Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 28/08/2014 18:49
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình,
vác thập giá mình mà theo”




Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Vào Chúa nhật tuần trước, chúng ta còn nhớ lời tuyên bố chắc như đinh đóng cột của thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nghe lời ấy, Chúa Giêsu đã khen ngợi Phêrô và đặc ông vào vị trí lãnh đạo Giáo Hội, một niềm vinh hạnh đến tột độ. Thế nhưng, cũng thật là bất ngờ, liền ngay sau đó, trong bài Tin Mừng Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu đã quay lại quở mắng Phêrô cách nặng lời: “hỡi Satan, hãy lui lại đằng sau Thầy!”. Tại sao Chúa Giêsu lại trách mắng Phêrô như vậy?

Chúng ta cần phải hiểu là khi tuyên tín Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Phêrô vẫn chưa hiểu một cách thấu đáo ý nghĩa lời tuyên xưng của mình là gì. Theo ông, chức vị Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu và là Con Thiên Chúa, là một phẩm chức hết sức cao trọng. Rồi đây, Thầy của mình sẽ thiết lập một vương quốc mới, sẽ được tôn lên làm vua, xứng đáng được kẻ hầu người hạ. Còn về phía các môn đệ, một khi Thầy đã làm vua thì ít ra, trò cũng được làm tướng. Được hưởng những đặc ân đặc lợi từ phẩm vương của Thầy.

Đang lâng lâng với một cảm giác sung sướng tột độ, khi tự vẽ ra một khung cảnh huy hoàng đang đợi chờ mình ở phía trước, thì thật bất ngờ, Phêrô nghe Thầy tuyên bố: Thầy sắp phải đi Giêrusalem, nơi đó, Thầy phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”.

Thật không thể nào tin nổi một Đấng có thể làm cho người điếc được nghe, người câm được nói, kẻ què được đi, người chết sống lại, thì nay sắp phải chịu người ta hành khổ và giết chết. Thật không thể nào chấp nhận nổi, một Đấng có thể làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho hơn 5.000 người ăn no nê, và được người ta tôn vinh như một vị vua, thì nay sắp phải trở thành một tên tội phạm bị người ta kết án. Tương lai ở đâu, huy hoàng và danh dự ở đâu? Vì thế, Phêrô đã không thể chấp nhận cái thực tế phủ phàng mà Thầy vừa nói, cho nên đã sốt sắng can ngăn: “xin Thiên Chúa thương, đừng để cho Thầy gặp phải chuyện ấy”.

Thế là Phêrô đã bị Chúa mắng là Satan; là kẻ gây ra cớ vấp phạm cản lối bước của Thầy. Thật ra khi nói điều đó, không phải Chúa Giêsu đồng hóa Phêrô là quỷ Satan đâu, nhưng là muốn cảnh giác tư tưởng của ông. Đừng để cho Satan biến mình trở thành công cụ phục vụ cho âm mưu đen tối của nó. Dĩ nhiên ai cũng muốn được tôn người khác tôn vinh, được sung sướng và nắm giữ quyền cao chức trọng, nhưng đối với Chúa Giêsu, chỉ có con đường Thập Giá mới có thể giúp cho con người nhận ra tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở cấp độ cao nhất. Chỉ có con đường Thập Giá mới có thể dẫn đưa Ngài đến niềm vinh quang phục sinh, và chỉ có Thập Giá mới có thể mở ra cho nhân loại một con đường thoát khỏi vòng đau khổ muôn đời.

Ngài muốn sửa sai quan niệm của Thánh Phêrô, đồng thời như là một điều kiện dành cho những ai muốn đi theo làm môn đệ, Chúa Giêsu mời gọi: “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”. Đối với những người Do Thái thời bấy giờ, Thập Giá tiên vàn là một hình phạt ghê rợn dành cho những tên tội phạm nguy hiểm. Phạm nhân phải gồng mình vác cây thập giá đến nơi pháp trường giữa những trận đòn làm tả tơi máu thịt. Đến nơi, họ đóng đinh chân tay phạm nhân vào hai thanh gỗ đặt chéo lên nhau, và phơi ngoài nắng cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Một cái chết diễn ra từ từ trong đau đớn tột cùng. Một hình phạt đã khiến cho nhiều người phải rùng mình khiếp sợ.

