Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật III Mùa Vọng năm A

Đăng lúc: Thứ năm - 08/12/2016 05:33
CHÚA NHẬT THỨ III  MÙA VỌNG A
(Is 35,1-6a.10; Gc 5,7-10; Mt11,2-11)


“Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không,
hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”


Lm. F.X. Phan Văn Mạnh

Chuyện tưởng như bịa, thiên hạ xôn xao, cách riêng nhiều người Kitô hữu hoang mang khi nghe biết chuyện về Mẹ Têrêxa thành Cancutta đã từng dai dẳng đi trong đêm tối của đức tin. Đã từng nhiều lần mẹ hoài nghi cả sự hiện diện của Thiên Chúa khi mẹ đứng trước bao nổi khổ đau thật khó lý giải của con người. Nhiều người đã vội lo lắng kiểu “bao đồng”, nghĩa là quá thiên về tình cảm, vì sợ ảnh hưởng đến việc Hội Thánh tuyên phong hiển thánh cho Mẹ. Chắc hẳn những người tạm gọi là lo chuyện bao đồng ấy đều có ý tốt mà thôi. Tuy nhiên chỉ vì có ý tốt mà ta có thể trình bày hay cắt nghĩa cách phiếm diện một sự thật căn bản của kiếp người đang lữ thứ trên trần gian đó là chưa và không thể nào nắm được chân lý kiểu “diện đối diện”.

Trang Tin Mừng theo thánh Matthêu của Chúa Nhật III mùa Vọng  mà Hội Thánh giới thiệu cho chúng ta một cách nào đó nói đến đêm tối đức tin của thánh Gioan Tẩy giả. Ý thức mình được kêu gọi làm tiếng hô trong sa mạc để dọn đường cho Đấng Cứu Thế, Gioan Tẩy Giả nhiệt thành, hăng say mời gọi mọi người, mọi thành phần dân Chúa xưa sám hối ăn năn. Dân chúng tuôn đến với Gioan trên bờ sông Giođan nhiều khôn xiết. Dân nghèo hay người thất học có đó. Kẻ giàu sang hay người quyền quý cũng không thiếu. Người thu thuế hay binh lính vẫn có mặt. Thậm chí đến các vị đang được xem là đạo đức như người biệt phái hay các vị tinh thông Lời Chúa như các luật sĩ vẫn hiện diện. Tất cả dường như nghe theo lời khuyên bảo của Gioan, cho dù Gioan thỉnh thoảng nói với họ những lời chói tai, khó nghe.

Thế mà cớ sao mình vẫn mãi chịu cảnh chôn chân trong bốn bức tường ngục tù? Không lẽ Đấng Cứu Thế lại thua một bạo vương Hêrôđê? Vì thế, không được gặp trực tiếp với Chúa Giêsu thì mình đành nhờ các môn đệ gửi lời nhắn hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Vâng, thưa quý ÔB & ACE, đây là một câu hỏi rất quan trọng, một câu hỏi thiết yếu cho những ai muốn đặt niềm tin nơi Chúa Giêsu, cho những ai muốn bước theo Ngài.

1/ Chúa Giêsu Đấng phải đến.

Về phương diện Kinh Thánh, các nhà chú giải nói rằng, có thể, khi ông Gioan Tẩy Giả sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu là để qua đó nhóm môn đệ của ông tin vào Chúa, còn ông thì chắc ông đã biết Chúa rồi. Nhưng qua việc này Gioan Tẩy Giả muốn nhóm môn đệ của mình tin vào Chúa Giêsu. Tuy nhiên, có thể là chính ông Gioan cũng thắc mắc, và cần phải hỏi một lần cho xong.
Một lần cho xong nghĩa là trước đó đã nhiều lần rồi mà không xong; trước đó ông đã tự hỏi; trước đó người ta đã bàn tán xì xào: có thể ông Giêsu là Mêsia chăng?! Ông đã giảng dạy cách đầy uy quyền, lại còn làm phép lạ nữa! Thế nhưng, xưa nay vẫn được nghe rằng: vị Mêsia phải là vị vua, là thẩm phán đầy uy dũng. Đàng này Ngài lại ở giữa đám dân nghèo.
Thưa ÔB & ACE, đối với người Do Thái, Đấng Mêsia – Đấng – Phải – Đến là như thế đó. Chúa Giêsu đã đọc được ý nghĩ của họ, đọc được tâm tư của họ, nên Ngài đã không trả lời cách đơn giản: có – không. Ngài bảo họ: hãy về kể cho Gioan nghe những gì mắt thấy tai nghe. Mắt thấy gì? Tai nghe gì? Thưa, không là gì khác, ngoài những điều mà ngôn sứ Isaia  ngày xưa đã tiên báo về thời Mêsia trong bài đọc I: người mù được thấy, kẻ điếc được nghe, người què nhảy nhót, người câm nói được, người cùi được sạch, kẻ chết sống lại, người nghèo được đón nhận Tin Mừng.
Với câu trả lời ấy Chúa Giêsu muốn cho Gioan, cho các môn đệ của ông xưa, và cho chúng ta hôm nay hiểu rằng: Đấng Mêsia, Đấng – Phải – Đến, đã đến giữa nhân loại, Đấng ấy chính là Ngài. Ngài không phải là một vị Mêsia quan án xét xử, nhưng là Đấng đến để bênh đỡ kẻ bị đè bẹp, cứu chữa kẻ bệnh hoạn tật nguyền; Ngài không phải là vị Mêsia của quyền lực, của báo oán, nhưng là Đấng đến để đem Tin Mừng cho người nghèo khổ, đem lại sự sống cho con người.
Vâng, thưa quý ÔB & ACE, Chúa Giêsu Đấng Mêsia, Đấng – Phải – Đến đã đến, nhưng không phải ai cũng nhận ra Ngài.

