong bài đọc I, tác giả sách Khôn Ngoan cũng đã mô tả lòng trông cậy phó thác của các vị tử đạo như sau: "Trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ đươc vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu" (Kn 3,4-6).

Mặc dù sau đó ngài bị điệu về kinh và chịu tử đạo ở đó như nhiều vị tử đạo khác, nhưng pháp đình Long Quan là nơi tuyên xưng đức tin và lòng trung thành của ngài để từ đó ngài được Đức Kitô tuyên dương như lời Người đã nói: "Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời" (Mt 10,32). Chính lời tuyên xưng ấy đã biến ngài trở thành vị tử đạo và mảnh đất Bồng Sơn nói riêng, hay giáo phận Qui Nhơn nói chung, đã trở thành quê hương của ngài và ngài nghiễm nhiên trở thành vị thánh của giáo phận.

Cái chết của ngài là một mất mát lớn lao đối với giáo phận đang cần những chủ chăn nhiệt tình và thánh thiện để nâng đỡ đức tin của đoàn chiên trong thời bách hại. Tuy nhiên, xét cho cùng, việc ngài nộp mình chịu chết vì đàn chiên và anh dũng tuyên xưng đức tin đã làm cho các tín hữu tăng thêm lòng can đảm và vững mạnh trong đức tin. Hơn nữa, sau cái chết tưởng không gì có thể bù đắp được của ngài, Thiên Chúa đã quan phòng xếp đặt để một người đàn em đồng hương với ngài trở thành vị giám mục nhiệt tình chăm sóc và hy sinh mạng sống cho đoàn chiên giáo phận, đó là thánh giám mục Stêphanô Thể. Chính Đức Cha đã lập hồ sơ các chứng nhân tử đạo và gửi về Roma, dựa vào đó ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã đưa ngài lên bậc chân phước và cuối cùng, ngày 19 tháng 6 năm 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong ngài lên hàng hiển thánh cùng với 116 vị tử đạo khác của Hội Thánh Việt Nam.

Cuộc đời truyền giáo và cái chết anh hùng tử đạo của thánh Phanxicô Kính giờ đây đang tỏa sáng như ánh lửa chiếu qua bụi lau, khi chúng ta cùng nhau học hỏi gương chứng nhân của ngài và cử hành ngày sinh nhật trên trời của ngài. Chúng ta hãy làm cho gương sáng ấy tiếp tục chiếu tỏa trong đời sống thường ngày bằng cách noi gương ngài sống cuộc đời thánh thiện, đạo đức, không tìm hưởng thụ, nhưng biết hy sinh quên mình phục vụ anh chị em, can đảm sống và làm chứng cho đức tin, nhất là hăng say công việc truyền giáo, để xây dựng và phát triển Nước Chúa trong lòng giáo phận như ngài đã làm xưa.

GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
 
 
Tác giả bài viết: GM Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 53
  • Hôm nay: 6591
  • Tháng hiện tại: 155733
  • Tổng lượt truy cập: 12132520