Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XIII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ tư - 22/06/2016 21:04
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN
1 V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9, 51-62
 


Tin Mừng Chúa nhật 13 Thường Niên trình bày cho chúng ta ba khuôn mặt của Chúa Giêsu: Người can đảm và cương quyết lên Giêrusalem, Người không dùng bạo lực khi không được dân Samari đón tiếp và Người nêu lên những đòi hỏi triệt để đối với những ai muốn theo Người.

1. Chúa Giêsu là người can đảm và cương quyết.

Kể từ đoạn Tin mừng này, Thánh sử Luca ít đề cập đến những phép lạ. Trái lại, thánh sử đề cập nhiều đến những lời dạy dỗ của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu "nghiêm nét mặt lại" và Người cương quyết lên Giêrusalem. Người hiểu rằng chính tại Giêrusalem mà Người phải sẵn sàng để đón nhận cái chết. Khi đọc đoạn Tin Mừng này, chúng ta liên tưởng đến những khó khăn, những thất bại, những bấp bênh của cuộc đời chúng ta. Khi tất cả mọi sự trở nên tồi tệ, thì Chúa Giêsu vẫn có đó, Người sẽ không bỏ mặc chúng ta. Người thêm sức để giúp chúng ta không bao giờ bỏ cuộc. Chính nhờ bước theo Chúa Giêsu và cùng với Người mà chúng ta có thể đứng vững và trung thành với Thiên Chúa.

2. Chúa Giêsu là người không thích dùng bạo lực.

Can đảm và cương quyết, nhưng Chúa Giêsu lại là Đấng "hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (x. Mt 11,29). Dân làng Samari từ chối đón tiếp những người Do Thái, đơn giản chỉ vì họ là người Do Thái. Việc từ chối đón tiếp người không thuộc phe nhóm của mình luôn là khuynh hướng và thái độ của con người chúng ta. Trước sự khước từ, "hai người con của thiên lôi" (Boanêghê, x. Mc 3,17) là Giacôbê và Gioan đã phẫn nộ.  Hai ông đề nghị Chúa Giêsu cho phép hai ông khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng này. Khuynh hướng trả thù đối với những ai làm sự dữ cho mình luôn là phản ứng của mọi người trong cuộc sống.

Trong bối cảnh này, Chúa Giêsu đã nhanh chóng giáo huấn các môn đệ. Người mặc khải về một Thiên Chúa đích thực, Thiên Chúa tạo dựng con người có tự do và Người luôn tôn trọng tự do của con người. Chúa Giêsu đến trần gian không phải để lên án kẻ có tội nhưng là để cứu họ. Trên thập giá, Người đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Chúa Giêsu không dùng bạo lực để ngăn cản sự dữ, trái lại Người đón nhận sự dữ xảy đến với mình. Thay vì khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng không đón tiếp Người, Người đã im lặng đi qua làng khác. Đây là một bài học quý giá cho chúng ta mỗi khi chúng ta phải đối diện với sự ác ở trong và chung quanh chúng ta. Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta sự kiên nhẫn.

3. Chúa Giêsu là người của những đòi hỏi triệt để.

Không dùng bạo lực không có nghĩa là nhu nhược, cũng không có nghĩa là nhập nhằng giữa sự thiện và sự ác. Trái lại, Chúa Giêsu đề nghị những đòi hỏi triệt để dối với ai muốn theo Người. Quả vậy, Chúa Giêsu không tuyển lựa môn đệ bằng mọi giá, cũng không muốn làm nhụt chí những ai muốn theo Người. Người đưa ra những điều kiện tuyết đối và không chấp nhận những ý hướng chung chung. Như thế, có một tiếng gọi từ phía Thiên Chúa và cần một lời đáp trả từ phía con người, bởi ơn gọi là tác phẩm của Thiên Chúa và chính Người là Đấng tuyển chọn những kẻ muốn đi theo Người.

Người thanh niên được Chúa Giêsu gọi nhưng xin gia hạn để về chôn cất cha mình. Chúa Giêsu bảo anh: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa" (Lc 9,60).  Một người khác được gọi nhưng muốn về từ biệt gia đình, Chúa Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" (Lc 9,62). Qua những người được gọi trong đoạn Tin Mừng này, mỗi người chúng ta cũng được chính Chúa Kitô chất vấn. Sống cho Tin Mừng thì không có thái độ nửa vời. Đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu là một sự lựa chọn, và khi đã lựa chọn, người ta phải từ bỏ những gì không phù hợp với ơn gọi ấy.

Tiếng gọi của Thiên Chúa được gửi đến mỗi người ngay trong chính cuộc sống của mình. Môsê, Amos, Đavít… đã được Thiên Chúa gọi khi đang chăn đàn súc vật. Êlisa trong Bài đọc I được Êlia kêu gọi khi đang cày ruộng. Ông đã bắt cặp bò của mình để sát tế và dùng chiếc cày bò kéo để nấu thịt bò đãi dân chúng, rồi ông theo Êlia và trở thành ngôn sứ của Thiên Chúa. Sứ mạng mới của ông là kêu gọi dân trung thành với Giao ước. Ngày nay, ta thấy nhiều linh mục, nam nữ tu sĩ có khả năng tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp ở ngoài đời, họ có thể là những kỹ sư, bác sĩ, giám đốc công ty… nhưng họ đã từ bỏ mọi sự để hoàn toàn đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II nhắc nhở chúng ta rằng chính trong việc trung thành theo Chúa Kitô mà chúng ta tìm được sự tự do đích thực. Ngài kêu mời chúng ta từ bỏ những khuynh hướng ích kỷ của xác thịt, nghĩa là phải lội ngược dòng với tinh thần thế tục. Chúng ta không nhìn thế gian với cái nhìn của người đời, nhưng theo tinh thần của Chúa Kitô. Khi để cho Thánh Thần hướng dẫn, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi những đam mê và sự nô lệ của tội lỗi, nhờ đó chúng ta có thể đáp lại cách quảng đại lời mời gọi của Chúa Kitô.

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa gìn giữ chúng con, đừng để chúng con chạy theo những an toàn giả dối của sự tiện nghi và hưởng thụ. Xin hướng dẫn cuộc đời chúng con về nguồn bình an của ơn cứu độ mà Chúa Cha đã hứa cho tất cả những ai đi theo Người.


 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Lê Kim Ánh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 10
  • Khách viếng thăm: 9
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6665
  • Tháng hiện tại: 156684
  • Tổng lượt truy cập: 12133471