Khi mời gọi các môn đệ vác thập giá, thì chính Chúa Giêsu đã làm gương trước. Ngài đã chấp nhận xê lưng vác lấy hình phạt ghê rợn ấy một cách tự do, mặc dù có dư khả năng để thoát khỏi nó bất cứ lúc nào. Qua cái chết của Ngài, cây Thập Giá đã hoàn toàn biến đổi ý nghĩa: từ biểu tượng của sự dữ trở thành dấu chỉ của tình yêu; từ hình phạt dành cho kẻ tội lỗi thành nơi tôn vinh của một đấng công chính; Từ con đường không lối thoát trở thành con đường dẫn tới ơn cứu độ; từ cái chết thảm khốc trở thành niềm vinh quang phục sinh vinh hiển.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo”, đó vẫn mãi là một lời mời gọi của Chúa Giêsu dành cho chúng ta, những người đã trở thành môn đệ của Chúa qua bí tích rửa tội. Thực tế trong cuộc sống, ai trong chúng ta lại không phải đối diện với những thánh giá mỗi ngày. Những thánh giá đó, có thể là những đau khổ do bệnh tật, những phiền toái từ tha nhân, những vất vả trong công việc làm ăn.

Đứng trước những thách đố do thập giá mang lại, nhiều người cũng đã lặp lại thái độ của Thánh Phêrô ngày xưa là không chấp nhận và trốn chạy. Người khác thì chấp nhận vác lấy một cách miễn cưỡng; người khác nữa thì luôn miệng kêu trách tại sao Chúa lại trao cho con cây thập giá quá nặng nề như vậy.

Có câu chuyện kể rằng: một đoàn người đông đảo vác thập giá theo chân chúa Chúa Giêsu đi vào thiên đàng. Có anh chàng kia, vì cảm thấy cây thập giá mà Chúa trao cho mình sao nặng nề quá, cho nên anh lén lén, cưa bớt một khúc cho nó nhẹ hơn. Đến lúc bước vào cửa thiên đàng, đoàn người phải băng qua một con hào rộng. Mỗi người dùng cây thập giá của mình làm chiếc cầu và đi qua một cách gọn gàng. Chỉ riêng có anh chàng kia, vì lỡ cưa đi một khúc rồi, nên không vừa miệng hố. Kết quả là anh đành phải tiếc nuối đứng ngoài nhìn đoàn người tiến vào thiên đàng nơi ngập tràn sung sướng.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,

Người ta vẫn thường hay nói: mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Ai cũng có những đau khổ và thập giá riêng trong hoàn cảnh của mình. Có nhiều lúc, chúng ta cảm thấy đuối sức và ngã quị. Những đau khổ cứ dồn dập ập xuống trên cuộc đời của chúng ta tưởng chừng như quá sức. Mỗi khi như thế, chúng ta hãy nhớ rằng: ngày xưa, chính Chúa Giêsu cũng đã từng ngã xuống đất ba lần khi vác cây thánh giá lên đỉnh núi sọ. Tuy nhiên, Ngài đã gắng sức đứng lên, tiếp tục tiến tới. Cũng vậy, có thể chúng ta kêu trách Chúa sao để cho quá nhiều đau khổ đến với chúng ta, nhưng Thiên Chúa không bao giờ thử thách chúng ta quá mức và Ngài cũng không bao giờ trao cho chúng ta cây thánh giá nặng quá sức mình.

Người Kitô hữu không chủ động đi tìm thập giá, và đau khổ tự nó không mang lại ơn cứu độ. Chỉ có những ai biết liên kết những đau khổ mà mình phải chịu với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mới thực sự mang lại lợi ích thiêng liêng.

Vì thế, qua thánh lễ hôm nay, chúng ta cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh và lòng cam đảm cho mỗi người chúng ta khi phải đối diện với những thánh giá là sự đau khổ và thất bại. Để chúng ta không trốn chạy, không tránh né, không mang vác một cách miễn cưỡng, nhưng là vui vẻ nhận lấy như là phương thế để hiệp thông với mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu và là phương tiện để dẫn đưa chúng ta đi đến sự toàn thắng và ơn cứu độ. Amen.
 
 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Võ Đình Hoài
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 90629
  • Tổng lượt truy cập: 12234889