2/ Đấng phải đến đã đến, cần nhận ra và đón nhận Ngài bằng đức tin.

Cùng với lời mời gọi ấy Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Phúc cho những ai không vấp ngã vì Tôi”. Như tôi đã nói, câu hỏi của Gioan là câu hỏi quan trọng, một câu hỏi thiết yến. Nó được đặt ra nhiều lần, dưới nhiều hình thức. Thế nhưng không phải lúc nào cũng có được câu trả lời đúng. Quả thật như vậy!
Chúng ta nhớ lại, hôm Chúa Giêsu về quê, bà con lối xóm rất thán phục Ngài vì những lời giảng dạy. Thế nhưng họ cũng đặt câu hỏi: “Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Giuse, Simon và Giuđa sao?Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao?”(Mt13,55-56).

Những kẻ đã từng đi theo Ngài tưởng là đã hiểu Ngài hơn, thế nhưng cũng không hơn gì. Vừa trước đó muốn tôn vinh Ngài lên làm vì được no nê một bữa nhờ phép lạ Ngài làm, thì cũng liền sau đó họ bỏ đi vì cảm thấy lời Ngài chói tai nghe không nổi!...
Philatô tỏ ra thiện cảm với Chúa Giêsu, ông cũng hỏi cho biết Ngài là ai, “Ông là vua dân Do Thái sao?” (Mt27,11). Nhưng cuối cùng ông cũng chẳng làm gì hơn là để cho án chết của Chúa Giêsu được thi hành cùng với bảng chữ gây nhiều tranh cải: “Giêsu Nazarét, vua dân Do Thái”.
Tên gian phi bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu cũng vậy. Trong cái giờ gọi là sống chết giao tranh, ấy vậy mà anh ta còn cố vặn hỏi Chúa, với một giọng ngạo nghễ: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi Thánh Giá đi để mà cứu lấy thân ông, và cứu chúng tôi nữa”(Lc23,39).
Vấp ngã là như thế đó, thưa quý ông bà anh chị em!
Vấp ngã là họ thấy được hình hài bên ngoài mà không thấy được bản tính bên trong của Chúa Giêsu.
Vấp ngã là họ không giám vượt ra khỏi những lối mòi của luân lý và nếp sống.
Vấp ngã là vì họ không giám làm một cú nhảy vọt. Cú nhảy của lòng tin.
Trải qua hơn 2000 năm người ta vẫn còn vấp ngã như thế!
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này: lễ Noel đã trở thành một lễ của toàn thế giới, ở bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, đâu có phải mọi người đều tin vào Ngài! Đối với một số người, Giêsu chỉ là một vĩ nhân, nghĩa là một con người không hơn, không kém; với một số người khác, Giêsu chỉ là một con người huyền thoại nghĩa là một nhân vật không có thật!

3/ Chúa đến trong đời ta, mừng Lễ Giáng Sinh với đức tin trưởng thành.

Đối với chúng ta, tôi cũng như ông bà anh chị em, có lẽ chúng ta cảm thấy an tâm vì mình vẫn tin Chúa, vì mình có đức tin vững mạnh nơi Chúa Giêsu. Nhưng thưa quý ông bà anh chị em, tôi đọc được một câu cầu nguyện của Cha Charles de Faulcaul thế này: “Lạy Chúa con nghe người ta nói là có Chúa, Chúa còn đang sống, xin cho con gặp được Chúa”. Lời nguyện này làm tôi suy nghĩ. Tôi tự hỏi: đối với tôi, Giêsu là ai? Giêsu có phải là Đấng – Phải – Đến không? Đã bao giờ gặp được Ngài chưa? Ngài đã đến trong cuộc sống của tôi chưa?
Quả thật nhiều khi chúng ta đã sống thiếu vắng Chúa. Chúng ta chưa để Chúa đi vào cuộc đời chúng ta, chưa để cho Tin Mừng của Ngài thấm nhập vào những sinh hoạt hằng ngày của chúng ta.
Chúng ta đã đi được một nữa chặng đường của Mùa Vọng, Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở cho chúng ta, là một lời mời gọi chúng ta nhìn lại niềm tin của mình vào Chúa Giêsu. Chúa đã đến giữa nhân loại cách đây hơn 2000 năm, nhưng Ngài muốn đến, để đi vào cuộc đời của từng người, để chia sẻ kiếp người với chúng ta, để cho ta được sống và sống dồi dào…
Giờ đây, kính mời quý ông bà anh chị em, chúng ta hãy đứng lên để tuyên xưng đức tin, nhất là xác tín lời này: “Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế”.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 21
  • Hôm nay: 5289
  • Tháng hiện tại: 154431
  • Tổng lượt truy cập: 12131218