Trang mới   https://gpquinhon.org

Chúa Nhật XXVI Thường Niên

Đăng lúc: Thứ năm - 25/09/2014 20:42
CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
(Ed 18,25-28 ; Tv 24, 4-9 ; Pl 2,1-5 ; Mt 21,28-32)


Lm. Laurensô M. Phan Ngọc Bích, CMC

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trao cho chúng ta một sứ điệp quan trọng, đó là thái độ của mỗi người trước thánh ý Thiên Chúa: "làm" hay "không làm". Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đưa ra một câu chuyện dụ ngôn về người cha có hai người con. Ông lần lượt bảo từng người đi làm vườn nho cho ông. Người con thứ nhất đầu tiên từ chối, nhưng sau hối hận và đi làm. Còn người con thứ hai thì thưa vâng, nhưng cuối cùng lại không đi.

Trong mỗi người con, tại sao lại có sự chuyển hướng thái độ đối với cha mình như vậy? Tìm hiểu điều này sẽ giúp chúng ta lựa chọn một thái độ sống thích hợp trong mối tương quan với Cha trên trời. Hơn nữa, lời mời gọi đi làm vườn nho cho Chúa chính là căn tính của Hội Thánh, điều mà chúng ta cần dấn thân đáp trả hơn bao giờ hết, nhất là trong thời đại ngày nay và trong giáo phận chúng ta.

Trước hết, người con thứ nhất ban đầu từ chối lời dạy bảo của cha, nhưng sau lại đi làm. Anh đã hối hận... Có thể anh hối hận vì sự không vâng lời của mình. Hối hận vì đã phụ lòng tin tưởng của cha già. Hối hận vì đã làm cha buồn. Hối hận vì mình bất hiếu. Hối hận vì đã không đỡ đần công việc của cha. Hối hận vì đã để người em làm một mình. Hối hận vì đã ăn chơi hoang phí sa đọa. Hối hận vì đã làm gương xấu cho bao người... Dù vì lý do gì thì sự hối hận của anh ta quả là một điều đáng vui mừng, đáng chúc phúc và là gương mẫu cho chúng ta. Trên trời vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là chín mươi chín người công chính không cần hối cải kia mà! Đáng chúc phúc vì Chúa đã phán trong bài đọc một trích sách tiên tri Êdêkiel : "Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, thì nó sẽ sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống cứ không phải chết" (Ed 18,27-28). Mỗi người chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của mình nơi người con thứ nhất và được mời gọi bắt chước thái độ tích cực của anh, dù quá khứ tệ hại như thế nào... Quả vậy, chúng ta luôn biết rằng phải vâng lời Chúa, phải tuân giữ giáo huấn của Người, nhưng khốn thay, chúng ta vẫn thường phớt lờ, bỏ ngoài tai, làm ngược lại. Mong rằng chúng ta biết hối hận về những giây phút "đi hoang" đó và thành tâm quay về nẻo chính đường ngay. 

Còn người con thứ hai thì "dạ dạ, vâng vâng" nhưng sau lại không đi làm! Có thể anh vốn trước là người công chính, nhưng sau anh đã từ bỏ đường công chính mà đi vào con đường bất chính. Tại sao người con thứ lại từ bỏ thái độ tốt lành vâng phục người cha mà đi vào con đường bất tuân đáng chê trách? Có thể anh ta là người thất tín. Có thể anh ta là người ngôn hành bất nhất. Có thể anh ta là người giả hình. Có thể anh ta là người nhu nhược. Có thể anh ta là người vô tâm mặc kệ cha già. Có thể anh ta là người tự ái, kiêu căng, không dễ hạ mình vâng lời... Nếu cứ cố chấp trong tình trạng như vậy thì anh sẽ gánh lấy hậu quả tồi tệ khốn nạn : "Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết" (Ed 18,26). Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã sánh ví những thượng tế, biệt phái và các kỳ lão cố chấp trong dân Do thái như người con thứ này : "Thật, tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông, vì Gioan đến với các ông trong đường công chính, và các ông đã không tin ngài, nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông sau khi thấy những điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" (Mt 21,32).

Chắc chắn chúng ta phải chọn thái độ cuối cùng là trở về với Chúa, là thành tâm thực thi ý Ngài, vì đó là con đường dẫn đến hạnh phúc và đến sự sống đời đời. Bắt chước tâm hồn chân thành như trong Thánh vịnh đáp ca, chúng ta thưa với Chúa rằng : "Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con, và con luôn luôn cậy trông vào Chúa" (Tv 24,4-5).

