Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXII Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 25/08/2016 18:15
CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN


Thánh Augustinô nói rằng: “Trước tiên, phải có lòng khiêm tốn, nếu không, dù có làm việc đạo đức tốt lành đi nữa thì chính tính kiêu ngạo cũng xen vào làm cho hư mất”. Quả đúng, vì mối thứ nhất của bảy mối tội đầu là khiêm nhượng chớ kiêu ngạo.

Tác giả bài đọc 1 cho thấy rằng kiêu ngạo dẫn  đến thảm họa. Lời kết án chỉ được gói gọn trong một câu: “Thảm trạng của người kiêu căng thật vô phương cứu chữa, vì sự ác đã đâm rễ vào lòng họ”. Hình ảnh thật mãnh mẽ: thói kiêu ngạo đã nhiễm độc kẻ ấy tận căn rồi, không tài nào có thể cứu chữa được. Vì thế, Ông Ben Xi-ra ngỏ lời với môn đệ của mình như một người cha với đứa con của mình:  “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách khiêm tốn”“Càng làm lớn con càng phải tự hạ”. Theo tác giả, khiêm nhường đem lại cho ta niềm vui, kiêu ngạo mang đến bất hạnh. Khiêm nhường đi liền với khôn ngoan, kiêu ngạo đi đôi với ngu dốt. Khiêm nhường giúp ta suy nghĩ chín chắn để có những nhận định và ngôn từ thích hợp. Hay không kiêu, dở không thất vọng! Đó là thái độ của người khiêm nhường. Nhận thấy mình hay, hoặc được người khác khen, hãy tạ ơn Chúa.

Sau khi đã sáng chế ra máy điện báo, ông Samuel đã lãnh nhận được rất nhiều giải thưởng, nhưng ông luôn cho mình bất xứng với những lời khen tặng đó, ông đã nói: “Tôi được hân hạnh đóng góp vào nền văn minh của nhân loại, nhưng không phải vì tôi tài giỏi hơn kẻ khác, mà chỉ là vì Thiên Chúa muốn ban quà tặng này cho nhân loại, nên khi đã đến lúc Ngài muốn tỏ bí mật này cho con người, Ngài đã thương bày tỏ cho tôi”.

“Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”. Thánh Tôma Aquino viết : « Là một nhân đức đặc biệt, đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác”. Theo Thánh Tôma, trong cách đối xử với tha nhân, chỉ có sự khiêm nhường đích thực khi cách đối xử ấy được thực hiện “vì Thiên Chúa”. Như thế, khi dựa trên Đức Tin, chúng ta sẽ làm cho sự khiêm nhường ấy tăng giá trị. Vâng, người khiêm nhường biết nhìn nhận tất cả những gì mình có là do Thiên Chúa ban chứ không phải do công lao tài ba của mình. Chính vì vậy, họ luôn qui hướng tất cả về Thiên Chúa và đề cao Thiên Chúa trong đời sống.

Trong thế giới hôm nay, vẫn còn đó những người dù được lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa, nhưng lại lợi dụng ân phúc của Chúa để kéo những danh dự về cho mình. Họ thường cho mình hơn người khác, đòi người khác đối xử với mình cách đặc biệt như mình muốn. Hình ảnh của người đi dự tiệc muốn ngồi chỗ nhất trong dụ ngôn Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay là một thí dụ. Người không khiêm nhường, dễ làm cho người khác khó chịu, đặc biệt những người “kiêu ngạo”như họ. Họ đòi ngồi chỗ nhất, đòi người khác phải chào hỏi, đòi người khác phải xưng hô với họ thế này thế kia. Nhưng “Phàm ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. Đây là lời khẳng định mạnh mẽ mà cũng là lệnh truyền của Chúa Giêsu cho tất cả những ai muốn theo Ngài. Giới luật này xem ra đơn giản, nhưng trong thực tế khiêm nhượng lại là một nhân đức phức tạp khó lường. Chính Giêsu đã làm gương cho chúng ta. Người vốn là Thiên Chúa, nhưng đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa, mà đã tự huỷ trở nên một người phàm (Pl.2, 6). Người yêu thương người khác, bất chấp họ cư xử như thế nào với mình, vẫn yêu thương và chấp nhận họ, đó là người khiêm nhường tuyệt vời. Người tự làm người nghèo khó với những người nghèo khó. Chính Người đã “ngồi chỗ cuối” trước khi nói với chúng ta: “Hãy vào ngồi chỗ cuối”. Đây chính là một lời cảnh cáo về những điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa. Trước hết phải gạt bỏ tất cả tính tham vọng và lòng muốn hơn kẻ khác, để làm người nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa, là Đấng tôn những kẻ khiêm nhường lên và hạ những kẻ kiêu ngạo xuống.

Vả lại, ai khiêm nhường thật lại chẳng nhận ra mình nghèo hèn mà được Thiên Chúa yêu thương nên noi gương như Chúa Giêsu, phải hết sức lưu ý đến những người nghèo khổ và yêu mến họ, bởi vì họ không có gì để trả lễ. Bài học Chúa Giê-su gởi đến cho chủ tiệc không mang tính cách của phép xử thế. Hoàn toàn trái với thông lệ  của người Do thái vốn khinh chê những người bất hạnh này, Chúa Giê-su mời gọi chủ tiệc mời vào bàn tiệc những kẻ bị loại ra ngoài xã hội: những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Lý do mà Ngài đưa ra: không tìm kiếm những phần thưởng trần thế cho những cử chỉ bác ái, nhưng chờ đợi những phần thưởng của Nước Trời: “Họ không có gì trả lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được Thiên Chúa trả công trong ngày các kẻ lành sống lại”. Hành động một cách vô vị lợi, cho một cách hoàn toàn nhưng không.

Tình yêu nhưng không và vô vị lợi này sẽ được thưởng ngày sống lại. Sống không tham vọng và hoàn toàn vô vị lợi, đó là phương thế chắc chắn chinh phục được lòng Thiên Chúa và lòng người ta.

Tiệc Thánh Thể mà chúng ta sắp đón nhận chẳng phải là bữa tiệc được khoản đãi một cách nhưng không cho chúng ta là những kẻ nghéo khó không có gì để trả lễ Thiên Chúa sao? Tiệc cưới trên thiên đàng mai sau mà chúng ta được mời dự chẳng phải là bữa tiệc được khoản đãi một cách nhưng không hay sao?

Hãy yêu thương để sống quảng đại và hãy khiêm tốn để sống biết đón nhận, đó là thái độ của người Kitô hữu chúng ta. Amen.

 
Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Hà Đức Ngọc
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 25
  • Khách viếng thăm: 24
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 5097
  • Tháng hiện tại: 117253
  • Tổng lượt truy cập: 12261513