Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật Truyền Giáo

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/10/2014 05:02
KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO




Chúa Giêsu nói: Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo

Kính thưa quí ông bà và anh chị em!

Đây vừa là lời mời gọi nhưng đồng thời cũng là một mệnh lệnh cho Giáo Hội và cho tất cả các Kitô hữu. Lời mời gọi tuy ngắn gọn nhưng đong đầy ý nghĩa, ngôn từ gọn gàng nhưng tâm sự trải rộng và sâu thẳm khôn xiết. Chúa Giêsu lấy sự kiện Chúa Cha sai Ngài xuống thế cứu độ làm tiền đề kiểu mẫu cho việc sai phái các tông đồ và tất cả chúng ta lên đường hôm nay. Nhưng sai đi không phải là để xây dựng Nước Thiên Chúa về phương diện vật chất trần thế, không cần phải tuyển mộ nhân sự hay là thiết lập cơ cấu cho vững về mặt kinh tế, an ninh hay chính trị. Chúng ta được sai đi là để rao giảng. Ngày nào mặt trời còn chiếu sáng thì ngày ấy vũ trụ còn vận hành. Ngày nào còn gắn bó với danh xưng là Kitô hữu thì ngày ấy còn phải nổ lực vượt lên chính mình và ngoại cảnh để chu toàn nhiệm vụ rao giảng. Kể từ khi chúng ta nhận lãnh Bí tích Rửa Tội thì chúng ta trở thành chi thể trong thân thể của Đức Kitô. Vì thế, chúng ta phải có nghĩa vụ làm cho thân thể mỗi ngày một lớn mạnh và phát triển không ngừng. Do đó, truyền giáo thuộc bản chất và trách nhiệm của Giáo Hội và của tất cả mọi Kitô hữu. Truyền giáo là nhiệm vụ hàng đầu và không được đầu hàng vì bất kỳ lý do gì, cũng không thể thoái thác hay đùn đẩy cho bất kỳ ai dù cho chúng ta tự cảm thấy mình còn nhiều giới hạn. Chúng ta hãy đi rao giảng Tin Mừng không hiểu đơn giản theo chiều dọc là được sai đi mà cần có một cái nhìn tích cực theo chiều ngang là đi rao giảng với tất cả sự tự do và trách nhiệm.

Vậy rao giảng Tin Mừng hay nói nôm na là truyền giáo thì chúng ta phải truyền giáo cho ai, nội dung là gì và bằng phương thế nào?

1. Đối tượng truyền giáo: Tin Mừng phải được loan báo cho hết mọi người, không phân biệt văn minh, bán khai, giàu có, khốn khó, khổ mạnh, yếu đau. Trước hết, hãy rao giảng cho những người đã từng nghe và biết Chúa. Nhưng vì một lý do nào đó chủ quan hay khách quan mà họ không đến nhà thờ nữa. Sau mới là lương dân, là những người chưa từng được nghe, chưa từng được tiếp xúc với Tin Mừng. Để rồi cả họ nữa cũng trở nên con cái của Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc, nâng đỡ và rồi chính họ, từ sự cảm nghiệm được Thiên Chúa yêu thương biết chia sẻ tình thương ấy cho người khác nữa.

2. Nội dung cần được rao giảng?

Đó là Tin Mừng Phục Sinh, biến cố Phục Sinh là biến cố quan trọng nhất trong Kitô giáo, là biến cố xây dựng niềm tin Chúa Kitô. Nếu Chúa Kitô chết đi mà không sống lại thì việc chúng ta tin nhận và việc rao giảng chẳng có ích gì bởi chẳng có tính thuyết phục. Phục sinh là quá khứ của Chúa Kitô là tương lai của mọi Kitô hữu nhưng lại là hiện tại của nội dung Tin Mừng cứu rỗi.

3. Cách thế rao giảng thế nào?

Mỗi người ở mỗi bậc sống và địa vị xã hội khác nhau. Nhưng không vì thế mà chúng ta không thể rao giảng. Đôi khi, có nhiều người, nhiều địa điểm mà linh mục và tu sĩ không thể tiếp xúc, không thể đến để rao giảng, để truyền giáo thì người giáo dân lại dễ dàng thực thi công việc trên. Cho nên, tất cả mọi người phải tùy theo điều kiện hoàn cảnh và bậc sống mà góp phần tích cực trong công cuộc rao giảng Tin Mừng.

Rao giảng thường là bằng lời nói, nhưng rao giảng cách phổ biến và hiệu quả nhất là bằng chính cuộc sống chứng tá hàng ngày, người ta nói: Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.

Rao giảng là một nghệ thuật, hơn thế, rao giảng Tin Mừng còn là một nghệ thuật sống. Sống theo những gì mình rao giảng và rao giảng những gì mình sống. Như vậy, rao giảng Tin Mừng là làm rạng tỏ khuôn mặt Chúa Giêsu trong cuộc sống mỗi ngày của mỗi người chúng ta.

 
 
Tác giả bài viết: Lm. Simon Trần Văn Đức
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 3122
  • Tháng hiện tại: 158929
  • Tổng lượt truy cập: 12135716