Để có thể dễ dàng tin tưởng vâng nghe Chúa dạy, thánh Phaolô trong bài đọc hai, mời gọi chúng ta hãy xin cho mình có những tâm tình cảm nghĩ của Chúa Giêsu, đó chính là tinh thần vâng phục: "Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Đức Giêsu Kitô. Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại, Người hủy bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá" (Pl 2,5-8).

Thứ đến, chúng ta cần dấn thân đáp trả lời Chúa mời gọi hãy đi làm vườn nho của Ngài. "Là Kitô hữu không phải là kết quả của một sự chọn lựa đạo đức hay một lý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ với một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định" (Thông điệp Deus Caritas, 217). ĐGH Phanxicô khi trích dẫn lời trên của ĐTC Benedicto XVI đã quảng diễn : "Chỉ nhờ sự gặp gỡ này - hay sự gặp gỡ mới mẻ này - với tình yêu của Thiên Chúa, được triển nở thành một tình bạn phong phú, chúng ta được giải phóng khỏi sự chật hẹp và khép kín của mình. Chúng ta trở thành con người đầy đủ khi chúng ta vượt lên trên bình diện nhân loại, khi chúng ta để mình được Thiên Chúa đưa vượt qua chính mình để đạt tới sự thật đầy đủ nhất về hiện hữu của mình. Ở đây chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực Phúc Âm hóa của chúng ta. Bởi nếu chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy với người khác?" (Tông huấn Evangelii Gaudium, 8).  Ngài đánh thức mọi tín hữu : "Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời" (sđd số 49).

ĐGH Phanxicô tha thiết kiên định mời gọi chúng ta hãy ra đi, để cống hiến cho mọi người sự sống của Chúa Giêsu Kitô. Ra đi khi "nói có với thách thức của một linh đạo truyền giáo" nghĩa là không để "đời sống thiêng liêng bị đồng hóa với một ít việc thực hành tôn giáo có thể thể đem lại một sự an ủi nào đó mà không khuyến khích việc gặp gỡ người khác, dấn thân vào thế giới hay một niềm say mê loan báo Tin Mừng" (sđd số 78); ra đi khi "nói không với ích kỷ và nguội lạnh thiêng liêng" vì nếu không, thái độ này sẽ biến Hội Thánh thành "một nấm mồ phát triển và từ từ biến những Kitô hữu thành những xác ướp trong một viện bảo tàng" (sđd số 83); ra đi khi "nói không với thái độ bi quan vô bổ" vì "trong sa mạc, những người có đức tin là những người cần thiết để, bằng chính gương sáng đời sống của họ, họ chỉ cho thấy con đường dẫn tới Đất Hứa và giữ vững niềm hy vọng. Chúng ta được kêu gọi làm những mạch nước sự sống cho người khác có thể đến uống" (sđd số 86); ra đi khi "nói có với các mối tương quan mới do Đức Kitô đem đến" vì "ra khỏi mình để hòa vào với người khác là điều tốt cho chúng ta. Tự đóng kín mình là nếm cảm vị đắng độc hại của tính tự tại, và loài người sẽ trở nên tồi tệ hơn vì mỗi một chọn lựa ích kỷ của chúng ta" (sđd số 87); ra đi khi "nói không với tính thế tục trong đời sống thiêng liêng" vì tính thế tục này hệ tại việc "không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thỏa mãn của bản thân"  (sđd số 93); ra đi khi "nói không với việc tranh chấp lẫn nhau" bằng việc "cống hiến một chứng tá rực sáng và hấp dẫn về tình hiệp thông huynh đệ" vì "chúng ta cùng trên một con thuyền hướng về cùng một bến bờ" (sđd số 99)...

Lạy Mẹ Maria, xin nguyện giúp cầu thay cho chúng con đầy nhiệt huyết mới bắt nguồn từ sự phục sinh của Chúa, để chúng con đem đến cho mọi người Tin Mừng của sự sống chiến thắng tử thần.

Xin Ngôi Sao của cuộc tân Phúc Âm hóa, giúp chúng con thành chứng nhân rạng rỡ cho tình hiệp thông và phục vụ, cho đức tin nồng cháy và quảng đại, cho công lý và tình thương đối với người nghèo, để niềm vui Tin Mừng chạm đến tận cùng trái đất, soi sáng cả những bờ rìa thế giới. Amen. (Sđd 288).


 
Tác giả bài viết: Lm. Laurensô M. Phan Ngọc Bích, CMC
Nguồn tin: Gpquinhon.org
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

   

LƯỢT XEM TRANG

  • Đang truy cập: 17
  • Khách viếng thăm: 13
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 8729
  • Tháng hiện tại: 90832
  • Tổng lượt truy cập: 12235092